Không phải chờ đến những ngày đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng
Long - Hà Nội, chúng ta mới nhớ đến câu thơ hào sảng đậm chất sử thi của tướng
quân - thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ làm cháy bừng lên nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội
trong mỗi con người phương Nam:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Đúng vậy, ngay từ độ mang gươm đi mở cõi, người Việt
hành phương Nam đem theo trong hành trang của mình không chỉ tên đất tên làng
mà còn cả những tục lệ, tín ngưỡng của ông cha từ phương Bắc vào vùng đất mới
này. Không chỉ có vậy, họ còn mang theo và thờ vọng cả những vị thần đã có công
với quê hương bản quán và họ coi là các vị phúc thần từng được thờ ở miếu, đền
của quê hương mình và tôn vinh là thành hoàng làng của mình. Đó có thể là những
vị thần từ thời Lê, thời Lý... Ví dụ, hiện nay ta có thể thấy một ngôi đền ở Tiền
Giang thờ các vị hoàng đế nhà Lê (gồm Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông).
Ta còn thấy những đình thờ Cao Các đại vương (Tản Viên Sơn Thánh) hay thần Bạch
Hạc (thần sông Bạch Hạc, Việt Trì) hay nhị vị hoàng tử đời Lý... Ngoài ra, có
thể thấy trong một vài ngôi đình, miếu ở tỉnh Vĩnh Long thờ phụng nhiều vị thần
xuất phát từ Thăng Long, thậm chí thành hoàng thành Thăng Long. Ví dụ:
"Theo văn tế đình Long Hưng (xã Lục Sĩ Thành - Trà Ôn) chủ nhân đầu tiên của
đình làng là Thiên hạ Đô đại Thành hoàng đại vương, Kỷ Tính Thành hoàng đại
vương, Tả đông chinh Thành hoàng đại vương, Hữu Dực thánh Thành hoàng đại
vương, Đại càn tứ vị thánh nương nương. Các vị thần này xuất phát từ Thăng
Long".
Một số đình khác ở Nam Bộ còn thờ Tống Thiên quốc sư. Tống
Thiên quốc sư đại vương tôn thần cũng là một vị thần phù hộ người đi biển. Tống
Thiên quốc sư là quốc sư Tống Huệ Sinh. Theo Việt điện u linh: năm 1069,
ông làm quân sư đánh Chiêm Thành. Lúc sắp vượt cửa Càn (Nghệ An) thì gặp gió
bão. Ông làm tham mưu cho vua Lý Thái Tông rước một tượng thờ của người Chăm
đưa về Thăng Long tôn làm Ứng thiên hóa dục hậu thổ phu nhân. Nhờ đó mà lòng
quân hăng hái. Ông được tôn làm thần phù hộ người đi biển tại cửa Càn, trước Đại
càn tứ vị thánh nương nương khoảng 200 năm. Một số nơi người ta thờ Đông Nam
sát hải nhị đại tướng quân, còn gọi là Lang Lại nhị đại tướng quân là thần giữ
cửa biển, gốc là hai con rái cá. Đông Nam sát hải nhị đại tướng quân được xem
là một vị thủy thần, phù hộ những người làm nghề sông nước. Đây là tín ngưỡng của
người Việt gốc ở vùng cửa sông phía đông nam kinh thành Thăng Long, đưa vào.
Các vị thần từ phương bắc, từ Thăng Long đó bao đời nay đã âm thầm nhen nhóm và
giữ gìn ngọn lửa tình yêu nơi nguồn cội và trong đó có kinh thành Thăng Long
trăm nhớ ngàn thương trong lòng cư dân đất phương Nam.
Trong thiên tùy bút đặc sắc, Thương nhớ mười hai, nhà
văn Vũ Bằng đã nhắc lại ký ức của ông về không khí tâm linh thiêng liêng này
ngay trên đất Sài Gòn: "Những ngày tết trước, ở đất Bắc xa xưa, dưới nhang
khói chùa Trấn Vũ, đền Ngọc Sơn, hay là đền Bạch Mã, tôi đã trông thấy người ta
lễ thành khẩn, lễ xuýt xoa và cảm thấy lòng thích thú vì thấy người ta tin tưởng.
Nhưng ở chùa Phổ Quang, trong Bắc Việt nghĩa trang ở Sài Gòn tết ấy, thấy đồng
bào chen nhau lễ, từ ngoài sân lễ vào chùa, lễ bên phải, lễ bên trái, lễ từ
trên gác chuông lễ xuống, lễ từ dưới pho tượng Địa Tạng lễ lên, tôi rờn rợn cảm
thấy nếu đồng bào cùng lễ như thế này mà mình đóng vai bàng quan, không cúi đầu
thông cảm thì mình quả là một thứ người gỗ đá".
Nhân nhắc đến Vũ Bằng ta không thể không nhắc đến những trang
viết đặc sắc về nỗi nhớ Hà Nội của ông. Nỗi nhớ của ông không cất lên hào sảng
như câu thơ sử thi của Huỳnh Văn Nghệ mà đau đáu, da diết gắn với một ký ức đầy
cảm giác. Trong nỗi nhớ của ông, hình ảnh người con trai Hà thành thuở nào sao
mà thanh lịch đến thế với thú vui tao nhã của người nghèo: “Ấy là tại vì người
vợ hiểu chồng quá đi rồi, biết là có tiền cũng chẳng đi cô đầu cô đít hay là
trai gái phiện phò đâu, nhưng lại đi lên Nghi Tàm hay tạt về Ô Đống Mác
mua cái đồi, hòn non bộ hay một cây thế lăng nhăng gì đó để ra ngắm vào ngắm rồi
tưới, rồi sửa, rồi uốn, rồi bón, rồi hãm mất hết ngày”.
Vũ Bằng mô tả nỗi nhớ Hà nội một cách sinh động và tỉ mỉ qua
nỗi nhớ của những đôi vợ chồng Hà Nội mỗi độ đông về, cái mùa đông chồng vợ mà
người Sài Gòn không bao giờ có được. Nhưng trong đêm đông lạnh giá đó lại ấm
nóng một nỗi nhớ Hà Nội thắm thiết tình chồng vợ: “Nhớ lại có những đêm
tháng mười ở Hà Nội, vợ chồng còn sống cạnh nhau, cứ vào khoảng này thì mặc áo ấm
dắt nhau đi trên đường khuya tìm cao lâu quen ăn với nhau một bát tam xà đại hội
có lá chanh và miến rán giòn tan, người chồng lạc phách đêm nay nhớ vợ cũng
đóng cửa lại đi tìm một nhà hàng nào bán thịt rắn để nhấm nháp một mình và tưởng
tượng như hãy còn ngồi ăn với người vợ thương yêu ngày trước, nhưng sao đi tìm
mãi, đi tìm hoài không thấy một tiệm nào bán thịt rắn thế này”. Những cảm xúc
đó ông không thể tìm thấy ở phương Nam.
Nhà văn Vũ Bằng còn nhớ Hà Nội bằng khứu giác và vị giác, làm
cho nỗi nhớ của ta trở nên day dứt khó tả khi ông nói về cà cuống trong ẩm thực
của người Hà Nội: “Là vì con cà cuống quý không phải vì thịt nhưng vì cái dầu của
nó. Cứ vào cữ tháng một ở Bắc Việt cà cuống trứng, cà cuống cay dội lên
ở khắp nơi. Trên các đường phố Hà Nội thương thương, có những người đàn bà đội
thúng ở trên đầu, tay đu đưa đi trong im lặng không rao một tiếng mà tài thế, nhà
nào cũng biết để mà gọi vào mua”.
Trong ký ức của ông còn có cái không gian Hà Nội những ngày
đông giá với những bóng người cô đơn trên lối phố: “Có ai nằm nhớ lại Hà Nội
ngày nào, vào những lúc trời se sắt, mưa dầm dề, gió lê thê như thế, thỉnh thoảng
ở giữa đường lại có một anh chàng mặc áo tơi, đội mũ mốt săng, đi ghệt, ngậm
cái ống điếu đi lang thang một mình như đang nghĩ thơ không”.
Hà Nội đâu chỉ có giá lạnh và cô đơn, trong nỗi nhớ người đất
phương Nam, Hà Nội vui như tết: “Ở Hà Nội, đến tết, nhà nào cũng phải có một
cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa
nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng tết
mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái tết kém hẳn phần rực rỡ.
Bởi thế năm nào cứ vào đầu tháng chạp, người vợ cũng tự tay trồng hai khúc
xương rồng vào hai cái chậu sứ Giang Tây rồi lấy con dao nhọn khía cây xương rồng
ra để ghép những cánh lan chân cua vào cho lan hút lấy nhựa xương rồng mà sống.
Ghép lan như thế, phải làm từ đầu tháng chạp. Chừng một tuần, những lá lan
trông như chân con cua bể căng nhựa, tươi lên trông thấy, và thường thường vào
cuối tháng chạp thì hoa nở sum sê, đỏ chói - nhưng đỏ một màu đỏ đặc biệt, nửa
như màu chu sa mà nửa lại như màu cánh sen”.
Tết của người Hà Nội vui nhưng thầm kín và tinh tế. Làm người
con gái sống ở đất Sài thành thêm nhớ nhung thêm mung lung về cái tết Hà Nội.
Em ở mình đây, trời nắng lắm
Sài thành không biết có xuân sang
Một đêm trăng khuyết đầy thương nhớ
Đất Bắc xa vời không tiếng vang
…Ôi, vườn dâu cũ ai cười đó
Xào xạc bên sông tiếng chợ tàn
Mưa bay đầy ngõ hoa đào rụng
Này đã giao thừa pháo nổ ran…
Nỗi nhớ Hà Nội mà Vũ Bằng mô tả bao giờ cũng hòa chung trong
nỗi nhớ về phương Bắc nguồn cội. Một nỗi nhớ ào ạt, cồn cào, dâng trào không thể
gì ngăn lại được, chẳng khác gì một tình yêu của đôi trai gái đang tuổi xuân
phơi phới.Ta nghe ông giãi bày trong Tự ngôn: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của
Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con
gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại;
nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ
sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng
Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa
Pa mà nhớ xuống”...
Càng nhớ rộng ra như vậy thì mới thấy ông càng yêu Hà Nội biết
bao nhiêu, càng yêu Hà Nội bao nhiêu thì ông lại càng say đắm Bắc Việt bấy
nhiêu: “Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn
xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch nương ở Nghi
Tàm có còn chưa phong quanh như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường
Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi với người vợ bé nhỏ, bồng
con ở trên tay đi đến thăm người bạn. Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao
nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng
trai nhớ gái; bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem
ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết...
Tôi cũng biết có sự bất công, khó tránh. Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt
nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi.
Có lẽ đó là một sự bất công to lớn, nhưng yêu, bao giờ mà lại chẳng bất công
như thế?”.
Trong đời, nhiều bài thơ ta đọc qua rồi quên đi, nhưng cũng
có đôi bài thơ ám ảnh ta suốt đời. Bài thơ Áo lụa Hà Đông của nhà thơ
Nguyên Sa là một trong những bài thơ như thế.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Hai câu thơ đầu giản dị quá mà đột ngột quá. Đột ngột vì người
con gái xuất hiện và cả vì cái chợt mát bởi áo lụa Hà Đông.Tôi không tin áo lụa
Hà Đông mang khí hậu mùa vắng những cơn mưa vào làm cho trời Sài Gòn trở nên dịu
mát. Mà cái mát mùa hương cốm ấy tỏa ra từ chính người mặc áo. Bởi vì người con
gái ấy khi tới ngồi nơi đâu thì mùa thu tụ về nơi đó:
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Rõ ràng là người con gái đó đã mang mùa thu về lối phố Sài
Gòn và trong tiềm thức của Nguyên Sa chợt nhớ một mùa thu Hà Nội. Đất Sài Gòn
hai mùa mưa nắng, không có mùa thu. Thế, mà mùa thu dài lắm ở chung quanh.
Đây là mùa thu huyền thoại và của thi ca. Cái mùa thu huyền thoại cũng chính là
em gái mặc áo lụa Hà Đông. Em là cũng là hiện thân của mùa thu Hà Nội và mùa
thu Hà Nội tỏa mát từ em. Không gian Sài Gòn bỗng nhiên biến đổi phảng phất nét
Hà Thành.
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Nhưng rồi mùa thu huyền thoại cũng đã ra đi và em nữa, em
cũng ra đi:
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Và thi nhân vội vã đi tìm.Tìm ai thi nhân cũng không biết nữa.
Em là mùa thu hay mùa thu là em. Thi nhân đâu có biết:
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
Thế mới biết trong sâu thẳm tiềm thức người Sài Gòn - thi sĩ
Nguyên Sa có một mùa thu Hà Nội như một nỗi ám gợi mãi không thôi và như một
tình yêu nồng thắm.
Không có một ký ức đầy ắp kỷ niệm như Vũ Bằng và Nguyên Sa,
Trịnh Công Sơn chỉ một đôi lần đến Hà Nội. Thế mà mùa thu Hà Nội đã mê hoặc ông
và ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của ông lại mê hoặc mọi người và cả người
Hà Nội. Một Hà Nội bình dị , thân quen trong ca khúc, trong nỗi nhớ của ông bỗng
trở nên mới lạ, xao động và lấp lánh khác thường:
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.
Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai,
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,
Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người...
Để nhớ mọi người
Người viết bài này cũng có ý làm một điều khiên cưỡng là tóm
lược ý và lời của bài hát. Nhưng làm sao lại có thể làm được điều đó, ai tóm lược
nổi những cảm xúc dâng trào trong nỗi nhớ mùa thu Hà Nội của nhạc sỹ Trịnh Công
Sơn, người đã cất lên tiếng ca từ nỗi nhớ trong sâu thẳm tiềm thức của người
phương Nam. Bởi vì, trong mỗi chúng ta, đều lưu lại những thi tứ mùa thu Hà Nội.Ví
dụ hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Có một điều đáng nói ở đây về cái quy luật tình cảm của nỗi
nhớ, có phải sống lâu thì nhớ dai. Không phải như vậy, Vũ Bằng từng sống lâu ở
Hà Nội đã đành, Trịnh Công Sơn chỉ đến một đôi lần, dầu sao cũng có cơ hội để
cho Hà Nội mê hoặc ông. Thế mà, có một nhà văn ở tận cuối cùng tổ quốc, nơi mũi
Cà Mau, như cái ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm mà nhà văn Nguyễn Tuân đã tưởng
tượng, nhà văn đó đã suy tư và viết về Hà Nội với một nỗi niềm đau đáu, với bao
mong mỏi và hy vọng. Đó chính là nỗi niềm cháy bỏng trong Bức thư Cà Mau của
Anh Đức, một người chưa biết đến hồ Gươm. Nhà văn đất phương Nam viết cho nhà
văn Nguyễn Tuân trong những năm chúng ta còn đánh Mỹ, đất nước còn bị chia cắt
những dòng cháy bỏng sau đây: “Giờ đây đêm đã khuya, mưa đang đổ lớn, biển
động dữ dội. Dạo này, đêm Cà Mau, gió mưa cứ tầm tã, ở ngoài đó chắc đã lập
đông rồi, phải không? Mặt nước hồ Gươm mùa đông có đẹp không anh. Lát nữa trời
sẽ rạng sáng. Dù chưa biết hồ Gươm, tôi vẫn nhớ hồ Gươm và đoán rằng lúc ấy hồ
Gươm sẽ đẹp hơn cả mọi lúc, vì khi ấy Tháp Rùa sẽ hiện ra trong sương sớm như
xuất hiện từ trong câu chuyện thần thoại của bản thân nó. Cây đước của bà má
Năm Căn có ở đó không anh nhỉ? Chừng nào thì xuất hiện cây đước với vòm lá xanh
rì của nó, chừng nào thì rễ đước bắt đầu bén đất hồ Gươm? Chừng nào? Cái câu hỏi
ấy, mỗi người đều phải đặt lấy, định lấy. Ở tôi, ở anh, ở tất cả thảy chúng ta
trên hai miền Nam Bắc. Tin rằng: thời gian sẽ ủng hộ chúng ta. Để anh có thể vô
thăm Cà Mau sớm hơn. Và tôi có thể ra viếng Tháp Rùa một thể cùng một chuyến với
các bà má Năm Căn, vai đeo bị bàng đựng những trái đước giống”.
Hà Nội lúc bấy giờ và mãi mãi là niềm tin yêu và hy vọng của
nhân dân cả nước- một niềm tin tất thắng. Đến hôm nay, ước nguyện, hy vọng của
nhà văn Anh Đức, của bà má Năm Căn và của người đất phương Nam đã trở thành hiện
thực. Đất nước được hoàn toàn được giải phóng, Bắc Nam xum họp một nhà, non
sông nối vòng tay lớn. Những trái đước giống đựng trong bị bàng của các bà má
Năm Căn có thể đã được gieo xuống hay còn chưa được gieo xuống hồ Gươm, rễ đước
đã mọc thêm nhiều hay không, tôi không biết chắc. Nhưng tôi tin chắc rằng các
bà má Năm Căn ở tận mũi Cà Mau xa xôi đó bây giờ đã thỏa lòng mong nhớ, Thăng
Long - Hà Nội càng gần gũi hơn và mật thiết hơn với Cà Mau.
Thế đấy, đã có,
đang có và mãi mãi có một nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội không thể nào phai nhạt
trong tiềm thức người phương Nam, từ độ mang gươm đi mở cõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét