Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian
trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố là sự hợp lưu của cảm thức thời gian trong thi ca phương Tây và phương Đông. Thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố được xem như một phương tiện nghệ thuật để thi nhân kết nối hiện tại và quá khứ.
1. Không phải ngẫu nhiên William Carlos Williams – nhà thơ đã làm thay đổi diện mạo thơ ca Mỹ hiện đại ở thế kỷ XX đã thốt lên: “Thời gian là cơn bão mà tất cả chúng ta đều lạc đường trong đó”. Thật vậy, hàng ngàn đời nay, trong dòng chảy thời gian, tất cả vạn vật sinh linh trong vũ trụ đều trở nên hữu hạn, mong manh… Thời gian tạo nên hết thảy nhưng đồng thời cũng làm đổi thay hết thảy. Không một “quyền uy” nào có thể níu giữ được thời gian. Thời gian là nỗi lo âu, là niềm khắc khoải trong tâm thức hiện sinh của con người. Thi sĩ vốn là những người có trái tim nhạy cảm, thời gian trong tâm thức của họ không chỉ là một ý niệm vật lý thường tình mà đó còn là một cảm thức hiện sinh thể hiện một cái nhìn riêng có của thi nhân về cuộc đời và thế sự trong sự nghiệm sinh của mình với tư cách là một “nhân vị” hiện hữu trong cõi nhân sinh. Và đây cũng chính là những suy niệm nhân văn trong thế giới nội cảm của thơ Trần Hoàng Phố lưu lại trong tâm cảm người đọc. Cho đến nay, Trần Hoàng Phố đã xuất bản một số tập thơ như: Cõi nhân gian lạ lẫm, (Nxb Thuận Hóa, 2002); Quê quán tôi xưa, (Nxb Thuận Hóa, 2002); Bóng con nhân sư, (Nxb Thuận Hóa, 2010)… Xuyên suốt các tập thơ này là nỗi ám ảnh khôn nguôi về thời gian như một điểm tựa nghệ thuật để thi nhân biểu đạt những suy tư, chiêm nghiệm về sự vô thường ở cõi nhân sinh, về thân phận con người, về nỗi cô đơn bản thể… Từ cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố, có thể “đọc” ra những “ẩn ngữ” nhân văn dưới lớp “sóng” ngôn từ thi ca, đó cũng là hệ giá trị độc đáo trong thơ Trần Hoàng Phố.
2. Trần Hoàng Phố thuộc thế hệ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ nhiều bão táp của lịch sử dân tộc. Đó là những năm tháng gắn liền với cuộc chiến tranh với những, mất mát đau thương “đè” lên số phận dân tộc, và sau đó là thời hậu chiến phức tạp, nhiều đổ vỡ, đứt gãy trên mọi phương diện của đời sống xã hội… mà nhà thơ đã dự phần với tư cách là một chứng nhân. Dù muốn hay không, Trần Hoàng Phố phải nếm trải những khổ đau của đất nước trước những biến cố lịch sử và điều này đã trở thành “dự phóng” sáng tạo chưng cất nên những thi phẩm mang dấu ấn riêng Trần Hoàng Phố. Vì thế, trong Lời ngỏ tập thơ Quê quán tôi xưa (Nxb. Thuận Hóa, 2002), Trần Hoàng Phố đã tự bạch: “Một cơn “sốc” tâm hồn để đi đến mười hai năm “diện bích”, mười hai năm chiêm nghiệm những cõi mình đã sống, đã mơ, đã nhớ. Những bể dâu của lịch sử và con người. Những bão táp cuộc đời, những cuộc chiến tranh, những cuộc cách mạng là những tiếng vọng chập chờn và những hình bóng lung linh trên vách đá của tâm hồn thơ”.
Lời tự bạch trên của nhà thơ phần nào hé mở cho ta hiểu vì sao phủ bóng lên thơ Trần Hoàng Phố phần lớn là những giấc mơ hoài niệm về quá khứ như một ám ảnh của cảm thức thời gian mà ngay từ nhan đề nhiều bài thơ đã minh chứng rõ điều này: Hồi ức ngày hạ, Một chấm xanh, Mắt núi cao nguyên, Những con ngựa gió, Di chỉ chữ, Linh hồn tĩnh lặng, Tiếng rơi vỡ thời gian, Khúc Aria của nỗi buồn, Không còn nỗi buồn nào lắng yên, Ngọn lửa, Hãy để cho trái tim bạn tái sinh cùng mùa xuân, Vương miện, Đấu sĩ giấc mộng và mặt nạ, Thành phố mưa và tôi, Trầm tư với nhịp thời gian bên bóng thành Hóa Châu xưa, Một cõi, Chương cuối, Tiết mùa, Bên cánh cửa thời gian, Chén đêm, Buổi sáng, Những người hát rong, Bên mùa trăng dâu bể, Mùi hương và hơi thở trần gian, Tiếng hát mềm đi những đắng cay…
Trần Hoàng Phố “thú nhận”: Anh đã lạc trong mê cung thời gian/ Nơi vô số bóng hình em và anh/ Nhoè trong tấm gương nhà mồ kỷ niệm (Hồi ức ngày hạ). Đọc thơ Trần Hoàng Phố, quả thực, ta luôn bị lạc vào những zích zắc “mê cung” thời gian mà thi nhân kiến tạo từ sự tưởng tượng bay bổng, từ đó dẫn dụ chúng ta vào thế giới thơ huyền bí trong “nhà mồ kỷ niệm” với bao tâm trạng ngổn ngang, đầy ắp suy tư để tìm lại chính mình.
Trong cảm thức thời gian của mình, thơ Trần Hoàng Phố không chỉ đưa ta lục tìm trong “nhà mồ kỷ niệm” những ký ức của riêng mỗi người mà thi nhân còn quan tâm đến dòng chảy thời gian qua lịch sử dân tộc. Và lịch sử trong thơ Trần Hoàng Phố không chỉ là tấm gương soi để hiểu hơn về số phận của một dân tộc mà ở đó còn giúp hiểu hơn về phận số của mỗi con người trước sự va đập của lịch sử. Thi nhân suy tư và cảm nhận về lịch sử theo cách của riêng mình:
… Trên các đền đài bể dâu, những giọt nước thời gian rơi thật chậm/ Trên trái tim bạn, bạn nghe thấy tiếng khắc khoải của linh hồn lặng yên/ Trên rêu lá mục và hoang phế bạn chạm bàn tay vào chính quá khứ trầm mặc đang sống thở mơ… (Một chấm xanh)       
… Anh gõ vào viên gạch thành cổ/ nghe âm vang tiếng ong ong u u/ tím ngan ngát mùi hương dĩ vãng/ Rất tình cờ anh phát hiện/ những chiếc cọc thời gian cắm ở chân tường thành quá khứ/ Đêm Hóa Châu bao la trăng/ Ai đốt mùi nhang trầm thơm thoắt rung mình các hương hồn huyền sử/ Linh hồn anh là tiếng chuông chùa Thành Trung/ ngân nga bổng trầm trong những đêm khuya khoắt/ bay trập trùng qua những trang gia phả thập nhị tôn phái/ của những bậc tiền nhân khai hoang mở đất/ Bụi thời gian còn cay cay mắt khói hương(…)Linh hồn anh là những mảnh ghép/ của ngàn năm lịch sử/ các thời đại như sóng vỗ/ gối lên nhau/ (…) Linh hồn anh là phiến đá thiêng/ bên cạnh đình An Thành xưa cũ/ như con mắt thần Siva bất tử trầm tư/ nhìn sóng nước thời gian dâu bể/ chảy như mơ bên cầu ở ngã ba song/ Bóng Thành Hóa Châu sừng sững hiện về/ Nơi sầm uất xưa dọc ngang đô hội/ bóng tướng sĩ trong tiếng trống cầm canh/ đi lại uy nghi một thuở/ Đêm rắc muôn vàn vì sao/ vào bầu trời bao la giấc mộng (Trầm tư với nhịp thời gian bên bóng thành Hóa Châu xưa).
Lắng trong những hoài niệm, suy tư của thi nhân là chiều sâu văn hóa thâm trầm của con người vùng đất cố đô. Trở về quá khứ, rộng mở cánh cửa trái tim, thi nhân “lắng nghe” trong tiếng vọng thời gian những âm hưởng thiêng liêng từ “những mảnh ghép ngàn năm lịch sử” bi hùng. Thi nhân dừng lâu trầm tư bên bóng Thành cổ Hóa Châu – vùng đất có một thời kỳ oai hùng, bi tráng trong sử Việt. Tầm vóc của Hóa Châu đối với lịch sử của Huế và của cả dân tộc là vô cùng lớn…Nhưng thành cổ Hóa Châu đang bị lãng quên dưới bao lớp bụi thời gian… Hiểu như vậy, chúng ta mới càng thấy trân quý tấm lòng Trần Hoàng Phố dành cho quê hương. Trong hoài niệm như thấm nước mắt của thi nhân, Hóa Châu sừng sững hiện về với người và cảnh mang đậm nét văn hóa độc đáo của xứ sở. Ngỡ tưởng “chạm bàn tay” vào quá khứ vàng son một thời, những đền đài thành quách nguy nga tráng lệ, những con người làm nên văn hóa, lịch sử… nhưng tất cả giờ đây chỉ còn “tím ngan ngát mùi hương dĩ vãng”…Âm hưởng thơ chậm rãi, sâu lắng, thấm thía xa xót buồn thương cho những gì thuộc về văn hóa đang “khắc khoải” sau lớp rêu phong hoang phế…
Từ thời gian quá khứ, bắt gặp trong thơ Trần Hoàng Phố rất nhiều những chuyến hành hương về vô biên… lạc lối bởi giấc mộng” –những giấc mơ đưa thi nhân phiêu lãng đến những không gian khác lạ:
Trên bia mộ ngày lãng quên những cơn mưa núi lãng du cùng mùi hương chờ đợi/ Trên mắt lá kí ức tôi nghe da thịt rừng xưa rùng mình/ Trên vỉa màu hoàng hôn cô đơn tôi nghe những đám mây lẻ loi bật khóc trong da thịt chiều đất đỏ buồn hoang liêu cao nguyên / Trên đá năm tháng mỏi mòn mưa gọi linh hồn núi rừng gió gọi đầu ngọn thác cho mắt núi bơ vơ nguồn sông. (Mắt núi cao nguyên)
Những con ngựa gió bay vào giấc mơ/ Bồng bềnh mùi những đám mây/ Tôi nghe tiếng chuông linh hồn thời gian đổ/ Bên vực thẳm đời người hoảng hốt hoàng hôn/ Trên ngực nắng vàng/ và môi đỏ những chiếc lá phong/ Tôi thấy bước chân chậm rãi/ của mùa thu và sương mù/ Bảng lảng một nỗi buồn dịu nhẹ/ Trên những đám mây về ngủ bên núi (Những con ngựa gió)
Chiếc lá thời gian xanh biếc rơi vào bên trong/ Bên trong vùng trời kỷ niệm/ Bạn lắng nghe sự trong suốt thảng thốt/ của mênh mông ánh sáng thanh xuân/ Đóa hoa thạch thảo tím biếc/ rơi vào bên trong khoảng trời ký ức/ Bạn lặng nghe tiếng nói bí ẩn/ từ đáy sâu nội giới thầm thì/ Gió/ Ra đi/ và/ Gió trở về/ Ngôi nhà xưa tịch mịch/ Hàng nghìn bóng ma kỷ niệm tìm về/ Trong tiếng rơi vỡ lặng lẽ thời gian (Tiếng rơi vỡ thời gian)
Trần Hoàng Phố đã huy động tất cả sự tinh nhạy nhất của tiềm thức để “nghe” âm thanh, “ngửi” mùi hương, cảm nhận sắc màu của thời gian. Tất cả đều đang ở trạng thái bất ổn hoặc  phải “chờ đợi”, hoặc “lẻ loi…hoang liêu…bơ vơ…hoảng hốt…thảng thốt…rơi vỡ…”. Cánh cửa bí ẩn của “thời gian đã mất” mở đến đâu, thi nhân nhận thấy nỗi buồn trải dài đến đó… linh hồn thời gian như tiếng chuông ngân dài thấm đẫm u hoài – một sự u hoài làm dịu mát, thanh lọc tâm hồn để con người trở nên thiện lương, nhân ái khi nghĩ về đồng loại và những sinh linh bé nhỏ khác tồn sinh trong vũ trụ bao la này. Thi giới của Trần Hoàng Phố là thi giới được kết tinh từ những rung động tế vi  trong tâm hồn… Ở nhiều bài thơ, khi cảm xúc bất ngờ ập đến, khi tiềm thức trỗi dậy… những suy niệm về cuộc sống của nhà thơ như đắm chìm trong cõi ảo, chính vì vậy trong thơ Trần Hoàng Phố có nhiều khoảng “nhòe” không thể cắt nghĩa rành mạch, nó dẫn dụ bạn đọc vào cõi “mê cung” đầy huyễn hoặc, bí ẩn để từ đó khám phá, đốn ngộ cõi người…
Ngày và đêm lỡ đi qua trong bầu trời/ với tiếng hát chậm rãi của gió/ Tiếng thở dài của đóa hoa hồng rụng xuống bàn tay tôi/ Nở xoè những bình minh âm thanh dịu ngọt/ Trên mi hoa những giai điệu long lanh như chuỗi ngọc/ Rớt xuống thành những giọt nước mắt/ Trong suốt da thịt thanh xuân/ Ngực tôi như bãi bờ cát trắng xoá/ Những con sóng thời gian chập chùng vỗ/ Trái tim biển phập phồng theo nhịp lên xuống thủy triều/ và vầng trăng vĩnh hằng lỡ mọc lên từ chân trời giấc mơ (Linh hồn tĩnh lặng)
Giọt lệ rơi/ Như cánh hoa khuya rụng/ Mùi hương phù du vùi/ trắng muốt vườn kỷ niệm/ Bỏ quên một vầng trăng khuya/ Nơi cửa sổ linh hồn xưa cũ/ Có tiếng chuông rơi/ Vang vọng như nỗi buồn từ bờ mênh mông(…)Người từ dòng sông dĩ vãng/ Về gieo hạt giống hư không/ Trên cánh đồng hoa oải hương/ Tôi mở chiếc khoá đồng đen hư ảo/ Bầy ngựa đá bay qua ngọn núi ngũ sắc/ Rớt xuống chiếc bóng mênh mông linh hồn (Bên mùa trăng dâu bể)
Sau nỗi buồn hay sự tuyệt vọng/ Nơi những sắc màu/ của bầu trời trái tim nhợt nhạt trong sắc điệu xám/ Chúng ta lắng nghe sự giã biệt của những tờ lịch chậm rãi/ Trên chiếc bóng nghiêng thời gian đang đổ xuống chầm chậm đời người/ Như nghiên mực cũ/ nhạt nhòa/ đang phai đi cùng dòng chữ năm tháng (Khúc Aria của nỗi buồn)
Sự tinh tế, nhạy cảm đặc biệt của tâm hồn đã giúp thi sĩ “nghe” và thấu hiểu những âm vang, chuyển động xa xăm của vạn vật sinh linh…Đêm là lúc thời gian lắng lại, rất sâu và tĩnh tại…từ “dòng sông dĩ vãng” những hình ảnh, âm thanh, sắc màu ào ạt trở về, tiềm thức tràn ngập hỗn loạn những ảo ảnh; nhưng cuối cùng là một không gian buồn hiu hắt, chỉ còn “hư không”, “hư ảo”… Theo vòng quay của vũ trụ trải qua bao “mùa trăng dâu bể”, muôn sự “sắc sắc không không”, biến ảo khó lường, vừa mới đó mọi cái còn hiện hữu, thoắt cái đã “ rớt xuống chiếc bóng mênh mông linh hồn”… chiêm nghiệm, suy tư về nhân tình thế thái, về những gì còn, mất của vũ trụ, của nhân gian để từ đây thơ Trần Hoàng Phố lắng sâu một “mật ước” thấm đẫm tinh thần hiện sinh nhân bản: mọi sự vật, sự việc tồn tại trên đời vốn rất mong manh, dễ bay biến, hòa tan vào cõi vô cùng theo dòng chảy nghiệt ngã của thời gian; và cuộc sống của con người vốn rất hữu hạn, ngắn ngủi. Vậy nên,  mỗi người hãy ý thức được sự hữu hạn, ngắn ngủi của cuộc tồn sinh trên “cõi tạm” để chấp nhận “dấn thân” cho một cuộc sống ý nghĩa. Thơ của Trần Hoàng Phố, vì thế là thơ của thi sĩ được kiến tạo theo quy luật sáng tạo nghệ thuật đúng như Aimé Césaire xác quyết: “đã từng qua lại giữa mộng và thực, sáng tối, ẩn và hiện; trong cơn đảo lộn bất thần của nội tâm, y tìm kiếm và nhận được một thứ ám hiệu, tiếng mật ước để hiểu ngầm mà giao ứng và đi tới mãnh liệt”; Phảng phất chút Proust, Gide, Virginia Volf, Joyce, Dos Passos, Faulkner, Shakespeare trong những câu thơ thấm đẫm tinh thần hư vô, hư không của Phật giáo – Sự pha trộn giữa văn hóa phương Tây và phương Đông trong kiến tạo nghệ thuật đã khiến thơ Trần Hoàng Phố neo giữ lại trong tâm tưởng bạn đọc những hình ảnh, sắc màu, dư âm vừa quen vừa lạ – đó chính là giá trị tạo nên sự quyến rũ, mê hoặc trong thơ Trần Hoàng Phố.
Cuộc đời cùng với những nghiệm sinh sâu sắc “…đi hết những chân trời xa tít/ nếm trải cõi nhân gian xao xuyến khôn cùng…”(Một cõi). “Trên cây thập giá thời gian” Trần Hoàng Phố nhìn hiện thực đầy trăn trở, thao thức. Dù có chìm đắm trong mộng tưởng đến bao nhiêu, có lạc vào “một cõi mơ và một cõi bồng bềnh” thì cuối cùng thi nhân vẫn “thảng thốt” nghe tiếng “rơi vỡ lặng lẽ” của thời gian để đau đáu “một cõi đắng cay” “một cõi khóc cười nhân thế”… Không phải vô cớ mà đọc Trần Hoàng Phố có thể thấy song song cùng cảm thức về thời gian là cảm thức về cái Tôi cô đơn bản thể xuất hiện dày đặc, Trong nhiều thi phẩm đều thấy sự hiện diện cái Tôi cô đơn ở những cung bậc khác nhau, cảm thức cô đơn như một mạch ngầm xuyên suốt hồn thơ, với nhiều cung bậc, thanh âm, hoặc sâu đậm, hoặc mờ nhòe, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp,  phải chăng trục thời gian chính cũng là điểm tựa nghệ thuật để thi nhân hành trình “tìm những chiếc bóng của chính anh”?!  “Ai đem ta bỏ giữa đời/ Áo cơm thê thiết trĩu đôi vai gầy/ Phách ta thân kiếp lưu đày/ Trắng tay trắng cả đắng cay linh hồn” (Chiều tàn nghe tiếng ca người xẩm mù bên sông cảm tác), “Mắt cô đơn nặng gánh đêm đen” (Ánh mắt); “Nơi trái tim cô đơn của anh” (Mùa xuân trong mưa); “Một cõi như sân vườn cô đơn buổi sớm tinh sương” (Một cõi…);  “bỗng thấy dáng cô đơn” (sáng mai xanh bóng chiều vàng); “Tôi bước đi và chìm trong mù sương/ Bóng của một cái bóng/ Tôi tan ra trong giá đông…/ Tôi đối diện với chính mình” (Bóng của cái chết);  “Trên những mái nhà thành phố/ Anh nếm thấy trắng xóa đại dương của cô đơn” (Thành phố mưa và tôi);  “Giấc mơ của những đêm thanh xuân (…) trên con đường sâu thẳm của linh hồn/ anh tìm những chiếc bóng của chính anh” (Mùa thu);  “Linh hồn tôi đâu?/ Giữa cõi mênh mông” (Dò tìm chân như); “Xin hãy để lòng ta thương nhớ về cố quận/ Khi lòng ta từng quặn thắt giữa muôn ngàn phân giải của ly tan/ Nơi mảnh mảnh linh hồn như những ốc đảo cô đơn” (Bóng trần gian in rợn giữa sao khuya);  “Băng qua ốc đảo cô đơn mềm mại/ Chén đêm này đầy rỗng không – mai sau là tro than cát bụi” (Chén đêm);   “Bầu trời vỡ toang như thể nỗi cô đơn mưa” (Trái tim mưa) ; “Đêm với tiếng dội vang của cô đơn/ Bước chân ai lui tới không ngừng” (Sấm truyền và lời hiến tế); “Nơi mảnh mảnh linh hồn như những ốc đảo cô đơn/ Giữa ly tan của hình hài vũ trụ/ Giữa cách chia của kiếp kiếp luân hồi” (Bóng thời gian); “Uống ngụm nắng buồn/ chiều cô đơn/ thăm thẳm/ Như mắt người chết/ Bóng nhân gian đổ xuống/ hoàng hôn” (Tận cùng chiều); “Nỗi buồn phiêu linh/ Mù sương ban mai/ Mùi sầu đông cô đơn lạnh giá/ mong manh”( Mùi sầu đông); “Đêm cô đơn đớn đau/ Chúa thánh thần ở trên cao/ Rỗng không đang trở thành địa ngục/ Ngắm nhìn tôi” (…) “Một con người đơn độc rầu rầu/ Lặng nhìn mọi thứ náo nhiệt gọi là cuộc đời/ Với sự diễu cợt buồn buồn/ Một cô đơn/ với nhiều nỗi đớn đau – tôi (…) Chỉ còn/ Đêm cô đơn với đớn đau đang níu chặt/ Tôi/ Một trái tim rỗng không” (Ngắm nhìn tôi); “Tiếng đàn mưa/ Hoang mạc thịt da cô đơn tịch lặng” (Điệu luân vũ dịu dàng mưa); “Gió khóc than/ Trên những hòn đảo cô đơn/ Sóng vỗ rợn bão bùng giông tố” ( Gió xuân thì);  Tôi ực một ly nỗi buồn/ Nỗi buồn đắng chát/ như linh hồn trống rỗng/ Trái tim một khoảng tối hư không/ Tôi ực một ly sầu muộn/ Nỗi sầu muộn như xát muối trong lòng/ Trái tim đầy khoảng trời sẫm màu hoàng hôn/ Tôi ực một ly/ đối ẩm với cái bóng tôi cô độc/ Cái bóng rớt xuống âm u nỗi buồn…(Một ly)
Tĩnh lặng với thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố gắn liền với những khắc khoải của nhà thơ về tồn tại, về đời người. Nữ văn sĩ Marguerite Duras có lý khi cho rằng “cô đơn như là hư không, cả một rỗng tuếch mênh mông, cần phải lấp đầy”, và từ ý kiến này có thể thấy cô đơn phủ đầy thi giới của Trần Hoàng Phố, bởi trong cảm nhận của ông mọi cái thuộc thế giới hiện hữu từng giây phút đều xa lạ, ngoài tầm kiểm soát của con người. Bức tường thành phi lý lúc vô hình, lúc hữu hình bủa vây, ngăn cách tứ phía, và cuộc sống của con người chỉ là một sự tồn tại vô nghĩa trong những phi lý. Khoảng hư không rỗng tuếch vô cùng trong tâm hồn thi nhân chỉ có thể được lấp đầy bằng thi ca. Và cô đơn như một phương cách để thi nhân có thể gặp gỡ và lắng nghe tiếng Con Người luôn hiện diện trong cõi sâu thẳm của tâm linh, cô đơn để tìm về hoà hợp trong mối giây tương quan và liên đới với nhân loại, và rộng hơn, cao hơn cô đơn để nối sợi dây giao cảm cùng vũ trụ vô biên, vĩnh hằng, tìm về miền thanh tịnh. Dùng cô đơn để vượt thoát cô đơn, để được sống là chính mình – “Tôi tồn tại” chỉ thực sự có ý nghĩa khi cái tôi này tự tách ra khỏi tồn tại. Để chống lại định mệnh, chống lại một thế giới mà con người đang bị nhấn chìm vào sự lãng quên bởi thời gian Trần Hoàng Phố dám chấp nhận độc hành, dấn thân sáng tạo: Bài thơ gặp lại cái bóng tác giả/ Tác giả thấy nó như một bóng ma/ Từng ám ảnh trong những đêm mất ngủ/ Với đám rước đầy những chiếc mặt nạ bất an/ Và tiếng trống phổ nên nhịp thở âu lo/ Trong phập phồng xao xuyến gió đêm/ Thổi hoang vu qua một miền ký ức xanh (Vương miện). Và có lẽ,  đây là căn nguyên sâu xa nhất để có thể hiểu vì sao cảm thức về sự “rơi vỡ” của thời gian lại luôn đi cùng nỗi trăn trở cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố.
3. Trong sáng tạo thi ca cảm thức về thời gian là một trong những phẩm tính thể hiện tài năng của người nghệ sĩ. Xét trên bình diện phổ quát, cảm thức thời gian là vấn đề thường gặp trong thơ của nhiều thi sĩ của dân tộc và thế giới như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…; Lý Bạch, Thôi Hiệu, J.Goethe, A.Rimbaud, C. Baudelaire, P.Valéry, G.Apollinaire, S.Mallarmé, A.Puskin, M.Lermontov, S.Yesenin, Onga Becgon… Và Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố vì vậy, là sự hợp lưu của cảm thức thời gian trong thi ca phương Tây và phương Đông. Thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố được xem như một phương tiện nghệ thuật để thi nhân kết nối hiện tại và quá khứ. Thơ Trần Hoàng Phố gieo vào lòng bạn đọc những mỹ cảm dạt dào hướng con người suy tư, chiêm nghiệm về “cõi tạm” với tinh thần nhân bản nhất, đó là niềm tin vào sự thánh thiện của con người đúng như Trần Hoàng Phố đã xác quyết: Khi linh hồn tôi chạm vào môi em/ Nơi kỷ hà xa xăm ký ức/ Cây lá cỏ hoa bắt đầu làm lễ hiến tế mùa xuân/ Tiếng con chim hồng tước nồng nàn và dịu dàng/ Như một bình minh tinh khôi phục sinh/ Sau đêm trái tim khổ nạn đời người… (Thánh lễ ban sớm).
21/10/2021
Cao Thị Hồng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc lại “Xem đêm” của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn gọn nhất,...