Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Không gian trong nghệ thuật Ca Huế

Không gian trong nghệ thuật Ca Huế
Bài viết bàn về không gian diễn xướng Ca Huế và không gian trong nội dung bài Ca Huế. Bài viết cho thấy nội dung Ca Huế thường thể hiện tâm hồn thanh tịnh, mộng mơ, thoát tục. Tính chất trang nhã, quí phái, nhẹ nhàng này chỉ có thể tồn tại trong một không gian thích hợp. Đó là một không gian yên tĩnh, gần với thiên nhiên, cây cỏ, có phong cảnh hữu tình, hương trầm thoang thoảng, có bạn tri kỷ, đồng điệu hòa vui.
Huế, vùng đất kinh kỳ của một thời; Vùng đất của sông Hương, núi Ngự, của tà áo dài mềm mại, nón bài thơ che nghiêng.Không gian văn hóa Huế là sự dung hợp giữa cảnh quang thơ mộng và ý chí quật cường tranh đấu với thiên nhiên khắc nghiệt của người dân, sự hài hoà giữa đạo và đời, sự tồn tại tương phản nhưng không tương khắc giữa kinh đô cổ kính bên này dòng Hương và thành phố mới bên kia sông, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cung đình và dân gian.
Trong không gian này, tồn tại một thể loại âm nhạc mang linh hồn của người Huế. Đó là Ca Huế. Tiếp cận Ca Huế từ góc nhìn vào không gian trong Ca Huế, chúng sẽ thấy những điều thú vị, đồng thời có những điều cần suy nghĩ.
1- Không gian diễn xướng Ca Huế
Thể loại Ca Huế là thể loại âm nhạc xuất phát từ Huế. Theo sách “Cố đô Huế đẹp và thơ” thì “Các điệu Ca Huế như mới sản xuất từ đời chúa Minh Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu (1692-1725). Bấy giờ thủ phủ miền Trung đặt tại Phú Xuân, huyện Hương Trà, vào chỗ đông – nam kinh thành Huế hiện nay (...) chính trong khung cảnh mỹ lệ này mà các điệu Ca Huế đã lần hồi xuất hiện (...)” [Phan Thuận An và ngk 1994: 168] [1]. Như vậy có thể nói không gian văn hoá nghệ thuật ở Huế chính là chiếc nôi sinh ra Ca Huế và cũng là môi trường thích hợp nhất cho sự tồn tại và phát triển của thể loại này.
Môi trường sản sinh ra Ca Huế vừa là trong cung đình, vừa là ngoài dân gian. Ca Huế hình thành từ một số bài bản lễ nhạc cung đình như: Long Ngâm, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, 10 bài Ngự [Nguyễn Đình Sáng (cb) 2005: 22]. Tương truyền rằng một số vua chúa và quan lại trong cung đã sáng tác những bản Ca Huế ban đầu. Chúa Nguyễn Phúc Chu sáng tác bài Ai Giang Nam là tiền thân của bài Nam Ai. Vua Tự Đức sáng tác bài Tứ Đại Cảnh (tương truyền là có nguồn gốc từ bài “Khi tương phùng”, dân ca quan họ). Tuy Lý Vương Miên Trinh viết bài Nam Cầm Khúc... Vậy nên không gian diễn xướng ban đầu của Ca Huế là trong dinh thự, tư thất của các vua chúa, quí tộc, quan lại triều nhà Nguyễn. Trong không gian này, âm nhạc mang nét từ tốn, đĩnh đạc, trang nhã. Lời ca do các vua quan sáng tác nên nhiều chữ nho, dẫn các điển tích. Không gian tư thất mang lại cảm giác tĩnh tại, trầm tư; người ta sẽ cảm nhận rõ hơn tiếng lòng thổn thức. Ca Huế là thể loại âm nhạc mang tính “tri âm, tri kỷ”. Vì vậy trong không gian diễn xướng không thể có đông người, náo nhiệt. Thường thì chỉ có những người đàn và hát tự thưởng thức với nhau, không có khán giả chỉ ngồi nghe. Đặc điểm này cũng có ở Ca Trù và Ca Nhạc Tài Tử Nam Bộ thời kỳ đầu. Trong thính phòng, người ta thường làm ấm không gian để góp phần tạo cảm xúc bằng cách đốt lên một lò hương trầm đặt ở vị trí thích hợp cho mùi hương thoang thoảng tỏa ra, làm dịu lòng người. Trong không khí thân mật, các nghệ nhân Ca Huế thường diễn xướng ở tư thế ngồi: ngồi xếp chân trên một cái phảng to hoặc trải chiếu ngồi dưới nền nhà. Người ca và những người đàn thường ngồi nhóm lại, đối mặt nhau để dễ dàng nhìn nhau, đưa hơi, bắt nhịp. Người hát và người đàn lắng nghe nhau, người này truyền cảm hứng cho người kia để đàn hát đồng điệu hơn, ăn ý hơn, say mê hơn.
Ca Huế là thể loại âm nhạc thính phòng xuất phát từ cung đình, vì vậy mặc dù về sau được dân gian hóa, nó vẫn mang ảnh hưởng màu sắc lễ nghi, tao nhã của chốn cung đình. Những người ngồi diễn xướng Ca Huế thường không ăn mặc xuề xòa, giản dị như những người diễn xướng Ca Nhạc Tài Tử Nam Bộ. Tuy chỉ đàn hát trong thính phòng nhỏ, trong một nhóm chỉ vài người, mọi người cũng vẫn ăn mặc áo dài chỉnh tề, đầu tóc vấn khăn gọn gẽ.
Ngoài không gian trong phòng, Ca Huế còn có thể có một không gian diễn xướng quen thuộc khác là trong khuôn viên vườn nhà của một văn thân, nho sĩ hay vị quan lại nào đó. Khung cảnh nhà vườn Huế với nét nên thơ, yên tĩnh đã tạo nên một khung cảnh vô cùng thích hợp cho Ca Huế. Không khí thông thoáng, mát dịu với cây kiểng, hoa trái dễ làm tâm hồn lâng lâng, thư thái, gợi hứng cho những khúc nhạc trữ tình. Bài trí không gian cho nhóm Ca Huế trong vườn cũng có sập gụ, lò hương như trong phòng.
Một không gian khác không kém phần thi vị, mà có khi còn hoà hợp hơn với tính chất tao nhã, bay bổng của Ca Huế. Đó là không gian rộng lớn của con sông Hương trong vắt bao đời chảy lững lờ ngang qua kinh thành Huế cổ kính. Hãy tưởng tượng, không gian bên trong của một con đò sẽ vừa đủ cho một nhóm Ca Huế chỉ cần dăm ba người đàn với một người hát. Không gian trong đò sẽ tạo cảm giác ấm cúng, âm thanh tập trung, không bị loãng. Đồng thời chỉ cần nhìn ra bên ngoài, một khoảng không rộng lớn, sông nước mênh mang, sương khói mờ ảo, trời nước hoà quyện, sẽ dễ dàng gợi cảm hứng cho kẻ tao nhân mặc khách. Trên dòng Hương Giang, nhất là vào những đêm có trăng sáng, không gì thú vị bằng ngồi thoải mái trên thuyền, mơ mộng theo khúc Ca Huế xa xăm, diệu vợi của ca nương. Vì vậy, Ca Huế trên đò sông Hương đã trở thành một thú vui tao nhã từ thời các vua Nguyễn.
Ngày nay, khi triều đình nhà Nguyễn không còn, Ca Huế trên sông Hương trở thành các tiết mục trình diễn trong dịch vụ du lịch để phục vụ khách du lịch từ vùng khác đến Huế. Không gian Ca Huế trên đò sông Hương có sự thay đổi so với ngày xưa. Người đàn và ca không ngồi xếp chân trên phảng hay trên chiếu nữa. Người đàn thường ngồi trên ghế, người hát thì đứng. Không khí buổi hát không còn là tri âm tri kỷ, chỉ có những người đàn hát tự thưởng thức với nhau nữa; Những người đàn và hát trở thành diễn viên có khán giả ngồi thưởng lãm. Mặt dù không gian trình diễn không phân chia rõ rệt sân khấu của người diễn và ghế ngồi khán giả, nhưng sự thân mật, đồng điệu, ấm cúng xưa kia đã giảm đi rất nhiều.
Không gian diễn tấu Ca Huế trước đây là trong thính phòng, âm lượng vừa phải, âm thanh thật của giọng ca và tiếng đàn. Ngày nay, do xã hội thay đổi, ca Huế đã được đưa lên sân khấu trình diễn cho hàng trăm, có khi hàng nghìn khán giả xem với hệ thống khếch âm mạnh mẽ. Người đàn và người hát không còn ngồi đối mặt nhau để nắm bắt ý tứ của nhau mà tất cả người diễn đều quay mặt xuống khán giả. Những sự thay đổi này làm biến dạng tính chất ban đầu của Ca Huế. Đặc điểm tri âm, tri kỷ, sự ấm cúng thân mật của không gian thính phòng nhỏ, nét hấp dẫn của giọng ca nhỏ nhẹ, tình tự hoà cùng tiếng đàn bay bổng, thanh tao, tất cả đều bị phá vỡ. Ca Huế bị mất đi nét hấp dẫn đặc trưng vốn có của nó.
