Phía sau Tháp Nắng
1. Thuở nhỏ hai chị em rủ nhau lên đồi Tháp Nắng chơi.
Tháp Nắng là tên chị tôi đặt cho đồi cây. Hình như đồi không có chủ. Đồi không
trồng chuyên một thứ cây, mọc chan chen đủ loại. Khí hậu ở đây thật tuyệt.
không oi bức mùa hè, không rét cóng mùa đông. Hoa dại mọc buông tuồng, hương
hoa phơn phớt ghẹo người.
Buổi sáng, hai chị em ngồi lưng chừng đồi nhìn lên đỉnh đồi.
Đỉnh đồi có nhiều cây tựa vào nhau vươn cao như một tòa tháp xanh. Nắng đổ xuống
thắp sáng đỉnh đồi, tháp cây đẫm mình trong xòa tung của nắng. Chỗ chị em tôi
ngồi cũng có nhiều nắng. Nhưng chúng đã đi qua những kẽ lá rơi rớt xuống tóc xuống
vai, có khi chạy lăn trên má những quả trắng sáng tròn tròn.
Tôi phủi nắng trên tóc chị, mái tóc vừa chấm vai, lúc nào
cũng đẫm hương bồ kết. Chị vẫn lặng yên nhìn lên đỉnh đồi không chớp mắt. Đôi mắt
chị màu nắng thu, hun hút sâu, phảng phất chút u hoài. Tôi khen chị đẹp như một
thiên thần. Chị vẫn yên lặng. Khen chị cũng bằng thừa, ai cũng bảo chị đẹp nhất
làng tôi. Mỗi lần chị về làng, mấy anh thanh niên cứ tíu ta tíu tít săn đón
thăm hỏi.
Khi ấy chị mười tám tuổi, đang học lớp 12 trường huyện. Trường
cách nhà không bao xa nhưng cha mẹ gửi ở nhà dì. Mẹ thường nói, mỗi tháng về
thăm nhà một lần là được, khi cần cha mẹ lên thăm. Phải học thật chăm, thật giỏi
còn phải phấn đấu vào đại học sau này trở thành bác sĩ nữa.
Chị lặng lẽ nhìn tháp nắng, cũng có khi nhìn cả khoảng trời
sau tháp nắng. Chỉ có chị biết điều đó. Chị kín đáo lắm, sống nội tâm, thích trầm
tư một mình.
- Chị đang nghĩ gì đó?
- Ước gì mình lên đỉnh đồi, trèo lên tháp nắng nhìn về bên
kia, nơi mà chị sẽ đến, ít ra cũng ở đó những năm học đại học. Chị sợ sự ồn ào
đến xoi mói, tiện nghi đến biếng nhác, văn minh đến xa lạ nơi ấy.
- Chị lo xa chi cho mệt. Còn chuyện lên đỉnh đồi có khó khăn
gì đâu. Mai chị em mình đi.
- Không, chị đùa thôi. Em còn phải lo học, chuẩn bị vào cấp
ba rồi. Khi ấy em lại xa nhà như chị, cha mẹ phải tự lo liệu mọi bề, không còn
con đường nào khác!
Trong mắt chị, đồi Tháp Nắng là biểu tượng của quê hương, là
bóng cha dáng mẹ, là tôi nữa, thằng em trai của chị.
- Về thôi chị!
Chị đứng lên, cầm tay tôi theo lối mòn đi xuống chân đồi. Cỏ
dại níu chân. Hương dại ngai ngái mà say mà nhớ!
2. Khi tôi học lớp 12, chị đã là sinh viên năm thứ ba của
trường Đại học Nông nghiệp. Trước khi thi đại học chị đã thuyết phục được cha mẹ.
Học bác sĩ đến sáu, bảy năm dài lắm con gái không theo nổi. Ước mơ của cha mẹ để
dành lại cho tôi phấn đấu thực hiện. Chị theo ngành nông nghiệp. Tôi cứ nghĩ
chính đồi Tháp Nắng, chính mùi hương ngai ngái của cỏ dại đã rủ rê chị.
Cuối mùa xuân đồi cây đẹp lạ lùng. Nắng hả hê nhưng không gay
gắt. Tháp nắng càng lung linh huyền ảo hơn. Tôi ôn thi vào đại học. Chị bắt đầu
kỳ nghỉ. Chị rủ tôi lên đồi Tháp Nắng. Tôi háo hức theo chị. Đã ba năm nay, tôi
cũng có ý định lên đồi, nhưng đi một mình buồn chết, đành thôi.
Lối mòn ngày nào cỏ đã lên xanh. Người dân đi làm ăn xa chẳng
hơi đâu lên đồi xem cây ngắm lá. Hai chị em tìm chỗ râm mát ngồi nhìn lên đỉnh
đồi. Nắng vàng nắng trắng nắng hồng quyện nhau phả lên màu xanh của cây. Tòa
tháp được thiên nhiên trang điểm đẹp đến ngỡ ngàng.
Tự dưng tôi hỏi chị:
- Chị có muốn lên đỉnh đồi nhìn về phía bên kia không?
- Bằng con đường khác chị đã đến bên kia rồi. Nơi ấy thật tuyệt
vời, cuộc sống dễ chịu ăm ắp hương vị tình yêu.
Chị kể cho tôi nghe mối tình đầu của chị. Anh là bạn học cùng
khóa, học giỏi, tuấn tú, sâu sắc trong suy nghĩ, thông minh trong ứng xử, với
tình yêu thì thật lòng chung thủy. Anh chị đợi ngày ra trường sẽ quyết định
chuyện tương lai.
Đôi mắt chị mở to chứa cả một trời đầy nắng, ấm áp niềm vui,
lung linh niềm hạnh phúc. Tôi mừng cho chị.
- Anh ấy quê ở đâu?
- Nhà anh ấy gần trường đại học.
- Anh ấy có biết quê mình không chị?
- Đã có lần chị nói tên làng mình, kể cho anh ấy nghe chuyện
hai chị em mình lên đồi Tháp Nắng chơi nữa. Nhưng biết có nhớ nổi một làng quê
xa xôi thế này!
Tôi nhận ra chị nói nhiều hơn xưa một chút nhưng vẫn không
thoát ra được cái trầm tĩnh lặng lẽ vốn có của chị.
Sợ nắng trưa hai chị em xuống đồi về nhà. Được vài bước, chị
bảo:
- Em về trước ôn bài, chị về sau một chút.
Tôi đâu có ngờ, chị một mình cố leo lên đỉnh đồi, rồi trượt
chân ngã lăn xuống bên kia. Không thấy chị cả nhà đi tìm. Chị nằm sóng soài mặt
đầm đìa máu. Không biết chị tìm gì sau tháp nắng để đến nông nỗi này. Còn tôi,
đã mất một người chị đẹp như thiên thần. Vết sẹo dài trên mặt, một con mắt
không còn nhìn thấy nắng đã xoay đổi cuộc đời của chị.
3. Từ sự cố ấy, chị ở nhà dưỡng bệnh, không trở lại trường,
phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Chị khác hẳn ngày xưa, không ai nhận ra chị
nữa. Mái tóc dài biếng gội kéo ra trước che bớt vết sẹo hằn sâu trên má. Đôi
kính râm đen che đôi mắt nửa mờ nửa tỏ mới ngày nào còn lùa lụa nắng thu. Cha mẹ
đã khóc đến không còn nước mắt. Tôi thương chị nhưng không dám khóc. Đã nhiều lần
muốn đưa chị lên đồi Tháp Nắng để chơi cho khuây khỏa nhưng cũng không dám, sợ
khơi lại nỗi buồn, nỗi hận.
Tôi đã theo kịp chị, năm thứ ba đại học
rồi, đã biết nhớ biết yêu. Chính vì thế nên hiểu rõ nỗi lòng chất chứa mối tình
đầu của chị. Tai nạn hủy hoại dung nhan của chị đã ghê gớm rồi, nó còn cướp mất
ước mơ của chị, hủy hoại tình yêu trong trái tim của chị ghê gớm đến vạn lần
hơn. Chới với trong bất hạnh. Lặn ngụp trong đau khổ. Ngày gượng ngày nhưng màn
đêm thì đầy nước mắt. Chị đã là người khiếm thị giờ đây lại chẳng nói chẳng cười.
Chị ơi! Thương chị quá! Cha mẹ ơi! Sao oan nghiệt lại đến với
nhà mình!
Kỳ hè này về quê tôi mang theo một thông tin mới. Đồi Tháp Nắng
sẽ được phá đi, người ta sẽ xây dựng ở đây một nông trại trồng hoa, trồng rau sạch
công nghệ cao. Cha mẹ tôi vui mừng. Khuôn mặt một vùng quê sẽ bừng lên sắc xanh
tươi mới. Công ăn việc làm sẽ đến với bà con, với gia đình tôi.
Nhìn vào đôi mắt không còn linh hoạt
biểu lộ cảm xúc như xưa nhưng tôi vẫn hiểu, chị đang vui buồn lẫn lộn.
Đồi Tháp Nắng không còn, bao kỷ niệm thời thơ ấu của chị em
tôi đứt gãy trở thành ký ức. Đồi Tháp Nắng không còn, làm gì còn khái niệm
“phía sau đồi Tháp Nắng”. Mà phía sau tháp nắng là một tình yêu mù lòa đã lên
thành sẹo. Ừ! Thôi thì phá đi, luyến tiếc làm gì! Rồi một biểu tượng mới của
quê hương lại ra đời. Dáng cha dáng mẹ bớt tảo tần mưa nắng. Đứa em trai của chị
không còn chân đất lững thững đi tìm cỏ gà cỏ mật dưới chân đồi mà là một
bác sĩ y khoa sắp sửa ra trường. Ước mơ của chị ngày xưa, một kỹ sư nông nghiệp,
một cánh đồng hoa, một vườn rau sạch, chí ít cũng hơn một nửa sắp trở thành sự
thật hiển hiện ngay lại làng quê mình. Không kỹ sư thì làm công nhân, vẫn là
công việc đam mê và yêu thích.
4. Thực ra, đồi Tháp Nắng vẫn còn, chưa nghe chưa thấy động
tĩnh gì, cho đến khi tôi ra trường trở thành bác sĩ. Những năm học y khoa tôi vỡ
ra nhiều điều. Giá như hồi đó ở làng quê có bác sĩ, có phương tiện kỹ thuật y học
tốt hơn thì chị tôi sẽ không hề hấn gì, không phải mang lấy thương tật đến nỗi
mất cả tuổi thanh xuân, tình yêu và sự nghiệp.
Tôi xin việc tại quê nhà để gần gũi cha mẹ, vừa buồn vui với
chị vừa thực hiện ước mơ chăm sóc sức khỏe cho người dân quê nghèo khó. Cả nhà
vui lắm.
Càng vui hơn nữa, khi người ta đến từng nhà tuyển công nhân
cho nông trường rau sạch tương lai.
Rồi một sáng sớm thu, xe tải xe cày xe ủi ầm ào đến san đồi bạt
núi. Dân làng rủ nhau ra xem. Tôi và chị lại cùng nhau lên đồi Tháp Nắng. Tháp
đã đổ nhào tự bao giờ. Chơ vơ, hụt hẫng, trống không. Cái lung linh kỳ diệu mơ
hồ của nắng vàng nắng trắng nắng hồng phả vào màu xanh cây của tháp ngày xưa đã
nhường chỗ cho một thực thể mới. Nắng vàng trộn với đất đồi sánh lên mùa màng rất
thật. Chị em tôi trào dâng cảm xúc, lẫn lộn buồn vui. Có lẽ cái vui lấn hơn,
nhưng sao…
Trong bữa cơm chiều, chị thưa với cha mẹ cho chị vào Tây
Nguyên làm việc cùng với nhóm bạn ngày xưa học chung trường Nông nghiệp. Tôi ra
trường có việc làm hẳn hoi lại gần cha mẹ, nên để chị đi thỏa mãn ước mơ được
làm công việc yêu thích. Cha mẹ lại khóc. Tôi thật sự ngạc nhiên và bất ngờ. Từ
khi chị bỏ trường chị có liên lạc với ai đâu! Mình đã hiểu hết chị mình đâu!
Dù cha mẹ cố níu kéo bằng mọi cách, dù tôi nói gì cũng mặc,
chị cương quyết ra đi. Thế là chị đi. Một vùng đất mới. Một cuộc đời mới.
Thương chị quá chị ơi!
5. Gần một năm sau tôi mới biết vì sao chị vội vàng ra
đi như vậy.
Lần cuối lên đồi Tháp Nắng hai chị em dừng lại đọc thông tin
trên panô vẽ bản đồ quy hoạch thiết kế của nông trường. Chị nhận ra đây là tập
đoàn, là công ty của nhà anh ấy. Rồi anh ấy sẽ lên đây, sẽ đi tìm chị, nghĩ thế
nên chị đi.
Trốn chạy một sự thật hay một ảo ảnh? Trốn chạy cái hiện hữu
hay cái đã mất?
Mà chị đã đúng. Một ngày, tôi tiếp anh ấy tại nhà. Anh ấy đi
tìm cô sinh viên năm thứ ba đại học Nông nghiệp đã bỏ học nửa chừng, quê ở nơi
đây. Tôi hỏi anh, đã bảy tám năm trời rồi sao bây giờ mới tìm chị, một ngẫu
nhiên, một tình cờ? Anh giải thích vì bận học cao học theo ý nguyện của gia
đình. Tôi kể cho anh nghe mọi chuyện. Anh bảo với tôi sẽ tìm bằng được chị.
Cầu mong không ai phải chạy trốn, không ai phải kiếm tìm. Cầu
mong nắng lại thắp lên trên tháp tình yêu của họ.
Nhưng đó chỉ là cầu mong của tôi mà thôi!.
Trả lờiXóađặt vé eva airline
các hãng máy bay đi mỹ
korean airline
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
vé máy bay đi canada tháng nào rẻ nhất
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich