Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Quê thiêng - Một bài thơ hay, vì giản dị

Quê thiêng - Một bài thơ hay, vì giản dị
Quê thiêng
Quý trọng tặng 
người xứ Quảng ở khắp mọi ngả đời
những biền dâu xanh ngát
những lọn tơ óng vàng
và sông Thu dào dạt
đã làm nên hồn tôi.
dù đi bốn phương trời
vẫn nhớ về quê cũ
mảnh đất lành phên giậu (*)
rạng hồn thiêng tổ tiên.
sông núi bao người hiền
quật cường bầu máu nóng
thơ vượt qua lệ bỏng
thành thanh khí nghìn năm.
lòng như ánh trăng rằm
xuyên màn đêm danh lợi
thẳng ngay nào phải tội
pháp trường đầu ngẩng cao.
mạch sống luôn dâng trào
đất nghèo người hiếu học
tre chưa già măng mọc
mắt không rời tương lai.
tạ ơn con sông dài
chảy vào lòng thương nhớ
hồn quê như ngọn gió
thao thức suốt đời ta.
Tiết Hàn lộ - Mậu Tý - 2008
(*): trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi đã từ gọi vùng đất
Quảng Nam xưa (Hóa châu) là “phên giậu phía Nam của Tổ quốc”.
Tần Hoài Dạ Vũ
Một bài thơ hay, vì giản dị 
“Sông thiêng”, “núi thiêng”, cách gọi này đã quen. Ở đây, nghĩa của từ nằm trong sự đối nghịch  - thống nhất của hai yếu tố vật chất và tinh thần. Nhưng “quê thiêng”, thì dường như là cách nói hơi… lạ. Và mới.
Quê, ở đây, hẳn nhiên không phải là quê quán (cụ thể quá). Cũng không phải là quê hương (có phần trừu tượng) hay quê nhà (hơi thực thà và chật hẹp). (Tất nhiên, những “liệt kê” vừa dẫn chỉ là sự so sánh tương đối, như hầu hết mọi đối chiếu khác. Bởi vì, nghĩa và ý của mỗi một từ sẽ biến hóa theo từng ngữ cảnh. Và đó cũng là lý do để ngôn ngữ tồn tại - phát triển, trong đó có sự đóng góp của các nhà thơ). “Quê thiêng”, là cách nói vừa cụ thể vừa gợi mở, trong ý niệm chiếm lĩnh thời gian - lịch sử, cách nói mà chỉ có thơ mới có khả năng đạt đến.
những biền dâu xanh ngát/ những lọn tơ óng vàng/ và sông Thu dào dạt/ đã làm nên hồn tôi. Khổ thơ mở đầu của bài thơ Quê thiêng là một sự… vô lý: những hiện tượng thiên nhiên và những sự vật khách quan không thể tạo tác nên các khí quan nhận biết của sinh - vật - người, nếu nhìn ở thời điểm cái - gọi - là “hồn” này được sinh ra. Nhưng hãy nghe tác giả chứng minh sự vô lý này bằng một diễn trình không - phi - lý: dù đi bốn phương trời/ vẫn nhớ về quê cũ/ mảnh đất lành phên giậu/ rạng hồn thiêng tổ tiên. Ở đây, cái “hồn” cá thể đã hóa thành thời gian - ký ức của một lịch sử thấm đẫm hơi thở đời sống của cả cộng đồng người Việt trải suốt chiều dài dựng nước - giữ nước. Đến đây, thì câu hỏi vì sao quê lại “thiêng” đã được hiển lộ: cuộc đấu tranh để tồn tại của bao thế hệ cha ông đã thổi vào những núi những sông kia sự sống của người. Thực ra,về đặc điểm địa lý, vùng đất mới Quảng Nam không “dễ sống” đối với những lưu dân mới đặt chân đến nơi đây, nhưng những điều kiện khắc nghiệt về nhiều mặt thuộc khu vực này đã dần trở nên “ lành” hơn dưới tác động của những chủ nhân mới. Hay nói khác đi, đất hóa “lành”, chính là do tình yêu của con người đã gửi trao cuộc đời vào đất.
Trong câu thơ thứ ba, của khổ thơ thứ ba, (thơ vượt qua lệ bỏng), ta có thể nghe tiếng gươm khua một thời đi mở cõi cách nay khoảng 500 năm, và ta có thể thấm tận ánh rực rỡ và sự đớn đau của bao thế hệ tiền nhân. Để làm gì? Không phải cho riêng ai, mà, để làm nên cái tính cách, cái hào khí của người Quảng Nam: sông núi bao người hiền/ quật cường bầu máu nóng/ thơ vượt qua lệ bỏng/ thành thanh khí nghìn năm.
Hai khổ thơ tiếp theo là sự phát triển của bài thơ trong quá trình miêu tả những đặc điểm và khí chất của đất và người, gắn với lịch sử, được nhấn mạnh bởi những sự kiện lịch sử cận đại: lòng như ánh trăng rằm/ xuyên màn đêm danh lợi/ thẳng ngay nào phải tội/ pháp trường đầu ngẩng cao./ mạch sống luôn dâng trào/ đất nghèo người hiếu học/ tre chưa già măng mọc/ mắt không rời tương lai. Nếu phải nói rõ hơn, đấy chính là những sự kiện về bao con người đầy khí tiết mà điển hình là cái chết của Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân…, về lục phụng bất tề phi và cả ngũ phụng tề phi…
Hai câu thơ sau (khổ thơ thứ năm), về mặt vận động trong khi sáng tác bài thơ, có thể xem như câu thơ “dẫn lưu” hơi sớm, để đi đến cái kết của toàn bài. Nhưng về mặt nội hàm tư tưởng, tự dưng, hai câu thơ này bỗng trở thành dự phóng của ý thức cộng đồng: “tre chưa già măng mọc/ mắt không rời tương lai”. Ở hai câu thơ có vẻ không đáng chú ý này (về mặt ngôn ngữ nghệ thuật), có thể tin rằng, Tần Hoài Dạ Vũ cũng không cố ý trình bày điều tôi vừa thử giải mã. Nhưng đấy chính là niềm hạnh phúc của thi sĩ: sự ban tặng từ Tự Nhiên cho những giây phút bay bổng trong quá trình sáng tạo. Nói thế, là để trở lại với cái từ “quê thiêng”: khi một cá thể đã gửi trọn tâm hồn cho mảnh đất mình yêu thương gắn bó thì anh linh của tiên tổ, hồn thiêng sông núi sẽ hiện ra như ánh phản chiếu dịu dàng trên đời cá nhân ấy.
Và cái gọi là “đời ta” ở câu thơ kết thúc, cái TA ấy, không còn là cá thể, mà chính là đời sống của cả một cộng đồng đã sinh ra, lớn lên, sống và chết với mảnh đất này: tạ ơn con sông dài/ chảy vào lòng thương nhớ/ hồn quê như ngọn gió/ thao thức suốt đời ta. Chính vì thế, “tạ ơn con sông dài” không chỉ là tấm lòng hướng về dòng Trường Giang kia và tất cả những gì nằm trong vùng đất với phía Bắc là đèo Hải Vân, phía Nam là Dốc Sỏi, mà đã “vượt địa giới” để đến với một thực thể rộng lớn hơn: Đất và Người Việt Nam.phía Nam là Dốc Sỏi, mà đã “vượt địa giới” để đến với một thực thể rộng lớn hơn: Đất và Người Việt Nam.phía Nam là Dốc Sỏi, mà đã “vượt địa giới” để đến với một thực thể rộng lớn hơn: Đất và Người Việt Nam.
Về mặt hình thức thi ca, trừ hai từ “lệ bỏng” ở khổ thơ thứ ba, bài thơ không có những “từ hay”, theo cách hiểu quen - và - cũ. Xuyên suốt cả bài thơ, là một thứ ngôn ngữ như lời nói bình thường, mà thực chất, đó chính là vẻ đẹp của khái niệm “đạm” trong nhận thức thẩm mỹ của nhà phê bình văn học nổi tiếng Viên Mai (Trung Quốc): cái “đạm” sau khi đã “nồng”. 
Sẽ không bao giờ vắng bóng những con người sống trong niềm khát vọng hướng về cái Đẹp, cái Đúng; và luôn đấu tranh cho lý tưởng ấy. Quê thiêng, như thế, là một tình - yêu - thao - thức. Của trách nhiệm công dân.
Và xa hơn, có thể, đấy là những tiếng động thấp thoáng, vọng lại - gửi đến, từ tình yêu về một mùa - xuân - vĩnh - cửu. Của con người.
Nguyễn Đông Nhật
Theo http://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...