Văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư
1. Sự nghiệp văn nghệ của LƯU TRỌNG LƯ (1911-1991) với tư cách
nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam thế kỷ XX, thoạt nhìn, cho đến
những năm đầu thế kỷ XXI, tưởng chừng như đã được ghi nhận và đánh giá ổn thỏa;
nhưng nhìn kỹ, lại thấy nhiều nét trái ngược.
Chẳng hạn, theo một nề nếp “phân vùng” có từ thời bao cấp,
Lưu Trọng Lư được nghiễm nhiên coi như một “nhân sự” thuộc giới sân khấu nên giới
chức quản lý văn học đôi khi tặc lưỡi bỏ qua ông, hoặc người ta xem ông chỉ như
nhà thơ để khỏi phải tính (!) đến ông như người viết văn xuôi, viết truyện, bất
chấp cái thực tế là: số truyện ngắn truyện dài Lưu Trọng Lư đã viết và đã in ra
trong toàn bộ đời văn của mình nhiều gấp vài ba lần số tập thơ hay số vở kịch
ông đã viết, đã dàn dựng. Chẳng những mảng truyện dài truyện ngắn của Lưu Trọng
Lư bị quên mà thôi, cả mảng tiểu luận phê bình của ông cũng bị quên; thế nhưng
đôi khi được nhắc lại thoáng qua, khá tình cờ − ví dụ một bài ông viết về Truyện
Kiềuhay một bài khác về thơ văn Nguyễn Công Trứ, − thì không cần phải có
cặp mắt thật xanh, người ta cũng cảm thấy vẻ đặc sắc của cả giọng văn lẫn ý kiến
tác giả!
Chỉ tính về phương diện người viết truyện thôi, trong dư luận
phê bình, Lưu Trọng Lư đã trải qua một lịch trình từ thăng xuống trầm, từ chỗ
được đánh giá cao đến chỗ dần dần bị coi nhẹ.
Giữa tháng 9/1933 tại Huế ra mắt tập Người sơn nhân, ấn
phẩm thứ nhất của nhóm Ngân Sơn tùng thư, do Lưu Trọng Lư và Hoài Thanh chủ
trương, trong đó Hoài Thanh giữ vai trò người chủ biên với một số tuyên ngôn và
lời dẫn giải; còn lại, tất cả các sáng tác thơ, văn, tiểu luận trong tập này đều
của Lưu Trọng Lư (3 truyện ngắn, 15 bài thơ mới, 1 tiểu luận). Chẵn một tháng
sau, trên tuần san Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội đã có bài của chủ bút
Phan Khôi điểm bình ấn phẩm này, tuy Phan Khôi còn chưa biết Lưu Trọng Lư là
ai. Riêng truyện Người sơn nhân, tiếp đó còn trở thành tâm điểm cho sự
so đọ khác biệt về đánh giá giữa Nguyễn Thị Kiêm trên Phụ nữ tân văn ở
Sài Gòn và Thụy An trên Phụ nữ thời đàm ở Hà Nội. Phan Khôi cho rằng Người
sơn nhân (của Lưu Trọng Lư) và Hồn bướm mơ tiên (của Khái Hưng)
là hai tác phẩm văn học khá nhất trong năm 1933. (1)
Những năm tiếp liền sau đó, các sáng tác truyện ngắn truyện vừa
của Lưu Trọng Lư xuất hiện nhiều hơn (trên Tiểu thuyết thứ bảy trong
các năm 1934-35, trên Hà Nội báo các năm 1936-37), cũng gây được chú
ý nhiều hơn.
Trong loạt bài mang tiêu đề chung Văn học Việt Nam hiện
đại đăng nhiều kỳ trên tuần báo Loa ở Hà Nội từ tháng 7 đến
tháng 10/1935, nhà phê bình Trương Tửu đánh giá cao các truyện Người sơn
nhân, Ly Tao tuyệt vọng, Tiếng địch trong rừng sim (tức Khói lam chiều),
coi Lưu Trọng Lư là một trong 3 nhà văn có lối tả cảnh mới mẻ nhất, tính đến thời
điểm ấy (theo ông: sự tả cảnh ở Thế Lữ có tính cách kỳ thú /pistoresque/;
ở Lan Khai có tính cách xúc cảm /émotionnel/; ở Lưu Trọng Lư có tính
cách thần bí /mystique/)… “Bốn truyện Người sơn nhân, Tiếng địch
trong rừng sim, Hương Giang sử, Ly Tao tuyệt vọng đã thiết lập cho ông một
vị trí chức sắc trong làng văn hiện đại”. (2)
Khi truyện Khói lam chiều được in thành sách riêng
(1936), báo chí văn nghệ Hà Nội có khá nhiều bài khen ngợi, và nhân đó, đã đánh
giá rất khả quan về tương lai tác giả.
Thế nhưng, sang đến đầu những năm 1940s, vị trí của Lưu Trọng
Lư trong thể loại tiểu thuyết, bỗng nhiên như bị hạ thấp xuống rõ rệt, dưới cái
nhìn của giới phê bình. Đáng kể nhất về mặt này là ý kiến Vũ Ngọc Phan trong
sách Nhà văn hiện đại (1942) theo đó, về thơ thì Lưu Trọng Lư
là “một thi sĩ có biệt tài”, nhưng về văn xuôi tự sự thì Lưu Trọng Lư lại là “một
nhà tiểu thuyết rất tầm thường”! (3)
Khỏi phải dẫn chứng và chỉ ra chi tiết những dấu ấn quy phạm,
ấu trĩ, định kiến trong các lý lẽ của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan ở cuốn Nhà
văn hiện đại. Những định kiến như thế đã không còn có ý nghĩa gì trước các
quan niệm lý thuyết hiện đại về tâm lý sáng tác, về trần thuật học. Ta chỉ
cần lưu ý đến ảnh hưởng của sự đánh giá này − nói riêng về trường hợp tiểu thuyết
Lưu Trọng Lư − đến những ứng xử của các giới nghiên cứu văn học và xuất bản
sách văn học những thập niên sau này, thậm chí đến tận ngày nay.
Ngay đầu những năm 1960s tại miền Nam, khi viết bộ Việt
Nam văn học sử giản ước tân biên, nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ, ở đoạn đề cập những
tiểu thuyết gia viết cho nhà Tân Dân, đã hầu như hoàn toàn tin cậy để sử dụng lại
nhận định nói trên của Vũ Ngọc Phan về nhà tiểu thuyết Lưu Trọng Lư.(4)
Trong điều kiện đặc thù của đời sống văn nghệ ở miền Bắc những
năm 1960-70, phần lớn các tác phẩm thuộc di sản văn học công khai trước 1945 đều
bị hạ thấp giá trị; sang đến cuối những năm 1980s, một số ký ức về “văn chương
tiền chiến” ít nhiều được phục hồi, song, vốn liếng tài liệu về cái “quá khứ tiền
chiến” kia tựu trung chỉ gói trong hai cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (1942,
Hoài Thanh-Hoài Chân) và Nhà văn Việt Nam (1942, Vũ Ngọc Phan), được
in lại và thường được dùng như tài liệu gốc (!), tài liệu tra cứu (!), mà không
cần kiểm định mức độ chính xác của những dữ kiện và nhận định trong hai cuốn
sách đó, vốn chỉ là những tác phẩm phê bình văn học. Ta quên mất rằng, ở những
cộng đồng văn chương giàu kinh nghiệm, người ta từng chứng kiến cái thực trạng:
phần lớn những ý kiến phê bình văn học mà đương thời dường như xem là chuẩn
xác, đều sẽ tự chứng tỏ là ngày càng sai lạc đi, trong thời gian về sau.
Tất nhiên, Lưu Trọng Lư, − kể cả ở lĩnh vực văn xuôi − cũng vẫn
còn được nhắc nhở tới, dù chỉ đôi dòng; và dẫu sao đây cũng chưa là trường hợp
phải chịu những tệ hại và bất công nhiều nhất, nếu so với hàng chục, hàng trăm
tác gia “tiền chiến” khác, nhất là những tác giả mà đương thời còn chưa kịp được
giới phê bình nhắc tới, và cho đến nay di sản sáng tác, di sản trứ thuật may ra
chỉ còn nằm trong những chồng sách báo cũ đang nát vụn dần, ít ai biết tới!
Mục từ “Lưu Trọng Lư” ở Từ điển văn học (1983) kể
tên 4 tác phẩm văn xuôi của tác gia này (Người sơn nhân, Khói lam chiều, Chiếc
cáng xanh, Chiến khu Thừa Thiên), bên cạnh các tác phẩm thơ và kịch. Hai chục
năm sau, sự mô tả trong từ điển ấy vẫn chưa đổi khác.(5)
Trong số những tác giả được ưu ái hưởng quy chế làm tuyển tập
văn học của nền xuất bản thời bao cấp (1960-90), Lưu Trọng Lư cũng đã được tính
đến (người ta biết, Lưu Trọng Lư là quan chức trong nền văn nghệ chính thống thời
VNDCCH và CHXHNCVN), nhưng thuộc hàng sau, tức là được làm khá muộn. Rốt cuộc,
một tuyển tập mỏng nhẹ đã ra mắt vào năm 1987, trong đó chỉ có khoảng 150/452
trang khổ nhỏ (13x19 cm) giành cho văn xuôi tự sự, với các truyện Con chim
sổ lồng, Khói lam chiều, Chiếc cáng xanh (trích), Chiến khu Thừa
Thiên (trích) và hai đoạn trích tùy bút.(6)
Gần đây hơn, trong nỗ lực khắc phục chất “quan liêu đại khái”
cố hữu của nền nghiên cứu văn học chính thống thời bao cấp, một số công trình
kiểm kê, mô tả diện mạo sách báo văn học theo thể loại đã được thực hiện. Nhờ
thế, một số trường hợp bị lãng quên, trong đó có văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư,
được vớt vát ít nhiều. Chẳng hạn, cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam
(từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) đã có 7 mục từ mô tả 7 tác phẩm tự sự của
Lưu Trọng Lư (Người sơn nhân, Huyền không động, Con đười ươi, Nàng công chúa Huế,
Huế một buổi chiều, Chiếc cáng xanh, Cô Nhung), kèm theo một thống kê 15 tác phẩm
(cùng thể loại, trong đó có 7 tác phẩm kể trên) của tác gia này. (7)
2. Trong khi chuẩn bị thực hiện một sưu tập các tác phẩm tự sự của
Lưu Trọng Lư, tôi và bạn Hoàng Minh, − một bạn trẻ ở Câu lạc bộ những người yêu
sách báo cũ, thành phố Hồ Chí Minh, − đã tiến hành sưu tầm ở các thư viện lớn
trong nước, và một phần ở các sưu tập của giới những người chơi sách báo cũ. Mặc
dù chưa thể nói là đã tìm lại được hết những tác phẩm văn xuôi tự sự của Lưu Trọng
Lư từng in trên sách báo đương thời tác giả, nhất là trong khoảng những năm
1933 – 1945, ta vẫn có thể nói rằng Lưu Trọng Lư là một trong những tác giả có
số lượng tác phẩm văn xuôi tự sự khá phong phú, dưới dạng tác phẩm in sách hoặc
tác phẩm đăng báo.
Trên Tiểu thuyết thứ bảy (tuần báo văn chương của
Nxb. Tân Dân, xuất bản ở Hà Nội từ 2/6/1934 đến 1945) trong các năm 1934-42, sơ
bộ đã thấy có một loạt tác phẩm Lưu Trọng Lư: các đoản thiên tiểu thuyết Con
vú em, Chiếc áo rét, Con sáo, Em hãy còn thơ, các truyện dài Hương Giang sử, Tiếng
địch trong rừng sim (tức Khói lam chiều), Trớ trêu, Giặc
Tàu Ô, Chiếc cáng xanh; chưa kể một số vở kịch, bài thơ, một số tiểu luận
cổ vũ phong trào thơ mới.
Trên Phụ nữ thời đàm, tập mới (tuần báo, xuất bản tại
Hà Nội, 1933-34, chủ nhiệm Nguyễn Văn Đa, chủ bút Phan Khôi) Lưu Trọng Lư có một
loạt đoản thiên tiểu thuyết: Cô bé hái dâu; Chân ái tình; Anh Neo; Bạn
tôi; Cái đời người xẩm; Cái chết hiếu danh; chưa kể thơ và tiểu luận.
Trên Tân thiếu niên (tuần báo, xuất bản tại Hà Nội,
1935, chủ bút Lê Tràng Kiều), Lưu Trọng Lư có truyện dài Động Phong Nha (đăng
3 kỳ: số 1: 26/1; số 2: 2/2; số 3: 9/2, về sau in Phổ thông bán nguyệt san số
81: 16/4/1941 với nhan đề Cô bé hái dâu, cùng trong một số với truyện
dài Cô Nhung) và truyện ngắn Thi sĩ (số 1: 26/1), chưa kể một
vài bài luận, ví dụ bài về thơ Phạm Huy Thông.
Trên Hà Nội báo (tuần báo, xuất bản tại Hà Nội,
1936-37, chủ nhiệm Lê Cường, chủ bút Lê Tràng Kiều) Lưu Trọng Lư và Vũ Trọng Phụng
là hai tác giả được đăng tải nhiều nhất. Với Lưu Trọng Lư là một loạt truyện
dài: Trà Hoa nữ; Cầu sương điếm cỏ; Người nữ tỳ của bà chúa Liễu; Tàn tạ (về
sau in sách với nhan đề Cô Nguyệt), Công chúa Lã Mai; Cô Nhung; Gió cây
trút lá; và một loạt truyện ngắn: Bó lan trắng; Ly Tao tuyệt vọng;
Người mua hoa; Nàng Vân may áo cho chồng; Sầm Sơn vui thú xiết bao; Tình trong
giây lát; Cái vò sữa của cô Perrette; Một lần tôi đi qua; Bạn tôi cưới vợ; chưa
kể một số thơ, tiểu luận, bài tranh luận, viết chung hoặc ký tên riêng.
Trên tuần báo Sông Hương (Huế, 1936-1937, Phan Khôi
sáng lập, chủ nhiệm kiêm chủ bút) có truyện dài Tiếng võng đưa ký
2 bút danh Thúy Na và Tràng Kiều (về sau sẽ in Phổ thông bán nguyệt san với
nhan đề Cô gái tân thời chỉ ký một tác giả Lưu Trọng Lư)
Trên Đông Dương tạp chí, tục bản (tuần báo, Hà Nội,
1937-39, chủ nhiệm Nguyễn Giang, chủ bút phần tiếng Việt Vũ Trọng Phụng) Lưu Trọng
Lư có truyện dài Bến cũ;
Trên Hà nội tân văn (tuần báo, Hà Nội, 1940-41, chủ
nhiệm Vũ Đình Dy, chủ bút Vũ Ngọc Phan) Lưu Trọng Lư có truyện dài Chuyến
tàu định mệnh (chính là truyện Em là gái bên song cửa);
Trên Phổ thông bán nguyệt san của nhà xuất bản Tân
Dân ở Hà Nội (ra mỗi tháng 2 số từ 01/12/1936 đến 1945, có lúc tách thành 2 loại,
sau nhập lại một loại), mà người đọc đương thời xem mỗi số như một cuốn sách
riêng, chỉ tính đến s. 81 (16/4/1941) tác phẩm Lưu Trọng Lư đã chiếm trọn 8 kỳ:
− s. 14 bis, 16/01/1938: mang tên Con đười ươi (gồm
2 truyện Con đười ươi; Con voi già của vua Hàm Nghi);
− s. 21 bis, 16/8/1938: mang tên Từ thiên đường đến địa
ngục (gồm 2 truyện Từ thiên đường đến địa ngục; Tàn một kiếp);
− s. 25, 16/11/1938: mang tên Nàng công chúa Huế (gồm
2 truyện Nàng công chúa Huế; Cầu sương điếm cỏ);
− s. 33, 16/4/1939: mang tên Huế một buổi chiều (gồm
1 truyện Huế một buổi chiều);
− s. 37, 16/6/1939: mang tên Cô Nguyệt (gồm 1 truyện Cô
Nguyệt);
− s. 47, 16/11/1939: mang tên Một người đau khổ (gồm
1 truyện Một người đau khổ);
− s. 54, 1/3/1940: mang tên Cô gái tân thời (gồm 1
truyện Cô gái tân thời);
− s. 81, 16/4/1941: mang tên Cô Nhung (gồm 2 truyện Cô
Nhung; Cô bé hái dâu);
Về các ấn phẩm in thành sách riêng, trước 1945 còn thấy những
cuốn của Lưu Trọng Lư:
− Người sơn nhân (Ngân Sơn tùng thư, Huế, 1933)
− Những nét đan thanh (Ngân Sơn tùng thư, Huế,
1934)
− Huyền Không động (Hội ký, Nam Định, 1935, gồm 3
truyện Huyền Không động; Người nữ tỳ của bà chúa Liễu; Lã Mai công chúa)
− Chạy loạn (Librairie Centrale, Hà Nội, 1939)
− Khói lam chiều (Phương Đông, Hà Nội, 1936)
− Một tháng với ma (Lê Cường, Hà Nội, 1940)
− Sơn nhân (Trung Lập, Hà Nội /?/, 1940)
− Chiếc cáng xanh (tủ sách “Những tác phẩm hay”,
Nxb. Tân Dân, Hà Nội, 1941)
− Mẹ con (Lê Cường, Hà Nội, 1942)
− Em là gái bên song cửa (Cộng Lực, Hà Nội, 1942)
− Dòng họ (Hương Sơn, Hà Nội, 1943)
− Hổ với Mọi (tủ sách Phổ thông tuổi trẻ, Tân Dân,
Hà Nội, 1944)
Từ sau tháng 8/1945, Lưu Trọng Lư chỉ có 2 tác phẩm tự sự là
truyện ký Chiến khu Thừa Thiên (1952, tái bản 1955), viết về thời kỳ
đầu kháng chiến ở Thừa Thiên; và Truyện cô Nhụy (trích đăng Tạp
chí Văn nghệ, s. 44, tháng 1/1961, in thành sách riêng, Nxb. Văn học, 1962),
trên thực tế là viết lại câu chuyện của Khói lam chiều theo lối kể khổ
của phụ nữ nông dân thời cải cách ruộng đất và/hoặc thời chống mê tín dị đoan.
Từ giữa những năm 1960s, Lưu Trọng Lư hầu như hoạt động
chuyên về sân khấu, cũng vẫn còn làm thơ và viết tùy bút, bút ký, nhưng không
còn viết truyện ngắn truyện dài nữa.
3. Lưu Trọng Lư được xem trước hết như một nhà thơ; nhưng thế giới
thơ Lưu Trọng Lư thật ra không tách rời, mà ngược lại, có sự tiếp nối với thế
giới văn xuôi do ông sáng tạo, đó là cuộc sống trong các truyện ngắn truyện dài
ông viết. Nhiều khi, một vài ý tưởng xúc cảm chỉ in gọn trong một vài câu thơ
đoạn thơ, sẽ có âm vang rộng dài hơn, mà không chỉ một lần, trong các truyện ngắn
truyện dài.
Chẳng hạn, đoạn thơ ông viết về người mẹ:
Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi
(Nắng mới)
Thì trong văn xuôi, nét hồi ức ấy khá nhiều lần được ông nhắc
lại; chẳng hạn hai đoạn văn này, nơi mà hồi ức riêng tư của tác giả đã cung cấp
chất liệu cho hư cấu:
Những ánh nắng xanh trải ở trên đám cỏ và như reo thành một
khúc nhạc nhí nhảnh.
Lan nhìn quanh quẩn và nói với Hải:
− Em say nắng mất rồi!
− Cứ mỗi lần có nắng sớm thế này, thì anh lại nhớ đến mẹ anh.
Thủa bấy giờ, anh mới lên mười, nhưng anh còn nhớ rõ cái dáng điệu cùng cái nét
mặt của mẹ anh. Mẹ anh hiền lành lắm, thùy mị lắm. Bà có một cái hàm răng đen
bóng và luôn luôn cười với anh. Bà có một cái áo cổ y đỏ bà không bao giờ mặc cả,
trừ một lần, là khi cưới vợ cho anh cả của anh. Thế rồi thôi, quanh năm bà cứ để
yên trong rương. Nhưng cứ mỗi bận có nắng sớm, thì bà lại lấy ra phơi ở dậu...
Anh còn thấy rõ như mới hôm qua cái dáng điệu của bà từ trong nhà đi ra sân, lấy
vạt áo che lên đầu, bà đứng hồi lâu bên dậu mồng tơi để giăng ra cho thẳng cái
áo cổ y của bà. Anh làm sao quên được cái màu đỏ ấy!
− Thế mẹ mất đã mấy năm rồi anh?
− Đã mười mấy năm!
(Gió cây trút lá)
… Và người ta đã bắt đầu khâm liệm cho mẹ tôi. Trời ôi! Tôi
quên làm sao được vòng khăn nhiễu tam giang, cái quần áo cổ y, và đôi vòng bạc…
mà người ta vừa đeo khoác vào cho cái chết ấy! Cái áo cổ y ấy, cái khăn nhiễu
tam giang ấy, đó là những đồ mà ông mệ ngoại tôi đã sắm cho mẹ tôi… Mẹ tôi có lẽ
chỉ mặc một bận khi về nhà chồng, và than ôi! Một bận nữa là khi về… cõi đất. Mắt
tôi quên làm sao được cái khăn nhiễu ấy, và mầu áo ấy, mỗi khi có cơn nắng mới,
mẹ tôi đưa ra phơi trước dậu.
Thoạt trông thấy mẹ tôi trong cái bộ áo liệm ấy, thì sự cảm động
và thương xót của tôi lại tăng thêm gấp bội. Một cảm giác vừa thoáng qua trong
tâm trí tôi: tôi thấy như mẹ tôi không thể chết được. Tôi tưởng như còn diễn lại
trước mắt tôi, một cảnh tượng hàng ngày: giữa những hôm mưa lạnh, ẩm ướt, bỗng
rớt vào một ngày nắng ráo, mẹ tôi thường mở rương ra, lấy một bộ áo, – vâng –
chính cái bộ áo cổ y ấy, để đưa ra phơi ở trên một hàng dậu.
Trong trí tôi lúc bấy giờ, cái mầu cổ y tím sẫm gợi cho tôi một
sự tương tự: cái màu sắc đầm thấm, đen sẫm của cả một đời người đàn bà không
kiêu hãnh, không ham muốn.
(Chiếc cáng xanh)
Những ai thông thuộc thơ mới Lưu Trọng Lư sẽ tìm thấy những
tương đương mang tính bổ sung độc đáo giữa thế giới thơ và thế giới truyện Lưu
Trọng Lư tại nhiều trường hợp khác nữa.
Tựu trung Lưu Trọng Lư đều gọi các sáng tác văn xuôi tự sự của
mình là “tiểu thuyết” (dù là “đoản thiên tiểu thuyết” tức truyện ngắn, hay là
“tiểu thuyết”, “truyện dài”) và triển khai chúng trong khá nhiều kiểu tác phẩm.
Có những truyện thuộc loại thần tiên, ma quái (Hương Giang sử; Trà Hoa nữ; Người
nữ tỳ cuả bà chúa Liễu; Công chúa Lã Mai; Con đười ươi; Một tháng với ma). Có
những truyện viết theo truyền thuyết, dã sử (Con voi già của vua Hàm Nghi; Chạy
loạn). Nhưng thông thường là loại truyện mà ta có thể gọi là truyện tâm lý xã hội
hoặc truyện thế sự, với đề tài là cuộc sống thông tục đương thời tác giả; ở
đây, yếu tố tự truyện, − tức những dữ liệu về bản thân, về tuổi thơ, về gia
đình tác giả, − thường xuyên được sử dụng, khi thì như chất liệu cho tác phẩm
hư cấu, khi thì như đối tượng của trần thuật.
Thời đầu, ngòi bút viết truyện của Lưu Trọng Lư dường như
thích dong ruổi theo các câu chuyện thần tiên, có lẽ vì nó phù hợp với lời văn
kể chuyện ước lệ mà ông thường sử dụng, cũng gần gũi giọng điệu thơ lãng mạn của
ông, kể cả khi viết loại truyện ít chất ma quái (như Người sơn nhân) lẫn
khi viết loại truyện truyền kỳ (Ly Tao tuyệt vọng; Tàn một kiếp)… Có lúc ông đã
nêu “lý thuyết” sáng tác thể tài này, mà ông gọi là truyện thần kỳ: “một chút
ít Edgar Poe pha lẫn với Bồ Tùng Linh; cái đầu lâu ghê rợn của phương Tây dưới
cái ánh sáng xanh dịu của ngọn nến phương Đông; tất cả sự hoang đường của Liêu
Trai chí dị, cạnh những điều nhận xét sáng suốt của Flammarion”.[8]
Đề tài hầu hết những truyện thần tiên này của Lưu Trọng Lư đều
là tình yêu: những tình yêu không bị giới hạn bởi ranh giới tiên-tục, thần-người,
thầy tu-gái điếm, v.v…, những tình yêu như là tham vọng sống sục sôi, làm thành
động lực vô song của nhân vật, khiến họ thậm chí sẵn sàng đối mặt với cái chết,
đối mặt những trừng phạt tàn khốc (Công chúa Lã Mai; Con đười ươi).
Nhưng đây dù sao cũng chỉ là một phương diện thuộc năng lực
sáng tạo của Lưu Trọng Lư, cái năng lực mà, khi tiếp nhận được những chất liệu
cốt truyện nhất định, tuy ít nhiều đặc biệt nhưng không phải là thần kỳ, ông vẫn
có thể khá dễ dàng để viết nên những thiên truyện không kém ly kỳ (Chạy loạn, Hổ
với Mọi).
Một phương diện khác của ngòi bút viết truyện Lưu Trọng Lư
chính là khả năng cảm nhận và biểu hiện đời sống đương thời. Những tác phẩm loại
này, với thời gian, có lẽ còn được ghi nhận thêm rằng chúng chứa đựng một loại
giá trị như những bằng cứ về màu sắc cụ thể của đời sống ở thời đại mình, − điều
mà ngay đương thời người ta còn chưa thấy rõ. Đó, chẳng hạn, là dáng nét cụ thể
của giới học sinh Hà thành những năm 1930 (trong tiểu thuyết Cô Nhung, Em
là gái bên song cửa, Cô gái tân thời), của nam nữ học sinh xứ Huế (trong một loạt
truyện Huế một buổi chiều, Gió cây trút lá, Cô Nguyệt, Cô bé hái dâu); những
dáng nét đời sống đương thời này ở tác phẩm Lưu Trọng Lư có lẽ còn rõ rệt hơn
thậm chí so với không ít tác phẩm của các tác gia trong Tự Lực văn đoàn, hoặc
so với một vài đàn anh trong số những người cùng cộng tác với nhà Tân Dân như
Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, − những người lớn tuổi hơn Lưu Trọng Lư nên khó
có thể có được cảm nhận tinh nhạy về đời sống của những lớp người trẻ trung
đương thời.
Ở tác phẩm tự sự của Lưu Trọng Lư, người ta có thể cảm nhận
được màu sắc, dáng vẻ cuộc sống thiên nhiên và con người ở ba vùng đất mà ông từng
sống và viết về chúng: vùng thôn quê đồi núi Quảng Bình quê hương ông; thành phố
Huế; và thành phố Hà Nội.
Vùng quê Quảng Bình được Lưu Trọng Lư mô tả trong Cầu
sương điếm cỏ, − câu chuyện thương tâm về hai đứa trẻ mất mẹ do
nạn lụt, lang thang kiếm sống, không biết có ngày mai; trong Khói lam chiều,
− câu chuyện cũng thương tâm không kém về bi kịch tình yêu nơi thôn dã như là hậu
quả của những tập tục lạc hậu; trong Con voi già của vua Hàm Nghi, − truyện
về giới nhà nho bất đắc dĩ phải gắn phần đời sau của mình với “thanh gươm yên
ngựa”, tham gia phong trào “đánh tả đạo” và phong trào Cần Vương, cuối thế kỷ
XIX; trong một loạt tiểu thuyết Bến cũ, Chiếc cáng xanh, − những câu
chuyện hư cấu nhưng dựa sát vào hồi ức tuổi thơ của chính tác giả; trong Dòng
họ, − cuốn tự truyện kiêm tiểu luận về nhân tố gia đình, dòng tộc đối với
đời sống mỗi người Việt; trong Cô bé hái dâu, − cuốn tiểu thuyết bằng
thư, triển khai một ý tưởng mượn thoáng qua từ André Gide, đặt vào khung cảnh một
cuộc tỏ tình bất thành trong động Phong Nha, để diễn đạt cái nuối tiếc của sự
ngập ngừng, “đánh mất tình yêu trong phút chốc”…
Thành phố Hà Nội sớm đi vào truyện Lưu Trọng Lư, với không
gian Thư viện, trường học, những nữ sinh Đồng Khánh tinh nghịch, những nhóm lưu
học sinh thuê chung nhà trọ, những cuộc hẹn hò du ngoạn chùa Láng, Hồ Tây…; với
những tình tự trong sáng thuở học trò, thường là khởi đầu của những tấn kịch
tình yêu riêng tư bị cản trở bởi hôn nhân do gia đình sắp đặt. Dường như điều
có thể gọi là “ấn tượng người nhập cư” đã khiến Lưu Trọng Lư sớm diễn tả sắc
nét hơn ai những không gian chật hẹp trong phố cũ Hà Nội, khi mà khoảng không
bên trên lòng đường vẫn có thể kết nối những con người sống ở hai bên phố (Em
là gái trong khung cửa), hoặc, những cầu thang hẹp và tối vẫn có thể là nơi “kỳ
ngộ” nhất thời của hai kẻ tha phương (Mẹ con), v.v…
Nhưng chính thành phố Huế vài ba thập niên đầu thế kỷ XX mới
là không gian được Lưu Trọng Lư mô tả chăm chú hơn cả, có chiều sâu hơn cả.
Trong thế giới các truyện về Huế của Lưu Trọng Lư có phạm vi
đời sống của những nam thanh nữ tú kiểu mới, học trường Pháp-Việt, đọc những
tác phẩm mới nhất của văn chương Pháp, gặp gỡ nhau tại những nhà vườn rộng rãi,
đến với tình yêu như những kẻ hoàn toàn tự do (Huế một buổi chiều). Ngay trong
giới này, Lưu Trọng Lư không quên những kẻ thất cơ lỡ vận, sa chân vào cảnh đời
trụy lạc; nét riêng của Lưu Trọng Lư, − so với Vũ Trọng Phụng, người cùng thời
cũng nhiều năm gắn bó với Hà nội báo và nhà Tân dân − là họ
Vũ nhìn hiện tượng mại dâm chủ yếu ở phương diện sự tha hóa xã hội, còn họ Lưu
lại chú trọng phương diện cá nhân cụ thể của những phụ nữ sa cơ lỡ bước. Không
ngẫu nhiên ông chọn mấy trường hợp những “cô lái đò sông Hương” − những gái bán
hoa − như họ vốn là con quan gặp nạn (Gió cây trút lá) thậm chí vốn là công
chúa của vương triều (Nàng công chúa Huế); ông không chỉ nhìn thấy số kiếp “sống
làm vợ khắp người ta” của họ, mà còn nhận ra, đôi khi một cách nghịch lý, nét
nghệ sĩ tài hoa cùng tâm hồn thanh khiết, khát vọng tự do của họ; − đây là thứ
tự do cá nhân, tự do nhân cách, nó tương phản với tình cảnh trụy lạc mà họ lâm
vào, nó cho thấy Lưu Trọng Lư nhấn vào nét bi kịch trong tâm hồn họ hơn là vào
trạng thái trụy lạc thảm hại của họ.
Trong thế giới truyện ngắn truyện dài Lưu Trọng Lư cũng đậm
nét không kém là không gian Huế như biểu tượng tập trung của chế độ quân chủ
quan liêu lỗi thời, “cái xứ đi đâu một bước cũng chạm phải không quan lớn
thì quan bé, cái xứ bài ngà, kim khánh, mũ cánh chuồn, áo thụng xanh, xà cạp đỏ”,
cái xứ vẫn là đất sống của những viên quan hiểu rõ mình đã bước vào thời “kim
tiền vạn năng”, sẵn sàng biến quan trường thành thương trường, sống bằng chạy
chức, chạy quyền, chạy án, kiếm tiền từ sự oan khuất của kẻ khác, chiếm đoạt tài
sản của họ, biến những nữ sinh đang tuổi hoa mộng, kể cả đứa cháu gái của vợ,
thành thê thiếp của mình (Cô Nguyệt); đất Huế ấy, nhiều chàng trai cảm nhận được
chút ít tư tưởng mới đã rời bỏ nó để ra đi (Từ thiên đường tới địa ngục),
v.v…
Về thế giới nhân vật trong truyện của Lưu Trọng Lư, có một
nét khá nổi bật là ông thường xây dựng những nhân vật chính như là những con
người thất bại. “Quan lớn Lê”, − nhân vật của dã sử, của truyền thuyết địa
phương, tìm đường đến hộ giá vua Hàm Nghi, sau sự kiện kinh thành thất thủ,
đang lẩn lút trong miền rừng núi, rồi vua bị kẻ dưới trướng chỉ điểm cho quân
Pháp bắt, nghĩa quân Cần Vương tan rã, “quan lớn Lê” trốn vào rừng sâu, có thể
sẽ trở thành “người sơn nhân” − rõ ràng là một anh hùng thất bại.
Rất nhiều nhân vật của các truyện thế sự, truyện tình yêu, đều
được Lưu Trọng Lư mô tả thành những kẻ thất bại.
“Thằng Đối” yêu “con Vịnh”, nhưng bị cha mẹ ngăn cấm, Đối
bỏ đi lên nguồn buôn bán, Vịnh có mang bị làng phạt vạ, buộc phải lấy thằng Mõ;
rồi Đối chết ở nơi tha phương, Vịnh ôm hận nuôi con (Khói lam chiều); đó là hai
nạn nhân của những phong tục lạc hậu nơi làng xã.
Nhung và Đông yêu nhau trong môi trường học trò Hà Thành,
nhưng cha Nhung, một viên thư lại nhỏ trong triều Huế nhân về thăm nhà và phát
hiện những dấu hiệu kiểu “gái tân thời” trong nhật ký của con gái, đã quyết định
đưa nàng vào Huế rồi ép gả nàng cho một viên tri huyện trẻ; Đông tìm cách gặp lại
Nhung nhưng nàng xin chàng quên mình đi để được làm một kẻ tầm thường (Cô Nhung).
Thiệu yêu Quỳnh, cô gái quê theo Công giáo; sau khi Thiệu được
bổ tri huyện, được cha mẹ cưới cho cô vợ con quan, chàng không dám phản kháng,
chỉ lặng lẽ tìm gặp Quỳnh; hai người đã toan bỏ quan, bỏ đạo để đi trốn với
nhau, nhưng khi Thiệu đến thì Quỳnh đã tự tử bằng thuốc độc (Bến cũ).
Nhà thơ Liên và nữ sinh Cẩn cùng từ Huế ra Hà Nội trên một
“chuyến tàu định mệnh”, họ quen biết nhau, thân thiết nhau, rồi yêu nhau trong
không gian phố cũ Hà Thành chật hẹp, nhưng rồi Cẩn phải từ bỏ tình yêu, từ bỏ
Hà Nội trở về Huế để nhận lỗi trước gia đình và tự kết liễu đời mình, chỉ vì
nàng đã trót yêu một thi sĩ đã vợ con đề huề (Em là gái bên song cửa).
Đề tài “Romeo và Juliet” gợi hứng cho rất nhiều câu chuyện
tình dưới ngòi bút Lưu Trọng Lư, có khi ông đưa thẳng sự tích Tây Âu này vào
truyện (đoạn Cẩn và Liên vào rạp Majestic ở Hà Nội xem phim này trong Em
là gái bên song cửa, tình tiết kỹ nữ Lan mượn cuốn “Roméo et Juliete” của
bác sĩ Hải trong Gió cây trút lá, v.v.). Theo cách thức này, tình yêu
càng kỳ ngộ, càng gặp trắc trở lại càng tự chứng tỏ tính “đích thực” của mình,
và sự cản trở, hủy hoại nó càng đáng bị lên án.
Những nữ nhân vật chính kể trên (Nhung trong Cô Nhung, Quỳnh
trong Bến cũ, Cẩn trong Em là gái bên song cửa) đều được mô tả
như những thiếu nữ tân thời, học trường Pháp Việt, muốn được sống theo văn hóa
mới, tự lập, tự lựa chọn người yêu, nhưng bị cha mẹ buộc quay vào lối sống cũ,
họ không dám hoặc không đủ sức chống lại, đành miễn cưỡng tuân phục, “nhắm mắt
đưa chân”. Lưu Trọng Lư ở đây đã lặp lại và làm đậm thêm bi kịch của nàng Tố
Tâm (trong tiểu thuyết cùng tên, Tố Tâm, viết 1922, in 1925, của
Hoàng Ngọc Phách); đây là giai đoạn đầu của những con người cá nhân, − những
“con người mới” của thời đại, − trước khi họ có thể đi tới giai đoạn sau, phản
kháng quyết liệt hơn, trong thế giới tiểu thuyết của Khái Hưng (Nửa chừng xuân),
Nhất Linh (Đoạn tuyệt). Ta nhớ rằng các tác phẩm tự sự của Lưu Trọng Lư và của
Khái Hưng, Nhất Linh là những sáng tác cùng thời; việc Lưu Trọng Lư đưa thế giới
nhân vật “con người mới” của mình trở lại giai đoạn Tố Tâm có thể là lý do khiến
các tác phẩm của ông không gây tiếng vang như tiểu thuyết của hai nhà văn trong
Tự Lực văn đoàn, nhưng đây lại như một thứ “ánh xạ” cho thấy sự chuyển biến chậm
trễ, quẩn quanh của con người và xã hội Việt Nam.
Sự thất bại của các nhân vật chính ở văn xuôi tự sự Lưu Trọng
Lư không chỉ được giải trình như hậu quả những cản ngại từ họ hàng, gia đình
hay từ khác biệt tôn giáo. Huy rơi “từ thiên đường xuống địa ngục” không chỉ vì
đời sống vợ chồng chàng bị mẹ chàng giám sát gắt gao, không chỉ vì bản thân
chàng bị cha mẹ buộc phải đi làm quan trong khi ở chàng đã nảy sinh những “tư
tưởng xã hội” do tiếp xúc với chủ nghĩa Mã Khắc Tư (marxisme), mà còn chủ yếu
vì chàng đã “thoát ly” gia đình một cách rất tùy hứng, không tìm thấy cách sống
và lý tưởng nào khả dĩ khi rời xa gia đình (Từ thiên đường đến địa ngục); đây
là thất bại của sự “nổi loạn” quá non nớt, khờ khạo, của một kẻ “tiên thiên bất
túc”.
Không ngẫu nhiên Lưu Trọng Lư thường đưa thư tín vào văn bản
tiểu thuyết: đây từ lâu đã được xem là cách rất tốt để thể hiện thế giới tâm
lý, tư tưởng của nhân vật. Việc Liên (tiểu thuyết Cô bé hái dâu) thú nhận
lầm lỗi của mình ở thời khắc quyết định − ruồng rẫy Dương, trốn chạy Dương khi
Dương bày tỏ tình cảm với Liên trong không gian hang động kỳ thú, kết cục là
đánh mất tình yêu, − chỉ qua thư từ “cô bé hái dâu” ấy viết cho bạn, mới tỏ rõ
mức độ ân hận, mức độ thất bại của nhân vật.
Lưu Trọng Lư hình dung ra nhiều kiểu thất bại. Không chỉ việc
nhân vật chính bị mất người yêu, bị tình phụ, phải chọn cái chết, mới cho thấy
thất bại của con người.
Trong Cô gái tân thời, anh chàng Lương thật sự thích cô
bé Yến là em gái Hiến bạn chàng, nhưng trước sự săn đón của Vinh, cô gái tân thời
con nhà giàu mà gia đình mai mối, Lương “tặc lưỡi” quên Yến để lấy Vinh. Rồi
Lương toan tính dùng tiền bạc của ông bố vợ giàu có để làm báo mà chàng cho là
một sự nghiệp có ý nghĩa xã hội to lớn. Nhưng chàng đã không biết cách chèo chống
tờ báo trước sự cạnh tranh. Chàng nhanh chóng dẹp tờ báo, mở tiệm khiêu vũ, rơi
dần vào các thói ăn chơi hành lạc. Rồi vợ chồng chàng được hưởng thừa kế gia sản
bố vợ, trở nên giàu có. Đến lượt tham vọng mở báo lây sang vợ chàng, nhưng
chàng đã truyền nỗi hoài nghi tác dụng của nghề báo sang cho vợ, khiến vợ chàng
nhanh chóng đi tới quyết định đóng cửa tờ báo chính vào lúc nó được coi như điểm
tựa của một phong trào nữ quyền đang lên. Họ trở lại sống cuộc sống tầm thường
của những trọc phú, nhiều lạc thú nhưng ít lý tưởng. Đây là một chuỗi dài những
“tụt dốc” về lý tưởng sống, từ thanh cao trong sáng tụt dần xuống tầm thường
dung tục.
Với những kẻ thất bại như Huy (Từ thiên đường đến địa ngục)
như vợ chồng Lương (Cô gái tân thời), ngòi bút tác giả ngày càng lộ một nụ cười
mỉa mai. Mỉa mai những kẻ thất bại vì những động cơ hành động quá tùy hứng,
nông nổi, vì chất lý tưởng hết sức hời hợt ở họ.
4. Trong cộng đồng văn học Việt Nam trước năm 1945, hoạt động
văn học của Lưu Trọng Lư ban đầu gắn với nhóm Ngân Sơn tùng thư ở Huế (1933) gồm
một số thành viên: Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Thái Can, v.v… Nhưng nhóm này, −
cũng như tình trạng chung của văn nhân thi sĩ thành Huế đương thời − không đủ sức
trở thành một trong những trung tâm hoạt động văn học, nên hầu như chỉ một năm
sau đó, từ 1934, Lưu Trọng Lư đã chuyển hướng cộng tác ra Hà Nội.
Có lúc ông tham gia nhóm Hà Nội báo (1936-37) của
chủ nhân Lê Cường; bên cạnh các bạn viết Lê Tràng Kiều, Huy Thông, Vũ Trọng Phụng,
Thái Can, Trần Bình Lộc, v.v… và một vài tờ báo văn chương khác, như Phụ nữ
thời đàm tập mới do Phan Khôi làm chủ bút (1933-34); Đông Dương tạp
chí tục bản do Nguyễn Giang chủ trì và Vũ Trọng Phụng là thư ký tòa soạn
phần tiếng Việt (1937-38); Hà Nội tân văn của chủ nhiệm Vũ Đình Dy và
chủ bút Vũ Ngọc Phan (1940-41). Nhưng tựu trung nơi ông gắn bó lâu dài và thường
xuyên là các ấn phẩm của nhà xuất bản Tân Dân, từ Tiểu thuyết thứ bảy (1934-44), qua Phổ
thông bán nguyệt san (1938-44), đếnTao đàn (1939).
Hầu như Lưu Trọng Lư không cộng tác gì với các cơ quan của Tự
Lực văn đoàn (các báo Phong hóa, Ngày nay, nhà xuất bản Đời nay).
Thế nhưng những sự việc vừa nêu chủ yếu chỉ thuộc về phương
diện liên kết cộng tác trong việc công bố, đăng tải tác phẩm, chứ không trực tiếp
chi phối thị hiếu, xu hướng sáng tạo văn chương.
Nếu như các thành viên Tự Lực văn đoàn có chung một số tôn chỉ
xã hội và nghệ thuật, thì giữa những nhà văn cộng tác với nhà Tân Dân lại
không hề có những cam kết đồng thuận chính thức nào về bất cứ điều gì; họ dường
như mặc nhiên chấp nhận những khác biệt của nhau cả về thái độ xã hội lẫn quan
niệm nghệ thuật. Chẳng hạn, tồn tại bên cạnh một Vũ Trọng Phụng ưa dùng tả chân
để tố cáo, phê phán, thì Lưu Trọng Lư vẫn có thể đưa đẩy ngòi bút của mình theo
những đề tài mộng mơ, trữ tình, thậm chí lãng mạn. Một vài tác phẩm văn xuôi tự
sự của Lưu Trọng Lư thậm chí có những nét gần gũi sáng tác của Khái Hưng, Nhất
Linh, Thạch Lam, trong khi sáng tác thơ Lưu Trọng Lư vốn đã có những nét khá gần
gũi sáng tác thơ của Thế Lữ, Huy Cận, − những nhà thơ của văn đoàn Tự Lực.
Trong giới nghiên cứu văn học sử, không ít học giả đã từng gắn
sáng tác của các tác gia Tự Lực văn đoàn với chủ nghĩa lãng mạn (romantisme). Sự
xác định này chỉ tương đối rõ rệt cho mấy nhà thơ trữ tình trong Tự Lực như Thế
Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, nhưng vị tất đã thỏa đáng nếu áp dụng cho nhà thơ trào
phúng Tú Mỡ, cũng là một thành viên khác của Tự Lực. Đối với văn xuôi tự sự của
các tác giả Tự Lực, − xin nhớ lại, − trong khi hầu hết học giả ở miền Bắc Việt
Nam những năm 1960-70 muốn coi đó là tiểu thuyết lãng mạn, thì một vài học giả
Nga Xô-viết tiếp cận các sáng tác này lại muốn xem đó như những sáng tác thuộc
chủ nghĩa tình cảm (sentimentalisme). Chiều hướng nhận định này không chỉ là kết
quả sự đọc kỹ của họ, mà còn đáp ứng sơ đồ lý thuyết về một quá trình văn học sử
thông thường, theo đó chủ nghĩa tình cảm được xem như bước đi tới chủ nghĩa hiện
thực (réalisme) ở các nền văn học dân tộc; mà dấu hiệu của “tiến bộ nghệ thuật”,
trong tư duy của học thuật suốt nhiều năm dài nằm trong ảnh hưởng của trung tâm
Xô-viết, lại là việc một nền văn học dân tộc tiến về phía “chủ nghĩa hiện thực”!
Đó là chưa tính tới một thực trạng không kém “đặc thù” khác
trong đời sống văn nghệ những năm 1950-70 ở miền Bắc, khi mà hầu hết di sản văn
chương “tiền chiến” đều bị hạ giá trong cái nhìn chính thống, thì định ngữ
“lãng mạn” thậm chí còn là dấu hiệu để tăng tiến sự hạ bậc, và tự nhiên, những
chủ nhân của phần di sản bị “yểm bùa” kia rất không muốn bị gắn thêm nhãn mác;
đồng thời những nhà phê bình được tiếng cứng rắn lại vẫn sẵn lòng áp dụng lối định
giá quá khứ theo cái ghế hiện tại, ngấm ngầm miễn giảm những định ngữ nguy hại
cho những nghi can xưa mà nay đang là quan chức của nền văn nghệ chính thống
(có thể Lưu Trọng Lư ít nhiều được hưởng sự chiếu cố này!); sự định giá trong
phê bình nghiên cứu văn nghệ quá khứ theo các chuẩn ý thức hệ hiện tại, lại thấm
qua những ngóc ngách của mỗi sự chiếu cố hoặc trách phạt đơn lẻ, rốt cuộc đã mất
đi tính phổ quát thực sự của quan niệm lý thuyết. Rốt cuộc, chuyện có hay không
có một khuynh hướng lãng mạn trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, diện mạo,
đặc tính của nó ra sao, v.v điều đó cho đến nay vẫn là những vấn đề văn học
sử chưa hề được giải quyết nghiêm túc.
Tạm rời xa những khung tư duy văn học sử lý thuyết đã được đề
xuất mà với thời gian càng ngày càng bộc lộ tính quy phạm, trở lại những hiện
tượng văn chương vốn sinh động, giàu sự khác biệt mà cũng nhiều cạnh khía tương
đồng, ta vẫn có thể duy trì một nhận định, theo đó, một phần đáng kể sáng tác tự
sự của Lưu Trọng Lư, − cũng tương tự sáng tác thơ của ông, − bộc lộ một khunh
hướng phong cách lãng mạn khá rõ rệt. Lãng mạn, ở thế giới tiểu thuyết Lưu Trọng
Lư, không chỉ biểu lộ ở sự tập trung quá rõ vào các chuyện tình yêu, trong đó
dang dở nhiều hơn hạnh đạt; “lãng mạn” ở văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư còn lộ rõ
thậm chí ở ngay ngôn từ tự sự của ông, một ngôn từ thường trực khả năng “lên
cơn sốt” xúc cảm với những cơn sóng tràn bờ, mở đường cho độc thoại của nhân vật
hoặc các trường đoạn mô tả tâm lý nhân vật và “ngoại đề trữ tình” của chính người
kể chuyện. Tất nhiên sự phóng túng, muốn vượt thoát các khuôn khổ, ở văn tự sự
của ông, lại như trái với những xử lý thường là dè dặt cho sự phát triển tính
cách: các nhân vật của ông thường tự kết liễu hoặc đầu hàng hoàn cảnh thay vì
dám vượt qua giới hạn. Nhưng chính sự xử lý kiểu này lại không trái với “nguyên
tắc” lãng mạn nói chung: độ chênh giữa thực tại và lý tưởng vẫn được tô đậm. Phần
lớn các nhân vật của Lưu Trọng Lư đều có thể được coi là các “nhân vật lãng mạn”,
họ ôm ấp những giá trị tốt đẹp trong lòng đến tận những giây phút cuối, nhưng
không đủ sức để biến chúng thành thực tế; đối mặt sự đời thô kệch, những mộng đẹp
đều tan vỡ.
Tóm lại, theo tôi, lãng mạn là nét phong cách khá nổi bật ở
văn xuôi tự sự trước 1945 của Lưu Trọng Lư. Tất nhiên điều này không ngăn cản
việc ở phần sáng tác này của ông, ta còn có thể tìm thấy những minh chứng về sự
tố cáo những biểu hiện phi nhân tính, phản xã hội ở cuộc sống đương thời, − tức
là những thuộc tính thường vẫn được gắn cho văn chương “tả thực phê phán”. Lại
cũng có thể tìm thấy ở mảng sáng tác này của ông những trường đoạn, thậm chí gần
như nguyên vẹn cả một tác phẩm cho thấy những tập tục sinh hoạt của cư dân Việt,
từ tục phạt vạ gái chửa hoang (Khói lam chiều) đến tục chặn đường đám đón dâu để
xin “cheo” (Chiếc cáng xanh), hoặc những quan hệ dòng tộc theo phụ hệ giành ưu
thắng trong gia tộc (Dòng họ), v.v… nhưng cũng không dễ để có thể coi Lưu Trọng
Lư như nhà văn phong tục.
5. Trở lên là một số nhận xét sơ bộ về mảng văn xuôi tự sự trước
1945 của Lưu Trọng Lư, nhân hoàn thành một sưu tập các tác phẩm loại này của
ông.
Đây dĩ nhiên mới chỉ là những nhận xét rất sơ lược.
Điều chủ yếu chúng tôi đã làm, với tập sách này, là giới thiệu
lại một phần di sản của ngòi bút Lưu Trọng Lư, đã từng bị quên lãng suốt hơn nửa
thế kỷ. Sưu tập này có thể làm phong phú hơn những hiểu biết về Lưu Trọng Lư,
không chỉ như nhà thơ, nhà viết kịch và hoạt động sân khấu, mà còn như một tiểu
thuyết gia.
Việc khôi phục lại được những phần đã bị bỏ quên hoặc mất mát
của mỗi tác giả luôn luôn đem lại niềm vui cho người nghiên cứu sưu tầm. Còn việc
chính di sản ấy có thể chứa đựng những ý nghĩa, giá trị như thế nào, − ấy sẽ là
công việc của các giới nghiên cứu về sau.
(1) Xem các bài: a/ Chương Dân: Tiểu
phê bình về sách vở: “Người sơn nhân” của Ngân Sơn tùng thư, tác giả Lưu Trọng
Lư// Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 5 (15/10/1933), tr. 6-8; b/ P.K.: Lời
bạt sau bài “Đọc bài phê bình ‘Người sơn nhân’ của cô Nguyễn Thị Kiêm” của cô
Thụy An// Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 15 (24/12/1933), tr. 5-7; c/ Phan
Khôi: Lời phụ sau bài phê bình ‘Hồn bướm mơ tiên’ của ông Trần Thanh Mại// Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 18 (14/1/1934), tr. 11-15;
(2) Trương Tửu (1935): Văn học
Việt Nam hiện đại, in lại trong sách: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, /Nguyễn
Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Lao động – Trung tâm văn
hóa-ngôn ngữ Đông Tây, 2007, tr. 146-154.
(3) Vũ Ngọc Phan (1942): Nhà văn hiện
đại, phê bình văn học, tái bản, Nxb. Khoa học xã hội, Tp.HCM., 1989, tr.
672-689.
(4) Phạm Thế Ngũ (1961): Việt Nam văn
học sử giản ước tân biên, tập III: Văn học hiện đại 1862-1945, tái bản, Đồng
Tháp: Nxb. Đồng Tháp, 1996, tr. 559-560.
(5) Xem mục từ “Lưu Trọng Lư” do Nguyễn
Văn Long viết, trong Từ điển văn học, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu…
biên soạn, t. I, Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội, tr. 418-419. Từ điển văn học, bộ
mới (Nxb. Thế giới, H. – Tp. HCM., 2004) cũng của nhóm soạn giả trên, mục từ “Lưu Trọng
Lư” hầu như không có thay đổi gì so với bản in 1983 dẫn trên.
(6) Chi tiết, xem: Lưu Trọng Lư, Tuyển
tập (thơ, văn xuôi, kịch thơ)/ Nguyễn Văn Long sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu,
Hoàng Trung Thông viết lời bạt / Hà Nội: Nxb. Văn học, 1987, 452 tr. 13x19 cm.
(7) Xem trong: Từ điển tác phẩm văn
xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945)/ Vũ Tuấn Anh-Bích Thu chủ biên/ Hà
Nội: Nxb. Văn học, 2001, tr. 234-6, 300-3, 473-6, 476-9, 713-6, 716-8; tr. 1118.
Hà Nội, 18/1/2011
Lại Nguyên Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét