Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Tan sương đầu ngõ

Tan sương đầu ngõ
Chương 4: Tan sương đầu ngõ
HOA ĐÀO NĂM NGOÁI
Chúng ta hãy đi trở lại mười lăm năm trước:
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
Từ ngày muôn dặm phù tang,
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Mười lăm năm là một đường hầm dài rất tối. Chúng ta đã từng thử làm người bạn đồng hành của Thúy Kiều, đi ngang qua con đường hầm tối mười năm đó. Kiều đã tìm thấy ánh sáng. Bây giờ anh chàng mới bắt đầu. Tội nghiệp!
Kim Trọng đi hộ tang cho ông chú ở Liêu Dương, sáu tháng trở về:
Vội sang vườn Thúy dò la,
Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa.
Đầy vườn cỏ mọc lau thưa,
Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rờ.
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Cứ tưởng tượng về thì cảnh sẽ như xưa mà người cũng như xưa. Nhưng mọi sự đã hoàn toàn đổi khác. Trong tâm mình chứa chất một hình ảnh. Mình nghĩ rằng hình ảnh đó sẽ mãi còn như vậy. Nhưng sự thật của cuộc đời là vô thường. Chỉ cần mấy ngày thôi mà tình trạng đã hoàn toàn đảo ngược. Sau tai nạn, gia đình Thúy Kiều phải bán nhà. Từ một gia đình giàu có, họ phải đi may thê, viết mướn, làm công cho người ta và cư trú trong một túp nhà rất lụp xụp. Kim Trọng trở về thấy ngôi nhà cũ hoàn toàn cô liêu. ‘Đầy vườn cỏ mọc lau thưa, Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời.’ Hình ảnh trong lòng chàng trai đem so với hình ảnh hiện tại thì hoàn toàn khác nhau. Sự ngạc nhiên của Kim Trọng bắt đầu từ sự so sánh hai hình ảnh đó.
Trước sau nào thấy bóng người’ nhưng: ‘Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.’ Cây hoa đào năm ngoái chỗ hai người trao cành kim thoa vẫn nở hoa rực rỡ, cười với gió mùa xuân (gió đông). Câu này lấy tứ từ bài thơ của thi sĩ Thôi Hộ đời Đường:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiểu đông phong.
(Năm xưa, cũng ngày này, tại cổng nhà này, (nàng đứng dưới cây hoa đào) gương mặt phản chiếu màu hồng của hoa đào, người ấy không biết bây giờ đã đi đâu rồi, trong khi hoa đào vẫn cười với gió mùa xuân y hệt như năm ngoái.)
Cây hoa đào năm ngoái đã che chở cho Thúy Kiều. Bây giờ không còn Thúy Kiều nữa nhưng đến mùa, hoa đào vẫn nở, vẫn đẹp, vẫn tự do, hạnh phúc. Con người không có hạnh phúc và tự do vì con người có sự mê đắm. ‘Đào hoa y cựu tiếu đông phong’: hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Chỉ có chàng Kim là méo miệng, không cười được. Nhiều khi người ta ước ao làm một cây đào hay một cây thông cho khỏe. Trong con người mình có những tình tự tham đắm, khổ đau, lo lắng và mình thấy hạnh phúc của mình không bằng hạnh phúc của một cây đào hay một cây thông. Nguyễn Công Trứ ngày xưa cũng đã có tâm tình đó cho nên một hôm thi sĩ nói: ‘Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.’ Khi có những hồi hộp, khổ đau, lo lắng thì nhìn một cây thông ta cũng thấy nó hạnh phúc, vững mạnh hơn ta quá nhiều. Thiền ôm cây (tree hugging meditation) rất lợi ích. Mỗi khi ở trong tình trạng như vậy ta có thể tới ôm cây để tiếp nhận được sự vững chãi và tươi mát của cây. Trúc Lâm Đại Sĩ, tức vua Trần Nhân Tông khi đã đi tu, một lần trả lời câu hỏi của một thiền sinh về chuyện tu học, đã nói:
Vườn nhà vắng mặt người chăm sóc
Lý trắng đào hồng tự nở hoa.
Khỏi phải lao tác mệt nhọc, khỏi phải tranh đấu. Trong con người mình có sẵn giác tánh, cho giác tánh đó có cơ hội thì tự nhiên nó sẽ nở hoa. ‘Vườn nhà vắng mặt người chăm sóc, Lý trắng đào hồng tự nở hoa.’ Ở đây ta thấy hình ảnh một cây đào. Ngày xưa bên Tàu có một thiền sư tên Linh Vân đi chơi tháy hoa đào nở thì giác ngộ. Khỏi tu gì hết! Nhưng chắc chắn trước đó ông cũng đã đi thiền hành, đã tập hơi thở rồi cho nên đến lúc thấy hoa đào ông mới giác ngộ chứ! Có biết bao nhiêu người thấy hoa đào nhưng có giác ngộ gì đâu! Nhất là anh chàng Kim Trọng. Thấy hoa đào, càng thấy càng rầu, không giác gì cả! Trước mặt chúng ta là hai hình ảnh trái ngược. Một là hình ảnh cây đào rất giải thoát. Có nàng Kiều hay không có nàng Kiều đứng một bên thì cây cũng tỉnh bơ, vân cười với gió mùa xuân. Một anh chàng khác, không tên ‘đào’ mà tên Kim, không thể tiếp xúc được với hoa đào; bởi vì thiếu một người thì cây hoa đào không có nghĩa gì nữa. Trên đời không còn gì có nghĩa nữa nếu nàng (hay chàng) không có mặt. Un seul être vous manque et tout est dépeuplé.’: chỉ thiếu một người thôi là cả thế gian này trở nên trống rỗng, lạnh tanh. Đó là một câu thơ của Lamartine. Do tâm mình ra hết. Khi mình đã vướng vào một cái và cho đó là thế giới của mình rồi thì mình bỏ hết tất cả những gì còn lại trong thế giới kia. Nếu nàng không có mặt đó thì không có cái gì có mặt đó hết. Gió càng không mát, trăng cũng không trong, đào cũng không hồng, không có cái gì ra cái gì hết. đó là một sự bất công rất lớn. Có phải vậy không? Tại sao vũ trụ, thiên nhiên, sự sống mầu nhiệm như vậy mà mình cho là zero hết khi mình chỉ thiếu có một cái thôi? Mà cái đó chưa chắc mình đã thật sự thiếu. Có thể nó có đó mà mình không thấy. Những người đã từng đau khổ vì mất mát một người thân (cha, mẹ, con, cháu, người yêu, hay thầy, trò của mình) có thể hiểu được tâm trạng của Kim Trọng lúc này. Trong những lúc thiếu thốn như vậy, tốt hơn là trở về với thiên nhiên. Tiếp xúc với thiên nhiên ta sẽ được an ủi rất nhiều và sẽ có thể thấy trở lại, tiếp xúc trở lại với người ta đã mất. Có một lần tôi đi thiền hành ở Xóm Thượng với một người cha trẻ mất con. Tôi chỉ cho người đó tiếp xúc với những bông hoa, đọt lá, giúp người cha đó tìm lại và tiếp xúc với đứa con vừa mới mất. Nếu mình mất cha, mẹ, người yêu hay con cái mình cũng phải làm như vậy. Phải trở về với thiên nhiên. Thiên nhiên có thể an ủi được mình, chỉ cho mình cách tiếp xúc lại được với người mình thương. Cũng thi sĩ Lamartine nói: Mais la nature elle là qui t’invite qui t’aime. Plonge-toi dans son sein qu’elle t’ouvre toujours. Et tandis que tout change pour toi, la nature est la même. Et la même soleil se lève sur tes jours. (Nhưng này bạn, dù bạn có khổ đau thì thiên nhiên vẫn còn đó. Thiên nhiên vẫn yêu bạn. Bạn nên lặn hụp vào trong lòng của thiên nhiên vì thiên nhiên đang mở hai cánh tay để đón bạn. Trong khi đối với bạn tất cả đều thay đổi, thì thiên nhiên vãn là thiên nhiên cũ. Không phản bội bạn, sẵn sàng mở hai cánh tay đón nhận bạn. Mặt trời hôm nay, mọc lên, chiếu xuống cuộc đời bạn vẫn là mặt trời cũ. Bạn đừng quên.) Đó là lời khuyên của thi sĩ. Bạn đừng nói rằng ‘Un seul être vous manque et tout est dépeuplé’: Chỉ thiếu một người là không còn gì nữa hết! Nói như vậy là bất công. Trở về, tiếp xúc với thiên nhiên là con đường thoát cho những người đột nhiên mất một người thân. Cây đào đang nở hoa là một sứ giả của Bụt, của chân như mầu nhiệm. Cây đào nói: ‘Bạn ơi, đừng đau khổ nữa! Có tôi đây!’ Nhưng Kim Trọng đâu đã nghe được, đâu đã tiếp xúc được. Sự đam mê đã lớn quá rồi, trong lòng chỉ còn có một hình ảnh. Không có cái phản chiếu hình ảnh đó thì coi như cuộc đời không còn gì nữa cả. “Nếu đời không có em thì đời không có giá trị gì hết!’ Đó là lời tuyên bố của những người đang kẹt vào sự đam mê.
Xập xèo én liệng lầu không.
Có lan mặt đất rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa.
Tất cả những hình ảnh của quá khứ hiện ra. Khi đã bị hình ảnh của quá khứ trấn ngự trong tâm rồi, đem ra so với hình ảnh hiện tại thì thấy bây giờ mình đã mất hết. Trong khi đó thế giới vẫn còn là thế giới. Người ta tự tử là vì tưởng rằng mình đã mất hết rồi. Kỳ thực người ta không mất gì cả. ‘Chúng ta đã được gì hôm qua và sẽ mất gì sáng nay’ là một câu thơ tôi viết tron bài Hoa Mặt Trời.
QUÁ THƯƠNG CHÚT NGHĨA ĐÈO BỒNG
Chung quanh lặng ngắt như tờ
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẻ hỏi một hai sự tình.
Hỏi ông ông mắc tụng đình,
Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà nhà đã dời xa,
Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi,
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoát nghe chàng đã rụng rời xiết bao.
Hỏi han di trú nơi nao193
Đánh đường chàng mới tìm vào tận nơi.
Phải hỏi thăm mấy ngày trời mới tìm được tới chỗ gia đình viên ngoại. Tới nơi thì thấy gì:
Nhà tranh vach đất tả tơi
Lau treo rèm nát trúc gài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa,
Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẫn đường.
Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vưong nghe tiếng vội vàng chạy ra.
‘Vương Quan ơi! Vương Quan!’ Vương Quan là bạn học Kim Trọng, gọi Vương Quan chứ còn gọi ai được nữa! Kim đâu có quen với hai ông bà viên ngoại mà cũng đâu có quen với cô em gái của Kiều.
Dắt tay vội rước vào nhà,
Mái sau viên ngoại ông bà ra ngay.
Trong nhà này bây giờ ai cũng đã biết tất cả những bí mật giữa Kim và Kiều rồi. Thấy Kim, Vương Quan kéo ngay chàng vào trong nhà. Hai ông bà nghe nói có chàng Kim tới cũng ra hết. Vì thương lắm. Thương con bao nhiêu thì thương chàng bấy nhiêu. Bây giờ đã hiểu thì thương. Lúc trước thì chưa chắc.
Khóc than kể hết niềm tây:
‘Chàng ôi biết nỗi nước này cho chưa?
‘Kiều nhi phận mỏng như tờ,
‘Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng.
‘Gặp cơn gia biến lạ dường,
‘Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.
‘Dùng dằng khi bước chân ra,
‘Cực trăm nghìn nỗi dặn ba bốn lần.
Càng nghe nói chàng Kim càng thấy gia đình này đã biết hết chuyện mình.
Trót lời nặng với lang quân,
‘Mượn tay em nó Thúy Vân thay lời.
Chúng ta hãy nhớ lại chuyện công chúa Huyền Trân. Sau khi vua Chàm mất, theo nguyên tắc công chúa phải lên giàn hỏa đốt theo vua Chàm. Nhưng nhờ công chúa có mang nên người ta hoãn lại, đợi công chúa hạ sinh em bé rồi mới làm lễ hỏa thiêu. Đó là tục lệ của Ấn Độ. Vua Anh Tông, anh ruột của công chúa Huyền Trân, đã tổ chức một cuộc bắt cóc cứu công chúa về. Thấy bên mình làm như vậy là tráo trở, đã gã con cho người ta rồi mà làm như vậy là không tử tế. Thượng Hoàng (Trúc Lâm Đại Sĩ) sai đệ tử là thiền sư Bảo Phác xuống nói chuyện với vua Anh Tông nên làm một hành động gì để xin lỗi. Để tâm được yên, vua Anh Tông cho ba trăm người thợ khéo nước Chàm đã cống hiến cho nước Việt được về nước. Ở đây cũng vậy. Thúy Kiều đã hứa lỡ cho Kim Trọng, bây giờ phải bán mình chuộc cha nên rất áy náy. Vì vậy nàng xin với cha mẹ ba bốn lần gả em gái mình cho chàng Kim. Ngày xưa ở Đông Phương (với chế độ đa thê) có khi hai chị em cưới cùng một chàng. Ở Việt Nam người ta gọi là: ‘hoa thơm hái cả cụm.’ Nếu Thúy Vân là một cô gái mới thì cô ta sẽ nói: ‘Tui đâu có mắc nợ anh chàng hồi nào mà bắt tui phải trả nợ!’ Nhưng ở đây tình chị em liên đới nên chị mắc nợ thì em trả dùm cho chị. Trong xã hội cũ, gia đình là một khối thì người ta chấp nhận và làm chuyện đó được. Các cô gái mới bây giờ thì chắc không chịu đâu!
‘Trót lời nặng với lang quân,
‘Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
‘Gọi là trả chút nghĩa người,
‘Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên.194
‘Kiếp này duyên đã phụ duyên,
‘Dạ đài còn biết sẽ đền lai sinh.
‘Mấy lời ký chú đinh ninh,
‘Ghi lòng để dạ cất mình ra đi.
‘Phận sao bạc bấy Kiều nhi,
‘Chàng Kim về đó con thì đi đâu?’
Chuyện chỉ xẩy ra mới cách đây sáu tháng. Vết thương còn tươi. Hai ông bà nhắc lại thì đau lòng, và khóc.
Ông bà càng nói càng đau,
Chàng càng nghe nói càng dàu như dưa.
Nỗi đau của ông bà làm cho ông bà không thấy được rằng nỗi đau của anh chàng cũng rất lớn. Dàu là dập nát, vò nhàu. Quý vị có thấy dưa cải không? Gắp một gắp dưa cải nhìn thì thấy nó nhàu nát, nhăn nhíu. Cái lòng của Kim Trọng lúc này là như vậy.
Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.
Đau khổ cho đến nỗi thân hình của Kim Trọng giống như một con giun bị người ta cuốc nhằm. Quằn quại, đau đớn. Cả thân và tâm đều đi vào địa ngục. Thân quằn quại mà tâm cũng quằn quại. Đường hầm mười lăm năm cô nàng đã đi qua rồi, anh chàng bây giờ mới bắt đầu. ‘Vật mình vẫy gió tuôn mưa, Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai.’ Đau khổ tuôn ra như mưa như gió. Mình không còn là mình nữa. Một người thông minh, bặt thiệp, linh mẫn bây giờ giống như một cái xác không hồn, không còn gì nữa cả. Đó là chứng bệnh tương tư thất tình.
Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê.
Có những lúc cơn đau đi lên, ngưng lại một chút rồi lại đau lên một chập khác. Giống như cơn sốt, sốt xong, bớt sốt rồi sốt lại. Chữ đoạn và chữ thôi có nghĩa là từng chập một. Đau, ngất một hồi, bớt đi, nghĩ nhớ tới lại đau, lại ngất. Những cái đau đó hoàn toàn do tâm mình hết. Mỗi khi hình ảnh kia hiện lên thì mình đau trở lại. Rõ ràng khi một người lâm vào trạng thái đam mê thì người dó rất đau khổ. ‘Đau đòi đoạn ngất đòi thôi, Tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê.’ Những người nào đã đi ngang qua cái cầu này đều thấy rằng những điều cụ Nguyễn Du viết là có thiệt. Chắc chắn cụ cũng đã đi ngang qua đó rồi. Đó là tình trạng của người thất thình đau khổ. Tình yêu đúng là một tai nạn vì người yêu nào cũng phải đi qua những cái cầu này. Cụ Nguyễn Du là một thi sĩ có khả năng diễn tả tình cảm con người một cách tuyệt diệu. Nói về tình yêu đoạn nào cũng hay. Ngôn ngữ về tình yêu của cụ thật xuất sắc. Tả đau khổ của một chàng trai mất người yêu mà đến mức như thế thì thiết tưởng những nhà văn của thế kỷ hai mươi này ít ai sánh được.
Thấy chàng đau nỗi biệt ly
Nhịn ngừng ông mới vỗ về giải khuyên:
‘Bây giờ ván đã đóng thuyền,
‘Đã đành phận bạc khôn đền tình chung.
‘Quá thương chút nghĩa đèo bòng,
‘Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?’
– ‘Này con, thân con quý lắm! Con đừng bỏ cái thân con.’ Trong tình trạng thất tình như vậy người ta không muốn sống nữa. ‘Một người không có mặt thì cả thế giới này cũng như không!’ Tình trạng đó là tình trạng rất nguy hiểm. Anh chàng chỉ muốn chết. Gia đình của Thúy Kiều là tăng thân cứu Kim Trọng, nếu không có họ có thể Kim Trọng đã tự tử. Lạ thay, tình thương đáng lý phải đem lại sự an ủi ấm áp, hạnh phúc mà trái lại, nó đưa ta đến gần cái chết. Tình ái, đam mê thường đưa người ta tới cái chết. Trong rất nhiều trường hợp, tình yêu và cái chết là hai cái rất gần nhau. L’amour et la mort gần như đồng nghĩa. Rất dễ sợ! Trong đạo Bụt có nói về tình thương, diễn tả bằng những ngôn ngữ rất rõ ràng: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Tình thương phải có tác dụng hiến tặng niềm vui (Từ), làm vơi nỗi khổ (Bi), có sự vui vẻ (Hỷ) và không kỳ thị (Xả). Tình đam mê rất kỳ thị. Chỉ có một người có giá trị thôi còn tất cả những người khác không có giá trị gì cả. Chỉ có một hiện tượng là đẹp thôi còn tất cả những hiện tượng khác đều không đẹp. Đó là kỳ thị, là không Xả. Tình thương đó đem tới toàn những khổ đau Thực tập tình thương trong đạo Bụt cho chúng ta thấy được rõ ràng thứ tình nào đem lại hạnh phúc và thứ tình nào dìm mình vào hố sâu của đau khổ, cô đơn, đưa mình tới cận kề cái chết.
‘Quá thương chút nghĩa đèo bòng, Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?’ Cha mẹ Thúy Kiều đã đóng vai trò cha mẹ của chàng sinh viên này. Nhờ có hai ông bà và hai người con còn lại mà Kim Trọng không tự tử. May cho Kim Trọng! Bốn người đó là ai? Bốn người đó là Thúy Kiều. Chính vì vậy mà Thúy Kiều đã giúp được Kim Trọng một lần nữa. Thúy Kiều đã từng giúp Kim Trọng một lần rồi, không phạm giới trong đêm đầu tiên hai người gặp nhau. Bây giờ là lần thứ hai Thúy Kiều giúp mà Kim Trọng không biết. Nhờ sự có mặt của hai ông bà viên ngoại và hai người em Kiều mà Kim Trọng đã không tự tử.
Dỗ dành khuyên giải trăm chiều
Lửa phiền càng dập càng khêu mối phiền.
Những lời khuyên tuy không có tác dụng ngay như sự có mặt của bốn người là rất quan trọng.
Thề xưa giờ đến kim hoàn,
Của xưa lại giở đến đàn với hương.
Sinh càng trông thấy càng thương,
Gan càng tức tối ruột càng xót xa.
Rất dại! Đem những vật cũ ra làm gì để cho người ta nhớ và càng khổ thêm!
Rằng: ‘Tôi trót quá chân ra,
‘Để cho đến nỗi trôi hoa giạt bèo.
Tức quá, bưỏi vì anh chàng là con nhà giàu có quyền thế; nếu anh chàng có mặt lúc đó thì đã có thể can thiệp vào được rồi, Kiều đâu phải bán mình lấy bốn trăm lạng!
‘Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
‘Những điều vàng đá phải điều nói không!
‘Chưa chăn gối cũng vợ chồng,
‘Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
‘Bao nhiêu của mấy ngày đường,
‘Còn tôi tôi gặp mặt nàng mới thôi.’
Đây là ngôn ngữ của một người yêu. ‘Bây giờ con không chết nữa nhưng con sẽ dùng tất cả sức con để tìm Kiều. Con sẽ có tin tức của nàng cho hai bác và hai em.’ Bây giờ chàng trai đã tìm được một lý do để sống!
Nỗi thưong nói chẳng hết lời,
Tạ từ sinh mới sụt sùi trở ra.
Vội về sửa chốn vườn hoa,
Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang.
Thần hôn195 chăm chút lễ thường,
Dưỡng thân196 thay tấm lòng nàng ngày xưa.
Kim Trọng về sửa sang cái nhà mình thuê lúc trước (có hiên Lãm Thúy) và rước gia đình và rước ông bà viên ngoại qua sống với mình. Kim đóng vai trò của một người con rể. Coi như Kiều là vợ chính thức của mình rồi.
Đinh ninh mài lệ chép thư
Cắt người tìm tõi đưa tờ nhắn nhe.
Lấy nước mắt mình mài mực để viết thư hỏi thăm tin tức của Kiều. (Đôi khi lấy nước trà mài mực cũng được.) Thuê người đi tìm hỏi và chuyển thư.
Biết bao công mượn của thuê
Lâm-Thanh mấy độ đi về dặm khơi.
Người một nơi hỏi một nơi,
Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
Người ta đưa Kiều đi Lâm Truy mà nói dối là đi Lâm Thanh. Hỏi Lâm Thanh thì làm sao mà tìm ra được! Nhất là thời đó đâu có nhà dây thép, điện tín, điện thoại. Trời đất rộng lớn như vậy thì làm sao tìm ra được tung tích một người.
Sinh càng thảm thiết khát khao,
Như nung gan sắt như bào lòng son.
Sắt son là niềm chung thủy cùng cực. Son lúc nào cũng đỏ, sắt lúc nào cũng cứng. Cái gan của Kim Trọng bằng sắt nhưng cũng có lúc bị nung nóng lên; lòng Kim Trọng là một tản son nhưng cũng có nhiều khi bị bào mỏng ra.
Ruột tằm ngày một héo don,
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê,
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.
Quý vị có thấy rõ ràng rằng yêu là khổ không? Không ăn, không ngủ, càng ngày càng ốm. Khóc ra nước mắt, tâm hồn lúc thức cũng như lúc ngủ đều đi vơ vẩn như một ma đói, đói tình. Cho nên người ta mới nói tình yêu là một tai nạn. Có ai muốn rước tai nạn vào lòng. Nhưng trong lòng, trong cơ thể mỗi người đều có hạt giống của đam mê. Lỡ mà vương vào tai nạn thì chỉ có một tăng thân mới cứu được mà thôi. Nếu không chết không vong thân là nhờ tăng thân. Trong trường hợp Kim Trọng, tăng thân đó là gia đình Thúy Kiều, không phải là gia đình Kim Trọng. Gia đình Kim Trọng nói: ‘Mày mê cái con nào mà bây giờ mày ốm nhom như vậy?’ Nhưng gia đình của Thúy Kiều thì vì đã hiểu cho nên đã thương. Nguyễn Bính nói: ‘Chao ôi, yêu có ông Trời cứu. Yêu có ông Trời giữ được chân’ Khi mình đã bị tai nạn rồi thì không ai cứu được cả. Trời cứu cũng không được nữa, huống hồ là người bạn! Nguyễn Bính không biết rằng tăng thân có thể cứu được. Cơ hội của quý vị là tăng thân. Quý vị thoát được là nhờ tăng thân: Ngày xưa tôi cũng nhờ tăng thân mà thoát được. Tăng thân là cơ hội duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải coi tăng thân là một viên ngọc quý. Đôi khi chúng ta có giận, có hờn từng người trong tăng thân nhưng kỳ thực tăng thân luôn luôn là viên ngọc quý. Tăng thân lúc đó sáng suốt lắm, chỉ có mình là mê thôi. Chúng ta phải giúp nhau. ‘Chao ôi yêu có ông Trời cứu!’ là một câu nói rất đơn giản của một thi sĩ miền Bắc Việt Nam thế kỷ hai mươi. Yêu là một tai nạn. Nếu không phải là tai nạn thì sao phải ‘cứu’? Tây phương cũng nói yêu là ‘té xuống’, fall in love, tomber amoureux. Đang đi tự nhiên té xuống, sụp hầm sụp hố. Và yêu cũng là một cơn bệnh: love sickness.
Xuân huyên lo sợ xiết bao,
Quá ra khi đến thế nào mà hay!
Vội vàng sắm sửa chọn ngày,
Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng.
Sợ Kim Trọng chết, hai ông bà vội vàng sắp đặt gả Thúy Vân cho Kim Trọng. Anh chàng chấp nhận. Đã mất Thúy Kiều nh nếu có Thúy Vân thì cũng được an ủi, vì em của Thúy Kiều cũng có chứa đựng Thúy Kiều ít nhiều bên trong. Tình yêu là như vậy. những gì có liên hệ tới người yêu của mình, mình đều yêu hết. Khi thương thì thương hết tất cả đường đi nước bước, những thức ăn, thức uống của người yêu mình cũng yêu tuốt. Mà khi đã ghét thì ghét hết. ‘Yêu ai yêu cả đường đi, Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng.’ Con người yêu ghét tức cười như vậy. Không Xả, tức là không bình đẳng, vì tình yêu ấy chứa đựng rất nhiều tính phân biệt và kỳ thị. Cái đường người đó đi tại sao mình thương làm chi? Tông chi họ hàng người đó có dính gì tới mình mà mình ghét? Đó là một thái độ hết sức kỳ thị, không bình đẳng, Từ, Bi, Hỷ, Xả mới là tình yêu đích thực. Tâm trạng của Kim Trọng cũng thường thôi. Em gái của Thúy Kiều là Thúy Kiều trong một mức độ nào đó. Được cưới Thúy Vân, Kim Trọng cũng bớt đau khổ. Đó là thuốc của ông bà viên ngoại cho chàng Kim uống. Nhưng đó cũng là di chúc của Thúy Kiều.
Người yểu điệu kẻ văn chương,
Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì.
Cặp đó xem ra cũng được lắm. Nhưng:
Tuy rằng hai chữ vu quy,
Vui này đã cất sầu kia được nào!
Khi ăn ở lúc ra vào
Càng âu duyên mới càng đào tình xưa.
Tình yêu của Kim Trọng với Thúy Vân phát triển rất mau nhưng tình lưu luyên với Thúy Kiều vẫn không giảm bớt. Những lúc ngồi một mình Kim Trọng vẫn khóc, lòng dạ rối beng:
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
Tuôn châu đôi trận vò tơ trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói gió đưa lay rèm,
Dường như bên nóc bên thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng.
Mỗi khi đốt hương đánh đàn một mình thì cảm thấy linh hồn Kìêu đang về với mình. Đó là do tâm mà ra cả. Bụt dạy ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.’ Kim cứ nghĩ rằng Kiều đã chết rồi và hồn đang về đáp lại tiếng đàn của mình. Đó là kỷ niệm đêm đầu tiên hai người gặp nhau. Nhưng cụ Nguyễn Du rất ý thức, cụ nói:
Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.
– ‘Nó đã chết đâu! tại thương, tại khổ nên anh tưởng tượng ra như vậy chứ!’ Đây là kiến giải của cụ Nguyễn Du. Tất cả đều do tâm thức của mình. Mình nằm mơ thấy, nói: ‘Thiệt mà, tui thấy!’ Nhưng kỳ thực đó cũng từ trong tâm đi ra.
GIÁC DUYÊN ĐÂU BỖNG TÌM VÀO TẬN NƠI
Lấy Thúy Vân, có một liên hệ mới, niềm vui mới, đời sống của Kim Trọng tìm lại được sự thăng bằng. Nhưng tình cảm vấn vương với Thúy Kiều vẫn còn nhiều.
Năm tháng đi qua.
Những là phiền muộn đêm ngày
Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần?
Chế khoa197 gặp hội trường văn,
Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày.
Cửa trời rộng mở đường mây198
Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.199
Vương Quan và Kim Trọng thi đậu, vinh hiển. Quê hương, làng xóm cũng được thơm lây.
Chàng Vương nhớ đến xa gần,
Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền.200
Tình xưa ân trả nghĩa đền,
Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần.
Vương Quan, sau khi thi đậu thì sang nhà láng giềng năm xưa là Chung lão để tạ ơn Chung lão để can thiệp, giúp đỡ, chỉ đường khi gia đình bị nạn. Có một bí mật nào đó mà ta chưa hay: chàng Vương yêu cô con gái của Chung lão. Bây giờ trở về, đã đậu khoa Hội, Chung lão bằng lòng gả con gái cho.
Kim từ nhẹ bước thanh vân,
Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương.
Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai?201
Ngọn bèo chân sóng lạc loài,
Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly.
Vâng ra ngoại nhậm Lâm Truy,
Quan sơn nghìn dặm thê nhi một đoàn.
Kim Trọng được vua cử đi làm quan ở Lâm Truy, chỗ ngày xưa nàng Kiều đã tới nơi mà gia đình đã tưởng là Lâm Thanh. Bây giờ số mạng gửi anh chàng đến đó.
Cầm đường ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu hao.
Ngày xưa có nhiều người làm quan rồi nhưng vẫn giữ được phong cách nhàn hạ của người Nho sĩ. Làm việc quan xong rồi thì uống trà, lấy đàn ra gảy. Đời nhà Tống có ông Triệu Biện, đỗ tiến sĩ, đi làm quan nhưng vẫn giữ được sự thanh nhàn. Ông đem theo một cây đàn và một con chim hạc. Sáng, chiều tuy làm việc quan nhưng ông vẫn được nghe tiếng hạc, tiếng đàn. ‘Cầm đường ngày tháng thanh nhàn. Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.’ Không giống như giới doanh thương business-man bây giờ, không có thì giờ để thở.
Phòng xuân trướng rủ hoa đào,
Nàng Vân nằm bổng chiêm bao thấy nàng.
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
Nghe lời chàng cũng hai đường tin nghi.
Một đêm tại tư thất nơi phủ đường Lâm Truy, Thúy Vân nằm mơ thấy Thúy Kiều. Tỉnh dậy nàng kể cho chồng nghe. Kim Trọng sinh nghi: ‘Có lẽ Kiều đi Lâm Truy chứ không phải Lâm Thanh.’
Nọ Lâm Thanh với Lâm Truy,
Khác chi một chữ hoặc khi có lầm.
Trong cơ thanh khí tương tầm,
Ở đây hoặc có giai âm202 chăng là?
‘Thanh khí tương tầm’ nghĩ là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Cùng là một âm thanh thì ứng (echo) lại với nhau, cùng một chí khí thì đi tìm nhau. Ví dụ là người muốn học Phật pháp thì mình đi tìm những người học Phật pháp để làm bạn.
Thăng đường chàng mới hỏi tra,
Họ Đô có kẻ lại già thưa lên.
Có người thư ký già, họ Đô, biết chuyện, báo cáo. Đây là những lời báo cáo, tuy ngắn nhưng tóm tắt lại được quãng đời mười năm của Thúy Kiều. Nói rất gọn, như đánh dây thép vậy. Nếu quý vị muốn đánh dây thép thì phải học đoạn văn này để đừng đánh dư chữ mà tốn tiền.
‘Sự này là ngoại mười niên,
‘Tôi đà biết mặt biết tên rành rành.
‘Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
‘Đi mua người ở Bắc Kinh đưa về,
‘Thúy Kiều tài sắc ai bi,
‘Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ.
‘Kiên trinh chẳng phải gan vừa,
‘Liều mình thế ấy phải lừa thế kia.
‘Phong trần chịu đã ê chề,
‘Dây duyên sau lại gả về Thúc Lang.
‘Phải tay vợ cả phũ phàng,
‘Bắt về Vô Tích toan đường bẻ hoa.
‘Bực mình nàng phải trốn ra,
‘Chẳng may lại gặp một nhà Bạc kia.
‘Thoắt buôn về thoắt bán đi,
“Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi!
‘Bỗng đâu lại gặp một người,
‘Hơn người trí dũng nghiêng trời uy linh.
‘Trong tay mười vạn tinh binh,
‘Kéo về đóng chật cả thành Lâm-Truy,
‘Tóc tơ các tích mọi khi,
‘Oán thì trả oán ân thì trả ân.
‘Đã nên có nghĩa có nhân,
‘Trước sau trọn vẹn xa gần ngợi khen.
‘Chưa tường được họ được tên,
‘Sự này hỏi Thúc sinh viên mới tường.’
Ông thư ký họ Đô chỉ biết tin tức Kiều trong mười năm đầu, không rõ tên họ và tung tích của vị Đại Vương giúp Kiều (Từ Hải.) Ông khuyên Kim Trọng hãy mời Thúc Sinh đến để hỏi thăm về những việc đã xảy ra những năm sau này.
Nghe lời Đô nói rõ ràng,
Tức thì đệ thiếp mời chàng Thúc Sinh.
‘Nỗi nàng hỏi hết phân minh,
‘Chồng con đâu tá tính danh là gì?’
Thúc rằng: “Gặp lúc lưu ly,
‘Trong quân tôi hỏi thiếu gì tóc tơ.
‘Đại vương tên Hải họ Từ,
‘Đánh quen trăm trận sức dư muôn người.
‘Gặp nàng khi ở Châu Thai,
‘Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên.
‘Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên.
‘Làm cho động địa kinh niên đùng đùng.
‘Đại quân đồn đóng cõi Đông,
‘Về sau chẳng biết vân mồng203 làm sao.’
Thúc Sinh đã cho Kim Trọng những tin tức về Kiều trong thời gian nàng sống với Từ Hải. Chàng nói chàng không có tin tức gì từ đó về sau.
Nghe tường ngành ngọn tiêu hao204
Lòng riêng chàng luống lao đao thẩn thờ.
Xót thay chiếc lá bơ vơ,
Kiếp trần205 biết rũ bao giờ mới xong?
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan!
Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
Mảnh hương còn đó phím đàn còn đây,
Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
Lửa hương biết có kiếp này nữa thôi?
Bình bồng206 còn chút xa xôi,
Đỉnh chung207 sao nỡ ăn ngồi cho an!
Rắp lòng treo ấn từ quan,
Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng pha.
Dấn mình trong áng can qua,
Vào sinh ra tử họa là thấy nhau.
Kim Trọng muốn từ quan, lội sông trèo núi đi tìm Kiều, dù cho có chết giữa đường đi nữa. Đó là ước muốn của Kim Trọng. Nhưng sự thật thì bây giờ chàng đã có thê nhi rồi, đâu còn sống nhờ cha mẹ như thời còn là sinh viên nữa mà làm được chuyện đó. Từ quan rồi thì lấy tiền đâu mà đi xe buýt, mà mua vé máy bay tìm nàng? Nhất là đã dính vào danh lợi của triều đình rồi thì khó bỏ lắm! Rốt cuộc, đâu có ‘treo ấn từ quan’, ‘vào sinh ra tử’ gì, chỉ ngồi đó viết thư và gửi e-mail mà thôi.
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
Bóng chim tăm cá biết đâu mà nhìn!
Những là nấn ná đợi tin,
Nắng mưa đã biết mấy phen đổi dời!
Năm này sang năm khác chàng chờ đợi mà tìm không ra tin tức. Bỗng có chuyện xảy ra:
Năm mây bỗng thấy chiếu trời,208
Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.
Kim thì cải nhậm Nam-Bình,
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú-Dương.
Vua ban sắc chỉ đổi Kim Trọng đi làm quan ở Nam Bình (thuộc tỉnh Phúc Kiến) và Vương Quan ở thành Phú Dương (thuộc tỉnh Chiết Giang.) Chính nhờ có biến cố này mà hai gia đình sẽ tìm được nàng Kiều.
Sắm sanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cũng thuận một đường phó quan.
Xảy nghe thế giặc đã tan,
Sóng êm Phúc-Kiến lửa tàn Chiết Giang.
Được tin Kim mới rủ Vương,
Tiện đường cùng lại tìm nàng sau xưa.
Trên đường đi, hai người hy vọng có thể tìm Kiều ở Hàng Châu (nơi sông Tiền Đường chảy ngang qua.)
Hàng châu đến đó bấy giờ,
Thật tin hỏi được tóc tơ rành rành.
Rằng: Ngày hôm nọ giao binh,
‘Thất cơ Từ đã thu linh209 trận tiền.
Nàng Kiều công cả chẳng đền,
Lệnh quan lại bắt ép duyên thổ tù.
Nàng đà treo ngọc trầm châu,
Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan.
Tới Hàng Châu, Kim và Vương hỏi thăm biết được là Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử.
Thương ôi! Không hợp mà tan,
Một nhà vinh hiển riêng oan một nàng!
Chiêu hồn thiết vị lễ thường,210
Giải oan lập một đàng tràng bên sông.
Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo.211
Tình thâm bể thảm lạ điều,
Nào hồn tinh vệ212 biết theo chốn nào?
Hai gia đình thiết lập chay đàn bên sông để làm lễ giải oan siêu độ cho Kiều.
Cơ duyên đâu bỗng lạ sao,
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi.
Trông lên linh vị chữ bài,
Thất kinh mới hỏi: ‘Những người đâu ta?
‘Với nàng thân thích gần xa,
‘Người còn sao bỗng làm ma khóc người?’
Không biết sư chị Giác Duyên hôm ấy có Phật sự gì cho nên đã đi ngang qua chỗ làm chay. Cố nhiên là người tu, thấy đám chay thì sư chị ghé vào xem thử và do đó đã khám phá ra rằng đây là gia đình Trạc Tuyền đang cầu siêu cho sư em mình. Trong lòng sư chị có lẽ ngổn ngang nhiều tình cảm. Mừng rằng sư em mình sẽ được gặp lại gia đình và cũng rất mừng khi mình có thể đem cho gia đình này một tin tức làm họ sửng sốt bất ngờ và tạo ra hạnh phúc khôn cùng. Đó là một mảnh tin làm chấn động cả gia đình Kiều.
Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
Xúm quanh kể họ rộn lời hỏi tra:
‘Này chồng này mẹ này cha,
‘Này là em ruột này là em dâu.
Trong các buổi hát đúm (hát đối giữa hai bên nam nữ) ở Việt Nam, có khi bên con gái hỏi bên con trai:
‘Truyện Kiều anh đã thuộc làu,
‘Đố anh kể được một câu sáu người.’
Nếu bên con trai giỏi thì họ sẽ hát:
‘Này chồng này mẹ này cha,
‘Này là em ruột này là em dâu.
(Sáu người là: chồng (Kim Trọng), mẹ, cha, em ruột (Thúy Vân và Vương Quan), em dâu (vợ Vương Quan.) Còn nếu bên con trai im thin thít thì bên con gái họ sẽ cười khúc khích cho đến khi bên con trai chịu thua mới đọc hai câu trên ra.)
‘Thật tin nghe đã bấy lâu,
‘Pháp sư dạy thế sự đâu lạ dường!’
Sư rằng: ‘Nhân quả với nàng,
‘Lâm-truy buổi trước Tiền-Đường buổi sau.
‘Khi nàng gieo ngọc trầm châu,
‘Đón nhau tôi đã gặp nhau rước về.
‘Cùng nhau nương cửa Bồ-Đề,
‘Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.
– ‘Chùa ở gần đây, nếu quý vị muốn thì tôi xin đưa quý vị tới để gặp Kiều ngay bây giờ.’ Nghe xong mọi người thấy như từ địa ngục vừa được vớt lên thiên đường.
‘Phật tiền ngày bạc lân la,
‘Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.’
Trong nguyên lục sư chị Giác Duyên nói: ‘Quý vị nhớ Thúy Kiều lắm phải không? Thúy Kiều cũng tỏ bày niềm thương nhớ quý vị lắm.’ Ở chùa thỉnh thoảng Kiều cũng nhớ cha mẹ và các em.
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
Từ phen chiếc lá lìa rừng,
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây.
Rõ ràng hoa rụng hương bay,
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Minh dương213 đôi ngã chắc rồi,
Cõi trần mà lại thấy người Cửu-nguyên!214
Tưởng rằng kiếp sau mới mong thấy lại được nhau mà bây giờ sư chị lại nói Kiều đang còn sống và ở gần đây. Không có phép lạ nào hơn phép lạ này!
Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,
Bộ hành một lũ theo liền một khi.
Bỏ chuông mõ, bỏ cỗ bàn, mọi người đi theo sư chị Giác Duyên. Đây là đoạn rất vui.
Bẻ lau vạch cỏ tìm đi,
Tình thâm luống hãy hồ nghi nửa phần.
Đường về chùa mà phải bẻ lau, vạch cỏ mà đi. Có lẽ đường chính hơi dài và vì thấy gia đình nôn nóng quá, ni sư cũng muốn Kiều mừng nên đã dẫn mọi người đi đường tắt. Tuy gia đình Kiều mừng như vậy nhưng vẫn còn nghi không dám mừng nhiều, sợ thất vọng: ‘Đôi khi ni sư này lộn, nhỡ đó là một người khác thì làm sao?’ Sự thật rõ ràng như vậy nhưng mà ta vẫn không tin là sự thật. Ta nói: “It is too good to be true.” (Không dám tin, vì sự thật đẹp quá.)
Quanh co theo dải giang tân,15
Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường.
Đọc tới câu này tôi có cảm tưởng ‘rừng lau’ là cái rừng có nhiều vấn đề, nhiều phiền não; ‘Phật đường’ là chỗ mình đã về, đã tới, vững chãi, thảnh thơi, đã hạnh phúc. Mỗi khi đọc tới câu này là tôi thấy hình ảnh đó. ‘Khỏi rừng lau đã tới sân Phật đường.’ Vấn đề là mình đã đi ra khỏi rừng lau hay chưa.
TƯỞNG BÂY GIỜ LÀ BAO GIỜ
Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,
Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.
Ta có thể thấy tâm trạng Giác Duyên lúc đó. Nghĩ rằng mình sẽ mang lại một niềm vui rất lớn cho sư em. Thành ra mới tới cổng sư chị đã kêu: ‘Sư em ơi! Ra có khách! Có ai hỏi này!’ ‘Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.’ Đã thành ni cô rồi, phong thái của Kiều lại càng thêm thanh tao. Cố nhiên là Trạc Tuyền không chạy, đi đàng hoàng theo kiểu thiền hành.
Trông xem đủ mặt một nhà:
Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi.
Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
Kể cha, mẹ, em rồi mới tới người yêu. Đó là theo thứ tự theo luân lý Á Đông. Không được kể chàng trước, dù mình thương chàng ghê gớm. Phải có thứ tự. Và phải chào theo thứ tự đó. Không thể nào một người Á Đông mà chào theo kiểu ngược lại. Một người Mỹ có thể tới ôm anh chàng trước. Nhưng một người Việt hay một người Hoa thì không thể nào làm như vậy. Đó là đảo lộn trật tự của mấy ngàn đời. ‘Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!’ Làm như phớt tỉnh ăng lê, hơi lạnh lùng. Kỳ thực, Á Đông bên ngoài là phải làm như vậy. Theo Á Đông, cha trước, mẹ sau. Vì cha đóng vai người anh, mẹ đóng vai người em. Ở Việt Nam vợ kêu chồng bằng ‘anh’. (Tây phương nghe chuyện này họ tức cười lắm!) Liên hệ vợ chồng là một thứ liên hệ anh em, người vợ luôn luôn làm em, vợ phải xưng ’em’. Dầu người vợ có thông minh hơn, lớn hơn một hai tuổi, hay giàu có hơn thì cũng đóng vai trò người em.
Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao.
Giọt châu thánh thót quẹn bào,
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình!
Khóc mừng, những giọt nước mắt của hạnh phúc. Mừng thì có mừng, nhưng trong tâm vẫn chất chứa nhiều đau khổ ngày xưa (cô đơn, thương nhớ…) cho nên vừa mừng vừa tủi, vừa tủi vừa mừng. Cái tủi làm cho cái mừng lớn hơn. Cái mừng làm cho cái tủi sống dậy.
Câu ‘Tưởng bây giờ là bao giờ’ tôi đã suy nghĩ nhiều giờ đồng hồ để tìm cách dịch ra tiếng Anh mà vẫn chưa dịch được. Ta đang đứng trước một sự thực quá đẹp, quá mầu nhiệm cho đến nỗi ta không dám tin sự thực đó là có thật. Mười lăm năm sống trong tuyệt vọng, không còn nghĩ rằng mình sẽ được gặp người thân. Ấy vậy mà không chuẩn bị gì cả, tự nhiên phép lạ hiện ra trước mặt. ‘Tưởng bây giờ là bao giờ.’ ‘Bao giờ’ tức là không phải ‘bây giờ.’ ‘Bao giờ’ là ‘when’, ‘bây giờ’ là ‘now’. Làm sao mà dịch được. Nếu cắt nghĩa thì mình cắt nghĩa thế nào? Giờ phút hiện tại mầu nhiệm quá cho đến nỗi mình phải nghi ngờ rằng giờ phút này thuộc về quá khứ hoặc đây là một nơi mơ ước của tương lai chứ không phải là một cái gì có thật trong hiện tại. Câu này hay ở nhiều chỗ. Thứ nhất là cái hay về nội dung, không biết sự thực đã là sự thực chưa, hay chỉ là một giấc mơ thôi. Thứ hai là cái hay về hình thức. Cả hai tiếng ‘bây giờ’ và ‘bao giờ’ đều chuyển tải thời gian, đều có chữ ‘giờ’ đứng đằng sau. Thơ là hình ảnh và âm nhạc. Nếu không dùng hai chữ ‘giờ’ lập lại thì sẽ dỡ. Nếu nói: tưởng bây giờ là lúc nào? Thì sẽ không hay. Bây giờ và bao giờ là hai chữ giống nhau, như hai sợi tóc. Bây giờ là vần bằng, bao giờ là vần bằng. Hai chữ có thể trộn với nhau. Nếu dịch: ‘Is it true or is ti not true?’ thì dở quá đi! Giờ phút bây giờ có thực là giờ phút bây giờ không? Thực tại trong giờ phút này có phải là một thực tại hay chỉ là một hình ảnh của tâm trí mình? Đó có phải là một điều trong quá khứ mà mình mộng tưởng ra hay một điều trong tương lai mà mình mơ ước vào? ‘Tưởng bây giờ là bao giờ?’ sáu chữ rất mầu nhiệm! Ai dịch được thì giỏi. Nếu không dịch bây giờ thì bao giờ mới dịch? Tôi nghĩ truyện Kiều có những câu xứng đáng được viết để treo trong thiền đường. Giáo lý và thực tập của chúng ta là sống trong giờ phút hiện tại và thấy được những mầu nhiệm của giờ phút hiện tại. Ngày xưa Kiều còn là thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi, mỗi ngày cô đều gặp những người thân. Hồi ấy Kiều có cái nhìn và cái cảm nghĩ như bây giờ không? Có tâm niệm trân quý người thân như trong giờ phút tái ngộ đoàn tụ này không? Tại sao cũng cảnh đó, người đó, những điều kiện đó mà cái thấy khác nhau như vậy? Tại sao bây giờ mình trân quý cái mình đang có một cách kỳ lạ, trân quý đến nỗi mình tự hỏi: Cái đó có thật không? Do những đau khổ mình đã trải qua, những giác ngộ mình đã đạt được mà mình tiếp xúc được với cái mầu nhiệm của thực tại. Cái gì trong đời sống mà không phải là mầu nhiệm! Sự kiện mình đang còn sống là một phép mầu. Một chiếc lá một bông hoa đều là một phép lạ, đều là mầu nhiệm cả. Khi còn có khả năng và điều kiện để tiếp xúc, để có hạnh phúc thì ta không chịu tiếp xúc để có hạnh phúc. Đợi khi mất rồi thì ta mới than khóc. Đọc truyện Kiều cũng giống như nhìn trăng, nhìn mây, đi thiền hành, tiếp xúc với thiên nhiên, hoa lá, con người. Nếu tâm ta sáng tỏ, nếu ta có năng lượng của chánh niệm thì ta có thể nhận diện rằng tất cả những gì đang bao quanh ta đều là phép lạ rất mầu nhiệm. Chính thân thể, tâm hồn ta cũng là những hiện tượng hết sức mầu nhiệm. Tất cả những cái đó, tác giả gọi là ‘bây giờ’. Trong sự sống, vì buồn đau, giận ghét, lo lắng mà chúng ta dày đạp lên cái bây giờ, loại cái bây giờ ra khỏi sự sống và không thấy được, không tiếp xúc được với những mầu nhiệm. Chúng ta nhớ một câu tương tợ cách đó mười lăm năm lúc Kim Trọng và Kiều được thực sự gặp nhau. Lúc đó gia đình Kiều đi ăn sinh nhật bên ngoại. Kiều ở nhà phá rào sang gặp Kim Trọng. Ở chơi vài tiếng đồng hồ Kiều phải về xem gia đình về chưa. Thấy gia đình chưa về thì lại tiếc, ‘đi chui’ sang nhà Kim Trọng một lần nữa. Kim Trọng đang ngủ gật, thấy người yêu xuất hiện Kim Trọng hỏi: ‘Đây là mộng hay là thực?’ Kiều trả lời: ‘Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?’ Hạt giống tuệ giác trong Thúy Kiều lúc đó có chưa chúng ta chưa bàn tới, nhưng chắc chắn đã có trong tâm hồn thi sĩ. Vì vậy đọc câu này chúng ta không thể nào không nhớ đến câu trước. Nếu ta không sống tỉnh thức và sâu sắc giờ phút hiện tại thì tất cả sẽ chỉ là một giấc chiêm bao. Tưởng bây giờ là bao giờ. Câu này có mang theo sự tội nghiệp. Vì khổ đau, vì ước mơ không thành tựu ta chưa bao giờ được sống thật, chưa bao giờ có hạnh phúc thật cả cho nên bây giờ thấy được hạnh phúc, thấy được mầu nhiệm ta lại nghĩ không biết có thật hay không. Kiều cũng phản ứng giống như gia đình Kiều khi nghe tin Kiều còn sống. Không dám tin, vì sự thật đẹp quá.
Về phương diện văn chương, đây là những lời cực tả niềm hạnh phúc của nhân vật. Về phương diện tâm lý, ý tứ câu này rất sâu sắc. Đã quen sống trong mộng, ta không có khả năng tiếp xúc với bản thân thực tại. Ta thường lẫn lộn mộng và thực. Khi cái thực tự hiển bày cho ta thì cái không có khả năng tiếp xúc. Hồi đi thăm tu viện Cấp Cô Độc, tôi có ngồi bên cạnh những bức tường đổ của cái thất ngày xưa Bụt ở, mân mê những viên gạch. Một phái đoàn khảo cổ của Nhật đã đến đây xin phép đào xới, khai quật và làm phát hiện nền móng của những tu viện ngày xưa thiết lập trong vườn Kỳ Đà. Tất cả đều đã đổ nát và bị phù sa che lấp, gai cỏ mọc đầy. Các nhà khảo cổ đã moi lên và trình bày lại tất cả. Có những thời gian tu viện Cấp Cô Độc rất hưng thịnh, các tu viện được xây sát nhau. Bây giờ khai quật ra chúng ta biết chỗ nào là thiền đường, tăng xá và thực đường. Tuy tất cả đều bị đổ nát nhưng móng của các bức tường vẫn còn nên ta có thể thấy rất rõ cách bố trí phòng ốc các tu viện. Những giai đoạn hưng thịnh của tu viện Cấp Cô Độc là những lúc các thầy tu học có hạnh phúc, tiếp xúc được với Bụt, Pháp và Tăng. Nhưng những giai đoạn đó không kéo dài được mãi mãi. Nhìn vào một vùng đất hoang vu cỏ mọc, chúng ta đâu có thể tưởng tượng ngày xưa nơi này đã từng hưng thịnh như vậy. Chúng ta hãy nhắm mắt lại và tưỏng tượng Làng Mai một trăm năm về sau. Chúng ta thấy gì? Có thể ta không thấy sư chị, sư anh, sư em, sư tổ, không thấy thầy, không thấy gì hết. Chỗ này có thể trở thành một siêu thị. Bây giờ trong giây phút hiện tại chúng ta có sư anh, sư chị, sư em đang ngồi với ta. Có thầy đang ngồi giảng. Có nước trà để uống. Có đường để đi thiền hành. Có bàn tay để nắm tay người bạn. Có hai mắt để nhìn và nhận diện ra đó là người anh, người chị, người em của mình. Chúng ta đang làm chuyện đó hay không? Hay chúng ta đợi một trăm năm sau để rồi thấy những điều có thể xảy ra chỉ là chuyện đã xảy ra trong một giấc chiêm bao mà thôi? Đưa tay ra và chạm vào người bên cạnh một chút xíu để coi thứ đó là thật hay giả. Chúng ta có khả năng làm chuyện đó hay không? Hay chúng ta cứ tự giam hãm mình trong cái buồn, cái giận, cai lo để không làm được chuyện đó? ‘Tưởng bây giờ là bao giờ, Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!’ là những tiếng chánh niệm giúp chúng ta tỉnh thức. Tất cả bí quyết của sự thực tập nằm ở chỗ đó. ‘Tưởng bây giờ là bao giờ’: ‘Is it now or never!’. Tôi chịu thôi, không dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp! Tôi tin chắc tất cả quý vị216 đều hiểu, đều thấm rồi nhưng không nói ra lời đó thôi. Nói không ra lời thì phải có người giúp. Người đó là thi sĩ.
Thi sĩ là người giúp mình nói những điều mình cảm mà không nói được. Nhưng đây là thi sĩ Việt cho nên mình cần thi sĩ Anh, thi sĩ Pháp. Chỗ mầu nhiệm của câu này, chắc dịch không được, là hai chữ bây giờ và bao giờ, lấp láy lại. Phải là một tay phù thủy cao tay ấn lắm mới có thể sử dụng những âm binh ngôn ngữ như thế được. Ngôn ngữ đối với một thi sĩ giống như âm binh mà một thầy phù thủy sử dụng. Bắt nó làm gì thì nó làm theo mình. Vị tổ thứ ba trong phái Trúc Lâm, thầy Huyền Quang, cũng là một thi sĩ lớn của Việt Nam. Thầy cũng có một câu thơ nói về chuyện chiêm bao trong khi mở mắt. Đó là bài Ngủ trưa trên núi. (Nghe tổ cũng ngủ trưa chúng ta thấy khỏe trong người quá phải không? Tổ ngủ trưa thì tại sao mình không được ngủ trưa?)
Vũ quá sơn khê tĩnh
Phong lâm nhất tháp lưong
Phản quan trần thế giới
Khai mãn túy mang mang.
(Cơn mưa đã qua, khe nước trong núi im lặng. Rừng phong ngủ một giấc mát. Nhìn lại thế giới bụi bặm bên dưới. Mắt mở nhưng vẫn say như thường.)
Tôi dịch:
Mưa tạnh khe núi tĩnh
Ngủ mát giữa rừng phong
Nhìn lại cõi nhân thế
Mắt mở vẫn say nồng.
Mắt mở nhưng vẫn say như thường. ‘Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao!’ Lối sống đó người ta gọi là ‘sống say chết mộng’ (túy sinh mộng tử.) Đạo lý của nhà Phật là sống tỉnh thức. Phải mở mắt. Mở con mắt tuệ, con mắt chánh niệm chứ không phải là con mắt thịt. Mở con mắt thịt thì có thể vẫn còn mê. Mở con mắt chánh niệm thì lúc đó thì mình thật sự tiếp xúc được những mầu nhiệm của sự sống. Bụt có khi được gọi là ‘con mắt tuệ’. Ngày Bụt nhập diệt có một số thầy khóc. Trong những lời khóc than có câu: ‘Đức Thế Tôn không còn nữa! Con mắt của thế gian không còn nữa!’ (The eye of the world is no longer there.) ‘Con mắt của thế gian’ là Bụt. Con mắt này là con mắt trí tuệ, tỉnh thức. Bụt được diễn tả như con mắt của cuộc đời, tức là cái thấy tỉnh thức của cuộc đời. Nếu có con mắt đó thì mới không ‘túy mang mang’, không còn mê ngủ nữa.
TÁI SINH TRẦN TẠ ÂN NGƯỜI TỪ BI
Huyên già dưới gối gieo mình,
Khóc than mình kể sự tình đầu đuôi:
Kiều chạy lại ôm mẹ khóc. Không ôm cha mà ôm mẹ vì với người con gái người mà mình có thể gần gũi, có thể tiếp xúc về thân thể dễ dàng nhất là mẹ. Trong đây chúng ta thấy rất rõ những đặc tính của văn hóa Á Đông. một người con gái Mỹ sau khi bị xa cách người yêu mười lăm năm sẽ không làm như vạy mà sẽ tới ôm anh chàng trước. Nhưng cô Kiều là người Việt, vì vậy cô phải tới ôm mẹ. Giữa mẹ và con gái có tình bạn, họ dễ tâm sự với nhau. Vì vậy ôm mẹ để kể chuyện đau khổ của mình là dễ nhất.
Từ con lưu lạc quê người,
‘Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm,
‘Tính rằng sông nước cát lầm217
‘Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!’
Ông bà trông mặt cầm tay,
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra.
Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa,
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần.
Ông bà ngắm con gái. Đi ngang qua mười lăm năm, sự dãi dầu không làm cho Kiều mất phong độ. Có ốm, có già đi chút ít nhưng vẫn còn tươi, còn xinh. ‘Mười phần xuân có gầy ba bốn phần.’ Mười lăm năm đau khổ mà Kiều vẫn còn giữ được sáu bảy phần trăm sự tươi mất, trẻ trung của ngày cũ. Nguyệt và hoa đều chỉ cho Thúy Kiều. Đẹp như nàng, tươi như bông hoa, nhưng cả hoa và trăng đều đã bị dãi dầu, đi qua những cơn bão tố của cuộc đời khổ đau.
Nỗi mừng biết lấy chi cân,
Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu.
Sư Cô Diệu Nghiêm mới đi thăm Việt Nam có mấy tuần lễ mà về nói hoài không hết chuyện Việt Nam, huống hồ là mười lăm năm của Trạc Tuyền.
Hai em hỏi trước han sau,
Đứng trông chàng cũng trở sầu làm tươi.
Hai đứa em hỏi tíu tít. Anh chàng thì đâu dám tới gần, tuy đã được gia đình chấp nhận, và đã được xem như là chồng của Kiều. Chỉ đứng đàng sau nhìn nhưng mặt mày chàng có vẻ tươi lắm. Một anh chàng Mỹ, Pháp hay Hòa Lan chắc là không chịu làm như vậy đâu. Để ý đọc với chánh niệm thì ta thấy tất cả khung cảnh và cách thức Á Đông hiện nay rất rõ trong này.
Trong đoạn này chúng ta không thấy cụ Nguyễn Du nói gì về sư chị. Sư chị đang đứng đâu và làm vì trong khi gia đình họ đoàn tụ? Khi đọc đoạn văn này tôi lại thấy rất rõ hình dáng của sư chị đang đứng đó và chứng kiến những gì xảy ra. Sư chị rất muốn xem cuộc hội ngộ này đem tới hạnh phúc như thế nào. Vì vậy sư chị rất chánh niệm. Sư chị đâu có đi vô nhà trong pha trà! Lúc này là lúc rất quan trọng. Sư chị đứng đó rất im lặng mà quan sát, có thể là trong góc sân, có thể là trước cửa chánh điện. Sư chị là một người thật sự thương sư em. Cố nhiên sư chị đã thấy trong lòng rồi: Có thể mình phải trả sư em lại cho gia đình sư em vì họ đã bị xa cách tới mười lăm năm. Tâm tư sư chị như thế nào? Tình thương của sư chị có vướng mắc không? Sư chị có muốn giữ sư em ở lại bên mình mãi mãi không? Hay sư chị hiểu được ước vọng của gia đình sư em và sư em? Tôi nghĩ rằng trong lòng sư chị đã có sự quyết định.
Quây nhau lạy trước Phật đài,
Tái sinh trần tạ ân người từ bi.
Sau khi nghe hết chuyện, gia đình Kiều mới thấy vai trò sư Giác Duyên rất là quan trọng trong đời sống Thúy Kiều. Cha mẹ đã sinh ra Kiều nhưng sư chị là người cứu Kiều, sinh ra Kiều lần thứ hai. Trong nguyên lục, Vương Ông đi về hướng Giác Duyên lạy xuống. Mẹ của Thúy Kiều, Vương Quan và Thúy Vân đều lạy theo. Cố nhiên, chàng Kim cũng phải làm như vậy thôi (tăng thân mà!) Nhưng mà Nguyễn Du đã sửa lại chút đỉnh. Cụ nói lạy Bụt. Cụ muốn Bụt và sư chị cùng trở thành đối tượng của sự biết ơn đó. Lạy Bụt tức là cũng lạy sư chị. Ở đây sự cung kính đẹp hơn. ‘Tái sinh trần tạ ân người từ bi.’ Người chết rồi mà làm cho sống lại thì gọi là tái sinh. Đó là phận sự của sư chị hoặc sư anh. Là người tu thì phải biết cứu người. Giọt nước Cam Lộ của Bụt có thể làm cho một người chết sống lại được. Giọt nước Cam Lộ trên cành dương liễu của đức Bồ Tát Quan Thế Âm tưới xuống một nhành cây khô thì nhành cây đó trở nên xanh tươi, mọc lá trở lại: ‘Sái khô mộc nhi tác phùng xuân.’ Người tu phải đạt cho được phép lạ đó. Phải có giọt nước từ bi để làm sống dậy những gì đã khô héo và chết đi vì đau khổ. Chữ ‘người từ bi’ cụ Nguyễn Du dùng có thể chỉ cho Bụt mà cũng có thể chỉ cho sư chị. Tùy quý vị chọn lựa. Trong nguyên lục thì nói rất rõ ràng là quay lại lạy sư chị. Cụ Nguyễn Du gần gũi với mình hơn. Dầu sao cũng có Bụt ở trên và sư chị dù sao cũng chỉ là học trò của Bụt. Sư chị cứu được mình tức là Bụt cứu mình. Nếu không có Bụt thì làm sao có sư chị? Lạy xuống Phật đài để tạ ơn Bụt và tạ ơn sư chị. Đó là chuyện rất hay, rất đúng. Tôi bằng lòng thái độ của cụ Nguyễn Du.
Chi tiết lạy này chứng tỏ sư chị đang không ở trong nhà bếp để nấu trà đãi khách. Sư chị có mặt một cách đích thực trong giờ phút đó. Chúng ta cũng có thể hiểu được lúc đó mọi người đã đi vào thảo am rồi; chuyện đoàn viên thì có thể xảy ra trước cổng chánh niệm. Sau khi lạy tạ Giác Duyên, ông bà nói: ‘Thôi bây giờ con về nhà!’
Kiệu hoa giục giã tức thì,
Vương ông dạy rước cùng về một nơi.
Cố nhiên, ban đầu Trạc Tuyền không muốn đi về, sư cô muốn tiếp tục tu vì sư cô đang có hạnh phúc. Trạc Tuyền nói: ‘Con đi tu rồi, làm sao về nhà được? Nhưng lý luận của bên gia đình là: ‘Con đi tu đã đành rồi, nhưng con phải có bổn phận với gia đình. Con là một người con, một người tình. Con phải trả cái nợ đó.’ Ở dây một câu hỏi được đặt ra người tu làm sao để trả nợ gia đình và xã hội. Đây là một chủ đề rất hay. Chúng ta sẽ tiếp tục ở đoạn sau. Ta sẽ thấy phản ứng của sư chị và của Kiều.
TÌNH KIA HIẾU NỌ
Kiệu hoa giục giã tức thì,
Vương ông dạy rước nàng về một nơi.
Mười lăm năm bây giờ mới gặp lại con gái, đâu có thể để cho con gái ở lại đây được! Thế nào cũng phải đưa nó về. Đó là cái thường tình. Sư chị đã biết trước chuyện đó. Nhưng sư em không muốn về. Sư em rất thương sư chị và muốn tu chứ không muốn trở về cuộc đời bụi bặm ở ngoài nữa. Đây là lời của sư em:
Nàng rằng: ‘Chút phận hoa rơi,
‘Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.
‘Tính rằng mặt nước chân mây,
‘Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
‘Được rày tái thế tương phùng,
‘Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay.
‘Đã đem mình bỏ am mây,
‘Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa.
– ‘Niềm ao ước sâu sắc cảu con bây giờ đã đạt được. Được gặp lại cha mẹ và các em là con thỏa nguyện lắm rồi! Con đã lớn tuổi rồi, và rất hâm mộ việc tu hành. Đứng về phương diện thể chất cũng như tâm hồn con đã chín muồi để có thể sống an lạc, hạnh phúc với đời sống xuất gia.’
‘Mùi thiền đã bén muối dưa,
‘Màu thiền ăn mặc đã sưa nâu sồng.
– ‘Con đã có hạnh phúc trong cuộc sống này rồi, con không muốn trở về cuộc sống thế gian nữa.’
Sự đời đã tắt lửa lòng,
‘Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
– ‘Những phiền não, dục vọng, tham, sân, si, danh lợi… không còn trong lòng con nữa thì con trở về chốn bụi bặm làm chi?’ Lửa lòng ở đây là phiền não (afflicion). Không có lửa dục, lửa tham, lửa sân nữa thì gọi là tắt lửa lòng. Nhưng đã có một thứ lửa khác nhem nhúm, đó là lửa tam muội, lửa từ bi. Đây là một sức sống mới. ‘Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?’ Sự thực là như vậy. Nếu muốn lấy chồng thì có người chồng nào xứng đáng bằng Từ Hải không? Nếu muốn danh vọng thì có thứ danh vọng nào lớn hơn danh vọng của một vị đại phu nhân không? Thúy Kiều đã nếm hết tất cả những cái đó rồi và đã thấy những cái đó không đang để cho mình phải bận tâm. Vậy thì còn gì trong cuộc đời Kiều mong muốn nữa? Đây là những câu nói rất thật.
‘Dở dang nào có hay gì,
‘Đã tu tu trót qua thì thì thôi!
Chúng ta nên biết rằng thời gian truyện Phong Tình Lục được viết chưa có đạo Phật hiện đại hóa, chưa có đạo Phật đi vào cuộc đời. Người ta vẫn nghĩ rằng giữa hai nếp sống xuất gia và tại gia không có gạch nối liên hệ. Đi tu là hoàn toàn khác, không dính líu gì với cuộc đời. Chúng ta bây giờ có cái nhìn khác. Vì cuộc đời cần nên chúng ta mới đi tu. Nếu tu đàng hoàng và thành công thì chúng ta có thể giúp được đời, trước hết là giúp gia đình chúng ta.
‘Trùng sinh ân nặng bể trời,
‘Lòng nào nở dứt nghĩa người ra đi?’
Lý do thứ nhất là:Con muốn tu, con đã có hạnh phúc trong đời sống tu học. Lý do thứ hai là: ‘Con thương sư chị con. Cha mẹ đã sinh con lần thứ nhất. Sư chị đã sinh ra đời sống tâm linh và giải thoát của con. Cái nghĩa đó con muốn báo đền. con muốn ở với sư chị.’ Rất dễ thương. Giải thoát cũng có mà tình nghĩa cũng có. Đủ hết. Tóm lại, những lý luận của Thúy Kiều không phải chỉ là lý luận. Nó là sự thật trong lòng Kiều.
Người cha lúc đó mới dùng lý luận ngoài đời để phản công lại: ‘Con còn có bổn phận với gia đình, và với người yêu. Con đã hứa với người ta bây giờ con đâu có thể làm ngơ dễ dàng như vậy được!’ Những người trong gia đình thuộc về phe đa số. Phải cứng cáp lắm và phải có tăng thân họa may mình mới địch lại nổi!
Ông rằng: ‘Bỉ thứ nhất thì,
‘Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
Thử là cái này, bỉ là cái kia. Nhất thì là có khi. Cái này có liên hệ tới cái kia. Khi thì phải thế này, khi thì phải thế kia. ‘Tu hành thì tu chứ ai cấm? Nhưng mình phải biết linh động (tòng quyền)!’ Chữ quyền đi với chữ kinh (kinh quyền.) Kinh là con đường thẳng, có những nguyên tắc, cứ theo đúng như vậy mà làm là được. Quyền là linh động trong những trường hợp đặc biệt.
‘Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
‘Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây?
‘Độ sinh nhờ đức cao dày,
‘Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung.’
– ‘Tu để thành Phật thành Tiên, chuyện đó tốt lắm! Cha cũng đồng ý. Nhưng vấn đề hiếu và tình là bổn phận của con người, con cũng phải giải quyết những vấn đề ấy chứ! Đối với gia đình con phải có bổn phận. Đối với người mà con đã thề nguyện con phải giải quyết. Cha đâu có cấm con tu nhưng mà con phải làm xong những chuyện đó rồi thì con mới tu được. Nếu con nghĩ rằng con có ân nghĩa vói sư chị thì sau này mình sẽ làm một ngôi chùa cho đàng hoàng rồi mời sư chị tới tu chung có phải vui hơn không?’ Không biết ông có nghĩ thiệt như vậy không hay chỉ cố để an ủi để Kiều chấp nhận về nhà. Chúng ta nên biết ở Trung Hoa và Việt Nam quan niệm Hiếu và Tình rất quan trọng. Rất nhiều nhà Nho công kích đạo Phật là những người xuất gia không biết tình, không biết hiếu, bỏ bê bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia. Bên đạo Phật người ta phải tìm cách trả lời: Chúng tôi đi tu không phải là không đáp ứng những bổn phận đó. Ở đây cùng một vấn đề, khi được đặt trước một hoàn cảnh như vậy chúng ta không thể nào giải quyết được. Nói: ‘Thôi, ba má và hai em đi về đi! Con nhất định ở đây thôi! Thì không được. Đứng vào trường hợp này chúng ta thấy cũng khó lắm. Có lẽ trong Kiều có một ý định về thì về, giải quyết xong thì trở lại cuộc sống tu hành. Lúc bấy giờ Kiều không có ai hết, rất đơn côi. Sư chị thì không nói; sư chị tuy thương lắm nhưng chỉ đứng đó thôi. Sư chị là người có thương yêu, có hiểu biết. Sư chị không có ý niệm muốn tranh đoạt để giữ Kiều riêng cho mình. Trạc Tuyền biết rất rõ sư chị đang đứng đó và đã chứng kiến tất cả những gì đang xảy ra. Tôi chắc lúc nãy Trạc Tuyền đã ngước đầu lên nhìn sư chị để cầu cứu, hay ít nhất là để hỏi. Tôi thấy rất rõ sư chị đang gật đầu nói: ‘Em đi đi. Em phải về. Chị có đức tin ở em.’ Vì vậy Trạc Tuyền đã đồng ý đi về với gia đình để lo giải quyết vấn đề. Bên kia, sau mười lăm năm mới tìm được Thúy Kiều, không có lý gì được thăm hỏi chút xíu rồi phải về. Phải kéo Kiều về chứ!
Nghe lời nàng phải chiều lòng,
Giã sư giã cảnh đều cùng bước ra.
Tôi nghĩ cùng đi tới am, ngoài gia đình của Thúy Kiều còn có một vài gia nhân hầu hạ của hai ông quan mới Kim Trọng và Vương Quan. Thế nào những người này cũng đã được phái đi đem võng lọng tới rước. Bây giờ, có phương tiện chuyển vận, họ đi đường đàng hoàng chứ không phải đi tắt trong rừng lau nữa.
TRỜI CÒN ĐỂ CÓ HÔM NAY
Một nhà về đến quan nha,
Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy.
Tàng tàng chén cúc dở say,
Đứng lên Vân mới giãi bày một hai:
Rằng: ‘Trong tác hợp cơ trời,
‘Hai bên gặp gỡ một lời kết giao.
‘Gặp cơn binh địa ba đào,218
‘Vậy đem duyên chị cột vào duyên em.
‘Cũng là phận cải duyên kim,219
‘Cũng là máu chảy ruột mềm220 chứ sao?
‘Những là rày ước mai ao,
‘Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
‘Bây giờ gương vỡ lại lành,221
Khuông thiêng lừa lọc đã dành có nơi.222
‘Còn duyên may mới còn người,
‘Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đương vừa,223
‘Đào non sớm vội xe tơ kịp thì!’
Cô này cũng văn chương dữ! Trong việc đoàn viên, Thúy Vân đứng lên đề nghị làm đám cưới cho hai người. Chuyện này không phải do ông bố, bà mẹ, Vương Quan hay Kim Trọng khơi ra. Chính Thúy Vân đứng dậy khơi ra. Bởi vì Thúy Vân đứng ở địa vị thuận lợi hơn những người khác để làm việc này. Thúy Vân đang là ‘chủ nhân’ của Kim Trọng và đây là một xã hội đa thê.
Thúy Kiều nghe xong thì nói: ‘Thôi đi cô!’
‘Dứt lời nàng vội gạt đi:
‘Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ?
‘Một lời tuy có ước xưa,
‘Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều.
‘Nói càng hổ thẹn trăm chiều,
‘Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!’
Anh chàng lúc đó mới tấn công, can thiệp vào:
Chàng rằng: ‘Nói cũng lạ đời,
‘Dẫu lòng kia vậy còn lời ấy sao?
‘Một lời trót đã thâm giao,
‘Dưới dày có đất trên cao có trời.
‘Dẫu rằng vật đổi sao dời,
‘Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh!
‘Duyên kia có phụ chi tình,
‘Mà toan chia gánh chung tình làm hai?’
– ‘Mỗi lời mình nói ra đều có sự chứng kiến của trời cao đất dày. Lời hứa của mình là lời hứa sống chết. Dù sự vật có thay đổi, dù sao trên trời có dời đi chỗ khác mình vẫn giữ lấy lời của mình như thường. Anh đã làm lỗi gì để bây giờ em lại nói như vậy?’
Đây là lý luận của Kiều:
Nàng rằng: ‘Gia thất duyên hài,
‘Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng.
Không ai là không nghĩ tới và mơ ước chuyện lứa đôi. Nhưng:
‘Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
‘Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
‘Chữ trinh đáng giá ngàn vàng.
‘Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
‘Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
‘Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
‘Bấy chầy gió táp mưa sa,
‘Mấy trăng đã khuyết mấy hoa cũng tàn.
‘Còn chi là cái hồng nhan,
‘Đã xong thân thế cò toan nỗi nào?
– ‘Trong đạo vợ chồng, sự trong sáng, nguyên vẹn của người vợ rất là quan trọng. Nếu không có trinh tiết thì làm sao mà không khỏi thẹn thùng? Những đau khổ em đã đi qua dày xéo tất cả. Trong hoàn cảnh của em, không có bông hoa nào mà không tàn, không có mặt trăng nào mà không khuyết.’
‘Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
‘Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!224
‘Đã hay chàng nặng vì tình,
‘Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
– ‘ Cố nhiên là chàng nặng chữ tình trong lòng. Nhưng nhìn vào hoa đèn em phải thấy thẹn chứ! Đây không còn là trường hợp ngày xưa nữa bởi vì em đã đi ngang qua biết bao nhiêu sóng gió và bão táp rồi!’
‘Từ rày khép cửa phòng thu,
‘Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
‘Chàng dù nghĩ đến tình xa,
‘Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.225
‘Nói ra chi kết tóc xe tơ,
‘Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!’
Kiều vẫn còn tiếc muốn tiếp tục tu. Tốt nhất là được tu với sư chị, nếu bắt buộc phải ở lại trả hiếu cho cha mẹ thì vẫn phải tu ở nhà giống như người xuất gia vậy. Trong lòng Kiều đã có quyết định rồi, bởi vì Kiều không còn những phiền não và ước muốn chen chân vào chốn bụi hồng nữa. Kiều khuyên Kim Trọng đem tình yêu đổi ra tình bạn. Điều này có nghĩa là Thúy Kiều đã lớn, đã khai mở. Thúy Kiều không còn biết thứ tình gọi là tình đam mê nữa. Thứ tình đam mê mười lăm năm trước bây giờ đối với Thúy Kiều đã lạnh như tro tàn. Kiều đã học đường tình thương trong đạo Bụt, thứ tình giải thoát từ bi. Thấy rằng thứ tình này khỏe quá, đẹp quá và bổ dưỡng quá! Nó không đem lại những ray rứt. Tình cầm sắt sẽ gây sóng gió nhưng tình bạn thì chỉ đem lại an lạc và hạnh phúc thôi.
Anh chàng lại cãi:
Chàng rằng: ‘Khéo nói lên lời,
‘Mà trong lẽ phải có người có ta!
– ‘Em định nghĩa chữ trinh như thế nào? Có lúc thì phải đi đường thẳng (kinh) nhưng có khi phải linh động (quyền). Lúc bình thường (khi thường) thì theo phương pháp kinh; gặp giai đoạn đặc biệt (khi biến) thì phải theo phương pháp quyền.’ Lý luận này giống hệt như lý luận của ông bố vợ. Anh chàng này chắc đi học trường luật.
‘Như nàng lấy hiếu làm trinh,
‘Bụi nào cho đục được mình ấy vay?;
– ‘Cái trinh của em là cái trinh làm bằng chất liệu hiếu. Vì hiếu nên em phải bán mình, đi vào con đường kia. Cho nên đối với anh, em vẫn còn hoàn toàn trong trắng.’ Nói cũng khéo lắm! Anh này rất có tài năng của một trạng sư!
‘Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hai câu này rất hay! Thuộc về số những câu hay nhất trong truyện Kiều. Trời ở đây không phải là Thượng Đế, Ngọc Hoàng hay tạo hóa. Trời ở đây là tình trạng, hoàn cảnh. Ngày hôm nay chúng ta được gặp nhau, nhìn nhau, nắm tay nhau; tôi còn sống, anh còn sống, em còn sống để co thể ngồi uống trà với nhau, đi thiền hành, nhìn trăng với nhau… Ngày hôm nay quý vô cùng! Trời còn để có hôm nay. Chúng ta có được ngày hôm nay để sống, thở, nhìn thấy nhau là một phép lạ lớn. Nếu không biết sống, không tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc thì chúng ta quá tệ! Đây là những tiếng chuông chánh niệm lớn. Nếu dịch ‘Trời’ là ‘God’ thì nói: ‘God has allowed today to be.’ Trời còn để có hôm nay. Đó là một giác ngộ rất lớn, một phép tỉnh thức. Chúng ta còn có được ngày hôm nay. Mỗi ngày là một tặng phẩm của đất trời. Không biết ngày mai như thế nào nhưng hôm nay mình có hôm nay đây. Ta phải làm thế nào để tỏ sự trân quý của mình đối với ngày hôm nay. ‘Trời còn để có hôm nay’ tức là mình còn may mắn lắm! Mình rất có hạnh phúc; được ngồi nhìn nhau, đưa tay ra thì chạm được người mình thương. Đọc câu này tôi cảm động rất sâu sắc. Cái thấy được diễn tả bằng sáu bảy chữ này là chánh niệm. Tất cả chúng ta đều có may mắn. Cố nhiên, chúng ta có thể có những rủi ro, đã đi qua những cơn cùng cực, khổ đau, thao thức, ba đào. Nhưng trời vẫn còn cho chúng ta có ngày hôm nay, vẫn để cho chúng ta sống tới ngày hôm nay để có thể tiếp xúc được với nhau, ngồi bên nhau. Trời còn để có hôm nay. Sáu chữ được làm bằng chánh niệm, tỉnh thức. Chánh niệm là gì? Là thứ năng lượng làm tan đi hết tất cả những u mê, thất niệm.
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.’ Câu thứ hai rày cũng rất mầu nhiệm. Cái ngõ mình đi ra đi vào buổi sáng có thể có sương mù, không cho mình thấy được đường. Nhưng bây giờ sương đã tan rồi. Mình thấy gì khi tan sương đầu ngõ? Mình thấy những bông hoa. Khi mây vén ra ở giữa trời thì mình thấy gì? Thấy trăng. Những đau khổ mình đã đi qua, cái đường hầm đen tối kéo dài mười lăm năm, mình nói rằng hoa đào mà không khuyết, trăng nào mà không tàn: ‘Ấy vậy mà: ‘Trời còn để có hôm nay.’ Khi mình thức tỉnh ra được, thấy được điều này thì; Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.’ Lại thấy hoa và trăng trở lại. Hay như vậy đó! Sự thật là chúng ta còn có ngày hôm nay. Nếu chúng ta tiếp xúc được với cái hôm nay mầu nhiệm thì cũng có nghĩa là những u mê, thất niệm, những trở lực thuộc tham, sân, si kia đều được vén ra. Tưởng là hoa tàn, ai dè hoa còn tươi hơn bất cứ lúc nào hết! ‘Trời còn để có hôm nay.’ Tiếp xúc được điều đó thì:
‘Hoa tàn mà lại thêm tươi,
‘Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Mình đã chuyển hóa được khổ đau. Những khổ đau trong quá khứ mười lăm năm đã trở thành có ích lợi. Rác đã trở thành hoa. Và dù mình có phải khổ trong mười lăm, hai mươi hay ba mươi năm đi nữa nếu mình giác ngộ được rằng: ‘Trời còn để có hôm nay’ thì mình đã không có gì mất hết. Trái lại, hoa còn tươi, trăng còn sáng hơn xưa.
Có điều chi nữa mà ngờ,
‘Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!220
Nghe chàng đã nói hết điều,
Hai thân thì cũng quyết theo một bài.
Anh chàng là trạng sư mà! Cả nhà về phe Kim một trăm phần trăm, bắt Kiều phải làm đám cưới với anh chàng cho được. Sư chị ở đâu mà không tới giúp em? Mới biết tăng thân là cần lắm!
Hết lời khôn lẽ chối lời,
Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than.
Trong nguyên lục, sau khi chấp nhận làm lễ, Kiều nói: ‘Em làm lễ như vậy để mọi người vui thôi, nhưng em cương quyết không sống đời vợ chồng như thế thường. Em chỉ muốn sống với gia đình và với người yêu cũ thì em sẽ sống như bạn thôi chứ sẽ không có chuyện chăn gối. Thà rằng chết chứ em không làm chuyện đó nữa. Em đã thoát nó rồi!’ Phải làm tròn bổn phận của một người con, một người chị và của một người đã thề nguyền. Mình còn sống trong cuộc đời này nhưng lòng của mình đã là lòng của một người tu. Phật giáo nhập thế! Kiều bây giờ có bản lĩnh lắm! Chúng ta sẽ chứng kiến việc Kiều dạy cho Kim Trọng tu. Nhờ đọc nguyên lục tôi khám phá ra những chi tiết không có trong truyện Kiều bằng chữ Nôm.
Gia đình Kiều chưa hiểu Kiều. Chưa biết Kiều đã đi rất xa trên đường tu tập. Kỳ này sư chị đã dạy sư em rất đàng hoàng. Bao nhiêu những đam mê, danh vọng, phiền não của Kiều đã tiêu tan. Kiều không thể nào trở về cuộc sống bụi bặm, trần tục như xưa nữa. Kiều có thể sống trong cuộc đời mà không bị cuộc đời làm ô nhiễm. Kiều nói thật, rất rõ trong nguyên lục: ‘Con chiều cha mẹ. Em chiều anh. Làm lễ thì làm để cho trọn, đẹp về phương diện hình thức. Nhưng em rất ham tu. Không ép em được. Một là em chết, hai là để em sống cuộc đời của người tu trong lòng gia đình này. Nếu bắt con phải làm như người khác thì con sẽ chết. Con không thấy hạnh phúc trong nếp sống đó nữa.’ ‘Ôi! Con gái nói bề ngoài như vậy thôi! Đến lúc đó thì nó sẽ làm khác!’ Ai cũng nghĩ như vậy. Nhưng sự thực, Kiều đã làm đúng như Kiều nói.
GƯƠNG TRONG CHẲNG CHÚT BỤI TRẦN
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,
Hoa soi ngọn đuốc hồng chen bức là.227
Cùng nhau giao bái một nhà,
Lễ đà đủ lễ đôi là xứng đôi.
Động phòng dìu dặt chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.
Những từ sen ngó đào tơ,
Mười lăm năm mới bây giờ là đây!
Từ sen ngó đào tơ là từ hồi còn trẻ, mười lăm năm về trước; bây giờ lời thề mới được thực hiện. Đối với Kim Trọng và những người trong gia đình, đây là một đám cưới thật sự. Nhưng đối với Kiều, đây là chiều thế gian cho người ta có một hình thức mà thôi. Kiều nhất quyết đi trên con đường thoát tục, không đi theo cuộc đời thế gian nữa.
Tình duyên ấy hợp tan này,
Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao.
Tối hôm đó sau khi ăn tiệc, cả nhà chúc hai người có hạnh phúc rồi rút lui. Tất cả họ nghĩ rằng họ sẽ ăn nằm với nhau. Nhưng hai người đã ngồi nói chuyện đến khuya.
Canh khuya bức gấm rủ thao,
Dưới đèn tỏ dạng má đào thêm xuân.
Kim Trọng nhìn lại thấy Thúy Kiều còn đẹp quá dưới ánh đèn.
Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình.
Ngày xưa Thúy Kiều đẹp mê hồn, bây giờ Kiều vẫn rất đẹp. Thúy Kiều là bông hoa ngày xưa, Kim Trọng là con ong cũ. Con ong lại muốn đi thăm bông hoa. Kim Trọng là người chưa giải thoát, vẫn muốn có liên hệ nam nữ với Thúy Kiều trong đêm đó. Nghĩ rằng sau khi đã uống rượu thề bồi, chứng tỏ mình có nhiều thương yêu và tình nghĩa rồi thì thế nào rồi Kiều cũng chịu. Nhưng Kiều cự tuyệt. Ở đây, cụ Nguyễn Du rất kín đáo tế nhị, không nói ra những điều đó.
Nàng rằng: ‘Phận thiếp đã đành,
‘Có làm chi nữa cái mình bỏ đi!
‘Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi,
‘Chiều lòng gọi có xướng tùy228 mảy may.
‘Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
‘Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi!
‘Những như âu yếm vành ngoài,
‘Còn toan mở mặt với người cho qua.
‘Lại như những thói người ta,
‘Vớt hương dưới đất bẽ hoa cuối mùa.
‘Cũng là giở nhuốc bày trò,
‘Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi!
‘Người yêu ta xấu với người,
‘Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau!
Kiều nói rằng chấp nhận cái đám cưới này, dù chỉ là đám cưới hình thức, Kiều cũng cảm thấy xấu hổ lắm rồi. Còn nếu phải làm chuyện đó thì thà Kiều chết đi mà còn đẹp hơn. Lý do của Kiều là hai người không còn xứng đôi nữa. Nếu Kiều chấp nhận làm việc đó với Kim Trọng tức là Kiều không đối xử đẹp với Kim Trọng. Cái tình của hai người sẽ mất đẹp đi và chỉ còn lại sự bẽ bàng, thù nghịch. Một lý do khác là Kiều đã tu, đã nếm được mùi tịnh lạc và thấy hạnh phúc chân thật là như thế nào rồi thì không thể trở về chuyện đó được. Cũng như ăn chay đã từ lâu ngày mà cho mình một tô canh cá hay canh cua thì ăn làm sao được nữa!
‘Cửa nhà dầu tính về sau,
‘Thì con em nó lọ cầu chị đây.
– ‘Nếu cần phải có con nối dõi thì đã có Thúy Vân rồi, đâu có cần phải em.’
‘Chữ trinh còn một chút này,
‘Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan!
‘Còn nhiều ân ái chan chan,
‘Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi?’
– ‘Cái đẹp duy nhất còn lại của em là tấm lòng và cuộc sống tu hành. Xin anh hãy giữ gìn cho em.’
Trong lòng Kim Trọng phát sinh một niềm kính ngưỡng chưa bao giờ có đối với Kiều. Kim Trọng nói:
Chàng rằng: ‘Gắn bó một lời,
‘Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau
‘Xót người lưu lạc bấy lâu,
‘Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều.
‘Thương nhau sinh tử đã liều,
‘Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
– Chúng ta đã thề thốt với nhau và đã phải xa nhau! Vì thương mà liều sống chết để tìm nhau. Gặp nhau là cũng chỉ mong được thấy nhau bình yên thôi!’
‘Chừng xuân tỏ liễu còn xanh,
‘Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân.
‘Gương trong chẳng chút bụi trần,
‘Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm!
– ‘Anh tưởng em còn trẻ thì em cũng như những người con gái khác. Nhưng anh nhận ra rằng tâm hồn em rất trong sáng, không vướng một hạt bụi nào cả. Càng nghe em nói anh càng kính phục em thêm!’
‘Bấy lâu đáy bể mò kim
‘Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
– ‘Lâu nay anh đi tìm em là vì lời thề vàng đá chứ đâu phải là để tìm chuyện chăn gối!’ Nói rất hay! Có lẽ cũng có sự thật trong lời nói của Kim, nhưng chỉ được mấy chục phần trăm thôi. Trước đó anh ta đã ép nhưng đã bị Kiều cự tuyệt. Bây giờ phần hoa nổi lên, phần rác đi xuống.
‘Ai ngờ lại hợp một nhà,
‘Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!’
– ‘Đâu cần phải chăn gối với nhau mới là vợ chồng chân thật!’ Anh chàng nói triết lý! Anh chàng chấp nhận điều đó. Nếu Kim Trọng là một người vũ phu thì chàng đâu đã nghe được những điều Thúy Kiều nói. Ép thì hư hết! Kim Trọng là người có khả năng nghe và chấp nhận, chuyển hóa. Chúng ta cũng thấy trong Thúy Kiều có khả năng của đức Quán Thế Âm đã đi vào cuộc đời để dìu dắt người ta đi về hướng giải thoát.
Nghe lời sửa áo cài trâm,
Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng:
‘Thân tàn gạn đục khơi trong,
‘Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
– ‘Chàng là người rất đặc biệt, không phải tầm thường!’ Thật ra quân tử ban đầu không khác lòng người ta lắm, cũng đòi hỏi như người ta vậy. Nhưng nhờ có giáo dục chàng mới được như vậy. Cái lạy này làm cho Kim Trọng kẹt cứng. Cái lạy nặng nghìn cân!
Gạn đục khơi trong có nghĩa là tu tỉnh và chuyển hóa lại. Những gì xấu mình làm cho tốt, những gì đục mình làm cho trong, những gì héo mình làm cho tươi. Đó là công phu tu học. Gạn đục khơi trong là như vậy. Trong chúng ta luôn luôn có rác và hoa. Chúng ta tu học để chuyển rác thành hoa. Gạn đục khơi trong là do công phu tu hành mà có. Thúy Kiều nói: Thân tàn gạn đục khơi trong, Là nhờ quân tử khác lòng người ta.’ Thật ra không phải nhờ Kim Trọng mà nhờ bản thân Thúy Kiều đã tu học, đã chuyển hóa. Bây giờ Thúy Kiều hồi tưởng công đức cho Kim Trọng, nhưng Kim Trọng chỉ là một trong những điều kiện để giúp Kiều có thể tiếp tục được con đường tu học đó thôi. Ở đây, Kiều sử dụng ái ngữ: ‘Sở dĩ em được như vậy là nhờ anh.’ Đây là một phương tiện quyền xảo của người tu. Anh chàng chỉ mới hứa thôi. Nói như vậy để anh ta giữ vững lời hứa của mình. Không quên ‘Thận chung như thận thủy’, sau cũng giữ được như trước. Cố nhiên, ‘khác lòng người ta’ tức là Kim Trọng hiểu được chí hướng của Kiều và tôn trọng chí hướng đó. Đây là một điều đáng khen về phía Kim Trọng. Nhưng yếu tố căn bản để làm cho ‘gạn đục khơi trong’ là cái thấy, là sự tu học của Thúy Kiều. Cái hiểu và lời hứa của Kim Trọng là một trong những điều kiện yểm trợ cho sự hành trì đó thôi.
‘Mấy lời tâm phúc ruột rà,
‘Tương tri dường ấy mới là tương tri!
– ‘Những lời anh vừa nói là thật từ trong tâm, trong ruột đi ra. Không phải là lời nói ngoại giao. Hiểu nhau như vậy mới thật là hiểu nhau. Anh đã hiểu được em rồi thì anh là người đích thật thương em.’ Sư chị không biết bây giờ ở đâu nhưng nếu thấy được sư em hành xử như vậy chắc chắn sư chị mừng lắm! Công phu dạy dỗ của sư chị rất thành công.
Khi hai người bạn hiểu nhau thì gọi là bạn tương tri. Trong đạo Bụt chúng ta đã học rằng có hiểu thì mới thương được. Chưa hiểu nhau thì chưa thương nhau. Chưa hiểu nhau sâu sắc thì chưa thương nhau sâu sắc. ‘Tương tri dường ấy mới là tương tri.’ Câu nói của Kiều rất phù hợp với chánh pháp. Kiều nói sự thật, không phải nói dối. Ngôn ngữ của Kiều làm cho mạnh hơn ý chí của người con trai. Kiều biết rằng người con trai đó thông mịnh nhưng có thể yếu đuối. Kim Trọng đã có nghe Kiều nói rằng làm lễ chẳng qua là để cho đẹp về hình thức thôi chứ. Kiều không muốn sống đời vợ chồng dung thường. Mọi người, trong đó có Kim Trọng, nghĩ rằng những cô gái sắp về nhà chồng là ưa nói như vậy, kỳ thực đến lúc đó là mình tiến tới một bước thì các cô sẽ chấp thuận. Trong trường hợp này sự tình đã không xảy ra như vậy. Vì đứng về phương diện tâm linh và kinh nghiệm sống mà xét thì Thúy Kiều đã đứng vào vị trí một người thầy về mặt tu học và tâm linh. Kim Trọng tìm ra sự thật rằng người con gái này không còn là người con gái mình yêu ngày xưa nữa. Người con gái ngày xưa cũng đã giữ giới: ‘Anh đừng làm như vậy. Làm như vậy sẽ hỏng hết!’ Bây giờ chuyện lập lại lần thứ hai, Thúy Kiều lại gạt ra một lần nữa. Nhưng kỳ này không phải là Thúy Kiều giữ giới. Thúy Kiều không cần giữ giới nữa. Thúy Kiều đã có kinh nghiệm trực tiếp về sự sống, về giá trị của vật dục, dục lạc. Vì vậy Kiều đã tới trình độ không cần giữ giới nữa mà giới vẫn được giữ như thường. Thúy Kiều đã ớn chuyện đó tới xương tới tủy cho nên không cần giữ giới mà giới vẫn được giữ. Khác nhau ở chỗ đó. Ngày xưa chàng sinh viên tiến tới thì cô Kiều giữ giới. Bây giờ cũng chàng sinh viên đó, già hơn và làm quan rồi, đứng về phương diện hình thức thì đã là chồng của Kiều rồi, chàng sinh viên tiến tới thì Thúy Kiều không cần giữ giới mà chàng sinh viên đó cũng không phạm giới. Giữ giới là khi nào mình còn yếu. Khi mình giải thoát rồi thì không cần giữ Giới mà Giới vẫn được giữ. Vua Trần Thái Tông ngày xưa, trong sách Khóa Hư, cũng có viết như vậy. Nói rằng khi mới tu học thì chúng ta cần phải niệm Bụt, tụng Kinh và giữ Giới nhưng khi chúng ta đã giải thoát rồi thì: ‘đâu còn Bụt để mà niệm, Kinh nào để mà tụng, Giới nào để mà trì!. Ở đây chúng ta phải hiểu như vậy. Ngày xưa Kiều đã giữ giới như một cô thiếu nữ. Bây giờ Kiều đã vượt ra khỏi, đã giải thoát rồi, Kiều không giữ Giới mà Giới vẫn được tôn trọng. Kiều trở thành người dạy cho Kim Trọng. Người đàn bà Đông phương rất hay, họ dạy mà không có vẻ là dạy. Vẫn có vẻ như tuân phục người đàn ông nhưng kỳ thực trong đó họ hướng dẫn người đàn ông đi theo.
‘Thân tàn gạn đục khơi trong,
‘Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
‘Mấy lời tâm phúc ruột rà,
‘Tương tri dường ấy mới là tương tri!’
Rất khéo. Càng nói thì càng buộc người con trai vào lời hứa. Chúng ta thấy Kiều rất giỏi về tâm lý.
‘Chở che đùm bọc thiếu gì,
‘Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay!’
– ‘Từ đây trở về sau anh sẽ là người hộ pháp, che chở, đùm bọc em.’ Chở che đùm bọc là một lời khen lớn chứ không phải là thường. Trong văn chương người ta nói ơn ‘trời che đất chở’ (thiên phú địa tải.) Trái đất chở mình và bầu trời che mình. Coi người kia như trời đất, cho người kia trở thành rất quan trọng. Người kia khi đã lãnh một sứ mạng như vậy thì không còn có thể đi lui được nữa. Ơn che chở, lượng đùm bọc. Đùm bọc là nói về lượng. Biển có thể bao hàm được nhiều và mùa xuân có thể nuôi được nhiều. ‘Xuân dục hải hàm chi lượng’ tức là lượng như lượng của biển cả và của mùa xuân. Trong bản tiếng Nôm, cụ Nguyễn Du nói: ‘Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng.’ Trên hình thức như thế thì như lạy tạ một ngưòi, người đó là người hiểu thương mình, nhưng kỳ thực là lạy tạ cả Trời, Đất, mùa Xuân và Biển cả. Muốn rằng người kia đại diện cho Trời, Đất, mùa Xuân và Biển cả che chở và đùm bọc cho mình. Chúng ta thấy trí tuệ cũng như sự khôn khéo của Kiều rất lớn. Và chúng ta biết Kiều đã lớn lên, trưởng thành và chín chắn trong con đường tu học. ‘Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay!’ Đêm nay là cái đêm mà chàng phát nguyện tu học và tôn trọng nếp sống tâm linh của nàng.
Trong nguyên lục, sau khi Kiều đã nói cho Kim Trọng nghe ý chí của mình thì Kim Trọng giật mình nói: ‘Tình của em là một thứ tình rất trinh liệt. Vậy anh đâu còn dám mơ tưởng đến thứ tình tầm thường như trước nữa.’ Cũng trong nguyên lục, Kiều làm mười bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (năm chữ bốn câu) để hướng dẫn cho Kim Trọng thấy được chí hướng của mình và tỏ ý khuyên Kim Trọng cũng nên bắt đầu tu học. Thúy Kiều dạy Kim Trọng rất tế nhị. Kiều khuyên Kim Trọng đem hết thông mình tài trí và đức hạnh ra để làm quan. Kiều chia sẻ cái hay nhất của mình trong đời sống tu hành và khuyên Kim Trọng cũng nên thực tập để vượt thoát những vướng víu, buồn lo, khao khát trong lòng. Đây là bài thơ thứ mười của Kiều, chép trong nguyên lục:
Kim nhật trùng kiến lang
Bất phục tri hữu tử
Nguyện quân tảo định tình
Thận chung như thận thủy.
Tôi dịch:
Hôm nay gặp lại chàng
Tử sinh em đã vượt
Xin chàng sớm định tâm
Giữ gìn sau như trước.
Đưa ra mười bài thơ, Kiều nói thêm: ‘Mười bài thơ nói lên cái tình của em.’ ‘Thử thiếp tình giả: đây là tình của em; một thứ tình rất trong sạch, nhẹ nhàng, giải thoát. ‘Nguyện di quân tình dĩ tựu ngã’: xin anh dời tình của anh tới để gặp tình của em. Tình em là tình đã vượt, đã tới. Tình anh đang còn vướng mắc. Anh hãy định tâm lại, hãy chuyển, dời tình anh tới để gặp em. Vì em không thể nào lui được. Một con gà con sau khi đã san ra không thể nào lại chui vào trong vỏ trứng được nữa. Đó là ý của Kiều. Đọc nguyên lục có cái lợi là ta có thể thấy được những chi tiết không có trong tác phẩm của cụ Nguyễn Du.
Đây là một người đàn bà đã khổ đau, đã tu học, đã đạt tới giác ngộ và có khả năng giúp người đàn ông. Kim Trọng là người rất thông minh, giật mình thấy được rằng người đang ngồi với mình tối hôm nay là một con người hoàn toàn khác, không phải là người con gái năm xưa nữa. Mười lăm năm đã biến nàng thành một người chín chắn, một người mà mình không thể coi thường được. Một người có thể dạy mình và soi sáng cho mình.
CUỐN DÂY TỪ ĐẤY VỀ SAU CŨNG CHỪA
Thoát thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết càng say vì tình.
Thêm nến giá nối hương bình,
Cùng nhau lại chúc chén quỳnh giao hoan.
Hai bên lại uống rượu. Chúng ta biết Trạc Tuyền đã giữ giới rồi, chắc chỉ uống trà thôi chứ đâu có uống rượu được. Nếu uống say thì làm sao dạy được người ta!
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
Đây là Kim Trọng, nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, muốn Kiều đàn cho mình nghe một lần nữa. ‘Tình xưa lai láng khôn hàn’ là tâm trạng của Kim Trọng. Tình ngày xưa còn lai láng. Anh chàng đã hứa rồi nhưng chưa hứa đủ, phải thực tập nữa. Kiều biết rất rõ điều đó cho nên cô mới buộc anh phải tu để có thể giữ được trọn lời hứa. Tình xưa lai láng nghĩa là quá khứ vẫn còn mạnh. Khôn hàn là không thể nào ngăn chặn lại được.
Nàng rằng: ‘Vì mấy đường tơ,
‘Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
– ‘Anh biết không, chính vì bản đàn đó mà em đã khổ suốt đời!’ Thi ca, âm nhạc, hội họa… có thể ảnh hưởng trên đời mình rất nhiều. Nếu không cẩn thận, không chánh niệm khi thưởng thức những bản nhạc, bài thơ… mình sẽ đi sâu vào sầu khổ. Lầm người là đẩy con người đi tới chỗ lầm lạc. Lầm ở đây là wrong view, cái thấy sai lầm về cuộc đời. Câu nói của Kiều có nghĩa là mình phải cẩn trọng trong khi tiêu thụ những sản phẩm của âm nhạc hay văn học, vô tuyến truyền hình, âm nhạc… đóng một vai trò rất lớn trong cuộc đời mình. Nếu tiêu thụ những sản phẩm đó mà không có chánh niệm thì mình sẽ khổ suốt đời. Điều này rất rõ trong thế giới của chúng ta. Nếu chúng ta cho trẻ em tha hồ tiêu thụ những sản phẩm văn hóa như vô tuyến truyền hình, âm nhạc, trò chơi điện tử thì các em sẽ khổ suốt đời vì các sản phẩm ấy có thể có rất nhiều độc tố. Bản đàn Thúy Kiều sáng tác hồi nhỏ là kết quả của những hạt giống sầu khổ, đen tối, chán đời. Có thể những hạt giống đó đã được trao truyền lại, Thúy Kiều đã không biết để chuyển hóa mà vẫn để nền âm nhạc đau thương đó trấn ngự đời mình và dẫn mình đi về những nẻo đường không sáng sủa.
Nàng rằng: ‘Vì mấy đường tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!’
Những bài mình hát hàng ngày vận vào mình và đưa mình đi theo ngả của nó. Ở Sài Gòn, vào khoảng năm 1950, bọn con nít hát nghêu ngao ngoài đường ‘Ôi ta buồn ta đi lang thang, bởi vì đâu?’ Con nít mới có sáu bảy tuổi mà hát những câu như vậy thì đời của chúng đi về đâu? Chúng ta thấy ngay ở trong giới Phật tử cũng có những bài hát rất sầu đau: ‘Ngài ra đi, từ ly, vợ hiền con yêu dấu…’ Nhạc rất sầu đau, không có gì phản ảnh tính cách giải thoát của đạo Bụt hết. Những bài thơ cũng vậy. Chúng ta thấy rất nhiều bài thơ và nhiều bài nhạc được sáng tác gần đây cho thiếu nhi mang nặng rất nhiều tính chất khổ đau. Và như vậy, không có Phật chất. Chúng ta có những bài hát như: ‘Boong Boong, Tôi là chuông đại hồng…’ hát lên thấy sảng khoái, mạnh mẽ. Còn những bài như Trái Tim Bồ Tát, tuy rằng để ca ngợi đức Hòa thượng Quảng Đức nhưng giọng rất sầu khổ; hát lên thì tát cả sẽ giống như những cây liễu rũ. Chúng ta thử nghe một vài bài rồi mới biết những bài hát đó tưới những hạt giống sầu đau trong chúng ta.
‘Ăn năn thì sự đã rồi!
Nể lòng người cũ vâng lời một phen.’
– ‘Nhưng nể anh là một người bạn thân thiết nhất đời nên em sẽ vâng lời đàn một lần nữa.’ Nhưng Kiều đã biết trước rằng lần này mình đàn thì bản đàn sẽ khác vì tâm linh đã giải thoát rồi. Khi tâm mình đã giải thoát rồi thì chạm đến cái gì là cái đó chuyển hóa. Kiều ó một đức tin rất lớn ở nơi mình.
Bản nhạc Kiều sáng tác có tên là Bạc mệnh (số phận mỏng manh.) Mới có mười sáu, mười bảy tuổi mà đã làm ra một bản nhạc tên là ‘số phận mỏng manh’! Chúng ta thấy lối giáo dục đó, lối thưởng thức văn nghệ đó, không lành mạnh. Cho nên khi thấy có một người học trò làm ra một bản nhạc buồn thì tôi nói liền: ‘Bài này buồn con ơi! Nên làm một bài khác vui hơn.’ Chê là chỉ chê cái đó thôi chứ không chê kỹ thuật. Ở bên Mỹ có một thầy ngâm thơ rất hay nhưng có nhiều lúc thầy ngâm những bài thơ buồn quá, thầy khóc nức nở trong khi ngâm. Tôi nói: ‘Không được! Mình là người tu, mình không có quyền như vậy!’ Không được đầu độc mình và đầu độc những người xung quanh. Những bài thơ mình ngâm phải là những bài hùng tráng, có tính cách giải thoát. Khi mình đã làm cây lệ liễu rồi thì mình sẽ làm cho người xung quanh mình khóc hết. Lúc đó mình đang ‘phản tuyền truyền’ giáo lý của mình, giáo lý của giải thoát.
Trong truyện Kiều có một số đoạn thi sĩ Nguyễn Du tả Kiều đàn. Lần đầu tiên là đàn cho Kim Trọng nghe khi hai người mới gặp nhau. Kim Trọng yêu cầu: ‘Nghe đồn em đàn rất hay. Em đàn cho anh nghe đi! Thúy Kiều đem bản nhạc hay nhất của mình, Bạc mệnh ra đàn:
So vần dây vũ dây văn,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương.
Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn như tỏ như mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Anh chàng ngồi không yên được vì bản đàn đau buồn quá đi! ‘Khi tựa gối khi cúi đầu, Khi vò chín khúc (tức là đau ruột) khi chau đôi mày.’ Buồn quá!
Rằng: ‘Hay thì thật là hay,
‘Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
‘Lựa chi những bậc tiêu tao,
‘Dột lòng mình cũng nao nao lòng người?’
Kim Trọng trách Thúy Kiều tại sao lại đàn một bài buồn quá như vậy. Thúy Kiều đáp”
Rằng: ‘Quen mất nết đi rồi,
‘Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!
Trời trao cho mình chất đó thì mình chịu thôi!’ Mà Trời nào? Đó là hạt giống của ông bà cha mẹ trao lại hoặc do từ giáo dục và thói quen mang tới.
Một lần khác, Kiều bị bắt buộc phải đánh đàn cho Thúc Sinh nghe; người buộc Kiều là vợ cả của Thúc Sinh, Hoạn Thư:
Tiểu thư cười nói tỉnh say,
Chưa xong cuộc rượu đã bày trò chơi.
Rằng; ‘Hoa nô đủ mọi tài,
‘Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe!’
Kiều phải đàn với tư cách của một người đầy tớ chứ không phải với tư cách của người yêu như cũ:
Nàng đà tán hoán tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn:
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.
Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương.
Thúc sinh ngồi trên bàn tiệc khóc nức, không thể dừng lại được. Tiếng đàn Kiều ai oán quá! Hoạn Thư rầy: ‘Mầy đàn cái bài gì mà dữ dội quá vậy, ác ôn quá vậy! Mày làm cho chàng khóc! Đó là tội của mày! ‘Nhưng Thúy Kiều đâu thể đàn một bài vui được! Chất nghệ thuật của nàng là chất sầu cảm.
Một lúc khác Kiều phải đàn cho một cuộc liên hoa, tổ chức bởi quan lớn Hồ Tôn Hiến để ăn mừng thắng trận. Hồ Tôn Hiến vừa lừa và giết được Từ Hải, chồng của Kiều.
Trong quân mở tiệc hạ công,
Xôn xao tơ trúc hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu.
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Cũng bài đó. Một cung đàn mà làm cho gió phải tủi, mưa phải sầu. Tiếng đàn lâm ly ai oán như có máu chày trên ngón tay người đàn. Con ve mùa hè than khóc cũng không buồn như vậy. Con vượn trong rừng sâu kêu thương khi con chết cũng không đau khổ đến thế. Ai ngồi trong tiệc cũng phải khóc, kể cả người anh hùng chiến thắng là Hồ Tôn Hiến. Tâm trạng của Kiều luc sđó là tâm trạng đua khổ cùng cực.
Hỏi rằng: ‘Này khúc ở đâu?
‘Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!’
Thưa rằng: ‘Bạc mệnh khúc này,
‘Phổ vào tay ấy những ngày còn thơ.
‘Cung cầm lựa những ngày xưa,
‘Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!’
– ‘Ngày xưa đã chọn loại âm nhạc đó. Bây giờ kết quả là đây. Quan lớn nhìn vào thì thấy!’ Nhưng đau khổ chỉ cho Thúy Kiều biết là mình đã đi lầm đường trong sự thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật. Vì vậy bây giờ Thúy Kiều nói một cách rất rõ ràng với Kim Trọng:
Nàng rằng: ‘Vì mấy đường tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
‘Ăn năn thì sự đã rồi!
‘Nể lòng người cũng vâng lời một phen.’
Và bây giờ cụ Nguyễn Du tả Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm gặp lại. Lần này, tiếng đàn của Thúy Kiều không còn như ngày xưa vì tâm Kiều đã giải thoát:
Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh?229
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên.230
Trong sao châu nhỏ duyền quyên,231
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông.232
Khúc nhạc nghe đầm ấm, khoan hòa như ánh dương. Nhàn nhã, xuất thế như Trang Sinh hóa bướm.Trong như hạt ngọc trai phản chiếu ánh trăng soi trên vùng bể. Ấm như một hạt ngọc ở Lam Điền vừa mới đông lại. Đây là những hình ảnh tả sự ấm áp, trong trẻo, tươi xuân của bản đàn. Không có chất liệu đau khổ ngày xưa nữa vì tâm của người đánh đàn đã được chuyển hóa.
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.
Kim Trọng nghe bản nhạc rất ngạc nhiên:
Chàng rằng: ‘Phổ ấy tay nào,
‘Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
‘Tẻ vui hỏi tại lòng này,
‘Hay là khổ tận tới ngày cam lai?’
Vui khổ là tại nhận thức của mình hay là vì mình hết cái đắng (khổ) thì tự nhiên cái ngọt (cam), cái vui đến? Đó là câu nói triết lý của chàng Kim Trọng. Anh chàng bắt đầu thấm giáo lý Duy Tâm. Buồn hay vui đều là do tâm.
Câu trả lời của Thúy Kiều càng làm rõ hơn điều Kiều đã tuyên bố trước đó về vấn đề thưởng thức văn nghệ.
Nàng rằng: ‘Vì chút nghề chơi,
‘Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
‘Một phen tri kỷ cùng nhau,
‘Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.’
Vì ham chơi nhạc sầu khổ mà tiếng nhạc đoạn trường (đứt ruột) đã hại mình biết bao nhiêu năm tháng. Cứ ngồi mà ủ rũ hát những bài Nam Ai, Nam Bình, Tiếng Xưa, Đêm tàn bến Ngự… và sáu câu vọng cổ thì dân tộc có thể vươn lên được hay không? Tuy rằng trong đó có chút ít quốc hồn quốc túy thật nhưng đó chỉ là những đau thương của dân tộc được ghi chép lại. Nếu chúng ta cứ tiếp tục hát mỗi ngày những bài hát sầu đau thúi ruột như vậy thì chắc có lẽ ai cũng thành Thúy Kiều hết!
Bây giờ chúng ta dã hiểu nhau, đã thấy được sự thật rồi thì xin vĩnh biệt cái loại âm nhạc đứt ruột từ đây. Vì nếu chúng ta cứ tiếp tục thì con cháu chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. ‘Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa.’ Đây là quyết đinh của Thúy Kiều. Thúy Kiều đã cảm thấy được sự thật của giới thứ năm và muốn con cháu mình sau này sẽ không vướng vào đó nữa.
Chuyện trò chưa chạn tóc tơ,
Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông.
Tình riêng chàng lại nói sòng,
Một nhà ai cũng lạ lùng khen lao.
Trong nguyên lục, Kim Trọng chỉ nói cho Thúy Vân nghe thôi nhưng Thúy Vân đem ra nói huỵch toẹt với gia đình.
Cho hay thục nữ chí cao,
Phải người sớm mận tối đào như ai?
Hai tình vẹn vẽ hòa hai,
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.
Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
Chú thích:
193 Có bản đề: Vội han di trú nơi nào.
194 Trường Hận Ca có câu: ‘Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ’ = mối sầu hận này dằng dặc không bao giờ nguôi.
195 Thần: buổi sáng (thần chung là tiếng chuông sớm); hôn: buổi chiều.
196 Dưỡng thân: nuôi cha mẹ.
197 Chế khoa: khoa thi đặc biệt được mở do ý riêng nhà vua, khác với khoa thi thường lệ, đây là thi Hội. Khi đậu tú tài (khoa hương, thi ở địa phương) thì mới thi Hội ở Kinh đô. Đậu ở kinh đô thì mới được chọn lợa làm quan, lo công việc của nhà nước.
198 Cửa trời: cửa của nhà vua. Đường mây: đường lập công danh.
199 Ngõ hạnh: tức ngõ Hạnh viên, tên một khu vườn xưa là nơi các tân khoa tiến sĩ chơi và dự yến. Chỉ cảnh thi đỗ được ăn yến xem hoa. Dặm phần: chỉ quê hương. Hương: tiếng thơm.
200 Chu tuyền: lo lắng cho mình trọn vẹn (trong cơn nguy biến.)
201 Kim mã ngọc đường: Sách Ấu học tâm nguyên có câu ‘Kim mã ngọc đường tiện hàn lâm chi thanh giá’ nghĩa là “Kim mã ngọc đường là nói về thèm khát cái danh giá của các vị hàn lâm (những người học giỏi được triều đình thu nhận. Đây là nói Kim Trọng được vinh hiển mà Thúy Kiều ở đâu không được chung hưởng cảnh phú quý với chàng.
202 Giai âm: tin tốt lành, tin mừng.
203 Vân mồng: chỉ tin tức, manh mối. Chữ vân mồng có lẽ là từ chữ văn vọng (văn: nghe, vọng: đưa tới.)
204 Tiêu hao: tin tức.
205 Kiếp trần: số kiếp một hạt bụi.
206 Bình bồng: bèo trôi trên nước, cỏ bồng ngả xuôi theo gió; chỉ thân phận phiêu bạt của Thúy Kiều.
207 Đỉnh chung: cái vạc và cái chuông bằng đồng, chỉ công danh phú quý. Đời xưa người ta dùng hai vật ấy mà ghi công để biểu dương, cho nên đỉnh chung có nghĩa là công danh do đó có nghĩa luôn là phú quý. (Cửu đỉnh vạn chung: một bữa ăn nấu chín vạc, mỗi kỳ lương lãnh mười ngàn đấu thóc.) Lại do chữ Hán: ‘Liệt đỉnh nhi thực, thực thì kích chung’ = ăn thì bày vạc, khi ăn thì thỉnh chuông. Chỉ nhà phú quý.
208 Năm mây chiếu trời: tờ chiếu của vua có vẽ mây năm sắc.
209 Thu linh: thu khí thiêng, tức là chết.
210 Chiêu hồn: gọi hồn. Thiết vị: đặt bài vị đề tên người chết.
211 Canh hồng: hình ảnh Thúy Kiều như cánh chim hồng khi Kiều gieo mình tự tử. Phú Tào Thực: Phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long = nhẹ nhàng bay vút như chim hồng khi kinh hãi, uyển chuyển mềm mại như con rộng khi lượn chơi (tả hình dáng nhẹ nhàng uyển chuyển của thần nữ sông Lạc). Theo Tề đông dã ngữ: Thương tâm kiều hạ xuân ba lục, tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai = đau lòng khi thấy lớp sóng biếc dưới chân cầu nơi đã từng có bóng con chim hồng kinh hãi rọi xuống.
212 Tinh vệ: giống chim nhỏ ở bãi biển. Theo Thuật Dị Ký, ngày xưa con gái Viêm Đế chết đuối ở biển Đông, hóa ra chim tinh vệ, mỗi ngày ngậm đá thả xuống lấp biển (tại vì biển này mà phải chết đuối.) Đây là nói oan hồn của Thúy Kiều.
213 Minh dương: cõi âm (minh: tối tăm) và cõi dương
214 Cửu-nguyên: chín suối (cửu tuyền), nơi người chết ở.
216 Chỉ thính chúng Tây phương.
217 Sông nước cát lầm: nước sông cát làm vẫn đục (lầm: vẫn đục.) Ý cả câu: cứ tưởng Kiều đã bỏ mình dưới sông (Tiền Đường.)
218 Binh địa ba đào: đất bằng nổi sóng, ý nói những bất trắc xảy ra trong đời người ta.
219 Phận cái duyên kim: ý nói duyên phận kết hợp với nhau như hột cải bị hổ phách hút, cái kim bị từ thạch (nam châm) hút. Chữ Hán có câu ‘Hổ phách thập giới’ nghĩa là hổ phách hút hột cải và ‘từ thạch dẫn chậm’ nghĩa là đá tử thạch hút kim.
220 Máu chảy ruột mềm: bên này khổ thì bên kia khổ, bên này hạnh phúc thì bên kia hạnh phúc.
221 Gương vỡ lại lành: nói việc nối lại được tình xưa nghĩa cũ, tình vợ chồng đã tan nay hợp.
222 Khuông thiêng: ông trời. Lừa lọc: sắp đặt. Đã đành có nơi: còn để cho mình cơ hội.
223 Quả mai ba bảy đưong vừa: ý nói Thúy Kiều đã luống tuổi nhưng lấy chồng vẫn chưa muộn. Bài thơ Phiếu Mai (Mai rụng) trong Kinh Thi (sách chép những câu ca dao của Trung Quốc) có câu: ‘Phiếu hữu mai kỳ thực thất hề! Cầu ngã thứ sĩ, Đãi kỳ câm hề!’ = (Mùa xuân sắp qua) Quả mai rụng, mười phần còn bảy thôi! (Kể đã muộn rồi) vậy những trai lành ai muốn lấy ta, liệu chọn ngày tốt mà làm lễ cưới đi thôi. (Mùa xuân sắp qua) Quả mai rụng, mười phần còn có ba thôi (Kể đã muộn rồi) vậy những trai lành ai muốn lấy ta, nên kíp ngay lúc này mà xin làm lễ cưới đi thôi. Quả mai ba bảy đương vừa ý nói mai rụng nhưng vẫn còn mai, vẫn còn thì giờ để làm đám cưới. Đào non: tức là yêu đào, gốc ở câu Kinh Thi ‘đào chi yêu yêu’ là cây đào đương non, dùng để ví người con gái mới đến tuổi lấy chồng.
224 Trần cấu: bụi bặm. Bố kinh: đạo của người vợ hiền; do chữ bố quần kinh thoa (quần vải thoa cỏ.)
225 Cầm sắt: Tình vợ chồng; Cầm cờ: tình bạn.
220 Chàng Tiêu: Tiêu lang. Thơ của Thôi Giao đời Đường có câu ‘Hầu môn nhất nhập thâm như hái, Tòng thử Tiêu lang thị lộ nhân’ – Cửa hầu vào đấy sâu như biển, Từ đó chàng Tiêu khách qua đường. Lấy điển vợ Tiêu Lang tên là Lục Châu bị bắt dâng cho Quách Tử Nghi, từ đó Tiêu Lang thấy vợ không dám nhận, cứ phải dửng dưng như khách qua đường.

227 Đốt đuốc hoa, treo màn hồng làm lễ cưới.
228 Xướng tùy: phu xướng phụ tùy, chồng nói vợ đáp ứng theo, có nghĩa là chồng vợ.
229 Hồ điệp: con bươm bướm. Trang Sinh: tức Trang Chu (Trang Tử) người thời Chiến Quốc. Trang Tử: ‘Xưa kia Trang Chu chiêm bao thấy mình hóa bướm. Tự thấy thích chí chẳng biết đến Chu nào nửa! Thoát thức dậy, thì thù lù là Chu! Không biết Chu chiêm bao thành bướm hay bướm chiêm bao thành Chu?’
230 Thục đế: Vua nước Thục. Đỗ Quyên: chim cuốc, cũng gọi là tử quy hay đỗ vũ. Hoàn vũ ký: Vua nước Thục là Đỗ Vũ, hiệu Vọng Đế sau khi đã nhường ngôi cho người khác lên ở ẩn ở núi Tây Sơn, chết hóa thành chim đỗ quyên tiếng kêu ai oán.
231 Duyền quyên: vùng bể có trăng soi.
232 Lam Điền: tên hòn núi ở tỉnh Thiểm Tây, nơi sả n sinh nhiều ngọc qúy. Mấy câu tả khúc đàn ở đoạn này lấy ý trong bài Cầm Sắt của Lý Thường Ấn: Trang sinh hiểu rộng mê hồ điệp, Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên; thương hải ngụyệt minh châu hữu lệ. Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên = Trang sinh trong giấc chiêm bao buổi sáng mơ màng tưởng mình hóa bướm, vua Thục đế thác cái lòng thương tiếc thì xuân vào chim đỗ quyên; chỗ bể rộng bóng trăng soi hạt ngọc trai có nước mắt. Lam Điền buổi nắng ấm những hồn ngọc lên hơi.
Chương 5: Chánh niệm là nẻo thoát
MÂY TRẮNG THONG DONG
Bao nhiêu tuần lễ trôi qua. Chúng ta hãy tưởng tượng đi! Khi rời sư chị, căn cứ trên lời hứa của cha ‘lập am rồi sẽ rước thầy ở chung’. Thúy Kiều vẫn mong ước có ngày như thế. Về nhà trả được nghĩa và tình rồi thì có thể tiếp tục tu được.
Nhớ lời lập một am mây
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
‘Nhớ lời lập một am mây’ tức là nhớ lời hứa sẽ lập một cái chùa. Có bản quốc ngữ khi in ra có dấu phẩy (,) sau chữ ‘Nhớ lời’; theo tôi thì không đúng. Không lý làm chùa rồi mới cùng những người thân tín đi rước thầy Giác Duyên! Không phải như vậy. Làm chùa mà làm ở ngay thành phố thì sư Giác Duyên đâu chịu tới! Ý Kiều là muốn mời sư chị tới để hỏi: ‘Bây giờ chị em mình nên làm am chỗ nào để tu? Làm am đàng hoàng vì gia đình em bây giờ có thể cung dưỡng được. Làm một cái am mây trong đó có phòng tắm và lò sưởi đàng hoàng.
Theo tôi, ‘Nhớ lời lập một am mây’ là nhớ lời hứa ngày xưa sẽ lập một cái chùa và mời thầy tới ở chung. Cho nên: ‘Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên’. Tới thưa với ni sư xem ni sư muốn làm chùa ở chỗ nào.
Có lẽ nhiều tuần lễ đã đi qua từ cái ngày cả gia đình đến rước Kiều về. Sư chị Giác Duyên đã thấy được sự thật là gia đình này, sau mười lăm năm xa cách, cần sự có mặt của Thúy Kiều. Sư chị biết phải để cho Thúy Kiều đi, sư chị không tìm cách để giữ lại. Sư chị gật đầu, mỉm cười: ‘Em cứ đi đi. Chị tin tưởng rằng trong hoàn cảnh nào em cũng giữ được tâm Bồ đề và em cũng sẽ tiến tu được.’ Với nụ cười đó, Thúy Kiều đã đi về và đã làm được như mong ước của sư chị. Thời gian đó có thể xảy ra trong một, hai, hoặc ba tuần lễ là nhiều. Tôi nghĩ trong suốt thời gian đó không có ngày nào, giờ phút nào mà sư em không nhớ tới sư chị và mong ước rằng sau khi trả xong món nợ tình nghĩa, hướng dẫn được sự tu học cho gia đình và cho người tình cũ thì mình có thể trở về với sư chị. Một, hai, ba tuần lễ cho đến một tháng là nhiều. Không thể tưởng tượng rằng Thúy Kiều ở lâu hơn mà không đi thăm sư chị, vì tình hai người rất thắm thiết.
Nhớ lời lập một am mây,
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
Tôi nghĩ rằng những người kia, dù thân tín cách mấy đi nữa mà tới rước Giác Duyên thì cũng không đủ lễ. Trong chuyến đi này thế nào cũng phải có Trạc Tuyền. Làm sao chịu nổi cái chuyện gởi người ta đi mà mình không đi! Bởi vì ngày nào, đêm nào, bao giờ Trạc Tuyền cũng nghĩ tới người sư chị thương yêu của mình, người đã cứu mình, đã sinh mình ra lần thứ hai, không những bằng thân xác mà bằng cả đời sống tâm linh nữa. Đến nơi thì thấy gì?
Đến nơi đóng cửa cài then,
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.
Sư chị đã đi rồi. Sư chị tự do như một đám mây, như một con hạc trắng. Cái đẹp của sư chị là chỗ đó. Cái đẹp của người tu là cái tự do của người đó. Người tu là một người có không gian. Không gian ở trong lòng và không gian ở chung quanh. Nếu muốn đi thì đi, không có gì có thể giữ người tu được. Có một bài kệ chúng ta thường ngâm:
Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần.
Bài này tôi đã dịch tự do từ một bài thơ chữ Hán trong một khóa tu ở miền Nam Cali:
Bồ tát thanh lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung.
(Mặt trăng trong và mát của Bồ tát đi chơi ở cõi không tuyệt đối; nếu những bụi bặm cấu uế trong tâm chúng sanh hết rồi thì hình ảnh giác ngộ hiện ra trong tâm ấy.)
Ta có thể họa tượng đức Bồ tát Quan Thế âm ngồi trên một phiến đá, phía trên có mặt trăng và viết bốn câu thơ này lên chỗ lạc khoản. Bài dịch có thêm hình ảnh hồ tâm, và trăng hiện bóng. Trăng hiện chứ không phải ‘bồ đề hiện’. Trăng ở đây tức là Bồ đề’, chữ trăng được lấy lại, không mất, nên tứ thơ có tính nhất trí hơn trong nguyên bản chữ Hán. Cái đẹp và cái hạnh phúc của người tu được xây dựng bằng chất liệu gọi là không gian, tự do. Con người không có tự do là con người chưa có hạnh phúc lớn. Bài thơ cho chúng ta thấy sự thật đó. Càng nhiều tự do thì chúng ta càng có nhiều hạnh phúc. Ngày nghe thầy Thiện Minh tịch, tôi viết một bài thơ cho thầy, đó là bài Mây Trắng Thong Dong. Thầy Thiện Minh ngày xưa học ở Phật học viện chùa Báo Quốc tốt nghiệp cùng một lúc với lớp thầy Trí Quang. Thầy Thiện Minh là người rất thông minh, mau lẹ, tổ chức rất hay. Nếu cần một thầy ngồi chủ tọa để một đại hội để giải quyết những vấn đề khó khăn thì người làm chủ tọa giỏi nhất, đưa đại hội đi tới sự thành công mau nhất đó là thầy Thiện Minh. Rất mau nhạy, rất thông minh. Trong cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam cho nhân quyền dưới quyền ông Ngô Đình Diệm, thầy Thiện Minh đã được cử làm Trưởng phái đoàn Liên Tông, gồm đại diện của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và các tổ chức Phật giáo khác, đứng ra thương thuyết với phái đoàn Liên Bộ của chính phủ. Bên phía chính phủ phái đoàn Liên Bộ (bộ Nội Vụ, bộ Xã Hội, v.v…) có Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm trưởng đoàn. Chúng ta biết thầy Thiện Minh mà hướng dẫn một phái đoàn như vậy là hay nhất. Trong khi họp, phái đoàn Phật giáo đã thành công. Bên chính phủ phải ký vào một thông cáo chung, công nhận quyền tự do của Phật giáo. Khi thông cáo chung được công bố, mọi người thấy đây là một thắng lợi lớn của Phật giáo. Nhưng chính quyền không có thiện chí. Họ ký xong lại phản bội lại thông cáo chung ấy. Trong cuộc tranh đấu của phật giáo để chống lại chế độ độc tài, thầy Thiện Minh đã đóng một vai trò rất lớn. Khi chính phủ của xã hội chủ nghĩa lên, họ sợ thầy Thiện Minh nên đã bức tử thầy. Họ bắt thầy và ép thầy tự tử trong một nhà tù tại Sài Gòn. Thầy Thiện Minh phải xé áo làm dây để tự tử. Khi thầy tịch rồi, sợ quần chúng phản ứng mạnh nên họ chở thầy về Hàm Tân, một hai ngày sau mới báo tử. Thầy Trí Thủ và các thầy khác phải về Hàm Tân mới nhận xác được. Lúc đó tôi đang ở Phương Vân Am. Tôi nhớ buổi chiều hôm đó, nhận được tin bên nhà, thầy trò làm việc suốt đêm tìm những dữ kiện có được về thầy Thiện Minh, tổ chức họp báo, làm press release, báo cáo về cái chết của thầy Thiện Minh. Buổi sáng, khi làm xong công việc, tôi ngồi lại, tưởng niệm thầy Thiện Minh và viết bài Mây Trắng Thong Dong để cúng dường thầy. Mây trắng thong dong là một đám mây tự do. Thầy Thiện Minh bây giờ đã trở thành một đám mây trắng, thầy có sự thong dong rồi. Trong bài thơ, tôi dùng hai hình ảnh: đám mây và dòng suối; giống như hai người bạn. Mây và suối là hai cái khác nhau nhưng cùng một bản chất. Tôi nói ngày xưa tôi là dòng suối còn thầy Thiện Minh là đám mây. Một bên thì đi xuống để tìm ra biển Đông, một bên thì thong thả rong chơi trên trời. Cả hai đều hẹn nhau đi về biển Đông. Nhưng vì hoàn cảnh khổ đau, khó khăn cho nên đám mây đã biến thành mưa, rơi xuống:
MÂY TRẮNG THONG DONG
Nhớ thuở xưa - khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong
ta theo nguồn múa ca về đại dương mênh mông,
ngươi lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông
ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng.
Kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng
thì ngươi biến thành mưa, nhỏ xuống tàn đêm đông
mây đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối
người gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong.223
Lòng thảnh thơi đâu,
khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công.
ngươi đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông
trong khi bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực
xương dồn thành gò cao chừ,
trong khi máu đã chảy dài thành sông.
Hai bàn tay ngươi dập nát, thương ôi,
xích xiềng vẫn chưa tháo được
ta gọi sấm sét về bên ngươi,
quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng gan dạ hơn người, trong đêm ngươi hóa thành
Sư Vương rống lớn hàng vạn loài ma quái nghe ngươi,
đã cầm cập run lên trong đêm sương.
Hiên ngang không lùi bước chừ,
dù phía trước dày đặc hầm chông
ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ.
như nhìn vào khoảng không.
Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được?
ngươi gọi tên ta mà cười chừ,
không một lời rên xiết, dù tra tấn cùm gông.
Bây giờ thoát đi, xiềng xích không còn buộc nổi chân thân,
ngươi trở về kiếp xưa mây trắng,
thảnh thơi trên bầu mênh mông;
Đến, Đi tự ngươi – đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại,
cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru ngươi khúc hát bi hùng.
Hình ảnh đó cũng là hình ảnh của tự do. ‘Đỉnh cao nào thích thú thì người dừng lại’, chỗ nào không thích thì đi. Đó là hành tung của đám mây. Sư chị cũng vậy. Chỗ nào thích thì sư chị ở lại, chỗ nào muốn từ giã thì sư chị từ giã. Sư chị là một con người tự do. Sư chị không bị vướng mắc, đam mê. Sư chị quả thật là một người chân tu. Rất thương em nhưng không dính mắc. Nếu cần trả em về vơi gia đình thì sư chị trả. Sư chị luôn luôn muốn tự do của em, không cột em vào trong vòng vướng mắc. Chúng ta có danh từ Duyên Giác. Duyên Giác hoặc Bích Chi Phật là những bậc tu học nhờ quán chiếu về Mười hai nhân duyên mà chứng ngộ. Ở đây không phải là Duyên Giác mà là Giác Duyên (conditions enlightenment), những điều kiện chính để giúp Trạc Tuyền đạt tới giác ngộ và chuyển hóa. Mỗi người trong chúng ta phải là một điều kiện để giúp người thương của chúng ta đạt tới sự hiểu biết, giác ngộ và giải thoát. Mỗi chúng ta khi đi tu rồi, phải là một điều kiện để giúp cho những người thân của chúng ta được giác ngộ. Chúng ta phải giúp cha, mẹ, anh, chị, em, bạn bè của chúng ta được giác ngộ. Chúng ta phải thực hành ý nguyện của sư chị. Giác Duyên là một phần trong con người chúng ta. Chúng ta phải nuôi lớn con người Giác Duyên trong ta để sau này ta có thể giúp cha mẹ, tổ tiên, gia đình và xã hội. Giúp với tư cách những điều kiện đưa tới sự thực hiện hiểu biết, giác ngộ và thương yêu.
Trong nguyên lục, khi Kiều cùng với một số người đến tìm sư chị Giác Duyên tại chùa thì họ thấy cửa đóng, sư chị đã đi rồi, trước cửa lại có để lại một câu thơ chữ Nho:
Nhược vấn ngõ thân hà xứ khứ
Thường bạn chi hạc bán không vân.
‘Nếu hỏi thân tôi đã đi về hướng nào thì trả lời rằng bây giờ tôi đang bay theo con chim hạc ở giữa đám mây trên từng không.’ Có nghĩa là: Tôi là một con người tự do, muốn đi đâu thì đi; tôi không có địa chỉ nhất định. Vì câu đó trong nguyên lục nên cụ Nguyễn Du viết:
Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?
‘Hái thuốc phương xa’ là lấy ý từ bài thơ Tùng hạ vấn đồng tử của thi sĩ Giả Đảo đời Đường. Bài thơ rất hay:
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn: Sư thê diệp khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.
(Khách ngừng lại) dưới cây tùng và hỏi chú tiểu. Đáp: Thầy tôi đi hái thuốc, chỉ quanh quẩn trong núi này thôi, (nhưng vì) mây dày đặc quá (nên) không biết chỗ nào)
Chú tiểu này là một chú tiểu rất thương thầy. Không muốn những người khách tới làm quấy thầy cho nên dầu có biết thầy ngồi ở đâu chú cũng không nói. Cả mười năm nay tôi có cốt truyện này mà chưa viết được: Trong ngôi chùa có một ông thầy và một chú tiểu. Thầy làm trọn bổn phận của một ông thầy và chú tiểu cũng thương ông thầy lắm. Thỉnh thoảng thầy dắt chú tiểu lên khu rừng phía sau chùa. Một bữa vui miệng thầy nói chơi với chú tiểu: ‘Đây mới là chùa của thầy còn chùa dưới đó không phải. Dưới đó thầy phải làm nhiều việc, phải tiếp khách quá nhiều. Trên này có những cây thông cao vút, ngồi ở đây thầy rất sung sướng. Đây mới thật là chùa của thầy.’ Hai thầy trò chỉ nói chơi với nhau thôi. Có bữa nọ, chú tiểu đang làm việc thì có ông khách tới: ‘Thầy đâu chú?’ Chú đáp: ‘Trên chùa.’ Chú không chánh niệm lắm, chú đang nghĩ đến khu rừng ở trên đồi, ‘chùa thiệt’ của thầy. Ông khách hí hửng, đi vào chánh điện, ngó quanh ngó quất không thấy thầy đâu. Đi một vòng cũng không thấy. Ông ta hỏi: ‘Chú nói thầy chú ở trên chùa mà sao tui không thấy?’ Biết rằng hồi nãy mình không có chánh niệm, chú nói; ‘Chùa này là chùa của bác. Chùa của thầy ở trên cao kìa. Nhưng bác đừng lên đó! Chùa của bác là ở đây. Trên đó là chùa của thầy.’ Cốt truyện là như vậy. Tôi có ý viết truyện ngắn đó nhưng mười năm nay chưa viết được. Chú tiểu ở đây giỏi quá! Chú biết thầy ưa ngồi chỗ nào trên núi nhưng chú đã nói: ‘Thầy tôi hái thuốc, chỉ ở trên núi nầy thôi nhưng mây dày quá không biết chỗ nào.Có lên tìm cũng không thấy đâu, chi bằng đừng lên.’ Có nghĩa là: ‘Để cho thầy tôi yên.’ Đọc câu thơ của Nguyễn Du ‘Sư đà hái thuốc phương xa’ chúng ta hiểu là sư chị không muốn bị quấy rầy.
Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.
Đọc hai câu thơ này tuy thấy hay nhưng nếu chưa biết gốc rễ của chúng thì ta cũng chưa thấm lắm. Sư chị như một đám mây tự do, như một con hạc trắng. Muốn đi đâu thì đi. Thật ra sư chị đã dựng cái am này ở bờ sông Tiền Đường để làm gi? Làm am đó để sống với sư em thôi. Nếu sư em đi rồi thì giữ am làm gì nữa? Thà bỏ đi. Tìm về am cũ thấy ‘Rêu trùm kẽ ngạch cỏ len mái nhà’ thì cảm thấy thế nào? Buồn. Buồn vì không gặp được sư chị được nữa. Nhưng ta thấy sư chị đẹp vô cùng. Sư chị là một con người tự do, không dính mắc. Khi cần thì sư chị làm chùa để sống với sư em. Khi sư em không cần nữa thì sư chị bỏ, đi về với đời sống tự đo thanh thoát của mình. Như một con chim hạc, như một đám mây trắng. Những câu thơ này đẹp lắm:
Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà.
Sư đà hái thuốc phương xa
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu.
Sư chị đã trở thành huyền thoại. Rất đẹp. Tu, chúng ta chỉ muốn trở thành sư chị mà thôi.
Từ đó về sau ngày nào Trạc Tuyền cũng lên am thắp nhang. Cố nhiên là cũng cắt cỏ và ngồi đó để nhớ sư chị.
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.
Ngày xưa người ta đi không để lại địa chỉ. Người ta chưa có bưu điện, điện thoại, điện tín và điện thư (e-mail) thành ra sư em không có cách nào liên lạc được với sư chị. Cách liên lạc duy nhất là mỗi ngày sư em lên chùa quét dọn, cắt cỏ, thắp nhang, thắp đèn, ngồi thiền. Tôi muốn, và nếu tôi làm không được thì một vị trong đại chúng này sẽ làm, viết tiếp cốt truyện này (tức là sau đó cái gì sẽ xảy ra.) Tôi nghĩ Trạc Tuyền đủ thông minh để đi tìm sư chị vì sư chị là một người đã được biết đến trong giới xuất gia. Ngày xưa Kiều đã từng tu với sư chị ở Chiêu Ẩn Am, Kiều có thể đi tới Chiêu Ẩn Am. Kỳ này có thể đi bằng xe ngựa đàng hoàng vì gia đình Kiều bây giờ đã giàu có (em trai làm quan, em gái là vợ một ông quan.) Tới Chiêu Ẩn Am hỏi thì thế nào người ta cũng có thể có một ý kiến là sư chị bây giờ đang ở đâu. Có thể sư chị đang ở đó, biết đâu! Nếu tôi viết không được thì quý vị sẽ viết. Viết tiếp chuyện Kiều. Không hẳn phải viết bằng thơ lục bát, không hẳn là phải viết hay như cụ Nguyễn Du. Nhưng mình có thể tiếp tục được. Tôi nghĩ rằng sau năm, bảy tháng tìm kiếm thì Trạc Tuyền có thể tìm lại được sư chị và trở lại sống đời sống của người xuất gia với sư chị. Điều đó ta có thể viết ra được, phù hợp với tình tiết của đoạn truyện này. Ở đây truyện được chấm dứt bằng hình ảnh rất tuyệt vời của sư chị.
Nhớ lời lập một am mây
Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên.
Đến nơi đóng cửa cài then
Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà,
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu?
Nặng vì chút nghĩa bấy lâu,
Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai.
Bây giờ nói về gia đình của Kim Trọng và Vương Quan:
Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần.
Có Phước tức là gia đình đoàn tụ, ba thế hệ được ở chung. Có lộc là có tiền bạc lợi tức, được thăng quan tiến chức. (Chưa nói đến Thọ.)
Thừa gia chẳng hết này Vân,
Một cây cù mộc một sân quế hòe.
Thúy Vân đóng vai trò người vợ cả đảm đang, sanh ra khá nhiều các bé tí.
Phong lưu phú quý ai bì,
Vườn xuân một thửa để bia muôn đời.
Vườn xuân là hạnh phúc gia đình. Để lại tiếng khen, người đời truyền tụng mãi.
Nhất Hạnh
Theo https://langmai.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...