Về từ Trời trong Truyện Kiều
1. Tìm hiểu Truyện Kiều ta thấy tài năng
nghệ thuật của Nguyễn Du được bộc lộ trên nhiều phương diện, đặc biệt
ở lĩnh vực ngôn ngữ. Ông rất công phu trong việc tạo nên nhiều sắc thái ý
nghĩa khác nhau cho những từ dùng quen thuộc. Chính điều này đã làm độc giả
nhiều phen lúng túng về cách dùng từ của ông, không biết nên giải mã
ra sao để hiểu ý thi nhân. Có khi từ một nghĩa gốc thông thường Nguyễn
Du đã biết làm mới, tạo nên những lớp nghĩa hàm ẩn tùy theo các ngữ
cảnh khác nhau. Nghĩa gốc - hiển ngôn thì đương nhiên dễ hiểu, nhưng
nghĩa phái sinh - hàm ý được tác giả tạo nên thì đôi lúc trở
thành thách đố, gây nhiều phân vân, tranh cãi trong bạn đọc nói chung
và trong giới nghiên cứu nói riêng. Vẫn biết việc đi sâu vào tìm hiểu
một số từ ngữ trong Truyện Kiều là vấn đề vô cùng phức tạp,
nhưng không phải vì thế mà ta ngại ngần bỏ qua. Với thái độ trân trọng
đối với bậc tiền nhân, với lòng khâm phục tài năng nghệ thuật của
Nguyễn Du và yêu quí ngôn ngữ dân tộc, chúng tôi sẽ tiến hành tìm
hiểu một số từ ngữ thường được tranh luận trong giới học thuật như
từ trời, từ xuân, từ duyên... Trong phạm vi bài viết
này, chúng tôi sẽ nghiên cứu về từ trời trong Truyện Kiều. Các
bước nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện như sau:
- Thống kê số lần xuất hiện của từ trời.
- Phân tích nghĩa hàm ý của từ trời trong các
ngữ cảnh đặc thù.
- Chỉ ra ý nghĩa tích cực của việc đa dạng hóa ngôn
ngữ trong tác phẩm văn chương
2. Thống kê số lần xuất hiện của từ “trời”
trong tác phẩm Truyện Kiều
Từ trời được Nguyễn Du sử dụng ở nhiều ngữ cảnh
khác nhau. Dựa theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản
Khoa học xã hội, năm 1974, trang 420), từ trời được Nguyễn Du sử dụng
tới 82 lần, chia theo các nhóm: chỉ ông trời, thượng đế, tự nhiên; chỉ
bầu trời, không gian; chỉ vùng trời, miền đất ở vùng trời ấy; chỉ
thời tiết, thời gian.
Khảo sát Truyện Kiều, chúng tôi thấy Nguyễn Du đã
sử dụng từ trời trong 89 lần. Như thế, ở Từ điển Truyện Kiều,
học giả Đào Duy Anh đã bỏ sót 7 trường hợp, nằm ở các câu 41, 140, 172,
1030, 1346, 1514, 3049.
2.1. Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, từ
“trời” mang các nội dung sau:
a) Chỉ ông trời, thượng đế, tự nhiêngồm các câu:
Câu 6: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Câu 29: Thông minh vốn sẵn tính trời
Câu150: Văn chương nết đất, thông minh tính trời
Câu 282: Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây
Câu 494: Tẻ vui, thôi cũng tính trời biết sao
Câu 596: Oan này còn một kêu trời, nhưng xa
Câu 659: Trời làm chi cực bấy trời
Câu 715: Cơ trời dâu bể đa đoan
Câu 817: Rủi may âu cũng tại trời
Câu 832: Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham
Câu 892: Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên
Câu 899: Từ đây góc bể, bên trời (Trùng: Chỉ bầu trời, không
gian)
Câu 998: Người dù muốn quyết, trời nào đã cho
Câu 1018: Túc nhân âu cũng có trời ở trong
Câu 1065: Than ôi! Sắc nước, hương trời
Câu 1069: Tức gan riêng giận trời già
Câu 1179: Nàng rằng: Trời nhẽ có hay
Câu 2125: Chứng minh có đất, có trời
Câu 2154: Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
Câu 2309: Đạo trời, báo phục chỉn ghê
Câu 2391: Cho hay muôn sự tại trời
Câu 2648: Trời làm chi đến lâu ngày càng thương
Câu 2655: Sư rằng: Phúc họa đạo trời
Câu 2657: Có trời mà cũng tại ta
Câu 2684: Bán mình đã động hiếu tâm đến trời
Câu 2689: Khi nên, trời cũng chiều người
Câu 2694: Duyên ta mà cũng phúc trời chi không
Câu 2717: Tâm thành đã thấu đến trời
Câu 2861: Cửa trời rộng mở đường mây
Câu 2904: Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh
Câu 2947: Năm mây bỗng thấy chiếu trời
Câu 3063: Rằng: Trong tác hợp cơ trời
Câu 3086: Dưới dày có đất, trên cao có trời
Câu 3121: Trời còn để có hôm nay
Câu 3241: Ngẫm hay muôn sự tại trời
Câu 3242: Trời kia đã bắt làm người có thân
Câu 3250: Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa
b) Chỉ bầu trời, không gian gồm các câu:
Câu 449: Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Câu 546: Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời
Câu 566: Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa
Câu 899: Từ đây góc bể bên trời
Câu 910: Góc trời thăm thẳm, đêm ngày đăm đăm
Câu 979: Nàng rằng: Trời thẳm, đất dày
Câu 1041: Bên trời góc biển bơ vơ
Câu 1085: Trời tây lãng đãng bóng vàng
Câu 1132: Vuốt râu xuống đất, cánh dâu lên trời
Câu 1267: Song sa vò võ phương trời
Câu 1603: Long lanh đáy nước in trời
Câu 1638: Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời
Câu 1817: Bây giờ đất thấp, trời cao
Câu 1877: Bây giờ một vực, một trời
Câu 2033: Trời đông vừa rạng ngàn dâu
Câu 2062: Bóng hoa rợp đất, vẻ ngân ngang trời
Câu 2100: Không dưng chưa dễ mà bay đường trời
Câu 2171: Đội trời, đạp đất ở đời
Câu 2215: Trông vời trời biển mênh mang
Câu 2248: Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
Câu 2251: Ngất trời, sát khí mơ màng
Câu 2381: Nàng rằng: Lồng lộng trời cao
Câu 2426: Dễ đem gan óc đền nghì trời mây
Câu 2441: Triều đình riêng một góc trời
Câu 2471: Chọc trời, khuấy nước mặc dầu
Câu 2524: Ầm ầm sát khí, ngất trời ai đang
Câu 2528: Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ
Câu 2550: Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng biển khơi
Câu 2555: Năm năm trời biển ngang tàng
Câu 2607: Chân trời, mặt biển lênh đênh
Câu 2628: Trời cao, sông rộng một màu bao la
Câu 2634: Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông
Câu 2763: Điều đâu sét đánh lưng trời
Câu 2830: Mênh mông nào biết biển trời nơi nao
Câu 2943: Nghĩ điều trời thẳm, vực sâu
Câu 3122: Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Câu 3166: Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau
c) Chỉ vùng trời, miền đất ở vùng trời ấy có câu:
Câu 703: Trời Liêu non nước bao xa
d) Chỉ thời tiết, thời giangồm các câu:
Câu 289: Cách tường phải buổi êm trời
Câu 484: Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Câu 783: Trời hôm, mây kéo tối rầm
Câu 914: Một trời thu để riêng ai một người
Câu 1777: Phải đêm êm ả chiều trời
Câu 1917: Tàng tàng trời mới bình minh
Câu 2239: Chốc đà mười mấy năm trời
Câu 3216: Gà đã gáy sáng, trời vừa rạng đông
2.2. Những câu chứa từ “trời” chưa được liệt kê trong Từ
điển Truyện Kiều
Câu 41: Cỏ non xanh rợn chân trời
Câu 140: Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
Câu 172: Mặt trời gác núi, chiêng đà thu không
Câu 1030: Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi
Câu 1346: Thân sau ai chịu tội trời ấy cho
Câu 1514: Lại mang những việc tày trời đến sau
3. Phân tích cách dùng từ “trời” với nghĩa hàm ý
trong một số ngữ cảnh tiêu biểu
Từ những gì đã được trình bày ở trên, có thể thấy,
trong Từ điển Truyện Kiều, học giả Đào Duy Anh đã chia các câu thơ có sử dụng
từ “trời” vào các nhóm khác nhau. Ở mỗi nhóm, từ “trời” mang một nghĩa đặc thù,
chỉ định một đối tượng riêng. Về cơ bản, chúng tôi tán thành với cách chia nhóm
ấy. Nhưng nếu tìm hiểu sâu từng ngữ cảnh xuất hiện từ “trời”, có thể thấy sự
chia nhóm, phân loại của tác giả Từ điển Truyện Kiều vẫn còn có chỗ
khiên cưỡng.
Sau đây, xin bàn sâu về một số trường hợp mà cách nhìn nhận của
chúng tôi có phần khác với tác giả Từ điển Truyện Kiều. Tiếp đó, chúng tôi
sẽ phân tích nghĩa của từ “trời” ở những câu mà học giả Đào Duy Anh chưa liệt
kê trong công trình của mình.
3.1. Phân tích một số câu có dùng từ “trời” đã được liệt
kê và chia nhóm trong Từ điển Truyện Kiều
3.1.1.
Nhóm chỉ ông trời, thượng đế; tự nhiên
Chúng tôi sẽ tìm hiểu các câu 596, 832, 899, 1065, 2861,
2904, 2947, 3121 được xếp vào nhóm này để xem từ trời có thật sự dùng
để chỉ ông trời, thượng đế; tự nhiên hay chỉ một nội dung
khác?
Câu 596: Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
Trong câu
này, việc kêu Trời của Kiều có tương tự việc ai đó khi bế tắc, tuyệt
vọng, thường ngửa mặt than trời, với hàm ý cho rằng oan này chỉ có đấng siêu
nhiên (ông trời) mới có khả năng thấu tỏ hay không?
Sự thực,
hiểu trời là ông trời trong trường hợp này có chỗ không hợp
lý. Thứ nhất, lẽ nào trời không thấy sự vô tội của nhà họ Vương. Nếu
ông trời là yếu tố tâm linh ngự trị trong tâm thức của Kiều, tại sao Kiều lại
coi việc kêu trời là vô vọng (nhưng xa)? Thứ hai, vào thời điểm đầu
tiên của vụ án, sự gay cấn được thể hiện rất rõ: về khách quan, bọn sai nha vừa
tra tấn (Một dây vô lại buộc hai thâm tình), vừa vơ vét (Sạch sành sanh vét cho
đầy túi tham); về chủ quan, gia đình Vương ông đang lâm vào trạng thái hoảng
hốt ngẩn ngơ. Chính bối cảnh này đã đủ gây choáng váng để nàng thốt lên câu
ấy rồi chứ đâu phải đợi vụ án diễn biến theo thời gian rồi mới nghĩ việc kêu
trời theo kiểu bình tĩnh, đầy lý trí như thế. Qua phân tích, rõ ràng động
tháikêu trời của Kiều không nên được hiểu theo cách thông thường, mà ở đó
có sự đánh đồng trời với ông Trời.
Vậy có cách
lý giải nào khác về từ trời trong câu thơOan này còn một kêu trời,
nhưng xa?
Sống trong xã hội
phong kiến có luật pháp, khi quan được coi là “cha mẹ dân”, hay “đèn trời soi
xét”, thì trước biến cố lớn xảy ra ở gia đình mình, là người có học, không loại
trừ khả năng Kiều coi việc kêu Trời là kêu quan. Muốn rõ hơn về điều
này, ta hãy xét tình cảnh của Kiều khi nàng muốn kêu oan:
Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ
Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.
Hạ từ, van lạy suốt ngày,
Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn.
Giường cao rút ngược dây oan,
Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người!
Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa!
Tại nhà Vương ông, vụ án đầy oan khuất đang xảy ra. Trước sự
uy hiếp của sai nha, nhà họ Vương đã tập trung vào việc kêu cứu. Từ cách thức
kêu cứu của mình, chính gia đình Vương ông đã tạo cơ hội cho bọn sai nha
thực hiện những hành vi bạo ngược (http://www.vanhoanghean.com.vn/).
Ở góc nhìn cá nhân của Kiều, suy từ bản chất vụ án đầy oan trái (khi mà kẻ thi
hành công vụ - sai nha - đại diện cho bộ máy pháp luật đang thực hiện những
hành vi trắng trợn), nhìn nhận hiện trường, chứng kiến sự vô lại của sai
nha(khi mà gia đình nàng tập trung kêu cứu, nhưng đáp trả chỉ là sự lỗ
mãng Điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn), nàng hoàn toàn mất niềm tin vào
pháp luật. Cộng vào đó, ý nghĩ Một ngày lạ thói sai nha/ Làm cho khốc hại
chẳng qua vì tiền, khác nào một cách khẳng định không có “cha mẹ dân”, “đèn trời
soi xét” nào cả. Như thế, phải trải qua thời gian kiểm chứng, suy luận, nàng mới
nghĩ đếnkêu trời. Vậy nên, việc nàng có ý định kêu Trời thể hiện
sự suy ngẫm chín chắn trước một sự kiện đang trực tiếp tác động vào đời sống của
gia đình nàng. Do thấu tỏ vấn đề ở từng tiểu tiết của nó, Thúy Kiều cho rằng những
gì xảy ra đều có sự thống nhất từ trên xuống dưới, nên nàng không còn tin tưởng
vào quan lại, pháp luật. Vì vậy, nàng nghĩ đến việc bán mình, dùng tiền để lo
lót cửa quan. Từ suy nghĩ và cách xử sự của Kiều, trong câu Oan này còn một
kêu trời, nhưng xa, “trời”, “xa” được hiểu theo nghĩa ẩn dụ - chẳng có
công lý nào trong xã hội này để mà kêu oan, chỉ có tiền mới giải quyết được sự
cố đang đẩy gia đình nàng vào tình thế khốn đốn.Vì thế, ta có thể nhận thấy việckêu
trời, trong cảm nhận của Kiều, là việc vô vọng, vì trời chính là
quan.
Câu 832: Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham
Trong dân gian, từ của trời được sử dụng trong nhiều
hoàn cảnh giao tiếp như “của trời đừng động vào”, “tiếc chi của trời”, “của trời
ấy mà”, “đi hôi của trời”, “tham của trời, cho chết”, “mất công giữ của trời”… Như thế, trong giao tiếp, từ này đã được sử dụng theo một kết cấu chặt chẽ, thường
hiểu theo nghĩa: những cái có sẵn ra đấy, không phải do mình làm ra, không thuộc
về mình, nhưng mình lại muốn có được nó. Muốn hiểu từ trời trong câu
thơ Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham, ta cần xem ngữ cảnh xuất hiện của
từ này ra sao:
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá, nghinh hôn sẵn ngày
Mừng thầm: Cờ đã đến tay
Càng nhìn vẻ ngọc, càng say khúc vàng.
Đã nên quốc sắc, thiên hương,
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa!
Về đây, nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.
Miếng ngon kề đến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham.
Lừa được Kiều, Mã Giám Sinh đang trong tâm trạng hí hửng trước
“món hàng” hời, lời lãi nhìn ra mồn một. Dù tính toán hết sức kỹ lưỡng theo
kiểu con buôn như thế, nhưng sự ham muốn về thân xác của gã đang bùng lên:
Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng tham
Qua câu thơ gồm hai vế cân xứng, có cách sử dụng lối điệp phó
từ cũng (cũng tiếc, cũng tham), ta nhận thấy Mã Giám Sinh đang đắn
đo, cân nhắc về miếng ngon trước mắt. Vốn nhà cũng tiếc, bởi cái
đáng giá nhất của Kiều lúc này là trinh tiết, nếu Mã Giám Sinh độc chiếm, thì
khác gì “mất vốn”. Còn như gã sở hữu nó mà vẫn giữ được vốn, thì rõ ràng phải
dùng mưu mô, thủ đoạn để lừa khách làng chơi. Vì thế, Mã Giám Sinh tính sẵn
chiêu bài:
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên
Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền, mất chi?
Khi mà tay phàm lại có sẵnMiếng ngon kề đến tận
nơi, thì đối với Mã Giám Sinh, của trời cũng tham, điều này cũng là hiển
nhiên. Duy chỉ có điều làm tay họ Mã còn chần chừ, lưỡng lự, ấy là dù nghĩ được
cách lừa lọc để lấy lạivốn nhà, thì trong vốn nhà ấy còn có của Tú Bà
(Chung lưng mở một ngôi hàng), vì thế, đó cũng sẽ là chướng ngại cho y. Nhưng
Mã Giám Sinh là kẻ sẵn sàng đánh đổi “vị thế” làm chồng của mình một cách bỉ ổi
nhất, theo kiểu “chịu đấm ăn xôi”:
Mụ già hoặc có điều gì
Liều công mất một buổi quì mà thôi.
Với bản chất ma mãnh, từng trải của con buôn, Mã Giám Sinh
tìm ra giải pháp để dung hòa hai “lợi ích”: giữ được vốn nhà, đồng thời thỏa
mãn được dục vọng. Như thế, qua tìm hiểu, ta nhận thấy liên ngữ “miếng
ngon”, “vốn nhà”, “của trời” đã được Nguyễn Du sử dụng theo cách nói ẩn dụ,
dùng để chỉ giá trị của Thúy Kiều. Vì thế, trời trong câu thơ Vốn
nhà cũng tiếc, của trời cũng tham phải nằm trong kết cấu từ của trời,
không tách ra riêng rẽ theo cách hiểu của trời là của ông trời.
Câu 1065: Than ôi! Sắc nước hương trời
Khi Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Tú Bà nghĩ mưu chước
dùng Sở Khanh để đưa nàng vào tròng. Tại đây, Sở Khanh đã dùng màn kịch bày tỏ
tình ý với Kiều:
Bóng nga thấp thoáng dưới mành
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai:
“Than ôi! Sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa?
Tức gan riêng giận trời già.
Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi!”
Trong câu thơ Than ôi! Sắc nước hương trời, mặc dầu hương
trời (thiên hương) có nguồn gốc như sau: Tương truyền, có một lần Đường
Huyền Tông ngắm hoa trong nội điện, hỏi rằng bài thơ vịnh mẫu đơn nào hay nhất?
Trần Tu tâu rằng: Câu thơ “Quốc sắc triêu hàm tửu/thiên hương dạ nhiễm y” (Sắc
nước thấm rượu sáng, hương trời nhuốm áo đêm) của Lý Chính Phong là hay nhất. Từ
đó, mẫu đơn đã có một danh xưng là “Quốc sắc thiên hương” (“Truyện Kiều”,
khảo - chú - bình, nhóm tác giả: Phan Tử Phùng, Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Phan
Văn Các, Phạm Quang Ái, Trần Đình Tuấn. Nhà xuất bản Lao động, năm 2015, trang
157), nhưng có lẽ trong ngữ cảnh này, Nguyễn Du không dùng với nghĩa ấy. Xét về
cấu trúc ngữ pháp, sắc nước hương trời có tính liên kết chặt chẽ, là
cụm từ mang tính cố định. Xét về nghĩa biểu đạt trong tình huống xuất hiện câu thơ
trên, ta thấy ở màn kịch “anh hùng cứu mĩ nhân”, cụm từ sắc nước hương trời nằm
trong chuỗi lời Sở Khanh, khi y dùng nó với chiêu ca ngợi Kiều: sắc nước
hương trời, trong nguyệt trên mây, hoa (từ hoa dùng tới
ba lần: Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa) để dụ nàng. Như thế, tổ hợp sắc
nước hương trời được Nguyễn Du dùng để chỉ sắc đẹp của Kiều. Vì vậy, từ trời
không thể tách ra, phải hiểu trong nghĩa tổng thể kết cấu ấy.
Câu 2861: Cửa trời rộng mở đường mây
Khi Kim Trọng hộ tang chú xong, quay lại vườn Thúy thì gia
đình Vương ông rơi vào cảnh tan nát. Vương Quan, với chút chữ nghĩa của mình đã
dùng nó để viết mướn, kiếm ăn qua ngày. Nhờ Kim Trọng quay lại, Vương Quan
được tiếp tục con đường học hành, kết quả là Vương, Kim đều đỗ đạt:
Chế khoa gặp hội tràng văn
Vương, Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
Cửa trời rộng mở đường mây,
Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần.
Trong một xã hội tiến bộ, khi mà Cửa trời rộng mở đường
mây, thì dù là chàng Kim (vốn nhà trâm anh) hay chàng Vương (sa sút khó khăn),
nếu có thực lực trên con đường học vấn đều được Hoa chào ngõ hạnh, hương
bay dặm phần - sự tôn vinh rất long trọng. Như thế, trong câu thơ Cửa
trời rộng mở đường mây, thì cửa trời chính là cửa vua (vua được
coi là trời). Cách hiểu này thống nhất với ý kiến: Cửa trời: chỉ cửa
nhà vua (“Truyện Kiều, khảo - chú - bình” , nhóm tác giả: Phan Tử Phùng,
Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, Phan Văn Các, Phạm Quang Ái, Trần Đình Tuấn, NXB Lao
động, năm 2015, trang 733).
Câu 2904: Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh
Câu thơ nằm trong đoạn kể việc Thăng đường chàng (Kim
Trọng) mới hỏi tra họ Đô để tìm manh mối Thúy Kiều. Những
thông tin từ họ Đô:
“… Bỗng đâu lại
gặp một người,
Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh.
Trong tay mười vạn tinh binh
Kéo về đóng chặt một thành Lâm Tri.
Tóc tơ các tích mọi khi,
Oán thì trả oán, ân thì trả ân.
Đã nên có nghĩa, có nhân,
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen.
Chưa tường được họ, được tên…”
Trong mắt họ Đô, Từ Hải là một người, dù tên gọi
cũng chưa hề biết, nhưng ông được nghe tiếng tăm chàng ở nhiều phương
diện, đặc biệt về lĩnh vực quân sự. Trên thực tế, ngay từ đầu, tác
giả đã giới thiệu năng lực quân sự Côn quyền hơn sức, lược thao gồm
tài của Từ Hải. Người mà Trước cờ ai dám tranh cường, ở
mọi lúc, mọi nơi, từ khát vọng chinh chiến (Trượng phu thoắt đã động
lòng bốn phương), rồi tư thế trở về đón Kiều (Ngất trời, sát khí mơ
màng/ Đầy sông kình ngạc,chặt đường giáp binh), hay khi giúp Kiều báo
ân, báo oán (Quân trung gươm lớn, giáo dài/ Vệ trong thị lập, cơ ngoài
song phi/ Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi/ Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp
sân/ Trướng hùm mở giữa trung quân)…, lúc nào Từ Hải cũng toát lên
vẻ uy nghi của một dũng tướng. Với khả năng quân sự của của mình,
Từ Hải đã làm thiên kinh động địa. Bởi thế, nghiêng trời (uy
linh) là cách nói của Họ Đô nhằm ca ngợi sức mạnh vô biên của Từ
Hải. Vậy nên từ trời ở ngữ cảnh này phải nằm trong kết
cấu nghiêng trời, không thể tách ra để chỉ ông trời được.
Câu 2947: Năm mây bỗng thấy chiếu trời
Khi Kim Trọng và Vương Quan đỗ đạt, họ đã được vua phong
làm quan. Dưới sự điều hành của vua, cả hai cùng thay đổi địa bàn làm việc:
Năm mây, bỗng thấy chiếu trời
Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành:
Kim thì nhậm cải Nam Bình
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú Dương.
Sắm sanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.
Theo Từ điển tiếng Việt, chiếu thư: tờ chiếu của vua (Từ điển tiếng Việt,
Viện khoa học xã hội Việt Nam - viện Ngôn ngữ học, năm 1992, trang 170). Nhưng
vừa để thể hiện sự trân trọng, vừa để thể hiện uy quyền của nhà vua, trong câu
thơ Năm mây, bỗng thấy chiếu trời, từ chiếu thư được thay bằng chiếu
trời. Như thế, ở đây trời được xem là đồng nghĩa với vua.
Câu 3121: Trời còn để có hôm nay
Trong màn đoàn viên, khi Thúy Vân khơi mào việc nối lại duyên
Kim - Kiều, Kiều từ chối vì nghĩ rằng mình không còn xứng đáng với Kim Trọng.
Nhưng bằng lý lẽ của mình, chàng Kim đã khẳng định giá trị của Kiều:
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời;
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Ở góc nhìn của Kim Trọng, chàng cho rằng sự trở về của Kiều
bây giờ không chỉ là Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời - Kiều được
trả lại nguyên vẹn (Theo “Truyện Kiều”, khảo - chú - bình, trang
768: Kiều lúc sống đời tủi nhục cũng như hoa bị sương phủ, trăng bị mây
che. Bây giờ đời khổ nhục hết rồi thì hoa lại tươi, trăng lại sáng), mà hơn thế
nữa, giá trị Kiều còn tăng lên rất nhiều Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại
hơn mười rằm xưa. Chàng Kim cho rằng, để có hôm nay như vậy, đó chính
là cái phúc, điều may mắn. Cũng theo chàng Kim, để hôm nay có được
không gian đoàn tụ, sum họp, Kiều đã biết lấy hiếu làm trinh, đánh đổi
tình yêu của mình để cứu người thân. Vậy nên Trời còn để có hôm nay, đấy
chính là điều Kiều được hưởng từ sự hi sinh, lựa chọn của mình theo luật nhân -
quả. Bởi thế, trong câu thơ trên, từ trời được Kim Trọng dùng để chỉ
phúc đức.
Qua việc phân tích nghĩa của từ trời trong các câu trên, ta
thấy cách dùng của Nguyễn Du không phải chỉ ông trời, thượng đế; tự
nhiên theo như nội dung phân nhóm của Đào Duy Anh mà mang nhiều nét
nghĩa khác nhau.
3.1.2.
Nhóm chỉ bầu trời, không gian
Chúng tôi sẽ phân tích nghĩa từ trời trong
các câu thuộc nhóm này (câu 546, 566, 910, 979, 1041,1267, 1817, 1877,
2100, 2171, 2248, 2251, 2381, 2426, 2441, 2471, 2524, 2550, 2555, 2607, 2763,
2830, 2943, 3166) để xem Nguyễn Du có thực dùng từ trời để chỉ
bầu trời, không gianhay không?
Câu 546: Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời
Trước khi chia tay Kiều để về hộ tang chú, Kim Trọng bộc bạch nỗi
mình:
Sự đâu chưa kịp đôi hồi,
Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ.
Trăng thề còn đó trơ trơ,
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời.
Trong chi tiết này, ta thấy Kim Trọng muốn bày tỏ thái độ của
chàng trước tình yêu, đồng thời cũng khao khát người yêu giữ ước nguyện. Ở câu
thơ Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời, muốn hiểu từ trời, ta phải
xét cách tổ chức cấu trúc ngữ pháp của tổ hợp từ chứa nó. Nếu chân mây, cuối
trời đứng một cách độc lập thì từ trời trong tổ hợp từ này sẽ được
dùng đểchỉ bầu trời, không gian. Nhưng trong trường hợp này, chân mây, cuối
trời lại được dùng một cách lệ thuộc, với mục đích bổ nghĩa cho danh từ kẻ trong
cụm danh từ kẻ chân mây, cuối trời, nên từ trời ở câu thơ này lại
mang một nét nghĩa khác. Như thế, trong cụm danh từkẻ chân mây, cuối trời, hoặc
Kiều, hoặc Kim Trọng, nếu kẻ này ở chân mây, thì kẻ kia ở cuối trời (hiểu
theo nghĩa ẩn dụ), hai vị trí cách xa nhau. Và như thế, từ trời được
dùng để định vị vị trí nào đó của Kiều và Kim Trọng trong khoảng cách chia ly của
hai người.
Câu 566: Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa
Về Liêu Dương để hộ tang chú, trong xa cách, tình cảm Kim Trọng
dành cho người yêu được Nguyễn Du diễn tả bằng những câu thơ trĩu nặng tâm tư:
Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa,
Não người cữ gió, tuần mưa
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
Từ những câu thơ trên, ta thấy không gian tâm trạng mở ra
mênh mang rồi thu gọn vào cõi lòng quánh đặc. Điều đặc biệt ở đây, tác giả đã
xây dựng những hình ảnh thơ phi thực. Nào là Buồn trông phong cảnh quê người,
sao có thể trông bằng mắt, khi mà Liêu Dương cách trở sơn khê?
(Theo “Truyện Kiều”, khảo - chú - bình: Từ Bắc Kinh (Gia đình Kiều ở
Bắc Kinh (Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về) đi Liêu Dương, đoạn đường cũng gần bằng
từ Bắc Kinh đi Lâm Truy (Thuộc khu Xương Duy cũ, có Trị sở là Thành phố Duy Phường
tỉnh Sơn Đông Trung Quốc). Mã Giám sinh đưa Thúy Kiều đi bằng xe ngựa (Một xe
trong cõi hồng trần như bay) phải “Vừa một tháng tròn tới nơi”. Kim Trọng “Buộc
yên, quảy gánh, vội vàng” cũng phải ít ra mất một tháng). Nào là Đầu cành
quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa (chàng Kim hình dung ở Liêu Dương, mình
khác gì con chim quyên, nỗi nhớ dồn dập tới tấp như sóng trào (quyên nhặt), còn
Kiều ở Bắc Kinh thì thờ ơ, không có tin tức chia sẻ (nhạn thưa). Với KimTrọng
bây giờ, trong nỗi buồn tang tóc, khao khát một cánh thư của người yêu cũng là
điều đáng được cảm thông. Trong văn học, những tình huống bất bình thường
như thế vẫn được dùng, như ca dao có câu Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng
bảo râu rồng trời cho, hay trong thơ hiện đại, Tố Hữu viết Cho tôi hôn bàn
chân em lạnh ngắt. Chính với cách dùng cường điệu ấy đã giúp nhân vật trữ tình
bộc lộ các cung bậc cảm xúc của mình một cách mãnh liệt nhất. Yêu quá mà thành
trách móc, hoài nghi vô cớ. Bằng cách sử dụng hai vế đối Đầu cành quyên nhặt
>< cuối trời nhạn thưa, câu thơ đã tạo nên sự bất cân về trạng thái tình
cảm Kim - Kiều trong trí tưởng tượng phong phú mang tính tâm lý của kẻ si tình.
Xây dựng tình huống giả định mang tính dẫn dắt, Nguyễn Du giúp chúng ta nhận thấy
dấu hiệu si mê trong tình yêu của Kim Trọng. Cũng vì thế, chàng lâm vào tình trạng
âu sầu:
Não người cữ gió, tuần mưa
Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.
Suy nghĩ, dày vò đếnnão người, cơn giông bão trong lòng tăng
tiến theo thời gian (cữ gió, tuần mưa), nỗi nhớ người yêu thành “bệnh” tương
tư, chồng chất từng ngày đè nặng nỗi niềm chàng Kim. Đọc những câu thơ “Buồn
trông (…) tương tư một ngày”, ta nhận thấy dòng tâm trạng chàng Kim
đã được cụ Nguyễn Du diễn đạt thật chặt chẽ, ý tứ: Buồn nhớ àhoài nghi, dằn vặt
àcồn cào sóng gió. Phải chăng điều tưởng chừng như vô lý từ hình ảnh thơ phi thực
lại chính là thước đo tình cảm chân thật của Kim Trọng dành cho Kiều? Nhìn
chàng Kim, ta thấy có gì đấy rất cảm tính, yêu đến mê muội, nhưng thật đáng
trân trọng bởi đó là căn bệnh trầm kha trong tình yêu ít ai tránh khỏi.
Như thế, muốn hiểu từ trời trong câu thơ Đầu
cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa, ta phải đặt nó trong đoạn thơ nói về tâm
trạng Kim Trọng khi xa cách người yêu. Từ những dấu hiệu về ngôn ngữ như đã
phân tích, ta thấy từ trời trong câu thơ trên cũng có cách hiểu tương
tự như từtrời trong câu Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời.
Về hai câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn
thưa/ Não người cữ gió, tuần mưa xưa nay đã được các học giả
bàn cãi rất nhiều, vì thế bài viết này xin trích dẫn một số ý kiến (Theo thống
kê trong sách “Truyện Kiều”, khảo - chú - bình, trang 304 - 308) để bạn đọc
cùng tham khảo.
Đào Duy Anh: Đầu cành quyên nhặt: Đầu cành thì chim
quyên, tức là chim đỗ quyên kêu nhặt. Bấy giờ là cảnh đầu hè nên tiếng quyên
kêu đã rộn. Đỗ quyên của Trung Quốc vốn là chim tu hú, vì nó kêu “tu hú” hay
“cu cu” nên người Trung Quốc lấy chim đỗ quyên để tượng trưng cho lòng nhớ nước
mà liên hệ với chuyện Vọng đế hay Thục đế. Sang nước ta thì thấy con chim cuốc
có tiếng kêu “cuốc cuốc” vào mùa hè, đúng với âm Hán Việt của chữ “quốc” cho
nên từ xưa người Việt Nam ta vẫn cho đỗ quyên là chim quốc mà xem chim quốc tượng
trưng cho lòng nhớ nước, lòng yêu nước. Nhưng ở câu này tiếng chim quyên chỉ là
dùng để tả thời tiết mùa hè thôi - cuối trời nhạn thưa: ở cuối trời chim
nhạn đã bay cả về miền Bắc rồi (Truyện Kiều, Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Đà Nẵng
2007).
Nguyễn Quảng Tuân: Vì không biết chim quyên là loại chim gì
nên mọi người mới đoán quanh là con cuốc hoặc con tu hú và mới cho rằng Nguyễn
Du dùng chữ “đầu cành” chưa được chỉnh. Sự thực chim quyên là một giống chim
khác hẳn với chim cuốc và chim tu hú… Nguyễn Du ở đây tả cảnh cuối hè sang thu
tức là đúng vào thời gian chim quên bay từng đàn từ trên rừng núi xuống đồng bằng
và kêu hót ở đầu cành (Đầu cành quyên nhặt). Trái lại con quyên gọi vào hè thì con
quyên đó là con cuốc như Nguyễn Du đã nói đến trong câu Dưới trăng
quyên đã gọi hè. Chúng ta phải nhận định rõ ràng nếu không sẽ dễ lầm lẫn: Chim
quyên, hót ban ngày, đậu trên cành cây, hót rất nhiều vào mùa thu. Con đỗ
quyên, ta quen gọi là con cuốc, kêu về đêm, thường lủi ở bờ nước trong bụi rậm,
kêu về mùa hè…
An Chi:
Độc giả: Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa và Dưới
trăng quyên đã gọi hè. Chim quyên là chim gì và hai con chim trên đây có phải
là một hay không?
An Chi: Nguyễn Quảng Tuân cho rằng đó là hai thứ chim
khác nhau còn phần lớn các nhà chú giải thì lại cho rằng đó chỉ là một. Theo nhiều
người đó là con cuốc, tức con quấc (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Trúc Viên Lê Mạnh
Liêu, Nguyễn Thạch Giang). Còn theo Đào Duy Anh thì đó là con chim tu hú (Từ điển
Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1974, trang 322). Chúng tôi tán
thành Đào Duy Anh vì cũng cho rằng quyên là chim tu hú chứ không
phải chim cuốc. Con cuốc, tiếng Hán gọi là Phiền (…) hoặc Cô ác,
không liên quan gì đến tích vua Vọng Đế của nước Thục là Đỗ Vũ. Chỉ có quyên mới
thực sự liên quan đến sự tích của ông vua này nên đã “ăn theo”, thậm chí còn
“ăn theo” cả họ lẫn tên mà được gọi là “đỗ vũ”; về sau lại có thêm các tên gọi
khác nữa là: tử quyên, tử quy, tử huề, tư quy và thôi
quy. Nhưng tên gốc của nó thì vẫn chỉ là quyên, còn tên thông dụng
là đỗ quyên (Trích tạp chí Kiến thức ngày nay, số 203, năm
1996).
Vương Trung Hiếu: Trong một lần vào mạng Internet tôi
tình cờ phát hiện ra bài Từ “mèo hóa cáo” đến “gà hóa quốc” của ông
An Chi đăng trên tạp chí Người đô thị trong đó có bàn về từ cuốc,
vì thế tôi xin phép trao đổi luôn ở đây. Ông An Chi viết: “Đỗ quyên là một
loại chim thuộc họ Cuulidae mà tên khoa học là Eudynamys scolopacea, tức chim
tu hú, chứ không phải là con cuốc như nhiều người đã hiểu nhầm”. Trong Từ
điển Truyện Kiều” (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1974, trang 322), Đào
Duy Anh đã giảng chữ quyên này một cách hoàn toàn chính xác: “Chim đỗ quyên vốn
là chim tu hú, hay kêu về mùa hè. Ở nước ta nhiều người lộn nó với chim cuốc
cũng kêu về mùa hè, do tiếng nó kêu quốc quốc mà liên hệ với điển Vọng - đế chết
hóa thành chim đỗ quyên”. Ông An Chi dựa vào từ điển của học giả Đào Duy Anh để
nhận định như thế… Tóm lại, hai loại chim tu hú và đỗ quyên cùng họ nhưng khác
giống, cộng với từ “quyên” giống nhau giữa táo quyên và đỗ quyên nên học giả
Đào Duy Anh mới giảng lầm, dẫn tới việc ông An Chi… “trật đường ray” theo. Vậy,
chắc chắn rằng đỗ quyên không phải là chim tu hú mà chính là chim quốc (chim cuốc)
(Trích bài: Cái Gia Gia Là… Cái Nhà, mục Đối Thoại, nguồn www.vanchuongviet.org).
“Truyện Kiều”, khảo - chú - bình”:
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa là nói về cây hoa đỗ
quyên ở Liêu Dương.
Qua những nguồn tư liệu trên, ta thấy hầu như các học giả khi
tìm hiểu giá trị hai câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa/ Não
người cữ gió, tuần mưa đều chú trọng vào nghĩa hiển ngôn của ngôn ngữ mà
chưa chú ý đến hình ảnh thơ tượng trưng, mang nghĩa hàm ngôn của nó.
Với câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa,
dù quyên là tu hú, là quốc hay gì đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ được
dùng với mục đích diễn tả nỗi nhớ của Kim Trọng. Từ xưa người Việt Nam ta
vẫn cho đỗ quyên là chim quốc mà xem chim quốc tượng trưng cho lòng nhớ nước,
có lẽ thế mà Nguyễn Du đã linh hoạt trong việc chuyển nghĩa, lấy quyên tượng
trưng cho lòng nhớ nhung (quyên nhặt), nỗi nhớ liên tục, khôn nguôi của Kim Trọng
dành cho Kiều trong xa cách. Còn nhạn được dùng để nói việc báo tin,
vì lúc này Kiều đang ở cuối trời (Bắc Kinh), Kim Trọng ở Liêu Dương chẳng thể
biết tin tức gì về nàng (Theo Lê Mạnh Chiến, trong bài viếtCớ sao đổi tên chim
Én thành chim Nhạn, www.vanhoanghean.com.vn:Chim nhạn đã đi vào văn thơ Việt
Nam với nghĩa bóng là phái viên đưa thư). Vì thế, hình ảnh chim nhạn đã xuất hiện
nhiều trong văn thơ cổ: Mây giăng ải bắc trông tin nhạn/ Ngày xế non nam bặt
tiếng hồng (Xúc cảnh - Nguyễn Đình Chiểu); hay Ngày sáu khắc tin
mong nhạn vắng/ Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền (Cung oán ngâm khúc -
Nguyễn Gia Thiều). Với cách dùng hình ảnh “quyên”, “nhạn” mang ý nghĩa tượng
trưng như thế, đó chẳng phải tác giả nhằm tạo ra sự đối nghịch quên nhặt><nhạn
thưa với dụng ý bộc lộ hai thái cực cảm xúc khao khát >< hờ hững
(Trong trí tưởng tượng “phong phú” của Kim Trọng) hay sao?
Còn câu thơ Não người cữ gió, tuần mưa, sách “Truyện
Kiều”, khảo - chú - bình đã dẫn: “Đào Duy Anh: chỉ mức thời gian, thường cứ
bảy ngày một cữ, mười ngày là một tuần, cũng dùng như từ tiết. Người đi xa phải
trải qua cữ gió này tuần mưa khác. Đàm Duy Tạo: Đối với người phải kiêng
tránh nắng gió thì người ta gọi bảy ngày là một cữ, mười ngày là một tuần. Sau
người ta dùng chữ cữ và chữ tuần để nói sự kiêng nắng gió. Nói như đàn bà đẻ là
ở cữ; người lên đậu phải ở cữ; thấy cổng nhà nào hay cửa buồng ai đó có treo
cành đa, lá dứa để cấm cữ thì người lạ chớ vào. Câu “Não người cữ gió, tuần
mưa” dùng chữ cữ và chữ tuần là kiêng như vậy. Nghĩa hai câu này nói Kim thương
Kiều phải vì mình mà giữ gìn kiêng tránh mọi điều, không dám đi chơi bời tiêu
khiển đâu, chỉ âm thầm ngồi nhà để ngày càng nhớ mình khổ lòng thêm mãi”.
Như vậy, theo Đào Duy Anh, Người đi xa phải trải qua cữ
gió này tuần mưa khác. Nhưng xét về ngữ cảnh, câu thơ này nằm trong dòng mạch
tâm trạng của Kim Trọng khi ở Liêu Dương đang nhớ/ nghĩ đến người yêu thì
sao cữ gió, tuần mưa được coi là hiện tượng của thiên nhiên? Với cách
hiểu như vậy, chẳng phải câu thơ bị tách ra ngoài dòng tâm trạng vốn đang diễn
biến theo qui luật tâm lí mang tính logic của nó hay sao?
Về ý kiến của Đàm Duy Tạo, dùng chữ cữ và chữ tuần là
kiêng như vậy, nếu cho cữ là kiêng cữ (kiểu người đẻ ở cữ), vậy tuần thì
kiêng về cái gì? Rồi nếu cho rằng Kim thương Kiều phải vì mình mà giữ
gìn kiêng tránh mọi điều, không dám đi chơi bời tiêu khiển đâu, chỉ âm thầm ngồi
nhà để ngày càng nhớ mình khổ lòng thêm mãi, tưởng tượng ra được như thế thì hẳn
rằng chàng cũng nhẹ lòng thanh thản và hạnh phúc bởi “được yêu” chứ đâu đến nỗi Một
ngày nặng gánh tương tư một ngày, lòng sóng gió, đè nặng cả tâm tư!
Lí giải hai câu thơ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn
thưa/ Não người cữ gió, tuần mưa, có lẽ ta không nên “cụ thể hóa”, “thực
hóa” dẫn đến “trần trụi hóa” ngôn ngữ văn chương, mà nên coi đó là những hình ảnh
thơ mang tính biểu tượng trong ý đồ sáng tạo của nhà thơ.
Câu 899: Từ đây góc bể bên trời (góc bể chân trời)
Từ trời trong câu này có cách giải thích tương tự
câu 546 (Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời)
Câu 910: Góc trời thăm thẳm, đêm ngày đăm đăm
Mua bán xong xuôi, Kiều phải đi theo Mã Giám Sinh:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Trông vời, gạt lệ chia tay,
Góc trời thăm thẳm, đêm ngày đăm đăm.
Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.
Một không gian rợn ớn rợn “Đùng đùng gió giục mây
vần”, “Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây” đang bủa vây như để tốc
nàng đi giữa cõi hồng trần vô định. Đau đớn, cô quạnh trên
dặm đường đêm ngày đăm đăm, nơi nào sẽ điểm dừng chân của Kiều?
Một loạt từ láy thăm thẳm, đăm đăm, xa xăm gợi tả
điểm nhìn tâm trạng của Kiều trên chặng đường hun hút. Bởi thế góc
trời thăm thẳm, đó là nơi Kiều sẽ đến (dù không biết trước nơi nào).
Vậy nên trong ngữ cảnh này, từ được dùng chỉ vị trí chứ không phải
chỉ bầu trời, không gian
Câu 979: Nàng rằng: Trời thẳm, đất dày
Khi Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Tri, gặp mặt Tú Bà, Kiều mới
biết mình bị mắc mưu tên buôn người này. Đã bị lừa, thêm vào đó bị Tú Bà thóa mạ,
xúc phạm đến nhân phẩm, Kiều uẩn ức, rút dao tự vẫn. Trước khi dứt dây
phong trần, nàng bày tỏ một thái độ rất rõ ràng về sự lựa chọn của mình:
Nàng rằng:
“Trời thẳm, đất dày!
Thân này đã bỏ những ngày ra đi!
Thôi thì thôi, có tiếc gì!”
Bán mình vì hiếu nghĩa, nhưng gặp phải phường vô lương, Kiều
đang lâm vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng. Với cái tâm đưa thân mình cứu cha, trời đất
thấu rõ, giờ đây thân này chẳng tiếc. Trời thẳm, đất dày sẽ
chứng giám cho tấm lòng nàng. Dựa vào cách biểu đạt ấy, ta nhận thấy trong câu
thơ Nàng rằng: Trời thẳm, đất dày, từ trời và đất được dùng
với tư cách là nhân chứng chứng minh cho tấm lòng của Kiều trong hoàn cảnh bất
đắc dĩ phải hành động bột phát như vậy.
Câu 1041: Bên trời góc biển bơ vơ
Câu này nằm trong đoạn thơ độc thoại nội tâm của Kiều
khi nàng bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích:
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc biển bơ vơ.
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai,
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Trong “Truyện Kiều”, khảo - chú - bình (trang
413) đã trích dẫn ý kiến của Đào Duy Anh về cách hiểu cụm từ bên
trời góc bể (biển): chỉ chỗ xa xôi ở phía chân trời, ở xa
ngoài biển, chữ Hán là “thiên nhai hải dác”. Đương nhiên, từ trời ở
đây phải đặt trong cụm từ bên trời góc biển thì mới
có ý nghĩa biểu ý trọn vẹn. Nhưng thiết nghĩ, cụm từ này không
nhằm chỉ không gian phía chân trời và ngoài biển như
cách giải thích của cụ Đào Duy Anh. Bởi, lúc này từ điểm nhìn lầu
Ngưng Bích, Kiều đang trong trạng thái bơ vơ, cô quạnh giữa Bốn
bề bát ngát xa trông. Không gian càng rộng, Kiều càng lẻ loi, cô đơn.
Nàng có cảm giác mình bơ vơ nơi bên trời góc biển. Trong
nỗi cô đơn, Kiều dành tình cảm cho người yêu, cha mẹ bằng dòng nội
tâm nao lòng. Vậy cho nên bên trời góc biển là không gian tâm
lý, nơi nàng đang rất trống trải trong cõi lòng. Vì thế, bên
trời góc biển chính là địa điểm lầu Ngưng Bích đang ngày đêm
giam lỏng nàng. Sống giữa không gian rợn ngợp này, Thúy Kiều càng
ngày càng phải đối diện với sự cô đơn, hãi hùng của chính mình.
Câu 1267: Song sa vò võ phương trời
Mắc mưu Tú Bà và Sở Khanh, Kiều buộc phải vào lầu xanh. Nỗi
đau đớn, nhục nhã của Kiều được Nguyễn Du miêu tả:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường? (…)
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Qua dòng độc thoại nội tâm ta thấy được bi kịch của
Kiều nơi chốn lầu xanh. Xót xa nơi đất khách quê người, nàng gửi nỗi lòng về
cha mẹ (Nhớ ơn chín chữ cao sâu), nghĩ về mối tình “đứt gánh giữa đường” (Nhớ lời
nguyện ước ba sinh/ Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?), mong muốn Thúy Vân đền
bồi thay mình (Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?). Vì thế, từ phương
trời trong câu thơ Song sa vò võ phương trời có thể được dùng
theo một trong hai cách: Phương trời - nơi những người thân của Kiều ở
Bắc Kinh, hoặc phương trời - nơi lầu xanh đang đày đọa Kiều ở Lâm
Tri. Dù Bắc Kinh hay Lâm Tri, thì từ trời (phương trời) được dùng để
chỉ vị trí, địa điểm.
Câu 1817: Bây giờ đất thấp, trời cao
Khi Thúc Sinh trở về Vô Tich, tại gia tư Hoạn Thư, bất ngờ thấy
Thúc Sinh, Kiều trong tâm trạng hốt hoảng:
Phải chăng nắng quáng, đèn lòa
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?
Bây giờ tình mới rõ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai!
Chước đâu có chước lạ đời!
Người đâu mà lại có người tinh ma!
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở, chúa nhà, đôi nơi!
Bề ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Bây giờ đất thấp, trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Sự xuất hiện của Thúc Sinh ở nhà họ Hoạn lúc này đủ để Kiều
nhận ra mình bị “cài bẫy”. Sau giây phút bàng hoàng, nàng bắt đầu suy xét về mọi
hành vi của Hoạn Thư. Điều đầu tiên, Kiều nhìn nhận về Hoạn Thư như một
người cơ mưu, kế hiểm có những “chước lạ đời”(…). Ở vào vị trí, hoàn cảnh bây giờ,
từ góc nhìn của nỗi khiếp sợ, Kiều nhận xét bề ngoài Hoạn Thư ra như thế (…)
Nhưng nàng đâu biết rằng, vì Thúc Sinh không tuân thủ luật lệ gia đình, không
tôn trọng giá trị mình đang có, vội “thăm ván bán thuyền”, thì việc Hoạn Thư
“xích” Kiều về âu cũng là lẽ thường tình. Cũng như Kiều không hiểu tường tận diễn
biến khi Thúc Sinh về thăm nhà trước đó, nên làm sao thông cảm cho Hoạn Thư
(...) Hơn nữa, những việc làm của Hoạn Thư đều hướng vào việc bảo vệ nền
tảng của gia đình (Hoạn Thư, nết ăn ở và lí lẽ, trích trong sách“Truyện
Kiều, chưa xong điều nghĩ…”, NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 51). Không
hiểu bản chất sự việc, Kiều hồ đồ kết tội Hoạn Thư nào làrẽ thúy chia uyên, nào
là Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao. Bây
giờ, trước tình huống đang xảy ra bất thình lình, Kiều cho rằng đất thấp -
cái họa do tiểu thư họ Hoạn sắp đặt đang cận kề; trời cao - lẽ phải
thì rất xa, bởi trong hoàn cảnh hiện tại, nàng chẳng thể nào bào chữa cho danh
phận của mình. Như thế, trong câu thơ Bây giờ đất thấp, trời cao, theơ
cách nhìn nhận của Kiều thì trời ở đây là phép nước (Kiều được quan
phủ làm lễ hôn thú giữa công đường).
Về từ trời trong câu này có những cách hiểu khác
nhau. Theo sách “Truyện Kiều”, khảo - chú - bình (trang 551) đã dẫn:
Đào Duy Anh: Đất ở thấp, trời ở cao, có kêu gọi đâu được.
Văn Hòe: Một bên ở dưới đất thấp, một bên ở trên trời
cao, ý nói hai bên cách biệt nhau như trời với đất. Thúc Sinh với Kiều vốn là vợ
chồng (Rõ ràng thật lứa đôi ta), nay hai người cách biệt nhau như trời với đất,
là vì một bên là con ở (Kiều), một bên là chủ nhà (Thúc Sinh).
Theo cách hiểu của Đào Duy Anh Đất ở thấp, trời ở cao,
có kêu gọi đâu được, có lẽ chỉ hợp lý khi câu Bây giờ đất thấp, trời
cao đứng độc lập một mình. Còn xét trong ngữ cảnh xuất hiện của câu này,
ta thấy Kiều hoàn toàn không có ý định kêu gọi trời, đất. Thúc Sinh
xuất hiện, tình huống gay cấn xảy ra đột ngột, nhưng Kiều vẫn đủ tỉnh táo biện
hộ cho mình Rõ ràng thật lứa đôi ta để đổ cho Hoạn Thư tội chia rẽ Làm
ra con ở, chúa nhà đôi nơi. Không chỉ thế, kèm theo là sự đánh giá đầy hậm hực
của nàng về tiểu thư họ HoạnBề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết
người không dao. Trong trường hợp này, Kiều đã cho mình là đúng, nhưng do nằm
vào tình thế bị động, “trở tay không kịp”, nên nàng cảm thấy mối hiểm họa đang
gần, điều cần minh bạch của mình thì khó lòng giãi bày. Ăn làm sao, nói làm sao
bây giờ?, nàng đang lúng túng. Điều này có lý, bởi đúng lẽ, trong xã hội nàng
đang sống, trong mối quan hệ giữa Thúc Sinh và nàng, “danh chính ngôn thuận”,
Hoạn Thư với vai trò vợ cả phải có sự đồng thuận. Nhưng điều này đã được bưng
bít, có nghĩa là Kiều và Thúc Sinh đã vượt ra khỏi gia pháp, vậy sao có thể đưa
“phép nước” để trình chiếu “phép nhà” lúc này được. Bởi thế, trời cao trong
câu thơ Bây giờ đất thấp, trời cao chính là “phép nước” đã công nhận thật
lứa đôi ta của Kiều. Nhưng tiếc thay, vào hoàn cảnh này, dù thông minh
nàng cũng khó lòng vận dụng. Cũng chính vì thế, trong tình huống bất ngờ xảy
ra, Kiều không nghĩ đến kêu trời, mà có chăng chỉ xót xa về việc nàng đã tính
liệu cho Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư Đến nhà, trước liệu nói sòng cho minh cốt
đế Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm, nhưng việc đã không thành để hôm nay
hứng chịu hậu quả.
Còn ý kiến của Văn Hòe cho rằng Kiều và Thúc Sinh hai
người cách biệt nhau như trời với đất, là vì một bên là con ở (Kiều), một bên
là chủ nhà (Thúc Sinh) thì có lẽ không phù hợp. Trong màn bi kịch này, dù
Thúc Sinh đang trong vai trò chồng Hoạn Thư - ông chủ, thì vào lúc này, cái
hình thức ấy không thể ngụy biện cho trạng thái phách lạc hồn xiêu và
nỗi đau nát ruột tan hồn của chàng. Cũng dễ hiểu, bởi trong ván bài đang diễn
ra tại gia tư họ Hoạn, Kiều hiểu mình và Thúc Sinh đều là nạn nhân, “bị cáo” dưới
trướng của Hoạn Thư, vậy nên tại thời điểm này, sao nàng có thể đánh đồng Thúc
Sinh là trời cao được.
Câu 1877: Bây giờ một vực, một trời
Màn bi kịch xảy ra ở gia tư nhà họ Hoạn của ba nhân vật Thúc
Sinh, Hoạn Thư, Thúy Kiều đã đến hồi kết, nhưng với Thúy Kiều thì nỗi đau
còn âm ỉ:
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn dong canh dài.
Bây giờ mới rõ tăm hơi,
Máu ghen, đâu có lạ đời nhà ghen!
Chước đâu rẽ thúy chia uyên
Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai?
Bây giờ một vực, một trời,
Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi!
Nhẹ như bấc, nặng như chì,
Gỡ cho ra nữa, còn gì là duyên?
Lỡ làng chút phận thuyền quyên
Bể sâu, sóng cả, có tuyền được vay?
Một mình âm ỉ đêm chầy,
Bây giờ, rõ ràng cả Thúc Sinh và Kiều đều là nạn nhân của bi
kịch ghen tuông. Giá như Thúc Sinh nghe lời Kiều Xin chàng kíp liệu lại
nhà/ Trước người đẹp ý, sau ta biết tình, giá như Kiều biết cách biện hộ cho
danh phận của mình ở nhà họ Thúc khi nàng được Kíp truyền sắm sửa lễ công/
Kiệu hoa lướt gió, đuốc hồng điểm sao trong sự đồng thuận Dâu con
trong đạo gia đình? Nếu thế thì rõ ràng mọi việc diễn ra nhẹ như bấc chứ
đâu đến nỗi gánh chịu hậu quả nghiệt ngã như hôm nay. Nhưng vì cả hai không biết
cách ứng xử hoàn cảnh nên vở diễn do Hoạn Thư sắp đặt đã đẩy Kiều và Thúc Sinh
vào nghịch cảnh nặng như chì, đầy đau đớn. Chính điều này đã tạo cho Hoạn
Thư làm nên một sự phân định rạch ròi về mối quan hệ của Thúc Sinh và Kiều: ông
chủ/ đầy tớ. Qua cặp lục bát Người vào chung gối loan phòng/ Nàng ra tựa
bóng đèn dong canh dài, ta nhận ra một nghịch cảnh của Kiều và Thúc Sinh. Cả Kiều
và Thúc Sinh đều cùng cảnh ngộ, là con bài trong tay Hoạn Thư, nhưng ở gia tư họ
Hoạn bây giờ, Thúc Sinh là phu quân của bà chủ, chàng hiển nhiên được “hưởng”
quyền chung gối loan phòng. Và chàng cũng đã cung cúc tuân thủ, không một
lời hé răng biện hộ cho Kiều, không một biểu lộ thoái thác quyền lợi làm chồng
của Hoạn Thư!? Hết điều khinh trọng, hết lời thị phi, là người có danh phận
trong nhà họ Thúc, nhưng giờ đây, dù bên cạnh Thúc Sinh, Kiều cũng chỉ trong
thân phận con hầu mà thôi, không còn gì bàn cãi! Một mình âm ỉ đêm chầy,
càng nghĩ, Kiều càng thấm thía sự lo âu của mình trước bể sâu, sóng cả. Mối
quan hệ chủ/ tớ giữa Kiều và Thúc Sinh được Hoạn Thư phân định rạch ròi, đúng
như dòng độc thoại nội tâm của Kiều Bây giờ một vực, một trời. Vì thế,
trong câu thơ này, từ trời được dùng chỉ vị thế Thúc Sinh trong nhà họ
Hoạn.
Về tổ hợp từ một vực, một trời, theo sách “Truyện
Kiều”, khảo - chú - bình (trang 564) đã dẫn, ý kiến của Văn Hòe: Kiều
so sánh mình với Hoạn Thư thấy bây giờ hơn kém nhau như một người ở dưới vực
sâu, một người ở trên trời cao, không còn ra vợ cả vợ lẽ nữa.
Nếu dựa theo cách diễn giải của Văn Hòe, từ trời sẽ
được dùng để chỉ vị thế của Hoạn Thư. Sự nhìn nhận này ta thấy không hợp lý, bởi
từ khi bước vào nhà họ Hoạn, mối quan hệ giữa Hoạn Thư và Kiều vốn đã cách biệt
chủ- tớ rồi chứ đâu đợi đến bây giờ, khi xảy ra chuyện nàng mới nhận
ra một vực, một trời. Còn chuyệnvợ cả vợ lẽ, phương diện pháp luật là như
vậy, nhưng xét về cái lý, cái tình trong nhà họ Thúc, cho đến thời điểm này,
chưa bao giờ Họan Thư được thông báo về mối quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều
thì sao gọi thế được. Qua phân tích, ta nhận thấy cách hiểu về câu thơ Bây
giờ một vực, một trời chưa có sự thống nhất với ý kiến Văn Hòe.
Câu 2100: Không dưng chưa dễ mà bay đường trời
Khi việc Kiều lấy đồ thờ ở Quan Âm các bị phát
giác, Giác Duyên nghĩ cách gửi Kiều sang lánh tạm ở nhà Bạc Bà.
Tại đây, Kiều bị Bạc Bà đối xử rất thậm tệ:
Mụ càng xua đuổi cho liền
Lấy lời hung hiểm, ép duyên Châu Trần.
Rằng: “Nàng muôn dặm một thân,
Lại mang lấy tiếng dữ gần, lành xa.
Khéo oan gia của phá gia,
Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây!
Kíp toan kiếm chốn xe dây,
Không dưng chưa dễ mà bay đường trời!...”
Tại nhà mình, Bạc Bà đã cởi bỏ cái lốt phật tử,
hiện nguyên hình là kẻ cùng tổ bợm già với Tú Bà. Nhìn ra
điểm bất lợi và ưu thế của Thúy Kiều, Bạc Bà dùng mưu mô xảo quyệt
để kiếm lợi. Thúy Kiều trong tình trạng bị động, đang mắc kẹt giữa
nhà Bạc Hạnh, nào bị xua đuổi cho liền, nào bị Lấy lời
hung hiểm, ép duyên Châu Trần. Một mặt mụ uy hiếp tinh thần, một mặt
mở cho nàng “lối thoát” theo cách bán buôn có lời của mụ.
Kiều đang gặp phải nguy hiểm, buộc phải lựa chọn: Hoặc lối thoát do
mụ sắp đặt, hoặc câu chuyện đồ thờ Quan Âm các bị phanh phui. Trong
hoàn cảnh Kiều lúc này, cách nói Không dưng chưa dễ mà bay đường
trời, đó là Bạc Bà ám chỉ sự bế tắc của nàng. Bởi thế, từ trời (đường
trời) ở đây chỉ ngõ cụt, không lối thoát chứ không dùng
để chỉ bầu trời, không gian. Cách dùng này được phổ biến trong
dân gian: có mà chạy đường trời, chạy trời không khỏi nắng…
Câu 2171: Đội trời, đạp đất ở đời
Nguyễn Du đã dựng bức chân dung Từ Hải mang vẻ đẹp khí phách
người anh hùng bằng những câu thơ phóng khoáng:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
Hình tượng nhân vật Từ Hải xuất hiện trong Truyện Kiều được
Nguyễn Du xây dựng bằng những câu thơ lãng mạn đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong
lòng người đọc. Bằng những câu thơ miêu tả vẻ đẹp Từ Hải, người đọc nhận ra
dũng khí của chàng toát lên ở tư thế đội trời, đạp đất. Từ hình ảnh thơ
mang tính biểu tượng, ta nhận thấy sự ngang nhiên, khả năng vùng vẫy của người
anh hùng trong việc xây nghiệp lớn. Bởi thế, trong câu thơ Đội trời đạp đất
ở đời, từ trời không thể tách ra dùng chỉ bầu trời, không gian,
mà nó phải nằm trong kết hợp từ chặt chẽ đội trời đạp đất để chỉ tư
thế, khí phách con người đó giữa không gian, đó là khả năng tung hoành của người
anh hùng ở bất cứ đâu.
Câu 2248: Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
Những ngày xa cách Từ Hải, lòng Kiều ngổn ngang tâm
trạng:
Tấc lòng cố quốc tha hương,
Đường kia, nỗi nọ ngổn ngang bời bời.
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
Sống trong sự trống trải Đêm thâu đằng đẵng nhặt
cài then mây, Kiều thả hồn mình về quê hương và người chồng nơi chiến
trận. Dõi theo mỗi bước chân Từ Hải, Kiều sống trong hi vọng (Cánh
hồng bay bổng tuyệt vời), nhớ nhung, chờ đợi (Đã mòn con mắt phương trời
đăm đăm). Vì thế, từ trời (phương trời) trong câu thơ này không
dùng để chỉ bầu trời, không gian mà chỉ địa điểm, vị trí
nơi Từ Hải đến trong những ngày xa cách Kiều.
Câu 2251: Ngất trời, sát khí mơ màng
Chung sống với nhau một thời gian, Từ Hải Quyết
lời dứt áo ra đi. Một mình đơn chiếc, Kiều âm thầm chờ đợi.
Một thời gian sau chàng đã trở về Làm cho rõ mặt phi thường,
đúng như lời hứa ngày ra đi:
Đêm ngày luống những âm thầm,
Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương.
Ngất trời, sát khí mơ màng,
Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.
Từ những hình ảnh thơ trên, ta đủ thấy thế lực quân
sự của Từ Hải lúc này rất lớn. Cụm từ ngất trời này gắn
với hình ảnh lửa binh, sát khí mơ màng,đầy sông kình ngạc,
chật đường giáp binh nhằm chỉ tính chất hùng mạnh của Từ Hải.
Vì thế, từ trời không thể tách ra, phải nằm trong tổ hợp
từ ngất trời để miêu tả không gian binh khí đầy tính uy hiếp
của Từ Hải.
Câu 2381: Nàng rằng: Lồng lộng trời cao
Có Từ Hải yêu chiều, Kiều thỏa thích thực hiện những mong muốn
của mình. Một chặng đường dàiThanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, giờ đây dựa
vào thế lực Từ Hải, Kiều đang ra tay với những kẻ đã từng làm nàng đau đớn. Sau
đây là những lời tuyên án của Kiều trước khi màn báo oán xảy ra:
Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao!
Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!
Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh,
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Các tên tội ấy đáng tình còn sao?”
Lệnh quân truyền xuống nội đao
Màn báo oán diễn ra tàn khốc, nhưng với Kiều, nàng coi như việc
này xảy ra là hợp lẽ bởi hai lý do nghe ra rất chính đáng. Thứ nhất, Hại
nhân, nhân hại, sự nào tại ta!, có nghĩa là nàng lấy sự công bằng làm chuẩn mực.
Thứ hai, Thề sao thì lại cứ sao gia hình, nàng dựa vào lời thề thốt của tội
nhân khi lừa nàng để coi đó làm căn cứ hành quyết. Bởi thế, Kiều cho rằng trời
cao sẽ soi xét, xử phạt mọi hành vi của con người nơi trần gian theo luật
nhân quả. Vì vậy, từ trời trong câu thơ Nàng rằng: “Lồng lộng trời
cao!” được dùng với nghĩa đạo trời. Tuy nhiên, xét ở góc độ Phật giáo thì
cách xử phạt của nàng đối với các tội nhân như thế chứng tỏ nàng không hề giác ngộ,
khi mà Kiều là người đã từng bước vào cửa chùa, thông thạo kinh sách.
Câu 2426: Dễ đem gan óc đền nghì trời mây
Thỏa mãn với màn báo oán, Thúy Kiều bày tỏ nỗi lòng mình với
Từ Hải:
Nàng từ ân oán rạch ròi,
Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng.
Tạ ân, lạy trước Từ công:
“Chút thân bồ liễu, nào mong có rày!
Trộm nhờ sấm sét ra tay,
Tấc riêng như cất gánh rầy đổ đi
Khắc xương ghi dạ, xiết chi
Dễ đem gan óc, đền nghì trời mây!”
Qua lời tạ ân, ta nhận thấy Kiều biết ơn Từ Hải đã tạo
điều kiện để nàng thỏa mãn sự khao khát trả thù bấy lâu. Chính điều này đã
làm Kiều hả dạ, bày tỏ tấm chân tình Dễ đem gan óc, đền nghì trời mây!.
Kiều đã rất đề cao vai trò Từ Hải, muốn thể hiện sự đền đáp trước công ơn
như trời mây của chàng. Hiểu tấm lòng tri kỷ dành cho mình,
chàng đã đáp lại:
Từ rằng: “Quốc sĩ xưa nay
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?
Anh hùng tiếng đã gọi rằng:
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
Huống chi việc cũng việc nhà
Lọ là thâm tạ mới là tri ân”
Qua cuộc đối thoại này, ta thấy từ trời mây được Kiều
dùng để chỉ công ơn to lớn của Từ Hải trong việc giúp nàng báo ân, báo oán. Và
như vậy, từ trời trong câu Dễ đem gan óc, đền nghì trời
mây không thể tách ra thành từ đơn mà nó phải nằm trong từ ghép trời
mây thì mới hiểu đúng nội dung biểu đạt trong ngữ cảnh giao tiếp giữa Kiều
và Từ Hải.
Câu 2441: Triều đình riêng một góc trời
Thế mạnh của Từ Hải được Nguyễn Du diễn tả:
Triều đình riêng một góc trời
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.
Đòi phen gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những loài giá áo, túi cơm sá gì!
Nghênh ngang một cõi biên thùy,
Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!
Trước cờ ai dám tranh cường,
Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
Với ưu thế Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài và thú
vẫy vùng của mình, Từ Hải đã rạch đôi sơn hà, lập nên một triều đình
đối nghịch và bình đẳng với triều đình chính thống. Vì thế, trong câu thơ Triều
đình riêng một góc trời thì góc trời được dùng để chỉ cõi riêng
của Từ Hải, tồn tại song song với triều Minh lúc bấy giờ. Vì vậy, từ trời phải
đặt trong câu thơ thì mới có một cách hiểu trọn vẹn.
Câu 2471: Chọc trời, khuấy nước mặc dầu
Khi Hồ Tôn Hiến bắt đầu làm chước chiêu an, Từ Hải không
khỏi đắn đo, lưỡng lự:
Tin vào gửi trước trung quân
Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ.
Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành!
Bó thân về với triều đình,
Hàng thân lơ láo, phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời, khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?
Một người đã từng “Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở,
sông Ngô tung hoành”, vì thế không dễ gì phút chốc trao một nửa “sơn hà” cho
triều đình... Với lí lẽ, lập luận vấn đề một cách có căn cứ “Sức này, đã dễ làm
gì được nhau”, trong tư thế độc lập “Sao bằng riêng một biên thùy”, Từ Hải đã
quyết định không đầu hàng… Một người có tài năng “Đường đường một đấng anh hào/
Côn quyền hợp sức, lược thao gồm tài”; cũng như dũng khí “Trước cờ ai dám tranh
cường/ Năm năm hùng cứ một phương hải tần” (Cách hành xử của những người ở
phương diện quốc gia, trích trong sách “Truyện Kiều”, chưa xong điều
nghĩ…, NXB Hội nhà văn, năm 2016, trang 99), chàng thể hiện tư thế của
mình:
Chọc trời, khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?
Qua hai câu thơ trên, ta nhận thấy Từ Hải có một tư thế ngạo
nghễ, bất khuất, sẵn sàng chống lại mọi thế lực. Hình ảnh thơ chọc trời,
khuấy nước đã diễn tả hành động ngang tàng của kẻ Giang hồ quen thú vẫy
vùng. Vì thế, trong tổ hợp từchọc trời, khuấy nước thì từ trời không
thể tách ra để hiểu theo nghĩa chỉ bầu trời, không gian mà nó phải nằm
trong liên kết từ ấy thì mới biểu đạt ý đồ của tác giả trong việc xây dựng hình
tượng người anh hùng.
Can quân truy sát đuổi dài,
Ầm ầm sát khí, ngất trời ai đang.
Cụm từ ngâu 2524: Ầm ầm sát khí, ngất trời ai đang
Câu thơ này nằm trong đoạn kể quân Hồ Tôn Hiến truy
sát Từ Hải:
Quất trời trong câu này giống như trong
câu 2251, đều chỉ thế mạnh quân sự (Hồ Tôn Hiến).
Câu 2550: Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi!
Câu 2555: Năm năm trời biển ngang tàng
(Hai câu này từ trời được dùng tương tự nhau,
nên chỉ phân tích câu 2555)
Trúng kế Hồ Tôn Hiến, Từ Hải chết, Kiều bị Đem
vào đến trước trung quân. Trước mặt Hồ Tôn Hiến, Kiều bày tỏ:
Rằng: “Từ là đấng anh hùng,
Dọc ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi!
Tin tôi, nên quá nghe lời
Đem thân bách chiến làm tôi triều đình.
Ngỡ là phu quý, phụ vinh,
Ai ngờ một phút tan tành thịt xương!
Năm năm trời bể ngang tàng,
Đem mình đi bỏ chiến trường như không…”
Dù cơ đồ Từ Hải tan tành khói mây, nhưng trong lòng
Kiều, chàng thực sự là đấng anh hùng. Dù ở điểm nhìn nào, khí
phách của kẻ Giang hồ quen thú vẫy vùng luôn được tác giả
thể hiện đúng bản chất của nó. Bởi thế, khi Kiều nhận xét Dọc
ngang trời rộng, vẫy vùng bể khơi, hay Năm năm trời biển ngang
tàng, thì trời rộng hay trời bể đều được dùng để
chỉ không gian vẫy vùng, tung hoành ngang dọc của Từ Hải. Trong trường
hợp này, từ trời phải nằm trong kết hợp từ trời rộng, trời
bể thì mới diễn tả được ý đồ sử dụng từ của tác giả.
Câu 2607: Chân trời, mặt biển lênh đênh
Khi Kiều bị Hồ Tôn Hiến Ép tình mới gán cho
người thổ quan, trên sông Tiền Đường, nàng đã rất cay đắng, hoang mang:
Nàng càng ủ liễu phai đào,
Trăm phần nào có phần nào phần tươi?
Đành thân cát lấp sóng vùi,
Cướp công cha mẹ thiệt đời thông minh!
Chân trời mặt biển lênh đênh,
Nắm xương biết gửi tử sinh chốn nào!...
Với Kiều, nàng nghĩ lúc này không có một cơ sở nào
để định hướng cho chặng đường tiếp theo của mình. Bởi thế, Chân
trời mặt biển là tổ hợp từ chỉ bước chân nơi Kiều đến, địa
điểm không xác định. Như vậy, trong ngữ cảnh này, từ trời không
thể tách ra để hiểu theo nghĩa bầu trời, không gian.
Câu thơ này nằm trong mạch kể Kim Trọng từ Liêu Dương
trở về tìm Kiều. Nhờ láng giềng, chàng mới hỏi được sự tình:
Hỏi ông, ông mắc tụng đình,
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà, nhà đã dời xa,
Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân.
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi.
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe, chàng thoắt rụng rời xiết bao!
Oan gia xảy ra, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha
và em. Quay lại tìm người yêu, Kim Trọng choáng váng, bàng hoàng
trước gia cảnh của Kiều. Sự việc quá bất ngờ, nhà Vương ông không
kịp trở tay. Điều đâu sét đánh lưng trời, hung tin đã làm chàng
Kim rụng rời. Trong ngữ cảnh này ta có thể hiểu, cụm từ sét
đánh lưng trời biểu đạt nội dung: tai họa bất ngờ xảy ra đáng
sợ, cảnh gia đình họ Vương tan tác, tình yêu Kim - Kiều đứt đoạn.
Câu 2830: Mênh mông nào biết biển trời nơi nao
Trở lại Bắc Kinh, hay tin Kiều bán mình chuộc cha, Kim Trọng
đã ra tay hành động tìm kiếm nàng:
Đinh ninh mài lệ chép thư,
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe.
Biết bao công mướn của thuê,
Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
Người một nơi, hỏi một nơi,
Mênh mông nào biết biển trời nơi nao?
Dẫu không trực tiếp, quyết liệt, “lao tâm khổ tứ” tìm người
yêu, nhưng những hành động của Kim trọng cho thấy chàng không hề thờ ơ trên bước
đường lưu lạc của Thúy Kiều. Bởi tin vào lời Mã Giám Sinh, lấy địa chỉ Lâm
Thanh làm căn cứ nên cuộc tìm kiếm Kiều ngày càng trở nên vô vọng Người một nơi,
hỏi một nơi/ Mênh mông nào biết biển trời nơi nao?. Không biết Kiều đang ở chân
trời, góc biển nào để chàng Kim đến nỗi lâm vào tình trạng Máu theo
nước mắt, hồn lìa chiêm bao, trông thảm thương đến thế. Trong ngữ cảnh này,
từ ghép biển trời nhằm chỉ nơi Kiều ở, không có điểm xác
định.Với cách biểu đạt ấy, ta có thể coi từ ghép biển trời trong
câu Mênh mông nào biết biển trời nơi nao? được dùng để định vị vị trí (chỗ ở)
nào đó của Kiều, không có điểm xác định.
Câu 2943: Nghĩ điều trời thẳm, vực sâu
Dù có manh mối về Kiều, nhưng thái độ Kim Trọng rất
lưỡng lự trong việc tìm kiếm người yêu:
Rắp mong treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.
Giấn mình trong áng can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm cá, biết đâu mà nhìn!
Vẫn nghĩ đến Kiều, nhưng hẳn cảm xúc Kim Trọng không
còn nóng bỏng. Có lẽ thế mà chàng Kim vin vào yếu tố khách
quan trời thẳm vực sâu, bóng chim tăm cá để chùn bước
trong việc tìm kiếm Kiều. Chưa tìm sao lại cho là như thế được, khi
mà dấu vết cuối cùng (Từ Hải, nhân vật nổi tiếng) ai cũng có thể
biết. Dù rằng chặng đường vô cùng khó khăn (trời thẳm vực sâu), tung
tích khó lần (bóng chim tăm cá), nhưng không phải hoàn toàn bế tắc.
Như thế, xét trong ngữ cảnh này, cụm từ trời thẳm vực sâu chỉ
con đường đi tìm Kiều (trong suy nghĩ của Kim Trọng) sẽ đầy chông gai.
Vì thế, từ trời cũng không tách ra khỏi kết cấu này để
chỉ một nội dung khác.
Câu 3166: Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau
Trong màn đoàn viên, trước sự day dứt của Thúy Kiều, Kim Trọng
như muốn giải tỏa nỗi niềm của người yêu:
Chàng rằng: “Gắn bó một lời,
Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau.
Xót người lưu lạc bấy lâu
Tưởng thề thốt nặng nên đau đớn nhiều
Thương nhau sinh tử đã liều
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình”
Kim Trọng hiểu hoàn cảnh của Kiều, khi một lời thốt
ra từ ý thức chủ quan Đã nguyền hai chữ “đồng tâm”, vậy nhưng gặp
hoàn cảnh khách quan khó bề lựa chọn Bên tình, bên hiếu bên nào nặng hơn. Do
tai ương xảy ra trong gia đình, đưa tình yêu Kim - Kiều vào chỗ bế tắc, thành
ra nông nỗi Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau. Gia cảnh éo le, tình yêu Thúy
Kiều và Kim Trọng không còn cơ hội (cá nước, chim trời), lỡ một chuyến đò tình,
lỡ một thời thanh xuân của đôi “trai tài, gái sắc”. Hình ảnh thơ cá nước,
chim trời đầy tính biểu tượng, gợi sự liên tưởng về sự chia ly của Kiều và
Kim Trọng khó lòng gặp lại. Vì thế Trời còn để có hôm nay, ngày gặp lại
đủ cho một niềm tin của Kim Trọng đối với Kiều. Từ hình ảnh thơ cá nước,
chim trời là cách Nguyễn Du dùng lối ẩn dụ chỉ Kiều và Kim Trọng. Vậy nên,
từ trời trong câu thơ Bỗng không cá nước, chim trời lỡ nhau
không thể tách ra (chim/ trời) mà phải đặt trong tổ hợp từ cá nước, chim trời để
hiểu.
Về từ trời, đối chiếu cách phân tích với việc
chia theo nhóm trong Từ điển Truyện Kiều, ta thấy tác giả
không dùng để chỉ bầu trời, không gian. Qua phân tích từ trời ở
nhiều ngữ cảnh khác nhau, một điều dễ nhận thấy là cụ Nguyễn Du đã
rất tài tình trong việc đa dạng hóa ngôn ngữ, tạo sự hấp dẫn khi
tìm hiểu cách dùng từ trong Truyện Kiều.
3.1.3. Nhóm chỉ thời tiết, thời gian
Phân tích nghĩa từ trời trong các câu 289, 1777 (thuộc nhóm chỉ thời tiết, thời gian) để xem của Nguyễn
Du đã dùng với mục đích gì?
Câu 289: Cách tường phải buổi êm trời
Mong muốn gặp lại Thúy Kiều, Kim Trọng dùng sách
lược Lấy điều du học hỏi thuê (nhà Ngô Việt thương gia) để
có cơ hội gặp nàng. Chàng Kim mong ngóng từng ngày:
Song hồ nửa khép cánh mây,
Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.
Tấc gang động khóa nguồn phong,
Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.
Nhẫn từ quán khách lân la,
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai.
Cách tường phải buổi êm trời,
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Buông cầm, xốc áo, vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh!
Sau buổi đầu gặp gỡ, phải nói rằng Kim Trọng đã rất
công phu trong việc tìm gặp Thúy Kiều. Nếu không nhẫn thì
chàng Kim khó lòng gặp người chỉ biết sống trong khuôn phép Êm
đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai. Có công đến
thế nhưng khi Tuần trăng thấm thoắt nay đà thêm hai Kim Trọng cũng
đâu gặp được người mong nhớ, chỉ mơ hồ (dường) có bóng người thướt
tha mà thôi. Dù như thế, nhưng Kim Trọng vẫn xem đó là buổi đánh
dấu mốc buổi đầu tiên - buổi êm trời, coi như chàng được gặp
Kiều. Vì lẽ đó, buổi êm trời trong ngữ cảnh này không dùng
để chỉ thời tiết, mà diễn tả nội dung: Kim Trọng có cảm giác vui,
may mắn khi kịp/ ường nhận ra sự xuất hiện của Kiều.
Câu 1777: Phải đêm êm ả chiều trời
Trong âm mưu sắp đặt của Hoạn Thư, đã đến lúc phải chuyển Kiều
từ phủ Hoạn Bà về nhà mình:
“Tiểu thư dưới trướng thiếu người,
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang”
Lĩnh lời nàng mới theo sang,
Biết đâu địa ngục, thiên đàng là đâu!
Sớm khuya khăn mặt, lược đầu
Phận con hầu, giữ con hầu, dám sai!
Phải đêm yên ả chiều trời,
Trúc tơ, hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non, thánh thót, dễ say lòng người!
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Từ trời trong câu Phải đêm êm ả chiều
trời có thể đưa ra nhiều cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất,
từ trời có thể chỉ Hoạn Thư. Bởi từ khi chuyển từ phủ họ
Hoạn sang tư gia Hoạn Thư, Kiều một lòng hầu hạ chủ đến nơi, đến
chốn, vì thế việc Kiều hầu Hoạn Thư được coi như hầu trời vậy. Nhưng
cách hiểu này có vẻ khiên cưỡng, khó thuyết phục, khi mà trong ngôn
ngữ trần thuật, ở ngôi thứ ba, không ai gọi một người cụ thể
là Trời cả, dù nhân vật thì có thể nói: bà là Trời.
Cách hiểu thứ hai, từ trời được coi là công
việc Kiều làm để chiều chuộng hầu hạ Hoạn Thư rất to lớn, ví như
trời. Đó là cách hiểu theo nghĩa ẩn dụ như dân gian vẫn hay dùng để
chỉ một cái gì đó lớn lao. Ví như chỉ công lao to lớn của người mẹ,
ca dao đã viết:Nghĩa mẹ bằng trời; khen hiệu quả công việc một người
nào đó cũng được dùng: làm được như thế là quá trời rồi… Nhưng
xem ra cách hiểu này cũng khiên cưỡng, bởi việc Kiều hết sức hầu hạ
tiểu thư là cả một quá trình của Phận con hầu, giữ con hầu, dám
sai!, chứ đâu phải chỉ trong đêm yên ả ấy.
Cách hiểu thứ ba, từ trời trong ngữ cảnh này
được dùng để chỉ không gian. Như ta đã biết, ở nhà Hoạn Thư, Kiều đã thể
hiện đúng bổn phận mình trong vai Sớm khuya khăn mặt, lược đầu/ Phận con hầu,
giữ con hầu, dám sai!. Tạo ra không gian hoạt động như thế, tác giả giúp
ta hình dung Kiều đã hết sức mình với công việc hầu hạ tiểu thư.
Nút thắt bi kịch về hai thân phận đối lập, ưu thế đang thuộc về Hoạn
Thư, vậy nhưng Kiều vẫn được chủ mở cho một cơ hội để thể hiện tài
năng Trúc tơ, hỏi đến nghề chơi mọi ngày. Tại sao Kiều có cơ hội
ấy? Nếu Kiều không hết lòng vì chủ, liệu Hoạn Thư có chủ động mở
lời để tạo nên không gian giao tiếp gần gũi như vậy hay không? Nếu
Hoạn Thư không phải là người hiểu biết, đáng ngợi ca (Hoạn
Thư, nết ăn ở và lí lẽ, trích trong sách “Truyện Kiều”, chưa xong
điều nghĩ…, Nhà xuất bản Hội nhà văn, năm 2016, trang 66), thì trong
hoàn cảnh cay đắng về bi kịch hôn nhân của mình, nàng đã chẳng tìm
mọi cách để uy hiếp tinh thần Kiều hay sao? Xây dựng một không gian
giao tiếp như vậy, tác giả cho ta thấy kết quả mối quan hệ chủ - tớ
ấy là do sự tương tác từ hai phía. Bởi thế, trong thời gian và không
gian Phải đêm êm ả chiều trời ấy, phải chăng là lúc sự trắc
ẩn, tình thương của tiểu thư đang dậy lên trước số phận một con người
vì hoàn cảnh bất đắc dĩ mà liên lụy đến mình. Với bối cảnh xuất
hiện của từ trời ở câu này như thế, vậy nên ta có thể hiểu
từ trời ở đây nhằm chỉ không gian. Trong ba cách hiểu về
từ trời như đã nêu trên, có lẽ cách hiểu thứ ba có sức
thuyết phục hơn cả.
Tìm hiểu từ trời trong hai câu thơ 289, 1777, ta
thấy ý đồ của Nguyễn Du khi dùng từ này không phải chỉ thời
tiết, thời gian theo như cách cụ Đào Duy Anh đã chia nhóm. Ở đây,
mỗi từ trời được Nguyễn Du dùng theo một cách riêng, đầy ẩn
ý.
3.1.4. Nhóm chỉ chỉ vùng trời, miền đất ở vùng trời
ấy
Câu 703 có từ trời được dùng theo nghĩa hàm
ý, trùng với cách hiểu của Đào Duy Anh.
Câu 703:Trời Liêu non nước bao xa
Trời Liêu: chỉ đất Liêu Dương (Từ điển “Truyện
Kiều”, Đào Duy Anh, trang 421)
3.2. Phân tích nghĩa từ “trời” trong những câu chưa được
liệt kê trong Từ điển Truyện Kiều
Các câu trong phần này chứa từ trời có
nghĩa hàm ý: 1030, 1346, 1514, 3049
Câu 1030: Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi
Khi biết mình bị Mã Giám Sinh lừa, Kiều rút dao tự
vẫn. Tú Bà sợ mất vốn, nghĩ ra mưu chước lừa Kiều Khóa buồng
xuân để đợi ngày đào non. Trước sự hoài nghi của Kiều, Tú Bà trở
giọng “ngọt lạt”:
Mụ rằng: “Con hãy thong dong,
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời.
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi”
Trước khi đưa Kiều ra lầu Ngưng Bích, Tú Bà thề thốt
đủ điều. Mụ khẳng định, nếu làm không đúng lời mụ nói hôm nay, mai
sau mụ sẽ bị bóng mặt trời rạng soi, có nghĩa sẽ bị nhân quả
báo ứng. Mặt trời rạng soi, ấy chính là cán cân công lý xử
phạt nghiêm minh. Như thế, ở ngữ cảnh này, mặt trời được
hiểu là nhân quả, công lý. Tất nhiên, với loại người như Tú Bà thì
không thể lấy điều này làm căn cứ. Nhưng trong tình huống này, ta xét
cách mụ biết vận dụng nó để lừa gạt Kiều.
Câu 1346: Thân sau ai chịu tội trời ấy cho
Khi Thúc Sinh biết Kiều không phải Cành kia chẳng
phải cỗi này mà ra (Con Tú Bà), chàng dò tính Trăm năm tính
cuộc vuông tròn. Trước ý định của Thúc Sinh, Kiều lo lường trước mọi
việc:
Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng.
Chút e bên thú, bên tòng dễ đâu.
Bình khang nấn ná bấy lâu
Yêu hoa, yêu được mấy màu điểm trang.
Rồi ra lạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế, cung trăng
Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong
Bấy lâu khăng khít giải đồng,
Thêm người, người cũng cha lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
Trăm điều nghiêng ngửa vì tôi,
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?...”
Chấp nhận lấy Thúc Sinh, Kiều đã nhìn trước được
hiểm họa. Đó là liệu Thúc Sinh có chung thủy với nàng, rồi việc
vượt mặt Hoạn Thư là phạm vào gia pháp, việc nàng là gái lầu xanh
thì sao không làm mất uy danh nòi thư hương… Như thế, tội ấy suy cho
cùng rất to. Thân sau ai chịu tội trời ấy cho, không ai khác,
tội bằng trời ấy nàng ắt phải gánh chịu. Ở trường hợp này, kết
hợp từ tội trời được dùng để chỉ tội to bằng trời, không
kể hết.
Câu 1514: Lại mang những việc tày trời đến sau
Trong câu này, từ tày trời cũng được dùng
tương tự câu 1346, chỉ việc xảy ra to tát không kể xiết.
Câu 3049: Trùng sinh ân nặng biển trời
Gia đình Vương ông đến Thảo am đón Kiều, nàng không
muốn về vì nhiều lẽ. Trong đó, có một lí do nàng rất quan tâm:
Trùng sinh ân nặng biển trời,
Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi?
Từng chặng đường lưu lạc của Kiều, nhờ cơ duyên, hai
lần nàng được chung sống cùng Giác Duyên. Có thể Giác Duyên chưa thực
sự là điểm tựa tinh thần của Kiều đúng nghĩa, nhưng sư đã cứu được
thân xác nàng khi nàng tự tử ở sông Tiền Đường. Ơn nghĩa đối với sư
Giác Duyên nặng như biển trời, vậy sao nàng có thể dứt áo ra đi
được. Vì thế, trong câu thơ này, từ biển trời dùng chỉ công
ơn rất đỗi lớn lao của Giác Duyên dành cho Kiều.
4. Qua tìm hiểu từ trời trong Truyện Kiều, ta thấy
cách sử dụng của Nguyễn Du trong từng tình huống giao tiếp rất linh hoạt. Tạo
nên từ nghĩa gốc, nghĩa phái sinh, Nguyễn Du đã làm nên sự phong phú, đa dạng
của ngôn ngữ, đem lại hiệu quả cao trong biểu đạt nội dung của tác phẩm văn
chương. Không chỉ trong tác phẩm văn chương mà trong đời sống, từ trời cũng
được dân gian sử dụng rộng rãi, thiên hình vạn trạng: thằng trời đánh, có mà chạy
đằng trời, một trời cả mà, trời bên này nó khác, chạy trời không khỏi nắng…
Không riêng từ trời, mà đa số từ trong tiếng Việt đều có sự phái sinh
về nghĩa để tạo ra những từ mới. Sự phát triển của ngôn ngữ là một dấu hiệu
tích cực làm nên sự giàu có của tiếng Việt. Có sự giàu có về hình thức, như thế
chưa đủ, ta phải biết làm giàu có về nội dung mới tạo sự tương thích trong quá
trình phát triển của nó. Trong lĩnh vực ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ văn chương
nói riêng, khi một từ mới nảy sinh, muốn hiểu giá trị biểu đạt của nó một cách
trọn vẹn ta phải nắm bắt được ngọn ngành bối cảnh giao tiếp. Vì thế, việc
lý giải từ trong tác phẩm văn học không phải là một vấn đề cứng nhắc, dựa theo
nghĩa gốc mà phải hiểu lý do vì sao từ đó xuất hiện, như vốn dĩ nó đã rất uyển
chuyển từ cách sử dụng tinh tế của nhà văn khi sáng tạo nghệ thuật.
Phan Thị Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét