Nguyễn Bính - Xuân mãi nở
trong hồn thơ chân đất
Nguyễn Bính (1918-1966), tên thật là Nguyễn Trọng Bính (có
lúc tên Nguyễn Bính Thuyết), quê ở Nam Định nhưng sống khắp ba miền đất nước.
Ông có phong cách một nhà thơ lãng tử, sáng tác về chủ đề tình cảm làng quê và
tình yêu, tổ quốc. Thơ tình cảm mộc mạc của ông được rất nhiều người thuộc. Tác
phẩm gồm 26 thi tập trong đó có:
+ 1 kịch thơ: Bóng giai nhân (1942):
+ 3
truyện thơ: Truyện Tỳ Bà (1942); Trong bóng cờ bay (1957); Tiếng trống đêm
xuân (1958):
+ 1 vở chèo: Người lái đò sông Vỹ (1964) và rất nhiều bài thơ nổi
tiếng của ông được nhạc sĩ phổ thành ca khúc: Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí phổ
nhạc, Quốc Hương ca); Cô hái mơ (Phạm Duy); Ghen (Trọng Khương), Cô lái
đò (Nguyễn Đình Phúc); Chân quê (Minh Quang), được trình bày bởi các ca sĩ:
Hương Lan, Ngọc Báo, Thanh Lan, Đức Tuấn, Quang Linh…
Hiện nay, nhiều thành phố
có những con đường mang tên ông. Nhà thơ Nguyễn Bính nhận được giải thưởng Hồ
Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2000) cùng với Hoài Thanh, Bùi Đức Ái, Nguyễn
Quang Sáng,…
Trong số những nhà thơ mới nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám như Xuân Diệu
(1916-1985), Huy Cận (1919-2005), Chế Lan Viên (1920-1989),… Nguyễn Bính được
coi là một chân dung thơ đặc biệt, có nét chung và nét riêng với những thi sĩ
cùng thời. Có thể nói, tính trữ tình trong thơ mới Nguyễn Bính là điểm
tương đồng ở ông với đa phần các nhà thơ tiền chiến. Nhưng đi sâu vào thi
tứ và bút pháp, ta thấy Nguyễn Bính có nét gần gũi hơn với các nhà thơ: Đoàn
Văn Cừ (1913-2014), Anh Thơ (1921-2005), Hồ Dzếnh (1916-1991),… Nguyễn Bính sinh
ra trong một gia đình giáo dục. Cha là nhà giáo Nguyễn Đạo Bình, và mẹ là Bùi
Thị Miện, con một nhà khá giả. Hai anh trai Nguyễn Bính là: Nguyễn Mạnh Phác
(Trúc Đường - nhà viết kịch), Nguyễn Ngọc Thụ và 4 người em cùng cha khác mẹ. Mẹ
Nguyễn Bính chẳng may bị rắn độc cắn, mất lúc 24 tuổi khi Nguyễn Bính mới được
3 tháng: Còn tôi sống sót là may/ Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ (Nhà
tôi). Dì Giần và cậu ruột Bùi Trình Khiêm thương cháu, đem ba anh em Nguyễn
Bính về nuôi, lo cho ăn học. Kém may, không được đi học ở trường, Nguyễn Bính
chăm chỉ học ở nhà với cậu và cha, được cái là làm thơ hay từ bé, nên được cậu
cưng và ngợi khen. Năm 1932, mới 13 tuổi, Bính đã đoạt giải nhất về thơ do Hội
Phủ Giầy tặng nhân một cuộc thi Hát Trống quân đầu xuân:…Anh đố em này:/ Làng
ta chưa vợ mấy người/ Chưa chồng mấy ả, em thời biết không/ Đố ai đi khắp tây
đông/ Làm sao kiếm được tấm chồng như chúng anh đây/… Làm sao cho tỏ hơi đèn/
Làm sao cho bút gần nghiên suốt đời?... Mới 15 tuổi, Bính phải lang
thang tìm hướng lập thân, làm nghề bán báo và làm thơ.
Nguyễn Bính thật sự bước chân vào làng thơ từ năm 1935. Qua sự giới thiệu của họa
sĩ Nguyệt Hồ với ông Lê Tràng Kiều là chủ bút báo Tiểu thuyết Thứ Năm, bài thơ
được đăng báo đầu tiên: Cô hái mơ, (Phạm Duy đã phổ nhạc), làm theo lối
thơ mới 7 chữ, với tứ thơ tinh tế, hóm hỉnh, lời thơ giản dị, trong
sáng đã cho thấy trước sự ấp ủ mầm xanh của một thi tài.
1/ Thời gian sau đó, tập
thơ Tâm hồn tôi được giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn (1937). Khi được 22 tuổi, chỉ trong vòng
9 năm, Nguyễn Bính đã làm được khoảng 1.000 bài thơ. Năm 1940, trong đang ở Hà
Nội cùng anh là nhà thơ Trúc Đường (1911-1983), và đã bắt đầu nổi tiếng với nhiều
bài thơ tình với chủ đề phong phú trên báo chí, Nguyễn Bính bắt đầu nổi máu
giang hồ, muốn hành phương Nam, định vào Huế tìm đề tài sáng tác. Ông anh
thương em, đồng ý nhưng không có tiền, cho Nguyễn Bính chiếc máy ảnh và về quê
bán dãy thềm đá xanh vốn là vật báu duy nhất của gia đình còn lại, rồi đưa tất
cả số tiền cho Nguyễn Bính. Ở cố đô Huế, Nguyễn Bính làm thơ và gởi ra Hà
Nội cho Trúc Đường đọc rồi đăng báo sau. Giai đoạn này, Nguyễn Bính đã có được
các bài: Xuân tha hương và Oan nghiệt. Một thời gian sau, Nguyễn
Bính rời mảnh đất thần kinh thơ mộng, trở về Hà Nội. Năm 1943, nhà thơ từ giã
anh để vào Nam nhưng tin tức giữa hai anh em bắt đầu thưa dần. Bài thơ Hành
phương Nam của Nguyễn Bính được làm trong thời gian này: Đôi ta lưu
lạc phương Nam này/ Trải mấy mùa qua, én nhạn bay/ Xuân đến khắp trời hoa rượu
nở/ Mà ta với ngươi buồn vậy thay/…Ta đi nhưng biết về đâu chứ/ Đã dấy phong
yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân
ơi!/… Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ/ Ta với nhà ngươi cả tiếng
cười/ Dằn chén hất cao đầu cỏ dại/ Hát rằng phương Nam ta với ngươi (Dakao,
1943). Năm 1947 ở Nam bộ, Nguyễn Bính có dịp gặp nhà thơ Đông Hồ
(1906-1969), nữ thi sĩ Mộng Tuyết (1914-2007),: “Người khách thâm thấp. Phong
trần hiện lên mớ tóc đen rậm, rối bồng dài tới mang tai. Bộ Âu phục cũ, nhầu
nát làm cho người tăng thêm phần tiều tụy…” (Mộng Tuyết - Để nhớ Nguyễn
Bính những ngày ghé bến Hà Tiên, Văn số 60, ra ngày 15/06/1966 tại Sài Gòn).
Và nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) tại Rạch Giá. Nguyễn Bính ban ngày tá
túc, ăn uống kham khổ tại nhà Kiên Giang, đêm khệ nệ mang nóp ra ngủ ở đình
Nguyễn Trung Trực. Đây là không gian đặc biệt để hai nhà thơ đồng điệu và đồng
chí ở hai đầu đất nước, cùng cảnh ngộ có dịp chân tình tâm sự, được xem là “những
giây phút thần tiên của hai thằng điên” (Kiên Giang), để nhả ngọc
phun châu, và cùng nhau bày tỏ mọi góc khuất của cõi lòng cuộc đời hàn sĩ truân
chuyên trong thời tao loạn: Có những giòng sông chảy rất mau/ Nhớ chi
nghĩa bến với duyên cầu/ Lá vàng hoa dỏ trôi không kịp/ Lưu lạc ai ngờ lại gặp
nhau (Tặng Kiên Giang)/ Từ độ về đây sống rất nghèo/ Bạn bè
chỉ có gió trăng theo/ Những thằng bất nghĩa xin đừng đến/ Hãy để thềm
ta xanh sắc rêu. Trong mùa mưa bão, ngày ngày, Nguyễn Bính làm bếp,
Kiên Giang đi mua chịu rượu. Khi trở lại đến gần nhà, tác giả “Hoa trắng thôi
cài trên áo tím” đã nghe giọng Bính ngâm vang: Ở đây mưa ngày lại ngày/
Nhà không mở ngõ mưa đầy tuần trăng (Hai câu trong một bài thơ Nguyễn Bính
viết trong cơn say để tặng Kiên Giang). Cơ hội gặp gỡ hiếm có này đã tạo ra một
giai thoại thú vị trong làng văn nghệ kháng chiến chống Pháp ở Tây Nam bộ.
Nhớ lại, cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công nhưng sau đó thực dân Pháp lật lọng,
quay đầu trở lại với ý đồ xâm chiếm Nam bộ. Cùng với các văn nghệ sĩ yêu nước
khác lúc bấy giờ như: Sơn Nam (1926-2008), Kiên Giang, Truy Phong (1925-2005)…
2/ Nguyễn Bính vào chiến khu U Minh, hòa mình vào cuộc đấu
tranh chống thực dân xâm lược của nhân dân. Dù làm công tác chính trị là chủ yếu
trong giai đoạn này, đôi lúc, với tâm hồn lãng mạn đa tình, Nguyễn Bính cũng để
lộ nguyên hồn cốt của một nhà thơ tình với bao nỗi nhớ nhung diệu vợi về cảnh,
về người…: Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/ Thấy sen lại nhớ đồng quê
Tháp Mười/ Thấy trăng lại nhớ đến người/ Thấy sao lại nhớ đến lời thề
xưa. Sớm đến với cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, trong thời gian
theo Việt Minh ở chiến khu (1947), Nguyễn Bính đã được nhà thơ Bảo Định Giang
(1919-2005) gởi gắm cho cấp Chỉ huy Bộ Tư lệnh là ông Trần Văn Trà, nhờ quan
tâm và đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả “Lỡ bước sang ngang”.
Qua giới thiệu của ông Lê Duẩn, Nguyễn Bính kết hôn với bà Nguyễn Lục Hà tức
Nguyễn Hồng Châu, cán bộ Việt Minh và sinh được một con gái là Nguyễn Bính Hồng
Cầu (nay là nhà thơ Hội Nhà Văn Việt nam). Tài hoa và đa tình, dù có gia đình
nhưng chưa thấy mãn nguyện. Nhà thơ lãng tử vẫn coi gia đình như một trạm
dừng chân, một bến đỗ tình yêu, để chuẩn bị hành tranh lên đường, đi kiếm tìm một
bến tình mới. Sau đó không lâu, Nguyễn Bính lại kết hôn lần hai với bà Mai Thị
Mới ở U Minh, có một con gái là Nguyễn Hương Mai. Và lần ba (không chính thức)
với Phạm Vân Thanh rồi lần tư với bà Trần Thị Lai, ngoài những cuộc tình văn
nghệ gió thoảng ở những nơi thi nhân đặt chân đến.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, thực dân Pháp rút hết quân về
nước, theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc cũng như bao cán bộ Việt
Minh khác. Khi về Nam Hà, theo nhà văn Chu Văn (1922-1994), lúc bấy giờ: Nguyễn
Bính tuổi gần năm mươi, gầy, đen, tóc cắt ngắn, như trọc, Nhà thơ ăn mặc thật
giản dị: một sơ mi nâu, một quần ka ki bạc màu và đôi dép cao su. Toàn bộ
hình thức ấy không gợi một vẻ gì là một nhà thơ lớn trước - sau này người
ta gọi là “thi nhân tiền chiến”. Nhà thơ cười với đôi mắt nâu sắc sảo, ánh hơi
lạnh và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào. Nguyễn Bính về làm việc ở
báo Văn nghệ rồi sau đó thay thế người anh - nhà thơ Trúc Đường- làm chủ bút tạp
chí Trăm hoa, (bộ mới), một tờ báo tư nhân, đặt văn phòng tại số 15
Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chính nhà văn Tô Hoài được phân công thuyết phục một
tờ báo tư nhân, để có tiếng nói chống lại những luận điệu ngang ngược của
báo Nhân văn Giai phẩm. Dù có sự tiếp tay của tác giả Dế mèn phiêu
lưu ký, báo Trăm hoacủa Nguyễn Bính cũng bị phê bình và Nguyễn Bính tuyên
bố đóng cửa với Tô Hoài sau đó.
Dựa
vào toàn bộ sự nghiệp văn chương không nhỏ của Nguyễn Bính, ta có thể nói thi
ca của nhà thơ phân làm hai dòng: trữ tình và cách mạng. Là nhà thơ lãng mạn
có tài bẩm sinh, ngay từ thuở mới mười ba tuổi, lần đoạt giải thơ đầu tiên cho
tới những bài thơ làm lúc cuối đời, Nguyễn Bính đã tỏ ra rất nhạy bén, tinh tế
và sâu sắc trong việc cấu tứ, tìm vần. Trí tưởng tượng phong phú trời cho, kết
hợp với cuộc đời lãng tử ngược xuôi đây đó, được coi là những chuyến đi thực tế
tự do, đã làm nên cái chất liệu cảm hứng quý báu để nhà thơ dễ dàng sáng tác.
Thơ tình yêu cũng như thơ cách mạng, Nguyễn Bính bao giờ cũng sử dụng ngôn ngữ
dung dị, tự nhiên như ca dao, không phải tỉa gọt bay bướm, cầu kỳ đến mức độ
khó hiểu. Do vậy, hầu như bài thơ nào, thi tập nào của Nguyễn Bính cũng đã đi
sâu vào lòng người yêu thơ, và ai cũng chân thành cảm nhận được thơ ông với tấm lòng trân trọng.
3/ Nhiều nhà phê bình gọi
ông là nhà thơ chân quê, thực ra đó chỉ là dựa vào tính cách bút pháp mộc mạc dễ
hiểu, gần gũi với người bình dân, chứ nội dung thơ Nguyễn Bính không chỉ nói về
nông thôn và người nhà quê. Chủ đề thi ca của Nguyễn Bính phong phú, đa dạng và
sâu sắc.
Người mẹ là điểm tựa ấm áp đầu tiên không thể thiếu
trong quảng đời thơ ấu. Nguyễn Bính không may sớm mất mẹ từ lúc ba tháng, thuở còn nằm
nôi và chưa dứt sữa, nên đa phần thơ Nguyễn Bính, bài nào cũng man mác một nỗi
buồn trống trải, cô đơn, lúc nào cũng khao khát một tình thương: Người có đôi, ta rất
một mình/ Phong trần, ai dám mắt ai xanh/ Đêm nay trăng rụng về bên ấy/ Gác
trọ còn nguyên gió thất tình (Một mình). Dường như luôn hiện hữu mặc cảm chia xa, đỗ vỡ và đoạn
tuyệt, triền miên ở tác giả trong những vần thơ mang giai điệu u hoài xa vắng: Hoa đào từng cánh rơi như tưới/ Xuống mặt sân rêu những giọt buồn/ Như
những tim tình tan vỡ ấy/ Nhện già giăng mắc sợi tơ đơn/ Nàng hãy cùng tôi đoạn
một lời/ Từ nay, nàng sẽ hết yêu tôi/ Từ nay ta sẽ xa nhau mãi/ Ta
sẽ quên nhau đến trọn đời… (Thôi nàng ở lại)/ Tàu chạy hình như để
chở buồn/ Chở người đi nhớ, kẻ về thương/ Nâng niu bao gót chân xinh đẹp/
Tàu chạy đêm nay có lạc đường… (Chuyến tầu đêm). Xuân đến như một định luật
là để báo hiệu niềm vui và hy vọng cho con người, nhưng trong thơ Nguyễn Bính
chỉ hiện lên màu nhớ mong mòn mỏi của bức tranh lỗi thề, ly cách: Xuân đã
đem mong nhớ trở về/ Lòng cô lái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba xuân trước/ Trên bến cùng ai đã hẹn thề/ Nhưng mà người khách tình quân ấy/ Đi biệt không
về với bến sông/ Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi/ Mấy lần cô lái mỏi mòn
trông… (Cô lái đò). Ngay cả những tập thơ của Nguyễn Bính, chưa đọc bài nào
trong đó, tên của nó cũng gợi cho ta một nỗi ngậm ngùi diệu vợi: Mây Tần,
Một nghìn cửa sổ, Hương cố nhân, Mười hai bến nước,… Bóng
dáng những cô gái quê xinh đẹp, dịu hiền của làng thôn thanh bình yên ả, hiện
lên trong thơ tác giả Lỡ bước sang ngang với ý nghĩa của sự mất mác
nét quê hồn hậu, ngây thơ bởi cát bụi đô thành: Hoa chanh nở giữa vườn
chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê/ Hôm qua, em đi tỉnh về/ Hương đồng
gió nội bay đi ít nhiều/ Khăn nhung quần lãnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em
làm khổ tôi… (Chân quê). Bài thơ Chân quê được nhiều người coi
như Tuyên ngôn của Trường phái thơ Chân quê của Nguyễn Bính, như có
khuynh hướng đối lập với dòng Thơ mới ảnh hưởng thơ Tây, đại diện bởi Xuân Diệu,
Nguyễn Vỹ (1912-1971), Phan Khôi (1887-1958)… Tính cách nhà quê -
nhưng không phải là quê mùa - đó còn hiển thị trong các bài thơ: Anh về
quê cũ, Cây bàng cuối mùa thu, Cô hái mơ, Cô hàng xóm…, trong đó Nguyễn
Bính vẫn sử dụng thể thơ mới 7 chữ sở trường giàu thanh điệu và đặc biệt lối
thơ lục bát truyền thống ngọt ngào, điêu luyện và dễ nhớ, đọc qua một vài lần,
ta có thể thuộc hết cả bài. Nét quê trong thơ Nguyễn Bính đã được nhà phê bình
văn học Hoài Thanh khẳng định: Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà
quê nhiều lắm và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong ta.
Khi hoạt động ở chiến khu trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ (1946-1947), một
thời gian lãnh trách nhiệm Phó Chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá. Ông ký
tên thay mặt Ban Thường vụ, sao y các công văn.
4/ Kèm theo công văn, đôi khi cấp dưới lại nhận được một đôi bài thơ ký tên Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính vẫn làm thơ nhưng chủ yếu là để cổ vũ, phục vụ cho cuộc chiến đấu
chung của dân tộc. Nhà văn Sơn Nam kể lại: “Nguyễn Bính là nhà thơ yêu nước…
Thời kháng Pháp, tôi đã gặp Nguyễn Bính uống rượu, uống trà, trao đổi tâm sự với
nhau nhiều lần… Tại chợ Rạch Giá, anh vào chiến khu, khởi xướng việc thành lập
Đoàn Văn hóa Cứu quốc và cho ra mắt Tập thơ yêu nước (gồm chừng 10 bài) sau khi vào chiến khu đôi
tháng. Bài thơ yêu nước của Nguyễn Bính có đoạn: Những ai xứng
đáng là người/ Hãy hy sinh hết cho nòi giống ta/ Hãy nên vì nước vì nhà/ Coi thường thân sống mới là trượng
phu. Bài chót tập thơ là Trận Cây Bàng: Đánh! Đánh! Đánh! Chỗ nào cũng đánh/… Nếu quân thù không đem binh tiếp viện/ Thì quân ta quyết tiêu diệt quân thù!/
Nhưng thắng bại là lẽ thường chinh chiến/ Trận Cây bàng lưu tiếng để muôn
thu. Trong một bài thơ diễn tả nỗi đau buồn của người mẹ chờ con đã hy
sinh cho tổ quốc: Con sống ngày nào, còn cứu nước/ Còn đem xương máu để
xây thành… Vì nước bỏ mình là bất tử/ Xưa nay chinh chiến mấy ai về? Những
câu thơ của Nguyễn Bính lúc này đã là những vần thơ thép, mạnh mẽ và khảng
khái, tác dụng như lời tuyên ngôn trước đồng bào, tinh thần hy sinh quyết tử vì
sinh tồn của tổ quốc: Trái vú sữa thẳng căng niềm uất ức/ Gai sầu riêng
nhọn hoắt ý căm hờn/ Cây cau già, ruột yếu cũng sôi lên/ - “Thân lão đây! Mau
hãy chuốc làm tên” (Đây Nam bộ). Tại chiến khu, Nguyễn Bính phải làm việc
trong một hoàn cảnh tối tăm, thiếu thốn điều kiện vật chất và thuốc men trong sự
theo dõi, kiềm tỏa nghiêm ngặt cả đến việc chiêu dụ của kẻ thù: Ở chòi hẹp
nhưng hồn trùm vũ trụ/ Trái tim đau nhưng thương cả loài người/ Đã nhiều hôm
không thấy bóng mặt trời/ Bởi làm việc liên miên và bí mật (Những người của
ngày mai). Trong thời gian này, chính phủ tự trị thân Pháp của Nguyễn Văn Thinh
có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính dinh tê (về thành) sẽ được
thưởng 1.000 đồng bạc Đông Dương. Nếu nhà thơ tự vào cũng được
hưởng như thế - Một kiểu kêu gọi chiêu hồi của chính phủ Cộng
hòa từ sau năm 1954 - Nhiều thi sĩ bạn của Nguyễn Bính viết thư thuyết
khách mời ông vào thành nhưng ông vẫn đinh ninh một lòng vì tổ quốc. Trong
một bài thơ, ông đã khẳng định lập trường son sắt, thể hiện chí khí một sĩ phu
yêu nước của mình: Mình không bỏ Sở sang Tề/ Mình không là kẻ lỗi thề
thì thôi. Trong kháng chiến 9 năm, Nguyễn Bính vẫn viết nhiều nhưng
tác phẩm đã chuyển sang chủ đề đấu tranh, thời sự, theo nhu cầu cần thiết của
hoàn cảnh đất nước, dù in với phương tiện thô sơ, cũng phổ biến được rộng khắp
Nam bộ: Ông lão mài gươm, Sóng biển cỏ (Trường ca Đồng Tháp Mười), Trong
bóng cờ bay, Những dòng tâm huyết, Đây, Nam bộ… Sau khi tập kết ra Bắc,
Nguyễn Bính vẫn sáng tác nhiều và hay hơn hết là bày tỏ được tình cảm thủy
chung thương nhớ miền Nam đau thương từng cưu mang ông và quê hương miền Bắc
đang thay da đổi thịt, quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sự nghiệp văn chương rạng rỡ và lập trường đấu tranh cách mạng kiên định, vì
quê hương và tồ quốc của nhà thơ, vẫn mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi
thế hệ cầm bút hôm nay và mai sau trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Song hành
cùng Xuân Diệu, Trịnh Công Sơn (1939-2001), nỗi bất hạnh về nhân dáng và cảnh
long đong của cuộc đời đã kết tinh nên mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, để nuôi dưỡng
nên một thi tài Nguyễn Bính.
5/ Thâm thúy như lời triết gia Đức
Nietzsche (1844-1900): “Những cây cao nhất, mạnh nhất thường mọc nơi vùng đất
đá cheo leo khô cằn”. Trong bão giông nghiệt ngã của hoàn cảnh, cho đến bây giờ,
thơ Nguyễn Bính vẫn được coi những đóa hoa xuân đầy hương sắc, ngọt ngào giai
điệu ca dao, thấm đẫm tính nhân văn, còn đọng lại trong lòng nhiều người. Trong
không gian vui vầy của ngày Tết thanh bình thịnh vượng, ta hãy cùng nhau giở lại
trang sách xưa, để ê a ngâm lại những vần thơ xuân tuyệt bút của nhà thơ chân đất
Nguyễn Bính tài hoa bạc mệnh.
* Bài viết duy nhất chỉ dành cho Tạp chí Kiến Thức
Ngày Nay - số Xuân Đinh Dậu.
15/11/2016
Nguyễn
Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét