Muôn nẻo chuyện gà
Trong tâm thức người Việt, ngoài việc là nguồng cung cấp thực
phẩm , gà còn là nét biểu trưng cho các đức tính cao quý của con người và là
nét văn hóa tâm linh.
Con gà là vật nuôi từng được thuần hóa từ lâu trong lịch sử
và gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại, đặc biệt
là gà trống từng xuất hiện nhiều trong nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Từ
thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn
chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật
(vật hiến tế hay vật tế thần).Gà có vai trò quan trọng trong đời sống người
dân. Ở vùng nông thôn, tiếng gà gáy là đồng hồ báo thức cho con người thức dậy
bắt đầu công việc của ngày mới. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12
con giáp và cũng nằm trong lục súc.
Con gà cũng là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp
ở Việt Nam. Trên nền trống đồng Đông Sơn, gà và chim là những loài vật được thể
hiện khá nhiều. Truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành
nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy, Rùa Thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất
Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm tuổi rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong
núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương
giết được con gà trắng thì xây được thành. Trước đó, trong truyền thuyết Sơn
Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật
thách cưới của Vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà,gà
chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Đặc biệt với nét tranh Đông Hồ, hình ảnh chú lợn ủn ỉn, hình ảnh
con gà cục tác lá chanh là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam an bình,
với những triết lý sống nhân bản, gắn bó với thiên nhiên. Cũng trong văn hóa
dân gian Việt Nam, hình ảnh con gà có một vị trí quan trọng, với tục thờ Mẫu,
Thánh, Ngũ phủ công đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí
trang trọng trước điện thờ tiên thánh. Bức tranh “Gà mẹ gà con” hay “Gà đàn” với
nhiều cách diễn tả khác nhau là một trong những loại tranh gà đẹp nhất còn giữ
lại cho đến nay. Trên tranh, con gà mái lớn đang ngậm con ong, hiền từ, chăm
chút các con. Mười chú gà đứng quanh gà mẹ, con đang rỉa lông, con đang đùa chạy,
con nấp dưới bụng mẹ… Mỗi con mỗi vẻ khác nhau, nhưng dường như tất cả đang hướng
về một phía - phía miếng mồi của gà mẹ vừa kiếm được. Hai chân gà mẹ giang ra
chịu đựng sức nặng của hai chú gà con đang đứng trên lưng, đồng thời cũng chuẩn
bị giữ thế trước sự giành mồi của các con gà sắp bổ nhào tới. Ngoài ý nghĩa tượng
trưng cho sự giàu có, no đủ, sự sinh sôi nảy nở, bức tranh còn toát ra tình mẫu
tử thiêng liêng, một sự đoàn tụ, sum vầy của gia đình gà. Đặc biệt, bố cục
tranh khá chặt chẽ, giàu nhịp điệu. Sự sắp xếp chỗ đứng của từng con gà rất được
chú ý, khiến người xem thấy được ngay cái rộn ràng, vui vẻ của đàn gà. Cạnh đó,
một số con được vẽ công phu, có sự nghiên cứu cẩn thận: Cái lối xòe đôi cánh,
cái lối choãi chân, quay nghiêng đầu, uốn thân mình… trông vừa thực, vừa cách
điệu, giàu nghệ thuật.
Bức tranh "Gà mẹ gà con" mang nhiều ý nghĩa
Trong văn hóa người Việt, trang phục phụ nữ miền Bắc xưa khi
vấn khăn thì để chừa ra một đoạn tóc đầu cùng bỏ buông lơi, gọi là "tóc
đuôi gà". Kiểu tóc này là một nét đẹp được nhiều người ưa thích. Thành ngữ
“gà mái gáy” thường dùng với tính chỉ trích, nói lên người đàn bà tiếm dụng
hay làm phần việc của đàn ông. Ngược lại, người đàn ông góa vợ, phải chăm lo
cho con thì tiếng Việt gọi là “gà trống nuôi con”. Con gà trống cũng có mặt
trong những câu đố dân gian vì tướng mạo quân tử của nó. Gà trống còn là vật
cúng tế cổ truyền. Trong bài “Nắng mới”, Lưu Trọng Lư có tả về gà. Chế Lan Viên
từng viết về tâm trạng nhớ quê da diết khi nghe tiếng gà gáy và tiếng gà gáy
trong thơ Việt Nam khác biệt với tiếng cuốc, tiếng oanh hay tiếng nhạn trong
thơ Đường.
Cũng theo quan niệm dân gian, gà mang đủ năm đức tính tốt của
người quân tử: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. Trong bức tranh “Đại cát”, gà được
dân gian quan niệm vừa cấm quỷ, vừa cầu may. Hình ảnh chú gà trống oai vệ, hùng
dũng biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho năm đức tính tốt của nam giới, của người
quân tử: Tính văn (mào đỏ tựa như mũ cánh chuồn), tính vũ (cựa gà), tính dũng
(không sợ địch thủ), tính nhân (kiếm ăn theo đàn, cùng với đồng loại), tính tín
(gáy báo giờ chính xác). Từ lâu, con gà “Đại cát” đã đi vào tâm thức người Việt
như một lời chúc, mang ý nghĩa nghênh xuân, một ý cổ động và được lặp lại trong
nhiều tranh khác. Nhà thơ Hoàng Cầm đã viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn
néttươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”là vậy!
Đối với người nông dân Việt Nam, gà là loài gia cầm quen thuộc,
gần gũi và gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày. Trong tục cưới gả không thể
thiếu đôi gà giò trống do nhà trai mang đến nhà gái làm lễ. Trong lễ hội xuân
cũng không thể thiếu các sới chọi gà. Trong dịp Tết, khi cúng kiếng ông bà, tổ
tiên, người ta thường dùng gà trống để cúng bởi theo quan niệm dân gian, gà trống
không những là biểu tượng của năm đức tính cao quý mà còn là một hình tượng cát
tường trong mỗi dịp xuân sang. Thông thường, ở quê nhà nào cũng tự nuôi gà rồi
lựa ra những con gà trống đẹp nhất để đến Tết làm lễ cúng. Nếu không nuôi gà
thì phải ra chợ lựa cho được con gà nào ưng ý nhất mới mua về. Con gà được chọn
phải đạt được những tiêu chuẩn như mào phải đỏ tươi nhú cao đều, lông mượt,
nhanh nhẹn, da căng vàng, ức đầy, chân nhỏ. Chọn gà có trọng lượng vừa phải
không to quá vì rất khó bày, việc làm gà cúng cần công phu hơn so với thường
ngày, đảm bảo sự uy nghiêm, trang trọng với mong muốn công việc làm ăn quanh
năm suốt tháng sẽ được trôi chảy, hanh thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét