Vẻ đẹp người phụ nữ Huế
Hình bóng người phụ nữ xứ Huế từ lâu đã được khắc sâu trong
nghệ thuật hội họa với bao tác phẩm, dáng hình và tình cảm sâu nặng, với những
vẻ đẹp chiều sâu hài hòa, rung cảm, xao động lòng người. Những tác phẩm ấy đã
có ý nghĩa lịch sử lớn lao trong việc khẳng định và làm sáng tỏ hơn những giá
trị tinh thần, phẩm chất của con người Huế nói chung và của người phụ nữ Huế
nói riêng.
Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên, dấu tích kiến trúc cung đình, chùa chiền, vẻ đẹp lắng đọng, kín đáo của người phụ nữ Huế được coi là một mạch nguồn xúc cảm say đắm trong sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Các họa sỹ không chỉ chiêm ngưỡng mà còn muốn khám phá tận cùng ngọn nguồn của cái đẹp sâu lắng, xao động, trầm lặng, e ấp của người thiếu nữ Huế.
Trải qua bao năm tháng, cảnh sắc, con người Huế cũng có nhiều thay đổi, nhưng cốt cách, phẩm chất thẩm mỹ bên trong của người phụ nữ Huế thì vẫn bền chặt, sâu lắng những cảm xúc, chiều sâu chất Huế. Hình ảnh của người phụ nữ Huế hiện ra với bao vẻ đẹp đời thường, bình dị mộc mạc. Những bóng hình và tâm trạng, tình cảm và nghĩ suy của người phụ nữ Huế xa xưa dường như còn đó trong tranh dân gian làng Sình như tranh Con ảnh nữ, Đồ cô, Bà mối và trong bộ tranh Bát âm rực rỡ sắc màu. Đến đầu thế kỷ XX cùng với sự xuất hiện của các chất liệu hội họa châu Âu và kỹ thuật, phong cách tạo hình mới, một số tranh chân dung các Bà Hoàng đã được thể hiện với bút pháp hiện thực trong phẩm phục cung đình cao sang, quý phái.
Nửa đầu thế kỷ XX nhiều họa sĩ hàng đầu của Việt Nam đã từng đến sống và vẽ về Huế, vẽ về những tà áo tím đã đi vào thi ca, âm nhạc, những tà áo trắng mộng mơ, tinh trắng trong thơ Hàn Mặc tử. Mỗi thành công trong tác phẩm của họ là sự kết tinh của việc dày công nghiên cứu tìm tòi sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, độc đáo. Trong bài: “Đặc điểm và sự kiện chính của mỹ thuật Huế giai đoạn 1954-1975” họa sĩ Phan Xuân Sanh cho biết: “Thời gian mười năm trước năm 1945, tuy trường Mỹ thuật Huế chưa chính thức thành lập, nhưng các bậc thầy họa sĩ đàn anh đã có mặt khá đông”. Nhiều họa sĩ đã để lại những dấu ấn tạo hình đặc sắc như Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Lương Quang Duyệt, Mai Trung Thứ, Tôn Thất Đào, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Phạm Đăng Trí, Phạm Viết Song, Lương Xuân Nhị. Nhiều người đã để lại những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật cao không chỉ ghi nhận vẻ đẹp của cảnh sắc và xứ Huế mà còn khám phá vẻ đẹp chiều sâu, ẩn dấu thầm lắng của người phụ nữ Huế.
Những năm 30, Huế đón nhận nhiều họa sỹ từ Hà nội vào, họa sỹ Mai Trung Thứ là một trong số sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến Huế dạy vẽ ở trường Quốc Học. Cũng như các họa sĩ khác khi dừng chân ở Huế ông bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của những thiếu nữ Huế dịu dàng, kín đáo, những ngôi nhà ẩn kín trong vườn, lăng tẩm rêu phong, trầm mặc dưới rặng thông già, chùa chiền cổ kính âm vọng, tiếng chuông chiều... Trong bài “Vài mẩu chuyện về họa sĩ Mai Trung Thứ” tác giả Lôi Hạ cho biết: “Tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ làm giáo sư dạy vẽ ở trường Quốc Học - Huế. Và cái xứ Huế đầy thơ mộng đã quyến rũ ông, đã tạo cho ông những nhân vật và không gian...”. Được biết trong những năm 1930 Mai Trung Thứ nghiên cứu nhiều về ca kỹ Huế, ông vẽ nhiều về các nhạc công ca Huế, một vài bức sau đó thuộc về sưu tập của vua Bảo Đại và trưng bày ở Điện Kiến Trung cùng với tranh của nhiều họa sĩ khác. Trong các tác phẩm của Mai Trung Thứ có bức “Thiếu nữ Huế” vẽ năm 1939 rất đáng được chú ý. Đây là bức tranh đẹp và khá lạ đối với thời kỳ đó, cô gái có một vẻ trầm tư, đường nét mảnh khảnh, đôi mắt to tròn lặng nhìn một cách hồn nhiên. Bàn tay đặt hờ hững ở quai nón trông thật dịu dàng, nữ tính, tà áo dài với vệt sáng phấn màu hồng trắng gợi lên bao cảm xúc về vẻ đẹp nội tâm của người con gái Huế những năm 1930. Phong thái của người thiếu nữ trong tranh của Mai trung Thứ được biểu đạt tinh tế, kín đáo với đôi chút trầm lắng, rụt rè của thiếu nữ Huế vùng “Đây thôn Vỹ”, Kim Luông nền nã, giản dị đời thường mà có một sức hút kỳ lạ về vẻ đẹp nội tâm chứ không phải là một thiếu nữ đài các, “cành vàng lá ngọc”.
Với họa sĩ Tô Ngọc Vân dẫu ban dầu chỉ định ghé Huế một thời gian ngắn trong cuộc hành trình đi dạy vẽ ở Nam Vang, nhưng rồi ông đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của dáng hình và sự kín đáo, tinh tế của những người thiếu nữ thơ mộng đã gây ấn tượng cảm xúc cho sáng tạo, ông vẽ nhiều ký họa về những thành cổ rêu phong, những lăng tẩm ẩn dưới rừng thông và những thiếu nữ Huế nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ, với những tà áo trắng bay lững lờ quyện vào trong dòng sông Hương thơ mộng. Ông chuyên vẽ về phong cảnh, về thiếu nữ thành thị mặc áo dài, về sinh hoạt, phong cảnh chùa chiền, cùng sư sãi áo vàng, những con thuyền, bến nước trong xanh đầy thơ mộng. Những ngày ở Huế, Tô Ngọc Vân được triều đình Bảo Đại mời vẽ tranh tường trang trí cho điện Kiến Trung. Theo lời của họa sĩ lão thành Phạm Viết Song khi ông được mời vào cung để vẽ chân dung Nam Phương Hoàng Hậu, ông đã thấy tranh thiếu nữ thướt tha bên hồ của họa sĩ Tô Ngọc Vân, với gam màu nhẹ, lạnh rất là gợi cảm. Ông Phạm Viết Song kể lại: “Tôi được dẫn qua bề dọc của căn phòng, đến một cánh cửa thông sang buồng khách lớn của điện Kiến Trung. Căn phòng khá rộng... các mặt tường đều treo tranh... mảng tường trái có một lò sưởi lớn, thể hiện các thiếu nữ thướt tha bên hồ của Tô Ngọc Vân”. Họa sỹ Phạm Viết Song còn là người đã được mời vẽ chân dung Nam Phương Hoàng Hậu. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên đối với ông vào năm 1944. Bức tranh này hiện đã bị mất, nhưng họa sĩ vẫn nhớ rõ: “Bà hoàng ngồi, gác chân sang đầu gối phải, hai tay đặt trên đầu gối trái, chân dung vẽ từ đầu gối trở lên. Bà mặc áo nhung the màu tím than, cổ đeo chuỗi hạt trai, mỗi hạt to bằng hòn bi ve”, “Bức chân dung được vẽ trên giấy Ingres, mặt giấy nhám, màu ngà, khổ 0,60 x 0,80 - Phấn màu của cửa hàng Lơfơrăng Pháp loại dùng để vẽ người”. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một trong những họa sĩ tài năng thuộc thế hệ ra đời từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1941 ông vào Huế dạy học ở trường Thuận Hóa và trường Việt Anh cho đến năm 1944. Ông sống ở ngõ Âm Hồn, ông vẽ nhiều tranh về Huế minh họa sách “Nguồn sinh lực” và “Ngoại ô” của Nguyễn Đình Lạp. Ông nghiên cứu về đình đền, miếu chùa, cây đa, bến nước rất sát thực. Tranh của ông tiềm ẩn một cái đẹp riêng có chiều sâu của xứ Huế. Ông cảm nhận về vẻ đẹp phụ nữ Huế không phải ở bề nổi mà hướng về sự khám phá chiều sâu đặt hình bóng họ trong quan hệ với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hòa hợp với cái đẹp vắng lặng của cổ tích trầm mặc. Bức tranh “Cổng thành Huế” vẽ năm 1941 của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một thành công của sự sáng tạo, tìm tòi về những sắc riêng của Huế, để Huế hiện ra trong dáng vẻ hoài cổ man mác nỗi buồn thời đại. Tranh của ông gợi nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Bức tranh cho ta thấy một buổi chiều của xứ Huế tím hồng có chuyển ít trắng nhẹ. Họa sĩ đã tả những vệt sáng trên nóc cổng thành của kinh thành Huế, màu xanh của ngói lưu ly và chuyển xuống bức tường gợi lên được nét xưa rêu phong cổ kính, Họa sĩ chuyển màu vàng đậm sang màu vàng sáng trắng tạo nên sự hun hút của một con đường quen thuộc ở Huế, hình ảnh một người thiếu phụ trên đường vắng đã tạo cảm giác tĩnh lặng, đìu hiu của một buổi chiều xa vắng, nhung nhớ của Huế. Chính ông cũng bày tỏ: “Tôi cảm xúc với những cái trong quá khứ mà tôi muốn bíu lấy, cảm thấy ở đó có 1 cái gì gần gũi”. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã khẳng định vững chắc vị trí của ông trong nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam từ những tranh đạt hiệu quả cao như vậy.
Một số họa sĩ vẽ về Huế với một cảm giác bồng bềnh của một tâm hồn thi vị. Có thể nhận ra chất thi vị ấy trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn. Ông đã vẽ khá nhiều về người phụ nữ Huế như tác phẩm "Thanh minh", “Đường lên lăng”, “Mẹ con”. Trong “Thanh minh” ông đã tạo nên một một sự gắn bó đến mức thân thuộc của hình tượng các thiếu nữ với cảnh núi Ngự Bình thông reo, trời trong xanh và nắng tỏa sáng trên những sườn đồi. Ông thường nghiên cứu chất liệu màu dầu, bột màu, và một số khá nhiều tranh vẽ phụ nữ theo lối thủy mạc Á Đông. Và có lẽ lối vẽ nào của ông cũng tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Nói về Nguyễn Khoa Toàn, ông Paul Mousset (Pháp) ca ngợi: “...đó là người biết tôn thờ cái đẹp” còn G. Besson- một nhà mỹ thuật học Pháp khác nói: “... ông cũng khéo léo vẽ tranh phong cảnh, chân dung và làm nảy nở bao thi vị trong tác phẩm”. Chính những cái lắng đọng, trầm tư của người phụ nữ Huế đã ẩn dấu một vẻ đẹp cuốn hút, lôi cuốn sự khám phá ở nhiều họa sĩ. Nhiều người tìm thấy sự hoài niệm về quá khứ, điều này có thể cảm nhận được ở tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào và Phạm Đăng Trí, hai trong số những họa sĩ thế hệ đầu ở Huế.. Hai ông vẽ nhiều về cảnh đẹp xứ Huế, sông Hương núi Ngự, một vùng non nước thơ mộng hữu tình với bao đền đài lăng tẩm, những công trình kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên hòa quyện vào vẻ đẹp dịu dàng của các thiếu nữ Huế trong tà áo trắng,áo tím. Hình tượng thiếu nữ của Tôn Thất Đào thường gắn liền với hình ảnh của sông núi xứ Huế, nhiều khi hóa thân vào những cảnh vật quen thuộc như núi Ngự Bình, sông Hương hay mơ mộng trong bóng dáng chập chờn của rừng thông. Trong tranh “Người suối bạc” của Phạm Đăng Trí diễn tả cái đẹp nuột nà, mềm mại của người phụ nữ Huế trước 1945, tranh của ông phản ánh chân thực tư tưởng thẩm mỹ lúc bấy giờ. Những tà áo dài tím Huế bay lượn trong không gian, với mái tóc ôm ấp những khuôn mặt ngây thơ, trầm tư, đã tụ hội những yếu tố đẹp của thiếu nữ Huế thấm đượm công, dung, ngôn, hạnh.
