Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Trịnh Công Sơn trong lòng người yêu nhạc Việt

Trịnh Công Sơn trong lòng người yêu nhạc Việt
Thế là tròn 17 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh (1/4/2001 - 1/4/2018). Sinh ngày 28/2/1939 và mất ngày 1/4/2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời hơn 600 ca khúc. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc đại chúng, tân nhạc Việt Nam với gần 250 ca khúc rất phổ biến, được biết đến rộng rãi. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên.
Ngày ông đột ngột qua đời cách đây 17 năm khi đang ở tuổi 62, người yêu nhạc Việt vô cùng ngỡ ngàng, đau xót và ngậm ngùi vĩnh biệt một tượng đài âm nhạc Việt của thế kỷ XX. Và hàng năm, cứ đến ngày này, hàng triệu con tim yêu nhạc Việt lại thổn thức khi nghĩ về ông, về những ca khúc mà ông đã dốc cả tâm huyết, tài năng để lại cho đời. “Nghe nhạc Trịnh, mọi người đều có chung cảm giác như nghe lời tâm tình của một người bạn bằng tất cả trái tim, rất thấu hiểu chính mình. Nhạc Trịnh nghe nhiều người hát trên sân khấu hay đã đành, nhất là với giọng ca Khánh Ly, nhưng hay không kém là ta tự hát, tự ngân nga một mình”, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (TP Hồ Chí Minh) cảm nhận.
Nhà thơ Anh Ngọc - một trong những người “yêu điên cuồng” nhạc Trịnh bày tỏ: “Trong trái tim của tôi có hai nửa, một nửa là con người chung, con người công dân, hướng tới mọi người, nửa còn lại do điều kiện chiến tranh tôi phải đóng kín - đó là con người cá nhân, riêng tư. 30/4/1975, trong cuộc đoàn tụ của cả dân tộc, nhạc Trịnh đấm một cú mở toang cánh cửa đó. Với sự đánh thức của nhạc Trịnh, tôi sống bằng trái tim đầy đủ”.
Theo nhà thơ nguyên là phóng viên Báo Quân đội nhân dân này, có nhiều giá trị làm nên sự bất hủ của nhạc Trịnh. Cái riêng tư trong nhạc Trịnh lại chính là cái phổ cập ở mọi con người bình thường chứ không riêng ai. Nhạc Trịnh viết về thế giới con người, đi qua “cái” một người đến với mọi người, một thời đến với mọi thời, một nơi nói đến mọi nơi. Trịnh Công Sơn có một cái đầu tràn ngập tư tưởng và có lõi triết học gồm cả minh triết phương Đông, đặc biệt là đạo Phật và minh triết phương Tây. Nhờ trụ trên xương sống triết học nên tác phẩm có tính vĩnh cửu. “Với 600 ca khúc trong đó hàng trăm bài được mọi người thuộc và hát, hàng chục bài bất hủ, hoàn toàn có thể làm từ điển ca từ nhạc Trịnh với các trạng huống của con người, từ lúc chưa đẻ đến khi nằm xuống”, nhà thơ nói.
Với nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Văn Sơn, nhạc Trịnh hấp dẫn ông từ tuổi học trò, rồi trở thành niềm say mê khi ông là sinh viên Văn khoa và ngày càng đằm sâu theo thời gian. “Nhạc Trịnh giản dị dễ hát, ca khúc nào của anh Sơn cũng là những giai điệu đầy chân cảm, ca từ nào của anh ấy cũng là một bài thơ, tâm trạng chuyển tải trong ca khúc không chỉ là tâm trạng tình nhân mà còn là trạng thái nhân thế của thời đại. Vì thế nó rất dễ đi vào lòng người. Nhưng, chỉ âm nhạc không thôi, không thể tạo sức sống lớn đến thế. Càng ngày càng nhận thấy rõ các giá trị lớn của di sản Trịnh Công Sơn, một di sản không chỉ là âm nhạc”, ông nhận định.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một tri kỷ đặc biệt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho rằng có một văn hóa Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt. Người ta thấy trong đó một cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương, với đất nước, với chiến tranh, với hòa bình, với thiên nhiên, với lịch sử, với sự sống, với cái chết, với thực tại, với hư vô... Nó làm giàu thêm, đẹp thêm cho lối sống Việt, văn hóa Việt.
Còn theo ông Lê Ngọc Hà (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân), một người cũng “yêu như điên” nhạc Trịnh, chia sẻ: Theo cảm nhận riêng tôi, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ quá đa tài và đa cảm? Ông vừa là nhà giáo, vừa là họa sĩ, vừa là nhạc sĩ… Ông để lại cho đời hơn 600 ca khúc - một gia sản khổng lồ trong âm nhạc. Nhạc của ông mênh mang trong từng ca từ, ẩn chứa nét đẹp thánh thiện của con tim, mang hơi hướng của “thiền” và triết lý của cuộc sống; đau cái đau của thế cuộc trong thân phận nhỏ nhoi của một con người, một tình yêu cháy bỏng khơi nguồn từ những cuộc tình không có đoạn cuối và... chìm trong men rượu cùng khói thuốc bay ra từ cửa miệng thả những vòng tròn lượn lờ tan vào khoảng không vô định...
Là một người mê nhạc Trịnh tôi may mắn được diện kiến ông vào năm 1986. Khi ấy tôi là sinh viên phân ban âm nhạc (Khoa Văn hóa quần chúng, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến chơi với những người bạn nhạc, thơ, họa là nhạc sĩ Trần Long Ẩn, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang (Trần Văn Ánh), kiến trúc sư Trần Văn Minh (con trai của cố nhạc sĩ, GS Trần Văn Khê)… ở khu ký túc xá Làng Báo Chí, Thủ Đức (nay là quận 2), TP Hồ Chí Minh. Trong bữa rượu Gò Đen (Tiền Giang) với những con khô và lẩu mắm Nam Bộ tại Văn phòng Đoàn Trường Văn hóa TP Hồ Chí Minh (nằm trong khu ký túc xá) mà tôi có nhiệm vụ rót rượu, nhạc sĩ họ Trịnh và những người bạn của nhạc sĩ hát rất nhiều ca khúc do ông sáng tác, như Diễm Xưa, Nối vòng tay lớn, Hát cho quê hương Việt Nam, Biết đâu nguồn cội, Hát cho những người ở lại, Hát trên những xác người… Trong cuộc vui toàn những “cây đa cây đề” ấy, khi nghe nhạc sĩ Trần Long Ẩn - rất nổi tiếng với những ca khúc như: Đi qua vùng cỏ non, Thành phố đêm đầy sao, Tình đất đỏ miền Đông… nói rằng “tôi chỉ cần sáng tác được bằng một phần mười của anh Sơn là mãn nguyện rồi!”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiêm tốn: “Tôi chỉ mong được một phần nhỏ của anh Phạm Duy”.
Nhân kỷ niệm 17 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến ông.
XUÂN HIẾU
  Theo http://www.baophuyen.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...