Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Âm nhạc và tình dục

Âm nhạc và tình dục
Cảm nhận âm nhạc và cảm nghiệm tình dục đếu có tính chủ quan tùy môi trường văn hóa, dân tộc tính và cá tính mỗi người. Bài này cố gắng trình bày một cách khách quan vài khía cạnh của vấn đề, hy vọng giúp độc gỉa có một cái nhìn tổng quát về mối liên hệ giữa âm nhạc và tình dục. Nhấn mạnh đến tình dục vì thường ẩn dấu, che khuất, cần được chỉ ra, trong khi tình yêu thi hiển nhiên dễ nhận biết, chỉ được đề cập sơ lược. 
Từ những khắc họa trong hang động và nhạc cụ khai quật được, có thể kết luận con người đã biết hò hát, nhảy múa từ hơn 50.000 năm trước. Các lễ hội này trong văn hóa phồn thực sơ khai nhằm xiển dương, ăn mừng hoặc cầu xin sinh sản, sản xuất... cho nên ngay từ đầu đã liên kết chặt chẽ với tình dục, cái  giống, vì chúng là biểu tượng cụ thể của sinh sôi nẩy nở.
Những dịp này cũng thường có "tháo khoán tình dục". Vài dân bản xứ Úc Đại Lợi thờ thần Knaninja (thần tính dục) tổ chức lễ hoán đổi vợ để "thanh tẩy". Nhiều bộ lạc vùng Oceania (như Trukese,Yapese, Trobrianders) sau lễ hội còn cho phép truy hoan công cộng, thanh thiếu niên được tự do phiêu lưu tình cảm, và phái nữ phải cố nhớ bạn tình để sau này nhỡ có thai thì tìm đến bắt cưới.
Nhạc cụ đầu tiên thường là biểu tượng của cái giống. New Guinea có cái máng bằng đá giống âm vật, được giã bằng cái chầy giống dương vật. Pacific Islands, Phi Châu, một số vùng Á Châu, có cái trống hình thân cây, giữa có khía lõm, được gõ bởi dùi trống. Khi đàn bà gõ trống biểu tượng rõ rệt động tác giao hoan.
Brasil có nhạc cụ "bull-roarer" (bò gầm) hình con cá (giống âm vật, biểu tượng sinh sản).
Nhạc cụ khác cổ nhất là cây sáo làm bằng xương gấu, rõ ràng biểu tượng dương vật. được dùng phổ biến trong mọi lễ hội trên thế giới. Liên kết tình dục của sáo thấy rõ trong các lễ cắt da qui đầu, lễ đánh dấu có kinh nguyệt... và nhất là trong ngôn ngữ với các lối nói: sáo sống, sáo câm, sáo một lỗ, Tây Môn Khánh khen Phan Kim Liên thổi sáo giỏi... Thiếu nam da đỏ Cheyenne còn đưa sáo cho thầy pháp làm phép để đem đi thổi quyến rũ thiếu nữ ra khỏi lều gặp mình.
Tại Việt Nam xưa cũng có tục lễ hội Trò Trám hay Linh Tinh Tình Phộc, rước cái nõ (n) nường, hoặc lễ Hụi Khoan, ngày nay chỉ còn diễn ra tại ít vùng như Lạng Sơn, Phú Thọ... Cái nõ(n) bằng gỗ, hình cái chầy, tượng trưng dương vật. Cái nường cũng bằng gỗ, hình tam giác, có lỗ hoặc khoét lõm ở giữa, tượng trưng âm vật.
Đám rước ca hát, sau 3 nhịp Linh Tinh Tình thì Phộc cái nõ (n) vào cái nường. Có nơi hát "hết Lụi lại Khoan, hết Khoan lại Lụi" và ứng với chữ Lụi, Khoan thì chọc nõ(n) vào nường. Sau lễ, cũng có màn tháo khoán tình dục, và đứa con sinh ra vào dịp này sẽ được dân địa phương đứng ra lo đám cưới cho bố mẹ.
Đồng thời trong lễ hội cũng thường có tiếu lâm, hát tục. Ví dụ:
Ước gì em hóa ra trâu
Anh hóa ra chạc, xỏ nhau cả ngày
Ai ơi chớ bảo tôi già
Tôi còn gánh được dăm ba cái lờ (2 nghĩa: lờ đánh cá, và l....)
Không chỉ dân tộc sơ khai mới liên kết tình dục với nhạc cụ. Tây Phương từ thời baroque (thế kỷ 18) đã xuất hiên lần lượt các nhạc cụ gọi là viola d'amore, oboe d'amore, clarinette d'amoure... nhấn mạnh tính năng gợi cảm tình tứ của chúng.

Ở Anh thế kỷ 17 có đàn cittern 9 giây, hình giống quả lê dẹt, rất phổ biến,thường treo tại tiệm hớt tóc để khách ngồi chờ có thể lấy xuống chơi. Sau này từ cittern (hoặc cittern-girl) được dùng để chỉ người nữ lẳng lơ mất nết.
Âm nhạc chúng ta thưởng ngoạn ngày nay chỉ mới có chiều dài khoảng trên 500 năm đối với nhạc ngoại quốc và gần 100 năm đối với nhạc Việt Nam. Trước đó chỉ có nhạc tôn giáo phụng tự, nhạc cung đình tế lễ, giải trí,và nhiều loại dân ca. Dân ca không xuất xứ, vô danh, nên tình dục được thoải mái nói đến nhiều hơn, vì xã hội không kiểm soát nổi. Tục ca là một mảng lớn trong dân ca, giống như tiếu lâm tục, là phản ứng đối với cái xấu, cái sai của xã hội, là chỗ giải tỏa ẩn ức tình dục bị văn hóa và xã hội kiềm chế.
Âu Tây dưới thời ngự trị của nhạc tôn giáo (Thiên Chúa) cũng có lác đác xuất hiện nhạc nói về tình yêu nam nữ, thiên niên (madrigal), hoặc hát rong (troubadour), hát phong lưu (chivalrous) của hiệp sĩ hào hoa, hát huê tình của thi sĩ, ca sĩ Đức (minnesinger). Sau đó mới dần dần xuất hiện hát thơ tình yêu lãng mạn (ballad) rồi có cả hát tục (bawdy song) hết sức dung tục, mà tác giả đôi khi là văn thi sĩ nổi tiếng.
Ed Cray đã sưu tập khoảng 200 bài hát tục và ghi lại trong sách The Erotic Muse của ông, mà người viết chỉ xin trích sơ lược 1,2 bài như sau:
Kathusalem;        When the Jewish army came to town
(kỹ nữ)                The price went up and she went dowm.
Fuck 'Em All:       Fuck 'em all, fuck 'em all
                           The long and the short and the tall....
Việt Nam cũng có xen tục ca trong hát xẩm, xàng xê, Hồ Quảng, hát quan họ... Hát bài chòi Quảng Nam với các con bài có những tên riêng, như con bài Nọc Thược (Huế  gọi là Nọc Đượng) có vẽ cái đầu giống đầu chim (gõ kiến) hay đầu gà, biểu tượng dương vật. Ví dụ 2 hát bài chòi ở Quảng Nam:
Con cu tui hắn ăn đậu ăn mè
Chớ ăn chi của chị, mà chị đè con cu tôi
Làm thời như con dĩ, con dì               
Mỗi khi thấy mặt đòi xì tiền ra
Sống trong bao lớp lụa là
Không dang mưa, chẳng dang nắng, chú mi mà đen thui thui     
Làm chị em than đứng thở ngồi
Là cái con... Nọc Thược khiến em bậu thời tê mê
Cái tình dục của dân ca được tiếp chuyển qua tân nhạc hiện đại. Nhưng vì phải ghi tên tác giả, nhiều nhạc sĩ còn e dè, cho nên số bài có nội dung tính dục lộ liễu trong tựa bài hay lời ca không có nhiều; đa số vẫn là về tình yêu hơn là tình dục.
Đặc biệt ở Việt Nam xã hội và văn hóa chưa cởi mở, chỉ mới có Phạm Duy đi tiên phong với 10 bài tục ca, nhưng chưa hề được trình diễn chính thức, có lẽ vì quá... tục.
Ví dụ: Tục ca số 2 của PD, nhại thơ TTKH.
... Vả chăng em vẫn thường hay nói
L... mình đôi lúc cũng... hôi hôi.
Trong khi đó, tại các nước khác, nhạc sĩ có khá nhiều tự do hơn trong tựa bài hoặc lời ca nên đã xuất hiện một số ca khúc có nội dung tình dục rõ rệt. Nhạc đại chúng (rock and roll, punk. reggae, hip-hop, rap, country music,... đều có hiện tượng này. Nhất là kiểu trình diễn ăn mặc lòe loẹt quái gở, tóc tai bờm sờm, với những động tác kích dục, như ôm vật vã micro, lắc mông, ưỡn ẹo, ngoáy hạ bộ... (kiểu Elvis Presley, Jimi Hendrix, Michael Jackson...).
Cũng giống như con công, con gà, ngoài tiếng gáy, còn có bộ lông đuôi sặc sỡ, to đẹp, để hấp dẫn con mái, các siêu sao rock ăn mặc lòe loẹt, ẩn trong tiềm thức là nhằm hấp dẫn các fan (người ái mộ) nữ, hầu chinh phục dễ dàng. Thảo nào, các siêu sao (vd Mick Jagger, Elvis Presley...), gạt đào ra không hết,con rơi con vãi đó đây..
Nhạc sĩ Hoa Kỳ Cole Porter (1891-1964) viết nhiều ca khúc tình dục đến độ tác phẩm của ông được coi là một loại dâm thư âm nhạc (musical erotikon).
Phải công nhận lời ca ông nặng về tình dục, mà phần âm nhạc cũng hết sức gợi tình. Những dòng giai điệu lướt nhanh (I Concentrate on You), những cresendoes bùng lên (Night and Day). những cung thứ sử dụng tài tình (You'd Be So Nice To Come Home To), những nhấn mạnh nhịp đập rộn ràng của tácdụng tiết tấu (Begin the Beguine), tất cả tạo nên một lôi cuốn ám ảnh, một trạng thái hết sức gợi tình, gợi dục.
Các giọng hát truyền cảm của ca sĩ cũng góp phần quyến rũ thính giả, nhất là đối với phái nữ (như Trương Chi đối với Mỵ Nương) thường bị mê hoặc bởi thính giác, lời hát ngọt ngào êm dịu; trong khi phái nam bị hấp dẫn bởi thị giác nhiều hơn, thích nhìn ngắm người đẹp. 
Ca sĩ nổi tiếng xưa nay phải kể Enrico Caruso, Tino Rossi, Mario Lanza, Carlos Gardel, Frank Sinatra, Luciano Pavaroti, Placidio Domingo.
Đặc biệt với các bài hát Mỹ Châu Latin hoặc Iazz, tính dục còn được nâng lên cao hơn một bậc nhờ tiết tấu dậm dật cơ hữu của nhạc. Vùng Caribbean Islands có tiết tấu các điệu nhẩy của dân Cuba gốc Phi Châu (rumba, conga) dân Cuba gốc Tây Ban Nha (guaracha), dân Haiti (meringue - ngoáy mông đùi, bambula), dân Virgin Islands (tambou - dâm đãng), và dân Martinique (be'guin), toàn là dạng kích động, tràn đầy nhựa sống. Điệu nhảy tango của Argentin cũng gợi dục với những động tác ôm sát, đá chân, quặp chân, xoạc cẳng...
Jazz là loại nhạc đặc trưng của dân da đen Hoa Kỳ, xuất phát từ quán rượu, nhà chứa, giang hồ tứ chiếng, du thử du thực nên tính dục nhiều là dĩ nhiên. Ngôn ngữ trắng trợn, sỗ sàng, với những tựa bài như "How Do You Do It That Way?", "Worn-out Papa Blues", "Gimme a Pig's Foot". Tiết tấu rất kích dục, đúng như B.A. Scarantino nhận xét: "Tiết tấu và nhịp chỏi (syncopation) của nhạc iazz cũng khêu gợi tình dục. Với cái gốc Phi Châu sơ khai, tiết tấu nhịp chỏi (với nhịp mạnh lệch sang chỗ yếu trong trườngcanh 4/4) làm gia tăng năng lựợng tình cảm và thể chất; rồi để giải tỏa cái căng thẳng này cơ thể cứ phải chuyển động (với các động tác tập trung chính tại nơi hạ bộ). Khuấy động trung tâm năng lượng này làm gia tăng kích thích tố tình dục, gây ham muốn đòi hỏi thỏa mãn sinh lý tức thời. Đôi khi khiến người ta mất tự chủ".
Ngày nay còn có khuynh hướng phụ đệm vào ca khúc bằng những màn nhẩy múa kích động, với các vũ công ăn mặc hở hang, cho dù nhiếu khi không thích ứng với nội dung lời ca. Xem các màn trình diễn của Byonce, Taylor Swiff, Lady Gaga. hoặc show Thúy Nga, Asia... ta thấy ngay khuynh hướng liên kết âm nhạc với tính dục để câu khách đang xuất hiện trên nhiều sân khấu.
Trong những loại hình âm nhạc như khiêu vũ, vũ kịch (ballet), nhạc kịch (opera) âm nhạc được truyền đạt thông qua những hình tượng, là động tác của diễn viên, đã giúp nhận rõ hơn một cách cụ thể liên hệ của âm nhạc với tình dục.
Nhảy múa lễ hội, tôn giáo, hay khiêu vũ xã giao đều là dịp để người ta giao tiếp, gặp gỡ, làm quen... nhưng trên thực tế, các động tác nhẩy múa, kích động máu huyết lưu thông, luôn luôn tạo nên ít nhiều dục cảm. E. Fuchs thế kỷ trước  từng xác quyết rằng khiêu vũ đã và sẽ không là gì khác ngoài tình dục được biến đổi, cách điệu hóa tiết tấu qua các giai đoạn: gạ gẫm, tán tỉnh, ngập ngừng, hứa hẹn, thỏa mãn. Tác dụng kích động này còn mạnh hơn trong trường hợp chạm sát hai thân hình, hay ngoáy mông, ưỡn người, lắc ngực. Tiết tấu của nhạc dồn dập cũng tăng thêm kích thích.
Nhưng kích thích mạnh nhất có lẽ là vũ kịch, với các vũ viên ăn mặc bó sát, nổi cộm hoặc in hằn rõ nét chỗ cần ít chú ý, cũng như váy đã quá ngắn lại còn vểnh lên hở mông, hở đùi rất khêu gợi. Phải công nhận, động tác vũ viên (vd. pas  de deux -bước sóng đôi) nặng về mặt thẩm mỹ hơn là kích dục như trong các điệu nhẩy dậm dật của Nam Mỹ, nhưng chúng cũng luôn luôn khêu gợi tình dục không nhiều thì ít. Kết quả thăm dò phản ứng khán thính giả vũ kịch cho thấy:  46% không cảm giác kích thích, và 40% có bị kích thích.
Vũ kịch Bolero của Ravel được cho là một trong những tác phẩm gợi tình nhất, với tiết tấu sử dụng liên ba (triplet) trong nửa sau trường canh của điệu nhẩy Bolero gốc Tây Ban Nha, sử dụng âm thanh để diễn tả rất đúng động thái ân ái.
Thoạt đầu là trống đánh lên tiết tấu Bolero, rõ rệt và gợi ra động tác làm tình, mà nhà tâm thần học Sandor Rado gọi là "pelvic thrusts" (cú thúc xương chậu).
Rồi nhạc đề nhẹ nhàng xuất hiện. Mặc dù Ravel bảo là đơn đề (monothematic) nhưng thật ra có hai phát triển: thứ nhất bởi sáo, thứ hai bởi solo bassoon (thường được thay thế bằng clarinet), dần dần phát triển thành cả giàn nhạc đập nhịp mạnh hơn, dồn dập hơn, diễn tả cái co thắt nín thở theo một nhịp nhất định. Chính cái tiết tấu thúc ép liên tục này khiến cho nhạc đầy ý nghĩa tình dục.
Trong rừng nhạc cổ điển cũng có những tác phẩm gây ít nhiều cảm giác kích thích  do giai điệu, tiết tấu, hòa âm, phối nhạc... nhưng khó giải thích thuyết phục, vì là nhạc thuần túy, không có gì cụ thể như ngôn ngữ hay động tác thân hình để bám víu làm chứng, nhất là cảm nhận chủ quan mỗi người mỗi khác. Nhưng cũng giống như Thẩm Phán TCPV Potter Stewart khi thấy khó xác định dâm thư là gì, đã tuyên bố (1964) "I know it when I see it" (Tôi biết nó khi  tôi thấy nó), ta có thể biết bản nhạc gợi dục hay không khi ta lắng nghe nó.
Các tác phẩm gợi tình gợi cảm mạnh có thể kể: L'Après-midi d'un Faun (C. Debussy) Tristan und Isolde (R. Wagner), Salome (R. Strauss), Le Sacre du Printemps (I. Stravinsky), Lady Macbeth (D. Shostakovich)...
Để hiểu rõ hiện tượng âm nhạc cũng như tác dụng biểu cảm của nó Plato, Kant, Nietzsche... đã cố tìm cách giải thích, nhưng không thành công mấy. Ngày nay chính xác và khoa học hơn, kết hợp các bộ môn âm học, tâm lý, thần kinh, người ta thí nghiệm (Mc Gill- Canada) và nhận thấy nghe nhạc hết sức có lợi cho hoạt động của não bộ.
Âm nhạc diễn ra trong thời gian, tạo cảm giác chuyển động. Hệ thống thần kinh con người được kiến tạo để chỉ chú ý đến cái gì nhúc nhích, chuyển động.
Vùng não gây hưng phấn được kích hoạt ngay lập tức khi nhận được thông tin âm thanh chuyển đến từ không gian. Vùng não nucleus accumbens được kích thích cực điểm, được vận hành bởi dopamine có tác dụng hưng phấn, thúc đẩy ham muốn tình dục. Âm nhạc có tác dụng tức thời trên giác quan con người,nhanh hơn bất cứ nghệ thuật nào khác, khiến người ta thích nghe nhạc.
Khả năng âm nhạc kích động giác quan về mặt tình dục mạnh đến nỗi ngay từ xưa, các hiền triết Hy La (Plato. Aristotle...) và Trung Quốc (Khổng Tử) đã  yêu cầu phải kiểm soát nhạc để xã hội khỏi xáo trộn. CS cũng kết án nhạc vàng, ám chỉ các bài hát đồi trụy, lời ca nói về tình dục một cách trăng trợn và phần nhac thì vàng vọt, ủy mị, kích động giác quan người nghe một cách bênh hoạn.
Ngày nay tình trạng còn tệ hơn. Xã hội bị vật chất hóa, hướng về mặt hưởng thụ khoái lạc hơn là thưởng ngoạn nghệ thuật. Đi nghe nhạc để giải trí, tìm kích thích thì nhiều, mà để nghe hát, nghe đàn thì ít. Các nhà sản xuất âm nhạc nặng về thương mại, lợi nhuận, vô tình tiếp tay cổ võ cái khuynh hướng này.
Tuy nhiên, suy cho cùng, con người tồn tại, thế giới khỏi tiêu tùng, chính là nhờ hai nhu cầu cơ bản: ăn để sống và làm tình để truyền giống, trường tồn. Âm nhạc chỉ có nhiệm vụ tô điểm cho cuộc đời, có bị ảnh hưởng bởi cái nhu cầu bản năng cơ bản cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Đúng như người ta vẫn thường nói, âm nhạc là ngôn ngữ của tình cảm - tình cảm theo nghĩa rộng bao gồm tình cảm, tình yêu, tình dục.
Phạm Đức Thân
Theo http://www.saimonthidan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...