10 cuốn sách hay kinh điển
đọc rồi cứ muốn đọc lại mãi
Sách luôn là món quà tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta,
Vnwriter gợi ý 10 cuốn sách hay mà nhiều người đọc rồi muốn đọc lại, là những
cuốn sách gối đầu giường không thể bỏ qua.
1/ Bố Già
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố
già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ
theo truyền thống Mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng,
mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch
xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố già được tác giả dày công khắc họa đã trở
thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc.
Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don
Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể,
e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa
khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lý rất
“đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ
bao phen vào sinh ra tử.
Với kết cấu hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động
gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố già xứng
đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo.
2/ Đại Gia Gatsby
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái
tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm
khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu - ngày mai chúng
ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn…”
Là bức chân dung của “Thời đại Jazz” (Jazz Age, cái tên do
chính Fitzgerald đặt cho thời kỳ 1918 - 1929), đại gia Gatsby nắm bắt vô cùng
sâu sắc tinh thần của thế hệ cùng thời ông: những ám ảnh thường trực về thành đạt,
tiền bạc, sang trọng, dư dật, hào nhoáng; song đồng thời là nỗi âu lo trước
thói sùng bái vật chất vô độ và sự thiếu vắng đạo đức đang ngày một lên ngôi.
Phất lên nhanh chóng từ chỗ “hàn vi”, Gatsby, nhân vật chính của câu chuyện, những
tưởng sẽ có tất cả - tiền bạc, quyền lực, và sau rốt là tình yêu -, nhưng rồi ảo
tưởng tình yêu đó tan vỡ thật đau đớn, theo sau là cái chết tức tưởi của
Gatsby, để cuối cùng lập tức bị người đời quên lãng. Là lời cảnh tỉnh để đời của
Scott Fitzgerald về cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”, Đại gia Gatsby được ví như một tượng
đài văn học, một cánh cửa cần mở ra cho những ai quan tâm tới văn học và lịch sử
tinh thần nước Mỹ thời hiện đai.
Đại gia Gatsby (The Great Gatsby) từ lâu đã được đưa vào giảng
dạy trong trường phổ thông và đại học ở nhiều nước trên thế giới. Cuốn tiểu
thuyết “khác thường, tuyệt đẹp, cấu trúc phức tạp song trên hết là giản dị”
(như lời chính nhà văn) đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất
thế kỷ 20 của Modern Library, và nằm trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất bằng
tiếng Anh từ 1923 đến 2005 do tạp chí Time bình chọn.
3/ Nhà Giả Kim
Cuốn sách này, như một hạt giống cho tâm hồn,
như ánh sáng cho đôi mắt. “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho không chỉ là
hành trình đi tìm vận mệnh của chàng trai Santiago. Mà còn là hành trình tìm hiểu
tiếng gọi của trái tim, tìm hiểu bản chất con người, tìm hiểu sự giao cảm của mọi
thứ xung quanh ta. Trong “Nhà giả kim”, ta theo bước chân chàng trai chăn cừu
Santiago “gặp gỡ” được vận mệnh của mình và thấu hiểu Ngôn ngữ Vũ trụ, Tâm linh
Vũ trụ qua từng chặng đường anh đi. Trái tim anh cảm hóa được vạn vật xung
quanh. Rồi ta lại ngẫm nghĩ về những bài học triết lý mà anh được học hỏi. Cuốn
sách này là một kho báu đồ sộ về triết lý phương Đông huyền bí, tình yêu, sự
sâu sắc của cách sống. Đọc “Nhà giả kim” có thể bạn không tìm được thuật luyện
vàng nhưng bạn sẽ luyện được trái tim mình thành vàng. Và đây là một cuốn sách
không dễ thấu hiểu. Tôi xin trích hai câu văn trong tác phẩm: “Trên đường đến
với giấc mơ, lòng can đản và sự kiên trì của cậu đã thường xuyên bị thử thách”
“Những thứ vào miệng con người không độc hại, xấu xa…xấu xa, độc hại là những
gì từ miệng họ tuôn ra”
4/ Trăm Năm Cô Đơn
Cho đến nay Trăm Năm Cô Đơn vẫn là cuốn tiểu
thuyết lớn nhất của Gabriel Garcia Márquez, nhà văn Columbia, người được giải Nobel
về văn học năm 1982. Trăm Năm Cô Đơn ra đời (1967) đã gây dư luận sôi nổi trên
văn đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Sau gần hai mươi năm,
Trăm Năm Cô Đơn đã được nhiều thế hệ độc giả đón nhận.
Trăm Năm Cô Đơn là lời kêu gọi mọi người hãy sống đúng bản chất
người - tổng hòa các mối quan hệ xã hội - của mình, hãy vượt qua mọi định kiến,
thành kiến cá nhân, hãy lấp bằng mọi hố ngăn cách cá nhân để cá nhân mình tự
hòa đồng với gia đình, với cộng đồng xã hội. Vì lẽ đó Garcia Márquez từng tuyên
bố cuốn sách mà ông để cả đời sáng tác là cuốn sách về cái cô đơn và thông qua
cái cô đơn ông kêu gọi mọi người đoàn kết, đoàn kết để đấu tranh, đoàn kết để
chiến thắng tình trạng chậm phát triển của Mỹ Latinh, đoàn kết để sáng tạo ra một
thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền thoại mới, hấp dẫn của cuộc sống, nơi
không ai bị kẻ khác định đoạt số phận mình ngay cả cái cách thức chết, nơi tình
yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự, và nơi những dòng họ
bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may lần thứ hai để tái
sinh trên mặt đất này.
5/ Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển
Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển là một cuốn tiểu thuyết
giả tưởng hiện đại không chỉ dành cho lứa tuổi thiếu nhi mà còn dành cho mọi thế
hệ người đọc.
Giáo sư Aronnax cùng anh bạn giúp việc vui tính Conseil là những
người say mê khám phá sinh vật biển. Họ đã quyết định khám phá bí mật của quái
vật biển. Được sự giúp đỡ của anh chàng thợ săn cá voi siêu hạng Ned Land, họ
đã sẵn sàng một cuộc đi săn mà không biết có bao điều nguy hiểm đang chờ đợi
mình ở phía trước. Bất ngờ đến với họ khi phát hiện ra con cá voi khổng lồ làm
bằng sắt, nhưng tất cả đều không kịp, họ bị bắt làm tù binh trên chiếc tàu của
thuyền trưởng Nemo. Và bất đắc dĩ, họ phải tham ra chuyến hành trình trên biển
dài ngày. Một thế giới kỳ thú của đại dương đã hiện ra cùng cuộc phiêu lưu của
đoàn thám hiểm và thuyền trưởng Nemo: Tham gia chuyến đi săn dưới đáy biển,
thoát khỏi cá mập nguy hiểm, chạy trốn những người thổ dân, khai thác kim cương
dưới đáy biển, khám phá nhiều vùng đất mới và cuối cùng là mắc kẹt trong núi
băng ở Bắc Cực…
Câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn ngay từ lúc bắt đầu đến khi ta gấp
sách lại sẽ khiến độc giả nhỏ tuổi thích thú, say mê. Nó xứng đáng là cuốn sách
gối đầu giường cho những ai say mê khám phá. Sách được in màu, trình bày đẹp,
có kèm tranh minh họa sinh động, nằm trong bộ truyện ngắn 12 cuốn Văn học kinh
điển dành cho thiếu nhi.
6/ Nhà Thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris là tác phẩm tiêu biểu cho
phong cách sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn của Victor Hugo. Cũng nhờ thành
công của tác phẩm mà ông được biết đến như một nhà văn nhân đạo, lãng mạn bậc
nhất của nước Pháp. Bằng cốt truyện khá bi thảm, nặng nề, các tình tiết xếp đặt
khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh tô đậm, phóng đại, lẫn lộn thực hư, kết hợp
với bút pháp miêu tả thật rực rỡ, kỳ thú, Victor Hugo đã vẽ nên một bức tranh
thu nhỏ về xã hội Pháp thế kỷ XV.
“Cạnh ngôi nhà thờ lớn cổ kính, Victor Hugo xây dựng một tòa
nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng vững chắc như nền móng, cũng ngất cao như
dãy tháp của tòa nhà thờ nọ”.
7/ Thép Đã Tôi Thế Đấy
Thép Đã Tôi Thế Đấy không phải là một tác phẩm
văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung
tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng
tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông.
Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá
nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết Thép Đã Tôi Thế Đấy trên giường bệnh, trong
khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể.
Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện
gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn
không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người
chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết,
không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và
viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quý phẩm chất của con người cách mạng.
Hãy đọc Thép đã tôi thế đấy để biết từng có một thời người ta
sống:
“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống
có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống
hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi
nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến
dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài
người…”
8/ Suối Nguồn
Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế
kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Time)
– Đã bán được 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất
bản lần đầu (năm 1943).
– Được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản
hàng năm.
– Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc nay đã có mặt tại Việt
Nam với bản dịch tiếng Việt.
Trích đoạn:
“… Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm
này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên,
chính quan điểm này - dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước,
đam mê và hoang mang đau khổ - là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người
ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan
điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những
nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về
một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu
lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.
Bản chất của con người - và của bất cứ sinh vật nào - không
phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực
ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một
vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc
nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính
họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất
trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng
trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối
bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại.
Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng
không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục
đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt
đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người
cũng như về cuộc sống.
Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Suối nguồn
là một trong những cột chỉ đường đó. Đây chính là một trong những lý do cơ bản
nhất khiến cho suối nguồn có sức hấp dẫn lâu dài; nó tái khẳng định tinh thần của
tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể
làm được những gì…”.
9/ Ông Già Và Biển Cả
Ông già và Biển cả (tên tiếng Anh: The Old Man
and the Sea) là một tiểu thuyết ngắn được Ernest Hemingway viết ở Cuba năm 1951
và xuất bản năm 1952. Nó là truyện ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng được viết bởi
Hemingway. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng và là một trong những đỉnh cao trong
sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Tác phẩm này đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư
cấu năm 1953. Nó cũng góp phần quan trọng để nhà văn được nhận Giải Nobel văn học
năm 1954.
Trong tác phẩm này, ông đã triệt để dùng nguyên lý mà ông gọi
là “tảng băng trôi”, chỉ mô tả một phần nổi còn lại bảy phần chìm, khi mô tả sức
mạnh của con cá, sự chênh lệch về lực lượng, về cuộc chiến đấu không cân sức giữa
con cá hung dữ với ông già. Tác phẩm ca ngợi niềm tin, sức lao động và khát vọng
của con người.
10/ Không Gia Đình
Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ,
không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy
đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em
bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống
khắp mọi nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống,
lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali,
về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và
sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm
liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt
ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước
tòa và bị ở tù.
Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở
đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm
chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động,
không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn
làm người có ích…
Vnwriter
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét