Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Những khúc ca còn dang dở

Những khúc ca còn dang dở
Tại sao tôi lấy tựa đề trong tập ca khúc thứ 41 này: “Những khúc ca còn dang dở”, bởi vì cả một thời gian dài (Từ 14/6/2016 đến 30/3/2018), gần 2 năm; tôi chẳng viết nên một ca khúc nào cả, chắc là đã “tắt lửa lòng”, hay “chữ nghĩa hết” gì đó. Ai mà biết được!. 
Thế là, đến nay tôi mới hoàn thành được tập 41 với 20 ca khúc. Âu cũng là điều lắm cố gắng vậy.
Tôi rời phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 6h25 sáng ngày 8/11/2016 để đi đến Đài Loan lúc 10h05 cùng ngày, gần 4 giờ bay. Nghỉ ngơi ở phi trường Đài Loan 2 h thì tiếp tục đi Chicago. Từ Đài Loan lúc 11h55; hãng máy bay Eva Air đưa chúng tôi tới Chicago, Illinois United States lúc 13h55 ngày 9/11/2016 với 14 h giờ bay. 
15h35 ngày 8/4/2017, hãng máy bay Eva Air đưa chúng tôi rời phi trường Chicago để đi đến Đài Loan lúc 20h25 ngày 9/4/2017, sau gần 17 giờ bay. Từ Đài Loan lúc 22h30 ngày 9/4/2017, sau gần 2 giờ bay thì đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 00h05 ngày 10/4/2017.
Trong 6 tháng ở Illinois Chicago, tôi chỉ viết được vỏn vẹn 3 ca khúc: “Tuyết rơi” và “Còn đâu nữa mùa xuân” “Còn gì nữa đâu” (Bởi vì thời gian trước ở đây chỉ có 3 tháng, tôi đã viết hơn 20 ca khúc rồi).
Bài “Còn đâu nữa mùa xuân”được viết vào ngày 25/1/2017, tức 28 tháng chạp năm Bính Thân 2016, những ngày sắp sửa đón xuân Đinh Dậu - Lần đầu tiên xa xứ vào những ngày tết, với tâm trạng: “Còn đâu nữa còn đâu nữa ngày xuân/ Ô kìa nàng xuân đã đến nơi rồi/ Sao người còn phương trời nào xa xôi/ Bên bờ đại dương trông nhìn về cố hương xa vời”.Như một người đang lạc lối bên trời Tây, nắng đã tắt trong lòng, như màn đêm ba mươi phủ giăng khắp trời, mà than van: “Còn đâu nữa còn đâu nữa em ơi/ Nắng đã tắt màn đêm phủ khắp nơi/ Mùa xuân ơi mùa xuân đang gần kề/ Đời giá lạnh để hồn ai kia lạc lối bên trời”.Thế rồi, những ngày tết đang cận kề mà liên tưởng đến ngày xa xưa năm nào, những ngày yên ấm vui bên mái gia đình năm xưa mừng xuân đón tết: “Còn đâu nữa còn đâu nữa ngày xưa/ Xuân thanh bình xuân ấm êm bao mùa/ Mùa xuân mùa xuân xưa nay còn đâu/ Cho lòng này vấn vương sầu nhớ thương mơ ngày xuân”. Nghĩ suy về quá khứ và hồi tưởng hiện tại mà chơi vơi giữa dòng đời, mà buông trôi theo dòng thời gian không năm tháng, như đợi chờ tiếng gọi đò giục giã để sang sông: “Chơi vơi đây giữa bốn bề yên vắng/ Để lắng lòng trong cõi lặng mênh mông/ Hiểu gì không, không hiểu gì hết cả/ Tiếng gọi đò giục giã khách sang sông”.
Ở Illinois Chicago thì cái lạnh hết chỗ nói, mưa tuyết đóng thành băng từng lớp dày cộm đến 5- 7cm. Không chạnh lòng sao được khi trông thấy tuyết rơi ngoài trời - đẹp, quá đẹp mà viết nên ca khúc “Tuyết rơi”Tuyết rơi bên trời/ Chợt ngẫm sự đời/ Mây nắng nhạt nhòa/ Bông tuyết nở hoa”. Tôi viết mở đầu ca khúc với 4 câu, mỗi câu 4 chữ nhịp 2/4, để rồi chuyển sang đoạn sau với nhịp 4/4 chậm rãi giọng trầm buồn, than vãn, não nuột: “Tuyết rơi tuyết rơi ngoài trời/ Lòng lạnh lắm hỡi người ơi/ Từng bông tuyết trắng nhẹ rơi hiên thềm/ Phủ kín khung trời thấm đẫm cả hồn tôi”Tuyết rơi mỗi lúc một nhiều dần, bên ngoài một màu trắng trắng xóa khung trời, khiến lòng ai xốn xang, giá lạnh mà tái tê cả người: “Mưa tuyết rơi bông tuyết rơi tơi bời/ Cho lòng ai chơi vơi nơi phương trời/ Mưa tuyết rơi sương tuyết rơi u hoài/ Bên trời loang trắng trắng xóa hiên ngoài”Từng giọt tuyết đọng lại thành từng chùm như những bông hoa tuyết đẹp trắng trong. Thấy cảnh tượng ấy nơi ven đồi bên kia đường mới cảm nhận một hình ảnh tuyệt đẹp biết dường nào: “Bông tuyết trắng trắng trong bên kia đồi/ Lớp lớp tuôn rơi bao phủ khắp nơi/ Bao ngày giá lạnh phố phường chốn xa/ Một màu trắng trắng xóa ôi tuyệt vời”. Thời gian làm đổi thay tất cả, kể cả những bông tuyết kia cũng tan ra thành nước “Thế rồi bông tuyết tan theo thời gian/ Thênh thang mặt đường khắp chốn muôn phương/ Rày đây mai đó rong chơi cuộc đời/ Ai tỏ chốn này tháng ngày tuyết rơi”.   
