Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Lễ rước nước của cư dân ven sông Hồng

Lễ rước nước của cư dân ven sông Hồng
Vĩnh Tường là huyện đồng bằng phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Phúc, vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử- văn hóa, cách mạng được tích tụ, bồi đắp qua mấy nghìn năm lịch sử.
Nơi đây là trung tâm sinh tụ của các cư dân xóm làng canh tác nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng.Các di chỉ khảo cổ học khai quật được ở Lũng Hoà, Nghĩa Hưng, Đồng Hương, Ma Cả, Gò Mát đã chứng minh nơi đây là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Về sau các di tích kiến trúc dọc theo sông Hồng phần nhiều cũng là nơi thờ các vị thiên thần liên quan đến Nhà nước Văn Lang như: Đền Ngự Dội (thôn Duy Bình - xã Vĩnh Ninh); đình Khách Nhi (thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh); đình Cam Giá (thôn Cam Giá, xã An Tường) và các di tích khác thờ các vị anh hùng dân tộc ở các giai đoạn tiếp theo của lịch sử như các làng Bích Chu, Thủ Độ, An Tường, Kim Đê xã An Tường; làng Vân Giang - xã Lý Nhân, làng An Lão - xã Vĩnh Thịnh. Tất cả đều nổi tiếng với lễ hội rước nước.
Theo tác giả Toan Ánh trong cuốn “Nếp Cũ - Hội Hè Đình Đám có ghi: Lễ rước nước tức là có một đám rước, rước nước ở sông hoặc ở giếng về đền được thực hiện trước khi làm lễ mộc dục.
Bên cạnh ý nghĩa đó, theo cư dân nơi đây tiến hành lễ rước nước là lấy dòng nước trong sạch, tinh khiết ở giữa dòng sông Hồng (hay còn gọi là dòng nước hai) về để tắm thánh, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đến các vị thần được thờ ở đình. Đồng thời, nói lên ước mơ nguyện vọng của cư dân định cư canh tác nông nghiệp trong vùng sông nước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Với dung lượng của bài viết trên tạp chí, xin được đề cập đến một số lễ rước nước tiêu biểu của cư dân ven sông Hồng ở góc độ quy mô.
Quy mô tổ chức theo làng gồm các làng Cam Giá, Bích Chu, Thủ Độ, Kim Đê, xã An Tường; làng Khách Nhi - xã Vĩnh Thịnh; làng Vân Giang, xã Lý Nhân.
Xã An Tường, huyện Vĩnh Tường là nơi tụ hội của các di tích: Đình Cam Giá, Bích Chu, Thủ Độ, Kim Đê, đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử văn hoá độc đáo, vừa kết hợp giữa kiểu kiến trúc truyền thống và hiện đại, đồng thời còn lưu giữ nền văn hoá dân gian đậm nét của cư dân ven sông đó là lễ rước nước. Vào ngày hội, những dòng người đổ về các làng để dự lễ hội:
Làng Thủ Độ, Bích Chu cùng mở hội vào ngày mồng 6, mồng 7 tháng Giêng (âm lịch). Chiều ngày mồng 6, nghi thức rước nước được tiến hành, mỗi làng mỗi vẻ, song mục đích của việc rước nước về để tắm vua đó là cách gọi tỏ lòng thành kính của nhân dân nơi đây đến vị thần được thờ ở đình là  Lý Nhã Lang - người có công giúp Lý Phật Tử đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập thế kỷ VI.
Ngày mồng 7-10 tháng giêng (âm lịch): Là ngày hội của làng Cam Giá để tưởng nhớ đến vị thần Cao Sơn và Cự Hải, có công lớn trong việc điều binh, khiển tướng, đánh thắng quân Thục, giữ nghiệp nhà Hùng. Từ xưa đến nay, lễ hội ở đình Cam Giá vẫn được duy trì trong 4 ngày:
+ Ngày mồng 7 tháng Giêng: Tiến hành tế khai hạ, mời Tản Viên Sơn Thánh về cùng dự hội.
+ Ngày mồng 8 tháng Giêng: Làng vào đám chuẩn bị cho lễ rước nước.
+ Ngày mồng 9 tháng Giêng: Lễ rước nước (lễ cấp thuỷ) được tiến hành.
+ Ngày 10 tháng Giêng: Làng vào đại tiệc
Ngày 10 tháng Hai (âm lịch): làng Kim Đê vào hội. Trước đây lễ rước nước được cử hành từ 15 giờ cho đến 19 giờ, về đến làng là trời tối, dân làng Kim Đê chuẩn bị những cây đuốc đốt lên, đồng thời với rước nước có cả rước đuốc. Ngày nay, dân làng Kim Đê chuyển sang rước ban ngày, khoảng từ 14 giờ đến 17 giờ. Đình thờ Thổ Lệnh và Thạch Khanh ở thế kỷ VI, có tài chữa bệnh cho nhân dân. 
Cùng nằm một dải bên bờ sông Hồng, xã Lý Nhân có đình Vân Giang lễ rước nước được tổ chức vào ngày 11-12 tháng 2 trong tiệc chung của làng gọi là tiệc rể - tiệc dành riêng cho các chàng rể về làng làm lễ. Lễ rước nước được tiến hành từ 14 giờ đến 15 giờ chiều ngày 11 tháng 2, đi đầu đoàn rước là đội cờ, trống, chiêng, bát bửu, kiệu văn, phường bát âm, đội tế và cuối cùng là dân làng. Sau khi tiến hành các thủ tục lấy nước khoảng 2 đến 3 tiếng, đoàn rước quay về. Song song với hành trình đó ở đình cũng bố trí một đoàn rước để đi đón kiệu rước nước, đoàn rước gồm có cờ, trống và 1 kiệu bát cống, cùng vị chủ tế. Hai đoàn tiếp tục đi, đến lúc nào gặp nhau thì vị chủ tế sẽ là người đặt choé nước lên kiệu bát cống (kiệu lớn) rước về đình. Đó là nét riêng, nét khác biệt trong lễ rước nước của dân làng Vân Giang.
Làng Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh mở hội vào các ngày 16  18 tháng giêng (âm lịch), tiệc làm to hơn cả là vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Tiệc tiến hành tuần tự như sau: Ngày 16: Cáo tiệc (báo cáo việc tế lễ) và rước nước. Chủ lễ dẫn đầu đoàn lễ hương nhang trong đình và đoàn kiệu rước choé ra sông lấy nước. Đoàn kiệu đi từ đình thẳng ra sông Hồng, giữa đường dừng lại để cúng quan Đạo Lộ (quan cai quản đường đi), khi đến bến sông làm lễ cúng quan Hà Bá (thuỷ thần), rồi chủ tế xuống thuyền mang theo choé sứ, thuyền bơi ra giữa sông múc 2 choé nước rồi bơi vào bờ để lên kiệu, rước về đình. Đến đêm (khoảng 12 giờ) làm lễ mục dục. Sáng ngày 17, đội tế tiến hành tế 3 tuần: Hành sơ hiến lễ, hành á hiến lễ và hành chung hiến lễ. Từ chiều ngày 17 là bước sang phần hội với các trò chơi: rồi đấu vật, bịt mắt đập nồi, chọi gà... và các trò diễn: hát cửa đình, hát chèo. 
Quy mô tổ chức lễ hội vùng miền: Điển hình nhất là lễ rước nước làng Duy Bình xã Vĩnh Ninh, làng An Lão xã Vĩnh Thịnh.