Các họa sĩ vẽ nhiều về cảnh sắc thiên nhiên và nhiều tranh luôn có hình bóng tha thướt của thiếu nữ Huế. Những cô gái Huế dịu dàng kín đáo - một mô típ phù hợp với trào lưu lãng mạn hiện thực bấy giờ và đó cũng là những cảnh dễ tạo cảm hứng cho các họa sĩ. Cái chính là trong đó có những tâm tình riêng, các họa sĩ gửi gắm bao niềm tâm sự kín đáo, đó cũng là cái riêng của mỗi họa sĩ khi cảm xúc về vẻ đẹp của thiếu nữ Huế, với nguồn cảm hứng riêng của mình không bị lôi cuốn theo trào lưu phương Tây.
Những bức tranh mà các họa sĩ vẽ về thiếu nữ Huế đều có dấu ấn và có vị trí xứng đáng trong mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Những tác phẩm đặc sắc mà họa sĩ để lại rất có ấn tượng trong mạch thẩm mỹ của xứ Huế, góp phần làm rõ hơn diện mạo, bản sắc văn hóa Huế trong thế kỷ XX. Đồng thời đó cũng là những tác phẩm, những đóng góp đặc sắc cho toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên, dấu tích kiến trúc cung đình, chùa chiền, vẻ đẹp lắng đọng, kín đáo của người phụ nữ Huế được coi là một mạch nguồn xúc cảm say đắm trong sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Các họa sỹ không chỉ chiêm ngưỡng mà còn muốn khám phá tận cùng ngọn nguồn của cái đẹp sâu lắng, xao động, trầm lặng, e ấp của người thiếu nữ Huế.
Trải qua bao năm tháng, cảnh sắc, con người Huế cũng có nhiều thay đổi, nhưng cốt cách, phẩm chất thẩm mỹ bên trong của người phụ nữ Huế thì vẫn bền chặt, sâu lắng những cảm xúc, chiều sâu chất Huế. Hình ảnh của người phụ nữ Huế hiện ra với bao vẻ đẹp đời thường, bình dị mộc mạc. Những bóng hình và tâm trạng, tình cảm và nghĩ suy của người phụ nữ Huế xa xưa dường như còn đó trong tranh dân gian làng Sình như tranh Con ảnh nữ, Đồ cô, Bà mối và trong bộ tranh Bát âm rực rỡ sắc màu. Đến đầu thế kỷ XX cùng với sự xuất hiện của các chất liệu hội họa châu Âu và kỹ thuật, phong cách tạo hình mới, một số tranh chân dung các Bà Hoàng đã được thể hiện với bút pháp hiện thực trong phẩm phục cung đình cao sang, quý phái.
Nửa đầu thế kỷ XX nhiều họa sĩ hàng đầu của Việt Nam đã từng đến sống và vẽ về Huế, vẽ về những tà áo tím đã đi vào thi ca, âm nhạc, những tà áo trắng mộng mơ, tinh trắng trong thơ Hàn Mặc tử. Mỗi thành công trong tác phẩm của họ là sự kết tinh của việc dày công nghiên cứu tìm tòi sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, độc đáo. Trong bài: “Đặc điểm và sự kiện chính của mỹ thuật Huế giai đoạn 1954-1975” họa sĩ Phan Xuân Sanh cho biết: “Thời gian mười năm trước năm 1945, tuy trường Mỹ thuật Huế chưa chính thức thành lập, nhưng các bậc thầy họa sĩ đàn anh đã có mặt khá đông”. Nhiều họa sĩ đã để lại những dấu ấn tạo hình đặc sắc như Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa, Lương Quang Duyệt, Mai Trung Thứ, Tôn Thất Đào, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Phạm Đăng Trí, Phạm Viết Song, Lương Xuân Nhị. Nhiều người đã để lại những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật cao không chỉ ghi nhận vẻ đẹp của cảnh sắc và xứ Huế mà còn khám phá vẻ đẹp chiều sâu, ẩn dấu thầm lắng của người phụ nữ Huế.
Những năm 30, Huế đón nhận nhiều họa sỹ từ Hà nội vào, họa sỹ Mai Trung Thứ là một trong số sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến Huế dạy vẽ ở trường Quốc Học. Cũng như các họa sĩ khác khi dừng chân ở Huế ông bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của những thiếu nữ Huế dịu dàng, kín đáo, những ngôi nhà ẩn kín trong vườn, lăng tẩm rêu phong, trầm mặc dưới rặng thông già, chùa chiền cổ kính âm vọng, tiếng chuông chiều... Trong bài “Vài mẩu chuyện về họa sĩ Mai Trung Thứ” tác giả Lôi Hạ cho biết: “Tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ làm giáo sư dạy vẽ ở trường Quốc Học - Huế. Và cái xứ Huế đầy thơ mộng đã quyến rũ ông, đã tạo cho ông những nhân vật và không gian...”. Được biết trong những năm 1930 Mai Trung Thứ nghiên cứu nhiều về ca kỹ Huế, ông vẽ nhiều về các nhạc công ca Huế, một vài bức sau đó thuộc về sưu tập của vua Bảo Đại và trưng bày ở Điện Kiến Trung cùng với tranh của nhiều họa sĩ khác. Trong các tác phẩm của Mai Trung Thứ có bức “Thiếu nữ Huế” vẽ năm 1939 rất đáng được chú ý. Đây là bức tranh đẹp và khá lạ đối với thời kỳ đó, cô gái có một vẻ trầm tư, đường nét mảnh khảnh, đôi mắt to tròn lặng nhìn một cách hồn nhiên. Bàn tay đặt hờ hững ở quai nón trông thật dịu dàng, nữ tính, tà áo dài với vệt sáng phấn màu hồng trắng gợi lên bao cảm xúc về vẻ đẹp nội tâm của người con gái Huế những năm 1930. Phong thái của người thiếu nữ trong tranh của Mai trung Thứ được biểu đạt tinh tế, kín đáo với đôi chút trầm lắng, rụt rè của thiếu nữ Huế vùng “Đây thôn Vỹ”, Kim Luông nền nã, giản dị đời thường mà có một sức hút kỳ lạ về vẻ đẹp nội tâm chứ không phải là một thiếu nữ đài các, “cành vàng lá ngọc”.
Với họa sĩ Tô Ngọc Vân dẫu ban dầu chỉ định ghé Huế một thời gian ngắn trong cuộc hành trình đi dạy vẽ ở Nam Vang, nhưng rồi ông đã bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của dáng hình và sự kín đáo, tinh tế của những người thiếu nữ thơ mộng đã gây ấn tượng cảm xúc cho sáng tạo, ông vẽ nhiều ký họa về những thành cổ rêu phong, những lăng tẩm ẩn dưới rừng thông và những thiếu nữ Huế nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ, với những tà áo trắng bay lững lờ quyện vào trong dòng sông Hương thơ mộng. Ông chuyên vẽ về phong cảnh, về thiếu nữ thành thị mặc áo dài, về sinh hoạt, phong cảnh chùa chiền, cùng sư sãi áo vàng, những con thuyền, bến nước trong xanh đầy thơ mộng. Những ngày ở Huế, Tô Ngọc Vân được triều đình Bảo Đại mời vẽ tranh tường trang trí cho điện Kiến Trung. Theo lời của họa sĩ lão thành Phạm Viết Song khi ông được mời vào cung để vẽ chân dung Nam Phương Hoàng Hậu, ông đã thấy tranh thiếu nữ thướt tha bên hồ của họa sĩ Tô Ngọc Vân, với gam màu nhẹ, lạnh rất là gợi cảm. Ông Phạm Viết Song kể lại: “Tôi được dẫn qua bề dọc của căn phòng, đến một cánh cửa thông sang buồng khách lớn của điện Kiến Trung. Căn phòng khá rộng... các mặt tường đều treo tranh... mảng tường trái có một lò sưởi lớn, thể hiện các thiếu nữ thướt tha bên hồ của Tô Ngọc Vân”. Họa sỹ Phạm Viết Song còn là người đã được mời vẽ chân dung Nam Phương Hoàng Hậu. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên đối với ông vào năm 1944. Bức tranh này hiện đã bị mất, nhưng họa sĩ vẫn nhớ rõ: “Bà hoàng ngồi, gác chân sang đầu gối phải, hai tay đặt trên đầu gối trái, chân dung vẽ từ đầu gối trở lên. Bà mặc áo nhung the màu tím than, cổ đeo chuỗi hạt trai, mỗi hạt to bằng hòn bi ve”, “Bức chân dung được vẽ trên giấy Ingres, mặt giấy nhám, màu ngà, khổ 0,60 x 0,80 - Phấn màu của cửa hàng Lơfơrăng Pháp loại dùng để vẽ người”. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một trong những họa sĩ tài năng thuộc thế hệ ra đời từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1941 ông vào Huế dạy học ở trường Thuận Hóa và trường Việt Anh cho đến năm 1944. Ông sống ở ngõ Âm Hồn, ông vẽ nhiều tranh về Huế minh họa sách “Nguồn sinh lực” và “Ngoại ô” của Nguyễn Đình Lạp. Ông nghiên cứu về đình đền, miếu chùa, cây đa, bến nước rất sát thực. Tranh của ông tiềm ẩn một cái đẹp riêng có chiều sâu của xứ Huế. Ông cảm nhận về vẻ đẹp phụ nữ Huế không phải ở bề nổi mà hướng về sự khám phá chiều sâu đặt hình bóng họ trong quan hệ với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hòa hợp với cái đẹp vắng lặng của cổ tích trầm mặc. Bức tranh “Cổng thành Huế” vẽ năm 1941 của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là một thành công của sự sáng tạo, tìm tòi về những sắc riêng của Huế, để Huế hiện ra trong dáng vẻ hoài cổ man mác nỗi buồn thời đại. Tranh của ông gợi nhớ đến câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Bức tranh cho ta thấy một buổi chiều của xứ Huế tím hồng có chuyển ít trắng nhẹ. Họa sĩ đã tả những vệt sáng trên nóc cổng thành của kinh thành Huế, màu xanh của ngói lưu ly và chuyển xuống bức tường gợi lên được nét xưa rêu phong cổ kính, Họa sĩ chuyển màu vàng đậm sang màu vàng sáng trắng tạo nên sự hun hút của một con đường quen thuộc ở Huế, hình ảnh một người thiếu phụ trên đường vắng đã tạo cảm giác tĩnh lặng, đìu hiu của một buổi chiều xa vắng, nhung nhớ của Huế. Chính ông cũng bày tỏ: “Tôi cảm xúc với những cái trong quá khứ mà tôi muốn bíu lấy, cảm thấy ở đó có 1 cái gì gần gũi”. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã khẳng định vững chắc vị trí của ông trong nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam từ những tranh đạt hiệu quả cao như vậy.
Một số họa sĩ vẽ về Huế với một cảm giác bồng bềnh của một tâm hồn thi vị. Có thể nhận ra chất thi vị ấy trong tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn. Ông đã vẽ khá nhiều về người phụ nữ Huế như tác phẩm "Thanh minh", “Đường lên lăng”, “Mẹ con”. Trong “Thanh minh” ông đã tạo nên một một sự gắn bó đến mức thân thuộc của hình tượng các thiếu nữ với cảnh núi Ngự Bình thông reo, trời trong xanh và nắng tỏa sáng trên những sườn đồi. Ông thường nghiên cứu chất liệu màu dầu, bột màu, và một số khá nhiều tranh vẽ phụ nữ theo lối thủy mạc Á Đông. Và có lẽ lối vẽ nào của ông cũng tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Nói về Nguyễn Khoa Toàn, ông Paul Mousset (Pháp) ca ngợi: “...đó là người biết tôn thờ cái đẹp” còn G. Besson- một nhà mỹ thuật học Pháp khác nói: “... ông cũng khéo léo vẽ tranh phong cảnh, chân dung và làm nảy nở bao thi vị trong tác phẩm”. Chính những cái lắng đọng, trầm tư của người phụ nữ Huế đã ẩn dấu một vẻ đẹp cuốn hút, lôi cuốn sự khám phá ở nhiều họa sĩ. Nhiều người tìm thấy sự hoài niệm về quá khứ, điều này có thể cảm nhận được ở tranh của họa sĩ Tôn Thất Đào và Phạm Đăng Trí, hai trong số những họa sĩ thế hệ đầu ở Huế.. Hai ông vẽ nhiều về cảnh đẹp xứ Huế, sông Hương núi Ngự, một vùng non nước thơ mộng hữu tình với bao đền đài lăng tẩm, những công trình kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên hòa quyện vào vẻ đẹp dịu dàng của các thiếu nữ Huế trong tà áo trắng,áo tím. Hình tượng thiếu nữ của Tôn Thất Đào thường gắn liền với hình ảnh của sông núi xứ Huế, nhiều khi hóa thân vào những cảnh vật quen thuộc như núi Ngự Bình, sông Hương hay mơ mộng trong bóng dáng chập chờn của rừng thông. Trong tranh “Người suối bạc” của Phạm Đăng Trí diễn tả cái đẹp nuột nà, mềm mại của người phụ nữ Huế trước 1945, tranh của ông phản ánh chân thực tư tưởng thẩm mỹ lúc bấy giờ. Những tà áo dài tím Huế bay lượn trong không gian, với mái tóc ôm ấp những khuôn mặt ngây thơ, trầm tư, đã tụ hội những yếu tố đẹp của thiếu nữ Huế thấm đượm công, dung, ngôn, hạnh.
Các họa sĩ vẽ nhiều về cảnh sắc thiên nhiên và nhiều tranh luôn có hình bóng tha thướt của thiếu nữ Huế. Những cô gái Huế dịu dàng kín đáo - một mô típ phù hợp với trào lưu lãng mạn hiện thực bấy giờ và đó cũng là những cảnh dễ tạo cảm hứng cho các họa sĩ. Cái chính là trong đó có những tâm tình riêng, các họa sĩ gửi gắm bao niềm tâm sự kín đáo, đó cũng là cái riêng của mỗi họa sĩ khi cảm xúc về vẻ đẹp của thiếu nữ Huế, với nguồn cảm hứng riêng của mình không bị lôi cuốn theo trào lưu phương Tây.
Những bức tranh mà các họa sĩ vẽ về thiếu nữ Huế đều có dấu ấn và có vị trí xứng đáng trong mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX. Những tác phẩm đặc sắc mà họa sĩ để lại rất có ấn tượng trong mạch thẩm mỹ của xứ Huế, góp phần làm rõ hơn diện mạo, bản sắc văn hóa Huế trong thế kỷ XX. Đồng thời đó cũng là những tác phẩm, những đóng góp đặc sắc cho toàn cảnh mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Phan Thanh Bình
Nguồn: Tạp chí sông Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét