Mảnh trăng cuối rừng được Nguyễn Minh Châu viết trong thời
kỳ đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Sau này tác giả chọn
in trong tập Những vùng trời khác nhau (1970). Đây là tác phẩm tiêu
biểu cho cảm hứng anh hùng ca của Nguyễn Minh Châu nói riêng và văn học
Việt Nam thời chống Mỹ nói chung.
Từ trước tới nay khi gỡ mạch tự sự của Nguyễn Minh Châu, người
ta nhận ra chất thơ bàng bạc khắp thiên truyện. Không phải ngẫu nhiên, nhiều độc
giả lựa chọn điểm nhìn trữ tình khi tiếp cận “bầu không khí vô trùng” của
tác phẩm (Niculin). Đành rằng, mỗi điểm nhìn, thế nhìn đều cấp cho ta một cách
lí giải, cảm thụ thế giới nghệ thuật. Song, điều đáng nói đa số bài viết đều nhằm
vào chứng minh cho sự tồn tại của kiểu nhân vật đã được “tắm rửa sạch sẽ ”.
Vì quá “mê muội và cảm phục” tình yêu kì diệu bền bỉ ở Nguyệt, nên chẳng mấy ai
băn khoăn về chất hiện thực của thiên truyện ngắn này, thậm chí còn
xem đó như điểm yếu của Nguyễn Minh Châu. Tiếc thay, một tác phẩm viết về
chiến tranh khá độc đáo như thế đã bị gạt ra ngoài chương trình Ngữ văn 12
(bộ mới).
Nguyễn Minh Châu thuộc số những nhà văn sớm có ý thức sâu sắc
về sứ mệnh của người cầm bút. Quan điểm tự sự của Nguyễn Minh Châu như
sau: “Phải ghi nhận lấy những gì đang xảy ra trên mảnh đất ta
đang đứng hôm nay. Những điều ghi nhận ấy phải do ta tự tìm lấy”. Nguyễn
Minh Châu yêu cầu: tác phẩm văn học phải phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và toàn
diện đời sống, lịch sử. Muốn vậy tác giả phải tự đi sâu vào đời sống, tìm tòi nắm
bắt bản chất hiện thực. Nếu không nếm trải, kinh qua những trạng huống đa dang ở
đời, nhà văn chẳng thể nào hiểu hết những gì đang diễn ra đời sống. Ba chữ “tự
tìm lấy” giản dị, nhưng xác đáng về sự thụ cảm, tái hiện có tính chất cá
nhân đối với đời sống. “Tự tìm lấy” là nguyên tắc sáng tạo, trách nhiệm công
dân của người viết văn. Trên con đường sáng tạo, người nghệ sĩ đích thực luôn
xuất phát từ ý thức “cô đơn” và mãi mãi chịu sự ám ảnh về nỗi “cô đơn” (tự tìm
lấy), ngay cả khi hòa nhập vào cái “Ta” rộng lớn.
Thật vậy, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường trần thuật theo
trường nhìn nhân vật. Nhà văn tựa vào hiểu biết, lập trường của nhân vật trung
tâm để đánh giá, miêu tả cuộc sống. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đậm tính chủ
quan, mở rộng khả năng trữ tình, cho phép người trần thuật bộc quan điểm riêng
một cách rộng rãi. Ví như Mảnh trăng cuối rừng. Có lẽ khi sáng tạo truyện
ngắn này, Nguyễn Minh Châu tâm niệm rằng: viết về chiến tranh, không gì chân thực
hơn, sâu sắc hơn là trao điểm nhìn cho người lính. Hoàn toàn chẳng phải tình cờ,
đường văn của Nguyễn Minh Châu bao giờ cũng theo sát “dấu chân người lính”.
Theo Daniel Grônôjwski, lối truyện đóng khung có đặc
điểm và hiệu quả sau. Về đặc điểm, truyện ngắn đóng khung tái hiện một
nhóm người lần lượt kể chuyện và thỉnh thoảng lại trao đổi với nhau. “Cái khung
chung ở đây cho phép tổ chức lại trong một tác phẩm duy nhất nhiều câu chuyện
và tạo nên giữa chúng một đường dây liên kết tối thiểu, đồng thời giữ được tính
chất truyền miệng của câu chuyện kể tạo nên một không khí giao cảm trong nhóm
người”. “Khung chuyện bao gồm một câu chuyện duy nhất kể theo một trình tự đã
được thừa nhận... ”, các nhân vật kể chuyện lần lượt thay thế nhau, người kể
chuyện này trở thành người nghe, hoặc khi cần thành người đối thoại với người kể
chuyện kia. Về hiệu quả, lối truyện đóng khung cho phép khách quan
hoá kiểu phát ngôn theo ngôi thứ nhất của một người được trình bày ở ngôi thứ
ba, tạo ra hoàn cảnh giao lưu thuận lợi cho đối thoại, vì thế trường tự sự vốn
chật hẹp trở nên phong phú đa dạng hơn, tránh được cái nhìn sự vật giản đơn..
. (1)
Mở đầu truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng”, người trần thuật
miêu tả sự kiện từ phía bên ngoài, ta nghe thấy giọng nói tác giả qua từng câu
chữ. Mọi diễn biến, từ ngọn bấc cháy nổ lép bép rất gần đến tiếng
suối chảy xa xa, tiếng khắc khoải, tha thiết của đôi chim trống
mái đều hiện ra sinh động qua cái nhìn của tác giả hàm ẩn. Chi tiết ngọn bấc
cháy và tiếng chim kêu giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra
không khí vừa chân thực vừa huyền ảo cho câu chuyện sắp được mở ra. Người kể
chuyện hàm ẩn đã vạch ra khuôn khổ của câu chuyện như sau: “Đã khuya
rồi mà hơn mười anh lái xa vẫn còn kẻ nằm người ngồi ngổn ngang trong chiếc lán
nứa xiêu vẹo của tổ xăng dầu, chưa ai chịu đi ngủ.. . cả lán nứa rất ồn ào, thỉnh
thoảng một dịp cười vang lên chuyển cả rừng.. . sau hàng chục đêm thức chong
bên tay lái, tưởng như họ cứ nằm xuống là con mắt sẽ díp lại, vậy mà chẳng ai
buồn ngủ - Xong chưa nào, đến lượt tớ kể nhé?- Người này chưa nói hết,
người khác đã dọn trước như thế bằng giọng hết sức háo hức. Hình như trong đầu
từng người đang xôn xao vô vàn hình ảnh trên dọc đường, và chính lúc này những
hình ảnh ấy đang chen lấn nhau đòi sống lại... ”. Nhờ có cái khung chuyện
chung như thế, mà mạch tự sự của tác phẩm được thống nhất thành truyện duy
nhất- truyện về trung đội lái xe sau nhiều chuyến rong ruổi trên các ngả đường.
Nay trở về gặp mặt nhau, kể cho nhau nhau nghe những chuyện gặp trên đường.
Truyện diễn ra trong khoảng thời gian từ lúc đêm khuya đến gần sáng.
Cứ như vậy, người kể chuyện hàm ẩn được người
trần thuật xưng Tôi thay thế. Người kể chuyện hàm ẩn chỉ xuất hiện để gợi
dẫn và xác nhận một câu chuyện được kể chính thức, tạo ra một qui ước lần lượt
đổi vai kể (mười anh lính lai xe thay nhau kể chuyện), sau đó anh ta dường như
chỉ đóng vai trò một người nghe thầm lặng. Câu chuyện về trung đội lái xe kể
theo thời hiện tại, nhường chỗ cho câu chuyện của Lãm kể theo hồi ức: “Xong
chưa nào, đến lượt tôi kể nhé- Một anh nằm trong góc tối nói-... Một đêm đầu
tháng ba năm nay... câu chuyện tôi kể đây xảy ra hồi tôi chạy mấy chuyến đột xuất
bên đường miền Tây X... ”. Lãm xuất hiện như một người kể cuối cùng. Sau khi
câu chuyện của anh ta kết thúc, cả trung đội lái xe chìm vào giấc ngủ yên tĩnh.
Với đặc điểm trên, ta có thể khẳng định rằng: Mảnh trăng cuối rừng thuộc
lối truyện ngắn được đóng khung.
Câu chuyện của Lãm về Nguyệt được thể hiện bằng hình thức đối
thoại tâm tình giữa những người lính cùng trung đội lái xe trong khoảnh khắc
đêm trăng ngắn ngủi. Nhân vật đám đông trong trung đội lái xe đóng vai trò khơi
gợi, đưa đẩy để mạch truyện thông suốt tự nhiên, nhằm biểu lộ sự giao cảm, đồng
vọng. Hơn nữa hình thức trần thuật này, còn có tác dụng gắn bó các sự kiện tưởng
rời rạc lại với nhau, tạo cho các diễn ngôn trần thuật tính đa nghĩa.
Lãm kể về Nguyệt bằng ngôn ngữ tình yêu. Nhân vật Nguyệt được
soi ngắm, chiếu rọi từ nhiều góc độ. Lãm cảm nhận vẻ đẹp của Nguyệt sóng đôi, đồng
nhất với vẻ đẹp của Trăng. Vẻ đẹp của Nguyệt và trăng hòa quyện vào nhau, đan lồng
vào nhau. Nếu như hình ảnh mảnh trăng non đầu tháng tương ứng với vẻ
đẹp trẻ trung của cô gái, với tình yêu chớm nở thì hình ảnh mảnh
trăng chập chờn cuối rừng lại gần gũi với vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của
tình yêu lặng lẽ không dễ gì nắm bắt được không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Mảnh
trăng bền bỉ lặng lẽ thắp sáng một khoảng rừng như vẻ đẹp giản dị khiêm nhường ở
Nguyệt. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời trở thành biểu tượng đẹp đẽ
về tình yêu thiêng liêng, về tấm lòng thuỷ chung của con người
Việt Nam suốt những năm tháng chiến tranh.
Nếu bỏ đi ánh trăng huyền ảo truyện sẽ mất đi chất thơ bàng bạc,
câu chuyện Lãm kể sẽ trở nên khô khan, nhạt nhẽo. Nguyễn Minh Châu tạo ra hai
thế giới đối lập nhau: thế giới bom đạn và thế giới cái đẹp. Khung cảnh thời
chiến ngột ngạt, tàn khốc đối lập với vẻ thơ mộng, dịu dàng của trăng rừng Trường
Sơn. Thủ pháp tương phản được nhà văn sử dụng để làm nổi bật tính cách anh
hùng của Nguyệt. Với nghệ thuật miêu tả ánh trăng, Nguyễn Minh Châu
đã thành công trong việc khắc hoạ hiện thực chiến tranh gian khổ, ác
liệt.
Truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” phản ánh chân thật cuộc
chiến đấu. Nguyễn Minh Châu tái hiện cảnh máy bay Mỹ đánh phá khắc hoạ hình ảnh
cây cầu như một chứng tích chiến tranh đầy vẻ bi tráng. Nhà văn ngợi ca vẻ đẹp
tâm hồn, vẻ đẹp lý tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm chiến tranh chống
Mỹ. Nguyễn Minh Châu để cho Lãm cảm nhận về trăng trong sự ngỡ ngàng và nhầm
lẫn đáng yêu. Nhân vật kể chuyện bộc bạch “tôi đi giữa đêm trăng mà không biết..
Già đời trong nghề lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều, tôi vốn không phải
anh nhút nhát, vậy mà không hiểu sao đêm nay nhìn trăng ra pháo sáng”. Trăng
biểu tượng cho sự bình yên. Pháo sáng đồng nghĩa với cảnh máy bay Mỹ luôn rình
rập và sẵn sàng trút bom đạn xuống đầu người lái xe bất cứ lúc nào. Lãm
nhìn trăng ra pháo sáng, thì rõ ràng trên con đường ra trận có biết bao nguy hiểm,
khó khăn ám ảnh. Cũng vì vậy, ý chí chiến đấu, sự cảnh giác cao độ luôn thường
trực ở Lãm.
Nguyệt yêu Lãm qua lời kể của đồng đội, thuỷ chung đợi chờ
Lãm. Cô tưởng tượng về người con trai mình yêu trốn nhà đi bộ đội và
đang chiến đấu trên chiến trường. Nguyệt yêu Lãm, vì Lãm biết đặt tình yêu
quê hương đất nước lên trên tình yêu cá nhân. Lãm cảm phục Nguyệt bởi cô
dũng cảm, biết hi sinh vì đồng đội. Như vậy, theo Nguyễn Minh Châu tình
yêu lứa đôi nảy sinh từ tình yêu lí tưởng, tình yêu quê hương đất nước. Tình
yêu đất nước cùng niềm tin vào cuộc sống nuôi dưỡng tình yêu lứa đôi. Nguyệt và
Lãm- hai tâm hồn đẹp đi tìm tình yêu trên đường ra trận. Nhờ ấp ủ một tình yêu,
họ có thêm nghị lực để vượt qua bom đạn chiến tranh. Cuộc hẹn hò kia trở
thành một trò ú tim. Điểm nhấn của tác giả Nguyễn Minh Châu là ý thức
công dân, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Xuyên suốt câu chuyện ta
thấy toát lên tư tưởng, cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Minh Châu rằng: Chủ nghĩa
anh hùng cách mạng có trong cuộc sống hàng ngày, trong chiến đấu, ở những con
người bình thường giản dị như người chiến sĩ lái xe, cô gái công trường.
Truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng cấp cho ta một
cách cắt nghĩa về tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống qua lăng kính
của tình yêu lứa đôi. Câu chuyện tình yêu lồng trong hình thức chuyện về một
trung đội lái xe.
Độc đáo bởi, Lãm và Nguyệt hẹn gặp nhau, ngồi chung trên
một chiếc xe, họ đi bên nhau ngay từ điểm xuất phát của cuộc hành trình mà
không nhận ra nhau. Họ gặp nhau rồi mà hóa ra chưa đúng hẹn. Không đúng hẹn,
nhưng đã biết nhau, hiểu nhau, đồng cam cộng khổ với nhau. Họ chưa
nói với nhau lời nào chính thức, chưa thề ước, nhưng lại lắng nghe được tiếng đồng
vọng, tiếng trả lời từ trong lòng mình. Truyện kết thúc, nhưng phía trước hai
nhân vật vẫn là thời gian chờ đợi, vẫn là thử thách, hi vọng. Dòng độc thoại
không nhiều. Song hiện ra như một ngôn ngữ đặc biệt của tình yêu chân thành,
sâu sắc, trọn vẹn.
Độc đáo, còn bởi, câu chuyện tình yêu lãng mạn, được tác giả
triển khai từ tình yêu lí tưởng, từ phẩm chất chiến sĩ anh dũng ở mỗi
con người. Ban đầu qua lời kể của chị Tính, Nguyệt cảm phục tinh thần yêu nước
của Lãm, tình yêu nảy nở qua nhân vật trung gian, tình yêu được xây dựng
trên cơ sở của một niềm tin tuyệt đối trọn vẹn đối với con người, cuộc sống.
Sau đó, trong cuộc chiến đấu với địch, Lãm cảm phục trước đức tính dũng cảm
quên mình vì đồng đội, vẻ thanh thản lạc quan khác thường ở Nguyệt, tình
yêu đơm hoa kết trái từ hiện thực chiến tranh gian khổ, tình yêu được xây
dựng trên cơ sở của lòng cảm phục. Như vậy, tình yêu lãng mạn của Lãm, Nguyệt
chuyển hoá thành tình yêu đời thường, chân thực và rất gần gũi, lúc nào không
hay, tình yêu riêng tư được soi chiếu, được thử thách và trở nên đẹp
đẽ hơn qua tình đồng đội, đồng chí. Trong niềm tin của người đọc, tâm hồn của
Lãm và Nguyệt đồng điệu với nhau, những giai điệu của tình yêu thơ mộng cùng cất
lên với bản anh hùng ca về chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuộc hành trình đến
điểm hẹn tình yêu của Lãm và Nguyệt, trên phương diện nào đó chính là cuộc hành
trình nhận diện gương mặt tình yêu.
Tình huống truyện hấp dẫn bởi vì, cuộc gặp gỡ bất
ngờ, lạ lùng của họ xảy ra trong một đêm trăng khuyết đầu tháng, Nguyễn Minh
Châu lựa chọn thời điểm mảnh trăng non khá phù hợp với tình yêu chớm nở của Lãm
và Nguyệt.
Tác giả tạo ra một tình huống mang tính ngẫu nhiên,
nhưng rất thật, người đọc không hề thấy sự giả tạo, gượng ép. Bởi trong
chiến tranh tất cả những chuyện tình cờ đều có thể xảy ra ngoài dự đoán. Tạo tình
huống mang sắc thái lãng mạn, Nguyễn Minh Châu đã để thể hiện được tự nhiên nhiều
phẩm chất cao đẹp, giản dị mà thấm đượm chất thơ ở nhân vật trung tâm: Trước hết,
đó là vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẻ đẹp của lý tưởng chiến đấu, của
lòng vị tha đầy tình nghĩa và tinh thần trách nhiệm cao cả. Thứ hai, đó là vẻ đẹp
của tình yêu trong sáng lãng mạn, thủy chung vượt qua bom đạn chiến tranh khốc
liệt. Thứ ba, là vẻ đẹp của niềm tin mãnh liệt, kì lạ vào tình yêu, sự sống và
tương lai.
Tình huống truyện giàu tính kịch, nhưng được giải quyết
theo hướng lí tưởng hoá. Nguyễn Minh Châu không đi sâu miêu tả những tổn thất,
đau thương do chiến trang mang lại, ông viết về chiến tranh như một thứ thuốc
thử nhân cách, viết với chủ đích say mê tìm kiếm cái đẹp cao cả ẩn giấu trong
thế giới nội tâm phong phú phức tạp. Không phải ngẫu nhiên câu chuyện được triển
khai với một vẻ đẹp thơ mộng, ấm áp tình người, với niềm hy vọng bền bỉ dẻo
dai, với sự chờ đợi có thật mà cứ tưởng như một giấc mơ huyền ảo. Nguyễn Minh
Châu đem đến cho người đọc những trang văn về chủ nghĩa anh hùng, về chất thơ
trong chiến tranh.
(1). Nhiều tác giả. Nghệ thuật viết truyện ngắn và
ký (Tạ Duy Anh chủ biên). Nxb Thanh Niên tr 137- 143.
Ánh Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét