Mùa xuân đang nói về hạnh phúc
Đầu đề này mượn nguyên một câu thơ Nguyễn Đình Thi, thích
nghi cho một bài báo Xuân lấy hạnh phúc làm đối tượng.
Ngoài việc hợp tình hợp cảnh, chữ hạnh phúc ở đây mang nội
dung sâu rộng, trong đoạn kết một bài thơ ngắn:
Lá non đã xanh rờn mặt đất
Mùa xuân đang nói về hạnh phúc
Cảnh chim bay trên sông núi lạ lùng
Giữa ngàn cây
Gội sương giá tình yêu đến
Mùa Xuân, 1977
Hạnh phúc trên ba tọa độ: thiên nhiên - đất nước - tình yêu. Hạnh phúc muôn đời, trong và ngoài lịch sử và trong khoảnh khắc lứa đôi.
Hạnh phúc, niềm vui riêng của từng người có lẽ cũng tùy dân tộc và thời đại. Người Việt hôm nay, sau những gian truân, không thể nói hạnh phúc chung chung, hồn nhiên, bình thường, như con người nơi khác.
Sau Cách mạng Pháp 1789, trên diễn đàn Quốc Dân Đại Hội, ngày 4/3/1794, Saint Just đã có câu tuyên bố để đời: hạnh phúc là một tư tưởng mới tại Âu châu. Không phải là trước đó, người Âu không biết hạnh phúc, nhưng phải đợi đến thế kỷ 18 khái niệm này mới được phổ biến, tranh luận rộng rãi, như một đối tượng trong đời sống của từng cá nhân hay công dân. Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ngày 4/7/1776 đã đòi hỏi hạnh phúc như một quyền cơ bản của con người. Tiêu ngữ độc lập - tự do - hạnh phúc xuất hiện từ 1945 tại Việt Nam, và chữ hạnh phúc, từ đây trở thành một lý tưởng chính trị, bên cạnh ý nghĩa thường tình mà nó vẫn có - nhưng chỉ vài ba mươi năm về trước.
Trước đó, ta có chữ hạnh và chữ phúc nhưng không có danh từ hạnh phúc. Cả hai khái niệm hạnh và phúc đều là những điều may mắn, tốt đẹp đến từ bên ngoài. Quyền họa phúc trời tranh mất cả (Cung oán ngâm khúc); còn từ kép hạnh phúc là một cảm nhận nội tâm và chủ quan, dù cần hoàn cảnh khách quan yểm trợ. Ví dụ ta nói con hơn cha là nhà có phúc; nhưng chắc gì đã hạnh phúc.
Nội hàm hiện đại của từ hạnh phúc du nhập từ Âu Tây, qua Trung Quốc, đến Việt Nam đã thay màu đổi sắc. Ở phương Tây, nó thừa hưởng tư tưởng Hy Lạp và Thiên Chúa giáo; đến Việt Nam nó chịu ảnh hưởng Lão Trang và Phật giáo, thêm phần hồn hậu dân gian.
Từ lâu đời, Đông phương có truyền thống đi tìm an tịnh cho tâm hồn. Thậm chí đây còn là điều cốt lõi trong hiền triết phương Đông.
Vào thời bình minh của văn học nước ta, thơ văn thời Lý của các thiền sư rạng ngời hạnh phúc, là việc đương nhiên. Vì là thơ Thiền. Đến đời Trần, danh tướng Trần quang Khải, trong hai bài thơ Xuân, đã đạt tới hai câu kết: Đè nghiêng ngọn giáo đọc thơ chơi - Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa (bản dịch Ngô Tất Tố), chí khí hào hùng mà thần thái thanh tịnh, có thể xem như là hình ảnh hàm súc, uyên áo của hạnh phúc.
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là những bài ca hạnh phúc: Núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khứa, nguyệt anh tam (em); niềm vui của bậc cao nhân, chan hòa trong trời đất và xã hội. Thơ chữ Hán cũng diễn tả niềm vui đó:
Trại đầu xuân độ
Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên
Xuân Diệu dịch thần tình:
Cỏ xuân đầu bến xanh như khói
Thêm hạt mưa xuân nước vỗ trời
Đường nội vắng xa hành khách ít
Thuyền côi gác bãi suốt ngày ngơi
Bài thơ tả cảnh ông lái đò ngày xuân, không hiện thực. Vắng khách là ông lái thất thu, phải làm việc khác để sinh nhai, chứ không thể gác thuyền ngủ suốt ngày. Nhưng thơ hay, sâu sắc vì dự phóng giấc mơ hạnh phúc của tác giả; giấc mơ có thiết tha, sâu sắc mới đưa đến một nguyên tác hay như thế, hay từ hình ảnh đến nhịp điệu, âm thanh. Và Xuân Diệu phải tâm đắc và hạnh phúc lắm mới dịch hay như thế, nhất là câu cuối, một chuỗi âm thanh quyện vào nhau, dìu dặt, dắt diếu nhau đến một chữ ngơi cuối câu, hiếm hoi, thảnh thơi, tuyệt cú. Đọc hằng trăm trang luận bàn hạnh phúc, không sướng bằng gặp một chữ “ngơi” nơi Xuân Diệu hạnh phùng Nguyễn Trãi.
Nhưng người xưa, bên cạnh niềm vui lớn chan hòa trong trời đất, có khái niệm gì về niềm vui riêng lẻ giữa đôi lứa, trong gia đình, như ngày nay ta thường hiểu hai chữ hạnh phúc? Nhất định là có, như khi người cung nữ sống lạnh lẽo trong vách quế đã mơ ước cuộc đời bình dị, nhưng đầm ấm với chồng con:Lau nhau ríu rít còn con cũng tình (Cung oán ngâm khúc, câu 296). Mỗi chữ, mỗi chữ nôm na, dân dã, đều gợi hình, gợi cảm, líu ríu gọi về một cảnh sống cụ thể cục kịch nhà quê (câu 299), ngày nay ta gọi là hạnh phúc.
Thế hệ văn thơ được gọi là tiền chiến quan tâm nhiều đến khái niệm hạnh phúc, tiêu biểu là Huy Cận, trong tập Lửa thiêng:
Hạnh phúc rất đơn sơ
Nhịp đời đi chậm rãi
Mái nhà yên bóng trưa
Ong hút chùm hoa cải.
Chỉ trong hai mươi từ, Huy Cận đã nói rất nhiều, dường như trọn vẹn về hạnh phúc - trước tiên là quan hệ êm ả với thời gian, nhịp đời đi chậm rãi. Khổ nạn lớn nhất của người đời, và đời người, là niềm hoảng hốt trước thời gian, giằng xé, tàn phá, bôi xóa. Nhưng nguyên lý của cuộc sống, thời gian lại là yếu tố của hạnh phúc, làm nảy mầm, sinh lộc, đơm hoa, kết trái.
Nguyễn Khuyến đã mô tả tài tình hạnh phúc của thời gian trong hôn phối với không gian:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Sau này Huy Cận cũng đã ghi được âm sắc của thời gian qua một hình ảnh tuyệt vời.
Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Thi nhân đã lắng được hạnh phúc của trần thế qua sắc độ phôi pha của thời gian.
Hạnh phúc còn là quan hệ đẹp với không gian, tiêu biểu là mái nhà, yên và ấm trong bóng trưa. Và hoa cải nữa chứ. Người ta trồng cải không phải để lấy hoa, nhưng được một vồng hoa, là được thêm giá trị thặng dư. Phải chăng hạnh phúc là phần thặng dư của cuộc sống? Màu vàng hoa cải sang tươi, đơn sơ và hiền hậu trong vườn, vườn bạn, vườn tôi, vườn nghèo, vào một ngày chớm đông se lạnh:
Con ong, đan kết không gian và thời gian, biến nhụy hoa thành mật ngọt, vừa là quy luật, vừa là phép lạ.
Mật ngọt là kết tinh của hạnh phúc trần gian.
Mấy câu thơ nói trên nằm trong bài Hối hận, không có trong Tuyển tập thơ Huy Cận, 1986. Thơ tuyển, cho dù của Huy Cận, không phải bao giờ cũng hạnh phúc.
Nhà thơ Pháp Aragon có câu thơ nổi tiếng, nhờ Jean Ferrat phổ nhạc và hát: Ai nói hạnh phúc, đôi mắt thường trầm buồn, vì chữ hạnh phúc thường gợi lại nguồn thương đã qua, niềm vui đã tắt, rười rượi âm hưởng u hoài.
Người Việt Nam, sau hai cuộc chiến tranh dài, lại trải qua những gian nan, xiêu lạc. Nói đến hạnh phúc, không khỏi ngỡ ngàng. Trong chiến tranh, miền Nam cũng như miền Bắc, giữa muôn ngàn thất bát, bên ngoài chính kiến, hạnh phúc là gì? Không đặt câu hỏi đó là bạc tình.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý, phóng viên chiến trường, đã hy sinh tại mặt trận Quảng Nam ngày 8/3/1969, trước khi mất, bà còn viết: May mắn tôi được có mặt, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ. Chồng bà, nhà thơ Bùi Minh Quốc, cùng chiến đấu trên một địa bàn, đã có Bài thơ về hạnh phúc làm ngay sau đó:
Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra
Hạnh phúc nơi đây là cùng thực hiện một nhiệm vụ, không quản ngại an nguy.
Rồi chợt đến một cảm xúc nhẹ thoáng:
Trong một góc vườn cháy khét lửa na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc Hạnh phúc bất ngờ, lung linh một đóa hoa vàng, mong manh nhành hoa cúc, e dè, từ tốn.
Làm nhớ niềm vui của Quang Dũng, nơi một chiến trường khác, đồng bằng sông Hồng,1954:
Nhớ một con đường biên giới
Nằm chờ giặc qua
Mũi súng kề bên cành cúc dại…
(Bài Nhớ những mùa xuân, 1954, in trong giai phẩm Xuân 1957, Nxb. Văn Nghệ, Hà Nội, tháng 1/1957, nay mới thấy lại trong Tuyển tập mới).
Hay một nhành hoa nghệ, trên chiến hào giữa Điện Biên dữ dội, trong thơ Nguyễn Đình Thi:
Ồ lạ, khắp mặt đồi đen trụi,
Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng.
Đóa hoa nghệ, 1954.
Bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, thì hạnh phúc vẫn đơn sơ, như ai đó một lần đã nói. Nhưng đơn sơ mỗi nơi, mỗi lần mỗi khác. Luận bàn từ đông sang tây, từ cổ chí kim, không khó. Nói về một chùm hoa cải, một nhành cúc dại, hay một đóa hoa vô danh nào đó, khó hơn.
Trong định nghĩa nào đi nữa, hạnh phúc cũng tiềm tàng một cơ bản đạo đức. Chữ hạnh, chữ phúc của người xưa đã vậy, ngày nay cũng vậy. Nói chung, hạnh phúc là đồng tình giữa con người và cuộc sống, bắt đầu từ cuộc sống của chính mình, sau đó mới đến niềm vui trong một nhân gian không toàn thiện, một không gian không hoàn mỹ và một thời gian không vĩnh viễn.
Viết về hạnh phúc, mình phải hạnh phúc, may ra mới mang đến cho người đọc một thoáng êm ả của trần gian…
Lá non đã xanh rờn mặt đất
Mùa xuân đang nói về hạnh phúc
Cảnh chim bay trên sông núi lạ lùng
Giữa ngàn cây
Gội sương giá tình yêu đến
Mùa Xuân, 1977
Hạnh phúc trên ba tọa độ: thiên nhiên - đất nước - tình yêu. Hạnh phúc muôn đời, trong và ngoài lịch sử và trong khoảnh khắc lứa đôi.
Hạnh phúc, niềm vui riêng của từng người có lẽ cũng tùy dân tộc và thời đại. Người Việt hôm nay, sau những gian truân, không thể nói hạnh phúc chung chung, hồn nhiên, bình thường, như con người nơi khác.
Sau Cách mạng Pháp 1789, trên diễn đàn Quốc Dân Đại Hội, ngày 4/3/1794, Saint Just đã có câu tuyên bố để đời: hạnh phúc là một tư tưởng mới tại Âu châu. Không phải là trước đó, người Âu không biết hạnh phúc, nhưng phải đợi đến thế kỷ 18 khái niệm này mới được phổ biến, tranh luận rộng rãi, như một đối tượng trong đời sống của từng cá nhân hay công dân. Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ngày 4/7/1776 đã đòi hỏi hạnh phúc như một quyền cơ bản của con người. Tiêu ngữ độc lập - tự do - hạnh phúc xuất hiện từ 1945 tại Việt Nam, và chữ hạnh phúc, từ đây trở thành một lý tưởng chính trị, bên cạnh ý nghĩa thường tình mà nó vẫn có - nhưng chỉ vài ba mươi năm về trước.
Trước đó, ta có chữ hạnh và chữ phúc nhưng không có danh từ hạnh phúc. Cả hai khái niệm hạnh và phúc đều là những điều may mắn, tốt đẹp đến từ bên ngoài. Quyền họa phúc trời tranh mất cả (Cung oán ngâm khúc); còn từ kép hạnh phúc là một cảm nhận nội tâm và chủ quan, dù cần hoàn cảnh khách quan yểm trợ. Ví dụ ta nói con hơn cha là nhà có phúc; nhưng chắc gì đã hạnh phúc.
Nội hàm hiện đại của từ hạnh phúc du nhập từ Âu Tây, qua Trung Quốc, đến Việt Nam đã thay màu đổi sắc. Ở phương Tây, nó thừa hưởng tư tưởng Hy Lạp và Thiên Chúa giáo; đến Việt Nam nó chịu ảnh hưởng Lão Trang và Phật giáo, thêm phần hồn hậu dân gian.
Từ lâu đời, Đông phương có truyền thống đi tìm an tịnh cho tâm hồn. Thậm chí đây còn là điều cốt lõi trong hiền triết phương Đông.
Vào thời bình minh của văn học nước ta, thơ văn thời Lý của các thiền sư rạng ngời hạnh phúc, là việc đương nhiên. Vì là thơ Thiền. Đến đời Trần, danh tướng Trần quang Khải, trong hai bài thơ Xuân, đã đạt tới hai câu kết: Đè nghiêng ngọn giáo đọc thơ chơi - Vỗ thanh gươm cũ nhớ non xưa (bản dịch Ngô Tất Tố), chí khí hào hùng mà thần thái thanh tịnh, có thể xem như là hình ảnh hàm súc, uyên áo của hạnh phúc.
Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là những bài ca hạnh phúc: Núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khứa, nguyệt anh tam (em); niềm vui của bậc cao nhân, chan hòa trong trời đất và xã hội. Thơ chữ Hán cũng diễn tả niềm vui đó:
Trại đầu xuân độ
Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên
Xuân Diệu dịch thần tình:
Cỏ xuân đầu bến xanh như khói
Thêm hạt mưa xuân nước vỗ trời
Đường nội vắng xa hành khách ít
Thuyền côi gác bãi suốt ngày ngơi
Bài thơ tả cảnh ông lái đò ngày xuân, không hiện thực. Vắng khách là ông lái thất thu, phải làm việc khác để sinh nhai, chứ không thể gác thuyền ngủ suốt ngày. Nhưng thơ hay, sâu sắc vì dự phóng giấc mơ hạnh phúc của tác giả; giấc mơ có thiết tha, sâu sắc mới đưa đến một nguyên tác hay như thế, hay từ hình ảnh đến nhịp điệu, âm thanh. Và Xuân Diệu phải tâm đắc và hạnh phúc lắm mới dịch hay như thế, nhất là câu cuối, một chuỗi âm thanh quyện vào nhau, dìu dặt, dắt diếu nhau đến một chữ ngơi cuối câu, hiếm hoi, thảnh thơi, tuyệt cú. Đọc hằng trăm trang luận bàn hạnh phúc, không sướng bằng gặp một chữ “ngơi” nơi Xuân Diệu hạnh phùng Nguyễn Trãi.
Nhưng người xưa, bên cạnh niềm vui lớn chan hòa trong trời đất, có khái niệm gì về niềm vui riêng lẻ giữa đôi lứa, trong gia đình, như ngày nay ta thường hiểu hai chữ hạnh phúc? Nhất định là có, như khi người cung nữ sống lạnh lẽo trong vách quế đã mơ ước cuộc đời bình dị, nhưng đầm ấm với chồng con:Lau nhau ríu rít còn con cũng tình (Cung oán ngâm khúc, câu 296). Mỗi chữ, mỗi chữ nôm na, dân dã, đều gợi hình, gợi cảm, líu ríu gọi về một cảnh sống cụ thể cục kịch nhà quê (câu 299), ngày nay ta gọi là hạnh phúc.
Thế hệ văn thơ được gọi là tiền chiến quan tâm nhiều đến khái niệm hạnh phúc, tiêu biểu là Huy Cận, trong tập Lửa thiêng:
Hạnh phúc rất đơn sơ
Nhịp đời đi chậm rãi
Mái nhà yên bóng trưa
Ong hút chùm hoa cải.
Chỉ trong hai mươi từ, Huy Cận đã nói rất nhiều, dường như trọn vẹn về hạnh phúc - trước tiên là quan hệ êm ả với thời gian, nhịp đời đi chậm rãi. Khổ nạn lớn nhất của người đời, và đời người, là niềm hoảng hốt trước thời gian, giằng xé, tàn phá, bôi xóa. Nhưng nguyên lý của cuộc sống, thời gian lại là yếu tố của hạnh phúc, làm nảy mầm, sinh lộc, đơm hoa, kết trái.
Nguyễn Khuyến đã mô tả tài tình hạnh phúc của thời gian trong hôn phối với không gian:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Sau này Huy Cận cũng đã ghi được âm sắc của thời gian qua một hình ảnh tuyệt vời.
Về đâu những bước thời gian đã
In dấu mong manh trên cánh đào?
Thi nhân đã lắng được hạnh phúc của trần thế qua sắc độ phôi pha của thời gian.
Hạnh phúc còn là quan hệ đẹp với không gian, tiêu biểu là mái nhà, yên và ấm trong bóng trưa. Và hoa cải nữa chứ. Người ta trồng cải không phải để lấy hoa, nhưng được một vồng hoa, là được thêm giá trị thặng dư. Phải chăng hạnh phúc là phần thặng dư của cuộc sống? Màu vàng hoa cải sang tươi, đơn sơ và hiền hậu trong vườn, vườn bạn, vườn tôi, vườn nghèo, vào một ngày chớm đông se lạnh:
Con ong, đan kết không gian và thời gian, biến nhụy hoa thành mật ngọt, vừa là quy luật, vừa là phép lạ.
Mật ngọt là kết tinh của hạnh phúc trần gian.
Mấy câu thơ nói trên nằm trong bài Hối hận, không có trong Tuyển tập thơ Huy Cận, 1986. Thơ tuyển, cho dù của Huy Cận, không phải bao giờ cũng hạnh phúc.
Nhà thơ Pháp Aragon có câu thơ nổi tiếng, nhờ Jean Ferrat phổ nhạc và hát: Ai nói hạnh phúc, đôi mắt thường trầm buồn, vì chữ hạnh phúc thường gợi lại nguồn thương đã qua, niềm vui đã tắt, rười rượi âm hưởng u hoài.
Người Việt Nam, sau hai cuộc chiến tranh dài, lại trải qua những gian nan, xiêu lạc. Nói đến hạnh phúc, không khỏi ngỡ ngàng. Trong chiến tranh, miền Nam cũng như miền Bắc, giữa muôn ngàn thất bát, bên ngoài chính kiến, hạnh phúc là gì? Không đặt câu hỏi đó là bạc tình.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý, phóng viên chiến trường, đã hy sinh tại mặt trận Quảng Nam ngày 8/3/1969, trước khi mất, bà còn viết: May mắn tôi được có mặt, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng vui kỳ lạ. Chồng bà, nhà thơ Bùi Minh Quốc, cùng chiến đấu trên một địa bàn, đã có Bài thơ về hạnh phúc làm ngay sau đó:
Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra
Hạnh phúc nơi đây là cùng thực hiện một nhiệm vụ, không quản ngại an nguy.
Rồi chợt đến một cảm xúc nhẹ thoáng:
Trong một góc vườn cháy khét lửa na-pan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
Và em gọi đó là hạnh phúc Hạnh phúc bất ngờ, lung linh một đóa hoa vàng, mong manh nhành hoa cúc, e dè, từ tốn.
Làm nhớ niềm vui của Quang Dũng, nơi một chiến trường khác, đồng bằng sông Hồng,1954:
Nhớ một con đường biên giới
Nằm chờ giặc qua
Mũi súng kề bên cành cúc dại…
(Bài Nhớ những mùa xuân, 1954, in trong giai phẩm Xuân 1957, Nxb. Văn Nghệ, Hà Nội, tháng 1/1957, nay mới thấy lại trong Tuyển tập mới).
Hay một nhành hoa nghệ, trên chiến hào giữa Điện Biên dữ dội, trong thơ Nguyễn Đình Thi:
Ồ lạ, khắp mặt đồi đen trụi,
Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng.
Đóa hoa nghệ, 1954.
Bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, thì hạnh phúc vẫn đơn sơ, như ai đó một lần đã nói. Nhưng đơn sơ mỗi nơi, mỗi lần mỗi khác. Luận bàn từ đông sang tây, từ cổ chí kim, không khó. Nói về một chùm hoa cải, một nhành cúc dại, hay một đóa hoa vô danh nào đó, khó hơn.
Trong định nghĩa nào đi nữa, hạnh phúc cũng tiềm tàng một cơ bản đạo đức. Chữ hạnh, chữ phúc của người xưa đã vậy, ngày nay cũng vậy. Nói chung, hạnh phúc là đồng tình giữa con người và cuộc sống, bắt đầu từ cuộc sống của chính mình, sau đó mới đến niềm vui trong một nhân gian không toàn thiện, một không gian không hoàn mỹ và một thời gian không vĩnh viễn.
Viết về hạnh phúc, mình phải hạnh phúc, may ra mới mang đến cho người đọc một thoáng êm ả của trần gian…
Tết dương lịch 2016
Đặng Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét