Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Phố núi, những ngày mưa

Phố núi, những ngày mưa…
Tùng được dịp ghé thăm Phố Núi lần đầu vào mùa hè năm 1963 để thăm người chị kề vừa có chồng, lặn lội theo chồng lên núi. Từ ngày chị có chồng, xa nhà đã hai năm - không có ai lên đó thăm chị cả! Chị ra đi, vẫn nghĩ là ra đi biền biệt. Tùng cũng mơ hồ cảm nhận được điều đó khi nhìn chị khóc nức nở, nghẹn ngào. Chị gặp anh - là sự một tình cờ, chưa hề biết mặt nhau lần nào trước đó. Và người anh cả đã coi chuyện gả chị có chồng là đỡ đi một gánh nặng - thì còn muốn đeo bám theo cái gánh nặng ấy làm gì nữa? Chỉ còn có Tùng - người em út, là không bao giờ quên được người chị tình nghĩa mà anh xem như một “người mẹ nhỏ“ đã thương yêu, chia sẻ, chăm sóc anh từ thuở vừa lên tám tuổi.
Buổi chiều thi xong phần vấn đáp hai môn Anh - Pháp ban C tú tài toàn phần, Tùng biết chắc mình đã đỗ, nên viết thư ngay cho chị để báo tin vui. Một người dưới quê chuyên buôn bán trái cây ở miệt Pleiku - Kontum đã mang phong thư chỉ vỏn vẹn mấy câu của chị đến cho Tùng: “Chị mừng lắm, em ơi! Gởi em tiền xe, mau lên chơi với chị vài hôm. Em nhé?“. Nét chữ nguệch ngoạc của chị khiến Tùng thương chị vô hạn. Chị đã phải nghỉ học từ năm lớp ba, để cúi xuống bên những công việc của một người đàn bà, hay của một người giúp việc nghèo khó. Dù được thụ hường phần lớn gia sản của cha mẹ để lại - nhưng người anh cả đã không làm được chút gì cho hai em như  lời di chúc của cha mẹ để lại cho anh khi ra đi, ngoài nhà cửa và ruộng vườn.
Năm ấy - Phố Núi đang vào mùa mưa. Tùng chỉ được vài lần trùm áo mưa, đạp xe lòng vòng xuống phố, chui vào một quán café dọc đường nào đó - ngồi nhìn mưa giăng ngợp trời, rồi trở về. Phố nhỏ. Nhà cửa rải rác, sơ sài - ngoài mấy dãy phố chính ở trung tâm rap hát Diệp Kính là còn có sinh khí, sinh hoạt rộn ràng đôi chút giữa cảnh núi đồi cao nguyên thầm lặng u trầm mà thôi. Phố mưa buồn. Lòng Tùng cũng ngút buồn như phố. Trước ngày trở về, người anh rể đã mượn được chiếc Gobel chở Tùng vào thăm chơi ở miệt xưởng trà Bầu Cạn - một địa chỉ theo yêu cầu của Tùng. Chính tại nhà máy chế biến trà này người thông dịch là cha anh, đã gặp cô gái miền xuôi lên xin làm việc ở xưởng trà là mẹ anh - họ đã gặp nhau, và thương yêu. Tùng muốn được nhìn lại cái quang cảnh ngày xưa ấy – cho dầu, tất cả đã dần dà đổi thay. Nhưng trước mắt anh, núi vẫn còn. Những cánh rừng bạt ngàn vẫn còn. Nhất là con đường gập ghềnh, lầy lội từ thị xã dẫn vào Bàu Cạn vẫn còn. Như vẫn còn hằn in dấu chân đi về của cha mẹ anh thời vừa tròn hai mươi tuổi.
Ngày từ giã chị trở về xuôi để chuẩn bị thi vào đại học, Tùng chỉ nhớ hai hình ảnh mà cho đến mãi sau này - không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ anh:  Ngôi nhà tạm bợ của chị như nhỏ sụp xuống trong những cơn mưa đen kịt đêm ngày bên góc đồi vắng, và gương mặt chị bao giờ cũng lạnh lẽo, trơ vơ như những cánh rừng u tối phía sau nhà.
Năm 65, Tùng lại được lên Phố Núi lần 2: Sau những ngày tưng bừng của tháng 11 năm 63, các năm tiếp đó là những tháng ngày biến động liên tục. Chính trường xao động. Các đảng phái, bè nhóm lại nổi lên khiến Saigon và những thành phố lớn chộn rộn với nhiều tin tức đảo chánh, thay thế, chuyển đổi quyền lực. Đã có một vài tờ báo đưa tin về những cuộc âm mưu đảo chánh của các nhóm quân nhân và đảng phái bị phá vỡ. Sau cùng, là một vài cuộc biểu tình, xuống đường lẻ tẻ ở Saigon và Huế để ủng hộ hay đả đảo, đã làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. Tùng và 3 người bạn cùng khóa ở trường sư phạm Qui Nhơn đang lẩn quẩn trong cái thị xã như vừa được hâm nóng vì những tin đồn, khi trường bị tạm thời cho sinh viên nghỉ học, thì Tâm từ Pleiku bất ngờ ào xuống Qui Nhơn thăm Yến. Yến là bạn gái của Nguyên và Quế ở văn khoa Huế đã cùng rủ nhau thi vào trường sư phạm, là người yêu của Tâm - cũng là một người bạn thân thiết của nhau thời trung học đang bị động viên  đồn trú ở vùng núi rừng Pleiku.
Buổi sáng ở quán café Tùng - Tâm đề nghị:
Tao “dù“ về thăm, không ở nán lại lâu được, nhân lúc trường còn nghỉ, cả bọn lên Phố Núi chơi với tao vài hôm còn thú vị hơn nhé?
Ngay trưa hôm đó, bọn Tùng cùng lên xe đò với Tâm đi Pleiku. Bốn giờ chiều xe đã tấp vào bến. Ngày hôm sau Tâm phải về đơn vị, cả bọn đội mưa đến thăm gia đình người chị của Tùng, rồi đi lông bông các ngã phố chợ cho hết buổi chờ Tâm mượn xe jeep về để đi Kontum chơi. Đang nhởn nhơ giữa đường, cả bọn bị chiếc xe jeep màu xanh - trắng ép sát, dừng lại - kiểm tra giấy tờ. Dù đã có đủ mọi thứ giấy hộ mệnh, bọn Tùng cũng “bị mời“ về đồn cảnh sát thị xã. Sau khi xét hỏi lý do chuyến đi Pleiku riêng lẻ từng người - vị cảnh sát trưởng ra lệnh: “Chúng tôi buộc phải “trục xuất“ các anh chị về lại Qui Nhơn ngay trưa hôm nay, nếu các anh chị không muốn ở lại trong nhà tạm giam!”
Lần thứ 3 Tùng lên Phố Núi cách xa lần bị đẩy lên xe quay về lại Qui Nhơn đến 24 năm.  Năm ấy, Tùng ra đi như một sự trốn chạy: Vừa nhận đkg ngủ sao được giấy mời của Tòa án phải có mặt vào sáng hôm sau, thì ngay chiều ấy Tùng đã vội vàng gom ít áo quần ra đường đón xe. Anh chỉ kịp nói với Thúy - vợ anh, một câu: “Tôi không thể có mặt ở nơi ô nhục đó! Không bao giờ! “.
Đến Phố Núi, cũng là lúc cơn mưa đổ ập xuống thị xã mù trời. Phố xá buồn hiu. Mưa. Tất cả như co ro, thu nhỏ, nhạt nhòa trong màn mưa dày. Không có gì phải vội, Tùng chui vào một quán nhỏ nằm cạnh góc bến xe, gọi ly café đen - nhâm nhi, phì phà khói thuốc như kẻ nhàn du lửng lơ bên lề đời sống. Nguyên đã không còn ở Phố Núi sau hơn 10 năm làm hiệu trưởng trường nam tiểu học ở đây mà chạy về Núi Thành. Tâm cũng đã chết trước ngày Yến ra trường vài tháng rồi. Còn Quế thì đang ở cách xa anh ngàn dặm tận bên kia bờ đại dương. Chỉ còn lại người chị khốn khó và ba đứa con mồ côi nơi phố núi trập trùng đồi dốc này thôi…
Năm ngoái, Quế về nước - ghé lại thăm Tùng đột ngột như lần anh ra đi cách nay gần 30 năm. Quế đã bỏ ra tám năm đi học - tốt nghiệp đại học ngành viễn thông thông tin, hiện đang làm việc cho hãng thông tấn truyền hình MEIS. Sau một ngày ở lại chơi bên Tùng, Quế đề nghị Tùng cùng đi Phố Núi để thăm lại những người bạn cũ của Tâm và Nguyên. Thật ra, Tùng dư biết Quế vẫn còn yêu Phố Núi với bóng hình lãng đãng của Đoan ngày nào mà anh đã có lần bảo rằng, Trung - người bạn đồng hương lớn hơn anh hai tuổi –  đã viết nên bốn đoạn thơ hào sảng và trữ tình, rồi chép tay gởi tặng anh một bản như nói hộ anh bao nỗi niềm thương nhớ và biết ơn mà anh chưa kịp nói hết được với Phố Núi và Đoan. Quế vẫn thường nghêu ngao bài hát được Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ ấy khi được thu vào băng dĩa, trình diễn lần đầu  - như một tình khúc của đời mình: “… xin cám ơn thành phố có em, xin cám ơn một mái tóc mềm. mai xa lắc bên đồi biên giới, còn một chút gì để nhớ để thương…” -  quả là Phạm Duy đã chắp cánh cho hồn thơ bay xa, vang xa đến tận bây giờ cho dù Trung đã không bao giờ có dịp trở lại thăm Phố Núi thêm lần nào nữa kể từ năm 81…
Xe Nguyệt Linh vào bến đúng 11 giờ - trời đang hửng nắng. Mây lãng đãng trên Phố Núi, có vùng mây sà thấp xuống - nhưng không có dấu hiệu cho một cơn mưa lớn. Tùng mở máy gọi  taxi. Chưa hút hết điếu thuốc, xe đã chạy đến ngay điểm hẹn phía trước khách sạn Hoàng Anh. Xe vòng lên phố ngày xưa gọi là  Hoàng Diệu. Quế vố vào vai Tùng: “Không biết nàng có còn ở nơi căn nhà cũ không? “ - “ Cậu biết được nhà cũ, thì dần dần sẽ tìm ra nhà mới thôi mà! “- Tùng liếc nhìn những dãy phố mới như đang vươn mình dưới ánh nắng hiếm hoi tươi tắn, những ngôi nhà nhiều tầng lộng lẫy như sơn nữ đỏm dáng, những công trình đang thi công ngổn ngang sắt đá – nghĩ, Phố Núi đã đổi thay ngờm ngợp so với lần đến thứ ba của anh vào năm 89. Cười thầm: “Núi rừng thay đổi đến vậy, con người làm sao mà không thay đổi được đây? “.
Cô bé chủ gian hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ phía trước mời Tùng và Quế đi vào nhà sau - cô Đoan đang ở đó. Quế có vẻ tin tưởng, một chút xao xuyến trên nét mặt như rung động - nắm tay Tùng kéo đi.  Quế vừa đẩy cánh cửa kính bước vào phòng khách thì Đoan đã từ phòng riêng kế bên bước ra.
Hình như… là anh Quế phải không? – Đoan thốt lên.
Không trả lời nàng – Quế ngắm nhìn Đoan giây lâu – cười:
Em vẫn không có gì khác…Đoan ạ!
Em khác xưa lắm chứ? Già và khổ lắm rồi, mà anh? - Đoan vừa cười, vừa liếc nhìn Tùng - Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì? Phố Núi có biết bao đổi thay…
Đoan đon đả mời cả hai ngồi vào bàn, vội bước ra sau pha trà. Quế có dịp nhìn kỹ gian phòng, anh để ý chiếc bàn thờ đặt sát vách tường giữa nhà với hai tấm ảnh. Quế bước lại - nhìn. Anh nhận ra cả cha và mẹ Đoan đều đã qua đời.  Người cha trí thức,và rất nghệ sĩ ấy đã nhiều lần cùng anh trò chuyện về nhân tình thế sự, nay đã yên lặng đang mở to đôi mắt như nhìn anh: Nhân tình vẫn bạc bẽo. Còn thế sự vẫn nhiễu nhương. Cho mãi đến bao giờ?
Thấy Quế đang thắp hương cho bàn thờ cha mẹ mình -  Đoan đứng lặng bên cạnh. Nàng nghĩ thầm: “Nếu Quế không bị động viên vào mùa hè năm ấy - thì cuộc đời nàng đã đổi khác rồi - đâu chịu cảnh oan nghiệt đau buồn như  ngày nay? “,
Với giọng thì thầm trong trẻo, ngập ngừng, và chậm rải – Đoan đã kể lại cho Quế nghe quãng đời lao đao của gia đình nàng sau 75 và nỗi phiền muộn của nàng sau khi có một đứa con với Hải, rồi phải ra tòa chia tay ngay sau đó hai năm. Hơn hai mươi năm một mình nuôi con - sống qua ngày với nghề dạy học, hiện đang chờ nhận quyết định nghỉ hưu… Đoan đã kể, có lúc say sưa - như muốn trút đi nỗi buồn đã tích tụ trong nàng bao năm mà chưa được chia sẻ cùng ai.
Tùng nâng tách trà lên, khẻ hớp một ngụm nhỏ -  giọng hồn nhiên: “Hơi sức nào mà buồn lâu, em?“ -  anh chợt cười; “Nếu buồn vậy thì anh và Quế đây cũng đã chết từ khuya rồi!“.  Quế vỗ vào chân bạn - cười thoải mái: “Cậu nói chính xác! Ở lứa tuổi bọn mình, thì không nên buồn chuyện gì nữa…Hãy sống vui với hiện tại hạnh phúc hôm nay, Đoan ạ! ”
Quế nhìn Đoan - giọng đắn đo:
Em chịu làm hướng dẫn viên cho bọn anh ở thăm Phố Núi vài hôm, được không?
Hân hạnh lắm - nàng cười, có lẽ ông trời thương các anh hay sao, nên hôm nay tự nhiên ngớt mưa, lại có chút nắng ấm chứ mấy ngày qua  rả rích suốt ngày đêm, buồn lắm anh ạ!
Không phải ông trời thương riêng bọn anh đâu - Quế nhìn Đoan đắm đuối, ông trời rất thương yêu em nữa đấy!
Ông trời cũng…khéo sinh cái miệng của anh nữa mà!
Cả ba người cùng cười như thời thơ trẻ.
Tùng xin phép cả hai phải đến thăm người chị ở ngoài khu chợ Trà Bá – hẹn sẽ quay trở lại. Quế và Đoan đưa Tùng ra ngoài đường đón taxi. Xe vừa chạy – Quế chợt cầm lấy bàn tay Đoan : “ Chúng mình cùng đi uống với nhau ly café-hội-ngộ đi, em? Thời gian bây giờ với anh thật quý hơn tất cả… “.
Đoan dắt chiếc Sẻrius xuống lòng đường, quay lại - cười: “Anh muốn ngồi ở đâu, thăm nơi nào tùy ý…” - “ Anh quên hết đường đi rồi! Em chở giúp anh đi! Tùy em cho anh đi đâu cũng tốt cả miễn là có em bên cạnh…“.
Trước hết, Đoan chở Quế lướt qua một vòng Phô Núi - những con đường mới quy hoạch, những công trình đang xây dựng,và các dinh thự bề thế của các đại gia mọc lên sau 90. Qua từng chặng đường, nàng nhắc nhớ những nơi chốn mà cả hai đã từng gần gũi, gắn bó - bằng giọng nói mơ hồ, xa vắng, có chút ngậm ngùi. Quế ngồi sau, nhìn theo từng đổi thay không kịp nhớ hết, cảm thấy mình thật sự lạc lõng giữa bộn bề đổi thay của đời sống…
Đoan quẹo vào con đường dốc nhỏ, ghé khu công viên Diên Hồng. Hai người đếm bước dần vào các dãy nhà sàn phía trong cầu treo – chọn một chiếc bàn nơi căn nhà sàn nổi trên mặt hồ tĩnh lặng, thoáng mát. Gọi hai ly café đen. Đoan lại tiếp tục giới thiệu về khu công viên, về ngôi nhà sàn nằm trên khu đồi cao kia được chọn làm nơi bắn pháo bông vào đêm giao thừa hằng năm; trong lúc Quế ngắm nhìn rừng thông cao vút dọc theo những con đường dốc, tạo nên quang cảnh thật êm đềm, yên vắng, thơ mộng rất riêng của Phố Núi cao nguyên…
Trong từng căn nhà gỗ ẩn mình dưới rặng thông, hay rừng cây rợp bóng mát dọc ven hồ là những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng với con nhỏ, những du khách phương xa ghé lại. Bên kia bờ hồ, những túp lều nổi lục giác nho nhỏ là chỗ cho khách lai rai. Quế nói với Đoan về sự ưu đãi của thiên nhiên đã dành cho Phố Núi, nhưng nếu con người không biết giữ gìn, chăm sóc - thì chẳng bao lâu – những sự ưu đãi ấy không còn, sẽ làm cho Phố Núi tàn tạ. Cái u trầm, tĩnh lặng của Phố Núi có phần quyến rủ hơn ở Đà lạt rất nhiều.
Đoan cảm thấy hạnh phúc được uống ly café cùng Quế sau bao năm mong chờ tưởng là vô vọng. Những điều bất ngờ mầu nhiệm của đời sống luôn làm cho đời sống tươi trẻ, và lòng người được vỗ về biết bao. Cả hai rời khu công viên, Đoan lại chở Quế vòng ra phố. Nàng quay lại: “Em đưa anh đến  “quán phở hai tô“ ngày xưa nhé?“. Quế khẻ ôm vào lưng nàng: “Tuyệt vời rồi! Phở truyền thống của Phố Núi mà em? À, có phải quán Ngọc Sơn ở đường Hoàng Diệu mà chúng ta có lần ngồi với nhau sau khi ở Biển Hồ về không?  Anh rất nhớ… “ – “Anh có trí nhớ tốt lắm! Hai quán Mỹ Tâm và Ngọc Sơn vẫn còn, anh ạ!“. Đoan cười: “Nhưng anh còn nhớ…hai cách ăn khô và nước nữa không?“ - Quế cười thoải mái; “Cứ nhìn em… ăn cách nào, thì anh ăn y như vậy mà! Cách nào rổi cũng hết hai tô thôi! Đúng không?“
Xe tiếp tục trên đường đi về ngả Biển Hồ. Trời mưa nhẹ hạt. Con đường ngày xưa không còn chút dấu vết. Quế nhớ lại lần cùng Đoan ngồi ở bờ hồ suốt ngày, trước lúc anh phải vào Saigon trình diện, với mấy ổ bánh mì, hai hộp thịt ba lát, túi kẹo Nouga và hai chai nước khoáng Vĩnh Hảo. Biển Hồ ngày ấy hoang vắng, quạnh hiu trong cơn sốt chiến tranh luôn ầm ì tiếng súng và bom mìn vang dội đâu đó trong từng cánh rừng phía xa. Anh và Đoan như hai kẻ lạc loài giữa hận thù, là những đám mây lơ lửng trôi dạt lạnh lẽo trước cơn gió dữ của sự phân tranh.  Đường xuống hố hôm nay đang có đông khách tham quan. Quế cầm lấy tay Đoan cùng lên những bậc cấp để đến căn nhà lục giác trên cao. Mưa nhẹ. Nhưng gió thổi dạt dào. Se lạnh. Quế cảm thấy hơi ấm của bàn tay dịu mềm Đoan đã truyền cho mình nỗi ấm áp nồng nàn  của quê nhà sau bao năm xa cách tưởng không bao giờ có thể tìm lại.
Về lại trung tâm thành phố đã hơn bốn giờ chiều. Đoan cho biết, ngày mai –  nếu trời nắng ấm – sẽ đưa Quế lên thăm khu du lịch Về Nguồn cách xa thành phố hơn 5 cây số, sẽ tha hồ… Nàng rẽ vào đường Hai Bà Trưng, dừng lại ở quán cơm gà Hải Nam, vội vã vào mua hai hộp cơm gà đặc biệt. Giơ hai hộp cơm lên trước mặt Quế - Đoan cười: “Chúng mình vào quán café ăn cơm, rồi nhâm nhi café đến tối, anh nhé? Ngày mai, em sẽ đưa anh đến thăm ngôi chùa kỳ vĩ nhất ở Phố Núi - chùa Minh Thành, đã khởi công xây dựng trên ngọn đồi rợp bóng mát, suối, và hồ thiên nhiên bao quanh thật thơ mộng, tĩnh lặng - đã gần năm năm ngày đêm kiến tạo rồi mà chưa hoàn chỉnh, có lẽ cũng phải mất mười năm anh ạ! “. Đoan vừa lái xe, vừa trò chuyện hồn nhiên với Quế như đôi bạn thuở nào.
Đoan dừng xe ở dốc quẹo lên đường Lê Quý Đôn, trước mặt là quán café Hạ Vàng trông sang trọng, rực rõ với những chùm đèn mầu lấp lánh trên các tàng lá cây cảnh mỹ thuật.
Anh thích vào Hạ Vàng hay Đen?
Quán Đen ở đâu?
Sát bên cạnh đây thôi…
Nhưng điều quan trọng không phải là anh thích, mà em thích ngồi ở đâu với anh?
Em quen ngồi ở Đen anh à! - Đoan khẻ nói, mỉm cười - bọn bạn học cũ của em  ngày xưa cũng vẫn thường rủ nhau đến Đen tán gẫu đủ thứ chuyện quá khứ hiện tại vị lai cho vui vậy mà!
Quế bước theo Đoan vào sâu trong quán, lên các bậc cấp bằng gỗ, tre - như chiếc cầu nổi  được thiết kế xinh xắn - như một người xa lạ. Đoan tìm một chiếc bàn vuông nhỏ chỉ có hai chiếc ghế gỗ sát bên cửa sổ ngó ra vườn cây. Nàng đặt hai hộp cơm lên mặt bàn kính - cười: “Anh đã đói bụng chưa? “
Em làm tài xế và hướng dẫn viên phải đói hơn anh chứ?
Vậy thì chúng ta cùng ăn cho nóng, anh nhé?
Anh rất hạnh phúc được ăn bữa cơm sum họp với em. Đoan ạ! -Quế nhìn đứng lên gương mặt hơi gầy, xanh của Đoan - lòng cảm thấy bùi ngùi - Anh không ngờ chuyến về này lại được hạnh phúc đến vậy… Ở bên đó, anh…
Anh thế nào, hở anh?
Anh chỉ ngồi ăn vội vã một mình cho qua bữa, rồi bị cuốn vào công việc phải cập nhật từng giờ…
Cậu bé trai mang khay trà và café ra đặt trên bàn - yên lặng quay đi. Bên ngoài mưa và gió rào rào, hình như mưa đã bắt đầu nặng hạt. Ánh sáng lờ mờ hắt qua những khung cửa sổ khiến căn nhà sàn như rộng thêm và lạnh lẽo. Khu nhà phía dưới đã mở đèn sáng mầu nhạt. rải rác từng bàn khách đang ngồi thầm lặng bên tách café. Khóm trúc lòa xòa vươn lên tầng trên lay lắt một cách êm ái, thơ mộng. Quế nhìn ra sân sau - một khoảng sân trống, một vùng cỏ cây lặng lẽ dưới mưa – chợt nhận ra, buổi chiều Phố Núi được ngồi  bên Đoan ở đây quả thật là một diễm phúc bất ngờ không bao giờ quên dành cho cuộc đời tha hương của anh. Theo lời Đoan, Phố Núi có hơn hai trăm quán café - trong hai trăm quán ấy, giờ này - chắc có nhiều người yêu nhau được nhận bao điều an ủi và ấm áp như mình- trong lúc ngoài trời, mưa và gió vẫn thản nhiên rào rạt, cuồng nộ như không bao giờ dứt....
Phố Núi, tháng 8 năm 2007
Mang Viên Long
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...