2- Không gian trong nội dung bài Ca Huế
Các bài bản Ca Huế nói chung thường nói về phong cảnh thiên nhiên, tình yêu trai gái, thú vui điền viên, thoát tục. Không gian của các bài thường lấy khung cảnh trữ tình, mộng mơ của xứ Huế.
Hò Mái Nhì (từ dân ca Bình Trị Thiên du nhập vào Ca Huế):
“Núi Ngự Bình mơ màng trăng gió,
Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình;
Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh,
Sông bao nhiêu nước, dạ em si tình bấy nhiêu.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong;
Mặc ai một dạ hai lòng,
Em ôm duyên thủ tiết loan phòng đợi anh.”
Vô Danh
Trong bài Hò Mái Nhì này, chúng ta thấy hiện diện cả “sông Hương thanh thanh”, “núi Ngự mơ màng”, “sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Cảnh vật sông núi ở Huế đã quyện làm một với duyên tình cô gái Huế.
Trong thời kỳ thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, triều đình bất lực, đầu hàng quân giặc, một số quan lại, sĩ phu yêu nước bất mãn với thời cuộc nên đã lánh đời, tìm thú vui điền viên, yên tĩnh. Đây chính là lực lượng sáng tác Ca Huế rất nhiều. Những bài Ca Huế theo phong cách của các quan lại, sĩ phu này có không gian tĩnh mịch, thanh nhàn, cảnh vật thần tiên, thoát tục.
Hành Vân:
“Nhạn ven trời, nhạn ven trời,
Én liệng ngoài khơi.
Cầu Ô Thước ta bước sang chơi, ấy nơi tình tự;
Về non Giáp, trông dòng Tương.
Sóng rợn rồi sao, nỗi đợi chờ, thêm càng thương nhớ.
Vòng nợ duyên, vòng nợ duyên,
Ngọc Lam Điền hiệp đoàn loan phụng,
Hội thần tiên, thần tiên,
Bông đào, bông lý, ây nhụy bông hường,
Thơm nức bên tường, ấy mùi hương, mùi hương.
Gẩy nhịp đàn, dâng cầu quỳnh tương,
Tơ tình lăng líu, líu lăng vì sợi tơ vươn.”
Thật là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình với chim lượn ngang trời, hoa thơm nở rộ trong vườn, gẩy đàn, uống rượu. Khách đa tình ngồi thanh thản trong vườn nhà mơ mộng chuyện tình duyên chốn thần tiên.
Không gian trong Ca Huế thường là một không gian rất riêng, chỉ có “ta” với “mình”, “thiếp” với “chàng”, với niềm tâm sự riêng tây.
Nam Xuân:
“...Mây hồng đưa gởi thơ nhàn, gởi thơ nhàn,
Đưa sang tình tự thiếp chàng
Đôi đàng thương nhớ,
Thiếp với chàng đôi đàng thương nhớ.
Thương nhau phải băng ngàn,
Trót cưu mang, xin cho toàn,
Chớ đem dạ phụ phàng...”
Bình Bán:
“Non nước, nguyền non nước,
Xin ai, sánh vai đừng ngại,
Quyết lâu dài, sum vầy trúc mai,
Mấy lời phụ người,
Cùng nhau, trước sau cho vẹn...”
Đây là lời tình tự, hẹn thề giữa đôi trai gái yêu nhau. Trong không gian bài ca, chỉ có đôi lứa tình tự với lời lẽ mặn nồng, tha thiết.
Có khi, không gian bài ca chỉ tồn tại một nhân vật duy nhất. Lời ca mang tính tự sự.
Nguyên Tiêu (một trong 10 bài ngự):
“Trăng gió, trăng gió thêm chạnh,
Kìa những lời kim ngọc,
Làm sao, vắng tin người ngọc,
Đành lòng sao đang.
Chạnh xui dạ man mác,
...Trằn trọc, chốn thềm hoa mơ màng,
Lúc canh khuya nhớ chàng thêm ngán,
Trăng già, thiệt là trớ trêu.
Nghĩa càng thêm nặng,
Chớ đem dạ đá vàng lợt phai.”
Lời tự sự, thổn thức của cô gái giữa đêm khuya thanh vắng nghe sao bồi hồi, man mác buồn thương.
Đặc biệt, có hai bài Ca Huế: Nam Ai và Nam Bình với lời cổ tỏ lòng biết ơn và thương tiếc cho nàng công chúa Huyền Trân, đưa chúng ta quay về với không gian lịch sử thời nhà Trần.
Nam Ai:
“Ngoảnh lui cố quốc, ngập ngừng gót ngọc,
Mây phủ kín trời thương, ngơ ngẩn bâng khuâng,
Hoa đang độ thanh xuân, dập vùi, cứu nạn muôn dân,
Không sánh đặng Chiêu Quân, cho trọn đạo quân thần,
Vẽ chi một đóa yêu kiều, diễm lệ,
Vàng thau lẫn lộn, xót phận hỗ hang.
Gẫm thân bẽ bàng, kiếp hồng nhan,
Duyên nợ dở dang, ôi Phụ Hoàng!
Vị nghĩa giao bang, hiếu trung đôi đàng,
Thân ngọc vàng đem vùi cát bụi,
Cho cảnh nợ Ô Ly, ngậm ngùi kẻ ở người đi,
Cơn nước lửa phò nguy, nát thân sá gì.”
Nam Bình:
“Nước non ngàn dặm ra đi,
Cái tình chi?
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô Ly,
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì, độ xuân thì,
Cái lương duyên, hay là cái nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Quyết liều như hoa tàn, trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì,
Khúc ly ca,
Sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng, bóng như hoa quì
Dặn một lời Mân Quân,
Nay chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân, vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần.”
Câu chuyện về nàng công chúa Huyền Trân bị vua nhà Trần gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô và Ly đã gây sự cảm thương, tiếc nuối trong lòng người dân xứ Huế. Dân chúng thương cho người con gái Việt xinh đẹp, trẻ trung, hiền dịu đã phải hy sinh thân mình cho đất nước, dân tộc.
Tóm lại, nội dung Ca Huế thường thể hiện tâm hồn thanh tịnh, mộng mơ, thoát tục. Tính chất trang nhã, quí phái, nhẹ nhàng này chỉ có thể tồn tại trong một không gian thích hợp. Đó là một không gian yên tĩnh, gần với thiên nhiên, cây cỏ; Một không gian phong cảnh hữu tình, có hương trầm thoang thoảng, có bạn tri kỷ, đồng điệu hòa vui. Không gian văn hóa Huế với cảnh vật sông núi thơ mộng, con người hiền hoà, yêu nghệ thuật, chính là suối nguồn nuôi dưỡng tốt nhất cho nghệ thuật Ca Huế tồn tại và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
B.A.V.H 1998: Những người bạn cố đô Huế, tập VI, dịch giả: Đặng Như Tùng. - Huế: Nxb Thuận Hoá.
Dương Bích Hà 1997: Lý Huế. – H.: Viện Âm nhạc và Nxb Âm Nhạc.
Lê Văn Chưởng 2005: Du lịch xứ Huế- Trên những nẻo dân ca. – Huế: Nxb Thuận Hoá.
Mai Ưng 1991: Huế vài nét cố đô. H.: Nxb Hội Nhà Văn và Công ty Quản lý Di tích Huế.
Ngô Văn Doanh 2002: Văn hóa cổ Chămpa. – H.: Nxb Văn hóa Dân tộc.
Nguyễn Đình Sáng (cb) 2005: Những điều cần biết về hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương. - Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên - Huế.
Phan Thuận An và ngk 1994: Phan Thuận An, Tôn Thất Bình, Lê Hoà Chi, Việt Dũng, Anh Sơn, Thanh Tùng, Duy Từ (biên soạn). Cố đô Huế đẹp và thơ. - Huế: Nxb Thuận Hoá.
Tôn Thất Bình 2006: Những đặc trưng của hò Trị Thiên. - Tp. HCM: Nxb Trẻ.
Trần Kiều Lại Thuỷ 1997: Âmnhạc cung đình triều Nguyễn. - Huế: Nxb Thuận Hoá.
Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. - Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Văn Tân (cb) 1977: Từ điển tiếng Việt. - H.: Nxb Khoa học Xã hội.
Văn Thanh 1989: Tìmhiểu Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên. – Huế: Sở Văn hoá Thông tin Bình Trị Thiên.
Nguyễn Ngọc Bình: Giữ gìn vốn văn hóa dân tộc – Ca Huế. - Tư liệu do ông Nguyễn Ngọc Bình Giám đốc nhà hát ca kịch Huế cung cấp.
[1] Đoạn văn này sách trích dẫn lại từ một nguồn khác mà không ghi chú nguồn gốc trích dẫn.
Trần Kiều Lại Thủy
Theo http://www.vanhoahoc.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bóng dáng chim câu

Bóng dáng chim câu Bay đi! Bay đi! Ơi con câu xanh! Người ấy đợi chờ tôi mòn mỏi Hồi đó tôi hai mươi tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới...