Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Thể loại văn tế

Thể loại văn tế 
1. Văn tế Việt Nam, đặc điểm, quá trình và thành tựu
1.1. Khái niệm
1.1.1. Các khái niệm của các nhà ngôn ngữ
Tự điển Tiếng Việt của Lê Văn Đức định nghĩa rằng văn tếvăn tế, văn cáo, văn chúc, tế văn đọc lúc tế một người chết để kể tính tình công đức người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình; (một nghĩa nữa): bài văn có tính cách khôi hài viết trong trường hợp đặc biệt,…
Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, ở mục tế văn cho biết, tế văn: Một thể văn xưa, đọc trong khi cúng tế.
1.1.2. Các khái niệm của các nhà nghiên cứu, lý luận văn học
Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cho rằng:
Văn tế là bài văn đọc lúc tế người chết (cũng có khi để tế sống) để kể tính nết, công đức của người ấy và bày tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc của mình.
Trần Đình Sử trong Mấy vấn đề Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, cho rằng:
Văn tế thời xưa dùng để tế trời đất núi sông, còn gọi là kỳ văn hay chúc văn. Về sau văn tế dùng để tế người chết.
Là một thể loại tổng hợp bày tỏ niềm tiếc thương đối với người mất mà không phân biệt trên dưới xa gần, thân hữu. Nó kiêm cả lỗi, điếu, ai tế.
Ai từ: là văn ai điếu người chết. Điếu văn: là văn viếng người đã chết.      
Liên quan đến khái niệm điếu văn, Trần Đình Sử cho rằng:
Điếu văn để viếng người đã chết, cũng gọi là "điếu từ", "điếu thư", nếu làm thơ thì gọi là "điếu thi". Điếu là đến (chí), nói thần linh đến. Khách đến an ủi chủ (người dã mất), lấy lời để tỏ ra mình đã đến, cho nên nói là lời điếu. Điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị là tác phẩm đầu tiên của loại này, sau có Điếu chiến trường, Điếu bác chung (chuông lớn). Theo Ngô Tăng Kỳ, điếu còn có ý tự gửi lời thương xót nên nặng về hoài cổ.  
Ở Sách giáo khoa thí điểm môn Ngữ Văn 10, Bộ 2, Ban KHXH, các tác giả cho biết khái niệm văn tế như sau: Văn tế là một loại văn gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương của tác giả và người thân đối với người đã mất. Văn tế thường có hai nội dung cơ bản : tái hiện cuộc đời, công đức, phẩm hạnh của người đã khuất và bày tỏ nỗi đau thương của người sống trong giờ phút vĩnh biệt. Âm hưởng chung của bài văn tế là bi thương, nhưng sắc thái biểu cảm của mỗi bài có thể khác nhau.
Ở Sách giáo khoa thí điểm môn Ngữ Văn 10, Bộ 1, Ban KHXH, viết:
Thời xưa, trong thủ tục tế lễ trời đất núi sông thường có bài văn cầu chúc. Loại văn đó có tên gọi là tế văn, kỳ văn hoặc chúc văn. Về sau, khi chôn cất người thân, người ta cũng dùng văn tế dể tưởng nhớ người đã mất. Ngày nay, người ta gọi văn tế là điếu văn.
Văn tế nói chung là loại văn đọc khi tế cúng người chết; bởi vậy nói có hình thức tế - hưởng. Chẳng hạn: mở đầu bằng năm, tháng, ngày, kính mời vong linh người nào đó; kết thúc bằng ô hô, ai tai (Hỡi ơi! đau đớn thay!) Về hình thức viết văn tế người ta có thể dùng văn vần, tản văn, biền văn.
Một bài văn tế thường có các phần: lung khởi (cảm tưởng khái quát về người chết); thích thực (hồi tưởng công đức của người chết); ai vãn (than tiếc người chết); kết (nêu lên ý nghĩ và lời mời của người đứng tế đối với linh hồn người chết).   
1.1.3. Khái niệm thể loại theo Từ điển thuật ngữ văn học
Một loại văn gắn với phong tục tang lễ chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và của những người thân đối với người đã mất. Nội dung văn tế thường xoay quanh hai ý chính: một là kể về cuộc đời người quá cố; hai là bộc lộ tình cảm, thái độ của người sống trong giờ phút vĩnh biệt. Mặc dù trong văn tế có những đoạn tự sự kể lại cuộc đời của người quá cố, nhưng căn bản nó vẫn thuộc loại trữ tình. Âm điệu chung của nó là bi thương.
1.2. Quá trình và thành tựu
Xin liệt kê một số tác phẩm văn tế tiêu biểu sau đây:
1. Tác phẩm văn tế đầu tiên xuất hiện lại bằng chữ Nôm và theo truyền tụng (văn bản gốc không còn) chính là bài Văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), đời Trần Nhân Tông
2. Nguyễn Thị Bích Châu tế văn - Trần Kính
3. Văn tế một vị công chúa - Mạc Đĩnh Chi
4. Bài văn tế ông Nguyễn Biểu - Trần Đế Quý Khoách
5. Cầu siêu cho Nguyễn Biểu - Sư Chùa Yên Quốc
6. Văn tế Trương Quỳnh Như - Phạm Thái
7. Văn tế chị - Nguyễn Hữu Chỉnh
8. Văn tế sống hai cô gái ở Trường Lưu - Nguyễn Du
9. Văn tế vợ - Võ Phân (quan chức thời Tây Sơn)
10. Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ Bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu - Đặng Đức Siêu.
11. Tế đốc học tự pháp Vũ Lỗ Am văn (1851) - Nguyễn Văn Lý (1795 - 1868)
12. Văn tế trận vong tướng sĩ - Nguyễn Văn Thành
13. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu
14. Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu
15. Văn tế trận vong lục tỉnh - Nguyễn Đình Chiểu
16. Văn tế Criviê (1882) - Khuyết danh
17. Văn tế Francis Garnier - Khuyết danh
18. Văn tế mẹ (Làm hộ người cùng xã) - Nguyễn Khuyến
19. Văn tế sống vợ - Trần Tế Xương
20. Văn tế cha (Trích "Lệ ngữ tập văn, sách Nôm của trường Bác Cổ)
21. Văn tế mẹ (con nhà làm thuốc) (Trích "Lệ ngữ tập văn, sách Nôm của trường Bác Cổ)
22. Văn tế Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu
23. Văn tế đồng bào Bình Định, Phú Yên bị nạn lụt - Phan Bội Châu
24. Văn tế đồng bào Nghệ Tĩnh chết vì nạn bão lụt - Phan Bội Châu
25. Văn tế Phan Bội Châu - Huỳnh Thúc Kháng
26. Văn tế Phan Bội Châu tại thị xã Vinh, Bến Thủy, Nghệ An.
Có thể thấy rằng: từ TK XVIII về trước, văn tế chủ yếu hướng vào sự bộc lộ những tình cảm riêng tư (tình cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn,…). Từ TK XIX, đặc biệt là từ khi Pháp xâm lược nước ta, văn tế được dùng rộng rãi trở thành một công cụ tuyên truyền, một loại vũ khí đấu tranh sắc bén của người yêu nước và cách mạng, phản ánh được những tình cảm, tư tưởng của dân tộc và thời đại.
1.3. Đặc điểm
Thứ nhất, đây là thể loại có nguồn gốc từ văn học Trung Quốc. Sang Việt Nam, nó phát triển thành một thể tài quan trọng với nhiều bài văn tế có giá trị văn học cao cả chữ Hán lẫn chữ Nôm với nhiều tác giả có tên tuổi thời trung đại.
Thứ hai, chúng ta cần phân biệt chúc văn và văn tế và điếu văn ngày nay. Văn tế lại có nhiều chức năng và những biểu hiện thi pháp khác nhau. Văn tế là một văn bản sử dụng rộng rãi phổ biến nhưng không phải bài văn tế nào cũng là một tác phẩm văn học. Văn tế chỉ được coi như là một tác phẩm văn học khi nó có nội dung tư tưởng tình cảm chân thật, về nghệ thuật phải là một tác phẩm ngôn từ thể tài năng của người viết.
Thứ ba, tính hỗn dung về thể loại của văn tế với các thể loại khác là khác rõ nét: về chức năng, về thi pháp thể loại, …
2. Nội dung và chức năng thể loại
Nội dung cơ bản của văn tế là kể lại công đức, tính cách cuộc đời, phẩm hạnh của người quá cố (tự sự) bộc lộ tình cảm đối với người đã mất; trữ tình vẫn là yếu tố chủ đạo; nêu lên vai trò ý nghĩa xã hội của người quá cố; bày tỏ tấm lòng, thái độ, tài năng của người viết.
Chức năng của văn tế: thường mang âm điệu bi ai là chính, song đôi lúc cũng có những tác phẩm văn tế mang chức năng trào phúng, trào lộng,… Ở đây chúng tôi đi vào chức năng của hai thể tài: chúc văn và văn tế.
2.1. Chức năng của chúc văn
Đây là loại văn dùng để tế cúng tiên tổ. Nó gần với văn tế ở tên gọi, ở thi pháp thể loại, song khác về chức năng. Chức năng chính của loại văn này là dùng để đọc trong lễ cúng, nội dùng nhằm ca ngợi ghi khắc công đức của tiền nhân, đồng thời nêu lên ý thức trách nhiệm của con cháu ngày nay đối với người ngày xưa. Đôi khi, người đọc chúc văn cũng dùng những đoạn lồng vào báo công với tiên tổ.
Xin trích dẫn bài Chúc văn đọc tại lễ Quốc Tổ Hùng Vương để minh họa chức năng vừa phân tích:
Mừng hôm nay:
Trống đồng dội tới,
Núi sông dậy sấm anh hùng
Trống đồng vang lên,
Trời đất ngút ngàn linh khí!
Toàn dân giỗ tổ Hùng Vương
Cả nước vui ngày quốc lễ
Rộn rã trống chiêng
Tưng bừng cờ xí!
Bừng lên nhật nguyệt:
Mây xanh hạt trắng, bát ngát trường thiên…
Rực sáng sơn hà:
Cớ đỏ sao vàng, thênh thang thánh địa.
Thuyền xuôi sóng vỗ,
Sông ba dòng tưới mát muôn phương
Hổ lượn rồng bay,
Núi trăm ngọn chầu về một phía
Từ đỉnh cao muôn trượng cơ đồ
Cùng nhìn lại bốn mươi thế kỷ.
Núi mây: sừng sững công cha
Sông nước: dạt dào nghĩa mẹ.
Nhớ thuở xưa:
Mẹ Âu Cơ
Từng non cao tỏa sáng nghĩa nhân
Cha Long Quân
Vốn biển cả quật cường mưu trí.
Sánh đôi tài sắc: Kim cổ kỳ phùng
Hợp một âm dương: Uyên ương tuyệt mỹ!
Đẹp gia đình: trăm trứng trăm con
Vui sơn thủy: một lòng một ý.
Cuộc mưu sinh thử thách muôn vàn
Đường lập nghiệp gian nan xiết kể.
Nào rừng rậm, đầm lầy, sông sâu, núi hiểm:
Há quản xông pha
Nào kình nghê, hổ báo, bệnh tật, bão giông:
Lấy gì bảo vệ?
Chia con: hai ngả lên đường
Chọn trưởng: một ngôi kế vị.
Giang sơn một khoảnh, sao cho vạn đại trường tồn?
Rừng bể đôi nơi, cùng dựng bốn phương hùng vĩ!
Hiên ngang thay! Phù Đổng diệt thù!
Dũng cảm thay! Sơn Tinh trị thủy!
Đẹp thay Chữ Đồng Tử! Tình yêu như ngọc sáng gương trong
Giỏi thay Mai An Tiêm!  Lao động như dời non lấp bể
Vẻ vang mười tám vương triều
Rực rỡ một thời thịnh trị
Qua gian nan bao độ nổi chìm
Trải thử thách những hồi hưng phế!
Chi công lao khai phá một thời kỳ
Mà uy lực trải dài trăm thế hệ!
Hãy xem như:
Gái anh hùng, Triệu nữ, Trưng vương
Trai dũng lược, Đinh tiên, Lý đế!
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn thế Ngô Vương
Gió Như Nguyệt vang vang lời Thái úy
Hội Diên Hồng rung chuyển cả trăng sao
Hịch Hưng Đạo xốn xang toàn tướng sĩ
Nằm gai nếm mật, mười năm ròng, bạt vía lũ Vương Thông.
Lở đất long trời, một trận đánh, tan hồn quân Sĩ Nghị
Thế kỷ hai mươi:
Cờ giải phóng xua tan bóng tối,
Coi sơn hà xã tắc là thiêng
Lấy độc lập tự do là quý
Chúng con nay:
Sáu mươi mốt tinh thành: nhớ lại tổ tông
Năm mươi tư dân tộc: tìm về cội rễ
Bồn phương: nam, bắc, tây, đông
Trăm họ: gái, trai, già trẻ
Hân hoan muôn dặm trùng phùng
Kính cẩn một chầu đại lễ
Xin Tổ vương vạn thế linh thiêng
Giúp con cháu trăm điều chỉ vẽ.
Nay gặp buổi:
...
Dù dân gian chưa hết đói nghèo
Dù xã hội vẫn còn nạn tệ
Đường lên giàu mạnh đã thênh thang
Nẻo đến văn minh thêm mới mẻ
Xin cúi nguyện:
Trăm con một bọc, yêu thương nhau như ruột thịt chan hòa
Một gốc trăm cành, gắn bó mãi như keo sơn chặt chẽ
Dựng cơ đồ, chị ngã em nâng
Cơn hoạn nạn, bầu thương lấy bí
Trước tương lai mở  rộng tâm hồn
Hết dạ vì dân, kể gì khó dễ!
Giữ muôn đời Hồng Lạc tinh hoa
Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!
Mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (2000)
Vũ Khiêu phụng khảo
2.2. Chức năng của văn tế
2.2.1. Chức năng tiêu biểu và chính nhất của văn tế là dùng để đọc trước quan tài, trước mộ người mất, tế người mất kể công đức của người đã khuất, diễn tả tâm trạng đau thương của người tại thế:
Điển hình qua các tác phẩm: Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế Trương Quỳnh Như, Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ Bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh,…
Văn tế một vị công chúa - Mạc Đĩnh Chi
Thanh thiên nhất đoá vân,
Hồng lô nhất điểm tuyết.
Thượng uyển nhất chi hoa,
Dao trì nhất phiến nguyệt,
Y! Vân tán, tuyết tiêu,
Hoa tàn, nguyệt khuyết.
2.2.2. Chức năng ngâm nga, tế hương hồn những người mất chịu nhiều oan khuấtVăn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn),…
(…) Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương (…)
2.2.3. Dùng văn tế nhưng đọc cho đối tượng nghe ngay trong lúc sống nhằm ngợi ca chính con người đó.
Tiêu biểu là bài Văn tế Phan Bội Châu do cụ Huỳnh Thúc Kháng chấp bút và đọc cho cụ Phan nghe ngay khi cụ Phan còn tại thế.
Đất linh tú núi Hoành biển Quế, khí trăm năm hun đúc đấng vĩ nhân;
Trời cạnh tranh gió Mỹ, mưa Âu, đường muôn dặm mịt mù người hướng lộ.
Bởi Tiên sinh vì nước hy sinh;
Nên hậu bối nặng lòng ái mộ.
Nhớ Tiên sinh xưa:
Sinh đất Hồng Lam,
Học nguồn Trâu, Lỗ.
Khí hào hùng đã lỗi lạc khác thường,
Tuổi thiếu tráng mà đầu sừng sớm trổ.
Khoa cử nợ nhà toan trả sạch, trường thi trận bút, bảng một tên lừng lẫy tiếng làng văn;
Gian nan vận nước phải lo âu, chiếc ngựa thanh gươm, đất bốn biển tìm tòi miền dụng võ (...)
2.2.4. Chức năng dùng với tính cách nghi lễ
Văn tế cá sấu - Hàn Thuyên
Ngạc ngư kia ơi! Mày có hay?
Biển Đông rộng rãi là nơi mày,
Phú Lương đây thuộc về thánh vực,
Lạc lối đâu mà lại đến đây?
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa,
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nay,
Dấy từ hải ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy,
Nhân vật đều yên đâu ở đấy,
Ta vâng đế mạng bảo cho mày,
Hãy về biển Đông mà vùng vẫy.
2.2.5. Chức năng cười cợt, tự tràoVăn tế Trường Lưu sinh nhị nữ; Văn tế sống vợ
- Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ;
- Tiếng có tiếng không, gặp chăng hay chớ.
- Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn; người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở.
- Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười;
- Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ.
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai;
- Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ.
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu;
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ (Trần Tế Xương)
2.2.6. Chức năng dùng để châm biếm chế giễuVăn tế Francis Garnier, Văn tế Criviê,…
(…) Tôi là tri huyện Đông Quan
Lệnh trên sai xuống lập đàn tế ông
Nhớ Ông xưa:
Tóc Ông quăn, râu Ông đỏ.
Mắt Ông xanh, mũi Ông lõ,
Tay Ông chiếu kính thiên lý, đích Ông cưỡi lừa;
Vai Ông đeo súng lục liên, miệng Ông huýt chó,
Quyền Ông cao, Ông có lon vàng đeo tay,
Công Ông to, Ông có mề đay đeo cổ.
Ông ở bên Tây sang đây bảo hộ,
Muốn giết thằng Đen để yên con đỏ.
Nào ngờ: nó hại Ông đi,
Gươm Ông nó lấy mất rồi,
Mũi Ông nó quăng một chỗ;
Đầu Ông bên tê, mình Ông bên nọ;
Khốn nạn thân Ông, mẹ cha chúng nó.
Tế Ông:
Chuối một buồng, trứng một ổ
Bò một con, rượu một hũ
Ông có khôn thiêng, xin Ông phù hộ.
Thưởng hưởng.
Văn tế Francis Garnier
3. Thi pháp thể loại
3.1. Bố cục: Một bài văn tế thường gồm những phần cơ bản sau đây:
Lung khởi: mở đầu, thường bắt đầu bằng hai chữ Thương ôi hoặcThan ôi! Đoạn này luận chung về lẽ sống chết.
Thích thực: kể lại công đức của người chết thường bắt đầu bằng các từ: nhớ linh xưa, nhớ người xưa,…
Ai điếu: thương tiếc người chết, thường bắt đầu bằng tiếng Ôi!
Ai vãn: Tỏ tình thương nhớ người chết của người đứng tế. Thường bắt đầu bằng các từ:  Con nay; Bản chức nay,… và kết thúc bằng hai chữ Thượng hưởng
3.2. Các lối văn tế
- Lối văn xuôi: như bài Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh.
- Lối tán: là loại văn tế mà mỗi câu có bốn, năm chữ, có vần, có đối hoặc không đối, kiểu Văn tế Công chúa - Mạc Đỉnh Chi
- Lối cổ thể hoặc lưu thuỷ có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài, hoặc như một bài văn xuôi có vần, loại văn tế cổ thể sau này còn được gọi là văn tế lưu thủy: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,…
- Lối Đường luật: đây là lối thông dụng nhất đây là lối văn tế có vần, có đối, có theo luật bằng, trắc. Lối này có những quy định chặt chẽ về niêm luật ví dụ như Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
- Lối thơ: song thất lục bát Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.
3.3. Vầnthường là độc vận (một vần) cho toàn bài.
Độc vận theo lối phú: Văn tế Phan Châu Trinh - Phan Bội Châu
Độc vận theo lối Đường luật: Nguyễn Thị Bích Châu tế văn - Trần Kính
Than ôi hồn chừ! Yểu điệu phong ty (tư)
Chính lòng vua chừ! Nước Sở Phàn ky (cơ)
Giữ đạo vợ chừ! Bến Ngu Tương phi,
Nhớ vua không quên chừ! Vĩnh biệt hương vi
Vì vua thác oan chừ! Hồn tan thuỷ mi,
Bể khơi mênh mông chừ! Kiếp khác bao thì?
Mặt ngọc xa cách chừ! Tái hợp khó kỳ,
Nhớ lại đức tốt chừ! Lòng ta y hi,
Xem lại giấy mực chừ! Giọt lệ lâm ly.
Số mệnh đã định chừ! Trời kia không vì.
Vì đâu nên nỗi chừ! Lỗi trẫm khó tỳ (từ)
Than ôi thương thay! Hồn bỏ trẫm đi.
Nếu ở trên đời chừ! Như chim kia dực phi.
Nếu ở dưới đất chừ Như cây liên lý chi.
Hồn hiu quạnh chừ! Không chốn y quy,
Hồn có thiêng chừ! Cùng trẫm truy tuỳ.
Hồn phảng phất chừ! Giữ nơi biên thuỳ,
Thương thay hồn chừ! Hưởng chén quỳnh chi.
Ngô Lập Chi - dịch
Tuân thủ cách gieo vần như thể song thất lục bát: Văn Chiêu hồn, …
3.4. Giọng điệu
3.4.1. Giọng điệu buồn thảm bi luỵ
Buồn thảm theo nghĩa tự điển Tiếng Việt là thảm là thương người hay thảm thương thân mình mà buồnbi luỵ là buồn và rơi rụng. Tế người chết, tức là khóc thương, điều đó khiến cho giọng điệu chính của văn tế là giọng điệu buồn thảm, bi luỵ là điều không phải bàn cãi. Gần như ở bất cứ bài văn tế đọc trước linh sàng người đã mất nào cũng chứa chan giọng điệu sầu não này
Thôi thôi! Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; dinh Lang sa nửa khắc đặng rửa hờn, tấc phận bạc đành theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong nhà; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
3.4.2. Giọng điệu hùng hồn, ngợi ca
Hùng hồn nghĩa là mạnh mẽ và lưu loátca ngợi: khen, dùng lời nói để  kể lại cái hay, cái đẹp của người. Giọng điệu hùng hồn trong lời văn tế xuất hiện ở phần ngợi ca công đức của người chết. Chúng ta xem, đây là giọng văn miêu tả hành động anh hùng của người nghĩa sĩ:
Ngoài cật, một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay một ngọn tầm vông nào đợi sắm dao tu nón gõ.
Hoả mai đánh bằng rơm con cúi cũng đốt xong chỗ dạy đạo kia, gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay cũng chém đặng thằng quan hai nọ.
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ, trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn to, đạn nhỏ xô cửa xông vào liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc làm cho mả tà ma ní hồn kinh; người hè trước, kẻ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng pháo nổ. 
3.4.3 Giọng châm biếm:
Giọng điệu này, thể hiện qua lời văn, hơi văn mạnh mẽ, sắc sảo, cay độc, thâm thúy nhằm vạch trần thực chất cái lỗi thời, lố bịch, xấu xa của đối tượng đáng cười. Theo E.G.Ruđneva “châm biếm không phụ thuộc vào tùy hứng của nhà văn, vào ý muốn cá nhân định đem một cái gì đó ra cười cợt. Nó đòi hỏi một đối tượng tương ứng - chất hài của bản thân một đời sống đáng cười”. Phát triển các ý kiến của Gôgôn, của Bêlinxki về châm biếm, E.G.Ruđneva xác định rất đúng rằng: “cái cười châm biếm là cái cười sâu sắc và nghiêm túc”, là “cái cười xuyên thấm”, “đào sâu vào đối tượng”...; cái cười này “khác với những lời đùa cợt, chế diễu đơn giản do nội dung nhận thức của nó... Châm biếm giúp nhận thức được những mặt hệ trọng nào đó của những quan hệ lẫn nhau giữa người với người, đem lại một sự định hướng độc đáo trong cuộc đời, giải thoát khỏi những uy tín dả dối, mạo nhận”.
Sự xuất hiện giọng điệu châm biếm ở Văn tế xuất phát từ những tác phẩm cười cợt. Đối tượng hướng đến là những tên thực dân, những kẻ tay sai hại dân, hại nước. Trong văn tế có những bài khuyết danh (có thuyết cho rằng của Nguyễn Khuyến) mang giọng điệu này. (Xem bài Văn tế Francis Garnier, Văn tế Criviê ở trên).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Biện Minh Điền (2008), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.  
2. Lê Văn Đức (1970), Việt Nam tự điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
3. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu Sài Gòn.
5. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (chủ biên), (2003), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, Hà Nội.
6. Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán Việt từ điển, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.                                         
7. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Minh Thương
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...