Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Thương nhớ xứ mưa dài

Thương nhớ xứ mưa dài
Tôi thường băn khoăn không hiểu sao trong hàng mấy chục tên tỉnh, thành của cả nước chỉ có một số rất ít được gọi riêng bằng chữ xứ: xứ Quảng, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Lạng... Mà riêng xứ Quảng thì nhất định đó phải là Quảng Nam chứ không thể là Quảng Ngãi hay Quảng Bình mặc dù cũng bắt đầu bởi chữ Quảng. Tiếng xứ thân thương nghe vừa chân chất vừa giản dị, đơn sơ vậy nhưng cứ ghép chơi cho một nơi “không xứ” thì tự dưng rất đỗi buồn cười và khó mà chấp nhận được: xứ Cà (Cà Mau), xứ Cần (Cần Thơ) xứ Khánh (Khánh Hòa)... Tôi chủ quan nghĩ rằng, tìm hiểu sự hưỡn đãi đặc biệt cho một số vùng miền được định danh thân thương bằng xứ, có lẽ đó là công việc không khó đối với các nhà địa chí, sử học...
Cơ sự khiến tôi miên man với chữ trên chỉ bởi một lẽ, lòng tôi đang hoài về một nơi mà xứ đó lại được hào phóng bằng nhiều cách gọi hơn hẳn những nơi khác: xứ thần kinh, xứ mưa, xứ kinh kỳ, xứ thâm trầm... Và trong một không gian vang vọng khá não nề của âm nhạc, Ai ra xứ Huế qua lời ca của Ánh Tuyết - cô ca sĩ hoàn toàn xứ Quảng, trái tim tôi như đập nhanh hơn những nhịp rộn ràng của ký ức.
Huế là nơi tôi đã sống qua những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của một đời người. Nhờ cơ duyên đó, cùng với bản chất bộc trực, sôi nổi của một học trò xứ Quảng, tôi đã ngẫu nhiên được hít thở làn khí hạo nhiên từ một vùng đất dày những trầm tích văn hóa để tu chỉnh căn cơ nội tại của tâm hồn. Có lẽ vì thế mà tình yêu với một xứ sở khác nơi chôn nhau cắt rốn của mình cũng là một kiểu tự nhiên nảy lộc để rồi những lúc rời xa thương nhớ đến nao lòng.
Giờ đây, khi hỏi lòng mình vì sao đột ngột trỗi lên niềm thương nhớ mới chợt nhận ra thật khó mà điều khiển được trật tự của những kỷ niệm đang va vào nhau. Ngôn ngữ đặc biệt của ký ức sống động những âm thanh, hình ảnh, những chiều những sáng... thậm chí còn thơm lừng những vị nóng hổi cay xè, những tê buốt riêng tư đặc trưng của Huế. Thanh xuân trong tôi là bạn bè, là thầy cô, là những góc giảng đường bên dòng sông thơ mộng. Thanh xuân ấy là những buổi chiều Thương Bạc, dưới bến Vân Lâu, là những ngày mưa nước chảy tràn Đập Đá, là đạp xe ngược dốc Phủ Cam đến bở hơi chỉ để ăn vặt món bánh bèo. Thanh xuân ấy là nơi tim đã đập rộn rã khi lần đầu tiên, người con trai yêu thương e dè nắm tay dưới tán cây đào mà lòng đã hoang mang vô bờ bến. Rất có thể, trong nhiều những tái hiện của tư duy, trái tim tôi sẽ bỏ sót không ít những kỷ niệm. Nhưng nhất định, chắc chắn và không thể phủ nhận là trong gần hai mươi năm qua, chỉ cần thoáng gợi bằng một định danh quen thuộc thì tim ấy không nỡ phụ phàng.
Trong số khá hiếm hoi những bản nhạc phổ từ thơ của Trịnh Công Sơn, tôi thường mường tượng Cuối cùng cho một tình yêu (thơ Trịnh Cung) được viết trong một bối cảnh rất Huế. Và Tình yêu xứ này ngẫu nhiên được cá nhân tôi hiểu phải là một Tình yêu xứ, này. Sự phân cách ngẫu nhiên bởi dấu cũng chính là một kiểu tôn giáo hoàn toàn không Trịnh Công Sơn - tôn giáo của nhà thơ, tôn giáo của xứ đạo với một linh hồn rỗi. Xứ đó, linh hồn đó, trong mặc định cảm thụ của tôi ẩn nấp dưới đỉnh cao chót vót của Phủ Cam hay loanh quanh đâu đấy nơi Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế... Lòng tôi vui sướng khi nghĩ rằng bậc thầy âm nhạc vĩ đại của xứ mộng mơ như Trịnh Công Sơn đã chịu đón nhận một Đóa hoa vô thường khác mà với bản tính kiêu kỳ kỳ lạ của người Huế là vô cùng không thể. Và với ý nghĩ hân hoan đó, tôi chưa bao giờ thấy mình cần thiết tìm kiếm thêm trên những thanh công cụ để tìm hiểu tính xác tín của cảm nhận. Bản thân tôi tin rằng, nghệ thuật của đời sống, dù hàn lâm bao nhiêu chăng nữa cũng có chỗ cho những tinh cầu nho nhỏ như kiểu Hoàng tử bé ẩn trú. Có lẽ nhờ thế mà bao nhiêu năm qua, cuốn tân nhạc dòng tiền chiến mà S tặng với lời đề từ của một Tình yêu xứ vẫn được tôi trân quý giữ gìn dù đã bặt tin nhau.
Ở Huế, sầu đông là những chuyến mưa dài, sầu hè là khẳm hơi hâm hấp của nắng và gió, sầu thu là những hàng long não ven đường dọc sông Hương mênh mang lá rụng. Cơn sầu dai dẳng đó khiến riêng tôi bao giờ cũng ao ước được nhấm nháp thử hương vị Tết của Huế. Mãi gần hai mươi năm, niềm ước đó đã không được thực hiện bởi lẽ cốt lõi tư duy tôi vẫn xưa cũ kiểu phương đông để luôn luôn quay về đoàn tụ. Và nhiều lần, tôi đã tự an ủi mình rằng, sẽ thật khó mà có được mùi Tết thực sự trong một giao thừa nằm đìu hiu nơi khách sạn. Cửa nhà người bạn thân có thể luôn rộng mở nhưng tự tôi linh cảm rằng, đó, người Huế, còn đặc sệt phương đông hơn bất kỳ vùng miền nào của cả nước.
Thỉnh thoảng, bạn đồng nghiệp rặt Huế của tôi mỗi khi nấu món bún hến vẫn thường rủ tới ăn vì biết rằng, nỗi thèm của tôi không tránh khỏi sự miên man của vị giác. Tất nhiên, dù công thức chế biến của bạn cũng rất Huế với đầy đủ sự cầu kỳ của một món ăn bình dân nhưng chúng tôi vẫn như cảm thấy luôn thiếu một cái gì. Cái gì thiếu ấy có thể là bởi nguyên liệu của vùng miền, nhưng có lẽ nhiều hơn nữa là không khí thơm lừng mùi tao nhã của món ăn dù là góc phố, vỉa hè hay trong không gian nhà hàng sang trọng. Còn riêng tôi, cái thiếu ấy là thương nhớ khôn nguôi đến e ngại bắt đầu bởi một kỷ niệm gọi tên. Rất có thể, lỗi tại xứ ấy, dòng sông ấy, con đường ấy... tự buổi bắt đầu đã thở giùm tôi hương vị của tình yêu.
NGUYỄN THỊ THANH THẢO
Theo http://www.baodanang.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...