Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Nhớ mùa

Nhớ mùa
Lão Phục quần xắn ngang bẹn, lội bì bõm trên thửa ruộng đã sang màu vàng óng. Ơn giời, năm nay lúa ngậm đòng sớm, hạt chắc mẩy, nâng lên nghe nặng trĩu tay. Lão vắt chiếc áo ngang vai, để mặc cho ánh nắng châm chích trên da thịt. Lão thè lưỡi, nếm mùi vị của những cơn gió trườn tới từ bên kia sông. Tự nhiên, lão thèm cảm giác mặn đót thấm rượt trên khóe môi thâm xì, mốc vếu. Lúc lưỡi lão thấm mặn vị chát ấy, cũng là khi trời gắt nhất. Xoa xoa hai bàn tay to bè lấm láp bùn đất lên vạt cỏ, lão ăn liền năm bát cơm, uống cạn ca nước lã rồi úp mặt nằm bên vệ đường đánh một giấc thật sâu. Lão khoẻ như vâm, bệnh tật chán lão mà đi, không gì công phá được tấm thân màu đồng hun rắn chắc ấy.
Lão gắn bó với đồng đất này từ khi mới nứt mắt. Biết ngồi, cha mẹ đã đặt lão trong chiếc cũi tre bên ruộng lúa, miệng ngậm chặt chiếc ti giả bằng lá chuối. Lớn một chút, khi cu vẫn lòng thòng chưa che, lão đã theo đám trẻ bắt châu chấu. Chiều xuống, mặt trời sà thấp, tròn như chiếc bát úp, lúa gặt nhòn thành từng vuông nhỏ, ấy là lúc thích hợp nhất để lũ trẻ tìm bắt châu chấu. Lão thấp đùn đũn, nhúng nửa thân mình xuống lớp bùn đen sánh đặc. Mỗi khi chụp hụt một chiếc cánh xanh béo mỡ, cái đầu cáu cợn của lão trượt xướt trên mặt bùn thơm nưng nức. Ôi chao cái mùi nưng nức sánh vị mật ong của mùa hoa chim chim. Cái mùi như thể mùi da thịt, mồ hôi của mẹ mà thằng cu con là lão hít hà hằng đêm. Khi trời xâm xấp, bầy trẻ đen nhẻm xoa hai bàn tay lên vệ cỏ nhóm lửa. Những xâu châu chấu dài được tút ra từ từ, nướng vàng bưm trên đụn rơm cháy loe cả mép. Trong khoảng không gian ngọt lừ hương lúa chín, châu chấu bén lửa rơm rạ thơm ngầy ngầy tứa nước miếng... Ấy thế nên, lão mê cái vị mặn chát nơi đầu lưỡi. Mê cơn gió chiều rười rượi từ sông tràn về. Mê cả cái nắng như châm chích tận cùng thịt da. Cả đời lão ăn sương mặc nắng nhưng vẫn không hết nghèo. Ba đứa con gác bút đều bươn ra thành phố. Thằng cả làm công nhân giày da cho một công ti liên doanh. Thằng hai phụ bán hàng trong một quán cơm bình dân. Đứa út năm nay mười bảy tuổi, mới chân ướt chân ráo lên thành phố, chưa tìm được việc làm nên phụ anh chợ búa và bán trà đá vào ban đêm. Không đứa nào chịu ở nhà thay lão việc đồng áng. Mà cả làng lão, nói không ngoa, giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Đám thanh niên chíp hôi lớn lên là đi. Đi. Không cần biết là đi đâu, chỉ cần thoát cảnh đi sau lưng trâu bò và lội bì bõm trong đám bùn sình đen.
Lão Phục dang rộng hai cánh tay, hít hà mùi lúa chín thơm ngọt lưỡi. Trong làng, ai cũng bảo lão hâm. Người đâu mà cứ xoắn lấy đất bùn. Nông thôn bây giờ, sáng sáng người ta ới nhau đi bộ, đánh bóng bàn, cầu lông. Kẻ rủng rỉnh điếu thuốc lá thơm dắt tai, ngồi chéo chân trên bộ ghế đá chưng giữa sân, tiếng nước chè rót ra ly kêu tong tõng. Mỗi khi lão phăm phăm cây cuốc trên vai, chúi mặt xuống đường ra ruộng, kiểu gì cũng có tiếng nói róc nói rỉa với theo. “Ôi dào, thời buổi ung thư nhiều hơn bạc lẻ, giờ còn ngồi với các bác chứ biết đâu ngày mai ngày kia ngồi sau đĩa xôi, con gà. Tội gì chưa mở mắt đã đồng với áng…”. Những lúc như thế, lão Phục vờ như không nghe thấy. Lão cố đi thật thẳng, bước thật nhanh để ào xuống nơi có thể vục nửa thân mình trong đất bùn mát lạnh. Thế nhưng, hai bàn chân với những ngón to bè, choãi ra như quả chuối ung lội bùn phăm phăm, không quen sạch sẽ, không quen guốc dép, lại chậm chạp, vụng về khi đi trên những đoạn đường bê tông láng bóng. Vì vậy, những lời khó nghe và không nên nghe, cứ vèo vèo bay vào tai lão khiến lão vô cùng khó chịu.
Chiều nay, tâm trạng của lão không được vui. Lão vừa cãi nhau với vợ. Mà, vợ lão hồi này quá quắt thật. Ngày trước đâu có thế. Một điều mình hai điều mình, không bao giờ dám cãi. Vậy mà khi đầu đã hai thứ tóc, lại dám ngang nhiên mắng lại lão. Lúc đầu còn nhỏ nhẹ, rồi dần chống nạnh đứng giữa sân, nói như để cho cả làng cả nước nghe:

- Tôi là tôi nói cho ông hay nhé, tôi không kham nổi ngần ấy đồng đất nữa đâu. Vì nghe theo ông, chiều theo ông mà bao năm nay nhà mình vẫn cứ nghèo rớt, không sắm nỗi cái gì ra hồn.
Chiếc nón trên tay quạt phành phạch, miệng thở như lò kéo, mái tóc bạc gần hết bung ra, rối bết trên tấm lưng đã bắt đầu gù xuống, bà ngồi chuầy ra bậc tam cấp lát bằng gạch nung mòn vẹt:
- Ông tính xem, còn ai giữ ruộng như nhà mình nữa không? Bà Lam, bà Tính ngay cuối ngõ kia kìa, mỗi tháng vị chi kiếm được hơn năm tạ lúa. Hơn năm tạ đấy. Mà ông biết họ làm gì không? Rửa bát, dọn bàn, trông trẻ…
Giọng bà the thé, chanh chua hơn cả những kẻ bán tép tôm ngoài chợ. Bà nói một mạch, sùi cả nước miếng, nói không để lão kịp phản ứng. Mỗi lần như thế, lão lặng thinh chịu trận rồi buồn bã xách điếu cày ra đồng, đứng ngập hai bắp chân trong bùn. Lúc ấy, lão cảm giác như có bàn tay mềm mại vuốt ve khiến nỗi ấm ức dịu xuống. Đúng là đồ đàn bà. Cái đồ không biết trước biết sau. Cái đồ… Lão hậm hực rủa thầm. Sao bà không còn nhớ ngày chân ướt chân ráo về làm dâu nhà lão? Cái thuở cơ hàn cơm độn khoai cũng không có mà ăn. Đồng đất không đủ chia, lão phải khai hoang đám đất ngoài rìa nghĩa địa. Mỗi lần đánh trâu xuống đồng, khi đất đã tơi mịn cũng là khi lão bắt được cơ man nào là cá trê. Những chú cá đen nhẫy, hai ngạnh sắc ngọt giương ra sẵn sàng ứng chiến. Lão được xem là kẻ sát cá, nên từng con, từng con một nhanh chóng chui vào oi của lão. Những chiều hời như thế, cả gia đình năm người tha hồ xuýt xoa. Nồi cá kho sôi lịch chịch, mùi khế, mùi cá quyện trong mùi khói rạ nồng ấm. Ba đứa trẻ cùng mụ vợ lão ríu ran xì xụp bên chiếc mươn đặt cạnh đống than đỏ rực. Ấy thế mà bây giờ bà ấy phụ, đổ vấy vì lão vì đồng đất mà vợ chồng bà mãi không khá lên được.
Lão Phục vục tay xuống bùn. Cả gương mặt thô rắn của lão nhoè trong ánh sáng vụn vỡ. Từng mảnh nhăn nhúm, cong vêu trên đồng đất màu đồng hun. Chiều xuống dần trên cánh đồng vàng rực, trải ngút dài tận chân trời tít tắp.
Vợ lão dọn cơm chiều. Không hiểu để nịnh chồng hay bắt đầu một câu chuyện mới mà có hẳn một cút rượu trắng, đĩa chuối xanh kèm rau diếp cá và một chân giò luộc nhừ, nóng hổi trên chiếc mươn đã lên nước bóng loáng. Bên thềm, con mực liếm liếm cái mũi ướt mèm, rồi thè lưỡi nhểu cả nước miếng. Khi lão Phục nhấp ngụm rượu, với tay chấm miếng giò trong đĩa muối trắng trộn chanh ớt, đuôi con mực ngoáy tít lên. Vợ lão e hèm, dẫm dẫm chân doạ con mực, nhìn lão nhỏ nhẹ:
- Ông nó à, tôi nghe nói con bọ hung gặt, tuốt liên hoàn đã được thằng Tư con lão Thinh đưa về từ tối qua. Nhà mình ở giữa xóm mà xem chừng thông tin mù tịt. Nghe nói hồi đêm người già trẻ con cả xóm chạy sau con bọ hung khổng lồ ấy xem nó nuốt lúa. Ái chà chà, chỉ nghe nói thôi mà đã khiếp. Một ngày nó nuốt cả trăm sào chứ chẳng chơi đâu. Mà nó nuốt rồi ấy nhá, coi như ruộng sạch trơn, mùa sau chỉ cần rủng rỉnh là có lúa để ăn!

Vợ lão ngôì chồm hỗm trên ghế, vừa kể vừa gắp thức nhắm lên bát cho chồng. Đáp lại lời bà chỉ có tiếng nghiền nghe roàn roạt.
Vợ lão nhẫn nhịn, hạ giọng:
- Giờ mình tính sao, ông?
Lão Phục nuốt miếng chuối xanh nghe đánh chót trong cổ họng. Lão ngừng ăn, gác ngang đôi đũa trên bát cơm còn lưng lửng.
Nghe chừng ý của mình vẻ không xuôi, vợ lão chợt chống đũa, dợm người trên ghế:
- Tôi nói cho ông biết nhá, làng trên xóm dưới bây giờ người ta thuê hết. Thuê cày cấy, thuế gặt tuốt, thuê cả xe chở lúa về đến tận nhà. Chẳng ai còn dại mà sấp mặt xuống ruộng… Bé bằng vòi nước như con bà Lan cuối xóm ngày cũng kiếm đủ cho mẹ nó cày cả sào ruộng. Ông cứ thế này thì… - Nói đến đó, mắt bà chợt ngân ngấn nước.
Ô hay con đàn bà này! Chẳng phải mụ vừa dợm người qua bóng lão? Chẳng phải mụ vừa đay sa sả, vừa riết róng đó sao? Ức quá thì lão rủa thầm cho hả, chứ lý nào lão lại mềm lòng trước nước mắt của đàn bà, nhất là đàn bà cùng giường với lão. Lão Phục bỏ mâm cơm đứng lên. Ra bàn nước, lão bắn liền ba điếu thuốc lào. Lão phủi thui lời vợ nói trong tiếng rít sồn sột của ống điếu. Hơi thuốc phả ra hai lỗ mũi, ám trên mái đầu rối bù của lão rồi vênh váo phết một đường cong như dấu hỏi lên trần nhà thô kệch với hai hàng cầu phong, ray mèn mốc mối.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức
Vợ lão lui cui dọn chén đĩa. Tiếng bát va, tiếng thìa muỗng lóc xóc cho thấy nỗi ấm ức đang bám riết lấy bà. Thây kệ. Lão Phục áo vắt vai, quần xà lỏn bước ra ngõ. Trời đất có dịu đi nhưng cảm giác vẫn rất ngột ngạt, nóng bức. Nông thôn mới nên đường bê tông, tường bê tông hấp nhiệt cả ngày phả ra hơi nóng hầm hập. Người dân khắc phục bằng hàng rào xanh, đường hoa, ngõ hoa nhưng vẫn không làm giảm được cái nóng lên đến bốn mươi độ.
Vo cái áo vặn như vỏ đỗ, lão Phục đi ra đồng. Chỉ có ở đồng, lão mới không khó chịu bởi cái nóng hập ụp vào người của thứ bê tông bỏng rát kia. Lão ngồi trên bãi cỏ, nghe tiếng côn trùng riết những âm thanh của kẻ đang ngây ngất trong men tình. Gió từ bờ sông ràn rạt thổi về, nghe rõ mùi vị mằn mặn nơi đầu lưỡi - cái vị mặn của mồ hôi xưa kia của lão. Dấu chân của lão từ khi mới bé bằng múi bưởi cho đến lúc bè ra như cái quạt, ken dày nơi đồng đất này. Đâu lão cũng cảm thấy hơi thở phập phồng quen thuộc của chính mình... Ấy thế mà mấy năm nay, bao cảnh khiến lão thấy gai mắt, chướng tai lại cứ diễn ra. Sáng sáng, thay vì đánh trâu ra đồng, người ta lại túm tụm uống nước chè, tán chuyện gẫu. Rồi những đôi chân với móng chân, gót chân đằm màu bùn thân thuộc được tuốt duỗi rồi sơn lên choen choét đỏ. Nhìn cái cảnh thợ làm móng quỳ dưới chân giũa giũa, tô tô, lão Phục ức không chịu nổi. Thế thì khác chi cảnh người trên kẻ dưới, khác chi cảnh mà lão đã từng nhìn thấy trong nhà những ông này bà nọ ngày xưa? Mà, đếch phải là thế! Là thế sao được khi con mẹ nhà Hân nghèo rớt, cầm sào khua từ đầu nhà đến cuối nhà không có một tiếng động, ấy thế mà cũng dám ghếch chân cho người ta mài mài, giũa giũa! Còn nhà thằng Duẫn ngay đầu xóm cao vút đến tận trời, trong nhà sắm sanh từ tivi 38 inch đến máy lạnh nhưng cả vợ và chồng làm nghề đồng nát, nhặt nhạnh từ lon bia đến xấp giấy loại, bán mặt đường nhựa từ sáng cho đến tối mịt, quanh năm hít khói xe tải, xe khách. Ôi dào, thời buổi bây giờ chả biết thế nào mà lần! Không nói đâu xa, chỉ loanh quanh cuối ngõ đầu ngõ như cái xóm nhà lão mà đã có đến lắm kiểu sống, kiểu kiếm tiền. Kẻ giàu nứt tường nứt sân thì tham lắm, việc gì nhìn thấy tiền là đổ sống đổ chết nhào vô. Như cái nhà thằng Duẫn kia, năm lần bảy lượt té xe dập cả bánh chè, đi vèo cả hàng tiền đạo nhưng vẫn bám riết cái nghề kinh khủng ấy. Lão Phục thấy chướng. Mà bây giờ, cứ bước ra khỏi ngõ là lão đã ức không chịu nổi. Đàn ông không có xu dính túi thì rảnh rang ngồi nói như tướng thánh. Đàn bà thì sợ nám da, ám bùn trốn lên phố làm những việc ít nắng ít mưa... Lão nuốt khan trong họng. Mả cha bay chứ! Ai đời người làm ruộng mà lại không bám chân trong bùn đất! Ai đời đi ở đợ rửa bát, trông trẻ, chạy bàn để lấy tiền thuê người cày cấy mà không thấy nhục à? Mà nói quả không ngoa, lão không đổ sắt, đổ thép xuống chân thì mụ vợ nhà lão cũng đã cẩu bay lão lên trên phố rồi. Trong cuộc giằng co quyết liệt ấy, lão cũng không tự vỗ ngực là mình đã toàn thắng. Hai con trâu, lão đã phải chịu nhún bán mất một con. Lúc đầu, lão kiên quyết không nhưng mụ vợ quắc mắt: “Ông khùng vừa thôi, làng trên xóm dưới người ta chuyển đổi hết cả rồi. Trâu nuôi cả năm giời chỉ dùng sức có mấy ngày, mà lại những hai con. Bây giờ nông thôn mới, người ta kêu mình phải chỉnh trang nhà cửa, chuồng trâu nằm chình ình trước sân, coi răng được?”.

Trước đòn đánh dai dẳng và quyết liệt của vợ, lão phải chịu nhún một phần. Lão bán con trâu bạc, bán mà lòng rưng rưng mất mấy tuần. Khi lái trâu dắt con vật ra khỏi chuồng, nó ngước mắt nhìn lão, chân lừng khừng. Lão vỗ vỗ vào hai bắp vế mang ách của nó, giọng đắng đót. “Tao không còn cách nào khác, mày đi đi…”. Hiểu ý lão, con vật gặc gặc đầu lầm lũi bước đi trong tiếng rống của con còn lại… Rồi lần lão dắt con trâu đen ra đồng. Vừa quàng ách, chạy chưa được ba đường cày, vợ lão ở đâu lù lù đứng trên bờ ruộng. Lúc đầu, bà đứng lặng nhìn lão làm. Khi nắng bung đầu thì bà chạy ra giữa ruộng làm toáng lên. “Nhà người ta ới một tiếng, máy chạy xình xịch… Ới tiếng nữa, lúa mọc xanh đất. Ông có sức thì ra đại lí bán xi măng của thằng Hải cò ngoài thị trấn mà bốc vác. Một buổi đủ tiền thuê cày cả năm giời đấy, ông biết không?”. Lão nổi khùng, tấp vào bờ, tháo mũi trâu đập cho nó chạy. “Bà thích thì bà đi mà làm nhé! Hải cò hay Hải sâm thì ông đây cũng thây kệ nó nhé! Ông không phải đi đợ cho bố con thằng nào… Nhục!”. Lão dợm miệng, định văng một câu tục tĩu. Lão muốn chửi vung lên cho thoả những ấm ức bao ngày. Nhưng, lão kìm được. Nghĩ cho cùng, bà ấy cũng vì lão, lo cho cái thân già của lão. Nhiều bận, vợ lão nhắc khéo, rằng đầu ông bới tùm lum lên cũng khó tìm được sợi còn đen, sức không còn như ngày trai tráng, tham nó vừa thôi không ngã quỵ có ngày... Kệ bà ấy chứ lão chẳng sợ. Sức lão ấy à, còn bằng mười lũ thanh niên ăn trắng mặc trơn, ẻo là ẻo lẻo. Lão cá rằng, ở cái tuổi này, lão đủ sức phăng phăng trên đồng đất cả ngày không biết mệt. Hít hà cái mùi ngầy ngậy, ngái ngái của bùn đất, lão có cảm giác như hai lá phổi của lão nở căng. Đâu như trên phố, hít vào là nghe sặc mùi khói xe, hơi thở chình chịch.
Gió từ sông Ngàn Phố chấp chưởi tràn qua mang theo vị ngọt của nước. Lão Phục quăng mình xuống bãi cỏ, áo gấp trên đầu. Lão nằm thẳng đơ, cố để hơi thở thật nhín trong lồng ngực. Ui chao, lão nghe rõ lắm. Tiếng dế gọi bạn tình rỉ rả ngay bên người lão. Một chú dế mèn lưng bóng láng, lưng cong khùm, bộ cánh dài rung rung theo điệu hát. Tiếng hát rỉ rả, tan loang trong bầu không khí thơm nồng, dịu dịu. Lão Phục nhắm mắt. Giấc ngủ đến với lão, nhẹ như lão đi dăm bảy đường cày. Bất giác, lão nhoẻn miệng cười.
Nụ cười chở cả mùa màng làm sáng bừng gương mặt.
Mùa đến.
Lão Phục nằm trên giường, cả người mỏi nhừ như có ai giần, miệng đắng nghét, đầu nóng hâm hấp. Cơn gió độc chiều qua quá ác, quật lão xuống ngay trước hôm gặt. Lão nghe tiếng dép loẹt quẹt, tiểng chổi tre khua trên sân gạch lúc nào cũng sạch bong. Tiếng bà vợ nhỏ to với bác hàng xóm, nghe câu được câu mất:
- Thì em cũng đã nói trước với ông nhà em rồi! Dưng mà cái đầu ông nhà em ấy, cứng hơn cả cối đá thanh. Bữa nay lão nằm liệt trên giường nên em quyết… Máy chạy nhà bác xong thì đến lượt ruộng nhà em. Vèo một cái, kêu xe chở tuốt về nhà… Bác tính, một tháng cô Lành, cô Hương dọn bàn cho quán bún chả, làm việc bốn tiếng buổi sáng mà được những năm tạ thóc. Làng mình bây giờ đổ lên phố hết, người có sức thì bốc vác, chạy hàng. Người không dư dả cho lắm thì chạy bàn, vặt lông gà vịt, bán nước mía, kem ly…
Vợ lão vừa nói vừa thít thà trong miệng, điệu bộ như đang đứng trước cỗ bàn nghi ngút thức ăn ngon mà không phải trả một cắc một hào nào. Đồ đàn bà. Lão chửi thầm trong cổ, rồi lại cố dỏng tai lên để nghe.

- Mà em tính đợt này em cũng lên trên ấy, xin một chân rửa bát hay chạy bàn. Một tháng lương bèo lắm cũng dư trả cho công xá thuê khi mùa đến. Bây giờ máy móc hiện đại thế, chỉ có ngu mới như lão nhà em...
Lão nhắm nghiền mắt. Những lời ấy lão nghe quen lắm. Đã bao đêm vợ lão tỉ tê về cái việc lên phố làm thuê thay cho đổ sức trên đồng đất của mình. Mỗi lần nghe vợ nói, lão lại gạt phăng đi. Nghĩ đến cảnh lom khom bê đĩa lòng xào, đĩa rau sống, dạ rối dạ rít khi khách gọi... Nghĩ đến cảnh nhúi nhùi trong góc bếp, ăn vội ăn vàng đồ thừa thẹo để kịp chạy bàn… Nghĩ đến cảnh ngày mùa mà chân tay khô rọc, không lấm láp, không chảy mồ hôi là lão lại giận sôi lên. Dẹp, dẹp. Trong cái nhà này không có thuê mướn. Vợ lão im trơn. Nghe cái điệu kéo dép loẹt quẹt trên nền gạch, lão biết vợ lão không phục…
Nhưng lần này, có lẽ lão không thể cản nổi nữa rồi.
Lão lật qua lật lại trên giường. Bản tính siêng năng, tiếc công tiếc việc lại dư thừa sức lực, giờ nằm thế này lão nghe như có kiến bò. Lão mở mắt, nhìn trân trân lên trần nhà. Ký ức những ngày mùa chầm chậm lướt qua. Ấy là những ngày nắng heo hãi, vờn vợn trên những mái lá, những vòm cây. Những ngày cánh đồng lúa thơm nưng nức, chảy vàng như một bức tranh rực rỡ. Những ngày mà người cầm cuốc cầm cày như lão tự thưởng cho mình bát cơm xới đầy có ngọn. Ấy là bát cơm được nấu từ thứ lúa gặt ở khoảnh ruộng chín nhất. Những thúng lúa đầu tiên được trau phơi, gấm gãy sảy sàng để rồi nặng tay vục những vục thật đầy, nấu hơi ráo nước, đốt thêm ít mồi rơm để có cơm cháy xém. Bưng bát cơm ngang miệng, kẹp thêm vài con cá bống kho tiêu, nghe mùi thơm dậy mũi của cơm gạo mới... Mùa đến. Nghe bước chân rưng rưng vội vàng. Nhà nhà náo nức dậy từ khi gà chưa gáy, tranh thủ gặt để tránh nắng. Lúa chất thành đống, trĩu hạt. Người người í ới gọi nhau, đổi công xá, mượn bò trâu. Cánh đàn bà con gái được ưu tiên về sớm, tạt qua chợ mua thêm cân thịt, mớ rau. Chợ ngày mùa ai cũng vội vã, mua bán thấm thắt, không kỳ kèo thêm bớt. Mùa đến. Làng vui như trẩy hội. Tiếng xoành xoành của máy tuốt đạp bằng chân rền vang khắp các lối ngõ. Trâu bò nghễnh ngãng no kềnh bụng tránh nắng dưới những rặng tre xanh tốt. Trẻ con đầu trần lội bì bõm trên các ruộng lúa đã gặt nhòn để bắt châu chấu. Thi thoảng, gặp các bà già, trẻ con đi nhặt lúa sót... Ôi chao, cái ngày xưa ấy! Lão nghe đau nhói trong ngực, nghe ruột xoắn từng khúc.
Lão lồm cồm bò dậy khi mặt trời đã đứng bóng. Tay chân lão thừa thãi, không biết nên làm việc gì vào cái buổi sáng khi mùa đến. Vợ lão đậy sẵn lồng bàn có bát cháo cá bốc khói… Lão nuốt không trôi. Lão bỏ dở bữa ăn sáng, lộc tộc chạy ra ngõ. Vợ lão đã đạp xe đi từ lâu lắm. Đằng xa, lão nghe tiếng máy gặt chạy xình xịch. Lão đứng nép một góc, nhìn con quái vật liếm, ngoạm cả vạt lúa to tướng. Rồi nó cong đuôi, xa xả thải ra những đụn rơm lớn. Lúa chảy vào họng, tràn vào những bì to đã đựng sẵn. Trên bờ, đám người ngồi đứng lao nhao. Bọn họ nói đủ chuyện tầm phào, trên trời dưới biển. Nhiều bà tranh thủ đi bộ, đợi nhận lúa để thuê xe chở về. Đúng như mụ vợ lão nói, chỉ cần ấn nút là lúa về đến nhà. Máy gặt chạy trước, máy cày đã xình xịch theo sau. Loáng cái, cả đồng đất rộng được lật xới, đỏ au. Lão nhớ đến lời vợ lão đay. “Ôi giời ơi, thời nào mà ông còn muốn con trâu đi trước cái cày đi sau? Ông làm mười ngày không bằng cái ấy nó phăm một buổi”. Lão nuốt nước miếng đánh ực. Cục tức to bằng nắm tay cứ trượt lên trượt xuống nơi cần cổ của lão. Mẹ cha bay chứ. Máy phăm máy gặt chưa đến mà bay đã phủi cái nuôi bay bao ngày! Mà có nữa thì cũng phải è lưng làm thuê kiếm tiền đút vào bụng nó. Không có xu hào đút vào ấy à, còn khuya nó mới phăm, mới gặt cho ấy nhé! Lão nuốt khan trong cổ họng. Lão dấm dắng, bứt rứt, vẳng tiếng vợ lão tỉ tê. “Ông nghe tôi, mở cái tiệm hớt tóc nam hay bán nước mía, nhặt nhạnh tháng cũng được tạ thóc. Người ta làm ối ra đấy, làm từ lâu rồi cơ! Ruộng đồng ông để đó tôi lo”.
Mặt trời đã đứng bóng. Tít đằng xa, từng đàn chim sẻ sà thấp, ríu ran. Trên bờ, xe tải chở lúa nổ máy nối đuôi nhau vào làng. Vợ lão loắn xoắn, nói cười như ngô nổ. Loáng cái, hai sào ruộng nhà lão đã gặt xong. Lúa chất gọn ghẽ trên thùng xe, bà vợ thuận chân leo lên buồng lái. Xe nhấn còi, phịt khói chạy tưng tưng trên đường nội đồng vừa đổ bê tông trơn láng.
Chỉ còn mình lão Phục bên gốc cây ngô đồng. Lão nhìn thân cây xù xì, gai nổi lên như đầu mụn. Đáng ghét. Là lão chửi cái mụ vợ nhà lão ấy. Nhìn cái mặt mụ khi chui tọt vào khoang lái, nó tưng tửng, nó hợm dị làm sao! Lão dẫm chân bem bép. Hai tay lão xoắn vào nhau kêu răng rắc. Đồ đàn bà phải gió! Đồ chết dầm, chết dẫm… Ông thì…
Trưa ấy, lão không về nhà. Lão đánh một giấc đẫy mắt trên đồng đất còn nưng nức mùi lúa chín. Cả người lão như được ướp trong hương thơm sánh lịm. Lão úp mặt xuống đống rơm rạ mà máy gặt vừa phun ra chưa kịp đốt. Ôi chao, cái vị mật ong mùa chim chim quyện nồng nơi đầu lưỡi, ngấm vào từng thớ thịt vồng căng, làm sống dậy kẻ trai vâm váp trong con người lão. Trong mơ, lão thấy con trâu bạc thè lưỡi dài ấm nóng phết lên đồng đất những sắc màu rực rỡ. Lão thấy, vợ lão cun cút đội lên đầu bữa cơm trưa có cá trê đồng kho khế, chân trần men theo bờ ruộng ời ời gọi lão.
Và, trong sắc chiều vàng ửng, hai mái đầu len khói chấp chới, loang tan.
Tam Đảo, tháng 5/2019
Tống Phú Sa
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...