Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Dưới bóng thông xanh Pleiku

Dưới bóng thông xanh Pleiku
Những người đã có tí tuổi lại thường quay về với những ký ức xa xưa. Ký ức đáng nhớ đã đành, có những chuyện không lấy gì làm đáng nhớ lắm, thế mà cũng mỗi ngày một sáng lên, đẹp lên, lung linh trong… ký ức!.
Ví như tôi chẳng hạn. Chuyện không có gì cả, chỉ là những ngày cắm cúi đọc sách thôi, thế mà mỗi khi có dịp về Pleiku, khi ngang qua góc phố Lê Lợi-Quang Trung gần dốc Diệp Kính, thế nào tôi cũng ngoái nhìn vào sân nhà thờ Thăng Thiên một tí, mặc dù sân nhà thờ nay đã khác xưa nhiều lắm. Bởi khi ấy, ký ức gần 50 năm cũ lại hiện về và hình như tôi đang nhìn thấy… tôi ở đấy!.
Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Ấy là năm tôi 17 tuổi, năm 1972, đúng vào tuổi bị đôn quân. Năm “mùa hè đỏ lửa” này chiến sự nổ ra ác liệt, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lệnh tổng động viên, bắt lính tuổi 17, trừ lớp 12 đang học thi Tú tài, mà tôi lúc này đang dở dang lớp 11. Tôi quyết định trốn quân dịch, phải lánh xa nhà. Ba tôi gửi tôi về Pleiku ở nhà ông cậu tại góc ngã ba Lê Lợi-Yersin (nay là Nguyễn Du).
Nhà cậu nằm sát sạt góc cua nên rất chật, diện tích sử dụng đâu chừng 50 mét vuông. Đã thế, bà mợ còn bày bao nhiêu đồ tạp hóa bán buôn. Cậu mợ tôi có 2 cô con gái sàng sàng tuổi tôi. Nhà chật nên tôi không có chỗ riêng, chỉ đêm đến thì bung chiếc giường xếp ra nằm, sáng lại xếp vào.
Sẵn máu mê đọc sách từ bé, tôi nghĩ ra cớ xin phép cậu mợ ra phố mua sách để thoát khỏi cảnh chật chội. Thế là tôi ra các nhà sách ở đường Hoàng Diệu (nay là Hùng Vương), Phó Đức Chính (nay là Nguyễn Văn Trỗi) đứng hàng giờ tìm lựa, rồi rinh về những cuốn sách thơm mùi giấy mới, có cuốn dày đến ngàn trang, mà người lớn nhìn vào khó nghĩ rằng một thằng oắt con lại có thể chịu khó “ngốn” hết được. Những lúc ba má chưa gửi tiền kịp thì tôi vào các quầy cho thuê sách nơi góc Lê Lợi cua ra Diệp Kính thuê sách đọc. Người ta bảo “thiên kinh vạn quyển” là như thế nào chẳng rõ nhưng phải “nói leo” rằng thời gian đó tôi đã đọc “thiên kinh vạn quyển”! Hổ lốn, loạn xà ngầu, từ sách trong nước đến sách dịch nước ngoài, từ sách văn học sang sách triết học, rồi thì là sách học làm người đến sách nghiên cứu khảo luận...

Mua sách xong, tôi không về nhà, mà tạt vào sân nhà thờ Thăng Thiên vắng vẻ, thoáng đãng ngồi đọc. Chỗ tôi hay ngồi nhất là mấy bóng thông nơi góc sân phía đường Lê Lợi. Sân nhà thờ yên tĩnh, không ai quấy rầy, đọc “dễ vào” lắm! Mặc dù thông thì cao, tán lá che không rậm, nhưng được cái khi bóng nắng cây này xê đi thì bóng cây kia dịch lại, cũng đủ cho người ngồi bên dưới không cần xê dịch nhiều để chạy nắng, lại có sẵn gốc cây dựa lưng lúc mỏi. Đặc biệt là mùi nhựa thông tươi thơm thoang thoảng lẩn quất quanh mình khiến tôi cảm thấy thích thú. Tôi cứ mê mải đọc dưới khoảng bóng râm in lỗ chỗ hoa nắng nên thơ như thế. Có bữa mải đọc quên về ăn cơm! Lại có bữa chiều đã muộn mà vẫn còn cắm gằm mặt vào sách. Tôi đã tránh được sự vướng víu chật chội ở nhà cậu mợ.
Tôi “tiến hành” việc đọc sách như thế trong khoảng thời gian đâu chừng nửa năm. Đến khi ông cậu thông báo hình như các tên chỉ điểm ở địa phương đang nghi ngờ tôi là thanh niên trốn lính, vì thấy cứ quanh quẩn ra vào nhà cậu mợ hơi lâu mà chẳng thấy học hành hay làm công việc gì cả, chỉ thấy đọc sách một cách nhẩn nha thư nhàn, kiểu vô công rỗi nghề. Cậu cũng thông báo cho ba tôi tìm cách chuyển tôi đi nơi khác để tránh kiểm tra, bắt bớ.
Thế là tôi được ba gửi về ở nhà ông chú họ ở quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn-Bình Định) cho an toàn. Từ đó tôi xa những bóng thông sân nhà thờ Thăng Thiên và thôi những tháng ngày “thu nạp năng lượng” đem lại rất nhiều bổ ích cho tôi sau này.

Nay thì nhà thờ Thăng Thiên đã được xây dựng to rộng khang trang, chiếm nhiều diện tích của khuôn viên ngày xưa, nơi có những bóng thông xanh tôi hay ngồi tựa lưng đọc sách. Và những bóng thông xưa nay cũng không còn.
Nhưng, những bóng thông xanh và những tháng ngày tuổi trẻ cũ của tôi ở Pleiku ngày ấy như nằm hết trong mấy câu thơ của một nhà thơ Pleiku mà mãi sau này tôi tình cờ đọc được: “Khoảng trời lá thông hương chín rụng như mơ/ Tôi có tuổi hai mươi ở đó/ Tôi có nắng có mưa có những cơn lốc đỏ/ Có mùa xuân im lặng kéo qua đời…” (“Khoảng rời lá thông”- Phạm Đức Long, năm 1987).
Ấy-những dịp về Pleiku, tôi hay ngoái nhìn vào sân nhà thờ Thăng Thiên là vì vậy.
Tạ Văn Sỹ
Theo http://www.baogialai.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...