Làng Duy Bình trước có tên là La Phiên, đến năm 1082 được đổi thành Duy Bình. Làng nổi tiếng với ngôi đền chứa đựng huyền tích về vị thánh Tản Viên, đó là đền Ngự Dội hay còn gọi là đền Dội. Ngôi đền toạ lạc trên bãi đất rộng, thoáng mát, phía trước là dòng sông Hồng. Đền Ngự Dội, tên chữ là mộc dục điện  nghĩa là đền tắm gội. Đền gắn với một truyền thuyết xa xưa: Truyện kể rằng, vào thời Vua Hùng Vương thứ 18, Tản Viên Sơn Thánh và 2 vị bộ tướng (Cao Sơn, Quý Minh) cùng 150 tướng quân đi đánh quân Thục trở về, qua vùng đất (Vĩnh Ninh ngay nay) thấy có một gò đất nổi lên, cỏ mọc xanh rờn, Sơn Thánh liền cho quân dừng lại nghỉ chân ở cánh bãi La Phiên bên bờ tả sông Hồng. Bỗng từ xã có nghe tiếng hát. Theo tiếng hát đó, Sơn Thánh cùng các tướng lĩnh đi đến thì thấy hai cô gái đang cắt cỏ. Sơn Thánh liền bảo: "Ta đi đánh giặc khắp nơi, về đây muốn chút những bụi băm phong trần, nhà ngươi hãy dùng sọt gánh nước lên đây cho ta tắm gội. Hai cô liền từ chối vì đây không có thùng đựng nước. Nhưng Sơn Thánh bảo hai cô cứ xuống múc nước. Lạ thay đôi sọt tre lại đựng đầy hai sọt nước, mà không bị chảy mất một giọt nào. Biết là có nhân thần, hai cô gái liền chạy về làng loan báo các bô lão và dân làng. Dân làng La Phiên (nay là Duy Bình) cho đây là điều lành thiên giáng, đã nhanh chóng mổ lợn, đem ra gò dâng lên đạo quân. Nhưng lễ vật chưa kịp làm chín mới chỉ lợn cả con cạo sạch lông, mổ sạch lòng gan, gạo chưa kịp thổi thành xôi, trầu chưa được quyét vôi đem ra đến nơi thì đạo quân cuả Sơn Thánh đã rời gò, hướng mũi về Ba Vì. Để tưởng nhớ đến sự tích Sơn Thánh đã từng qua miền đất này và dừng chân để tắm gội, dân làng Duy Bình lập đền thờ mang tên Ngự Dội.
Trước khi về núi Tản Viên, Sơn Thánh lại dừng ở rừng Lim (xã Trung Hưng) dạy dân cấy lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, săn bắn thú, chống hạn, đắp đê ngăn lũ...Cũng theo đó, dân làng Vân Gia - Trung Hưng cũng lập đền Và để tưởng nhớ công lao trời bể của Sơn Thánh. Cũng từ đây hai thôn Duy Bình và Vân Gia có mối quan hệ mật thiết trong tình cảm cũng như tổ chức lễ hội. 
Hai làng cùng thống nhất cứ 3 năm 1 lần vào các năm Tý  Ngọ - Mão  Dậu, dân làng Vân Gia rước Thánh sang đền Dội làm lễ mộc dục, tế lễ ở đền Dội. Trong 8 năm còn lại (Sửu  Dần  Thìn  Tỵ - Mùi  Thân  Tuất  Hợi) cứ vào giờ Mùi (từ 13 đến 15 giờ) ngày 14 tháng Giêng, xuất phát từ đền Dội, nhân dân làng Duy Bình rước kiệu ra bờ sông lấy nước về tắm thánh.
Khác với hình thức tổ chức lễ hội ở đền Dội, nhân dân làng An Lão, xã Vĩnh Thịnh cùng các làng Yên Thịnh phường Phú Thịnh; làng Trấn xã Thượng Lâm (Sơn Tây) đã làm nên một lễ rước nước phong phú, đa dạng. Từ sáng sớm ngày mồng 4 tháng 3 (âm lịch) nhân dân 3 làng nô nức vào hội, đúng 7 giờ sáng các kiệu của 3 làng cùng xuất phát và hẹn gặp nhau ở giữa dòng nước hai, 3 thuyền lượn vòng tròn 3 lần để chào nhau, sau đó từng thuyền làm thủ tục lấy nước rước về đình. Sở dĩ có mối quan hệ nước nghĩa của cư dân 3 làng như vậy là cùng thờ tứ vị đại vương (Bạch Hạc Tam Giang và 3 vị tướng: Càn Tuy, Tá Bộ, Ngọc Trì có công giúp An Dương Vương đánh Triệu Đà).
Lễ rước nước một loại hình văn hoá dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Đến nay, lễ rước nước vẫn được cư dân nơi đây kế thừa duy trì, phát huy những giá trị lịch sử, ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc và vai trò lớn trong sự gắn bó cộng đồng làng xã.
Nguồn: Văn hóa Vĩnh Phúc
Theo http://donghuongvinhtuong.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...