Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong thơ xuân

Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam 
trong thơ xuân
Vượt qua hàng nghìn năm sóng gió, thi ca nước nhà đã lưu giữ tâm hồn Việt một cách lâu bền. Theo dòng thời gian dằng dặc, cùng với vận nước thịnh suy khác nhau, khi binh đao giặc giã lúc thái bình an lạc, nhiều bài thơ hay của các thế hệ cầm bút đã ghi lại hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mùa xuân.
Mùa khởi đầu của một năm, thơ hình như cũng mang khí chất của đất trời chuyển đổi từ giá lạnh sang ấm áp, trong mọi nỗi vui buồn của non sông, con người Việt đều ẩn chứa tình yêu và hy vọng. Chiến tranh tàn khốc, hòa bình bề bộn, hầu như tình yêu và hy vọng của dân tộc này không bao giờ lụi tắt. Tôi nghĩ, đấy là tâm hồn cũng là khí phách của dân Việt mà may mắn thay nó đã được lưu giữ tinh tế trong những vần thơ xuân. Hàng nghìn bài thơ xuân của hàng trăm tác giả nếu tính từ thời Lý cho đến nay; mỗi thi phẩm mang một nét đẹp riêng của mùa khởi niên, khó mà điểm hết trong bài viết nhỏ này.
Nói đến thơ xuân đất Việt, tôi nghĩ khó mà bỏ qua được bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác thời Lý. Thơ khai sinh hơn thiên niên kỷ rồi, bây giờ đọc lại vẫn lĩnh hội được tinh thần lạc quan không bao giờ cũ của nó. Đó là cách nhìn minh triết về sự sống: Xuân qua, trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi/ Trước mắt việc đi mãi,/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,/ Đêm qua sân trước một cành mai.
Thơ, không nhiều dẫn giải lý sự vẫn đủ cho ta yêu và tin vào cuộc sống vốn nhiều bộn bề và không phải lúc nào cũng làm cho mình toại nguyện vừa ý. Xuân qua, xuân tới, hoa rụng, hoa tươi là vòng luân hồi của tự nhiên. Sinh - lão là quy luật của con người. Trẻ - già không phải là cái gì lạ lẫm. Điều thu hút ta chính là: giữa tàn xuân vẫn lấp ló một cành mai tươi tắn rung rinh trong gió sớm. Trên cỗi cằn khô héo của tuổi tác một mầm đẹp đã được gầy dựng. Nó không phải là sự gắng gỏi cuối cùng mà chính là sự bật dậy của cái đã có, tựa hồ một cung bậc mới của chắt lọc tinh hoa. Một nhưng sẽ là nhiều cho mùa sau. Trăm hoa tươi sẽ thay thế cho trăm hoa rụng. Thế hệ mới sẽ gánh vác phần việc của thế hệ cũ để lại. Lịch sử loài người, các dân tộc, các dòng họ, các gia đình là hành trình tiếp nối của các thế hệ. Cây cỏ, con người đều được tồn tại và phát triển bởi sự nối tiếp của các thế hệ. Tuy nhiên, ai cũng muốn giữ được cốt cách mai cũng như phẩm giá người theo nghĩa đẹp tinh túy nhất.
Dường như, trong mùa xuân bát ngát tinh khôi, tâm hồn con người Việt cũng được tung mở để được gần hơn với thiên nhiên. Điều ấy chẳng của riêng ai, từ người đứng đầu thiên hạ cho đến thường dân lam lũ. Minh chủ nước Đại Việt Trần Nhân Tông, sau này là một trong ba người sáng lập ra Trúc Lâm thiền phái đã có bài thơ Lên núi Bảo Đài dào dạt cảm xúc và hình tượng đẹp về giang sơn, con người giữa ngày xuân: Đất vắng, Đài thêm cổ,/ Ngày qua xuân chửa nồng./ Gần xa, mây núi ngất,/ Nắng rợp, ngõ hoa thông./ Muôn việc nước trôi nước,/ Trăm năm lòng như lòng./ Tựa lan nâng sáo ngọc/ Đầy ngực ánh trăng trong.
Thơ cổ điển có không ít câu thơ, bài thơ hay viết về mùa xuân đất nước. Có thể kể đến bài Bến đò Lưu Gia của Trần Quang Khải với những câu: Trở lại khách thơ đầu đã bạc/ Trời thanh nước gợn ánh hoa mai. Hay: Cỏ xuân như khói bến xuân tươi/ Lại có mưa xuân nước vỗ trời/ Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách/ Con đò ghếch bãi suốt ngày chơi… trong bài thơ Bến đò xuân đầu trại của Nguyễn Trãi. Cảnh xuân tĩnh mịch, khuất vắng đồng quyện với lòng người thanh tao, ẩn lánh. Phảng phất nỗi buồn nhân thế trong ánh hoa, khói cỏ, tiếng mưa và cả con đường ra bến nước thưa thớt khách qua cùng con đò nhàn tản bên sông. Cũng nặng lòng yêu giang sơn, con người đấy nhưng tâm thế thi ca không hoàn toàn giống với nhà vua thi nhân Lê Thánh Tông sau này: Đường vắng chân người rêu biếc phủ,/ Xuân nhiều mưa núi ngấn xanh dày./ Lên cao tầm mắt nhìn càng rộng,/ Muôn dặm mênh mông cỏ lẫn cây (Lên núi Long Đội đề sau bia bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh). Sự khác nhau trong tâm thế thi ca phản ánh phần nào bối cảnh xã hội có liên quan tới mỗi tác giả. Thời vua Lê Thánh Tông trị vì là giai đoạn thịnh trị của triều Hậu Lê; đất nước thực sự thái bình, thiên hạ hân hoan và đặc biệt nỗi oan của Nguyễn Trãi từ vụ Lệ Chi Viên được chính người đứng đầu triều cũng là một thi nhân sáng lập ra Hội Tao Đàn cởi bỏ nên mới có cái thênh thênh cao rộng mênh mang như thế trong thơ.
Lịch sử lật qua những trang mới, đất nước sáng tối tùy lúc, tùy thời nhưng lạ thay các bài thơ xuân hay của các thi sĩ vẫn vẽ phác lên được những nét đẹp của non sông, con người Việt với lòng yêu thương không gì cản nổi. Từ bài thơ chữ Hán Xuân thiên (Trời mùa xuân) của Nguyễn Bỉnh Khiêm: Khí xuân ấm áp ngập không gian,/ Vần chuyển thiên nhiên, chẳng phải bàn/ Hơi ấm lâu đài mây tỏa bóng,/ Nắng soi xiêm áo gió ru đàn./ Dạt dào sinh khí vui muôn vật,/ Phóng khoáng huân phong ấm vạn dân./ Thánh Chúa nay mừng theo đức hóa,/ Thái hòa muôn thuở khắp giang san đến những câu thơ lung linh tả mùa xuân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa… tới các vần thơ xuân trữ tình của những nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính: Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao, lá ở cành/ Lúa ở đồng tôi và lúa ở/ Đồng nàng và lúa ở đồng anh (Mùa xuân xanh); Hàn Mặc Tử: Trong làn nắng ửng khói mơ tan,/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng./ Sột soạt gió trêu tà áo biếc,/ Trên giàn thiên lý bóng xuân sang (Mùa xuân chín); Vũ Đình Liên: Năm nay hoa đào nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ (Ông đồ); Huy Cận: Đêm nay không khí say nồng,/ Nghìn cây nở ngọn, muôn lòng hé phơi…/ Khuya nay trong những mạch đời,/ Máu thanh xuân dậy thức người héo hon./ Ngón tay tưởng búp xuân tròn/ Có người ra dạo vườn non thẫn thờ (Xuân ý…)
Có một dòng thơ cách mạng và kháng chiến mang trong nó sức sống mạnh mẽ của mùa xuân theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mùa xuân được coi là biểu tượng của tương lai đất nước như cách nghĩ của nhà cách mạng, nhà thơ Phan Bội Châu: Đạp toang hai cánh càn khôn,/ Đem xuân về lại trong non nước nhà (Chơi xuân). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài chín năm đầy gian lao của dân tộc ta đã để lại những thi phẩm hay như Đèo Cả của Hữu Loan; Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Việt Bắc của Tố Hữu và đặc biệt hai bài Nguyên tiêu, Cảnh khuya của Hồ Chí Minh. Bài Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) là một trong những bài thơ hay viết về mùa xuân ở đất nước ta: Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền (Xuân Thủy dịch từ nguyên tác chữ Hán của Hồ Chí Minh: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền). Chỉ bằng mấy nét chấm phá, cảnh rằm tháng Giêng đã hiện lên thật đẹp trong hình dung của chúng ta với vầng trăng rằm đầy đặn giữa không gian lồng lộng, với sắc xuân của sông nước bầu trời hòa quyện vào nhau trong ánh sáng diệu huyền của đêm nguyên tiêu nguyệt chính viên. Trong khói sóng bảng lảng trên sông của đêm đã vào khuya, Bác Hồ và những đồng chí của mình say sưa luận bàn việc quân.
Ánh trăng tràn ngập lòng thuyền như là mối giao hòa giữa người với cảnh, lòng ung dung tự tại, lạc quan của lãnh tụ cách mạng cũng toát lên từ đó. Lãnh tụ và thi nhân hòa vào nhau trong một Con Người viết hoa Hồ Chí Minh.
Nói tới thơ xuân hẳn chúng ta không quên những bài chúc Tết của Bác. Mỗi bài thơ gắn liền với tình hình nhiệm vụ của một năm, vừa chúc mừng vừa kêu gọi đồng bào, chiến sĩ tiến lên làm tròn nhiệm vụ của mình. Thơ chúc Tết của Bác giản dị dễ hiểu và tràn ngập lòng lạc quan cách mạng: Bao giờ kháng chiến thành công/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào/ Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy (Thơ chúc Tết Bính Tuất 1946); Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn (Thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969).
Những bài thơ xuân của Tố Hữu cũng tạo được nhiều dấu ấn sâu sắc về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong kháng chiến và hòa bình. Từ: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt/ Nắng soi sương giọt long lanh…/ Rét nhiều nên ấm nắng hanh/ Đắng cay lắm mới ngọt lành đó chăng?/ Giã từ năm cũ bâng khuâng/ Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường (Bài ca xuân 1961) đến: Mở tờ lịch mới hôm nay/ Biết là xuân đến cầm tay lên đường/ Rộn ràng thay, cảnh quê hương/ Nửa công trường, nửa chiến trường, xôn xao… (Tiếng hát sang xuân) với: Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ/ 31 triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ… (Chào xuân 67) và: Trên trận địa năm xưa, rạch những đường cày mới/ Thời gian không đợi/ Cả đất trời vào xuân, cùng ta đồng khởi/ Cho những mùa gặt lớn mai sau… (Với Đảng mùa xuân).
Đất nước vẫn còn nhiều gian lao trên con đường đổi mới đi lên phía trước. Dựng xây Tổ quốc giàu mạnh, tốt đẹp; bảo vệ bờ cõi non sông vững chắc là nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhân dân ta không bao giờ lơ là, ngơi nghỉ. Mùa xuân đất nước luôn là mùa khởi động cho một năm cần cù, sáng tạo và hy vọng của dân tộc. Ký ức của những mùa xuân chiến đấu và sản xuất vẫn còn được lưu giữ trong thơ: Mùa xuân người cầm súng/ Lộc dắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ… (Thanh Hải - Mùa xuân nho nhỏ).
Và hôm nay, vẻ đẹp của mùa xuân đất nước Việt Nam hiện lên trong thơ rất gần gũi thân thương. Từ hình ảnh của những người lính ở Trường Sa: Quây thử thách làm một căn hộ thép/ bốn bề chật chội tuổi thanh xuân/ thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy/ xuân mới loi thoi, én liệng gần (Hữu Thỉnh - Căn hộ biển); Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ/ Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều/ Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót/ Chim và người xây cột mốc tiền tiêu (Lê Cảnh Nhạc-Ở đảo Sơn Ca) đến vùng biên cương: Trong lầm lì sỏi đá/ Lòng ta mềm cỏ hoa/ Nhớ nhà lên dốc vắng/ Dõi một làn khói xa (Trần Đăng Khoa - Khúc ca vui của lính thời bình). Từ miền xuôi đến vùng cao tình người thêm ấm áp với mùa xuân: Có gì đó thiêng liêng/ Phút giao thừa đã đến/ Ấm áp và bao dung/ Như người người mong đợi (Hoàng Nhuận Cầm - Lời chúc hoa đào); Hội xuân mở đầu bản/ Đánh yến với ném còn/ Trai mắt như sao sáng/ Liếc gái vòng eo thon (Hoàng Anh Tuấn - Tết Tày)… Ta nhận ra những yêu thương chia sẻ dịu dàng vẫn chưa hề thất thoát trong bề bộn cuộc đời: Bông lay ơn ai tặng/ Tháng giêng giấu nơi nào/ Để màu hoa lửa cháy/ Chập chờn trong chiêm bao (Lâm Thị Mỹ Dạ - Tháng giêng); Hễ nghe tiếng chim là thấy đời được bay/ Dù giọng hót trong lồng hay quầng lá/ Tạm lắng mọi sôi sục nộ cuồng/ Thương từng mái nhà rêu, thân cây già trụ lại…/ Không riêng bầy trẻ, cõi nhân quần biết mừng tuổi nhau bằng lời chúc… (Vi Thùy Linh - Xanh).
Tình yêu thương làm nên sự ấm nồng của mùa xuân. Bởi thế, thơ xuân xưa nay cũng luôn hướng đến sự hòa thiện giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Đúng như cảm nhận của nhà thơ Tố Hữu trong một bài thơ xuân viết ở thế kỷ XX: Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau. Vâng, không có hiện thực và khát vọng nào đẹp hơn thế trong những bài thơ viết về mùa xuân trên đất nước Việt Nam.
18/3/2019
Nguyễn Hữu Quý
Theo http://tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...