Trịnh Công Sơn có một tấm lòng thật bao dung nhân ái. Từ hình
tượng con người bình thường nhất cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn lao trong
anh.
Trong từng nốt nhạc của anh thể hiện một sự mượt mà, sang trọng,
sâu lắng rất riêng biệt và rất Huế. Trong hơi thở của mỗi bản nhạc đều ẩn náu một
nỗi buồn của Huế. Huế trong sự réo rắt. Huế trong sự rã rời. Huế trong những âm
thanh huyền ảo về đêm. Huế trong những buổi sớm mai yên lặng. Huế trong sự
thánh thót diệu kỳ mùa xuân; nỗi buồn ngay trong nắng cháy mùa hè bỗng cơn
giông ập đến. Huế ảm đạm những đám mây chiều đông. Huế não nề trong đêm dài mưa
dầm lạnh buốt. Trong chất nhạc của anh tất cả đều là Huế bởi có những nỗi buồn
chỉ Huế mới có được; có những điều không diễn tả nỗi thành lời chỉ người Huế mới
hiểu. Huế có trong "ướt mi" đến "Diễm xưa". Huế trong
"Hạ trắng", "Biển nhớ", Huế trong "Cát bụi - tình
xa", trong 'khói trời mênh mong", "Đêm thấy ta là thác đổ",
trong "Một cõi đi về" trong "Dấu chân địa đàng", trong
"phôi pha", trong "lời thiên thu gọi"...
Nhiều người hỏi vì sao trong lời ca của Trịnh Công Sơn không
có từ "Huế" nào. Đúng, không có nhưng nó là Huế đấy: chẳng Huế sao được
khi mà "chiều một mình qua phố âm thầm nhớ tên em" (Chiều Một Mình
Qua Phố). Chỉ có Huế người ta mới nói "qua phố" (Qua sông để đến phố),
bởi Huế chỉ có hai con đường được gọi là phố. "Gió ơi gió ơi bay lên để bụi
đường cay lòng mắt" buồn quá, muốn khóc mà khóc không nổi - Huế đấy!
"Em đi về chiều mưa ướt áo, đường phượng bay mù quên lối về" - cũng
Huế đấy!... Tất cả đều là Huế. Nhiều, nhiều lắm, không thể kể hết những hàng
cây, con đường, góc phố của Huế trong lời ca của Trịnh Công Sơn.
Điểm mạnh trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là lời bài hát, nó
vừa trải dài của sự mượt mà, vừa lắng sâu trong suy tưởng, triết lý khiến người
hát lắm lúc cứ phải suy ngẫm chẳng hiểu mình vừa hát cái gì và hát về ai. Có lẽ
đây là điều mà anh hơn nhiều hơn nhạc sĩ khác. Anh triết lý với cỏ cây hoa lá,
triết lý với tình yêu, với mọi lẽ sống trên đời... và với cả nhân gian tạo hóa.
Trong thế kỷ XX này, ở Việt Nam có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc
sĩ dẫn đầu về số lượng ca khúc được nhiều người yêu thích và có khả năng lưu
danh hậu thế. Anh có hàng trăm bài hát được nhiều người biết đến. Lớp trẻ thích
anh bởi anh có quá nhiều ca khúc nói về tình yêu mà nói rất dịu dàng, đằm thắm.
Hồn nhạc của anh tha thiết, dễ đi vào lòng người. Lời ca của anh đầy nhân ái,
xót xa, thương cảm cho từng số phận con người. Hình như ai cũng có thể tìm thấy
mình trong bài hát của anh.
Theo http://www3.thuathienhue.gov.vn/
Mưa Huế và nhạc Trịnh
Nhạc Trịnh Công Sơn không còn xa lạ gì đối với mọi người mà
ngược lại nó rất gần gũi và tôi dám chắc rằng mọi người đều nghe nhạc Trịnh.
Nhạc bây giờ khá nhiều bài cứ trần trụi, lồ lộ, hát là hiểu đấy,
là tình yêu đấy nhưng cứ vô hồn, nhạt nhẽo. Nhạc Trịnh không rõ ràng, nhưng cứ
hát lên thì gần gũi như là hơi thở của mình, là sống như thế, là yêu như thế,
là phận người, là tình yêu, tôi chỉ cảm nhận bằng con tim mình, không thể nào cắt
nghĩa hay phân tích được. Chỉ biết nghe và đôi khi vẫn hát để rồi cảm nhận bằng
chính trái tim, sự rung động của con tim mình. Có thể nói nhạc Trịnh chính là sự
dẫn dắt từ con tim này đến con tim khác đó chính là tình yêu chung cho những ai
yêu nhạc Trịnh.
Nhạc Trịnh không dễ hiểu, nhưng những ca từ rất gần gũi, là 1
thứ ngôn ngữ cực kỳ giản dị, những chi tiết đời thường, với nhiều góc độ khác
nhau nhưng hầu như tất cả các bản nhạc của ông đều bắt đầu bằng cung La thứ nhẹ
nhàng, sâu lắng như chính con người của ông, đó phải chăng cũng là một phần
tính cách của con người xứ Huế.
Huế là một nơi gắn liền với nhiều ca khúc và những năm tháng
thanh niên của ông. TCS vẫn dành cho Huế những yêu thương, hình ảnh của Huế
luôn tràn đầy trong nội tâm của TCS. Dù không phải lúc nào ông cũng nói ra, tôi
nghĩ là thế. Cũng như Bùi Xuân Phái, phố cổ Hà Nội lúc nào cũng quạnh hiu với
màu nâu buồn, đầy rêu phong nhưng vẫn hiện lên sự ấm áp và dung dị của người Hà
thành, là tình yêu của hoạ sĩ dành cho Hà Nội. Phố Huế trong nhạc Trịnh cũng vậy,
là đường phố hoang vu, là sâu hun hút, là mù lối đi, thành phố vẫn nắng vàng, vẫn
mưa, cây sang thu lá úa rơi mù… nhưng luôn ấm hơi người, sâu lắng, nặng tình nặng
nghĩa.
Khi nghe nhạc Trịnh tôi bắt gặp chất Huế trong âm nhạc của
ông nhưng những gì về Huế không hiện lên rõ ràng, không bằng một địa danh nào cả,
cứ hát lên là thấy không gian Huế, thiên nhiên Huế trong đó và thiên nhiên
không thể thiếu trong âm nhạc TCS.
Phải chăng tôi đã tìm thấy một chút gì của mình ở trong những
ca từ ấy, dù mình không hiểu về nhạc Trịnh, nhưng có lẻ khi những kinh nghiệm của
cuộc sống, hay đời sống nội tâm của con người chưa đủ từng trải để cảm nhận,
đón nhận những vui buồn, bất hạnh trong cuộc đời này, người ta lại tìm về thiên
nhiên. Tôi cũng thế, những lúc lòng chông chênh tôi lại tìm về với thiên nhiên,
có thể một mình bên sông Hương, có thể một mình trước biển hay một mình lang
thang đâu đó, tìm về để thấy lòng mình ngoan hiền, dễ chịu và tan vào trong khoảng
không gian ấy và chợt nhận ra rằng thiên nhiên lúc ấy như một nàng tiên trong cổ
tích, hiền hoà và tinh khôi.
Nhắc đến Huế, ít nhiều người ta cũng nghĩ đến mưa Huế. Mưa và
mưa, cũng là hạt mưa rơi xuống trần gian này nhưng chỉ có mưa Huế mới mịt mù
như thế, chỉ có mưa Huế mới xanh xao mới da diết, âm ỉ và day dứt:
Đường phượng bay mù không lối vào. ( Mưa hồng)
Hay: Mưa vẫn bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thưở
mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm
sâu... (Diễm xưa)
Ôi! tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. Trời mưa, trời mưa
không dứt (Lời buồn thánh)
Và Nắng cũng là màu sắc lung linh của tâm hồn Trịnh, là niềm
vui của cuộc đời buồn nhiều hơn vui này:
Trời ươm nắng cho mây hồng (Mưa hồng)
Đường phượng bay trong "Mưa hồng"
Mưa nắng chỉ có 2 mùa đi về đâu đó nhưng ở xứ Huế nhỏ bé, trầm
mặc này, bốn mùa vẫn đi về. Bốn mùa cứ lặng lẽ chuyển mình và đi vào nhạc Trịnh
bằng sự cảm nhận tinh tế:
Con đường thật buồn một ngày cuối đông. Con đường mịt mù một
ngày cuối thu. Em vào mùa hạ nắng thắp trên cao. Và mùa xuân nào ngẩn ngơ tình
mới (Tôi ru em ngủ)
Và những địa danh hay một quán nhỏ liêu xiêu nào ở Huế cũng
hiện lên trong nhạc ông:
Một chiều kia có người tình trẻ, đi lang thang quanh ngôi
thành cổ. (Níu tay nghìn trùng)
Con đường có hàng cây long não, nơi nhạc sĩ vẫn thường nhìn từ
balcon nhà mình mỗi khi người con gái Huế ấy đi học ngang qua. Người con gái ấy
là Diễm của những ngày xưa.
Người ta vẫn bắt gặp dòng sông chảy nhẹ nhàng, êm dịu nhưng
chở đầy ưu tư, trầm lặng và sâu, rõ ràng không thể tìm thấy những điều ấy ở
dòng sông khác mà chỉ có thể tìm thấy ở dòng sông ở Huế, sông Hương:
Một dòng sông sâu, chở hồn thương đau. (Em đi trong chiều)
Một dòng sông đã qua đời. (Có một dòng sông đã qua đời)
Và cũng nơi đây, ở thành phố nhỏ bé vốn cổ kính trầm mặc này,
những chứng tich thời gian khiến Huế trở nên nửa hư nửa thực với nhiều đền đài,
lăng tẩm, thành cổ và những ngôi chùa dễ đưa con người đến với hoài niệm man
mác. Theo thời gian mọi thứ sẽ tan phai, chỉ còn lại những kỷ niệm ngọt ngào, kỷ
niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên đi và nhiều ca khúc đã ra đời ở đây.
Nhạc Trịnh và cũng như Huế mãi mãi cứ nồng nàn, mãi mãi cứ hoài niệm. Vì thế
không lạ gì khi đến Huế người ta bắt gặp nhiều quán café mang tên Phôi pha, Hạ
Trắng, Mưa Hồng, Vô thường…và đó cũng là cái cách người Huế yêu nhạc Trịnh, cái
thú nhìn mưa nghiền ngẫm nỗi buồn để tìm thấy niềm vui khi nhâm nhi tách café với
những bản nhạc Trịnh, dù rằng mưa Huế khá da diết và nhạc Trinh với tiếng hát
Khánh Ly cứ ma mị như sương khói bay đi.
Thời gian dần qua đi, tôi nghe và cảm nhận nhạc Trịnh sâu
hơn, lắng đọng hơn theo cách của riêng tôi. Và càng thấm đẫm hơn tình yêu trong
nhạc Trịnh từ ngày ai đó rời xa tôi.
Đã từng nghêu ngao hát tôi ơi đừng tuyệt vọng và chợt hỏi tôi
là ai mà yêu quá đời này.
Đã bao lần ta tìm về nơi ấy để quay về lặng lẽ nơi này riêng
ta, rồi tự ru tình trong tim ta để rồi chìm đắm trong tình xa, tình nhớ, tình sầu…và
chỉ để gió cuốn đi và vẫn yêu ngày tới dù đã vắng bóng ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét