Ba bức tranh cho bài thơ nhỏ*
(Bình chú bài thơ “Tĩnh lặng, 29” của Mai Văn Phấn)
Maivanphan.com: Thưa các bạn yêu thơ, “Sấu Mã” là nickname của
một Nhà giáo - Nhà phê bình văn học hiện vẫn muốn ẩn danh trên Facebook. Ông đã
viết nhiều ý kiến luận bàn sâu sắc và rất gợi mở về bài thơ liên khúc “Tĩnh lặng”
của MVP. Các bạn yêu thơ có thể đọc những
ý kiến khác của bạn thơ Sấu Mã tại đường link này!. Hôm nay bạn thơ Sấu
Mã đã luận bàn (comment) tiếp bài thơ "Tĩnh lặng" thứ 29. Chúng tôi
xin phép Sấu Mã được đăng comment của ông thành một bài bình chú độc lập để bạn
yêu thơ không dùng Facebook có dịp “thưởng lãm”. Xin trân trọng
cảm ơn bạn thơ Sấu Mã!.
Tĩnh lặng
29
Lối lên bờ
Doi cát
Những vỏ sò
Cúi đầu trong sóng vỗ
Dáng hải âu bay
Hay vừa đậu
Tựa chân trời gợn tấm lưng
Người nằm sấp
Gió biển thổi
Dính tôi vào vạt áo
Rồi căng phồng
Cơ thể tôi ở giữa
Là chiếc lõi
Hạt đắng
Của một trái ương.
Bài thơ thật giàu yếu tố tạo hình, gồm ít nhất ba bức tranh
được vẽ từ những góc nhìn khác nhau. Bức thứ nhất (khổ 1) – nhìn từ ngoài biển
vào bờ; có hình tượng nổi bật là những vỏ sò “cúi đầu trong [tiếng] sóng vỗ”. Bức
thứ hai (khổ 2) – nhìn từ bờ ra biển; có “dáng hải âu bay” nhấp nhô, tựa nét gợn
tấm lưng người nằm sấp, làm sống động cả đường chân trời vốn kéo một đường thẳng
căng hay phác ra một vòng cung nhẹ. Bức thứ ba (hai khổ cuối) – “tôi” phân thân
để xoay vòng tự quan sát mình, ngắm mình từ các hướng, rồi thấy mình (cơ thể +
vạt áo) như một cánh buồm căng phồng hay như một “trái ương” giữa lồng lộng biển
trời. Mỗi bức tranh có thể tồn tại trong tư cách độc lập, nhưng ở đây, cả ba đã
liên kết với nhau rất đẹp trong cái nhìn hứng khởi và phóng khoáng của “tôi”.
Nhờ sự châu tuần của những hình ảnh, chi tiết như doi cát, vỏ sò và dáng hải âu
bay (được vẽ ra ở hai bức 1 & 2), “tôi” (được tạo hình trực tiếp trong bức
thứ ba) bỗng hình dung được rõ rệt vị trí “lõi”, “ở giữa” của cơ thể mình, để rồi
thuận theo đà liên tưởng, “thấy” nó là “hạt đắng” của một “trái ương”. Bài thơ
thấm đượm ý vị tự tôn một cách tự nhiên, hiền hòa, vì sự thật “tôi” chỉ có thể
thấy rõ mình hơn trong cuộc hòa nhập lớn với vạn vật và vũ trụ. Có một niềm hạnh
phúc toát ra từ tâm thế lắng nghe những gì đang chuyển hóa trong mình và trong
cái không gian ôm mình vào giữa. Phải là “hạt đắng” và “trái ương” thì ý niệm về
sự chuyển hóa, về hành trình chưa hoàn tất mới được làm nổi bật. Thử thay thế
chúng bằng “hạt thơm” và “trái chín” chẳng hạn, nỗi thôi thúc dào dạt của cả
bài thơ sẽ bị giảm đi đáng kể, dù phương án thay thế này không phải không có ý
vị riêng.
Huy Cận trong bài “Anh viết bài thơ” có hai câu: “Bát ngát lòng anh giữa trái đời/ Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi”. Rất có thể Mai Văn Phấn (MVP) đã nhớ đến chúng khi làm bài thơ này. Nhưng hình ảnh phảng phất gần nhau mà tứ lại khác. Một bên hướng tới xác định vị trí của cá nhân giữa nhân quần, tìm sự hài hòa giữa hai phạm trù “riêng”, “chung”, phù hợp với thế giới quan được gọi là “mới” thuở ấy. Một bên (MVP) hướng tới giải phóng cái tôi, bằng cách đặt nó vào những tương quan rộng hơn, mang tính vĩnh cửu, để nó không phải gò mình cho nhỏ bé lại, trong một dáng dấp “khiêm tốn” nhân danh sự “hòa đồng”. Từ một “chi tiết” nhỏ như thế, người đọc đã có thể nhận ra sự khác biệt trong thi pháp thơ từng thời kỳ, chưa nói đến nét độc đáo thuộc thi pháp sáng tác của riêng một tác giả cụ thể, như MVP.
Huy Cận trong bài “Anh viết bài thơ” có hai câu: “Bát ngát lòng anh giữa trái đời/ Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi”. Rất có thể Mai Văn Phấn (MVP) đã nhớ đến chúng khi làm bài thơ này. Nhưng hình ảnh phảng phất gần nhau mà tứ lại khác. Một bên hướng tới xác định vị trí của cá nhân giữa nhân quần, tìm sự hài hòa giữa hai phạm trù “riêng”, “chung”, phù hợp với thế giới quan được gọi là “mới” thuở ấy. Một bên (MVP) hướng tới giải phóng cái tôi, bằng cách đặt nó vào những tương quan rộng hơn, mang tính vĩnh cửu, để nó không phải gò mình cho nhỏ bé lại, trong một dáng dấp “khiêm tốn” nhân danh sự “hòa đồng”. Từ một “chi tiết” nhỏ như thế, người đọc đã có thể nhận ra sự khác biệt trong thi pháp thơ từng thời kỳ, chưa nói đến nét độc đáo thuộc thi pháp sáng tác của riêng một tác giả cụ thể, như MVP.
Đó là đọc đi. Khi đọc lại bài thơ, chậm hơn, tôi chú ý đến những
“dáng” riêng biệt mà tương đồng với nhau của các sự vật/ hình tượng chính: vỏ
sò cúi đầu, cánh hải âu bay tựa lưng người nằm sấp, cơ thể “tôi” giống một trụ
buồm… Tất cả đều gợi lên ý niệm về sự tồn tại có tính chất điểm tựa của những
gì thuộc phạm trù vật chất, hoặc thái độ lựa chọn một thế đứng bám chặt vào cuộc
đời. Chọn thế đứng ấy, “tôi” thấy tràn trề sinh lực khi mở lòng với bao la…
* Tên bài viết do Maivanphan.com đặt.
Banner Facebook Sấu Mã
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét