Vài cảm nhận về môtip
1. Môtip (tiếng Pháp: motif), theo Từ điển thuật ngữ
văn học của Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi, cho biết theo
Hán Việt motip là mẫu đề (do người Trung Quốc phiên âm chữ motif trong tiếng
Pháp), có thể chuyển thành các từ khuôn, dạng hoặc kiểu trong tiếng Việt nhằm
chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền
vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật dân gian.
(…) Ví dụ những bài ca dao Than thân của người phụ nữ đều mở đầu bằng câu
công thức “Thân em”, “Thân em như thể”, …
Theo Từ điển tu từ - phong cách - thi pháp học, Nguyễn
Thái Hòa cho biết thêm “Trong nghiên cứu văn học có thể hiểu môtip nghệ thuật
theo những cách sau:
- Chủ đề được lặp đi lặp lại;
- Trong thơ ca, môtip là biểu tượng mang giá trị tượng
trưng.
2. Khảo sát những câu ca dao Tây Nam bộ trong công
trình Bộ hành với ca dao do Lê Giang sưu tầm, sưu tập và biên soạn,
chúng tôi nhận thấy có gần 60 bài ca dao xuất hiện bằng motip “Đôi ta …”.
Dù cùng một dạng motip so sánh, song, xem xét kỷ từng nội dung, chúng tôi nhận
thấy ở đó có nhiều điều thú vị đặc biệt.
Thứ nhất, xét về cập độ nội dung, “đôi ta” luôn chỉ đến
hai người, là hai đối tượng trong tình yêu lứa đôi. Thoạt nghĩ, đôi ta đã là
chuyện “sum hợp một nhà”! Nhưng thật độc đáo, ở ca dao cụm đại từ này không dừng
lại ở đó. Nó biểu hiện đầy đủ tất cả các cung bậc của tình yêu lứa đôi:
Từ buổi ban đầu gặp gỡ, một người nào đó trong “đôi ta” thốt
lên:
Đôi ta như đá với dao
Năng liếc năng sắc năng chiều năng quen
Hay bộc lộ một thái độ “mừng rỡ” không thể kèm nén:
Đôi ta bắt gặp nhau đây
Như con bò gầy gặp bãi cỏ non
Đã quen biết nhau, họ coi đây như “duyên tiền định”:
Đôi ta như đũa trong kho
Không tề không tiện không so cũng bằng
Tình đầu, duyên mới, sự trong trắng trinh nguyên được bộ lộ:
Đôi ta như áo mới may
Như chuông mới đúc, như cây mới bào
Và khéo léo ngõ lời:
Đôi ta mưa ướt áo rồi
Kiếm nơi đỏ lửa vô ngồi hơ chung
Họ dặn dò nhau:
- Đôi ta như lúa phơi màu
Đẹp duyên thì lấy ham giàu làm chi
- Đôi ta hát củi một rừng
Nguyện vượt mọi trắc trở, tìm đến nhau, hướng về nhau:
- Đôi ta như ruộng năm sào
Cách bờ ở giữa làm sao cho liền
- Đôi ta như thể đôi chim
Ngày ăn tứ tán tối tìm cội cây
Dù muôn vàn cách trở “đôi ta” cũng sẵn sàng nâng đỡ dìu dắt
nhau đến cùng trời cuối đất:
Đôi ta như rắn liu điu
Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau
Còn đây một lời thề nguyền quen thuộc trong tình yêu lứa
đôi:
- Đôi ta chung thuỷ vẹn tuyền
Xem lên mái tóc hương nguyền còn đây
- Đôi ta thề thốt giữa đàng
Vạch cây khắc chữ hỏi chàng nhớ không?
Đã đến lúc duyên tình bén lửa, “đôi ta” không thể chia xa
nhau nữa, cung bậc “tương tư” cũng hiện lên thật đẹp:
Đôi ta gá nghĩa giữa đồng
Về nhà luống chịu nước mắt hồng tuôn rơi
Tình yêu nào rồi cũng đến hồi kết thúc, kết quả thì không
phải một mà là hai:
Hoặc “đôi ta” làm con một nhà:
Đôi ta là nghĩa tào khang
Trăm năm vẹn giữ lòng vàng thuỷ chung
Họ luôn trọn thủy tròn chung dù muôn vàn khốn khó:
Đôi ta bá nghệ tùy thân
Sớm hái rau chiều đốn củi đỡ đần nuôi nhau
Hoặc chịu cảnh:
Đôi ta chẳng đặng sum vầy
Khác nào kiếp nhạn lạc bầy kêu sương
Nguyên nhân thì có nhiều, một trong số đó là:
Đôi ta như lúa đòng đòng
Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha
Hay như nguyên nhân gây ra là bởi “ai” trong “đôi ta” ấy!
Đôi ta mới gặp đã lìa
Trách ai bẻ khóa quăng chìa xa nhau
Bởi tại “trời”:
Đôi ta trắc trở tại ai
Tóm lại, motif “đôi ta” đã diễn tả khá đầy đủ các cung bậc
trong tình yêu lứa đôi, điều lý thú hấp trong loại hình nghệ thuật dân gian:
ca dao!
Thứ hai, về nghệ thuật, “đôi ta như …” thể hiển nổi biện
hình thức so sánh tu từ.
Đôi ta như quế với gừng
Dù xa cách mấy cũng đừng quên nhau
Nhưng không chỉ có thế, môtip này cũng sử dụng nhiều hình
thức khác:
Đôi ta xôi đứng “xứng đôi”
Khi đi cũng đẹp, khi ngồi cũng cân
Câu ca sử dụng biện pháp chơi chữ theo cách nói lái giữa
hai thành tố: xôi đứng (động từ) để tạo ra hình tượng “xứng đôi”
(tính từ). Từ chuyện “đôi ta” cùng thực hiện hành động đứng “đồ xôi” để họ
nói lên điều cần thiết hơn, ngõ lời: đôi ta - xứng đôi!
So sánh với điển tích:
Đôi ta như nghĩa Châu - Trần
Khi xa ngàn dặm khi gần tấc gang
Sách xưa Trung Quốc chép rằng: Châu Trần nhị tính thế
thế hôn nhân, nghĩa là hai họ (có sách ghi là hai thôn) Châu và Trần
đời đời kết hôn với nhau
Hay so sánh với mối tình Kim - Kiều, hai nhân vật quen thuộc
của văn học viết (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Đôi ta như Kim Trọng - Thúy Kiều
Đã lắm lúc đắng lại nhiều lúc cay
Mượn “mười lăm năm đoạn trường của hai nhân vật này để “đôi
ta” nói lên cảnh tình “đắng cay” của chính họ!
Một môtip khác đi đôi chút với những điều mà chúng tôi đã
đưa ra ở trên:
Đôi ta cùng một chữ nghèo
Tỷ như có bọt thì bèo lăn tăn
Không so sánh dạng “đôi ta như” quen thuộc mà đưa ra điểm
chung của hai đối tượng được so sánh (đôi ta với bọt và bèo)
trước đó là “chữ nghèo”, thay “như” bằng “tỷ”, không khác motip nhưng hình thức
diễn đạt thì đa dạng hơn.
Thứ ba, chúng tôi xin điểm qua các đối tượng dùng để
so sánh với “đôi ta”. Đã nói là so sánh tất chúng phải có điểm chung và từ điểm
chung nó giúp cho người đọc liên tưởng để tìm ra nét tương đồng. Có khi điểm
chung ấy hiển hiện ngay trên câu chữ mà tác giả dân gian sử dụng:
Đôi ta như thể con ong
Điểm giống nhau giữa đôi ta với “con ong” là sự “quấn quít”
từ con trong đến con ngoài ấy!
Nhưng phần lớn, sự liên tưởng giữa đôi ta và đối tượng so
sánh bị giấu, bị ẩn đi:
Đôi ta như quế với gừng
Dù xa xôi mấy cũng dừng quên nhau
Quế với gừng luôn ở cạnh nhau, vị cay của
hai loại thực vật này tạo nên cảm giác nồng ấm, … tất cả những điều đó được
dùng “huy động” để liên tưởng đến tình “đôi ta”, …
Qua khảo sát, chúng tôi thấy ở motip so sánh “đôi ta” có rất
nhiều “đối tượng được đưa ra để người tiếp nhận liên tưởng. Từ những hình tượng
dân dã, quen thuộc, đó là các con vật như rắn liu điu, như con bò gầy, như cá
thờn bơn, như thể con ong, là đôi chim, … đó là các đồ vật: đá với dao, nút với
khuy, như thể đồng tiền, như bộ chén chung, đũa trong kho… đó là các loài
cây cỏ: như lựu với đào; như quế với gừng; như lúa đòng đòng;
như lúa phai màu; như cỏ mọc hoang;… đó là như hình ảnh chung chung từ
một cổ ngữ: như ngãi Châu - Trần (một điển tích); là ngãi tào
khang (một từ cổ ẩn chứa một điển tích); như nghĩa ba sinh (từ
Hán Việt, gợi chuyện trăm năm), ….
3. Vài dòng kết luận
Trí tuệ dân gian thật phong phú và sâu sắc, rất nhiều dạng
thức cùng motip nhưng vẫn rất đa dạng, không hề trùng lặp, không tạo sự nhàm
chán.
Những hình ảnh quen thuộc, gần gũi giản dị của cuộc sống
thường nhật trở nên lung linh, đa sắc thái khi đi vào nghệ thuật so sánh. Bên
cạnh đó, những từ Hán Việt, những điển tích trong sử sách càng làm cho những viên
ngọc dân gian thêm chói sáng bởi sự tiếp thu sắc nét từ văn chương bác học.
|
Trần
Minh Thương
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét