Phân khúc mỗi cung đường
Sang năm thứ ba đại học Văn khoa thì chàng sinh viên Cử đã bớt
chật vật về cuộc sống, không còn làm ban đêm cho một nhà in, dành ban ngày cho
sự học. Chàng đã viết chuyện dài kỳ cho một tờ nhật báo và hai tuần báo. Với loại
tiểu thuyết đăng từng kỳ này, Cử đủ sống cuộc sống của một sinh viên xa nhà.
Ngoài ra, chàng cũng viết thêm mấy thể loại khác cho một số tờ báo để có thêm
thu nhập, vốn chỉ toàn bằng nhuận bút.
Cử không quên ông chủ một tuần báo văn nghệ đã dành cho chàng
cảm tình đặc biệt. Nhà riêng của ông cũng ở tại con đường này, sau lưng một nhà
sách lớn. Các tác phẩm đã in thành sách của Cử gửi bán chủ yếu tại nhà sách
này. Nhà trọ của Cử ở tại một con hẻm cụt phía trong.
Mỗi lần viết xong một truyện ngắn, Cử đem tới nhà riêng của
ông chủ báo chứ không đến tòa soạn. Ông chỉ xem qua tên tác giả là bút danh của
Cử thì ông cho trả nhuận bút trước không nhất thiết sau đó bài có đăng hay
không. Lần nào chị giúp việc của ông cũng đặt khoản tiền nhuận bút trên chiếc
dĩa bạc và không đòi người nhận ký nhận. Ông chủ báo này rất tôn trọng các nhà
văn cộng tác với báo ông.
Cử cũng không bao giờ quên những tấm lòng tốt khác dành cho
chàng tại thành phố này khi chàng còn là một sinh viên nghèo, tứ cố vô thân.
Trong số họ, phần nhiều là văn nghệ sĩ, nhà báo và một số độc giả.
Lần nọ Cử nhận được bức thư của một nữ độc giả không quen. Cô
gái ấy viết rằng cô thường đọc tất cả bài của Cử in trên báo. Cô không có một lời
khen mà chỉ cho Cử biết về một chi tiết sai trong một truyện ngắn của chàng.
Trong truyện ngắn nọ vừa đăng ở tạp chí B, tác giả có viết rằng mỗi buổi sáng
mình thường nghe tiếng chim hoàng anh hót trên những cây điệp trong vườn, dường
như chúng làm tổ trên đó.
Theo cô gái, đoạn văn tả cảnh này hoàn toàn sai vì không có
loài chim nào làm tổ trên loại cây điệp hoa màu đỏ.
Cử đem điều này hỏi lại nhiều người kể cả một số vị cao tuổi ở
nông thôn ngoại thành. Một số ít người nói họ không biết vì không để ý, còn đa
số thì cho cô gái đã viết đúng. Ông chủ tuần báo tốt bụng với Cử còn nói:
- Nếu cậu gửi truyện ngắn ấy cho báo của tôi thì chính tay
tôi đã gạch bỏ đoạn ấy.
Cử liền viết thư hồi âm, nhận rằng trong lúc hưng phấn đã viết
hoàn toàn sai về chi tiết ở đoạn văn ấy và thành thật cảm ơn cô gái đã chỉ cho.
Từ ấy, Cử viết thêm thận trọng, chín chắn và chặt chẽ hơn.
Rồi thư lại thư qua. Cô gái ấy tên Thảo, đang học năm thứ hai
Luật khoa, nhà ở gần chợ trung tâm thành phố.
Mỗi lần nhận được thư mong đợi, Cử vừa mừng vừa lo. Mừng thì
hẳn rồi nhưng chàng lo vì sẽ phải đọc những lời chê thẳng thắn như trường hợp
“chim hoàng anh trên mấy cây điệp”.
Tốt nghiệp đại học Văn khoa, Cử được mời vào làm sếp kỹ thuật
cho nhà in lớn trước đây chàng đã làm ban đêm. Chàng vẫn cộng tác với các tờ
báo như trước.
Qua hàng chục bức thư, Cử mong được gặp Thảo nhưng phải đợi đến
năm tốt nghiệp đại học Luật khoa Thảo mới nhận lời.
Tại con đường gắn với cuộc đời dài của Cử có một tiệm cà phê.
Tiệm ở ngay góc khai của đường này với con đường giáp nó. Đầu con đường ấy là một
tiệm kem và bánh ngọt nổi tiếng của thành phố. Bên phải tiệm cà phê là nhà thuốc
tây và tiệm bán dụng cụ thể thao.
Tiệm cà phê thường tiếp khách phần nhiều là văn nghệ sĩ, nhà
báo, đông nhất là mỗi chiều chủ nhật. Cử cũng thường ngồi tại đây gần như đều đặn
vào mỗi chiều chủ nhật. Chỉ với một ly cà phê sữa đá, Cử không hút thuốc lá. Nhấp
từng chút cà phê, nhìn ra một quãng đường phố quen thuộc lúc nào cũng sinh động
là cái thú của mọi khách đến tiệm cà phê này. Khách ngồi lâu bao nhiêu cũng
không bị chủ tiệm phàn nàn. Không thấy ông chủ tiệm mà chỉ có bà chủ luôn đon đả
với khách. Bà biết tên, cả bút danh của các vị khách quen.
Khác với cánh nhà báo thường bàn chuyện thời sự quốc nội, quốc
tế, các văn nghệ sĩ bạn của nhau lại trao đổi về nội dung, chất lượng một tiểu
thuyết, một tập thơ hay một bài hát mới. Những cuộc trao đổi ấy giúp nhau tiến
bộ nhiều mặt về sáng tác. Đây cũng là một trong những động cơ gây “nghiện” cho
số khách chủ yếu của tiệm cà phê này.
Lần hẹn gặp đầu tiên, Cử mời Thảo đến tiệm cà phê vào buổi
sáng chủ nhật. Khi Cử vừa ngồi vào chiếc bàn quen thì Thảo tới và tự giới thiệu
trước. Ngồi xuống ghế, Thảo hỏi:
- Sao anh không đến đây vào buổi chiều chủ nhật như thường lệ?
Cử ngạc nhiên:
- Sao Thảo biết thói quen ấy của tôi?
Thảo cười:
- Chiều chủ nhật nào Thảo và vài bạn nữ sinh viên cũng đến ăn
kem, mua bánh ngọt tại tiệm kế đây.
- Nhưng sao Thảo nhận diện ra tôi ngay lúc nãy?
- Điều ấy còn là một bí mật.
Thảo cũng uống cà phê sữa đá. Cô nói:
- Anh chưa trả lời câu hỏi của Thảo tại sao hôm nay anh không
đến đây vào chiều chủ nhật?
- Tại vì… tôi mời Thảo. Chiều chủ nhật ở đây đông bạn văn nghệ
sĩ của tôi lắm.
Sau một hồi với những chuyện không có chuyện, Thảo rút trong
cặp ra tập thơ mới phát hành của Cử. Cô độc giả đặc biệt này vẫn không có một lời
khen mà chỉ bắt đầu:
- Thơ tình không ai cấm nhưng anh đưa vào tập này nhiều mối
tình quá, mỗi nhân vật lại có tính cách, sự kiện khác nhau, bài nào tác giả
cũng dùng chủ từ “tôi” chứng tỏ anh có nhiều tình nhân. Điều này nếu quả thật
như thế cũng chẳng ai cấm nhưng phơi bày hết bằng giấy trắng mực đen thì thấy…
sao sao ấy.
Cử đùa:
- Phạm luật hả, thưa luật sư?
- Thứ luật bất thành văn của đạo đức nghề nghiệp. Chữ tình
thiêng liêng lắm.
Thấy Thảo đặt thành vấn đề, Cử tự bào chữa:
- Thì cũng… hư cấu cho tập thơ đừng khô khan vậy thôi chứ
không có một nhân vật nào thật cả. Tình ảo đấy.
Cử chép miệng:
- Luật sư khép tội nặng quá!
- Nhưng… cho hưởng án treo.
Hai người cùng cười. Cử cười lớn. Chàng thấy tiệm cà phê bỗng
dưng đẹp hẳn ra và con đường trước tiệm cũng đẹp, đáng yêu hơn nữa.
Từ sau lần gặp đầu tiên ấy, số lần gặp nhau của họ cứ nhiều
mãi lên. Họ chỉ đến tiệm cà phê văn nghệ sĩ vào sáng chủ nhật hoặc quán trà
trong công viên bờ sông ở cuối đường này. Mỗi lần họ gặp nhau không quá hai tiếng
đồng hồ. Thảo đến và ra về rất đúng giờ. Suốt thời gian quen biết nhau, không
bao giờ Thảo nhận lời mời đến nhà Cử trọ.
Lúc này Cử đã mua được căn nhà tại con đường khác, sửa chữa lại
thành nơi cư trú chính thức. Ông chủ tuần báo tốt bụng hỗ trợ tài chính để Cử cất
thêm một tầng. Lần nữa Cử nhận và nhớ ơn ông ta. Cái tầng cất thêm này rất có
ích cho Cử về sau.
Rồi họ cưới nhau. Đám cưới tổ chức không được như ý của Cử vì
đang giữa lúc chiến sự ác liệt, mẹ và thân tộc Cử không vào được. Chàng rể vẫn
trong hoàn cảnh tứ cố vô thân. Mọi nghi thức về phía “đàng trai” đều do ông chủ
tuần báo tốt bụng đảm trách, phụ trợ có khá đông bạn bè của Cử.
Mỗi chiều chủ nhật Cử vẫn đến ngồi tại tiệm cà phê với các bạn.
Có hôm chàng chở Thảo theo vì lúc này họ đã là vợ chồng, không còn gì phải ngại
nữa.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vẫn đẹp, con đường quen thuộc
vẫn đẹp và với Cử, mỗi cung đường ở đây là một cung đời....
Biến cố nào cũng là biến cố. Ở tầm vóc xã hội, nó tích cực với
số người này lại thương tổn nhiều hay ít với số người khác dù tạm thời, trước
khi họ thích nghi với cuộc sống mới. Vợ chồng Cử thuộc số người sau.
Hơn một năm đầu, Cử không còn viết báo như trước vì các tờ
báo cũ phải đóng cửa. Cùng lúc, Cử mất việc nơi nhà in lớn vì cơ sở này làm chức
năng khác. Và cũng cùng lúc, văn phòng luật sư của Thảo tự đóng cửa, trả căn phố
lại cho chủ của nó, mất luôn khoản tiền đặt cọc mười năm.
Hết mọi nguồn thu nhập đều đặn, lại chưa có của ăn của để,
kinh tế gia đình Cử chới với. Cuộc sống của hai vợ chồng và hai con trai của họ
cập ngưỡng nguy cơ.
Một chiều chủ nhật buồn, Cử đến tiệm cà phê ở con đường thân
thiết. Tiệm vắng khách. Bà chủ tiệm vui tính trước đây đã mất. Kế thừa bà là cô
con gái đầu. Chồng cô này cũng đang thất nghiệp, ở nhà làm “bồi bàn” cho tiệm
cà phê của vợ.
Cử hỏi thăm về tình hình buôn bán của tiệm, cô chủ cho biết rất
ế khách, số khách là văn nghệ sĩ ngày trước không còn ai đến tiệm nữa. Theo cô,
có lẽ các vị ấy đa số không còn ở thành phố này hoặc ai còn thì cũng không có
khả năng “ngồi tiệm” nữa.
Cử nhấp từng ngụm nhỏ cà phê. Nó không còn chất vị như trước
cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trở về nhà, Cử gặp vợ chồng Túy đang ngồi chờ. Túy là con gái
út của ông chủ nhà in lớn Cử đã làm việc mấy năm. Cô cùng học Luật với Thảo.
Hai người là chị em con cô con cậu. Cử nhớ lại: hèn gì Thảo nhận diện ra mình
trước lần gặp đầu tiên.
Vợ chồng Túy đến bàn chuyện làm ăn. Theo đó, vợ chồng Cử để
cho họ mướn trọn tầng trệt căn nhà để mở cơ sở in bao bì, gia đình Cử dọn lên ở
tầng trên, tiền “mặt bằng” trả hàng tháng. Khi công việc làm ăn thuận lợi sẽ tạo
thêm xưởng phụ.
Cử và Thảo vui vẻ nhận lời ngay như đang đại hạn gặp mưa. Trước
đây, khi cất nhà, Cử bị ông chủ tuần báo tốt bụng “ép” xây thêm một tầng trên,
nay vô cùng được việc.
Vợ chồng Túy còn giao cho Cử việc vẽ logo, biểu họa và trình
bày mỹ thuật trên bao bì các loại sản phẩm của khách hàng. Món “ngoại bổng” này
hoàn toàn là của Cử.
Thu nhập mới tạm ổn định, độ chênh về mức sống của gia đình Cử
có dấu hiệu sẽ trả lại thế quân bình. Hai con trai của họ không bị gián đoạn việc
học. Là mẹ, Thảo còn là một “gia sư” hữu hiệu của các con. Với chồng, Thảo là
chỗ dựa tinh thần vững chắc để Cử không bị sụp đổ trước mọi thử thách đã xảy
ra....
Lại một chiều chủ nhật Cử đến con đường quen ghé mấy tiệm mua
vài món vật dụng cần thiết rồi vào tiệm cà phê cũ. Nhìn chiếc kính lão mới mua
cho vợ, Cử chép miệng:
- Mới ngày nào…
Xem qua chiếc gậy chống cũng mới mua vì bệnh khớp gối càng nặng
của mình, Cử chậc lưỡi:
- Mới ngày nào…
Cử nhìn ra con đường thân thiết với đời mình. Hơn bốn mươi
năm rồi. Nó cũng thêm tuổi nhưng không già còn Cử thì có cả hai. Tuy không đứng
bên lề nhưng Cử như một khán giả khiêm tốn luôn ngồi ở góc khuất để xem con đường
này cùng thành phố giống một festival vô cùng sinh động, nhiều màu sắc, âm
thanh và không có ngày bế mạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét