Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Không gian không đường biên trong thơ Pháp Hoan

Không gian không đường biên 
trong thơ Pháp Hoan
(Đọc tập thơ “Lịch mùa” của Pháp Hoan, Ajar press, 2016)
Tập thơ “Lịch mùa” của Pháp Hoan dễ đọc nhưng khó nắm bắt được thần thái, ánh sáng trong đó. Dễ đọc bởi, cách biểu đạt của tác giả dung dị, ngôn ngữ dễ hiểu, tư duy mạch lạc và giọng điệu khá trầm tĩnh. Tuy nhiên, thơ anh khó thâu nhận bởi ánh sáng trong mỗi bài thường trải rộng, rải đều trong không gian mở và ít điểm lóe sáng. Có thể ví thơ anh tựa làn hương vừa rời khỏi nhụy hoa đã gặp cơn gió mạnh, tức thì bị pha loãng cuốn đi. Do vậy, muốn cảm nhận đầy đủ tinh thần thơ Pháp Hoan, người đọc cần chuẩn bị một tâm thế ung dung, an lạc. Đó là không gian thơ thênh rộng bất tận, không có đường biên và để ngỏ mọi lối vào.
Không gian thơ không có đường biên, theo cách tôi nghĩ, là không gian không thể ước đoán thể tích, không giới hạn địa lý, không có đường chân trời. Không gian ấy được tạo nên bởi độ mở tưởng tượng, sức dồn nén cảm xúc, tạo ra lực đẩy khiến  hình ảnh chuyển động. Những hình ảnh thường vươn xa, bay trong mê lộ, không có điểm dừng.
Để kiến tạo không gian không đường biên cho “Lịch mùa”, nhà thơ Pháp Hoan đã sẵn mang tâm thế một thiền giả, với mục đích sống trọn vẹn với giây phút hiện tại và bình an trong tâm hồn. Theo bối cảnh cụ thể của bài thơ, vị thiền giả ấy xuất hiện trong những trạng thái khác nhau của thiền, có thể thiền ngồi, thiền chấp tác (thiền khi làm việc), hoặc thiền hành (thiền đi). Trong bất kỳ hình thức thiền nào, thiền giả ấy luôn an trú trong nội tâm tỉnh giác, quán tưởng mình đang hít thở ánh sáng thanh sạch, nhẹ nhàng. Đọc “Lịch mùa”, tôi cảm nhận tâm trí và cảm xúc của nhà thơ đã mở ra không gian thênh thang, vô tận trước khi những thi ảnh xuất hiện. Do vậy, đến với thơ Pháp Hoan ta không nên tìm câu, đợi chữ, mà phải đọc toàn bài mới cảm nhận đầy đủ dung lượng không gian trong đó. Trong bài thơ “Tiệc mùa”, hình ảnh Bức tường đá ngôi giáo đường cổ kính/ làm lạc hướng cơn gió/ tách khỏi ngọn đồi cỏ như không hề liên quan tới “lũ chồn” đột ngột xuất hiện ở cuối bài thơ. Nhưng một cảm giác viên mãn, ân hưởng từ Đấng-Toàn-Năng đã phủ ngập bài thơ này. Chính cảm giác lạ lùng, xúc cảm mãnh liệt về điều thiêng từ Thượng Đế đã làm cho tất cả những hình ảnh xa nhau đến phi lý lại trở nên gắn kết hợp lý. Đặc biệt, bạn đọc rất khó xác định “bữa tiệc” đặc biệt này được mở ra, trải rộng đến đâu:
Lũ chồn đói tranh nhau gom góp
bữa tiệc mùa no đủ Chúa ban.
Trong một số bài thơ, Pháp Hoan chủ ý sắp đặt nhiều hình ảnh đan xen, chồng lấn nhằm tạo dựng không gian sâu với nhiều tầng bậc. Thủ pháp này cho bạn đọc hình dung như đang được xem một họa sỹ vẽ tranh trên một tấm toan ước lệ. Đầu tiên anh ta phủ lên đó một lớp màu, rồi lớp màu khác, lớp khác nữa. Những nét bút đưa ra ngoài cả khung tranh ước lệ kia rất xa:
gió thốc và sương giá ngoài khơi
ta bơi đi cùng tiếng dội/ sóng nhấn chìm tiếng nói
tôi quay đầu nhìn lại/ những gì còn lại là hư vô
riêng từng con sóng trắng theo gió buốt tràn mãi vào bờ
(Tiếng gọi)
Tùy theo độ dài của bài thơ mà tác giả đặt vào đó số lượng hình ảnh cần thiết, được kết nối nhau bằng cảm xúc nhất quán. Trong bài thơ “Lịch mùa”, những hình ảnh lần lượt xuất hiện trong ngôn ngữ kể, tựa những hạt giống được tác giả gieo trên cùng một dải đất: chữ in hoa, đám mây trắng, vết chân chim, lớp tuyết, hạt mưa xuân, cỏ cây, táo dại trong đêm trổ hoa trắng, ong bướm, chim cu gáy, cầu vồng, mèo, đàn bà, đàn ông, biển… Nếu hình dung vị trí mỗi hình ảnh trong bài thơ tựa một lỗ tra hạt, thì lỗ tra hạt này gần như tách biệt với hạt giống khác bên cạnh. Nhưng hấp lực cảm xúc của cả bài thơ đã cho người đọc tưởng tượng một bãi ngô lên xanh tươi tốt. Đến đoạn kết bài thơ, tác giả cố ý khơi lộ ý đồ và cảm xúc để bạn đọc thấy được dung lượng hình ảnh cùng những điểm đã định vị trước đó:
Mặt hồ sáng nay thôi không còn xao động
và mây xám đã trở về trên những rặng thông
khắp bốn phía từng trang tuyết trắng mở ra
khi tờ lịch cuối năm bay đi trong gió chướng. 
Bài thơ khép lại, nhưng không gian trong đó vẫn tiếp tục được mở ra theo tưởng tượng và cảm xúc của người đọc.
Thủ pháp xây dựng hình ảnh theo kiểu “gieo hạt” trong giọng điệu tự sự khách quan, như vừa nêu, được Pháp Hoan vận dụng khá nhiều trong “Lịch mùa”. Những “hạt giống” này thường ở trạng thái rời rạc, chuyển động ngắn và chỉ xuất hiện thoáng chốc rồi lại biến mất trong câu chuyện kể. Chúng được gieo và nằm yên trong đất chờ đợi sự đột biến của thời tiết khí hậu. Sự “đột biến” ấy thường được Pháp Hoan cho xuất hiện trong câu thơ kết. Xin dẫn dụ một số câu thơ kết của Pháp Hoan gây ấn tượng mạnh để khai mở không gian:
một chú bé cưỡi trên lưng con gà trống/ giữa đồng cỏ ngập sao
đang đi vào bức tranh của trời đêm tháng bảy
(Mưa)
Một dòng sông nuốt chửng một dòng sông
một ý tưởng lấp đầy một ý tưởng...
(Tĩnh tọa)
trong bão táp quay cuồng giữa thế gian nóng bỏng
cả con tim khát vọng được mở rộng lần nữa đến vô cùng
(Nhạc mùa)
Trong tập thơ tôi gặp khá nhiều câu thơ kết độc đáo, vang vọng. Câu thơ sau đây xứng đáng đứng độc lập thành một bài thơ hoàn chỉnh về một đêm mùa xuân thấm đẫm hương vị thiền:
Không gian yên tĩnh và vũ trụ tối nay thơm mùi lá
một chiếc cầu vồng u tối mở ra dưới chân dải ngân hà
(Mưa xuân)
Thơ Pháp Hoan đã mở ra không gian rộng lớn, dẫn người đọc đi xa theo tưởng tượng và kinh nghiệm của mỗi người.
Những hình ảnh trong thơ Pháp Hoan luôn được tác giả sắp đặt trong tư thế chờ đợi. Nó tựa một con tàu nằm trên bệ phóng, vụt bay vào không trung lúc nào, đó là điều bất ngờ dành cho người đọc. Ngoài những bài thành công nhờ câu thơ kết, trong một số bài thơ khác, Pháp Hoan còn tạo sự chuyển động bất thường ở khổ thơ giữa. Bài thơ “Biến cố mùa đông” kể về một cuộc dạo chơi trong rừng của tác giả vào một sớm mùa đông, bất chợt anh nhìn thấy “một thân cây già đổ xuống trên mặt hồ đóng băng”. “Biến cố” ấy đã xảy ra từ khổ thơ thứ hai của bài, khi thân cây kia đã “làm nên một vết nứt chạy dài”:
Và khi gió lạnh thổi về
mặt hồ phát ra từng tiếng động đứt đoạn
giòn và khô
như tiếng xương gãy.
Những “tiếng động đứt đoạn” trong bài thơ đã gợi cho bạn đọc thấy số phận những đời cây khác, hoặc có thể hình dung chính tác giả đã hóa thân trong đó. Bài thơ tựa giếng sâu, mỗi lần đọc tôi như được múc từng gàu nước nhỏ, càng múc nước giếng càng thêm trong mát. Trong bài thơ “Giấc mộng đầu đông”, tác giả cho “tiếng sấm” vang lên ở khổ thơ giữa làm cả không gian bất ngờ chuyển động, kéo theo hàng loạt sự kiện khác thường:
Bất chợt có tiếng sấm động trên bầu trời
Bầy ngựa trắng vội vàng trở lại bên trong những giấc mơ
Nhưng con bé nhất chậm chân không về kịp
Trước khi tôi thức giấc
Nó chồm lên trong dáng vẻ hãi hùng
Rồi hoá thành bông tuyết đầu tiên rơi vào bầu trời mùa đông.
Đây là bài thơ hay nhất trong tập thơ này. Giấc mộng nơi bài thơ không chỉ đơn thuần đến với tác giả trong giấc ngủ, nó chính là giấc mộng tỉnh thức của nhà thơ trùng hợp và đồng nhất với chuyển dịch của thiên nhiên, thời tiết.
Pháp Hoan vận dụng thủ pháp gây đột biến ở giữa hoặc cuối bài thơ như thổi linh hồn vào những hình ảnh rời rạc, xa nhau làm chúng chuyển động như không có điểm dừng. Tôi cũng chưa thấy bài thơ nào mở được không gian không đường biên thành công mà tác giả không áp dụng thủ pháp gây đột biến như vừa nói.
Kiến tạo không gian trong thơ Pháp Hoan có sự khác biệt rõ nét so với thơ của các tác giả đương đại. Theo khảo sát của tôi, phần lớn không gian thơ của các tác giả đương đại đều có đường biên, hoặc là không gian mở nhưng có thể ước định được ranh giới trong đó. Các tác giả ấy có chung cách tạo điểm nhìn, tựa như người đi tìm nguồn nước ngầm trong lòng đất. Họ đặt “mũi khoan” tại một tọa độ, rồi khoan sâu tới khi chạm được mạch nước. Xin lấy bài thơ “Đêm trong vườn” của nhà thơ Ly Hoàng Ly, một trong những bài thơ mà tôi rất ấn tượng để dẫn chứng về một không gian thơ có đường biên. Những hình ảnh trong bài thơ của Ly Hoàng Ly lần lượt sáng lên, chuyển động phức hợp tựa những vệ tinh xoay quanh nhân vật xưng “Em”. Trong phạm vi một khu vườn, những chuyển động đã mở ra không-thời-gian nhiều chiều, gợi mở nhiều liên tưởng. Trong khổ thơ kết, Ly Hoàng Ly dồn nén cảm xúc tới cao trào, cho bạn đọc nhìn thấy một quả cầu lửa đang trôi trên phông nền thẫm tối:
Đợi đêm lên tới ngọn
Đợi cảm giác tồn tại lên tới ngọn
Lên tới ngọn của đêm/ Lấy xác hoa
Xoa vào trăng
Trên ngọn đêm.
Cách tạo dựng không gian của Pháp Hoan khác với bài thơ trên của Ly Hoàng Ly. Nhìn chung thần vía thơ Pháp Hoan không ngự trị trong câu chữ cụ thể mà nằm trong hấp lực toàn bài. Trong bài thơ “Xuân” của anh, câu thơ đầu tiên gợi cho bạn đọc hình dung bước chân của một thiền giả đang khoan thai đặt lên mặt đất, thiên nhiên sáng nay tụ tập quanh vườn lắng nghe hoa táo nở. Tiếp theo đó, tác giả cho hình ảnh con rắn lục và bướm trắng xuất hiện. Tất cả hiện đến tự nhiên và nhẹ nhàng như một hơi thở. Rồi bất ngờ tác giả đưa bạn đọc tới một vị trí khác, khá xa trong không gian xuân của anh. Từ khổ thơ đầu tới khổ thơ thứ hai này như không hề có mối hàn nào:
không nhà, không quê hương
thiền tăng ngủ quên bên bờ suối
mơ thấy mình là cây anh đào
nở ra dưới bầu trời đầy sao...
Khổ thứ ba cũng là khổ thơ kết, một cảnh giới khác lạ lại tiếp tục hiện ra. Lúc này, tác giả đã hé lộ ý đồ và cảm xúc, tựa như người buông tay cho quả khinh khí cầu lơ lửng bay lên:
bên trời phương ngoại linh hồn bay đi như một cánh bướm
để cảnh giới mộng mãi lượn lờ trên mặt hồ.
Ở đây, người đọc không thể hình dung “biên giới” của “Xuân” nằm ở đâu. Ánh sáng trong suốt của nó như đang ngấm xuống từng tế bào, ngấm vào vạn vật trong bầu không thanh sạch và an tịnh. Ánh sáng ấy lan xa và không bị cản bởi bất kỳ ý nghĩ hay cảnh vật nào.
Bài thơ “Mùa xuân sau một cái chết” là một thức tỉnh về một cõi khác, kiếp khác. Ở đây khái niệm về sự chết đơn thuần là một sân ga chuyển tiếp của một con tàu sẽ qua nhiều ga khác, mà cõi tạm trên dương gian này là một chặng đường hiện hữu. Nhân vật xưng “tôi” trong bài thơ đã phân thân để con mắt thứ ba xuất hiện trong làn ranh âm dương, cho bạn đọc thấy được những điều tuyệt đẹp hiển hiện trong cả hai thế giới cách biệt. Những bông hoa “hé nở” từ khắp nơi trên thân thể một “cái chết” đã bị phân hủy. Cũng nhờ những bông hoa “đang làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn” mà người đọc hiểu rằng, tinh thần của “cái chết” đã được phục sinh và bất tử cùng với mùa xuân đang hiện hữu. Câu kết của bài thơ là trạng thái khi linh hồn và di cốt của “cái chết” hóa thân thành mùa màng, cây cỏ:
Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó
và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân.
Tôi tưởng tượng trong bài thơ này có hai không gian, âm và dương được giáp nối vào một trục, đó chính là “một cái chết”. Từ cái trục này mở ra hai phía khác biệt của hai không gian bất tận, không có điểm dừng.
Lấy tâm điểm cái tôi, nhân vật xưng “tôi” làm trụ, Pháp Hoan đã mở ra nhiều hướng không gian mà người đọc không thể xác định được đường biên. Trong bài thơ “Thu”, những hình ảnh được tác giả sắp đặt tựa một xô nước đầy tràn ra mọi hướng, lan chảy trên mặt đất:
tôi nằm yên nghe gió cuốn lá rơi trên đầu
tôi nằm yên nghe lời thở than từ biển cả
dưới lòng đất sâu nước đang reo lên vui sướng
có tiếng súng nổ đâu đó trong rừng khô mùa thu
và đâu đó tiếng dã thú kêu gọi cái ác trong lá mục.
Đoạn thơ đã cho bạn đọc thấy được mọi giác quan của nhà thơ mở ra để cảm nhận dòng chảy bất tận của sinh lực vũ trụ. Hình ảnh “tôi nằm yên nghe” phải chăng là tư thế của thiền buông thư, đưa thân tâm về trạng thái nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Lúc này nhà thơ quán tưởng về một thế giới an lạc, gửi tình thương yêu lần lượt đến từng tế bào, vạn hữu.
Thủ pháp xây dựng không gian không đường biên đã tạo được phong cách thơ độc đáo, phóng khoáng và trải rộng. Tuy vậy, nếu người viết sử dụng thủ pháp trên nhiều lần, hoặc không giữ được cảm xúc mạnh mẽ, nhất quán, ý tưởng không đột khởi dễ gây cho người đọc cảm giác đơn điệu, mờ nhạt. Trong các bài thơ “Chiều ngang của cuộc đời”, “Nhà thơ nghèo”, “Tôi vừa mới chào đời”, theo cảm nhận của tôi, tác giả đã lập tứ cầu kỳ, cảm xúc chưa tới độ, chưa có câu thơ hay đủ sức dẫn dụ người đọc vào không gian riêng biệt. 
Pháp Hoan đã khá thành công trong kiến tạo không gian không đường biên, theo tôi, chủ yếu tập trung trong một số bài ở phần đầu tập thơ. Từ đây, nó mang đến cho đời sống văn học một giọng thơ khoáng đạt, gợi mở, tránh được “tiểu khí”, vụn vặt. Tác giảđã tạo được phong cách riêng, khá ấn tượng ngay từ tập thơ trình làng này.
Pháp Hoan sinh năm 1992, tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Anh tu học Phật giáo tại Việt Nam, trở thành tu sỹ từ lúc 15 tuổi. Từng sống và làm việc tại viện Phật học ứng dụng châu Âu (Đức Quốc). Từng dịch nhiều thơ của các nhà thơ uy tín của Âu-Mỹ từ tiếng Anh, tiếng Đức sang tiếng Việt. Pháp Hoan có kiến văn rộng, say mê hội họa và âm nhạc, sống kín đáo và khiêm nhường. Nền tảng vững vàng và phong phú ấy đang tạo cho anh nội lực mạnh mẽ để dấn thân, cũng như sẽ vượt qua được những kinh nghiệm quen thuộc trong sáng tạo. Nhà thơ Pháp Hoan, theo cảm nhận của riêng tôi, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ hơn nữa trong những tập thơ tiếp theo.
Tác phẩm của Nhà thơ - Dịch giả Pháp Hoan

“Con Lừa Và Tôi” - Tranh màu nước của Pháp Hoan, 2016
Cầu Giấy, 25/10/2017

Mai Văn Phấn
Theo http://maivanphan.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...