Một bó hoa đồng
Ngày xưa có một bác nông phu tánh tình dễ thương, người vợ
bác sanh được hai người con thì mất. Bác nuôi hai con cho đến khi thằng anh lên
mười sáu tuổi và con em lên mười một thì bác thọ bịnh và qua đời. Theo lời di
chúc của bác, hai người con chôn bác trên một đám ruộng nhà, một đám ruộng xung
quanh có trồng nhiều cây ô môi và cây so đũa.
Dù nhà nghèo, bác nông phu đã quyết tâm không bán bớt ruộng đất
cuả ông cha để laị. Trong di chúc truyền miệng laị sáu đời, cha ông chúng ta
căn dặn rằng: “Con cháu không ai có quyền bán đất.”
Hai anh em nghe nói rằng tổ tiên cách đây sáu đời đã từ miền
trung di cư tới; trước đó đất đai miền naỳ chưa được khai phá, và chưa thuộc
quyền sở hữu của bất cứ tư nhân nào. Bốn đám ruộng hiện nay là công trình khai
phá của thế hệ đầu tiên vào nam lập nghiệp. Có thể họ không phải là nông phu mà
chỉ là người ẩn sĩ, học lấy những nghề để tìm đường thoát khỏi những ràng buộc
của hoạn lộ chông gai. Từ đó, con cháu trở thành nông phu thuần túy. Trước khi
mất, bác nông phu đã gọi hai con đến bên giường vá dặn dò nghiêm mật:
- Cha đã từng nói với các con là bốn đám ruộng nhà mình không
ai được bán. Sau khi cha mất đi các con phải giữ gìn khai thác những đám ruộng ấy,
không cho ai thuê mướn. Đã từ năm đời nay, cha ông chúng ta tin có vàng có bạc,
châu báu chôn ở một nơi trong bốn tấm ruộng đó. Nhưng từ ấy đến nay chưa ai
tìm ra được. Nghe nói là tổ tiên của chúng ta từ miền Trung vào đây đã chôn dấu
những kho tàng ấy. Các ngài có để lại một bài kệ nói trang 44 của cuốn gia phả.
Ông nội các con nói rằng bài kệ ấy có thể là chìa khóa đi tìm chỗ chôn kho bảo
vật. Đã từ năm đời, chưa ai tìm được bảo vật, bởi vì chưa ai hiểu được ý nghĩa
sâu kín của bài kệ. Ông nội các con có nói với cha rằng, muốn hiểu được ý nghĩa
sâu xa của bài kệ thì phải để ra thật nhiều thời giờ mà chiêm nghiệm. Trong suốt
cuộc đời của ông nội các con, đất nước chúng ta thường bị loạn lạc, và ông nội
các con thường phải đi lánh nạn nhiều lần. Nhà của bị tan nát, ông nội các con
đã phải cực nhọc lắm mới xây dựng được căn nhà này. Vì thế ông nội các con
không có thì giờ để nghiền ngẫm bài kệ. Trước khi mất,ông nội các con có căn dặn
lại mọi điều, và hy vọng rằng cha sẽ có tháng rộng năm dài mà chiêm nghiệm về
bài kệ. Nhưng than ôi, dù không bị chạy loạn, dù không phải lo cất lại nhà, cha vẫn
không có được thì giờ để làm công việc ấy. Sau khi cưới mẹ các con, cha tưởng rằng
công việc đồng áng sẽ nhàn hạ hơn, bởi vì mẹ con cũng là con gái một nông dân cần
mẫn lắm. Mẹ con rất đảm đang, không những lo lắng hết công việc trong nhà mà còn
giúp cha rất đắc lực trong công việc ngoài đồng. Tuy vậy cha vẫn không có được
chút thì giờ rộng rãi cần thiết để làm cái công việc mà bao nhiêu thế hệ mong mỏi
mà chưa làm được.
Nay thì hoài bão đã trao về thế hệ các con. Hãy đừng quá bận
rộn như cha. Hãy làm đủ ăn mà thôi,đừng phí hết thì giờ vào việc mưu sinh. Các
con hãy thay cha mà tìm ra được ý nghĩa sâu xa của bài kệ, tìm ra được kho vàng.
Như thế thì mới khỏi phụ lòng của tiên tổ chúng ta nơi chín suối. Cuốn gia phả
cha vẫn cất trong chiếc hỗp gỗ đặt trên bàn thờ. Các con phải nhớ là bài kệ ở
trang 44.”
Sau khi chôn cất cha xong,hai anh em lạy trước bàn thờ tổ
tiên và thỉnh cuốn gia phả xuống, cung kính mở ra đúng trang 44. Người anh đọc
bài kệ như sau:
Thượng vô phiến ngõa giá
Hạ vô trác chùy địa
Hoặc dịch phục trực nghệ
Hoặc sách trượng nhi chí
Động chuyển xúc xứ gian
Tợ long dước thôn nhĩ. (1)
Hạ vô trác chùy địa
Hoặc dịch phục trực nghệ
Hoặc sách trượng nhi chí
Động chuyển xúc xứ gian
Tợ long dước thôn nhĩ. (1)
Cả hai ngồi lặng yên thật lâu. Tuần nhang cháy đã gần hết
trên bàn thờ,cô em gái mới lên tiếng:
– Anh hai có
hiểu được chút gì không? Em nghe bài kệ hay hay nhưng em chẳng hiểu được chút
nào hết.
Người anh không đáp, lẳng lặng xếp cuốn gia phả lại, bỏ vào hộp
gỗ, kính cấn đặt lại trên bàn thờ. Cả hai lại sụp lạy trước tổ tiên. Một lúc lâu, người anh nói:
– Đúng như lời
của ông nội dạy. Phải có tháng rộng năm dài mới hiểu lời của tiên tổ. Chúng ta
sẽ nghe lời nội dạy. Nhất định là sau khi thu xếp của nhà, chúng ta sẽ để thì
giờ thật nhiều để chuyên tâm nghiên cứu về bài kệ.
Hai anh em nhà kia đã xây dựng lại căn nhà tổ tiên thành một
ngôi nhà mới. Họ được mùa liên tiếp trong sáu năm,nên dư sức xây lại ngôi nhà.
Mái ngói đỏ chói. Những cây mít ngoài sân xanh mát sum xuê, trái trĩu nặng từ gốc
tới ngọn. Vựa lúa không khi nào vơi. Hai con trâu đen khỏe mạnh thay nhau kéo
cày vỡ những thửa ruộng đất đen như mun, làm mọc lên những cánh đồng lúa xanh
mơn mởn. Hai anh em làm ăn khá giả. Người trong làng hầu hết đều yêu mến hai người.
Người anh cũng như người anh, cả hai đều tốt bụng. Có người tới vay lúa, họ
không bao giờ từ chối, không bao giờ lấy lãi một thành hai như mọi người. Không
có kẻ túng bẩn nào đến gõ cửa mà cửa không mở. Người làm lụng phụ với anh em đều
là người chân thật, biết xem của chủ như của mình. Khách khứa vào những ngày kỵ
giỗ, ra vào tấp nập. Ai cũng khen là anh em tốt phước. Các cô gái trong làng đều
để ý tới người anh. Nhưng chưa bao giờ người anh nghĩ đến chuyện cưới vợ. Anh
ta nhất quyết không lấy vợ, để có thể có nhiều thì giờ nghiền ngẫm tới bài kệ của
tiên tổ để lại trong cuốn gia phả trên bàn thờ.
Cô em gái cũng đến tuổi lấy chồng. Các chàng trai làng cũng đều
ngắm nghé, bởi vì cô vừa thùy mị xinh đẹp, vừa hiền hậu nhân từ. Cô lại là một
người làm ruộng giỏi, giúp anh quán xuyến công việc từ trong tới ngoài. Nhiều
người đã nhờ mai mối tới dạm, nhưng cô thảy từ chối. Có lẽ là cô cũng đồng ý với
anh cô: sống độc thân để có đủ tự do và thời gian mà tìm ra ý nghĩa của bài kệ.
Nhưng hai anh em chưa ai tìm ra được ý nghĩa cùa bài thơ.