Ca khúc “Còn gì nữa đâu” được viết ngày 22/2/2017 tại Illinois Chicago: “Còn gì nữa đâu buồn vui ngày sầu/ Còn gì nữa đâu hận sầu đêm thâu/ Còn gì nữa đâu mà níu kéo nhau/ Cho lệ sầu hoen mi theo tháng ngày”. Tình này ai thấu chăng?. Nỗi đắng cay hay ngậm ngùi sẽ phôi pha theo tháng ngày, để rồi mỗi một phương trời vô định sẽ giải tỏa đi mọi ưu phiền, rối rắm trong con tim: “Tình này ai thấu chăng cho ngày mai/ Sầu này sao nguôi ngoai tháng năm dài/ Mong ai đợi ai mệt nhoài một đời/ Thì thôi chia tay mỗi người phương trời”.Trời cao đất rộng có nơi nào để khách lữ hành dừng chân?. Mong sao ngày sau sẽ dần vơi đi những u sầu hiện tại:  “Trời cao đất rộng nơi nào dừng chân/ Hình hài này chốn bụi trần dấn thân/ Cho ngày sau quên đi bao khổ đau/ Những ngày sầu dần vơi nơi tháng ngày”.Ngày buồn rầu, sầu thảm rồi cũng tan theo mây khói muôn trùng trong chốn hư không, như đêm dài qua đi để dành cho ánh thái dương sáng soi cuộc đời, cho ơn mưa móc bên đời ngự trị. Những buồn vui ngày sầu tan biến: “Vui lên đi vui lên mặt trời mọc/ Vẫn sáng soi bên đời ơn mưa móc/ Đâu nữa còn gì trách móc nữa đâu/ Âu sầu tan theo khói mây chân trời”. 
Tạm biệt Illinois Chicago, nơi lưu chân 180 ngày.
Ngày tháng rong chơi bên trời Tây, rồi lại sang trời Úc.
Tôi rời phi trường Tân Sơn Nhất từ hãng máy bay Jetstar Airways JQ 62 Dreamliner vào lúc 02h sáng ngày 4/11/2017 để đi đến Sydney - Úc lúc 14h40 (giờ Úc) cùng ngày, gần 9 giờ bay.
19h45 ngày 28/11/2017, hãng máy bay Jetstar Airways JQ 61 Dreamliner đưa chúng tôi rời phi trường Sydney để đi đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 00h30 ngày 29/11/2017, sau gần 9 giờ bay.
Ở Úc 3 tuần lễ, tôi chỉ viết duy nhất một ca khúc: “Bao la tình người”trong một dịp tình cờ ngẫu nhiên trú ngụ tại nhà một người bạn ở Carramatta - Sydney mà quê thành phố Nha Trang - Khánh Hòa. Thế rồi, do tình cảm của họ đối xử với mình quá tốt, tôi đã cảm hứng viết nên ca khúc ấy: “Mơ từng ngày nhớ từng ngày nơi này/ Ai đẩy đưa đưa đẩy tới chốn đây/ Cõi tình thương yêu thương ơi từng ngày/ Sao vơi nỗi nhớ thương mơ trong chiều”. Đến rồi lại đi là chuyện bình thường, nhưng cớ sao trong phút giây chia tay ấy không khỏi ngậm ngùi, lưu luyến, mà hình như tình người cũng thăng hoa giữa chốn này: “Tình người ơi lưu luyến bao thương yêu/ Giây phút chia xa sẽ đến một chiều/ Tạm biệt nhé ngày mai chân trời lạ/ Vũ trụ bao lao tình người mãi thăng hoa”.  Một cái vẫy tay, một nụ cười, một ánh mắt không thành lời nhưng chứa đựng một tình cảm dạt dào, thân thiết: giúp đỡ nhau trong mọi lúc, mọi nơi. Chỉ có những lời chúc tụng bình an và hạnh phúc dành cho nhau trong cuộc đời là quý giá thôi“Lặng thinh nhìn nhau lòng nói thật nhiều/ Vẫy tay chào nhau gởi gấm bao điều/ Bình an hạnh phúc có nhau những lúc trong đời”.
Trong tập 41 này, tôi phổ 5 bài thơ của anh Nguyễn An Bình để gởi cho anh ấy dưới dạng PDF, sau khi nhận được tập thơ 
“Còn một chút mưa bay”anh tặng và email anh gởi tới. Nhà thơ Mang Viên Long có nhận xét tinh tế: “Nguyễn An Bình đã có một niềm đam mê văn chương rất đáng được trân trọng”.  
Những năm tháng hoa niên, Nguyễn An Bình viết nhiều về thơ tình tuổi học trò, một thời tuổi ngọc đáng yêu, đáng nhớ.
Bài thơ: “Còn một chút mưa bay” như được trò chuyện, chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm đáng ghi của một thời tuổi trẻ không bao giờ quên. 
Trong chúng ta, ai cũng có “Một thời mưa nhớ, thư tình lén trao trong lớp học, tan trường về trông với áo tiểu thư…”. Chính vì vậy, qua thơ chúng ta đồng cảm với anh. Và, nhớ về một thời chưa xa đáng yêu trong cuộc đời: “Mưa trốn nắng trong hiên đời cũ kỷ/ Nắng trốn mưa sao cứ mãi đi tìm/ Tôi thơ dại trong cơn mơ mộng mị/ Thấy đường gần đi mãi bỗng xa thêm”. Những hình ảnh ngày xưa: Một cây me đầu ngõ, chùm quả chát chua, tiếng cười, nét mặt cau có, giật mình, tiếng gà gáy trưa… đang dần hiện ra hiện tại, để rồi nhà thơ viết lên những vần thơ đong đầy kỷ niệm một thời hoa niên: “Tôi tần ngần trước cây me đầu ngõ/ Vị chát chua hái chùm quả đầu mùa/ Em cau mặt trong tiếng cười thơ trẻ/ Tôi giật mình xao động tiếng gà trưa”. Đến nhà thăm bạn gái mà vẫn còn rụt rè ở đầu ngõ, mà quên cả thời gian, quên cả lối về sao?… Một tình yêu thời trẻ của ngày xa xưa dễ thương biết bao. Thế rồi có cả chiếc cặp chứa đựng ô mai để dành tặng bạn gái, tặng người yêu thương. Còn tình cảm chân thành nào bằng sợ mưa sẽ làm ướt áo người yêu, sơ bùn văng làm bẩn gót chân người đẹp: “Gói ô mai dấu hoài trong chiếc cặp/ Ai thèm ăn mà tôi lén để dành?/ Mưa nặng hạt sợ người ta ướt áo/ Sợ bùn vương làm bẩn gót chân son”. Tình yêu cũng phôi phai, đậm nhạt theo thời gian như hè qua, thu lại, đông sang: Trời đất cứ thế mà luân chuyển bốn mùa: “Hạ đỏ qua rồi thu vàng lại tới/ Mưa vô tình xóa mất dấu chân ai/ Chùm phượng vĩ lẻ loi trong tiếc nuối/ Nở muộn màng trong nắng nhớ chiều phai”. Năm tháng sẽ qua đi, cái không gian của ngày nào, nay chỉ còn là: "bờ xa bến lạ”, nhưng vẫn một lòng băn khoăn, lo lắng cho người yêu ở xứ người, mưa có làm ướt áo em không; và gói ô mai kia vẫn còn chưa kịp gởi nữa... “Em mất hút bên bờ xa bến lạ/ Mưa quê người có ướt áo em tôi/ Gói ô mai vẫn còn chưa kịp gởi/ Lòng dặn lòng còn một chút mưa bay”.
Thật vậy, trong cuộc sống ai lại không chất đầy những rung cảm đầu đời, như gốc rễ chờ lá rụng về cội. Giấc mơ ảo vọng ở những thời khắc trôi qua, đã chuyển dịch bước chân người cố xứ, làm xa rời ảnh tượng xa xưa. Có gởi gió theo mây về quá khứ, cũng nhòe đi trong phân cách của không gian vô thỉ, vô chung này!.
Một ca khúc khác cũng của nhà thơ An Bình: “Về đâu, sông ơi…” là một bài thơ khá hay. Thật vậy tôi thích nhất vẫn là tựa đề bài thơ, thành thử tôi viết ca khúc cứ lặp đi lặp lại 2,3 lần cái đề tựa này để mở đầu cho bài hát: “Về đâu sông ơi/ Sông ơi về đâu?”. 
Đời người như dòng sông, có dòng sông chia đôi nỗi nhớ. Ngày trở về Anh Bình thảng thốt gọi dòng sông, gọi người xưa về bến xưa trong nỗi niềm thương nhớ. Một dòng sông có đôi khi vô tình là sự ngăn cách đông tây không sao tránh khỏi, nhưng vấn đề cần để ý hơn, quan trọng hơn: Chia hai nỗi nhớ. Nhưng không sao, bởi lẽ cùng chung nguồn sông. Bài thơ như một lời nhắn nhủ: “Có một dòng sông/ Chia hai nỗi nhớ/ Khi tây lại đông/ Chung nguồn vàm cỏ”. Trên một dòng sông cũng đổi thay theo mùa mưa, nắng, nơi lở, nơi bồi, những đám lục bình nổi trôi trên sông trông đẹp mắt làm sao: “Mưa đục nắng trong/ Bên bồi bên lở/ Tím cả dòng sông/ Mùa lục bình nở”
Đối cảnh sinh tình, trước cảnh đẹp thiên nhiên mà liên tưởng đến tình người, một người dưng khác phái nhưng lại thương, lại nhớ mới lạ. Cái gì đã gắn kết họ với nhau, có lẽ là tình yêu vậy. Một bóng hồng qua ngõ tối, với đôi guốc khua nhẹ nghe rõ mồn một: “Có người dưng/ Sao thương lại nhớ/ Guốc khua ngập ngừng/ Áo hồng qua ngõ”. Một tiếng chim hót, một bông hoa vàng, cũng đủ vấn vương tình ai bên trời: “Tiếng chim chiền chiện hót vọng bên trời/ Vàng bông điên điển/ Vương vấn tình tôi”. Dòng sông cứ tuôn chảy từ nguồn ra biển cả mà không chút do dự, băn khoăn, chỉ có những người yêu đương mới liên tưởng, tự hỏi: “Về đâu sông ơi/ Sao đi mãi miết/ Đưa người xa người/ Tháng năm biền biệt”. Hoặc là: “Về đâu sông ơi/ Ngược xuôi trôi mãi/ Lạc mất tình tôi/ Đầu bờ cuối bãi”. 
Cuộc đời như dâu bể, hợp đó rồi tan, dòng sông cứ chảy trôi theo dòng thời gian, nhưng có ai với nỗi lòng về thăm bến xưa để tìm gặp lại người yêu cũ năm nào: “Đời như dâu bể/ Sông ơi hãy đưa/ Một lần thôi nhé/ Ai về bến xưa”.
Thời gian trôi. Dòng sông trôi. Đi qua bao mùa nhớ. Qua bao con dốc nắng mưa trong cuộc đời. Có lúc, chúng ta bắt gặp lại chính mình trong thơ An Bình, với bao nỗi hoài vọng về một thời chưa xa ”Ngẩn ngơ nhớ áo hoàng hoa”. Và, nghe trong hồn sầu trăm năm nhớ một thời yêu nhau.
Rồi một bài thơ khác cũng của An Bình: ”Áo mơ phai”, bài thơ 5 chữ với đoạn đầu: ”Qua đi bao mùa nắng/ Đã tàn mấy mùa mưa/ Ngược xuôi từng năm tháng/ Tình ngày xưa rất xưa”Đất trời trải qua bao mùa mưa nắng, tường vôi lên màu rêu, trái tim ai rộn ràng như tình xưa, kìa là một tà áo lụa, một làn môi son thời con gái mà hình dung, mà rộn ràng trong lòng, bâng khuâng trong dạ: “Tường vôi màu rêu úa/ Rộn ràng trái tim non/ Gió bay tà áo lụa/ Thắm hồng bờ môi son”. Một tiếng chuông chùa trong mơ tưởng của một thời nào, để tình ai phải ngẩn ngơ bên hiên đời bao mùa lá rụng: “Nghe như tiếng chuông mơ/ Của một thời xa quá/ Để tình tôi ngẩn ngơ/ Bên hiên đời trút lá”. Thời gian cứ lãng vãng, chập chờn như cánh bướm kia trên cánh hoa vàng hương nhụy, giữa dòng đời của hai bờ nhân gian chứng kiến: “Thời gian như cánh bướm/ Mang theo hạt phấn vàng/ Tìm đâu mùi hương nhụy/ Giữa hai bờ nhân gian”. Hạt bụi thời gian đã xóa nhòa đi hết thảy, chẳng còn dấu vết gì. Nhưng có còn chăng, cũng chỉ là một tiếng chim, một chút hương hoa ngọc lan đâu đây bên cửa lớp: “Em ơi chân trời cũ/ Bụi xóa nhòa vết chân/ Tiếng chim bên cửa lớp/ Còn thoảng hương ngọc lan”
Sự dằng co đôi bên trong tình yêu, để rồi tình em lạc loài trong tôi, nhưng đường phượng bay vẫn còn đó, nay chỉ còn là áo mơ phai trong tôi mà thôi. Bài thơ rất hay 8 chữ: “Nhớ áo lụa vàng” khá dài. Tôi phải viết theo nhịp 4/4, nhưng đoạn đầu chỉ có 2 câu nhịp 2/4 để lấy đà: “Mưa nắng gió sương đã mấy mùa/ Nhớ áo lụa vàng suốt nắng mưa”. Tình yêu thủy chung là thế đó. Một chút mưa rơi, một mảnh trăng tan, bên đời hiu quạnh, chuyện trắc trở trong tình yêu, nhưng vẫn đinh ninh với áo lụa vàng muôn thuở: “Còn chút mưa rơi trên bàn tay ấm/ Thuở yêu người nào biết chuyện gian nan/ Em đã quên trong đời tôi hiu quạnh/ Áo lụa vàng khóc một mảnh trăng tan”. Sống trong đời sống muôn màu muôn vẻ: Chút nắng của bình minh vừa thức giấc, hạt tương tư, chiếc lá úa, màu mắt tiểu thư... có lẽ là những hình ảnh đẹp đẽ nhất của một thời người ta yêu nhau: “Còn chút nắng gọi bình minh thức giấc/ Đợi chim về chờ nhả hạt tương tư/ Chiếc lá úa bay theo mùa lưu lạc/ Nhớ áo lụa vàng màu mắt tiểu thư”. Áo lụa vàng phảng phất suốt cả bài thơ, nhà thơ mượn hình ảnh mưa, nắng và cả gió nữa để gởi một thông điệp tình yêu: “Còn chút gió theo chân người đi mất/ Có chờ nhau khi năm tháng phai tàn/ Chùm thiên lý sân nhà ai thuở nọ/ Áo lụa vàng em còn nhớ tôi chăng”. 
Chưa đủ gợi tình yêu ”Áo lụa vàng” hay sao, mà còn cả hình ảnh sương khuya trên thềm rêu lạnh nữa. Thôi kiếm tìm chi “Áo lụa vàng” giữa mùa hoa lau trắng, cũng chỉ là giấc mơ thôi: “Còn chút sương thấm trên thềm rêu lạnh/ Bên hiên người còn lại giấc mơ xưa/ Tôi tìm em giữa mùa hoa lau trắng/ Áo lụa vàng chìm theo những cơn mưa”. Một chút hương hoa cho cuộc đời hay cho tình yêu nào vậy. Thế là không bao giờ gặp lại “Áo lụa vàng” nữa rồi, vì họ đã trôi vào cõi mênh mông nào đó, nhưng dù sao vẫn mong rằng đừng nhạt môi son và môi người vẫn còn ngát thơm mãi: “Còn chút hương cho môi người thơm mãi/ Dẫu muộn màng xin đừng nhạt môi son/ Tôi và em chưa bao giờ gặp lại/ Áo lụa vàng trôi vào cõi mênh mông”
Với bài thơ: “Thu trên tay người” của nhà thơ An Bình đã viết: “Em như dòng suối mát/ Nhen đôi chút lửa hồng/ Tàn tro từng hạt nhỏ/ Rơi giữa đời mênh mông”. Những hình ảnh “dòng suối mát, chút lửa hồng, tàn tro…” gợi cho ta chút dĩ vãng của mùa thu nào còn sót sót lại. Thế rồi thèm thuồng cơn mưa, hôn lên mắt, hồng đôi môi, một tình yêu nhỏ nhoi cũng đủ minh chứng cho tình yêu ấy: “Cho tôi hôn lên mắt/ Thêm hồng đôi môi người/ Thèm cơn mưa ướt đất/ Nên tình thật nhỏ nhoi”. Sóng và gió hòa quyện nhau để em là ngọn gió, anh là ngọn sóng: “Em hóa thành ngọn gió/ Gió chiều thổi qua sông/ Tình tôi theo ngọn sóng/ Sóng xô se thắt lòng”
Người ta thường nói: “Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng”, nhưng trong ký ức một đời người, tình yêu nào sao giấu kín để tìm hoài trong mù khơi xa thẳm: “Tôi tìm hoài ký ức/ Thăm thẳm một đời người/ Tình yêu em giấu mặt/ Nên tình đành mù khơi”. Các từ ngữ: Mắc nợ, chia đôi, trăng vỡ, thu rớt… ảo não làm sao“Tôi như người mắc nợ/ Trang vở buồn chia đôi/ Một mùa trăng đã vỡ/ Thu rớt trên tay người”. Một tình yêu nhỏ nhoi như một chút lửa hồng được nhen nhúm lên giữa khoảng đời mênh mông, vắng lặng: “Nhen tôi chút lửa hồng/ Rơi giữa đời mênh mông/ Thêm hồng đôi môi người/ Nên tình thật nhỏ nhoi”.
Thật vậy, người đời ai không đa mang vời vợi kỷ niệm sinh thời. Những ray rức có giúp tâm hướng nhân sinh nắm lại được chút gì của dòng nước trôi qua?. Quá khứ thì như hồn phố cũ, đã khép lại bóng dáng một thời trăng gió xa vời…
Như biển với cát buồn là một đoạn trong bài thơ: “Biển buồn” của nhà thơ Thu Hà. Cứ tưởng tượng đi một người đang lang thang trên bờ biển vắng, hát du dương với nỗi nhớ: “Biển vắng chiều nay buồn thơ thẩn/ Lặng lẽ ngẩn ngơ tìm vết nhớ/ Biển buồn ôm bờ vai cát trắng/ Hát du dương bằng nhịp sóng vỗ bờ”. Một mình trên biển vắng chiều nay mà mơ màng, đợi chờ một vết chân quen thuộc đã hằn in sâu trong lòng cát trắng. Xa xa mặt biển vẫn lặng yên như niềm thương, nỗi nhớ vọng về trong mơ màng: “Mơ màng trong niềm thương nhớ/ Như vẫn đợi chờ một vết chân qua/ Đã từ lâu in trong lòng cát trắng/ Nên chiều nay biển buồn yên lặng”. Lắng nghe một bước chân bước nhẹ, bờ cát bơ vơ, một hơi thở vọng về với niềm đam mê như biển xanh vờn sóng: “Để kịp nghe bước chân ai bước nhẹ/ Đang trở về trở về trên bờ cát bơ vơ/ Để kịp nghe hơi thở khẽ vọng về/ Để lại đam mê như biển xanh vờn sóng”Tròng trành như con thuyền, chơi vơi như biển, thuyền và biển gắn bó với nhau, nhưng thuyền thì ra khơi, còn biển thì ở lại với cát buồn, thật tội nghiệp, thành ra “Biển buồn” là vậy: “Để lại tròng trành như con thuyền lướt ra khơi/ Để lại chơi vơi như biển với cát buồn”.
“Cà phê đời” là một bài thơ cũng khá ấn tượng của nhà thơ Hư Vô nào đó trên Internet: “Anh giọt cà phê đắng/ Em hạt đường chưa tan/ Muỗng khua vòng đáy tách/ Khuấy tình ta trăm năm”.  
Chỉ có việc uống cà phê thôi mà cũng lắm chuyện đời. 
Anh lang thang cuối phố để cân đo, đong đếm nỗi buồn và hạt mưa qua, em thì xót xa trong lòng, bâng khuâng trong dạ. Mỗi người đều có những tâm trạng khác nhau: “Anh lang thang cuối phố/ Đếm hạt mưa bay qua/ Đếm nỗi buồn ở lại/ Em mấy lần xót xa”. 
Cuộc tình nào cũng tan đi như hạt đường kia trong cốc cà phê đắng, nhưng hạt đường chưa tan hết, mà tình yêu đã biền biệt mất đi, xa nhau mãi mãi rồi. Thật là tình yêu thời hiện đại, yêu cuồng sống vội quá: “Giọt cà phê đắng chát/ chảy trên môi xanh xao/ Hạt đường chưa tan hết/ Mình đã vội mất nhau”. 
Ca khúc “Dòng sông, thời gian và cuộc đời” là một bài thơ 7 chữ của nhà thơ Nguyên Nhung.
Cuộc đời con người là một biển lớn và mỗi con người là một dòng sông. Sông trọn đời ôm mộng chảy về biển, người trọn kiếp ôm mộng thực hiện những ước mơ, hoài bão. Sông có thể cạn trước khi ra biển, người có thể mất đi trước lúc thực hiện một ước nguyện, hoài bão. Nhưng sông đã cố gắng hết sức trước khi cạn, người đã nỗ lực hết mình trước khi qua đi thì ai cũng thấy, cũng hiểu, cũng khắc ghi. Thôi thì, để thi sĩ Nguyên Nhung tâm sự: “Mai về ngắm lại dòng sông cũ/ Vài chiếc thuyền con cũng rã rời/ Gió khuya phả xuống bờ sông lạnh/ Một vầng trăng úa vỡ làm đôi”. Dòng sông cũ, chiếc thuyền con, bờ sông lạnh, vầng trăng úa là những hình ảnh gây ấn tượng cho người đọc. Mỗi một ngày cứ qua đi theo tờ lịch bóc. Thời gian cứ trôi, trôi mãi không bao giờ trở lại như dòng sông kia; và khi đó cuộc đời này hình như cũng xanh như màu rêu: “Mỗi một ngày bóc một tờ lịch mới/ Thời gian trôi trôi mãi như dòng sông/ Không thấy bao giờ thời gian quay trở lại/ Chỉ thấy cuộc đời xanh như màu rêu”.
Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng tươi đẹp, có khi người thành đạt, có khi người vui, có khi người phơi phới, nhưng cũng có khi người thất bại, có khi người buồn, có khi người thất vọng muốn rũ bỏ chính bản thân mình. 
Sông đi qua nhiều nơi làng mạc, nông thôn, thành thị, thảo nguyên, đến đâu sông cũng để lại dấu ấn đến đó. Người sống giữa cuộc đời cũng gặp nhiều điều mới, người mới và dù thế nào thì người cũng sẽ để lại dấu vết của mình cho dù đẹp hay xấu.
Thế thì, tự hỏi xem sao, cuộc đời này đáng yêu hay đáng ghét?. Nó tùy thuộc điều kiện và hoàn hoàn cảnh mỗi người vậy. Có khi cũng đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng thật. Song xét cho cùng, có lẽ đáng ghét nhiều hơn vậy: “Có đôi khi đời tưởng rất đáng yêu/ Sao vẫn thấy có nhiều điều dễ ghét/ Nếu có lúc đắm hồn trong mộng ảo/ Sẽ có khi bừng tỉnh một cơn mơ”. 
Thôi thì, yêu thương và ghét bỏ để làm gì cho nhọc một đời. Sự gặp gỡ hay phân ly - theo triết lý nhà Phật đều bắt nguồn từ cái “Duyên” - Duyên phận, duyên số từ lúc nào, đó cũng là một quy luật. Mọi sự vật, hiện tượng không phải ngẫu nhiên đâu, như dòng sông sẽ trôi ra biển cả, như con thuyền vượt sóng ra khơi: “Ta gặp nhau chẳng phải chuyện tình cờ/ Ắt phải có chút duyên từ kiếp trước/ Bao nhánh sông cùng trườn ra cửa biển/ Bao con thuyền phải vượt sóng lao đao”.
Sông không bao giờ chảy ngược, đời đời kiếp kiếp cũng chỉ theo một chiều. Người chỉ có thể lớn lên, mà dù muốn cũng chẳng thể quay lại tuổi thơ của mình được nữa.
Cuộc đời của mỗi một con người như một giấc mộng dài, và sông cứ chảy theo đời sông về biển cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai:”Đời trôi đi như một giấc mộng dài/ Sông cứ chảy về biển xa khắc khoải/ Hôm qua hôm nay ngày mai và mãi mãi ngàn sau”. 
Nhìn từ khía cạnh nào cuộc đời con người cũng như một dòng sông. Vậy thì hỡi những dòng sông đang chảy lặng lờ, đang quanh co bế tắc, sao không chảy thật mạnh, chảy hết mình để tìm về biển lớn, để xây dựng một đại dương tươi đẹp bao la, mà trong đó có con suối của chính mình?.
Một bài thơ khác cũng đề cập đến “Dòng sông” mà thơ của thi sĩ Bùi Giáng với lời lẽ rất tuyệt: “Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép/ Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười/ Vườn cỏ lạnh hoa buồn không nói xiết/ Bước chân dừng nghe rã lệ hai nơi”.Vần thơ như quỷ khóc, thần sầu kia chứa đựng hình ảnh siêu nhiên: Chiều bên lá, bóng trời sa, vườn cỏ lạnh, rã lệ hai nơi. Còn gì bằng những vần thơ ấy. Bài thơ "Dòng sông" mà chẳng thấy có ảnh hình gì về sông cả mới hay chứ, chỉ thấy nghiêng đầu tóc xõa, sầu thiên cổ, hồn tuổi trẻ, dung nhan thôi, chắc lẽ cũng đủ lắm rồi: “Lời hẹn ước em nghiêng đầu tóc xõa/ Để than van sầu thiên cổ theo nhau/ Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ/ Nhờ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu”.  Những câu thơ rất hay trong bài thơ rất tuyệt thật: “Trời thuở đó ngần nào em khổ sở/ Khóc khi nhìn gió thổi nước sương buông/ Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ/ Dòng sông em đâu có biết ngọn nguồn”. Gió thổi, nước sương buông, một hình ảnh rất đẹp, hiếm có. Chỉ có là có ở thi sĩ Bùi Giáng. Bài thơ chỉ có ba khổ, mỗi khổ tám chữ mà lung linh, huyền ảo đến thế.   
Thêm một bài thơ nữa cũng của Bùi Giáng: “Không thể nói rằng”. Bài thơ quá dài: “Không thể nói rằng xuân xanh rất mực/ Rất dọc ngang vòng trời đất dọc ngang/ Không thể nói rằng cuồng điên rất mực/ Là chịu chơi với say rượu muôn vàn”. Cùng với giọng điệu trên nhưng chuyển sang từ ngữ khác: đá vàng rất mực. Trong bài thơ có những câu rất hay, rất lạ: Từ độ manh nha trăng là nguyệt, kinh là kỳ từ sử lịch phân vân, thu phương khách địa thu thập thành, nhìn em đang thổn thức, máu lệ trào, ngập cả kiền khôn, ngàn thu hận tan đi.  
Đoạn cuối bài thơ: ”Rồi từ đó anh trở thành quyết liệt/ Quyết tâm điên và say rượu tận cùng/ Vì quyết thế đã từ lâu tận tuyệt/ Tới ngao du tuế nguyệt để tao phùng”. Thật là từ ngữ, hình ảnh hết chỗ nói của một người dám nói thật những gì muốn nói, mà không chút ngại ngùng, ngượng ngập như một người không bình thường hoặc siêu nhiên là vậy.
Rồi bài thơ: “Gửi ánh trăng non” của Bùi Thị Ngọc Quế mà Bùi Giáng minh họa, bình thơ của Ngọc Quế nữa. Đoạn đầu ca khúc là của Bùi Giáng họa thơ Ngọc Quế: “Gót hài đi vướng cỏ mềm/ Cô liêu trăng khóc giữa miền Ngân giang/ Ai đem đi ánh trăng vàng/ Để tờ thơ cũ ngỡ ngàng thâu đêm”. Bể dâu xưa, sóng cồn đại hải, chìm dư hương, tơ nguyệt vấn vương, miền tương tư là những chữ rất hay trong bài thơ rất hay của Bùi  Giáng: “Bể dâu xưa gửi nỗi niềm/ Sóng cồn đại hải đã chìm dư hương/ Còn đâu tơ nguyệt vấn vương/ Ai tìm kỷ niệm giữa miền tương tư”. Nhà thơ Ngọc Quế mượn ánh trăng non để gửi nỗi niềm tâm sự: “Nghe tiếng chi vương ngọn cỏ mềm/ Vầng thơ thao thức với trăng đêm/ Tháng ngày lặng chảy bờ thu vắng/ Hoa lá thầm lay cánh mộng êm”. Một bóng mơ, một biển nhớ, một nỗi buồn rồi cũng tan đi theo ánh sao mai đã lặn: “Dù biết bóng mơ tàn mấy nỗi/ Nào hay biển nhớ dạt bao niềm/ Buồn ai thoảng chút hương tâm sự/ Cho ánh sao mai lặng trước thềm”. Những câu thơ sau cũng những từ ngữ như trên như: vướng ngọn cỏ mềm, trăng đêm ngỡ ngàng,...nhưng được cấu trúc theo cách khác: “Tiếng chi vương ngọn cỏ mềm/ Vần thơ thao thức trăng đêm ngỡ ngàng/ Bờ thu vắng tiếng thu sang/ Lá hoa lay mộng mở trang âm thầm”. Đoạn cuối cũng vậy: “Bóng mơ biển nhớ bao niềm/ Nào hay mấy nỗi lặng chìm chút hương/ Ngọn mềm lá cỏ còn vương/ Sao mai lạnh bóng người tương tư gì?”. Thật là, “Gửi ánh trăng non” tình yêu từ vạn kỷ.
“Khúc du ca mùa thu” của nhà thơ Phương Nam. Không rạo rực, sôi động như mùa xuân hay mùa hạ, mùa thu đến một cách nhẹ nhàng nhưng đủ sức để níu kéo, khơi gợi trong lòng người một cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu đến yên lành. Không gian vào thu với bầu trời cao vời vợi, những đám mây trắng lững lờ trôi. Một không gian của ngày mới hiển hiện: hoa nắng, chim hót, mặt trời hôn lên làn mây ửng hồng: “Hoa nắng thơm mềm lên tóc/ Ríu ran chim hót quanh nhà/ Mặt trời hôn làn mây ửng/ Bồng bềnh một khúc du ca”. 
Một cảm giác rất mênh mang khi gió mùa thu thổi qua từng góc phố, hàng cây. Mùa thu vốn dĩ mang trong mình chút nhạy cảm, như thiếu nữ chùm môi son đỏ nửa dịu dàng bẽn lẽn, nửa tươi vui nhí nhảnh lại không kém phần đỏng đảnh kiêu sa, bông hoa cúc vàng xoe giăng đầy khắp lối: “Gió miên man từng góc phố/ Thắp giùm áo lụa hàng cây/ Ngắm say chùm môi son đỏ/ Vàng xoe hoa cúc giăng đầy”. Mùa thu là mùa lá rụng, là mùa của tình yêu và nỗi nhớ thiết tha: “Thu khoác tay cầm nỗi nhớ/ Vai choàng tuyết trắng rưng bay/ Quay quắt bao mùa lá rụng/ Thoắt xa mấy tuổi theo người”. Giấu mùa thu vào đôi mắt em. Nước hồ thu trong như gương, phản chiếu màu xanh của da trời, màu xanh của tình yêu mà lời yêu nào chưa nói: “Hồ thu trong màu mắt em/ Anh có nghe lòng khắc khoải/ Lời yêu nào chưa kịp nói/ Tình xanh trải lối ta về”.
“Đêm nằm nghe phố xưa”là ca khúc tôi viết ở Phú Thứ - Tuy Hòa để tặng cho một người bạn: “Nhà của em be bé/ Nằm giữa đồi núi cao/ Hàng cây em nho nhỏ/ Vươn thẳng tận trời sao”. Đó là hình ảnh nhà của một người bạn nằm trên đồi có những hàng cây cao xanh vút tận trời. Thế rồi trong cuộc đời người ta có đôi có cặp, còn mình thì gói gắm trong thân phận đơn côi, gối chiếc mà giá lạnh theo năm tháng dần trôi. Đôi khi ngẫm nghĩ về thân phận người, nghĩ về tình người không khỏi xót xa, ngậm ngùi theo giọt lệ lăn dài trên má:“Đêm nằm mơ thấy phố/ Nhớ phường nọ hội kia/ Đời người lắm điêu ngoa/ Bỗng dưng em khóc òa”Cuộc đời này là thiên hình vạn trạng, có cả đắng cay lẫn ngọt bùi, mà nó cứ lảng vảng, phảng phất đâu đây ngay cả trong những giấc mơ say nồng, chỉ có những giọt lệ sầu thay cho lời nói: “Lệ tràn trên mi mắt/ Hương nồng giấc mơ say/ Đời quá đỗi chua cay/ Đắng chát lẫn ngọt bùi”. Thôi thì mặc kệ đời, ta vẫn cứ sống theo ngày tháng, vẫn lắng lòng tâm sự riêng tư mà không hề trách cứ ai, ngày nắng vẫn đang lên và tắt dần ở bến sông, đêm vẫn mơ say những giấc mơ nồng thắm“Em chỉ nói mình thôi/ Đâu dám oán giận đời/ Ngày nắng tắt bến sông/ Đêm mê say giấc nồng”. Đời người rồi cũng tàn phai theo năm tháng, thân em vẫn lạnh lùng theo bốn mùa với thế chiếc đơn cô thôi: “Đêm nằm mơ phố xưa/ Lạnh lùng nghe mấy mùa/ Thân tàn dạ héo khô/ Em mãi đời thế cô”.Nghĩ về người, rồi nghĩ về mình mà xót xa cho thân phận. Trước mắt chỉ là bóng tối và cô đơn của một đời người, làm sao không khỏi ngậm ngùi, trào tuôn giọt lệ cho thân phận mỏng manh này: “Tháng năm ngày nhớ phố/ Phường người nọ người kia/ Mình em và bóng tối/ Nước mắt tuôn đầm đìa”.  
“Thu Hà Nội” của nhà thơ Thái Anh. Thật vậy, Hà Nội vào thu tuyệt đẹp, cảnh sắc khí trời đều khiến con người ta muốn đắm chìm, muốn yêu thương và muốn quên lãng để hòa mình vào với thiên nhiên huyền ảo. Thu Hà Nội về với nắng dịu êm, với màu lá đỏ của cây bàng, màu trắng của hoa sữa thơm, màu xanh của cốm vòng, những ngô nướng về đêm… đã tạo nên một bức tranh thu tuyệt đẹp mà không nơi nào có được.
Trong không gian ấy ai mà không luyến nhớ về những mùa thu xưa cũ: “Hà Nội thu về nắng dịu êm/ Lá vàng theo gió rụng bên thềm/ Có ai còn nhớ thu xưa nhỉ?/ Thơm giòn ngô nướng phố về đêm”. Mùa thu Hà Nội - Mùa hạnh phúc của các đôi tình nhân. Một chút lá vàng, đầy ắp luyến nhớ gói vào đời như một kỷ niệm khi mùa thu sang: “Em xa nhà chắc thu không sang/ Anh gửi cho em chút lá vàng/ Gói vào đời ta đầy luyến nhớ/ Thương hoài năm tháng xưa mênh mang”.Phố cổ chật, nhưng vẫn đủ bao dung rất nhiều người. Phố cổ hẹp, nhưng cũng đủ để gìn giữ thay Hà Nội cái chất nền không thể mất đi ấy. Phố cổ bây giờ đã thay bao màu sắc phố cửa hàng. Nhưng dù thế nào đi nữa, cũng cho tôi yêu thêm những con phố nghìn trăm tuổi này, thêm một chút, một chút nữa thôi, để gió mang hương hoa đọng lại, để nghe nốt bản dương cầm còn dang dở, để người nhớ người trong xao xuyến ưu tư: “Phố cổ bây giờ rêu sạch quang/ Thay bao màu sắc phố cửa hàng/ Trong hiên người đứng nhìn ra phố/ Có cảm gì không lúc thu sang?”. 
“Mắt xanh”- Bài thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, một người quen thuộc với tôi từ lâu, vì tôi thường hay đến ngồi chơi với ông dưới chiếc ghế xếp, ở bên ngoài quán cà phê "Hoa vàng" (quán cà phê con ông) ở khu cư xá Bắc Hải TP. HCM. Ông thường mang đôi dép nhựa, một túi xách lỉnh kỉnh thơ, một số tài liệu và thuốc chữa bệnh nữa. 
Ông thường hay viết những vần thơ 5 chữ. Với “Mắt xanh” thì: “Mắt xanh con chim chài/ Đậu trên cành thầm lặng/ Nàng soi cùng bóng cây/ Em nghiêng thân hoa gầy”.Mầm lá biếc, nửa đời đơn chiếc… với đôi mắt hé, mắt không chấn song:“Mắt hé mầm lá biếc/ Ta nửa đời đơn chiếc/ Tự gốc nàng tọa vong/ Mắt em không chấn song”. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, mắt xanh, mắt tím, mắt đưa tình, mắt huyền gì cũng thế thôi: “Mà cầm gian Nhật Nguyệt/ Ơi hỡi! nàng xanh biếc/ Thả đôi mắt tình bay/ Ta xòe hồng đôi tay”.Hạt nước thì mát và cần thiết cho đời sống con người, vì trong cơ thể người tỷ lệ nước là 70%. Sự sống không thể không có nước.    
Trong tình yêu, khi có duyên với nhau rồi thì đôi mắt ấy, chắc có lẽ không còn đưa tình, trao duyên với ai nữa?, trong anh như một cơn say ngây ngất, như tình yêu từ vạn kỷ ấy: “Đón nàng như hạt nước/ Em về ngát cơn say/ Đôi con mắt không bay/ Mà vẫy tình như bướm”. Trong thơ ông ta thường thấy hình ảnh: Bên suối, bờ suối, ngọn suối, cánh chim, tiếng chim…, “Cánh chim chài huyền tưởng/ Bắt hồn ta lâng lâng/ Xoải mình như ngọn suối/ Như tiếng chim một buổi/ Kêu bên hè phố xanh”.
Thơ Phạm Thiên Thư - xét cho cùng, cũng chỉ vì bởi một chữ “tình” và chữ “duyên” mà thôi.
“Lời thiên thu”của nhà thơ Thiên Sứ, tôi liền nghĩ ngay đến ca khúc: “Lời thiên thu gọi”của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Chợt tôi thấy thiên thu/ Là một đường không bên bờ”, nhưng người thể hiện hay nhất ca khúc này - theo tôi có lẽ là ca sĩ Lô Thủy. Bài thơ: “Lời thiên thu” thì theo mạch lạc, giọng điệu khác: “Phía hoàng hôn xa/ Cánh nhạn la đà/ Lấp ló ánh trăng ngà/ Trong chiều buông phôi pha”,chúng ta bắt gặp hình ảnh của một hoàng hôn, cánh nhạn, ánh trăng ngà, chiều buông phôi pha. Bài thơ lục bát gieo vần khá chuẩn.  
Chúng ta lại chứng kiến những cảnh tượng khác: Ráng chiều, trăng tà, dải Ngân Hà, thuyền trăng... là những hình ảnh đẹp đẽ của thiên nhiên cũng được viết lên trong bài thơ: “Ráng chiều bỏ mảnh trăng tà/ Cô liêu giữa dải Ngân Hà buồn tênh/ Thuyền trăng trôi giữa mông mênh/ Cao xanh có nẻo gập ghềnh chơi vơi?”Trong không gian trăng cô liêu, chúng ta nghe đâu đây tiếng xưa của một thời réo rắt bên trời, như nhắc lời thiên thu đang vẫy gọi, như nỗi buồn sầu đọng của thiếu phụ lặng lẽ ôm con chờ chồng hóa đá năm xưa: “Tiếng xưa réo rắt bên trời/ Như muôn năm cũ nhắc lời thiên thu/ Buồn dâng sầu đọng tiếng ru/ Nhớ người hóa đá vọng phu đứng chờ”. Trăng vẫn cô liêu, rồi trăng thề, trăng nước vẫn chơ vơ, rồi trăng nước thành thơ: “Trăng nước chơ vơ/ Héo hắt mong chờ/ Từ khi trăng nước thành thơ/ Một trời xưa ngập tiếng tơ ươm sầu”. Rồi một đoạn khác để kết thúc bài thơ: “Mang mang cao sâu/ Hồn vương nẻo sầu/ Trăng thề có thật nhiệm mầu”.  
Thế là đủ 20 ca khúc mà các bạn đã theo tôi tới đây. 
Tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn tập ca khúc thứ 41 này, được hoàn thành những ngày cuối tháng 3/2018 tại TP. Cam Ranh, coi như một món quà kỷ niệm của thời gian. Và những người bạn của tôi, những người yêu thích âm nhạc hãy cùng tôi hát ca vang; hát cho vui những ngày tháng năm này. 
TP. Cam Ranh 30/3/2018
Triều Châu
Mục lục
(20 ca khúc xếp theo A,B,C...)
1) Áo mơ phai – An Bình
2) Bao la tình người – Triều Châu
3) Biển buồn – Thu Hà
4) Cà phê đời – Hư Vô    
5) Còn đâu nữa mùa xuân – Triều Châu    
6) Còn gì nữa đâu – Triều Châu  
7) Còn một chút mưa bay – An Bình
8) Dòng sông, thời gian và cuộc đời – Nguyên Nhung 
9) Dòng sông – Bùi Giáng  
10) Đêm nằm mơ phố xưa – Triều Châu     
11) Gửi ánh trăng non – Ngọc Quế & Bùi Giáng
12) Không thể nói rằng – Bùi Giáng       
13) Khúc du ca mùa thu – Phương Nam
14) Lời thiên thu – Thiên Sứ   
15) Mắt xanh – Phạm Thiên Thư   
16) Nhớ áo lụa vàng – An Bình   
17) Tuyết rơi – Triều Châu    
18) Thu Hà Nội – Thái Anh  
19) Thu trên tay người – An Bình      
20) Về đâu sông ơi – An Bình   
Ca khúc
   Con đường
đến 
Giai điệu 
Tập 41
Triều Châu
    "Của tin còn một chút này làm ghi...” Nguyễn Du  
 TP. Cam Ranh 30/3/2018
Triều Châu 
Theo http://vanthonhactrieuchau.blogspot.com/


1 nhận xét:

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...