Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) là bậc khoa bảng lớn, ba lần đỗ đầu
cả ba cấp thi: Giải nguyên (thi Hương 1864) rồi Hội nguyên, Đình nguyên (trong
năm 1871).
Nguyễn Khuyến có tới mười bài thơ chữ Hán mang chủ đề dạy
con, đều viết sau khi ông cáo quan về Yên Đổ, khi các con ông đã bắt đầu bước
vào con dương khoa cử như ông ngày xưa. Dạy con cũng chính là nỗi lòng người
trí thức lớp trước tâm sự chí hướng, bàn giao nghĩa vụ với lớp đi sau.
Nỗi niềm trí thức về mối tương quan giữa mình với đời, về
phép xuất xử, về danh, về chí… thời nào chẳng có. Nhưng không phải ai cũng
thích bộc lộ, càng không dễ bộc lộ hết, bộc lộ rõ.
Nguyễn Khuyến đã dùng thơ chữ Hán để kín đáo, ít quảng bá
hơn, mà vẫn tìm đúng tri kỷ nhưng đây là thơ dạy con, dặn con, nhớ con, gửi cho
riêng con, không thể không nói hết.
Nguyễn Khuyến vốn là người nặng nghĩa cha con. Ông cáo quan
thì con mới bắt đầu hoạn lộ, bao điều thiêng liêng, gan ruột, tích chứa trong cả
đời người lận đận, gian lao, ông muốn trao cả cho con, giúp con hành trang để
vào đời.
Lời ngắn gọn mà sâu sắc, ý bình dị mà thiết thực gần đời,
giàu tính khả thi… Trong mười bài ấy chỉ có một bài ông tự dịch ra thơ Nôm -
Ngày xuân dặn các con:
(…)
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ
(…)
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ
(…)
Bài thơ viết sau ba năm cáo quan. Ông đại khoa tự thấy chữ
nghĩa đã thành vô tích sự. Học vị, học hàm nghĩ càng thêm thẹn. Nước loạn lạc,
người cùng đường, xuân về sao lơ láo ngất ngơ. Hai câu kết như tiếng thở dài,
trách con, dặn con mà đau đớn ở lòng mình:
Cha không biết làm gì để đền cho năm tháng đời mình đang vô vị
trôi đi, mà sao con đàn hát say sưa thế. Ông đại khoa này không chỉ cáo quan mà
cáo hết các thú vui xa lạ với dân tình dân cảnh. Có lần tả Hội thăng bình, Quốc
khánh Pháp, ông mở đầu:
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
Kìa là đứng xa mà nhìn, đứng ngoài mà tả, thân mình không
dính gì vào cái hội ấy. Trong chữ bao nhiêu nghe rõ một giọng chì chiết, thấy
rõ một cái bĩu môi.
Với Nguyễn Khuyến, không làm được gì cho dân nước khỏi cơn bĩ
vận thì có danh cũng chỉ là danh hão, “Mayra hơn được đứa ăn mày”, mà
xét thực lực, thì tài năng còn kém cả thằng đi ở (Phù danh hữu hạnh do tiên cái/ Thực lực phi tài thượng nhượng nô).
Nhà trí thức Nguyễn Khuyến có một ưu điểm là biết “tự xấu hổ”.
Có được những câu thơ ấy là một sự đối diện với lòng mình quyết liệt lắm.
Ông còn viết Kẻ thù còn đó chưa dám đọc kinh Xuân Thu (Hữu cừu
vị cảm độc Xuân Thu) Khổng Tử viết kinh Xuân Thu ca ngợi nhà Chu đả kích phản
nghịch. Nguyễn Khuyến tự thấy mình chưa làm được việc ấy, nên không dám đọc
Xuân Thu. Sự tự xấu hổ đối với kẻ sĩ bao giờ cũng là cần thiết. Vì đám người
này vốn lắm lý sự lấp liếm, ngụy biện.
Hỏi con: “Sao con đàn hát vẫn say sưa” là một cách
đánh thức sự xấu hổ trí thức.
Nỗi lòng dân nước thường trực trong lòng Nguyễn Khuyến, nhưng
không phải để cao đàm khoát luận. Ông đại khoa này rõ lắm cái nhược điểm phổ biến
của các ông được tiếng là trí thức ở cái bệnh dông dài, nói thì nghe hay nhưng
chẳng dùng được vào việc gì.
Ông khuyên con: “Học hải yếu nghi phòng phiếm dật” (Bể học
cần nhất là đừng phù phiếm). Phù phiếm là học lấy danh chứ không phải lấy kiến
thức giúp đời. Bề bề tiến sĩ, giáo sư, nhưng không thêm cho đời được củ khoai
cái bắp, ăn hại đái nát.
Nguyễn Khuyến từng có thơ lỡm cái lũ tiến sĩ giấy này “Tưởng rằng
đồ thật hoá đồ chơi”. Cũng phải từ một kinh nghiệm thực học mới có lời khuyên ấy,
mới có cách học ấy.
Và lời khuyên tiếp theo là cả một kinh nghiệm sống của người
trong cuộc “Nho gia thận vật yếm cơ hàn” (Nhà Nho nhất thiết chớ ngại đói rét).
Với Nho gia nghĩa rộng là với những người có học, thì điều quan trọng nhất là
không được sợ đói rét. Đói rét thì ai chả sợ, nhưng Nguyễn Khuyến đã nghiệm thấy
loại người đệ nhất sợ đói rét là đám trí thức.
Người lao động thô sơ sợ đói rét thì bán cơ bắp, anh trí thức
sợ đói rét thì bán trí thức, bán tâm hồn. Coi “không sợ đói rét” là tiêu chuẩn
đầu tiên của trí thức là kinh nghiệm thời cuộc thực tiễn của ông tiến sĩ cáo
quan này.
Đọc thơ, thấy Nguyễn Khuyến cáo quan không dễ dàng chút nào,
nhiều cân nhắc đắn đo lắm. Nhưng ông đã vượt qua được, rời bỏ được cõi đặc quyền
đặc lợi, vì - nghĩ cho cùng - biết xấu hổ (Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo
vai nhọ khác chi thằng hề).
Nguyễn Khuyến dạy con từ kinh nghiệm bản thân trong thực tiễn
thời cuộc ấy. Ông từ quan thì con lại ra làm quan. Ông không phản đối mà mừng,
nhưng ông vẫn kịp cảnh báo: “Danh cư quá mãn ưu tăng tiết” (Danh tiếng nếu
quá lừng lẫy e lấn át mất khí tiết) nghe như nghịch lý, sao lại đối lập
danh với tiết.
Danh tiết thường đi với nhau kia mà. Nhưng biện chứng của đời
là vậy đó. Danh là cái bóng của người. Nhưng danh lẫy lừng quá, người dễ thành
cái bóng của danh, nó bắt người khóc cười theo cái vai hư ảo của nó, chứ không
còn theo nhu cầu của người nữa.
Kẻ sĩ mãi giữ mặt, sĩ diện, là cái người đời trông thấy, mà
quên giữ lòng, giữ chí là cái khuất sau nhưng lại thật là mình.
Trong một bài khác, ông lại đưa ra cân nhắc: Trong sự học, điều
đáng quý là ở chỗ nào. Nếu chỉ giành cái tiếng tức là mất chí hướng. Danh tiếng
là quý. Nguyễn Công Trứ chẳng từng phấn đấu “Phải có danh gì với núi sông” đấy
thôi. Nhưng danh tiếng cũng chỉ là cái áo mặc ngoài của chí hướng. Chẳng lẽ vì
áo quần mà chịu mất hình hài.
Đời người có những lúc ngặt ngòi. Nhưng chỉ có thể chịu người
đời rẻ rúng ta, chứ ta mà cũng khinh ta nữa thì không còn lý do tồn tại. Ông
già Nguyễn Khuyến đi hết vòng khoa bảng, nổi tiếng hay chữ một thời, lại khuyên
con một cách nhìn cái danh cái tiếng như vậy, thật thâm trầm và thực tiễn.
Ông lại khuyên: “Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo” (Bể
hoạn sóng gió chỉ nên chèo với tấm lòng coi nhẹ). Thời ấy, kẻ sĩ muốn giúp đời
chỉ có cách làm quan nhưng “Được làm quan rồi mới biết làm quan khó”. Thăng -
giáng không mấy ai tránh được. Bận tâm về chuyện cao thấp cái chỗ mình ngồi thì
suốt đời lo âu, tự mình làm khổ mình và tiêu tan chí hướng.
Nguyễn Khuyến chắc không nhằm khuyên đạo đức khiêm cung của
thánh hiền ở đây mà ông khuyên con cách sống tự bảo vệ mình. Ông chả từng mừng
rỡ khi cáo quan về nhà thấy mình vẫn còn là mình, đó sao. Còn mình là còn cả.
Vì “Xưa nay phong hội đâu là cuối?/ Vương bá công danh chỉ việc thường”. Vận hội
còn đổi thay, vương bá này đâu phải vĩnh viễn. Nguyễn Khuyến buồn nhưng không
bi quan là vậy. Ông dùng nhận thức quy luật để thắng tình thế, để bảo vệ nội lực.
Tâm hồn ông còn trò chuyện, còn khuyên nhủ được với chúng ta
hôm nay chính nhờ nội lực ấy. Ông mỉa mai sách vở là để cười chua chát cái thân
phận mình chứ có bao giờ ông coi thường sự học.
Ông theo từng chặng học hành của con, nhẩm theo con từng ngày
đường đất đi thi. “Bấm đốt con ta đường vào Huế/ Sáng nay chắc đã quá Đèo
Ngang”.Ông vẫn mong ước “Sắp già ta đã về vườn cũ/ Vui ngóng bào hoa con
được ban”.
Nguyễn Khuyến có tới ba bài thơ "Ngày xuân dặn
con". Những lời khuyên buổi đầu năm mới, quả có nhiều ngẫm nghĩ thuộc vào
những tổng kết sơ kết mỗi đời người. Tài sản ông bàn giao lại cho con chỉ có
hai thứ:
Chín sào tư thổ là nơi ở
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.
Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà.
Chín sào đất ở để con an cư và một bó sách nát để con lạc
nghiệp. Ông coi trọng chữ nghĩa biết chừng nào. Nhưng ngay sau đó ông lại
khuyên con:
Các con nối chí cha nên biết
Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà.
Các con nối chí cha nên biết
Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà.
Đây không phải như bài hát mẫu giáo dạy trẻ yêu chú công
nhân, cô nông dân, để tỏ vẻ yêu lao động, mà là một phong cách sống trọng thiết
thực, chống lại cái cố tật lông bông phù phiếm của các ông kẻ sĩ hết gạo chạy
rông.
Nguyễn Khuyến biết ơn sợi tơ, hạt gạo nuôi mình cái mặc, cái
ăn, ông cũng hiểu nghiệp thi thư là khó, (từng thi trượt tới sáu bảy lần thì thấm
thía quá chứ), và người có tri thức là người đáng trọng.
Điều ông nhắc đi nhắc lại trong các bài thơ dạy con chỉ là phải
có đóng góp thiết thực cho cuộc đời. Muốn thế phải học kiểu nào, sống thế nào,
xử trí thế nào để hài hòa danh - tiết, lợi - chí.
Nguyễn Khuyến không sách vở, ông tự đúc kết từ đời mình mà
khuyên nhủ các con. Lời khuyên do vậy thân gần, thiết thực nhưng lại là nền
móng cho con cái, rộng hơn cho kẻ sĩ nhiều đời, lập thân, lập nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét