Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Đêm Đà Lạt

 Đêm Đà Lạt
Nằm trên cao nguyên Lang Biang có độ cao 1500 mét so với mực nước biển thuộc tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt có khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình từ 180C đến 200C. Thổ nhưỡng tốt tươi, cảnh quan tươi đẹp, di sản kiến trúc độc đáo, thành phố cao nguyên này được coi là một “Tiểu Pari” của Việt Nam.
Được biết đến là “Thành phố sương mù”, “Thành phố ngàn thông” “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố tình yêu”, “Thành phố của những đôi tình nhân” (các đôi uyên ương tìm nơi đây để thưởng tuần trăng mật), “vùng đất lãng mạn và thanh nhã bậc nhất Việt Nam”, Đà Lạt là một “địa chỉ vàng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, là nguồn cảm hứng dường như vô tận đối với những ai một lần đặt chân tới.
Một ngày cuối thu năm 2014, chúng tôi đã đến nơi đây và đã có những trải nghiệm khó quên, đặc biệt về “Đêm Đà Lạt”.
1. Bây giờ đang là cuối mùa mưa, hoa Dã Quỳ - loài hoa “thương hiệu” của Tây Nguyên đã bắt đầu nở. Trên đường từ Buôn Mê Thuột đến Đà Lạt, chúng tôi đã gặp những bông hoa vàng hoang dại ấy. Sắc vàng của hoa sưởi ấm lòng lữ khách trong một chiều mưa trên cao nguyên.
Trở lại phố núi những ngày cuối thu mới cảm nhận hết vẻ đẹp lãng mạn, trầm buồn vốn có của phố núi có gió, có sương và có cái lạnh tê buốt. Thành phố bồng bềnh trong những vạt mây hay tia sáng mờ ảo xuyên qua đồi thông xanh ngắt.
Hai ngày hai đêm ở nơi đây, chúng tôi đã cố “đi” “nhìn” “nghe” và cả “chạm” vào Đạt Lạt nhiều nhất, như thể khó có dịp được trở lại thành phố này nữa.
Đà Lạt nhỏ xíu, xinh xắn, đáng yêu với đồi cao, núi thấp, với trập trùng rừng thông xanh thẳm, với suối trong hồ lặng, với cuồn cuộn thác gieo nước bạc, với mưa giăng sương phủ, với hoa đồng cỏ nội tốt tươi, với cái không khí trong lành và se lạnh bất kể ngày hay đêm ,với cuộc sống thanh bình. Đà Lạt mê hoặc bất cứ ai một lần đặt chân lên mảnh đất này khi muốn tìm cho mình một nơi nghỉ dưỡng và “sống chậm” lại.
2. Ở đây chúng tôi đã đến khu danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch đó là đỉnh Lang Biang, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía Bắc, có độ cao 1950m so với mực nước biển.
Đường lên dốc khoảng 5km phong cảnh thật thơ mộng với bạt ngàn thông reo. Trong tiếng máy kìn kìn bền bỉ, những chiếc xe Jeep đặc chủng đã đưa chúng tôi đến hết dốc này đến khúc cua khác. Đi xe Jeep có cái thú vị riêng. Những người lái xe với tốc độ cao trên đường đua khúc khuỷu sẽ cho bạn cảm giác hệt như đang chơi một trò cảm giác mạnh vậy. Lên đến đỉnh phong cảnh thật tuyệt vời. Chúng tôi đứng đây “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Dưới kia, hồ ĐanKia - Suối vàng trong xanh uốn lượn như dải lụa,những rừng thông trải dài đến ngút ngàn, những ô thửa trồng cà phê, rau, cà rốt.... đẹp như tranh vẽ. Xa xa, Đà Lạt nhấp nhô những biệt thự xen giữa núi và cây. Tất cả như một bức tranh thủy mặc vô giá mà không bàn tay nào có thể tạo ra. Tâm trạng thật phấn khích, muốn thét to một tiếng vang động đất trời: “Tôi đến đây...” để hòa vào tiết trời, tiết gió nơi đây.
Chúng tôi cũng đến “Thiện viện Trúc Lâm Đà Lạt”, một thiền viện lớn nhất Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km nằm trên núi Phụng Hoàng, một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Đường lên Thiền viện thật đẹp với 140 bậc thang đá, hai bên là những rặng thông cao vút dẫn qua ba cổng tam quan. Từ thiền viện nhìn xuống là rừng trúc xanh tươi, trước mặt là đỉnh Voi phục hùng vĩ soi bóng xuống hồ Tuyền Lâm. Đứng ở nơi đây lòng thật bình an, ta như lạc một cõi hư không xa lạ nào đó và ta ngạc nhiên: “sao lọt thỏm giữa rừng thông bạt ngàn lại tồn tại một nơi thanh tịnh, hư không, vô thường đến thế”.
Ở Đà Lạt, chúng tôi cũng đến Thung lũng Tình yêu, một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất, đẹp nhất Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 5km về phía Bắc. Thung lũng Tình yêu cuốn hút du khách bởi thung lũng sâu và đồi thông quanh năm xanh biếc, bởi những con đường vắng lặng... Xuống đây, bạn hãy lên đồi Vọng Cảnh đi theo những bậc tam cấp đã được xây dựng sẵn. Trên đồi Vọng Cảnh còn có hoa viên Tiểu Sơn Lâm với các cây đại thụ được tạo thế vô cùng đẹp mắt. Thung lũng tình yêu có cả một sự tích tình yêu tuyệt đẹp nhưng ngày nay nơi đây cũng mang đến cho du khách cả một tình yêu tràn đầy với thiên nhiên và cuộc sống. Đến đây, ta như được tiếp thêm “năng lượng” và thấy cuộc đời này thật đẹp và đáng sống biết bao nhiêu.
Đà Lạt có nhiều thác nước đẹp, trong đó có thác Datanla - Một thác nước đẹp nhất Đà Lạt và Lâm Đồng. Thác cách trung tâm Đà Lạt 5km, cạnh đèo Preen vào thành phố, nằm khá sâu, lọt thỏm giữa một vùng đồi núi, phía đầu nguồn thác là những rừng thông bạt ngàn có tuổi đời hàng trăm năm nay và những cây thông một người ôm không xuể. Đến thác Datanla, chúng tôi đã chọn loại hình giải trí cảm giác mạnh bằng xe trượt cao tốc dựa theo địa hình tự nhiên ở đây. Hệ thống xe trượt dài hơn 1km này sẽ đưa du khách chạy xuyên qua rừng và đồi thông tuyệt đẹp từ trên đỉnh dốc xuống chân thác. Ngồi trên xe lượn vòng vèo giữa hệ thống cáp trượt với tốc độ tối đa 40km/giờ thật lạ lùng thú vị khi chiếc xe “xe gió” lao vun vút xuống núi. Du khách thỏa thích ngắm nhìn vẻ đẹp bí ẩn và thơ mộng của một thắng cảnh vẫn giữ được nét hoang sơ. Bây giờ đang là mùa mưa dòng thác cuồn cuộn chảy tung bọt trắng xóa. Thật chẳng còn cảm giác nào dễ chịu hơn khi được nhúng chân trần vào thác nước mát lạnh.
Trên đường về thành phố, chúng tôi đã vào tham quan “Vườn hoa thành phố Đà Lạt” nằm ở phía Đông hồ Xuân Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 2km. Từ lâu, Đà Lạt đã được biết đến là xứ sở ngàn hoa. Nơi đây là một “thiên đường hoa”, nơi quy tụ tất cả các loài hoa đẹp của Đà Lạt và thế giới với hơn 300 loài hoa kiều diễm rực rỡ đủ màu, những loài hoa đã được bàn tay của các nghệ nhân chăm sóc, tạo dáng. Nếu như đến Đà Lạt mà không ghé thăm vườn hoa thành phố thì đó sẽ là một sự nuối tiếc của bạn.
3. Nhưng, tất cả đấy mới chỉ là một phần vẻ đẹp của Đà Lạt ban ngày với thông, hoa, thác nước, chùa chiền và đồi núi trập trùng. Khi màn đêm buông xuống phố núi, Đà Lạt lại có một vẻ đẹp khác: lãng mạn, thơ mộng, huyền bí.
Đà Lạt về đêm không thiếu nơi để đi.
Nếu bạn muốn có một chút buồn, một chút bình yên hãy lang thang dọc bờ hồ Xuân Hương. Hồ nằm ngay trung tâm, là “con tim” của thành phố. Nhìn từ xa, hồ Xuân Hương có dáng hình trăng lưỡi liềm. Xung quanh hồ khung cảnh rất mực nên thơ với thảm cỏ xanh mướt với những cây thông ba lá, với những hàng liễu rủ tha thướt. Hồ Xuân Hương làm tăng vẻ yêu kiều duyên dáng cho Đà Lạt. Thành phố này sẽ cô quạnh, đơn điệu, lãnh lẽo biết bao với những rừng thông bạt ngàn nếu không có hồ Xuân Hương.
Đà Lạt vốn dĩ được mệnh danh là thành phố của tình yêu. Có ai đó đã nói: “Nếu được khoác tay một người nào đó, có thể không phải là tình nhân là bạn, dạo một vòng quanh hồ Xuân Hương về đêm, cũng đủ để trái tim bạn xao xuyến và nảy sinh tình cảm”.
Đêm cuối cùng ở Đà Lạt tôi lang thang trong sương đêm mơ hồ và lãng mạn để “giã từ” Đà Lạt dù bên cạnh chỉ có riêng “tôi”. Cái se lạnh, an bình của Đà Lạt một đêm thu làm ta ngây ngất. Một lớp sương mù bao phủ cả không gian huyền mặc của mặt hồ Xuân Hương. Tôi đi qua những dãy nhà chuẩn bị đi ngủ trong đêm tĩnh mịch lặng lẽ. Sương mù trên vai tôi. Đêm cao nguyên mang đến cho ta một cảm giác rất lạ, đủ để yên bình, để cảm, để buồn, để nhớ và cả khao khát: “Nếu được khoác tay một người nào đó lang thang qua những con đường của Đà Lạt đêm nay,...” và lại tự hỏi: “Đó có phải là điều ai cũng muốn nhất khi đến và nhớ nhất khi rời xa cái thành phố tình yêu, thanh bình, yên ả, lắng đọng này”.
Trở về khách sạn Anh Đào số 50-52 ở khu Hòa Bình, nơi những con đường huyết mạch của Đà Lạt quy tụ về đây - gặp một nhân viên lễ tân khách sạn là Phạm Duy Quang. Chàng trai mới ngoài 20 tuổi này sinh ra lớn lên ở Đà Lạt và giờ làm việc ở đây, một người rất “Đà Lạt”. Nói chuyện với Quang thật dễ chịu, Quang mang đến cho ta một cảm giác thật dịu dàng, ấm áp, an lành. Hình như, tất cả những nét đặc trưng của phong cách người Đà Lạt như hiền hòa, thanh lịch, chân thật, cởi mở, mến khách đều có ở Quang.
Nếu thiên nhiên Đà Lạt cho người này niềm vui, người kia sự mát lành, thì con người Đà Lạt vốn thanh lịch lại tô thêm một vẻ đẹp của thành phố du lịch này. Người Đà Lạt vừa chịu sâu đậm bản sắc văn hóa và đời sống tinh thần phương Đông lại sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây. Việc xử lý hài hòa các yếu tố văn hóa truyền thống và văn minh hiện đại đã hiện lên trong phong cách của người dân Đà Lạt và trước mặt tôi đây, Quang là một người như thế.
Rất thân thiện, Quang bảo: “Đêm nay con trực....” Thế là tôi một người yêu Đà Lạt - nói chuyện với Quang về cái thành phố mà cả hai đều yêu mến. Với chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp, với cảm xúc đầy ắp thương yêu, Quang nói về Đà Lạt như một nhà thơ (mặc dù chàng trai này không biết làm thơ) ,như một người đang yêu nói về người mình yêu dấu. Quang nói về cuộc sống “ấm áp”, “bình yên” của mình, của gia đình và của người Đà Lạt nơi đây. Rất nhiều lần say sưa kể chuyện Đà Lạt, Quang lại xuýt xoa: “Thật tuyệt vời...” hay “Con hạnh phúc khi là người Đà Lạt ...” Đấy là lời “tự thú” chân thành và đáng yêu của một người Đà Lạt rất yêu xứ sở của mình. Và tôi, một khách lữ hành, đêm nay ngồi ở nơi đây, qua lời kể của một “người bản địa” đã được “nhìn”, được “khám phá” đêm Đà Lạt theo con mắt của người Đà Lạt.
Trước hết là sương mù.
Ở Đà Lạt, bất kể ngày hay đêm, lúc nào trời cũng se se lạnh chỉ cần khoác một chiếc áo khoác mỏng mặc ngoài cũng đủ đẹp, thanh lịch. Sương mù là “đặc sản” phố núi và cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu cho người yêu Đà Lạt. Những ngày đông (những ngày nhiều sương mù) khi sớm mai hay chiều buông, Đà Lạt bảng lảng trong sương và mang một vẻ đẹp vô cùng quyến rũ. Quang bảo: Đêm nay là một đêm không nhiều ở Đà Lạt. Đà Lạt là “thành phố trong sương”, “thành phố ngàn thông”, “sương mù” và “thông” là hai nét đặc trưng của Đà Lạt nhưng sương mù và thông sắp thành của “hiếm” vì lâu lâu mới có một đợt sương mù. Người Đà Lạt bây giờ “thèm” sương mù, thèm chính cái mà họ không bao giờ thiếu. Còn thông ở trong nội ô thì cứ biến mất từng ngày, một phần vì bị đốn hạ, một phần bỗng dưng lăn ra chết.... Giọng Quang trùng xuống: Đà Lạt mất thông là mất đi một nửa hồn, Đà Lạt mất sương là mất đi nửa còn lại... Nhưng rồi Quang chợt vui trở lại, cháu háo hức kể cho tôi nghe những ngày có sương, Đà Lạt sáng tinh mơ đẹp lắm, sương mù bao phủ khắp thành phố, ở trung tâm loãng hơn còn ở ngoại ô sương mù dày đặc. Từ trên đồi nhìn xuống. sương là chất xúc tác để núi, hồ và thành phố hòa vào với nhau. Sương và mây góp phần làm cho thành phố như chìm trong biển sương mù, trông thật huyền ảo như chốn “bồng lai tiên cảnh”.
Những sáng sớm, chàng trai Đà Lạt này chạy bộ quanh hồ Xuân Hương, mặt trời chưa xé tan đám sương mù dày đặc, mặt hồ trắng xóa không biết đâu là bờ. Rồi khi mặt trời lên, từng mảng sương tan dần, những khoảng sáng hiện lên, mặt hồ như rộng ra, soi bóng cảnh vật ven hồ lung linh trong sớm mai, sương đọng trắng ở ngọn cỏ trông thật đẹp, Quang bảo: “Lúc đó con thấy lòng mình thật ấm áp và hạnh phúc”. Rồi những sớm tinh sương, ngắm nhìn những ngôi biệt thự khuất sau những gốc thông xù xì, rất huyền ảo như trong truyện cổ tích. Thành phố ngủ quên dưới lớp sương mù dày đặc dù mặt trời đã lên cao. Trong khung cảnh đó được nghe nhạc Trịnh, hoặc được uống một ly cà phê nóng thấy lòng thật bình yên... Nghe Quang kể, tôi chợt hiểu: Vì sao người Đà Lạt đi xa, bao giờ cũng quay quắt nhớ những sớm sương mù ở nơi này.
Đèn vàng
Nói chuyện về sương mù, Quang cho biết, cách đây bốn, năm năm Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt đã hoàn thành hệ thống chiếu sáng đèn đèo Preen. Đây là loại đèn cao áp Sodium ánh sáng vàng, phù hợp với điều kiện sương mù, chóa đèn có độ phát quang lớn, có thể chiếu sáng đều ở những đoạn quanh co trên đèo, đảm bảo cho việc lưu thông thuận lợi. Quang bảo ánh sáng vàng là đặc trưng của Đà Lạt. Có một kiến trúc sư đã nói: “Đà Lạt không có ánh đèn vàng thì không còn Đà Lạt, bởi ánh sáng vàng ấm áp dịu dàng mang lại cảm giác dễ chịu, nó không rõ ràng như ánh sáng trắng, nó còn những khoảng tối để người ta khám phá...”
Những ngôi nhà ma, những ngôi biệt thự cổ, những căn nhà gỗ thông.
Đà Lạt có rất nhiều nơi để khám phá về đêm. Ví dụ: những ngôi nhà ma.
Trước khi đến Đà Lạt, tôi đã được nghe nhiều chuyện ma và những căn nhà nằm ẩn mình trên những đồi thông rợp bóng. Trên đường vào Đà Lạt chúng tôi đã được người lái xe chỉ một “ngôi nhà ma” - Đó là một ngôi nhà bỏ hoang không người ở dưới chân đèo Preen, rồi ngôi biệt thự có ma trên đường Trần Hưng Đạo. Ở đây, những câu chuyện, “thực thực, hư hư” về những con ma nữ đã ăn sâu vào tâm thức con người từ già đến trẻ ở Đà Lạt.
Một dấu ấn đặc trưng tạo nên sự khác biệt của Đà Lạt là những ngôi biệt thự cổ và rừng thông. Mỗi ngôi biệt thự ở Đà Lạt đều có phong cách riêng, lý lịch riêng và giai thoại bí ẩn của nó. Có những biệt thự hoang vắng cửa đóng then cài, nhưng cũng có những ngôi nhà vẫn còn người cư trú như một sự thách thức của hai thế giới âm dương cách biệt. Đi liền với những biệt thự đó là những câu chuyện kì bí nhuốm màu sắc liêu trai, những giai thoại rùng rợn được nghe kể với nhiều tình tiết khác nhau, những lời đồn thổi tiếp tục nối dài như chưa có hồi kết thúc. Nó tồn tại như một đặc sản du lịch của xứ sở sương mù.
Đà Lạt mang nét đặc trưng với những ngôi biệt thự cổ, nhưng trong hoài niệm của người dân xứ sở ngàn thông này còn một Đà Lạt bằng gỗ với những căn nhà gỗ thông. Những căn nhà đơn sơ, mộc mạc, bạc phếch màu sơn. Những căn nhà còn thơm mùi nhựa thông. Những căn nhà ấy cho ta một cảm giác gần gũi với rừng .Và những cơn mưa đập vào mái tôn suốt đêm, những cơn gió mùa đông luồn qua khe gỗ, những ánh nến màu vàng ấm áp mang đến một cảm giác bình yên...
Và đêm nay, một đêm bình yên tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ của những thi sĩ Nga. Puskin- “Mặt trời của thi ca Nga” - có cả một chùm thơ về mùa đông, trong đó có bài “Buổi tối mùa đông” mang nỗi buồn dịu nhẹ:
.... “Mái lều ta quạnh hiu
Tiêu điều không ánh lửa”...
..... “Rượu đâu ta nâng cốc
Rượu vào nỗi buồn tan”...
Rồi Exenhin - “Ông hoàng của thi ca Nga”- yêu tha thiết những căn nhà gỗ thông của đất nước mình:
“Nước Nga bằng gỗ của tôi ơi
Nhà gỗ thông khoác áo choàng tượng Chúa”
Những câu thơ ấy đưa ta về một chốn bình yên.
Những quán cà phê
Để tìm một chốn bình yên, Đà Lạt không thiếu nơi để đến. Có thể đó là một quán cà phê mà bạn có thể tìm ở bất cứ con đường, ngõ ngách nào trong thành phố. Đến Đà Lạt mà không thưởng thức cà phê, coi như chuyến đi của bạn chưa thực sự trọn vẹn.
Đà Lạt có hàng trăm quán cà phê, mỗi quán có một phong cách riêng rất đặc trưng. Cà phê Tùng là một một sự lựa chọn cho những ai trầm tính, thích hướng nội. Quang bảo tôi: “Chưa đến Cà phê Tùng là chưa đến Đà Lạt”.
Cà phê Tùng năm ngay ở khu Hòa Bình. Đây là quán cà phê được coi là đầu tiên tại Đà Lạt, một quán nhỏ không mấy nổi bật nhưng “ Café Tùng” lại nổi tiếng bởi địa chỉ này xuất hiện trong hầu hết sách hướng dẫn các hãng lữ hành. “Café Tùng” có ở Đà Lạt trên nửa thế kỷ nay, từ ngày chủ quán là ông Tùng đến nay người con trai là anh Thông. Rất giản dị, mộc mạc, hiếm có một quán cà phê nào có thể đem cho ta một cảm giác thanh bình yên ả như nơi đây. Một không gian đi qua thời gian. Một không gian yên bình đong đầy những cuộc hẹn hò. Nơi đây gợi cảm xúc hoài cổ u tịch. Ẩm khách đến đây vào các buổi tối có cảm giác thư thái được ngồi lặng lẽ quan sát Đà Lạt về đêm trôi đi trong khung cửa hoặc thả hồn hoài niệm về một ký ức đã xa... Nơi đây là chốn tưởng niệm cho những ai luôn mang quá khứ vào đời sống hiện tại.
Quang kể tôi nghe: Khách đến đây phần lớn là văn nghệ sĩ. Họ đến uống cà phê, ngắm phố, trò chuyện hay nghe nhạc. Cà phê Tùng chỉ phục vụ một loại nhạc cổ điển, hòa tấu, tiền chiến (nhạc Trịnh, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên...) được mở bằng những đĩa nhạc do những ca sĩ như Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lệ Thu hát.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Đà Lạt từng là một trung tâm giao lưu nghệ thuật quan trọng. Nó từng chứng kiến cuộc sống ẩn dật, vui thú điền viên của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ về đây tìm sự yên ổn của tâm hồn và cảm hứng sáng tạo. Trịnh Công Sơn đã có khoảng thời gian ở đây và ông hay ngồi ở Cà phê Tùng uống cà phê. Viết về Đà Lạt, Trịnh Công Sơn có những bài: Diễm xưa, Chiều một mình qua phố....
Đến Cà phê Tùng, người ta hay nói về các huyền thoại văn nghệ. Tại quán này. Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly lần đầu tiên. Cuộc gặp đã được chính người trong cuộc gọi là “định mệnh”. Sau này, Khánh Ly viết trong hồi ký của mình. “Tại sao không phải là Sài Gòn, tại sao không là Huế. Sài Gòn và Huế không phải là Đà Lạt. Mọi sự phải khởi đi từ đó. Một sự tình cờ, mà ngẫm lại thì không đúng, không phải. Rõ ràng là sự sắp đặt của cái mà chúng ta gọi là định mệnh. Một người lưu lạc từ sông Hồng, một người rời xa sông Hương để gặp nhau vào cái đêm có mưa và gió đầy trời, ở cái thành phố nhỏ bé, nhìn ai cũng là bạn” “Nâng niu cái huyền thoại vang bóng cũng là cách làm cho thời gian ngưng đọng trên cơ thể thành phố này”. Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên một người rất yêu Đà Lạt, từng sống ở đây đã cảm nghĩ như vậy.
.... Nhưng Đà Lạt còn có một quán cà phê khác cũng rất độc đáo, lạ, chỉ Đà Lạt mới có là quán “Cung tơ chiều” trơ trọi trên một đồi thông gần Dinh 3. Ai đã từng yêu Trịnh Công Sơn cũng như âm nhạc của ông hãy một lần đến quán này để cùng đồng điệu. Những anh bạn văn nghệ sĩ trong đoàn của chúng tôi đã đến đây. Họa sĩ Đỗ Khải đã thể hiện bài: “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn, còn nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thái thì hát bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Có lẽ trong đêm nay, ở thành phố cao nguyên này người nghệ sĩ ấy đã để lòng mình nhớ về Hà Nội, về đất Bắc xa xôi cách nơi đây hàng nghìn cây số.
4. Đêm Đà Lạt là vậy, từ cảnh đến người đều khoác lên mình vẻ đẹp êm đềm, dịu dàng, có phần u sầu buồn bã. Song bên dưới nét u buồn lãng mạn ấy, đời sống Đà Lạt vẫn vận hành thật tươi mới, náo nhiệt theo cách riêng của mình. Ngoài những xanh rì âm u cùng mặt hồ lấp lánh, những ngọn đèn đường trong mờ sương, những quán cà phê mang đến sự bình yên...thành phố tình yêu lãng mạn bậc nhất Việt Nam này còn được biết đến với khu chợ đêm sầm uất, tạo nên một nét “văn hóa quà ban đêm” rất thú vị độc đáo cho ẩm thực nơi đây. Hình thức sinh hoạt cùng nhau tụ tập mua bán, ăn uống vui vẻ tại chợ đêm được coi là một nét “đặc sản” của Đà Lạt. Đến chợ đêm Đà Lạt mới thấy sự nhộn nhịp với sức sống, một vẻ đêm Đà Lạt.
Chợ đêm Đà Lạt còn được gọi là chợ Âm Phủ. Có lẽ ban đầu hàng quán bán về khuya từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt chưa có đèn điện như hiện nay. Những người bán đồ ăn khuya, mỗi gánh hàng còn trang bị thêm ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, ánh sáng chỉ vặn nhỏ vừa đủ cho khách thấy những món gì ăn để chọn. Đêm khuya, khi Đà Lạt chìm trong màn sương trắng xóa, nhìn từ xa khu chợ đêm cứ như những đốm sao sáng le lói nên thành tên gọi chợ Âm Phủ là vậy.
Bạn là người có “tâm hồn ăn uống”, vậy bạn hãy đi chợ đêm Đà Lạt và sẽ thấy mình lạc vào “thiên đường ẩm thực đêm” ở Đà Lạt. Nơi đây chuyên phục vụ những món ăn khuya, tạo nên một “không gian văn hóa ẩm thực” “văn hóa quà ban đêm” muôn màu muôn vẻ, rất sầm uất, thú vị, độc đáo ngay trung tâm thành phố.
Cái thú vị của chợ đêm Đà Lạt là họp để ăn uống, vui cười từ 6,7 giờ tối đến 6,7 giờ sáng hôm sau. Khách đến đây không phân biệt sang hèn, ai nấy có thể thoải mái ra vào, tạt qua ăn một chút lót lòng, hàn huyên với Đà Lạt, hay một mình đi thưởng thức “món” đêm Đà Lạt.
Các món ăn ở đây cực kỳ phong phú, luôn thơm lừng nóng hổi, đúng chất “vừa thổi vừa ăn” và ngào ngạt hương vị Việt. Từ mấy củ khoai lang trên bếp than hồng nóng rừng rực như xua đi cái lạnh lẽo giữa đêm Đà Lạt, đến cái vị bùi bùi ngọt ngọt của bắp nướng, đến mùi thịt nướng, nem nướng, bánh tráng nướng thơm lừng. Rồi những đồ ngọt kỳ thú và độc đáo: Sữa đậu nành, sữa đậu xanh, đậu phộng, sữa hột gà,...nóng hổi thơm phức. Rồi các loại bánh mì, bánh bông lan, bánh su… đủ mùi vị, đủ các loại bánh Tây, bánh ta. Bánh mì ở chợ đêm Đà Lạt nổi tiếng từ lâu với món xíu mại cay ngon giá chỉ 5.000 đ một ổ. Rồi nhiều hàng quán cháo, phở, bún bò Huế... Các món ăn ở đây luôn thơm lừng nóng hổi tạo nên sự cộng hưởng tuyệt vời với tiết se lạnh ở thành phố tình yêu.
Chúng tôi rủ nhau đến đây la cà rẽ vào các hàng, ăn mỗi thứ một tí “để cho biết” và cũng để hưởng cái hương vị chợ đêm Đà Lạt, cái tưng bừng của một đêm như đêm giao thừa ở quê hương.
Nhưng chợ đêm Đà Lạt không chỉ có đổ ăn uống mà còn có đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, vải vóc, quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng Đà Lạt, đặc biệt là đồ len. Đà Lạt là xứ sở của đồ len. Rong ruổi khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đã hẹn nhau về Đà Lạt để mua đồ len. Ở đây, những bộ trang phục giá cả hợp lý đủ loại: Bộ đồ ngủ, áo len, áo khoác, khăn quàng, mũ len, bít tất...chỉ có giá vài chục ngàn, trăm ngàn trở lại, bạn sẽ tìm được một món quà ưng ý để làm quà cho người thân.
Bên ngoài ki ốt, những người bán hàng luôn miệng rao giá các loại áo lạnh cũ, họ bầy thành đống: “Hai lăm, hai lăm, hai lăm”, “Ba lăm, ba lăm, ba lăm”... Những tiếng rao mời vang lên rộn rã, rất đặc trưng “Đà Lạt”. Du khách đến đây, không kịp chuẩn bị đồ lạnh, chỉ cần ra chợ đêm mua một chiếc áo khoác vài chục ngàn là có thể dùng tạm những ngày lưu lại trên cao nguyên này.
Dạo chợ đêm Đà Lạt là hòa vào cái không khí chen lấn mà nhìn ngắm mọi người, đôi khi chỉ dạo quanh ngắm nhìn mà không cần mua sắm là đã thấy cảm giác thư giãn, thoải mái. Đêm Đà Lạt lành lạnh, ở đây bạn hãy rời khỏi khách sạn, khoác thêm cái áo, quàng thêm cái khăn, phởn phơ dạo quanh chợ Đà Lạt, hòa cùng vào đó. Đó là một thú vui đặc biệt của thành phố sương mù này.
Chợ đêm Đà Lạt thường mở quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên, muốn tận hưởng hết cái không khí chợ đêm thì nên nán lại cho đến cuối tuần, bởi đó là thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất. Thật may, chúng tôi đến Đà Lạt hai ngày thứ 6, thứ 7. Quang bảo: đó là 2 ngày chợ đêm sầm uất, đông vui nhất.
Những đêm Đà Lạt không chỉ nhộn nhịp, đầy sức sống ở chợ đêm.
Ở đây có nhiều chỗ đi. Bạn hãy dạo quanh hồ Xuân Hương bằng những chiếc xe đạp đôi thuê, bằng những cuốc xe ôm. Hay bạn thả bộ trên những phố đi bộ (ở một đoạn ngắn đường Nguyễn Chí Thanh, khu Hòa Bình, đường Lê Đại Hành, đường Nguyễn Minh Khai). Ở đây, có những thanh niên trượt patin, những người dân dắt chó đi chơi, cho những “cô” “cậu” cẩu này “giao lưu với nhau” ở ngay khu Hòa Bình....và nếu muốn thưởng thức cà phê, bạn hãy đến những xe “cà phê bụi”
Nói “bụi” vì nó còn hơn cả bụi, vì nó chỉ có chữ “BỤI” gắn trên ghi đông một chiếc xe máy loại “cub cánh én”. Trên đó đèo hai thùng thiếc gồm ly, tách, cà phê pha sẵn. Chỗ ngồi của khách là những bậc tam cấp trước cửa ngân hàng Vietinbank trông thẳng sang khu chợ đêm. “Chủ quán” là những bạn sinh viên trường Đại học Đà Lạt, tác giả của cái ý tưởng kinh doanh kì lạ này. “Đông, vui, bổ, rẻ” là tiêu chí mà du khách và sinh viên Đà Lạt dành cho cái quán vỉa hè này. Khách đến chỉ cần búng tay gọi đen hay sữa, chỉ trong một phút thôi là có thể nhâm nhi, bình an nhìn phố xá qua lại, ngắm chợ đêm. Tại nơi đây tự nhiên ai cũng quen nhau, vừa uống vừa đàn hát (có khi đàn hát quên cả uống). Tôi mới đến đây không biết cứ tưởng một nhóm ca nhạc đường phố hay một tốp thanh niên tụ tập vui chơi ca hát ở đây. Cà phê nơi đây không quá đậm để bạn mất ngủ nhưng cũng đủ vui để bạn nhớ như một thứ gì đó, nơi nào đó đặc trưng của cà phê Đà Lạt và nhớ một Đà Lạt thật đẹp, thật trẻ trung và “bụi bặm”
Đà Lạt đêm không thiếu chỗ để đi...
Rời trung tâm thành phố với hồ Xuân Hương, khu Hòa Bình và chợ đêm, bạn hãy đến tham quan những “nhà lồng”, nơi mà người nông dân Đà Lạt trồng rau, hoa. Về đêm, những làng hoa nổi tiếng như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông khoác trên mình những ánh đèn vàng lung linh huyền ảo. Từ trên cao nhìn xuống, cả làng hoa như một “thành phố” ánh sáng đầy quyến rũ với những vườn hoa điệp trùng lấp lánh cả một góc trời.
Ban ngày bạn đã lên đỉnh Lang Biang? Buổi tối bạn hãy đến chân núi Lang Biang để thưởng thức vũ điệu cao nguyên của các cô sơn nữ. Bên ánh lửa bập bùng, nhâm nhi chút thịt nướng cùng với chút rượu cần, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc những sinh hoạt đời thường, giản dị, chân phác, yêu núi rừng, yêu cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây. Bạn cũng có thể hòa theo nhịp điệu trống chiêng, tham gia nhảy múa cùng các chàng trai, cô gái trong men rượu nồng, khi ấy bạn sẽ quên hết những ưu tư, phiền muộn của đời thường.
5....Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng này thì tối nay 27 tháng 12 năm 2014, trên VTV2 đang phát trực tiếp “Lễ bế mạc năm du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014” tổ chức tại sân khấu quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt. Năm qua, cả Tây Nguyên đã thu hút 6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng thì riêng Đà Lạt đón 4.8 triệu lượt khách du lịch trong đó có 170.000 lượt du khách nước ngoài, doanh thu đạt 8.500 tỷ đồng.
Và đêm nay, trên đất Hải Dương cách xa Đà Lạt gần 1500 km tôi lại “gặp” những chàng trai, cô gái Đà Lạt thanh lịch trên “xứ sở ngàn hoa”. Họ đang tái hiện “Lễ hội mưa Đà Lạt”. Hình ảnh những đôi nam nữ với những chiếc ô trong suốt chậm rãi bước trong mưa trên phố núi như một nét riêng của Đà Lạt. Những cô gái mặc áo dài khoác chiếc áo len duyên dáng, những chàng trai thì áo vecton với chiếc khăn len dài quàng cổ hay thả lửng sau lưng và trước ngực- một phục sức đàng hoàng, trang nhã, kín đáo mà lại trẻ trung, lịch lãm, ưa nhìn. Một nỗi nhớ Đà Lạt ập đến, tôi gọi điện cho Quang để chia sẻ cảm xúc của mình, để hồn mình được “bay” về Đà Lạt. Đêm nay, Quang lại trực ở khách sạn, cháu hỏi tôi: “Bao giờ cô trở lại Đà Lạt?” Biết bao giờ? Có thể rất lâu và cũng có thể chẳng bao giờ có dịp trở lại. Nhưng vì không muốn Quang buồn tôi nói với Quang: “Cô sẽ trở lại một ngày gần nhất, có thể....” và tôi chợt hiểu: đó đâu chỉ là lời hứa để yên lòng chàng trai Đà Lạt, đó còn là sự thôi thúc trong tôi, bởi thành phố xinh xắn đáng yêu ấy đã làm lưu luyến trái tim tôi.
Hải Dương 
mùa Đông 2015 - mùa Hạ 2017
Nguyễn Thị Lan
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...