“Anh còn gì cho em” *
Thơ tình cuối thu của Vũ Quần Phương
Anh còn gì cho em
Tuổi thanh xuân qua rồi
Dăm câu thơ nhòa nhạt
Lá trong chiều thu rơi
Anh còn gì cho em
Cánh đồng sau vụ gặt
Phiên chợ khi vãn người
Ngọn đèn vừa cạn bấc
Bãi biển ngày nước lui
Anh còn gì cho em
Lỡ rồi không dám đợi
Buồn rồi không dám vui
Thuyền đã về bến ngủ
Biển mênh mông với trời
Anh còn gì cho em
Mặt trời lên chót đỉnh
Con đường trưa một mình
Anh đi trong bóng nhỏ
Bóng thu vào chân anh.
* Trong tập “Vết thời gian”
Vũ Quần Phương đặt tên bài thơ là “Không đề”
Vũ Quần Phương đặt tên bài thơ là “Không đề”
Lời bình của Nguyễn Thị Lan
Trong những bài thơ tình của Vũ Quần Phương, “Anh còn gì cho
em” là một bài thơ hay và buồn.
1. Thi phẩm không đề năm tháng nhưng có lẽ Vũ Quần Phương viết
khúc “hoài niệm” này khi anh đã bước sang tuổi “thu” của cuộc đời. Một câu thơ
đã mách bảo cho ta về tác giả: “Tuổi thanh xuân qua rồi”. Đời người lúc ấy
có thể nói đã quành sang khúc buồn, đã đi hết những nẻo vui, mà “nỗi buồn” thì “tan
lâu” như “con sông chảy chậm” trước khi đổ vào biển cả (ý thơ của
Vũ Quần Phương trong bài thơ “Cửa bể”)
2. Âm hưởng chủ đạo của bài thơ là buồn, nuối tiếc và nhớ. Buồn
dai dẳng, buồn đến tê tải. Thoảng ân hận, nuối tiếc: nuối tiếc cuộc đời, nuối
tiếc tình người, nuối tiếc tuổi trẻ. Và nhớ, bâng khuâng…
Dệt nên tâm trạng ấy là điệp khúc: “Anh còn gì cho em” vang
lên từ đầu đến cuối bài thơ có đến bốn lần. Mỗi lần lặp lại, theo sự phát triển
của tứ thơ lại mở ra một ý mới. Một câu hỏi tu từ, hỏi để khẳng định. Khi nhân
vật trữ tình tự hỏi: “Anh còn gì cho em”, thực ra đã khẳng định một điều
đáng buồn: Anh không còn gì cho em, bởi hiện tại chỉ còn hoang tàn, gãy nát,
nhòa nhạt, vắng vẻ, hiu quạnh. Hàng loạt những hình ảnh sinh động nhiều sức ám
gợi về sự vật, thời gian, không gian như: tháng ngày, câu thơ, lá thu,
cánh đồng, phiên chợ, ngọn đèn, bãi biển, đều chỉ sự lụi tàn ấy.
Không chỉ buồn, ở đây còn rưng rưng niềm tiếc nuối: một cánh
đồng từng có thu hoạch, một phiên chợ từng đông vui, một ngọn đèn từng
tỏa sáng, một bãi biển từng triều dâng… tất cả không còn nữa. Tất cả
đã qua rồi, vĩnh viễn qua rồi những tháng ngày tươi đẹp. Trong niềm nuối tiếc ấy,
ta còn “đọc” được sự thảng thốt khi “anh” đối diện với thời gian.
Không gì đau khổ bằng sự ân hận. Trong thơ của mình, Vũ Quần
Phương hay nói đến cái “lỡ”. Ở bài thơ này là lỡ đánh mất tình yêu, “lỡ” đánh mất
tuổi trẻ, “lỡ” để thời gian trôi đi, để rồi giờ đây nỗi buồn gặm nhấm cõi lòng
anh. Nếu hiểu như thế thì ở câu thơ “Anh còn gì cho em” không chỉ có
cảm giác nuối tiếc mà còn cả mặc cảm “có lỗi” khi người thơ nhìn lại tháng năm
qua.
Trong nghệ thuật múa, “lỡ” một nhịp sai cả bước nhảy. Trong
kiếp người, một lần “lỡ” có khi để suốt đời phải day dứt, bởi nói như nhà triết
học Hy Lạp cổ đại Đêmôcrit “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên cùng một
dòng sông”.
Chính mặc cảm “có lỗi” đã để “lỡ” ấy nên nhân vật trữ tình
không cho mình cái quyền được “đợi”, được “vui”; anh cố để cảm xúc ngủ
yên, an phận như con thuyền “đã về bến ngủ”, để lại “biển mênh
mông với trời”.
Nhưng vượt lên trên nỗi cô đơn ấy, “thằng người” trong bài
thơ đã cứng cỏi vượt lên chống chọi với số phận, ý thức được sinh phận nhỏ bé đầy
hữu hạn trước vũ trụ vô cùng, nó không ngã lòng dù “một mình” với
cái “bóng nhỏ”, “anh” vẫn “đi”.
Ngoài đời, Vũ Quần Phương là người sống giản dị, tình cảm,
hay buồn và hoài niệm, bài thơ làm ta quặn thắt vì vẻ đẹp và buồn của nó. Nó đẹp
như một kỷ niệm tốt lành và buồn như một bi ca. Vũ Quần Phương đã lấy cái đẹp
và buồn từ tâm hồn mình để đưa vào thi phẩm.
Người thi sĩ đa cảm ấy còn hiện lên như một người hiền lành
hơi nhút nhát, rụt rè, biết là “lỡ rồi”, “buồn rồi” nên “không
dám đợi”, “không dám vui”. Nhưng đằng sau vẻ rụt rè, hiền lành, rủ rỉ ấy
còn có một Vũ Quần Phương khác. Bài thơ như một khúc ca buồn bã nhưng nỗi buồn ấy
không bi lụy yếu đuối, nó làm trong lại hồn người. Nhân vật trữ tình - hiện
thân của tác giả với bản lĩnh và khát vọng đã vượt lên số phận để sống dưới ánh
mặt trời.
Gần như cả cuộc đời dành cho thơ và là nhà thơ được nhiều người
yêu mến nhưng Vũ Quần Phương nhận cái gia tài thơ ấy chỉ là “Dăm câu thơ
nhòa nhạt”. Đó là sự khiêm nhường đáng kính của một người không bao giờ tự mãn.
4. Bài thơ khá tiêu biểu cho phong cách thơ của Vũ Quần
Phương. Đó là cảm thức xao xuyến (angoisse); là nỗi buồn kín và sâu, lặng và thấm;
là sự nhạy cảm với “vết thời gian”; là giọng thơ thâm trầm nhỏ nhẹ mà thăm thẳm
mênh mang; là ngôn từ tinh tế, chính xác; là âm điệu hài hòa giàu phong vị truyền
thống; là những thi ảnh đẹp, hun hút một nỗi buồn xa vắng.
“Anh còn gì cho em” mang vẻ đẹp cổ điển. Thơ ấy sẽ có sức
sống lâu bền trong lòng người đọc. Thi phẩm sẽ được sự đồng vọng của nhiều người
yêu thơ, khi có một ngày nào đó chợt ngoảnh lại tháng năm xưa.
Nguyễn Thị Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét