Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Biển - Niềm mơ của nghệ thuật

Biển - Niềm mơ của nghệ thuật 
Những thời khắc phản chiếu
T
rong một bộ phim khoa học có thí dụ, con người từ ngàn năm nghe nhìn thiên nhiên khiến được hòa vào thiên nhiên, nay họ nhìn đồng hồ, mối quan hệ này diệt mất. Những khám phá mới nhất của khoa học cho thấy mối quan hệ tương tác mật thiết giữa con người và tự nhiên; theo đó con người (trong chỉnh thể tâm/ sinh lý) luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường xung quanh. Một khi Mẹ Thiên Nhiên không được nuôi dưỡng và yêu thương như con người yêu thương nuôi dưỡng chính bản thân mình - là khởi sự cho những bất ổn hoàn cầu. Văn chương đích thực chưa bao giờ vượt khỏi tính nhân bản vốn có của nó, khơi gợi lòng trắc ẩn, nhắc thức con người trở về nguồn cội - ấy là cuộc hòa cùng đại dương vũ-trụ, cũng là sự kết nối với nguồn năng lượng siêu nhiên một khi con người trở về với bản tánh ngây thơ trong sáng và càng thấy mình nhỏ bé vô chừng trước vô biên.
Biển là không gian của nhiều tác giả thể hiện khát khao bơi ra biển văn chương, bơi giữa biển nghiệp thức của mình để nhận ra một điều gì đó thẳm sâu và đôi khi rợn ngợp. Một góc trời lồng lộng được phản chiếu thông qua những thể loại nghệ thuật phiêu phóng, rực rỡ huyền nhiệm. Một tổng thể thiên nhiên mộng mơ đến kỳ ảo. Một nơi với những bờ cong trác tuyệt, với dòng gương như ngọc bích; với đoàn thuyền vươn khơi khi ánh nắng chiều tỏa rạng mặt đầm vời vợi. Nơi của khói sương bồng bềnh, của những cánh cò đậu xuống như giấc mơ tự thuở biển hồng hoang… Tôi nhớ truyện ngắn Mở mắt ra, nhắm mắt lại của tác giả Đỗ Quang Vinh. Người cha là một ngư dân nửa cuộc đời trên biển, luôn khuyên con mình buông xuống mọi ý niệm, buông mình xuống mặt biển như một chiếc lá khô và gió và sóng sẽ đưa ta về nơi cần muốn. Người con luôn khát khao bắt biển; là khát vọng ngầm chinh phục vùng tâm thức mênh mang vô tận mà ngay khi mở mắt hay nhắm mắt cá nhân ấy vẫn luôn thấy mình mong manh quá chừng. Và biển có những thứ mà hiếm ai trên đời biết được khiến tất cả mọi thứ trở nên mơ hồ; trong lúc tâm ý con người luôn là một chuỗi biến hóa khôn lường, chỉ khi động dường như ta mới cảm thấy an song đó là cái an huyễn ảo trong biển xoáy cuộc đời.
Biển là vùng trời ký ức của muôn sau. Biển như tấm gương soi sự lãng mạn cuộc đời. Biển mênh mông trong tâm hồn người, cũng đôi khi con người tách mình ra để chiêm nghiệm về nỗi cô đơn và xem biển như một người bạn sẻ chia những điều khó nói cùng ai. Tác giả Tô Vĩnh Hà lùi mình quan sát, cô đơn giữa Hoàng hôn biển và chợt thấy mình già đi trong lúc từng tế bào đang trẻ hóa bởi ánh mắt của bóng xuân thì. Với Lễ hội ăn mày, nhà văn Hồng Nhu mở đầu bằng một nghi lễ sơ khai dâng lên Thủy thần. Và suốt dọc chiều dài của truyện, nhân vật của ông bải hoải bơi ngược trên dòng duyên phận. Con người một khi thông dự vào cõi trần ai, chính là nhân tại mê trung, cảm mà không ngộ tiền duyên tồn lại qua tiền kiếp.
Câu chuyện lạ thường dẫu nó là sự phản chiếu của hiện thực đời sống văn hóa, phản chiếu lòng người cũng đa đoan và khó lường như biển. Đó cũng là tiếng gọi Lũ ơi từ nhà văn Bạch Lê Quang, một tiếng gọi thân thương tận đáy, cũng là lời than vút lên từ hoang tàn câu chữ vương trên bàn tay tìm chút ấm nóng giữa biển đời cuộc xiết những tai kiếp vô thường; và cùng với đó là nỗi niềm của một dạng sóng dưới đáy sâu tâm hồn trong Biển của người dưng. Rồi bạn đọc sẽ như trôi trong hoài niệm cùng Tiếng kèn biển của tác giả Nguyên Quân hay những dòng văn huyền ảo của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Như con sông từ nguồn ra biển hiện lên một bóng dáng cô đơn đến gãy đổ: “Trời sẫm mây. Gió từ biển vào, lượn rồng rắn trên đầu rừng lau, làm dậy tiếng rì rào khô khốc rất rộng quanh tôi”; “nó làm tôi quặn lòng, chừng nào cái nhìn buồn bã của tôi còn quay về phía những bãi biển - nương dâu mênh mông nơi trần thế”.
Biển cũng phản chiếu nỗi đau trong tâm thức của con người. Biển khơi dậy quá khứ với những người bị vùi tuổi xuân nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, và hôm nay lớp con cháu cầm ký ức của cha ông nơi đã trở thành chứng tích cho lòng quả cảm anh hùng, để cảm nhận những người tù chính trị ngày trước vẫn như còn ấm từng dấu nằm và lời thì thầm trao truyền niềm tin vào một ngày mai ánh bình minh xuyên vào hốc tối. Những cơn đau dài của biển khi một phần của đất nước lâm nguy. Những người lính đứng mũi chịu sào nơi biên cương tím mặt bầm gan với độ mặn của biển, của sự dã tâm, của mồ hôi và máu. Rồi những người thân nơi hậu phương đêm đêm chong đèn dõi về mù khơi. Bản thân tôi thật sự bồi hồi khi đứng trước Ngôi nhà ngó mặt ra đại dương, bài thơ của tác giả Đông Triều. Chữ “ngó” ở đầu đề như ngọn hải đăng giữa biển khơi. Nếu là “ngoảnh” (ngôi nhà ngoảnh mặt ra đại dương), đơn thuần chỉ hướng, vị trí, không gian ngôi nhà tọa lạc. Nhưng “ngó” - ánh nhìn xa xăm, buồn, mỏi mòn, hy vọng, thì ngôi nhà đã mang thân phận. Hình dung về một bà mẹ già nua ngồi sâu hút trong ngôi nhà, khuôn mặt dú vào bóng tối, chỉ đôi mắt sáng dõi ra mênh mông sóng gió kiếm tìm những con thuyền, những người thân bặt tăm suốt nhiều ngày. Thương sao hốc mắt thăm thẳm kia chờ tin trên ngọn sóng quê nhà.
Đi về phía muôn trùng sóng gió
Biển luôn vẫy gọi chúng ta như một niềm đam mê. Hẳn vì biển có “cái khác”, cái vượt ra ngoài mọi khuôn thước của mỹ từ, của cao thấp sâu cạn, của mênh mông và hẹp hòi. Lúc thật rỗi tôi thường đến với biển. Nhớ lần đi cùng anh bạn nhiếp ảnh. Buổi sáng trời sáng trưng, lên ngang đèo Hải Vân, anh dừng lại loay hoay tìm góc chụp biển. Rồi anh chỉ xuống một khúc quanh của đường tàu. Khoảnh khắc hiếm hoi, mặt trời vừa lên, đường tàu ửng hồng... Tôi ngẩn ngơ trước hai đường tà vẹt vẽ một vòng cung rực hồng. Và biển dường như thật lặng lẽ dưới xa. Ngủ trọ ở nhà một người bạn, 4 giờ sáng trở dậy cùng ra biển. Mặt trời đỏ au, to như cái nia vừa nhú phía Cù lao Chàm. Thuyền giao cá đã rời bến, chỉ còn bãi người nhấp nhô. Mặt trời, núi, biển, người và cá nhộn nhịp, một mờ sáng huyền ảo lung linh. Nắng lên. Chúng tôi bước về phía những con thuyền nhỏ, từng nhóm khoảng mươi người cùng kéo chung mẻ lưới. Cả hai giơ máy chụp như cướp thời gian. Sợ mặt trời già đi.
Rồi nhớ lần về làng Thai Dương cuốc bộ trên bờ kè với những khối đá ba chân nghe sóng vỗ về, nhìn người thợ câu nhẫn nại trên những con thuyền đánh bắt vươn xa ngoài biển, thấy một cuộc sống yên bình. Cái tên Thai Dương nghe du dương tương truyền là tên một nữ thần. Mỗi hoàng hôn cháy đỏ rụng xuống mặt biển thăm thẳm tận góc trời, có ai như vẫn ngồi lặng trên bãi mặc sóng xoi từng lớp cát. Bùi ngùi vẽ một hình hài, sóng chợt ùa vào mang tít ngoài xa. Làng biển luôn chịu những trận cuồng phong. Cuộc sống vẫn rộn rã quanh quất những ngôi nhà gỗ lè tè nối nhau như một góc chợ xép nhìn xa. Chiều vỡ. Mặt trời đỏ au sau màn mây vàng ọng đang lún xuống.
Lại nhớ chuyến ra đảo Lý Sơn, được nhấp một chút rượu ngâm tỏi lâu năm dành cho đàn ông ra biển và được nhai rong biển với một miếng tỏi cô đơn. Không gian truyện ngắn Những linh hồn trên đảo, nhân vật “tôi” trọ trong ngôi nhà của một cụ già. “Ngay cạnh hai ngôi mộ, cụ dành khoảnh nhỏ trồng tỏi, bắt đầu gieo vào tháng chín âm lịch, mùa đất ẩm và mùa của những cơn mưa nối dài, mùa biển động, mùa những đôi mắt mỏi mòn trông ngóng chồng con trở về sau bão tố bất ngờ. Rồi nước mắt. Rồi mùa xuân héo rũ. Những dải cát tinh khôi luôn in hình dấu chân và bóng người phụ nữ ăn mòn những bờ thoai thoải. Tôi tưởng đến hình dáng nhiều con tàu lạ rong ruổi trên vùng biển vốn bình yên mấy mươi năm kể từ ngày người chồng của bà cụ cùng đồng đội hiến tận giọt máu cuối cùng giữ đảo”. Không quên được hình dáng những ngôi mộ gió Hoàng Sa, đó như là chứng tích của vết đau. Và, “Những linh hồn trên đảo/ Vẫn lặng thầm giữ quá khứ bình yên”. Tôi nghĩ về người con dâu của bà cụ cứ hoàng hôn về lại đợi xa xăm… Tôi bước khỏi nhà, theo con đường nhỏ ra kè đá. Hòn đảo thiêng. Những khối đá đen sẫm, pha lẫn chút vàng quạch. Những phiến đá tổ ong xen giữa màu đen cháy của loại đá từ miệng núi lửa. Tôi chạm đá bằng rung cảm từ bàn tay dưới ánh sáng mờ. Những phiến đá bóng loáng màu rêu xám như vầng trán tiền nhân thao thức dưới ánh trăng u lạnh. Muôn đời đá vẫn an trụ trong sự thanh vắng tĩnh tại để thấu rõ mọi truyền ngôn vui buồn của sóng. Tiếng sóng đêm trong như dây đàn bựt đứt trong không gian tuyệt vắng. Mặt biển đen tuyền, ở rất xa ngoài kia có một ngọn đèn cứ đỏ lại tắt. Tiếng người lội ven biển.
Tiếng lao xao của khách lưu trú nghỉ dưỡng và tiếng thì thào đâu đó gần những con thuyền thúng. Mùi tanh ngai ngái được gió lùa vào, cảm giác tóc tai rít rát”. Tính sao hết lần bà cụ ra biển ngóng trông. Những con thuyền nhỏ tít ngoài xa, lớn dần trong mắt. Cụ luôn bị hút vào đó và những khi hết thảy ngư dân đã lên bờ vẫn nghĩ còn chồng trên thuyền, sẽ mang đến cho mình một cú sốc điếng lặng. Nhưng không. Và người con dâu của cụ cũng thường ra bờ biển vào tầm hoàng hôn như vậy. Rồi lặng lẽ về thắp nhang lên mộ chồng!
Tổ quốc đau ở phía biển Đông. Mà biển, thì vẫn xanh ngằn ngặt. Xanh đến nao lòng.
Nhưng màu xanh của biển liệu có chuyển màu?
Dự cảm niềm hoang vu
Biển luôn là đối tượng vô bờ của nghệ thuật. Vâng: “Nước mắt là của vô minh/ Ơ sao giọt lệ lung linh thế này”. Biển trong nghệ thuật không chỉ đẹp bởi xanh, mà khi chuyển qua vàng rồi đỏ cũng đẹp như thường. Màu sắc luôn bình đẳng, song mỗi màu đã biểu thị cho sự sống, bệnh hoạn hay cái chết là khá rõ. Con mắt chân thực của người nghệ sĩ luôn dụng yếu tố nhân bản làm đầu, và giờ đây, chính là nỗi cảm thông đến tận đáy đại dương.
Ngành khảo cổ học đã phát hiện, khoảng 6 vạn năm trước từng tồn tại đế chế Atlantic phát triển cao siêu đến độ phương tiện giao thông không tiếng động, lấy năng lượng sạch từ không trung nên cũng không ô nhiễm; con người thì đạt đến “sự hưởng thụ điên cuồng”! Kết quả là thảm họa bị nhấn xuống đáy biển. Chúng ta thử tưởng, so với vài chục năm trước, trước nữa, bây giờ mực nước biển dâng lên bao nhiêu? Hẳn là do hiệu ứng nhà kính, tầng ô dôn bị chọc thủng, nên lửa mặt trời rọi trực tiếp khiến băng tan, địa cầu nóng lên. Hiệu ứng nhà kính biểu hiện cho tiện nghi vật chất, tầng ô dôn biểu thị cho phước đức bị lòng tham tàn hoại. Bỗng nhớ truyện ngắn Bông Cà na quê nhà của nhà văn Trần Bảo Định. Tác giả đau trên cơn đau của thiên nhiên khi nắng chiều thổ huyết đỏ ối bên kia những cánh rừng lưu niên cùng thông điệp dần được làm rõ, rằng “thiên nhiên cân bằng sinh thái trước khi cái ngã con người tự cho mình được quyền thay đổi”. Bông Cà na quê nhà, câu chuyện thâm trầm của một gia đình với đứa cháu, với nội và người cậu từng yêu cô thôn nữ có khu vườn cà na hoang dại. Rồi bỗng một ngày bông cà na rụng trắng bởi con nước đã không còn trong xanh nữa. Buồn đến con chim lạc cũng hoảng hốt kêu quang quác nơi bến sông. Những kỷ niệm dung dị của Bông cà na quê nhà đã thức dậy niềm yêu thương con người, yêu da diết thiên nhiên như cùng một thực thể, tách rời sao đang?
Biển có thể hoang vu. Sự hoang vu của biển hẳn nhiên có nguồn từ nỗi hoang vu cõi người. Những gì con người khai thác quá mức đã khiến lòng biển nhiễm ô, quặn đau và trở thành một dạng bệnh khó hồi cứu vãn, trừ khi ta biết giới hạn sự lên ngôi của vật chất, trả lại biển sự bình yên dưới bầu trời trong xanh. Để biển tự hồi sinh như tính bản nguyên của nó. Để lòng người cũng được hồi sinh như một sự hồn nhiên cỏ cây dâng hiến. Tôi từng gặp một người con gái, và tôi đọc được chữ Ái (Yêu Thương) trong cô vào một chiều cô chắp tay hàm ơn hoàng hôn đang dần xuống mặt biển chói lòa sắc đỏ... Tôi nhớ Thông điệp từ Nước của tiến sĩ Emoto. Rằng nước hiểu ý nghĩ mọi người, hiểu mọi ngôn ngữ và chữ Ái luôn cho ra kết tinh đẹp nhất như một bông tuyết lóng lánh. Mỗi cá nhân đều đang nối mạng với vũ trụ bằng sóng tâm, sóng tư tưởng; dĩ nhiên biển cũng hiểu chúng ta và biến thái theo ý niệm và hành vi của chúng ta. Trong “Học thuyết bí ẩn” của học giả người Nga E.P. Bờ la vát cai a, xin phép dẫn lại từ tác phẩm Con người thoát thai từ đâu: “Tại nơi bây giờ là hồ nước mặn và những sa mạc cằn cỗi hoang vu, đã từng có một biển cả nội địa rộng lớn…”. Nó gợi lên trong chúng ta nỗi tiếc nhớ mơ hồ những cái sẽ mất đi dẫu còn đang đó. Nhớ một chiều nắng xiên, những đêm trăng vàng chái trên biển rực lên cả một vùng trời. Hỏi bạn cảnh ấy đẹp chăng? Đẹp, là bởi thiên nhiên vốn hoàn hảo. Cái đẹp tự nhiên khiến ngôn ngữ bị phá sản. Mọi ngôn ngữ và tài năng không đủ bao dung vẻ đẹp ấy. Là bởi chúng ta muốn trang hoàng cái hoàn hảo. Là bởi chúng ta đi qua biển song chưa muốn ngoái nhìn từng dấu chân có in hình những hệ lụy nào không.
20/8/2019
Nhụy Nguyên
Theo http://tapchicuaviet.com.vn/








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...