Công việc làm ăn tuy chẳng có gì bận rộn quá mức, nhưng cả hai đều không thấy có
thì giờ. Nợ nần không có, nhà cửa khang trang, ruộng đất phì nhiêu, mùa màng
không thất bát, người làm lụng giúp đỡ không thiếu, tại sau thì giờ lại cứ như
tên bay? có lúc người anh nằm vắt tay trên trán suy nghĩ suốt đêm. Cơ nghiệp của
cha ông để lại, anh đã gánh vác tốt đẹp, nhưng tại sao trong lòng anh thấy không
vui? Bài thâm diệu kia có dính líu gì tới cuộc đời anh? Tại sao chưa tìm ra được
ý nghĩa mầu nhiệm của nó thì anh vẫn không thấy trong lòng an ổn? Anh thật có
cần tìm ra kho vàng bạc của cha ông để lại chăng? Hay chỉ cần làm theo lòng
mong đợi từ đời này sang đời khác của họ? Lắm khi anh tự nghĩ: cơ nghiệp mà
anh đã xây dựng, nào nhà cửa, nào vườn tược ruộng nương, chính là trở ngại cho sự
tìm kiếm của anh. Một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ đồng hồ. Thức dậy, cơm sáng
ra đồng; bữa trưa nghỉ lưng dưới gốc cây trên bờ ruộng; buổi chiều chăm lo
công việc cho đến khi trâu bò về chuồng. Buổi tối, sau khi tắm rửa và ăn cơm,
anh đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào. Gặp những ngày hội anh cũng nghỉ ngơi
rong chơi, tham dự. Nào có bận bịu gì lắm cho đang. Có ai tay không làm mà hàm
có nhai đâu. Một ngôi nhà, một vựa lúa, những thửa ruộng, một đàn trâu
bò… đó có phải là một nơi nương tựa căn bản hay không? Trên cái căn bản ấy,
taị sao anh chưa lên đường đi tìm? Anh còn thiếu thốn gì? thì giờ. Ông nội anh
nói đến thì giờ. Cha anh nói đến thì giờ. Bây giờ anh cũng nói đến thì giờ. Thì
thì giờ đấy - Anh mới có hai mươi tuổi. Làm gì cho hết thì giờ. Tuy nhiên anh
không có thì giờ. Không nhà cửa ruộng nương thì không có miếng đất cắm dùi,
anh sẽ đi lang thang. Có nhà cửa ruộng nương, anh phải dùng đời anh vào việc
chăm sóc nhà cửa ruộng nương. Anh trằn trọc không ngủ. Anh nghĩ đến những đạo
sĩ ngày xưa bỏ làng bỏ xóm, bỏ cửa bỏ nhà, đi vào rừng sâu hiu quạnh để tìm đạo.
Anh nghĩ: “Ừ, có lẽ phải bỏ hết mới có được thì giờ. Nhưng làm sao mà bỏ. Cơ
nghiệp tổ tiên để lại ai lại bỏ đi. Với lại kho vàng nằm trong những đám ruộng
của mình. Bỏ đi là mình mất hết.”
Cứ như thế, năm tháng lại tiếp nối qua mau. Thấm thoát mà
chàng nông phu đã gần ba mươi tuổi. Niềm thao thức nói anh không chết, trái lại
càng ngày càng sâu đậm hơn. Đời sống hằng ngày trở nên vô vị. Những ngày mùa,
lúa chín đầy đồng, thợ gặt hái vui đùa vừa hát vừa làm việc. Những đêm trăng đập
lúa, trai gái trong làng hội họp hát hò, anh không còn thấy vui nữa. Cô em
gái bảo anh:
– Hay là anh
để em quán xuyến hết mọi công việc nhà cửa và đồng áng để anh hoàn toàn rỗi rảnh
mà lo chiêm nghiệm bài kệ? Em thấy anh không còn hạnh phúc nữa.
Ban đầu,chàng nông phu thấy ý kiến của cô em gái thật hay.
Nhưng khi đem ý kiến đó ra thi hành, chàng thấy đó không phải là việc dễ. Đã
đành, cô em gái có đủ khả năng quán xuyến mọi việc trong nhà ngoài ngõ, nhưng
tại sao anh lại không thể ở không? Anh đã quen công việc quá rồi, không động
tay vào công việc thì anh ngứa ngáy hai tay và đôi mắt. Anh chợt thấy, anh
không thể ở không được. Anh đem ý ấy ra nói với cô em gái. Cuối cùng hai
anh em tìm ra được một giải pháp: người anh tạm giao cho em tất cả sự nghiệp,
còn mình thì tìm một ngôi chùa miền trung xa xôi, ở lại đấy cho đến khi chiêm
nghiệm ra được ý nghĩa của bài kệ. Trong thời gian ấy, cô em gái cứ gửi lúa ra
cúng chùa mỗi tháng là mười giạ. Họ nghĩ: Khung cảnh chùa thật là thích hợp
cho sự chiêm nghiệm bài kệ. Ở chùa, chàng nông phu sẽ rảnh được hoàn toàn mà
suy nghĩ tới bài thơ, không còn bị công việc đồng án ám ảnh nữa. Thế là chàng
chuẩn bị để lên đường.
Chàng nông phu bước chầm chậm trên con đường làng, khăn gói
trên vai. Hôm nay chàng trở về nông trại sau ba năm cư trú nơi thiền môn. Trời
nắng, con đường làng vắng vẻ, chàng chưa gặp một bóng người. Đi đến ngã tư có
cây đa già, chàng dừng lại tránh nắng. Chàng đặt khăn gói xuống đất và ngồi
trên một cái rễ cây. Cảnh vật im lìm. Hồn buổi trưa nao nao.
Ba năm cư trú nơi thiền môn đã giúp cho chàng được những gì?
Ba năm sống trong chùa chàng cũng phải làm lụng như mọi người trong đại chúng.
Gánh nước, lặt rau, đốn củi, trồng khoai. Công việc có phần nặng nhọc hơn cả
công việc ở nhà, vì ở nhà chàng còn có người giúp việc đỡ đần, còn ở chùa thì
ai cũng phải làm việc như nhau. Những giạ lúa cô em gửi ra cúng chùa, không đỡ
đần được công việc cho chàng, bởi vì chấp lao phục dịch là một phần của công
phu tu hành, không ai tránh khỏi. Bài kệ chàng học thuộc lòng từng câu, từng
chữ một. Chàng đọc thầm trong trí hàng vạn lần trong những giờ ngồi thiền.
Nhưng không vỡ vạc ra được tí nào. Hai câu đầu chàng cho là bí hiểm nhất:
Trên không manh ngói che
Dưới không chỗ cắm dùi
Một điạ điểm như thế thì thật có khác gì một phi điạ điểm.
Không lý là một cái ao? Một cái ao vẫn có thể cắm dùi được. Mà trong bốn thửa
ruộng làm gì có ao? Chỉ có cái ao bèo sau nhà mà thôi. Không lý kho tàng lại
chôn dấu dưới đáy ao? Hay là kho tàng che dấu dưới một tảng đá? Đúng rồi,
trên một tảng đá thì không thể cắm dùi được. Mà trong bốn đám ruộng chàng thường
cày bừa, làm gì có một tảng đá nào? Chàng nghĩ: Một nơi mà “trên không
manh ngói che” thì phải là một nơi lộ thiên. Như vậy thì phải loại ra những
nền nhà cũ và mới. Chàng cho là chàng hiểu được câu ấy. Còn câu thứ hai “dưới
không chỗ cắm dùi” thì chàng còn phân vân. Đến hai câu:
Hoặc mặc áo lạ lại
Hoặc xách gậy mà tới
Thì chàng càng phân vân hơn. Có thể là nơi chôn cất những tổ
tiên đầu đến lập nghiệp ở đây. Hai câu thơ gợi ý đám tang: Nhưng mồ mả tổ
tiên đều nằm giữa nghĩa địa trong làng, chứ không phải trong bốn thử ruộng.
Trong đám ruộng xung quanh có trồng cây và sua đũa thì chỉ có mộ của cha mẹ
chàng mà thôi. Trong khi đó thì bài kệ đã để lại từ sáu đời rồi. Kho vàng
không thể nào được chôn ở nghĩa địa. Hai câu chót cũng làm chàng lạc lõng
không kém:
Lúc tiếp xúc động chuyển
Như rồng nhảy đớp mồi
Ban đầu chàng nghĩ đó là địa lý. Có lẻ một thầy địa lý giỏi
có thể tìm ra được vị trí chôn cất kho tàng. Vị trí này có lẽ là vị trí con rồng, và miệng con rồng. Một thầy địa lí giỏi có thể quan sát để tìm ra trong bốn
thửa ruộng của chàng cái vị trí miệng rồng để giúp chàng đào lên kho tàng của
cha ông để lại. Nhưng nghĩ cho kỹ lại, đất ruộng phẳng lỳ trong một diện tích
hàng mấy trăm cây số làm gì có rồng xanh hổ trắng?
Có lần chàng đưa bài kệ cho một vị thượng toạ trong chùa để
nhờ ngài giải thích, may ra tìm được ý nào chăng. Vị thượng tọa đọc xong, hỏi
chàng chép được ở sách ngữ lục (1) nào? Nghe nói chép ở một cuốn gia phả, người cau mày, lấy làm ngạc nhiên. Ngài nói người viết ra bài kệ có dáng dấp
một bực xuất thế. Theo lời vị thượng tọa, bài kệ chẳng có dính dấp gì tới địa
lý hết. Ba năm trôi qua, chàng không hiểu thêm được gì về bài kệ. Chỉ có
lòng chàng là có đổi thay ít nhiều. Chàng nhìn sự thật chăm chú hơn. Ước ao
tìm thấy kho vàng của tổ tiên yếu đi. Tuy vậy, chàng cảm thấy giữa bài kệ và
cuộc sống hàng ngày, giữa bài kệ và sự ăn uống ngủ nghỉ, làm việc của chàng
có một liên hệ gì mật thiết lắm. Mật thiết như là giòng máu của cha ông còn lưu
nhuận trong cơ thể của chàng.
Ánh nắng đã dịu, chiều mát xuống. Chàng đứng lên, nâng
khăn gói vác lên vai, và hướng về phía thôn Hạ nhà chàng. Lúa hai bên đường
xanh mơn mởn, ngọn lúa gọn nhẹ theo gió chiều. Lòng chàng man mác một niềm
vui. Bổng tiếng hát của ai thoảng bay tới trong gió, giọng hát tươi vui như
sóng lúa mơn mởn. Chàng dừng lại lắng nghe. Tiếng hát càng ngày càng rõ.
Chàng nhận ra đó là tiếng hát của cô em gái chàng. Hướng về tiếng hát, chàng
rảo bước đi tìm em, lòng rộn ràng như tết. Đi một quảng nữa, chàng rẽ vào
con đường đi tới đình làng.
Từ phía ruộng dâu đi lên, em gái chàng đang đi giữa đàn trâu
bò, tay ôm một đóa hoa đồng, vừa đi vừa hát. Cô vẫn chưa trông thấy anh mình. Nhưng kìa, cô đã trong thấy chàng với chiếc tay nãi trên vai và vội vàng chạy
tới. Chàng nông phu cũng chạy lại với em. Thuận tay cô đưa bó lúa hái được
ngoài đồng cho chàng.
Chàng nông phu bước lùi lại một vài bước, nhìn cô em gái
mình. Cô cũng ngước mắt nhìn anh, mỉm cười. Nàng nhìn anh từ đầu đến chân.
Nàng nhìn bộ áo nâu chàng mặc, tay nãi màu xám chàng mang trên vai, nàng nhìn
vào mắt chàng. Lạ quá, chàng nông phu thấy cái nhìn của em mát rượi như một
dòng suối làm thư thái cả thân tâm chàng, Bỗng nhiên bao ưu tư tan biến mất hết, chàng thấy lòng nhẹ nhõm như đám mây bay. Đúng rồi, đó là cô em ruột của
chàng, nhưng cái nhìn của cô bao dung và che chở như cái nhìn của một bà mẹ.
Hai anh em lùa đàn trâu bò lên đồi cỏ. Họ đến ngồi trên một
mô đất có bóng cây im mát. Chàng bắt đầu kể cho cô em gái nghe ba năm tập tành
trên chùa. Nàng nghe chăm chú, không bỏ sót chi tiết nào và không hề ngắt lời
chàng.
Chàng kể xong hết chuyện mình rồi quay lại nhìn em. Nước da
nàng đen, thân hình nàng mạnh khoẻ, hai mắt nàng sáng và nụ cười thật tươi mát
hiền lành. Nàng vốn ít nói. Bây giờ lại càng ít nói hơn. Nhưng trong dáng điệu
và cái nhìn của cô em, người anh thấy cô đã tìm ra sự bình an và một nguồn hạnh
phúc. Chàng nói thêm cho em nghe về những suy nghĩ sau này của về bài kệ
trong cuốn gia phả, và tỏ ý ngạc nhiên là chàng không còn tha thiết mấy đến việc
tìm kiếm kho vàng của tổ tiên đển lại.
Đến lượt nàng kể chuyện nàng:
“Sau ngày anh ra đi, một mình em coi sóc cửa nhà ruộng
nương, nhưng em không cho đó là công việc nặng nhọc khó khăn. Cho nên em đã
làm công việc đồng áng một cách thảnh thơi. Với sức anh, chỉ trong bảy hôm là
anh cày hết ruộng nhà. Em đã để ra đến mười hai hôm, cày thong thả, biết rằng
cố gắng làm cho mau xong thì cũng thế thôi; ngày giờ dư ra, biết để làm gì.
Công việc nghiền ngẫm bài thơ đã có anh lo liệu.
Nhưng khi cầm lấy bắp cày và thôi thúc con trâu bước tới, em
bỗng nghĩ ra một điều mới lạ. Em nói: Chỗ đất mà em đang cày đây có thể là nơi
chôn dấu kho vàng. Cày được một khoảng, em lại nghĩ: chỗ đất mà em đang cày
đây có thể là nơi chôn dấu kho vàng. Nơi nào trong ruộng cũng có thể là nơi
chon dấu kho vàng. Suốt tám ngày trời, cày đến đâu là em nghĩ rằng kho vàng
được chôn ở đấy. Cho đến cuối ngày thứ tám .
“Chiều ngày thứ tám khi em đang cày luống cuối cùng của thửa
ruộng gần chùa, em bỗng giật mình thấy rằng tất cả ruộng nương của mình, nơi
nào cũng là kho vàng, không phải kho vàng cất dấu trong lòng đất mà là kho
vàng nơi mỗi tấc đất. Không phải em hiểu theo câu ca dao “Ai ơi đừng bỏ ruộng
hoang, bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” đâu anh. Không phải vì ruộng đất
cho mình lúa mà mình quý nó như vàng. Em thấy rõ ràng rằng em quý đất vì
nó là đất chứ không phải là vàng.
Rồi em nhìn ra, em thấy cái cày, con trâu, những đám mây trắng, chân trời và hàng cây bông sứ sau chùa. Em thấy quý cái cày vì nó là cái
cày, em quý con trâu vì nó là con trâu, em quý những đám mây vì nó là đám mây, em quý hàng cây bông sứ vì chúng là hàng cây bông sứ. Em nhìn lại em; em
cũng thấy rõ rang em quý em bởi vì em là chính em… Em chợt nghĩ rằng cái em đi
tìm không phải là một kho vàng mà là sự có mặt hiển nhiên của em và của mỗi sự
vật trong trời đất.
“Tới đó em sung sướng như người ta khi bắt được vàng. Em về
tắm gội, ăn cơm với những người giúp việc, và cảm thấy yêu thương cuộc đời,
thương yêu mọi người, thương yêu mọi vật. Sáng ngày hôm ấy, em
đem trâu ra ruộng tiếp tục cày thửa thứ ba. Suốt ngày hôm ấy và ba ngày kế tiếp
sau đó, em cày ruộng với ý thức thật minh mẫn, mỗi giọt mồ hôi của em nhỏ xuống
ruộng đều như mang linh hồn em tưới vào đất ruộng. Con trâu thật là một người
bạn đường quý giá. Em thấy giữa em và con trâu, không có ai là quan trọng hơn
ai, và em thấy giữa chúng em có một mối tương quan mầu nhiệm khôn tả.
“Nếu em biết viết, chắc em đã viết thơ kể cho anh nghe những
điều đó, và nói cho anh biết dù anh không tìm ra được ý nghĩa của bài kệ, dù
anh không tìm ra được kho vàng, thì đời sống của chúng ta vẫn tràn đấy hạnh
phúc. Em cứ tiếp tục gửi lúa cho chùa hàng tháng, nghĩ rằng anh cũng như em,
khao khát tìm ra kho tàng tổ tiên thì ít mà khao khát tìm ra ý nghĩa bài kệ thì
nhiều.
“Riêng em, em cứ mỉm cười không biết nếu tìm ra được kho vàng
thì anh và em sẽ dùng vàng để làm gì. Mua them ruộng đất chăng, xây cất thêm
nhà cao cửa rộng chăng? Ruộng đất từng này cày chưa đủ sao, nhà cao cửa rộng ai
mà coi sóc? Cái nhà của anh, mấy miếng ruộng của anh đã chẳng đủ làm cho anh mệt
mà phải lánh về chùa đó sao?
“Em không tha thiết đến kho vàng. Nhưng bài kệ của tổ tiên để
lại, em thấy có gì liên hệ mật thiết đến đời em. Từ ngày anh đọc cho em học thuộc,
e thường hay đọc lại một mình. Tới nay em vẫn không hiểu được gì hết. Tuy vậy mỗi
lần đọc lên, em thấy rung động trong lòng. Cũng như khi nghe gió kêu xào xạc
trong lá sua đũa, em chẳng biết là gió muốn nói gì, em chỉ biết em ưa nghe tiếng
gió thổi như thế và cảm thấy gần gũi rất gió với cây.
‘Em không ham muốn gì kho vàng, nhưng nhờ tám ngày cày ruộng
trên kho vàng mà em tìm ra được em, được lưỡi cày được con trâu, được đám mây
trắng, được cây bông sứ sau chùa. Tối hôm ấy em nằm mơ thấy cha chúng ta nhìn em
mà cười, nét mặt rất là hoan hỷ. Em nói với cha: chính anh hai con đã tìm ra
kho vàng đó, chớ không phải con đâu.
“Từ ngày ấy, em sống rất thanh thản, ca hát với trâu bò, với
nương khoai, ruộng lúa. Em đợi anh về. Anh ở lại trên chùa đến ba năm. Bây giờ
anh về, em sung sướng quá.”
Chàng nông phu trẻ lắng nghe những lời nói phát xuất từ đáy
lòng của cô em gái. Chàng giật mình khi nghe cô em nói đến phát kiến của nàng về
kho vàng. Đã có lần chàng đi sát tới nơi mà chàng chưa đạt qua được. Đúng là
cũng có lần chàng cảm thấy không thiết tha tới kho vàng. Đúng là chàng cũng thấy
là bài kệ của tổ tiên có liên hệ mật thiết tới chàng như giòng máu tổ tiên hiện
đang lưu chuyển trong từng huyết mạch. Có lẽ vì chàng đi tìm nên chàng nên
chàng đã không gặp và em chàng đã gặp vì đã không có ý muốn đi tìm. Sáng mai,
chàng sẽ đi thăm lại ruộng đồng, nhìn lại bắp cày, con trâu, bông lúa, đển thấy
lại lòng mình sau bao nhiêu năm xa cách.
Chàng đứng dậy, nhìn cô em với cặp mắt biết ơn và thân ái.
Hai người lên đồi, đùa đàn trâu bò xuống. Trên con đường về nông trại, chàng
nông phu nghe trời đất và quê hương như một cánh tay hiền từ ôm trọn lấy lòng
chàng.
Chú thích:
(1) Kệ của thiền sư Tịnh Không (1091-1170) trong
Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục. Nguyễn Lang dịch như sau:
Trên không manh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Hoặc mặc áo lạ lại
Hoặc xách gậy mà tới
Lúc tiếp xúc động chuyển
Như rồng nhảy đớp mồi.
Trên không manh ngói che
Dưới không đất cắm dùi
Hoặc mặc áo lạ lại
Hoặc xách gậy mà tới
Lúc tiếp xúc động chuyển
Như rồng nhảy đớp mồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét