Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Sông Seine vọng tiếng sông Hương

Sông Seine vọng tiếng sông Hương
Lúc tôi sắp rời Pháp, một cô bạn từng nổi tiếng là hoa khôi của Huế hồi những năm sáu mươi, hỏi tôi: "Mai anh về anh có nhớ Paris?" Câu hỏi tự nhiên nhưng tôi lại nghe nó vang vọng như một câu thơ, cho nên tôi đã tiếp lời bạn để hoàn thành một khổ thơ "Nhớ sông Seine mấy chục nhịp cầu/ Nối lại nhưng bến bờ xa cách/ Những chuyện tình tưởng đã biệt ly". Sau đó tôi làm tiếp thành một bài thơ mười khổ và kết thúc bằng câu: "Hẹn một ngày trở lại Paris". Tôi đã thực hiện lời hẹn ấy và chắc còn trở lại Paris nhiều lần nữa.
Đối với tôi, sông Seine, Paris, Pháp không phải là những địa danh vô tình như bất cứ một nơi nào khác trên trái đất. Quả thật ở đấy đang chôn chặt những "chuyện tình" đồng hương Huế bao la bát ngát của tôi. Ở Paris nhiều lần nhìn vào chương trình thăm viếng và làm việc trong tuần của mình, tôi phải thốt lên: "Ở bên Tây mà suốt bảy nagỳ chỉ đến những gia đình Huế, nghe giọng Huế, ăn những món Huế và nghe những tiếng đàn giọng hát bất hủ của Huế. Thật lạ lùng?"
Có những chuyện hiện nay ở Huế tôi cho là đã trở thành hoài niệm, khi sang Paris thì thấy vẫn còn có đó. Sau buổi nói chuyện Huế bí ẩn và khám phá tại nhà hàng Cocotier thì có hai ông bà ngồi nán lại gặp tôi. Họ tự giới thiệu là chủ nhân của hiệu ảnh Tăng Vinh ở cửa Thượng Tứ ngày xưa. Trời đất ơi, trong bộ sưu tập ảnh cũ của gia đình Cựu hoàng Bảo Đại - Hoàng hậu Nam Phương của tôi đa số đều có đóng dấu nổi Tăng Vinh. Khi tôi lớn lên thì hiệu ảnh Tăng Vinh không còn nữa. Nào ngờ...! Chị Trà My - người chị cả trong gia đình "Tứ My" Trà Kiều Nga Diệm - niềm tự hào của thế hệ chúng tôi, trải qua bao "mưa nắng" chị vẫn đejp và duyên dáng như ngày nào. Chồng chị là bác sĩ Phạm Doãn Để - con trai Dược sĩ Phạm Doãn Điềm - một mạnh thường quân của Huế thời kháng chiến. Trường trung học Nguyễn Tri Phương ở Huế ngày nay là món quà tặng của gia đình họ Phạm hồi Cách mạng Tháng Tám 1945. Tôi được chị Trà My mời ăn những món đặc biệt Huế do chính tay chị nấu. Ăn cơm xong, anh Để giới thiệu với tôi bộ sưu tập tượng Phật của anh. Tượng đồng, tượng đất, tượng gỗ, tượng nhỏ bằng ngón tay cái cho đến tượng lớn bằng con người thật đang xếp bàn. Trong lúc tôi ngắm các vẻ đẹp từ bi bác ái của Phật thì anh Để mở đàn dương cầm lướt nhẹ bản Tà áo tím của Hoàng Nguyên. Trong một phút giây nào đó tôi đê mê như đang ở giữa làng Vỹ Dạ chứ không phải ở đường Lamark quận 18 Paris.
Anh bạn vong niên không rời tôi ở Paris là bác sĩ Nguyễn Đại Bảng. Trước năm 1975 anh là dân biểu trong nhóm đối lập ở Sài Gòn và là Chủ tịch Hội bảo vệ Văn hoá Cố đô. Trong phòng khách nhà anh ở Khu lao động Barbès quận 18, treo một bức tranh sơn dầu cỡ 3m x 4m vẽ cảnh Vua Bảo Đại mặc áo hoàng bào đứng trên cửa Ngọ Môn trao ấn kiếm cho phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH. Phía trước có hàng vạn dân chúng sắp hàng nghiêm chỉnh chứng kiến việc trao ấn kiếm. Bên cạnh các khối dân chúng vẽ một người đàn ông dắt một cậu bé trai đứng tách ra khỏi hàng giơ tay ao hoan hô. Đó là hình ảnh của bác sĩ Nguyễn với cụ thân sinh ngày xưa. Hằng đêm tôi đặt ghế bố ngủ trước bức tranh ấy nên cứ mơ mơ màng màng là mình đang ngủ dưới chân Hoàng thành.
Sau khi chế độ quân chủ ở Việt Nam cáo chung, do hoàn cảnh lịch sử, gia đình các ông vua có tinh thần chống Pháp và thân Pháp đều dồn qua Paris. Cũng như ở Huế, đa số người Huế tôi được gặp ở Paris là bàg con họ Nguyễn Phước, nhất là hệ phái cháu chắt vua Minh Mạng (có chữ lót Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh...). Họ Nguyễn Phước ở Paris có một số rễ dâu tây, đầm khá đông. Trước kia các ông tây, bà đầm này chẳng quan tâm đến họ Nguyễn Phước cảu nhà chồng, nhà vợ mình gì cả. Từ sau ngày di tích của nhà chồng, nhà vợ mình gì cả. Từ sau ngày di tích Huế được Unesco công nhận là di sản văn hóa nhân loại (1993), Cố đô Huế được người Pháp "sùng văn hóa cổ" quan tâm, dòng họ Nguyễn Phước ở Paris bỗng trở nên có giá trị. Bà Mercedès - người Tây Ban Nha, vợ bác sĩ Patrick (con trai Giáo sư Bửu Hội thuộc phủ Tuy Lý), đang tích cực sưu tập tư liệu lịch sử để viết sách về triều Nguyễn. Đến thăm nhà bà ở đường Lecourbe quận 15, tôi được bà cho xem "Phòng tư liệu" triều Nguyễn của bà. Bà có nhiều tư liệu sao chép từ kho lưu trữ ở Aix-en-Provence mà nhiều nhà nghiên cứu Nguyễn chưa hề biết đến. Bà có ý muốn lập một hội đoàn để vận động các tổ chức quốc tế, vận động ông Tổng thư ký Unesco giúp Huế mạnh hơn nữa. Tôi còn chờ cái ước nguyện của bà trở thành hiện thực. Nhưng dù sao với tấm lòng của bà như thế tôi cũng đã thấy cám ơn lắm rồi. Một người sinh hoạt trong quý tộc của Pháp mà không tỏ ra quý tộc là hoàng nữ Phương Thảo - con gái Cố vấn Vĩnh Thụy và bà Bùi Mộng Điệp ở Hà Nội 1946. Phương Thảo học được nghề trang trí nội thất của hoạ sĩ Lê Phổ nến kiếm tiền rất dễ. Cô đã vận động được các nhà tư bản có cổ phần trong Ngân hàng Amenricain Express giúp hàng trăm ngàn USD để trùng tu Minh Lâu và Binh Đình lăng Minh Mạng. Đến thăm cố ở nhà bà "thứ phi" Mộng Điệp điều bất ngờ nhất đối với tôi là được nghe băng casette giọng bà Thái hậu Từ Cung tụng kinh Phật. Bà Từ Cung đã mất cách đây đúng hai mươi năm (1980-2000) không ngờ bà vẫn sống với dâu và cháu nội ở Neuilly Quận 12 Paris.
Đến thăm các gia đình người Huế ở Paris tôi cảm thấy rất dễ chịu. Ngay cả nhà của các bà đầm làm dâu Huế. Nhiều người xa Huế đã ba bốn chục năm vẫn giữ cái giọng Huế ngọt ngào. Nhà nào cũng có vài hình ảnh Huế như chùa Linh Mụ, cửa Ngọ Môn, cầu Trường Tiền... treo trên tường. Nhiều tờ lịch có hình ảnh Huế đã qua vài năm vẫn được chủ giữ lại. Có người kỹ tính cắt phần ngày tháng của lịch mới dán phía dưới tờ lịch Huế cũ để dùng tiếp. Nhiều gia đình có cả tủ đồ cổ. Nhà chị Bùi Thị Cẩm Hà (người quê ở Nam Phổ, cựu học sinh Đồng Khánh) ở Versailles có nhiều bộ sưu tập ngà voi, tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam, đồ cổ men Lam Huế, sách cổ... đủ để làm một nhà Bảo tàng mỹ thuật Huế tại Pháp. Mấy năm qua, với sự khuyết khích của Unesco và các nhà kinh tế thế giới, nhiều cuốn sách ảnh có giá trị về Huế như cuốn Huế - La Cité Impériale, Huế - La Cité Interdite... liên tiếp ra đời. Mỗi cuốn trên dưới 400 francs (tương đương tám trăm ngàn đồng Việt Nam). Nhiều gia đình đang khó khăn kinh tế cũng cố gắng tìm mua mấy cuốn này để khoe quê mình với người ngoại quốc. Trong những ngày tôi có mặt ở Paris, đĩa ca nhạc cung đình Huế do nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết giúp Nhà văn hóa Thế giới thực hiện vừa ra lò và bán rất chạy. Đây là một phát hiện mới của người châu Âu đối với châu Á. Nhiều gia đình Huế tìm mua tặng nhau như một món quà quý của quê hương. Rất tiếc những cuốn sách quý, những đĩa nhạc có giá trị quốc tế ấy ở chính ngay đất Huế ít người biết đến.
Đến Paris mà không đến thăm gia đình các ông rể Huế, các người cháu ngoại của Huế là rất thiếu sót. Tôi đã được đến ăn cơm, nghe nhạc Huế ở Vitry-sur-Seine tại nhà giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê (chắt ngoại của danh tướng Nguyễn Tri Phương); đến xem tranh nhà bác sĩ họa sĩ Dương Cẩm Chương (chồng bà nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế) ở đường Lourmel quận 15. Và tôi cũng được đến thăm các gia đình không phải người Huế nhưng đã có nhiều gắn bó với Huế như gia đình các chị Phạm Thị Hoàn (cựu nữ sinh Đồng Khánh, cháu dâu của nhà yêu nước Lương Văn Can) ở Yerres. Chị Ngoạn là tác giả nhiều công trình về tạp chí Nam Phong. Tài sản quý nhất trong gia đình chị là hàng ngàn cuốn sách về văn hoá lịch sử Việt Nam đã được đóng bìa da mạ chữ vàng. Nhà chị Hoàn bên bờ một con sông nhỏ, chị gọi là sông "An Cựu". Chị dùng tầng trệt ngôi nhà làm quán ăn Sông Hương. Nhiều cuộc họp mặt của người Huế đã được tổ chức ở đây. Khi chúng tôi đến quán ăn đã hạ bảng chuyển thành dòng phòng đọc sách dành cho người Việt Nam sang Pháp ở lại nghiên cứu viết luận án.
Đặc biệt nhất là có nhiều người Pháp không biết Huế nhiều và cũng chưa bao giờ đến Huế thế là khi gặp được những người Huế có tại họ phải lòng và đâm ra khâm phục và trở thành những người bạn của Huế. Đó là trường hợp những người Pháp trong Hội Bạn của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị do ông André Roussel làm Chủ tịch. Tôi được ông Roussel tiếp tại nhà riêng ở Villa Patrice Boudard thuộc quận 16. Phòng khách nhà ông Chủ tịch đặt giữa mấy tủ sách bìa cứng mạ vàng cao ngất. Giữa những sách nghiêm nghị đó có một ngọn đèn chiếu vào một khoảng trống mỗi bề ba gang. Giữa khoảng trống là cái tượng bằng bàn tay ghép bằng 7 mẩu Modul nghệ thuật Điề Phùng Thị. Ông bảo hội của ông rất tự hào về nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho nên Hội đã bỏ tiền ra giúp Việt Nam dựng nhà Trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại Huế.
Với thời gian hai lần qua Pháp gần ba tháng, tôi được tiếp xúc với khá nhiều người Huế ở Pháp, trong một bài báo không thể nào viết hết được. Và cũng phải thú thật cái số nhiều người mà tôi đã gặp không có nghĩa lý gì so với số lượng người Huế ở Pháp. Có những người Huế rất tiêu biểu như gia đình cụ Ưng Thi - cháu nội của cụ Tùng Thiện Vương, gia đình hậu duệ của cụ Trần Tiễn Thành, gia đình các ông bà họ Thân, các gia đình họ Phạm Đăng của bà Từ Dũ... tôi chưa hề được tiếp xúc. Vì thế cái kho tư liệu sống của Huế tại Paris đối với tôi vẫn còn rất phong phú.
Huế có dòng sông Hương, có ẩm thực Huế, có trường Quốc Học, có trường Đồng Khánh, có trường Providence, có cung điện lăng tẩm, có chùa chiền, có một truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nên khi đi xa, người Huế rất dễ tìm gặp nhau. Và không chỉ người Huế, nhiều người ở những tỉnh khác mà đã một lần đến Huế học, đến làm việc tại Huế họ đều rất quý mến Huế. Do đó không ở đâu lại có "Hội người yêu" như hội Người yêu Huế ở Pháp. Trải qua biết bao cách trở gian lao, hơn mười lăm năm qua Hội Người yêu Huế tại Pháp do một người Đồng Hới đứng đầu là Kỹ sư Lê Huy Cận đã bắc được một nhịp cầu nối sông Seine với sông Hương. Nhịp cầu này đã giúp cho biết bao nhiêu người yêu Huế ở xa có dịp gửi một chút tình của mình với Huế. Tôi cũng là một trong những người đã qua lại nhịp cầu thân thương đó. Bên cạnh hội Người yêu Huế, còn có hội Cựu học sinh Quốc học, hội Cựu nữ sinh Đồng Khánh... Rồi đây bước qua thế kỷ XXI, chắc còn nhiều hội yêu văn hóa Huế nữa sẽ ra đời. Sông Seine vọng tiếng sông Hương sẽ còn vang xa hơn nữa.
28/9/2005
Nguyễn Đắc Xuân
Theo http://netcodo.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...