Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Truyện ngắn Hương cỏ non

Truyện ngắn Hương cỏ non
Tác giả Lưu Lãng Khách và Nàng Thơ 
Người đàn ông tàn phế, tuổi ngoại lục tuần, với khuôn mặt ngày xưa chắc rất điển trai; dáng người mảnh khảnh, làn da hơi xanh với vành môi thâm đen khô khốc bởi hút nhiều thuốc lá. Ông chống batoong đi đi lại lại quanh khu vườn xơ xác vẫn còn thảm cỏ non xanh mơn mởn trong tiết đầu xuân, như tìm kiếm lại những gì đã từng tồn tại ở nơi đây mà giờ không thấy nữa. Dường đã mỏi, ông ngồi xuống thảm cỏ một lát, rồi nằm ngửa ra nhìn trời, mũi hít lấy hít để mùi hương cỏ non ngào ngạt tỏa ra xông lên nồng nàn quyến rũ, mà chắc với ông là một mùi hương gợi nhớ những kỷ niệm đẹp khó quên thời trai trẻ, giờ đã quá xa xôi nơi góc trời dĩ vãng.
Người ta để ý, hình như kể từ sau giải phóng, cứ mỗi độ xuân về là ông lại đến đây dăm bảy hôm liên tiếp, hết đi loanh quanh lại ngồi rồi nằm dài trên cỏ như đợi chờ một phép màu huyền diệu sắp xảy ra. Xong chiều xuống lại lủi thủi chống batoong trở bước quay về với vẻ đầy lưu luyến. và chẳng có ai biết được ông từ đâu đến, nhưng không ai làm khó chi một người dáng kính dù tật nguyền mà chỉ tò mò xem thử ông buồn hay vui mỗi khi trở gót quay về. Vạt cỏ này là phần cuối của khu vườn có ngôi biệt thự xinh xắn mà cũ kỹ kia với nhiều đoạn tường rào đổ nát, chắc là lâu lắm rồi chẳng có người coi ngó sửa sang nên bò nghé ra vào luồng tuông, cây ăn quả gãy cành đây đó làm cho khu viên vắng vẻ càng thêm xơ xác tiêu điều.
Trong thời gian đầu giải phóng, ngôi biệt thự trở thành kho thóc của Hợp Tác xã và là nơi hội họp của dân làng suốt nhiều năm. Gian nhà chính trở thành trường mẫu giáo, người ta vẫn giữ nguyên không hề sửa chữa rồi bỏ luôn cho mãi đến giờ. Lần nào về đây ông cũng thấy hai cánh cửa chính xập xệ mở ra trống hoác tênh hênh trông thảm hại đến vô duyên và điêu hoang lạnh lẽo vô cùng.
Chiều xuân đã tắt nắng, trùm lên khu viên một vẻ gì trơ trọi hoang liêu khi những con bò cuối cùng no cỏ ra về qua cái cổng chính đà gãy sập một bên, dây bìm leo rậm rịt.
Ông uể oải đứng lên vỗ vỗ vào sau lưng mấy cái. Chợt từ phía cổng xuất hiện người đàn bà mặc váy xanh đen, tóc bới cao trông còn đẹp dáng lắm, đứng nhìn ngôi biệt thự rồi đưa mắt nhìn người đàn ông thương tật đang đứng ở cuối vườn. Bỗng tim ông đập thình thịch, không suy nghĩ gì nữa, ông hấp tấp chống gậy bước khập khiểng gấp gáp về phía sân biệt thự, được một đoạn mệt quá ông dừng lại thở hồng hộc rồi gọi lớn: “Ngà ơi! Ngà! Có phải em đó không?”…
Trời hôm nay nắng dữ, ngả xế rồi vẫn rực rỡ chói chang. Đây đó phượng hồng thắp nắng lung linh và loài ve mãi râm ran bản sầu ca muôn thuở. Ngồi trên xích đu trong sân vườn nhà, dưới tàn cây xoài cát lão, Ngà nhòm sang mảnh đất kế bên, hàng xóm vừa mới bán, thấy người ta đang hí hoái dựng lên ngôi nhà mới sơ sài lợp mái lá đã gần xong. Chợt người thanh niên trong căn nhà nhỏ bước ra, bắt gặp ánh mắt của Ngà nhìn sang, anh liền nở nụ cười sơ giao thân thiện rồi đưa tay vẫy vẫy khiến nàng cảm thấy vui vui rồi gật đầu chào lại, Xong chẳng biết sao bỗng vụt chạy vào nhà.
Mấy hôm sau tình cờ ngoài hiệu sách nàng lại gặp anh đang lựa tìm mua những quyển gì chẳng biết. Vừa ngước lên anh đã nhận ra Ngà và vẫn với một nụ cười thân thiện. Lần đầu tiên được chuyện vãn cùng anh mà sao Ngà cảm thấy gần gũi vậy, dường hai người đã quen nhau tự rất lâu rồi.
Anh nói gia đình anh chỉ còn mẹ già và một đưa em gái út thôi. Người anh cả đã tử trận trong chiến dịch Mậu Thân, chị kế đã lấy chồng và cha anh mất sớm khi anh chưa đầy mười tuổi. Anh đã học xong tú tài toàn nhưng vì gia cảnh đành bỏ ngang việc học. Thương mẹ, khi còn đi học anh vừa học vừa làm không biết bao nhiêu là việc, đụng gì làm đó mà cũng chỉ đỡ dần tí đỉnh cho mẹ thôi chứ giữa thời buổi khó khăn loạn lạc này, anh chưa tìm được hướng đi cho cuộc đời mình. Đã mất một đứa con trai rồi, sợ mất thêm đứa nữa nên mẹ chạy giấy tờ giả khai anh nhỏ tuổi khỏi bị trúng quân dịch, rồi bán vườn nhà ở vùng bán an ninh chẳng được là bao, thêm vốn đẻ dành mới mua được đất cất nhà ở nơi xứ xở mới này.
Nghe Lộc nói đã học xong tú tài toàn nàng mừng quá vì nàng đang học xong đệ tứ chuẩn bị thi lên đệ tam chẳng biết nổi hay không vì ông thầy dạy kèm đã chuyển đi nơi khác. Nhờ thầy trên tỉnh về dạy thì ba nàng sợ con gái ở nhà một mình với người lạ rủi có chuyện gì thì biết làm sao khi ông phải ngày ngày đi làm việc ở tòa thị chính, bà buôn bán ngoài chợ, chị hai nàng vừa giúp mẹ trong dịp hè vừa ôn bài để thi lại vào mùa tới. có khi mấy đêm liền có động, nghe tin hai bên đụng độ là cha nàng ở luôn trên tỉnh, cả tuần mới về nhà. Nghe đâu ba Ngà có nhà trên phố nữa nhưng mẹ nàng nhất quyết sống chết gì cũng ở đây chứ chẳng chịu rời đi nên ông đành phải một cảnh hai quê.
Ngần ngại một lúc Ngà mới dám mở lời nhờ anh dạy kèm, không cần suy nghĩ, Lộc đồng ý ngay và hứa sẽ dạy cho nàng những khi có thể, bất kể sớm trưa chiều tối vì hằng ngày ai kêu gì anh cũng làm nấy không thể nào lên lịch làm việc được để có thời gian ổn định mà dạy cho nàng. Thế mà hay! Từ đó đôi bạn trẻ mới quen, lúc thì sáng trưa khi thì chiều tối quấn quít bên nhau, kẻ dạy người học vui như những buổi hẹn hò. Khi Ngà thi đỗ vào Đệ tam cũng là lúc tình cảm giữa hai người bắt đầu thắm thiết, vượt lên trên tình thầy trò hay tình bạn. Và mẹ Ngà rất quí trọng Lộc, coi anh như người thân trong gia đình và nghiểm nhiên anh trở thành một người đặc biệt, muốn đến muốn đi bất cứ lúc nào trong cái khuôn viên đẹp đẽ sung túc này trừ những buổi tối ba của nàng về.
Nửa năm trôi qua! Tình cảm của đôi bạn trẻ ngày càng thắm thiết. Đêm nào ba không về là Ngà làm tín hiệu, để ngọn đèn dầu trên cái xích đu, anh sẽ thấy mà sang. Và cũng từ đó, đêm hôm anh không còn đi vào cổng chính nữa,mà Ngà mách lối cho anh phá một lổ trổ ở cuối vườn, nơi hai người sau đó thường hò hẹn sớm hôm.
Đầu xuân năm ấy! Sau khi về quê ăn tết cùng ngoại, mẹ nàng bảo hai chị em về trước coi nhà, riêng bà ở lại chăm sóc tâm sự với mẹ già vài tuần nữa mới vô sau. Trời đất sang xuân, vạn vật đều trở nên mới mẻ xanh tươi, sinh sôi nảy nở, khiến lòng người lâng lâng phơi phới, rạo rực những yêu mơ bỏng cháy xuân thì.Ngày ngày Lộc thường hát vu vơ, mỉm cười một mình, quẩn quanh làm việc vặt trong vườn, thỉnh thoảng ra đứng bên hàng rào nhìn sang ngôi biệt thự cửa đóng then cài giữa ba ngày tết trong niềm vui chờ đợi, với một tinh thần sung mãn, một thể chất đang độ thanh xuân, rắn rỏi tràn trề sinh lực của chàng trai mới vừa bước qua ngưỡng cửa đôi mươi. Mới chỉ dăm hôm xa cách thôi mà đã ngỡ thời gian như ngừng lại, nhưng Lộc vẫn vui vì cảm nhận được rằng Ngà cũng giống như anh, đang khát khao chờ đợi phút sum vầy dưới khung trời rạo rực tươi thắm buổi đầu xuân.
Vừa về đến nhà, Ngà đã không kìm chế được tình yêu bồng bột, nỗi nhớ nhung dồn nén trong lòng. Tâm hồn thơ ngây của người con gái mới lớn bay bổng, thăng hoa chắp cánh điều khiển đôi chân nàng chạy ra phía bờ rào, nói lớn sang để cho anh nghe thấy rằng em đã về. Không để nàng phải đợi lâu, Lộc quần áo chỉnh tề, lịch sự bước qua cổng chính vào nhà thưởng thức hương vị ngày xuân, ăn tết muộn cùng với chị em Ngà.
Đêm hôm ấy, không kịp chờ cho người của hai bên gia đình ngủ say, đôi bạn trẻ đã hấp tấp tìm đến nhau, lao vào nhau ào ạt, hừng hực lửa thanh xuân, cháy nồng trên thảm cỏ tươi non đang tỏa ra mùi hương ngây ngất, quyến rũ càng thêm say đắm lòng của những kẻ đang yêu. Đã từng trao nhau những nụ hôn đầu đời cháy bỏng, và giờ đây họ không còn biết đâu là giới hạn, đã trao nhau cái thiêng liêng trân quý nhất của đời người một cách hoàn toàn tự nguyện hiến dâng mà không thể có một trở lực siêu nhiên nào ngăn cản được. Quá hồn nhiên vô tư đắm đuối, họ đã ôm nhau ngủ vùi trên thảm cỏ non, được cắt xén chăm sóc rất đẹp mắt, đang ướt đẫm sương mai dưới bầu trời xuân sắp ló dạng ánh bình minh. Hai tấm thân trẻ dại bị ướt nhẹp mới giật mình hoảng hốt, vơ vội gấp gáp lo phần ai nấy chạy về phía nhà mình…
Sáng ra! Chị hai tên là Nga lớn hơn Ngà ba tuổi, đi ra vườn hái trái cây, dạo khắp xung quanh rồi bước dần đến thảm cỏ non, hít thở không khí trong lành giữa trời thoáng đãng một cách hân hoan sảng khoái. Chợt nhận ra thảm cỏ bị nhàu nát nhiều chỗ. Và kia! Vạt cỏ non bị đè bẹp dí, còn hằn lên dấu nằm của đôi bạn trẻ hồi hôm. Chị thâu tia nhìn ái ngại, vội bước vào nhà mà nghe người nóng ran. Ngà đang ngủ say như chết. Bước đến gần quan sát, chị thừ người khi thấy trên mái tóc mượt mà óng ả của em, trên cùi chỏ của đôi tay thon mềm nà nõn còn lưu vết cỏ non, và mùi hương cỏ kia còn phảng phất quanh người.
Thế rồi đêm đêm họ kín đáo dè dặt hơn, nhưng vẫn luôn tìm đến nhau khi có thể. Bất kể là khuya hay sớm, họ trao nhau những phút giây ngây ngất mặn nồng, ngùn ngụt lửa ái ân. Năm ấy Ngà vừa mười bảy tuổi, mùi hương cỏ non luôn quấn quýt bên nàng.
Tình vui nào được bao lâu! Vào một buổi sáng còn đang ngủ nướng, Ngà nghe Lộc bên kia rào gọi lớn: “ Ngà ơi! Anh bị bắt!”. Như giẫm phải lửa,nàng bật dậy như lò xo, chạy ra vườn nhìn sang, thấy chiếc xe jeep lù lù phía trước. Hai người lính trẻ súng trường M16 lăm lăm thấy khiếp, hai người còn lại bẻ ngoặt tay Lộc ra sau áp giải lên xe. Ngà chỉ kịp kêu lên “anh Lộc” và nghe anh trả lời: “ Hãy chờ anh! Rồi anh sẽ quay về”. Đó là những tháng trước mùa hè đỏ lửa năm 1972…
Đang bước qua cánh cổng sập để đi vào bên trong, người đàn bà khựng lại, đứng nhìn một hồi, cố lục lọi trong ký ức khi người đàn ông đã đến hơi gần: “ Ông là ai?”. Hấp tấp bước tới để nhanh được gần người yêu, nàng đây thật rồi, không thể nhầm lẫn vào đâu được nữa, vội quá ông vấp ngã chúi dụi, còn cố ngước lên với vẻ mặt mừng rỡ tột độ lhông thể tả: “Anh đây! Anh là Lộc của em đây Ngà ơi!”. Người đàn bà bối rối bước tới đỡ ông đứng dậy, và chưa kịp buông tay đã bị ông ôm chầm, hôn lấy hôn để một hồi lâu, rồi hổn hển trong hơi thở: “Anh đã chờ đợi em suốt hơn ba mươi năm nay. Từ sau giải phóng, xuân nào anh cũng về nơi đây tìm kiếm, đi đứng nằm ngồi trên thảm cỏ đầy kỷ niệm của chúng mình, dù đã xơ xác tiêu điều vẫn gắng nảy mầm non chờ ngày em trở lại. Anh tin chắc là có ngày em sẽ trở về mà. Có thể nào quên được chuyện chúng mình phải không em?”.
Chẳng biết trả lời sao cho phải, người đàn bà đành dạ một tiếng trước tấm chân tình tội nghiệp của ông: “Thì ra anh là Lộc! Vợ con anh đâu? Chẳng lẽ sau ngần ấy năm anh vẫn ở vậy?”. Vừa vuốt tóc người yêu vừa gắng bước theo bà đến trước thềm ngôi biệt thự: “Đúng! Anh vẫn ở vậy. Vì suốt cuộc đời này anh chỉ yêu có em thôi. Còn em! Em đã có gia đình ấm êm hạnh phúc rồi sao?”. Chợt đôi mi người đàn bà ngấn lệ: “Dạ không! Vì em cũng chỉ yêu có một người mà…”. Ông cũng rơm rớm nước mắt, nở một nụ cười hạnh phúc tràn trề: “Mà anh bị bắt đi lính rồi biệt tích chứ gì? Thật tội nghiêp thân em! Vậy tại sao mấy mươi năm nay em không về đây ở để chờ đợi ngày anh sẽ trở về?”.
Bà nói trong nước mắt: “Em biết lấy danh nghĩa gì để mà chờ đợi ở nơi đây. Em phải theo ba sang Mỹ trước ngày giải phóng rồi sống già ở xứ người cho mãi đến hôm nay. Sau khi ba mất rồi mẹ mất, an táng xong, giải quyết đủ vấn đề, rồi em mới trở về, nguyện sẽ gắn bó với nơi này suốt phần đời còn lại. May mà vườn tược còn nguyên không bị người ta chiếm đoạt. Em đã liên hệ với chính quyền rồi, sẽ cho người sửa chửa gầy dựng lại nay mai”.
Ngồi xuống bậc thềm, vẫn không buông bà ra, dù bà đã mấy lần định hất tay ông nhưng không nỡ,và bà cũng không điều khiển được trạng thái tâm lý ngổn ngang phức tạp rối rắm mất tự chủ của mình. Để cho ông mặc tình âu yếm ve vuốt mơn man một hồi lâu bà mới hỏi: “Vườn nhà anh cũng không còn ai ở bên ấy sao?”. Dường động nỗi thương tâm, ông nghẹn ngào trong nước mắt tuôn trào: “Bởi quá thương con, hốt hoảng lo lắng, sợ mất đi niềm tin yêu hy vọng cuối cùng, mẹ anh đã đổ bịnh ngày một nặng. Khi cụ qua đời, em gái anh đưa về quê an táng trước ngày hòa bình, rồi nó trở lại lo bán đất bán nhà, xong về theo phía chồng, gửi hờ lại mảnh giấy ghi địa chỉ, phòng khi anh trở về biết nơi chốn mà tìm nó. Khi anh trở về đây, người chủ mới lại sang cho người chủ mới nữa, may mà họ vẫn còn giũ nguyên tờ giấy để trao lại cho anh”.  Im lặng một lúc bà nói: “Em mỏi quá! Anh hãy buông em ra đi. Mình đi tìm nơi ăn tối, em đói bụng. À! Rồi sau đó anh sống thế nào?”.
Hơi hụt hẫng khi bình tĩnh lại thấy người yêu có phần thụ động, không vồ vập sà vào lòng ông mừng vô bờ bến như ông từng tưởng tượng, ông nhìn bà nghi ngại: “Sau đó với anh là một chuỗi ngày dài xấc bấc xang bang. Em cứ nghĩ đi! Một thằng thương phế binh của chế độ cũ mới làm được gì để sống, làm sao khỏi khốn đốn trong những năm đầu giải phóng. Vậy mà rồi cũng may, sau đó chú anh có người quen làm lãnh đạo của một công ty hợp doanh nhận anh vào làm việc. đỡ được mấy năm rồi lại nghỉ, sóng đời đẩy đưa trôi nổi mãi đến giờ, nói ra dài dòng lắm.
Ăn tối xong bà ngại ngần hỏi: “Giờ anh về đâu? Em phải về khách sạn để tắm rửa nghỉ ngơi mai còn lo việc.” Ông buồn buồn: “Anh còn biết về đâu nữa khi đã gặp em. Hôm nay anh trả phòng rồi. Ô! Hay là em cho anh theo về khách sạn, rồi đêm nay mình sẽ cùng thức trắng bên nhau cho thõa lòng thương nhớ mấy mươi năm ngoài thảm cỏ non dù giờ đây đà xơ xác tiêu điều. Hay là gặp anh rồi Ngà chẳng thấy vui hở em. À! Còn chị hai của em giờ sống thế nào? Chị ấy thật dễ mến. Càng nhìn em anh càng thấy giống chị hai, giống quá đi mất” Bỗng bà đột ngột xúc động, mất bình tĩnh, cười không thành tiếng: “Chị hai của em!...”.
Biết trả lời sao trước người đàn ông suốt một đời bà thầm thương trộm nhớ, nay vừa gặp lại trong buồn vui lẫn lộn. Liệu ông có chịu nổi không khi ông biết được một sự thật phũ phàng rằng Ngà đã chết từ khi còn lênh đênh trên biển, chưa biết đâu là bến bờ nước Mỹ trong cuộc hải trình đầy trắc trở cam go. Mùi hương của ông thương nhớ bao năm, bà chỉ được ngửi một mình nơi thảm cỏ và nơi thân thể em gái mình sau những đêm bụng trộm tự thuở nào xa lắc xa lơ.
Ôi! Đêm nay! Liệu bà có nên mặc nhiên để cho ông đắm chìm trong hạnh phúc, hả hê trong ngộ nhận, cùng ông tận hưởng những giây phút ngọt ngào quí báu sau bao năm xa cách mà tận đáy lòng ông không phải để cho bà. Và nếu như vậy, bà cảm thấy có lỗi với vong hồn người em gái. Thật phũ phàng và cay đắng, đầy bất ngờ và bất nhẫn, khó nghĩ quá đi thôi… bà lưỡng lự ậm ờ.
Bất chợt cơn mưa đầu hôm đổ ập xuống rào rào, trong mưa gió nghe thoang thoảng mùi hương cỏ non xông lên làm xao xuyến lòng người. Mưa tạnh, bà khép nép bước đi bên ông mà chẳng biết đi đâu…
Đầu xuân 2015

Lưu Lãng Khách
Theo http://leminhquoc.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...