Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Cung rê giáng: Cung dục lạc của Chopin

Cung rê giáng: 
Cung dục lạc của Chopin
Bản Luân Vũ (Waltz) cung Rê Giáng (Op.64, No.1) của Chopin tuy ngắn nhưng rất nổi tiếng. Phần chính là do nhạc hay của bài, nhưng một phần cũng còn do các giai thoại thêu dệt chung quanh nó. Nhất là khi nhà xuất bản lại thêm chữ Minute vào tựa đề, khiến nảy sinh những giải thích khác nhau, bởi vì Minute có hai nghĩa: ngắn (nhỏ) và một phút. Kẻ cho đây là Luân Vũ Ngắn, người cho đó là Luân Vũ Một Phút, vì nếu chơi thật nhanh thời lượng có thể chỉ gồm 1 phút. Nhưng theo Camille Bourniquel, Chopin viết bản này lấy cảm hứng khi nhìn thấy con cún nhỏ quay vòng vòng đuổi theo cái đuôi của nó. Cho nên bản nhạc còn một tên khác là Luân Vũ Tiểu Cún (The Little Dog Waltz). Có người còn phụ thêm rằng đây chính là con cún Marquis của George Sand, đã thân thiết với Chopin từ lâu, vì đã được nhắc đến trong thư Chopin gửi Sand, "Cảm ơn Marquis đã nhớ đến anh và tới trước cửa phòng anh hít hà".
Bản Luân Vũ này được Chopin đề tặng Nữ Bá Tước Delphina Potocka. Cung Rê Giáng, đôi khi cũng được Chopin dùng trong bản nhạc khác, có tính chất diễn cảm cao, *lâng lâng nguyệt dạ*, với hòa âm phong phú và giai điệu tô điểm, uốn lượn mê đắm. Phải chăng tính chất này của cung Rê Giáng là lý do để Chopin chọn uyển ngữ cung Rê Giáng để ám chỉ cái *Âm cung Dục Lạc" trên thân thể Delphina? Nhưng nói đến Chopin là nguời ta liên tuởng ngay tới George Sand, ít người biết đến Delphina Potocka. Vậy nàng là ai, liên hệ với Chopin thế nào?
Delphina Potocka, nhũ danh Komar, là vợ trẻ (18 tuổi) của Bá Tước Mieczyslaw Potocki, một dân chơi nổi danh với nhiều thói tật lạ lùng "không thể nói ra ðược". Khi hôn nhân tan vỡ, nàng được Bá Tước hào phóng chu cấp hàng năm và nhờ vậy, có thể tự mở một salon, hội họp văn nghệ. Tại đây nàng đổi tình nhân như thay áo, bao gồm mọi thành phần của thượng lưu ưu tú ở Paris: văn thi sĩ (Balzac), họa sĩ (Delacroix, Delaroche), điêu khắc gia, bá tước (Flahaut), công tước (Orleans, hoàng thái tử của Pháp)... và cả Beau Brummell, ông tổ của thời trang phái nam.
Nàng không những có nhan sắc tuyệt mỹ, thân hình đẹp như tượng, mà còn học rộng, biết thuờng thức thi ca, chơi pianô, sáng tác nhạc, cũng như đôi khi còn giúp vui ca hát tại dạ tiệc, hội họp văn nghệ... Người nào giàu sang hoặc nổi tiếng tài hoa đều tự cảm thấy phải đến salon để được chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp. Nói đến nghệ thuật yêu đương thì nàng thuộc loại thượng thừa, hình như không bao giờ thấm mệt. Tình nhân mới, tình nhân cũ xếp lớp xen kẽ nhau, tranh nhau cung phụng để mong được nàng ban ân huệ. Thi sĩ Adam Michkiewic phải xác nhận, "Nàng là kẻ tội lỗi nhất trong bọn họ".
Chopin từ Ba Lan tới Paris được ít lâu thì Delphina mời về dạy piano, và từ đó phát sinh tình cảm giữa thầy trò. Potocka đối với mọi người thì tỏ ra kênh kiệu, hờ hững, khó tiếp xúc, nhưng đối với Chopin thì không. Chàng đã tìm được con đường đến trái tim nàng - con đường không dẫn qua những salon mà qua âm nhạc. Cuộc tình này được bàn tán khắp cộng đồng Ba Lan ở Paris.

Nhưng Delphina không thể từ bỏ lối sống của mình vì một chàng thanh niên Ba Lan. Mặc dù Chopin ghen tương, đau khổ, nhưng mọi người đều đồng ý là chính Delphina mới đúng là người ðiệu nghệ thích hợp để mở đầu bài học tình ái vỡ lòng cho chàng thanh niên Chopin. Chẳng bao lâu Chopin trở thành một tình nhân toàn hảo, không còn bị dồn nén, ức chế nữa.
Một tối Chopin đang mua vui với mọi người bằng cách trình diễn bắt chước giả làm các bạn của mình thì nàng bảo, "Anh hãy thử tưởng tượng là em và bắt chước coi xem sao!". Thay vì làm theo lời nàng, chàng với lấy chiếc khăn choàng trên vai nàng, đem trải dài trên bàn phím piano và ứng tác một giai điệu buồn nhưng đầy quyến rũ, như thể muốn nói với nàng rằng chàng có thể khám phá ra cái bản ngã đích thực của nàng nằm dưới những lớp vài phân cách nàng với thế giới bên ngoài.
Chopin thường hoán đổi mẫu tự, gọi yêu tên Delphina thành Phindela và khi viết thư thì xưng hô với nàng là "Người yêu độc nhất, duy nhất của anh". Những bài học piano rõ ràng là dịp để Chopin phô trương tài nghệ điêu luyện của mình. Ví dụ dạy sử dụng bàn đạp piano, Chopin viết: "Thao tác nó phải cẩn thận, vì không dễ gì chiếm ngay được sự thân mật, yêu thích của nó.
Giống như phụ nữ ngoài xã hội sợ bị tai tiếng, nó sẽ không dễ dàng chiều theo ý mình đâu. Nhưng một khi nó đã chịu rồi, nó có thể thực hiện những phép lạ, chẳng khác một tình nhân già dặn kinh nghiệm".
Chopin đau khổ khi thấy nàng bỏ đi với các tình nhân khác, nhưng trong thâm tâm chàng lại cảm thấy biết ơn, vì như vậy chàng mới có thời gian sáng tác. "Cảm hứng và ý nhạc chỉ đến với anh khi không gần gũi đàn bà một thời gian lâu dài. Khi anh đã dốc hết cốt tủy vào đàn bà đến khô cạn thì cảm hứng biến mất và không một ý nhạc mới nào xuất hiện trong đầu. Thật là tuyệt vời và lạ lùng làm sao, cái tỉnh lực dùng để thụ tinh phụ nữ, tạo nên một đời sống mới ở nàng, lại cũng chính là cái tinh lực để sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Vậy mà đàn ông thường đem phí phạm cái cốt tủy này chỉ trong một lúc thống khoái ngây ngất. Cũng vậy đối với các khoa học gia, các nhà thám hiểm.
Liệu pháp thật là đơn giản. Ðàn ông phải từ bỏ đàn bà, lúc đó cái sinh lực của cơ thể sẽ được tích lũy trong đầu óc dưới dạng cảm hứng và sản sinh được tác phẩm thuần khiết. Hãy thử suy ngẫm sẽ thấy: dục vọng có thể thăng hoa thành cảm hứng. Kẻ phàm phu tục tử sống không có đàn bà sẽ bị dồn nén ức chế đến phát điên lên. Nhưng đối với thiên tài, tình yêu khước từ và dục vọng bất toại nguyện sẽ được mài sắc bằng hình ảnh của người yêu và dẫn đến tình trạng dồn nén, ức chế bị lên cao đến mức độ không còn chịu nổi, thì đó lại chính là nguồn cảm hứng vô tận, góp phần vào việc sáng tác.
"Ôi, Phindela dịu ngọt của anh, bao nhiêu cốt tủy quý báu, bao nhiêu tỉnh lực thiên tài anh đã phung phí vào em! Anh không tạo cho em một đứa con nào, nhưng chỉ Chúa mới biết, bao nhiêu ý nhạc anh đã đổ phí phạm vào em. Ai mà biết được bao nhiêu ballade, polonaise và có lẽ cả toàn thể một bản concerto đã chôn vùi vĩnh viễn trong cái Rê Giáng bé nhỏ của em.
Anh đã thâm nhập sâu vào em đến độ anh không còn sáng tác được chút gì. Cái tỉnh lực lẽ ra để sáng tạo thì lại đã tuôn thẳng từ ngọc hành của anh vào cái Rê Giáng của em, khiến cho hiện bây giờ tử cung của em đầy ắp ý nhạc của anh, đến độ phải bảo là em đang mang thai các tác phẩm của anh...
Các thánh rất đúng khi bảo đàn bà là cổng Địa Ngục! Không, không, anh xin rút lại câu vừa viết. Em chính là cổng Thiên Đàng. Vì em, anh sẽ từ bỏ danh vọng, sáng tạo, tất cả mọi thứ...
"Chopin đôi khi còn dùng thơ để tự diễn đạt rõ hơn:
Yêu em là thú chính của anh
Gối chăn đánh bật cảm hứng xanh
Khao khát núm hồng gò bồng đảo
Suốt đời yêu em. Anh, Chopin.

Chopin bị giằng co giữa âm nhạc và tình dục, mặc dù chúng đan quyện vào nhau chặt chẽ. "Anh biết em thich súng đạn của anh. Và sau khi đọc những luận bàn của anh, em nên trọng vọng chúng hơn, vì rằng chúng không chỉ là nguồn của khoái lạc. Chúng cũng còn là nguồn của những thành tựu nghệ thuật của anh. Cái khoái lạc tuyệt đỉnh, cái sáng tạo ra cuộc sống, nghệ thuật và khoa học - mọi sự đều bắt nguồn từ chúng, với đầy đủ tòan năng một khi chúng vẫn còn sinh động.
Chopin chắc chắn yêu nàng; dù chàng có muốn giữ lại cái cốt tủy quý giá của mình đến mấy chăng nữa, chàng vẫn cứ trông mong được gặp nàng. "Ôi, Phindela, Phindela bé nhỏ của anh. Anh khát khao được ở bên em. Anh đang run rẩy và ớn lạnh như có kiến đang bò khắp nguời, từ trên óc xuống đến ngọc hành. Khi chiếc xe ngựa đưa em trở lại với anh, em sẽ không thể nào lôi anh ra khỏi cái Rê Giáng của em suốt cả một tuần lễ ðâu. Hãy để mặc cho cảm hứng bị tiêu tùng. Hãy để mặc cho các tác phẩm của anh biến mất vĩnh viễn trong cái lỗ đen đó của em".
Khi Chopin đã chán chữ Des Durka (tiếng Ba lan chỉ Rê Giáng Trưởng), chàng sáng tạo ra từ mới để thay thế. "Anh đã sáng tạo một từ âm nhạc mới thay cho Des Durka. Từ này trở đi chúng ta sẽ gọi nó là "nghỉ". Để anh giải thích. Trong âm nhạc, nghỉ là ngừng lại, một lỗ hổng trong giai điệu - một cách thật thích đáng để miêu tả cái Rê Giáng của em. Thôi, học trò anh sắp đến, anh phải ngừng bút. Anh hôn lên toàn thể cái thân hình yêu dấu nhỏ bé của em, và hôn cả bên trong nữa". Bức thư kết thúc: "Frycek trung thành của em, người học trò tài giỏi đã nắm vững được nghệ thuật yêu đương".
Chopin bất bình khi nghe thiên hạ xầm xì Delphina không thể có con vì nàng có quá nhiều tình nhân; đúng như lời cổ nhân: Con đường qua lại nhiều, mòn quá làm sao cỏ mọc được. Chopin viết, "Em yêu dấu của anh. Khi em trở lại em hãy đừng thoái thác thụ thai, để anh cho em một đứa con, khiến thiên hạ sẽ phải câm miệng lại".
Chopin đặc biệt có cảm tình với một học trò, đó là Josephine, con gái Bá Tước Thun. Chopin không bao giờ cưỡng lại được vẻ xinh đẹp của các nữ nhạc sĩ, và đã đề tặng Josephine một bản Luân Vũ. Tuy nhiên đối với Delphina chàng vẫn còn ghen kịch liệt. Khi được biết nàng đang dạy piano một học trò thanh niên, chàng giận dữ đến sùi bọt mép. "Hắn chỉ lấy cớ để được gần em. Hắn không có chút năng khiếu âm nhạc, không đáng để mất công chỉ dạy. Đừng tưởng anh là thằng ngu. Anh thấy rõ chuyện gì đang diễn ra. Bài học piano chỉ là cái cớ cho một cuộc phiêu lưu tình ái. Nếu em muốn cắt đứt, cứ nói thẳng. Đừng xạo với anh về những cái gọi là bài học âm nhạc".
Anh chàng học trò âm nhạc chỉ là mối tình vặt vãnh. Tình địch đáng gờm của Chopin là một người không ngờ: đó là chồng cũ của Delphina. Dưới cái vỏ bên ngoài phóng đãng, thật ra bên trong thâm tâm Delphina rất bảo thủ. Nàng tin vào hôn nhân. Nàng không còn trẻ, đã gần ba mươi tuổi. Và khi chồng nàng yêu cầu trở lại với ông, nàng bán nhà ở Paris và quay về tổ cũ. Để rồi chỉ được một thời gian, lần hàn gắn này cũng đổ vỡ. Delphina trở lại Paris, mở salon và bắt đầu đón nhận tình nhân mới, và xếp hàng trong số đó có Chopin. Mặc dù chỗ ở của hai người chỉ cách nhau vài bước, Chopin chọn cách viết thư, giải thích với nàng rằng cuộc tình của chàng với Sand chỉ là đồn thổi nhiều hơn sự thật. Chính Delphina mới là cuộc đời ngọt ngào êm dịu của chàng, nàng là người tình đầu tiên và cuối cùng, sau nàng sẽ không có ai nữa. Chopin yêu cầu nàng ban cho chàng cái ân huệ tối thượng.
Sau bao lần trần tình, nài nỉ, cuối cùng Chopin cũng được ban ân huệ. Để tỏ lòng biết ơn Chopin đã đề tặng nàng bản Luân Vũ Rê Giáng. Lại Rê Giáng nữa! Tuy nhiên Delphina không phải là của riêng chàng. Chopin không nói gì, nhưng người ta nghe thấy tiếng thổn thức sau cánh cửa đóng kín của phòng chàng. Khi Chopin ốm gần chết, Delphina được tin vội vã từ Nice trở về. Gặp nàng, Chopin bảo, "Chúa đã giữ anh lại tới bây giờ là để anh được gặp em".
Chopin yêu cầu nàng hát một bản aria trong tác phẩm Dettingen Te Deum của Handel. Nàng muốn hát nhưng cổ họng nghẹn lời vì nước mắt. Solange, con gái Sand, thay mặt mẹ ở bên cạnh giường Chopin khi chàng lía đời ngày 17 tháng 10 năm 1849.
Nhiều người thắc mắc về cái uyển ngữ của Chopin. Tại sao chọn Rê Giáng? mà không là Ðô Giáng, Mi Giáng...? Và các học giả đã nêu những giải thích khác nhau. Người cho rằng trên bàn phím piano nốt Rê Giảng là một phím đen nhỏ nằm giữa hai phim trắng dài hơn - cho ta liên tưởng một hình ảnh tượng trưng đôi chân phụ nữ. Như vậy nốt Rê Giáng nằm giữa tượng trưng cái gì thì ai cũng thấy rõ. Người khác cho rằng Des là tiếng Ðức ký hiệu của nốt Rê Giáng, mà nếu đọc theo thổ âm thì cũng có nghĩa "cái đó". Dân gian ở đâu cũng vậy thường không gọi tên thẳng các bộ phận sinh dục mà thường nói trớ đi là "cái đó". Hai giải thích này nghe không đến nỗi nghịch tai.
Giải thích thứ ba chi tiết hơn, nêu ra bài viết của Robert Schumann phân tích tác phẩm Là ci darem variations của Chopin. Schumann đối chiếu một đoạn trong biến tấu 3 với một cảnh trong opera Don Giovanni của Mozart khi Giovanni ép sát Zelina va "hôn nàng trên đúng ngay chỗ Des-Dur". Des-Dur là tên tiếng Ðức của Rê Giáng Trưởng. Nhưng một người bạn Ba Lan thắc mắc: "Chỗ nào trên thân thể nàng là Des-Dur?". Des-Dur trong tiếng Ba Lan là Des Durka, và một tiệm cà phê của một họa sĩ nổi tiếng ở Warsaw có cái tên nghe rất giống, gọi là Dziurka, tiếng Ba Lan có nghĩa là Cái Lỗ Nhỏ. Chopin thường viết cho Delphina, nói chàng khao khát "hôn cái Des Durka của em thật mạnh, thật mạnh."
Tiếc rằng Chopin không đội mồ sống lại để giải tỏa những thắc mắc trên đây. Cũng như chàng đành phải cam chịu nhận một nghi ngờ khác về thực lực của mình. Vì cũng đã có người cho rằng Luân Vũ Một Phút chính là thú nhận của Chopin với Delphina rằng chàng chỉ có thể kéo dài mây mưa tối đa tới một phút là cùng!. Than ôi, chẳng lẽ Chopin của chúng ta, từng là người của các bà, vào thời điểm này lại tệ ðến thế sao?.
(Tham khảo tài liệu của Paulina Czernicka)
Phạm Đức Thân
Theo http://www.saimonthidan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...