Văn Cao - "Ông hoàng âm nhạc"
Văn Cao là một bậc tài danh của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại.
Tầm vóc ấy đã được cả dân tộc khẳng định. Anh em bằng hữu, đồng nghiệp thường gọi
ông là "Cụ Văn" hay "Cụ Quốc ca".
Nổi tiếng từ thời niên thiếu
16 tuổi, một ngày mùa thu, khi cả Hà Nội tiễn đưa nhà văn yểu
mệnh nhưng cực kỳ nổi tiếng Vũ Trọng Phụng về cõi vĩnh hằng, nhạc phẩm đầu tiên
- "Buồn tàn thu" của Văn Cao - đã ra đời. Bài hát với hơi hám của ca
trù, phong vị Đường thi ở lời ca, đã mang một tiếc nuối về những sự ra đi không
trở lại: "Đêm mùa thu chết - Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…".
18 tuổi, sau chuyến hành phương Nam trở về Hải Phòng, vào một buổi chiều lênh
đênh ca trù trên dòng sông Phi Liệt miền Thủy Nguyên mây nước, động lòng cùng
khúc "Thiên thai" cổ, Văn Cao đã đi tới tột cùng một tưởng tượng về
cõi thần tiên ở Việt Nam bằng trường ca "Thiên thai" dù lời ca vẫn dựa
vào tích Lưu Nguyễn xa xưa. Có lẽ gửi gắm sâu sắc nhất mà Văn Cao muốn chuyển tới
chúng ta là hãy tìm ra cõi Thiên thai của mình ngay trong cuộc sống:
"Thiên thai - Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian - Ái ân thiên
tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần…". Thiên thai chính là khát vọng sống
được thăng hoa chất ngất, vượt thoát mọi cản ngăn. Về âm nhạc, trong "Thiên
thai" bên cạnh việc tiếp tục khai thác âm hưởng ca trù, cụ thể là hơi
"thét nhạc", Văn Cao đã bắt đầu chú ý tới những chuyển điệu xa.
"Thiên thai" là nền móng vững chãi để Văn Cao bước tới "Sông
Lô" chảy lai láng trong kháng chiến sau này. Không chỉ học tập phương Tây,
Văn Cao đã ý thức được việc cần "Việt hóa" khúc thức phương Tây. Điều
đó thấy rõ ở "Suối mơ". Ngoài việc lời ca lãng mạn đến mức Vũ Bằng phải
nắc nỏm ngợi khen: "Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi …", Văn Cao
còn diễn tả tình yêu theo cách dùng dắng kiểu "các cụ ta" bằng cách
đưa một đoạn đệm vào giữa đoạn đầu và đoạn cuối của thể hai đoạn đơn: "Từng
hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối…". Những đảo phách của đoạn đệm đã tạo
đà rất hiệu quả cho chuyển từ điệu thứ ở đoạn đầu sang điệu trưởng cùng tên ở
đoạn sau.
Từ tư duy thẩm mỹ thấu đáo: "Từ một hạt cát nhìn thấy một
đại dương", tài năng trong sáng tạo âm nhạc của Văn Cao đã khiến cho
"Bến xuân" từ một bài hát cụ thể tặng một bóng hồng, đã trở thành
tình ca của mọi đôi lứa với phảng phất âm hưởng dân ca Chàm. Và còn hơn thế, trở
thành một tình yêu hòa hợp dân tộc khi hóa thân ra "Đàn chim Việt",
cùng những người lính Nam tiến vào mặt trận Nam Bộ hồi cuối 1945. Chính cội nguồn
yêu nước, yêu dân tộc trong tâm hồn Văn Cao đã khiến ông không chỉ dừng lại ở
việc giữ gìn bản sắc hay "Việt hóa" trong các nhạc phẩm của mình, mà
còn thúc dục trong ông sự trực tiếp dấn thân vào những phong trào tranh đấu.
Tham gia vào nhóm Đồng Vọng của huynh trưởng Hoàng Quý, những bài hát, những
hành khúc yêu nước của Văn Cao tiếp tục ra đời. Từ những "Đêm rừng",
"Anh em khá cầm tay", "Chiều buồn trên sông Bạch Đằng"… đến
"Thăng Long hành khúc ca", "Gò Đống Đa". Cách mạng đã nhận
ra phẩm chất này ở Văn Cao. Ông đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ của những người
lao khổ để thét vang lên khát vọng độc lập tự do của dân tộc đang đắm chìm
trong đêm đen nô lệ. Mùa đông 1944, tại căn gác nhỏ 45 phố Mongrat (nay là 171
Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội), "Tiến quân ca" - hành khúc đầu tiên Văn
Cao dành cho lực lượng vũ trang của Việt Minh - đã ra đời. Từ thời gian này,
tính dự báo xã hội trong những sáng tạo âm nhạc của Văn Cao bắt đầu hiện rõ.
Chiều 17-8-1945, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, "Tiến quân ca" qua tiếng đàn
acmonium của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu đã nổ ra như một trái bom báo trước thời
khắc Tổng khởi nghĩa. Cùng với "Tiến quân ca", rầm rập khí thế trong
cao trào Cách mạng Tháng Tám là những "Chiến sĩ Việt Nam" viết về bộ
binh và kỵ binh, là "Không quân Việt Nam", "Hải quân Việt
Nam" và hành khúc dành cho lực lượng dân quân du kích là "Bắc
Sơn" viết cho vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng. Tính dự báo còn khiến
cho Văn Cao chỉnh lý lại trường ca "Trương Chi": "Ngồi đây ta gõ
ván thuyền - Ta ca trái đất còn riêng ta" mang khát vọng về một xã hội tốt
đẹp sẽ đến với đất nước thân yêu của chúng ta. Với năng lượng dự báo ấy, Văn
Cao còn viết hành khúc "Tiến về Hà Nội" từ 5 năm trước sự kiện này xảy
ra vào 10-10-1954.
Dự báo và "Việt hóa" âm nhạc Việt là đóng góp lớn của
Văn Cao cùng nhiều đồng nghiệp trong tiêu chí "Đề cương Văn hóa" 1943
của Đảng: "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng". Nhịp valse là nhịp múa của
cung đình châu Âu nhưng khi vào Việt Nam, nó đã được "Việt hóa" thành
những bản "làng ca". Với Văn Cao đó là "Làng tôi" và
"Ngày mùa". Tiếng còi tàu xe lửa vang lên ở ga Hàng Cỏ vào Văn Cao
cũng hóa thành "Công nhân ca". Chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh như một
"Tay công nhân của thế giới mới lên" cũng được Văn Cao khắc họa nên một
tầm vóc với tư tưởng lớn "đem tới ngày vui" cho dân tộc bằng một bút
pháp rất Văn Cao. Trong 5 dòng sông Lô bằng âm thanh là "Lô giang" của
Lương Ngọc Trác, "Chiến sĩ sông Lô" của Nguyễn Đình Phúc, "Chiến
thắng sông Lô" của Lưu Hữu Phước, "Tiếng hát bên sông Lô" của Phạm
Duy, trường ca "Sông Lô" của Văn Cao vẫn là tác phẩm âm nhạc vạm vỡ
nhất, lai láng như một bức tranh hoành tráng và thấp thoáng cả hình ảnh của một
binh chủng pháo binh sau này góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên. Mang dáng
dấp cấu trúc trường ca "Sông Đa Nuýp" của J.Strau nhưng trong cấu
trúc ấy lại chứa chất những tiết tấu của hành khúc, dân vũ vùng núi phía Bắc và
đặc biệt là nhịp chèo thuyền (Bacrcaron) của người dân chài miền sông nước
Trung du.
Nhiều năm sau hiệp định Genève, Văn Cao lại âm thầm chuyển tải
nỗi đau chia cắt đất nước bằng bộ ba tiểu phẩm viết cho piano là "Sông tuyến",
"Hàng dừa xa", "Biển đêm". Năm 1963, ông lại thét lên ý chí
thống nhất của toàn dân tộc qua hành khúc "Dưới cờ giải phóng". Giữa
những nhạc cho kịch, cho phim, ấn tượng nhất là tổ khúc giao hưởng "Anh bộ
đội Cụ Hồ" ông viết cho xưởng phim Quân đội trong một bộ phim dài nhiều tập
trong đó có ca khúc do ca sĩ Duy Tân thu thanh. Đôi khi, ông lại tự đắm chìm trở
lại miền Tây Bắc nơi ông đã cùng Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng đi thực tế
sáng tác năm 1958, qua một giai điệu ăm ắp âm hưởng dân ca Mông là "Đường
dây qua bản" và dâng lên là hợp xướng "Hải Phòng mở ra biển lớn"
cũng sừng sững một tầm vóc riêng. Tất cả những lặng lẽ tự chuyển mình trong bút
pháp của Văn Cao bằng sự tự học miệt mài đã giúp cho ông tự trở thành một nhạc
sĩ có tầm cỡ như nhiều nhạc sĩ thế hệ ông được tu nghiệp ở nước ngoài. Và nó đã
tạo ra sự chín của ông trong "Mùa xuân đầu tiên" viết vào mùa xuân
1976 thống nhất đất nước. Vẫn là sự "Việt hóa" nhịp valse, vẫn là sự
hòa đồng với âm nhạc thế giới nhưng những chuyển điệu của ông ở đoạn giữa thể
ba đoạn đơn A-B-A cho thấy một khúc khải huyền mang tư tưởng hòa bình của nhân
loại: "Từ đây người biết quê người - Từ đây người biết yêu người - Từ đây
người sống yêu đời".
Từ năm 1983, khi Văn Cao trở lại cương vị Ủy viên BCH Hội Nhạc
sĩ Việt Nam sau cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới không đạt kết quả, ông càng
trẻ lại khi được đi tới nhiều vùng đất chia sẻ cùng các văn nghệ sĩ trẻ. Hành
khúc "Công nhân toa xe" được ông viết rất trẻ trung và hào sảng cuối
1984. "Tình ca trung du" được xem như một nhạc phẩm cuối cùng của Văn
Cao như để trả nghĩa cho nơi ông từng hiến dâng mình trong kháng chiến chống
Pháp: "Một cánh tay sông Hồng - Một cánh tay sông Lô - Hai cánh tay như ôm
trung du". Dâng hiến trong âm nhạc của "Cụ Quốc ca" là vậy. Từ
1988, tất cả những nhạc phẩm của Văn Cao đã được giới thiệu trở lại cùng đời sống
và nó đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ mà Trịnh Công Sơn từng gọi đó là những
tinh túy nhạc Việt của "Ông hoàng âm nhạc" từ "Buồn tàn
thu" đến "Mùa xuân đầu tiên" da diết. Trong một bài thơ ngắn,
Văn Cao từng tâm sự: "Tôi không đi qua tôi - để lại gì?". Băn khoăn ấy
chính là tất cả những gì Văn Cao để lại cho chúng ta. Ông đã để lại tất cả
thành thật và đam mê cho mọi thời đại văn nghệ.
(*) Xem Báo Người Lao Động số thứ bảy hằng tuần từ ngày 26-8
Tài năng Trời phú
Tài danh của Văn Cao đặc biệt nhất là việc ông tự tỏa mình
vào 3 loại hình nghệ thuật là âm nhạc, thi ca và hội họa. Đặc biệt hơn là trong
cả ba loại hình đó, ở loại hình nào cũng thấy ám ảnh bóng dáng của hai loại
hình kia. Trong thơ thì thấy ấn tượng của âm nhạc và hội họa. Trong họa thì thấy
dào dạt chất nhạc và chất thơ, độc đáo rõ nét là ở trong các bức tranh lập thể.
Còn trong nhạc thì cũng thấy thật trào dâng chất thơ trong ca từ, chất hội họa
trong đường nét giai điệu.
Vốn liếng âm nhạc đầu đời của Văn Cao thực sự chỉ là những tiết
học nhạc lý tại trường Saint-Joseph (nay là Trường Phổ thông Cơ sở Ngô Quyền) Hải
Phòng, đối diện sông Lấp. Vốn liếng thi ca cũng là ở đó. Còn hội họa là khi ông
lên học dự thính tại trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng tất cả những kiến thức
đó đều chỉ nhằm để phục vụ cho việc phát lộ ra một tài năng "trời
cho" ở Văn Cao.
9/9/2017
Nguyễn Thụy Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét