Nhân văn giai phẩm 1
Bìa hai số tạp chí Giai Phẩm có đăng bài viết của các cột trụ
trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
Càng đi sâu vào vấn đề, càng thấy rõ, những gì chúng ta góp
nhặt được về những con người như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao,
Phan Khôi, Thụy An, Trương Tửu... qua những văn bản do chính họ viết ra, hoặc
vài ba dòng hồi ký của người này người kia, cũng chỉ là phần rất nhỏ của sự thật.
Không kể những loại nhật ký, hồi ký đã bị cắt xén hoặc được sửa lại cho đúng đường
lối, hoặc những di cảo trá hình, viết để tự biện hộ, để đổi lấy bản thông hành
đi vào vĩnh cửu.
Nhân Văn Giai Phẩm là phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ
của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc có tầm vóc lớn lao, khởi xướng đầu năm
1955 và bị chính thức dập tắt tháng 6 năm 1958.
Hai nguồn tư liệu sớm nhất về Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP)
là Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (THĐNTĐB) của Hoàng Văn Chí do Mặt Trận
Tự Do Văn Hóa in ở Sài Gòn năm 1959, và Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà
án dư luận (BNVGPTTADL) do nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội in năm 1959. Ngoài
hai tập tư liệu này còn có những tập tư liệu khác, ra đời hơn 30 năm sau.
Nhà nghiên cứu Pháp Georges Boudarel và công trình
"Trăm
Hoa Đua Nở Trong Đêm Việt Nam"
Trước hết là cuốn "Cent fleurs écloses dans la nuit
du Vietnam" (Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam) của Georges
Boudarel. Georges Boudarel, nay đã qua đời, là nhà giáo, đảng viên cộng sản
Pháp, 1947 sang Việt Nam với mục đích tranh đấu chống chính quyền thuộc địa.
Sau hai năm dạy học tại Sài Gòn, Boudarel theo Việt Minh, đặc trách nhiệm vụ
"cải tạo" tù nhân Pháp ở trại 113. Năm 1966, vì không còn đồng ý với
chính quyền Hà Nội, ông trở về Pháp. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã gặp gỡ
nhiều nhà văn nhà thơ, trong đó có những thành viên NVGP và Boudarel đã mang được
về Pháp những tờ Nhân Văn, Giai Phẩm, và một số báo xuất bản ở Hà Nội trong thời
kỳ này.
Cuối 1987 đầu 1988, trong bối cảnh "cởi trói văn nghệ"
của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Georges Boudarel đã viết loạt bài tựa đề Dissidences
intellectuelles au Viêt-Nam L'affaire Nhan Van-Giai Pham (Trí thức phản
kháng tại Việt Nam, vụ Nhân Văn Giai Phẩm), in trên hai tập san Sudestasie (số
50 tháng 1/1988) và Politique Aujourd'hui en Europe (phụ bản tháng
giêng năm 1989), sau tập hợp và đào sâu thành cuốn "Cent fleurs
écloses dans la nuit du Vietnam" (Trăm hoa đua nở trong đêm Việt Nam)
do Jacques Bertoin in năm 1991 tại Paris.
Ngoại trừ việc Boudarel (cũng như Hoàng Văn Chí) đều
cho rằng phong trào NVGP bắt nguồn từ Trăm hoa đua nở bên Trung Quốc,
là sai, và Lê Đạt, Hoàng Cầm đã đính chính trong những buổi trả lời phỏng vấn
trên RFI, cuốn sách của Georges Boudarel là tập tư liệu có giá trị bằng tiếng
Pháp viết về NVGP, nhờ đó mà bi kịch NVGP đến được với người đọc tiếng Pháp.
Từ những năm 90 trở đi, một loạt những tài liệu mới về NVGP
xuất hiện rải rác trong và ngoài nước, dưới dạng tự thuật, bút ký, sáng tác...
của những thành viên đã tham gia phong trào như Phùng Quán, Phùng Cung, Hữu
Loan, Hoàng Cầm...
Trong số đó có hai tài liệu quan trọng là tập hồi ký viết bằng
tiếng Pháp Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ, nxb Quê Mẹ, Paris, 1992) của
Nguyễn Mạnh Tường với tiểu tựa: Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Hà
Nội 1954-1991: Kết án một nhà trí thức).
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể lại những thăng trầm trong cuộc
đời ông gắn bó với lịch sử từ 10 giờ sáng ngày 10/10/1954 khi quân cách mạng tiến
vào Hà Nội đến tháng 5/1991, thời điểm ông viết xong tập hồi ký. Sau 9 năm theo
kháng chiến, Nguyễn Mạnh Tường từ chiến khu trở về trong số những trí thức được
ưu đãi của chính quyền. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ra đời, ông tham gia và
đã chịu sự trừng phạt nặng nề. Nhờ hồi ký Nguyễn Mạnh Tường mà chúng ta có thể
hình dung được các giáo sư đại học cùng chí hướng với ông như Đào Duy Anh, Trần
Đức Thảo, Trương Tửu, đã phải trải qua những kỷ luật như thế nào, và hiểu được
cuộc sống cách ly, đói khát, luôn luôn bị theo dõi của họ trong hơn ba mươi năm
sa mạc.
Nhà thơ Trần Dần và trang bìa tạp
nhật ký ông xuất bản năm
2001
Cuốn nhật ký Trần Dần ghi (Văn Nghệ, California,
2001), trích những ghi chép hàng ngày của Trần Dần, đặc biệt trong hai thời kỳ:
Cải cách ruộng đất và sau Nhân Văn Giai Phẩm.
Nếu hồi ký Nguyễn Mạnh Tường là bản chúc thư (viết năm
1991, ở tuổi 82) gửi gấm cho thế hệ mai sau về sự đối đầu của một trí thức trước
áp lực cách mạng, thì nhật ký Trần Dần, ghi lại những suy nghĩ và sinh hoạt
hàng ngày của một nhà thơ đã chịu nhận mọi tội để mong được tha thứ, muốn
được trở lại sống bình thường như mọi người, nhưng vô hiệu.
Hoàng Văn Chí và Trăm hoa đua nở trên đất Bắc
Hoàng Văn Chí, tức Mạc Định, soạn giả Trăm hoa đua nở
trên đất Bắc (THĐNTĐB), do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá xuất bản tại Sài
Gòn, 1959, cho biết: "Ở Hà Nội ra đi đầu năm 1955, tôi đã hẹn với các
bạn ở lại là hễ có dịp sẽ nói lên tiếng nói của họ", "Tôi làm việc một
mình", "Tôi liên lạc được với một ủy viên trong Ủy ban kiểm soát đình
chiến. Họ đi Hà Nội như đi chợ. Mỗi tuần họ cắp về Sài Gòn cho tôi tất cả báo
chí xuất bản ở Hà Nội", "Tôi làm việc trong hai năm 56-58".
"Bộ Thông tin và nói chung, chính quyền Sài Gòn không hề giúp. Lý Trung
Dung đến chào Bộ Thông tin, yêu cầu mua cho một số, nhưng chẳng mua một cuốn
nào". "Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá ở Việt Nam là một chi nhánh của
một tổ chức quốc tế, tên là Congress for Cultural Freedom, trụ sở trung ương ở
104 boulevard Haussmann, Paris. Bác sĩ Lý Trung Dung làm chủ tịch. Tội nghiệp,
chỉ vì làm chủ tịch Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hoá mà phải đi cải tạo đến nay
(1986) chưa được thả". "Trước khi đưa in, Lý Trung Dung nghe nói có
người gần ông Diệm ngờ rằng tôi soạn cuốn Trăm hoa đua nở là có ý xúi dục trí
thức miền Nam bắt chước trí thức miền Bắc nổi lên chống lại chế độ. Vì vậy nên
Lý Trung Dung bàn với tôi nên để bút hiệu Mạc Định là soạn giả. Chỉ ký tên
Hoàng Văn Chí vào bài Tựa" (Trích Phỏng vấn cụ Hoàng Văn Chí, Từ
Nguyên thực hiện, bán nguyệt san Tự Do số 50, ngày 16/11/1986, phát hành tại Bỉ).
Hình bìa tập biên khảo "Trăm hoa đua nở
trên đất Bắc"
và chân dung tác giả Hoàng Văn Chí
(Nguồn: Wikipedia)
Hoàng Văn Chí đã nói rõ lý do và điều kiện ra đời của tập Trăm
hoa đua nở trên đất Bắc. Nhưng tại sao ông lại đặc biệt lưu ý đến phong trào
NVGP? Ai là những người "ở lại" mà ông đã hứa sẽ nói lên tiếng nói của
họ? Nếu tìm sâu hơn về liên hệ gia đình giữa Hoàng Văn Chí và Phan Khôi, có thể
chúng ta thấy câu trả lời :
Sở Cuồng Lê Dư có ba người con gái - vì bà Lê Dư là em ruột
Phan Khôi, cho nên ba cô này là cháu Phan Khôi - cô đầu gả cho Vũ Ngọc
Phan, cô thứ nhì lấy Hoàng Văn Chí và cô út là vợ Tướng Nguyễn Sơn.
Riêng nữ sĩ Hằng Phương, vợ nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, sau này viết bài đả kích
thậm tệ Nhân Văn Giai Phẩm. Rất có thể vì thế, mà người em ruột Hằng Phương, tức
bà Hoàng Văn Chí, đã là một trong những động cơ thúc đẩy Hoàng Văn Chí thu thập
tài liệu và viết về Nhân Văn Giai Phẩm.
Tác phẩm của Hoàng Văn Chí, cho đến nay vẫn là tác phẩm hoàn
chỉnh nhất về phong trào NVGP. Trừ ba người: Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu và Lê
Đạt bị loại ra (có thể Hoàng Văn Chí không thích hay không tin họ vì Nguyễn Hữu
Đang đã từng là người tin cẩn của Hồ Chí Minh, Lê Đạt là bí thư của Trường
Chinh và Trương Tửu là nhà phê bình lý luận Mác-Xít). Phần lớn những thành viên
khác đều có mặt, với một tiểu sử khá đầy đủ, với những chi tiết đáng quý
và những bài viết tiêu biểu của họ trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, đặc biệt
tiểu sử Phan Khôi và Văn Cao, với những chi tiết mà hiện nay không tìm thấy ở
đâu. Một phần vì Hoàng Văn Chí có liên hệ gia đình với Phan Khôi, nên một số dữ
kiện chỉ ông biết, mà không tìm thấy ở những tư liệu khác. Những chi tiết ấy có
thể một số người ở trong nước biết nhưng không dám viết ra. Sau này, không thiếu
những cuốn sách viết về Văn Cao, Phan Khôi, nhưng thường lại tô hồng, tiểu thuyết
hoá, hoặc cắt xén vo tròn, khó tìm thấy sự thật.
Nhưng tác phẩm của Hoàng Văn Chí cũng có một số nhược điểm:
- Soạn giả không phải là người trong cuộc, và đã rời miền Bắc
từ đầu năm 1955, cho nên khi thuật lại một số sự việc đôi khi có những chi tiết
ông nhớ sai, những sai sót này, ngày nay, chúng ta có thể điều chỉnh lại được.
- Hoàng Văn Chí là người chống Cộng và ông để lộ lập
trường khá rõ trong tác phẩm có tính cách biên khảo này. Vì vậy, ông chỉ nhắc
sơ qua, hoặc không nhắc đến những bài quan trọng của Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu
và Lê Đạt (vì những lý do đã nêu trên).
- Ngoài ra, ông cũng cắt xén những đoạn mà các tác
giả trong NVGP lên án "tội ác Mỹ Diệm", hoặc ca tụng Đảng. Đặc biệt với
bài Nhất định thắng của Trần Dần, ông đã lược bỏ những câu, những đoạn
sắt máu, có tính cách khẩu hiệu, tuyên truyền, khiến cho tác phẩm hay hơn, nhân
bản hơn, được độc giả miền Nam chấp nhận, nhưng đã làm lệch ý của Trần Dần
trong thời điểm 1955-56. Bản in lại trong tập Trần Dần thơ (nxb Đà Nẵng,
2008) cũng là bản Hoàng Văn Chí.
Ngày nay, chúng ta có thể phân tích rõ ràng tư tưởng của mỗi
thành viên, qua các văn bản mà họ để lại trên các báo Nhân Văn và Giai Phẩm. Một
mặt khác, qua nhân chứng của các thành viên, chúng ta có thể tái tạo lại diễn
biến của phong trào: ai làm gì, ai giữ trọng trách gì. Đối chiếu những nhân chứng
này với lời buộc tội của những ngòi bút chính thống được chỉ định đánh họ, in lại
trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận (1959) và một
số bài in trên các báo chính thức trong thời kỳ này, mà Lại Nguyên Ân đã sưu tầm
và công bố, chúng ta có thể nhìn ra nhiều khía cạnh của sự thật hơn.
Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án dư luận
Tập tài liệu tựa đề Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước tòa án
dư luận do Nxb Sự Thật (nay là Nxb Chính Trị Quốc Gia), in tháng 6, năm
1959, tại Hà Nội, là tài liệu đầu tiên, tập hợp những trích dẫn bài viết hoặc
diễn văn tố cáo, lên án, buộc tội NVGP. Trong phần cuối cuốn sách, có một
chương nhỏ, trích "những lời thú tội" của các thành viên NVGP, còn hầu
như toàn thể dành cho phía công tố "phát hiện tội", với những lời lẽ
vô cùng khiếm nhã, khó thể mường tượng được, từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới
được gọi là "trí thức văn nghệ sĩ" đối với các đồng nghiệp và bạn hữu
của mình đã tham gia NVGP.
Tập tư liệu dày 370 trang này - chứng tích một thời mà chữ
nghiã đã đạt tới đỉnh cao của sự bồi bút - còn hữu ích về mặt lịch sử và văn học
sử, nó mở ra nhiều khía cạnh của vấn đề NVGP: về tầm vóc của phong trào, về
không khí đàn áp thời đó, về mức độ khốc liệt của lớp đấu tranh Thái Hà mà nhà
thơ Lê Đạt đã mô tả tường tận trong các bài phỏng vấn trên RFI. Đồng thời nó
cũng gián tiếp trả lời những lập luận gần đây, cố tình hạ thấp hoặc thu gọn tầm
vóc của phong trào NVGP thành một cuộc "đánh đấm nội bộ", tranh giành
thế lực cá nhân, không liên hệ gì đến vấn đề tự do tư tưởng.
Những bài luận tội có tính cách hạ nhục NVGP của 83 văn nghệ
sĩ và các đoàn thể, báo chí, nhân dân cũng như các vị trong ban chấp hành trung
ương Đảng, với những tên tuổi như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Huy Thông, Trần
Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài
Thanh, Hoàng Trung Thông, Hồ Đắc Di, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy
Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị v.v... phản ảnh rất rõ nhân cách của
người tố. Cho nên, có thể nói, qua những "văn bản tố", các tác giả đã
để lại nhân cách trí thức của mình trong ký ức dân tộc. Sau cùng nhờ cách sắp xếp
thứ tự "những tên đầu sỏ" mà chúng ta biết được thứ tự "tội"
nặng, "tội" nhẹ, cùng hoạt động của mỗi người.
Những buổi phỏng vấn trên RFI
Ngày 13/4/1999, trong dịp nhà thơ Lê Đạt sang Pháp lần thứ
nhì, chúng tôi đề nghị ghi âm ông, mong ông soi tỏ những chỗ chưa được các tài
liệu trước đề cập đến, hoặc viết sai. Buổi nói chuyện - thu thanh với chủ
đích giữ lại làm tài liệu văn học sử - tuy mang tính cách cá nhân
nhưng có hệ thống về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Chúng tôi đề nghị nhà thơ
nói thẳng, nói thật hết và cam kết là sẽ chỉ công bố tài liệu sau khi ông qua đời,
bởi lúc đó được biết, ông không định viết hồi ký.
Ngày 13/4/1999 tại Paris, nhà thơ Lê Đạt
đã nói chuyện với
RFI về Nhân Văn Giai Phẩm
Đầu năm 2004, sau khi thực hiện chương trình phát thanh
kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ (1954-2004) với nhà văn Hữu Mai trên đài
RFI, chúng tôi dự định làm thêm một chương trình kỷ niệm 50 năm phong trào
Nhân Văn Giai Phẩm (nếu coi 1954 như thời điểm manh nha sự gặp gỡ giữa các
văn nghệ sĩ chủ trương phong trào) nên đã cố gắng liên lạc với nhà thơ Lê Đạt
qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội, muốn làm một cuộc phỏng vấn ngắn gọn có
tính cách thời sự, phù hợp với đề tài này, nhưng không thể thực hiện được,
vì chỉ nói được vài câu là đường dây bị nhiễu.
Sau nhiều tháng phân vân, cuối cùng, với sự đồng ý của nhà
thơ Lê Đạt, chúng tôi quyết định cho phát trên sóng RFI, toàn bộ buổi nói chuyện
với ông đã thu thanh ngày 13/4/1999 tại Paris. Do đó mà tài liệu văn học sử
này đã đến với thính giả RFI sớm hơn dự tính.
Đây là lần đầu tiên, một tư liệu trực tiếp qua lời
thuật của một thành viên cột trụ trong Nhân Văn Giai Phẩm được công bố.
Bên cạnh Lê Đạt, còn có tiếng nói của hai nhân vật chủ chốt
khác trong phong trào, đó là cuộc phỏng vấn ngắn nhà chính trị và văn hoá Nguyễn
Hữu Đang: Nhân dịp kỷ niệm ngày 2/9/1945, chúng tôi nhờ Lê Đạt liên lạc với Nguyễn Hữu Đang, để hỏi ông về việc tổ chức ngày lễ Độc Lập. Buổi nói
chuyện này thu thanh qua điện thoại nhà Lê Đạt ngày 30/8/1995 và được phát
thanh trên đài RFI ngày 10/9/1995. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối
cùng, chúng tôi có thể ghi âm được Nguyễn Hữu Đang. Tất cả những cố gắng về sau
đều vô hiệu: chỉ nói được vài câu là đường dây bị nhiễu.
Những thính giả của RFI đã từng nghe những chương trình này,
đều lưu ý thấy sự trả lời của Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm qua điện thoại viễn
liên Paris-Hà Nội, không đạt mức độ tự do như các cuộc trò chuyện
trực tiếp với Lê Đạt ở Paris. Nhưng cả ba chứng nhân, cũng là ba người
đầu tiênđã xây dựng nên phong trào Nhân Văn Giai Phẩm cùng đồng quy ở điểm
nói thẳng, nói thật. Có những câu hỏi cùng đặt cho Hoàng Cầm và Lê Đạt ở những
thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, nhưng sự trả lời gần như tương tự.
Sau cùng là nhân chứng của Trần Duy. Hoạ sĩ Trần Duy đã liên
lạc với chúng tôi từ nhiều năm qua, ông cho biết đã nghe những chương trình
phát thanh trên đài RFI về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, có những điều ông muốn
nói, dưới nhãn quan của riêng ông, nhưng cơ hội chưa thuận tiện. Tháng 6/2008,
hoạ sĩ Trần Duy quyết định lên tiếng. Chúng tôi đã ghi âm ông qua điện thoại viễn
liên Paris-Hà Nội, không bị trở ngại gì. Và như thế, chúng ta có thêm nhân chứng
của Trần Duy, cựu thư ký toà soạn báo Nhân Văn.
Nếu trong những bài viết trên báo hoặc các chương trình
phát thanh, từ 1988 đến ngày nay, còn có những thiếu sót, đôi khi sai lầm, thì,
những chứng nhân quan trọng của Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy,
đã đính chính và bổ sung. Các ông thay mặt những người đã khuất viết lại lịch sử
của phong trào và lần này, không ai có thể ngăn ngừa sự thật.
Tất nhiên, mỗi người có một sự thực của riêng mình, về mỗi
dữ kiện, mỗi vấn đề. Thời gian trôi qua, ký ức cũng có đôi chỗ sai biệt, nhưng
những sai biệt ấy, nếu có, thường là những chi tiết không mấy quan trọng.
Độc giả sẽ rút ra từ những sự thực có thể khác nhau ấy, phần tổng kết
riêng của mình, về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Những buổi phỏng vấn các thành viên chính của phong trào
NVGP, phát thanh trên trên RFI, từ năm 1995 đến 2008: Nguyễn Hữu Đang
(10/9/1995), Hoàng Cầm (21/2/1998 đến 10/1/2004, 4 kỳ), Lê Đạt (từ 24/3/2004 đến
5/6/2004, 7 kỳ) và Trần Duy (26/6/2008 đến 26/7/2008, 4 kỳ), đã cung cấp cho
chúng ta những tư liệu trực tiếp về NVGP, do những người trong cuộc nói ra.
Phần phát biểu của nhà thơ Lê Đạt (ghi âm tại Paris ngày
13/4/1999, khi ông sang Pháp lần thứ nhì, và phát thanh từ tháng 3 đến tháng 6/
2004 trên đài RFI), cho đến nay, là chứng từ quan trọng nhất và đầy đủ nhất về
lịch sử phong trào NVGP. Lê Đạt mất ngày 21/4/2008 tại Hà Nội.
Những năm gần đây trang báo điện tử Talawas do Phạm Thị Hoài
chủ biên, đã cho in lại và lưu trữ trên mạng Internet toàn bộ báo Nhân Văn Giai
Phẩm.
Lại Nguyên Ân đang sưu tầm những bài viết trên các báo chính
thức thập niên 60, liên quan đến phong trào NVGP và đưa dần lên Internet.
Những tư liệu này góp phần làm sáng tỏ thêm về NVGP, giúp các
nhà nghiên cứu sau này có thể xây dựng lại toàn diện bối cảnh phong trào tranh
đấu cho tự do dân chủ của văn nghệ sĩ trí thức, lớn lao nhất trong lịch sử văn
học Việt Nam.
Từ tháng 4/1988, khi chúng tôi viết những dòng đầu về Nhân
Văn Giai Phẩm đến nay đã hơn hai mươi năm.
Chuyên luận này tưởng như hoàn tất một chương trình tìm kiếm
lâu dài, nhưng thực ra nó lại là khởi điểm cho một cuộc tìm kiếm mới về những
gì đã thực sự xảy ra.
Bởi càng đi sâu vào vấn đề, càng thấy rõ những khoảng trống
chưa thể lấp được, những câu hỏi chưa được trả lời về biết bao nhiêu sự kiện lịch
sử khác nhau, về những con người như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Văn
Cao, Phan Khôi, Thụy An, Trương Tửu... và còn bao nhiêu người khác nữa. Những
gì chúng ta góp nhặt được về họ, ngoài những văn bản do chính họ đã viết ra,
đôi khi lượm lặt được vài ba dòng nhật ký của người này, hồi ký của người kia,
cũng chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Không kể những loại hồi ký đã bị cắt
xén hoặc được sửa lại cho đúng đường lối, hoặc những di cảo trá hình, viết để tự
biện hộ, để đổi lấy bản thông hành đi vào vĩnh cửu.
Cho nên người nghiên cứu phải vô cùng thận trọng khi tìm và lựa thông
tin, những gì là thật, là giả trong những tư liệu mà mình có được. Tìm tư liệu
không khó trong thời buổi Internet này, nhưng sử dụng tư liệu để dựng lại sự thật
là một việc khác hẳn.
Làm sao biết được về hoạt động chính trị của Lê Đạt trước khi
theo Việt Minh? Lê Đạt đã từng theo Việt Nam Quốc Dân Đảng?
Theo Văn Cao thì Phạm Duy là người đầu tiên đã dẫn ông liên lạc
với Việt Minh, Phạm Duy cũng là người chứng kiến sự ra đời của bài Tiến Quân
ca, là người "cướp" micro trước cửa Nhà hát lớn ngày 17/8/1945 để hát
bài Tiến Quân Ca lần đầu tiên trước công chúng. Khi in lại đoạn hồi ký của Văn
Cao về bài Tiến quân ca, người ta đã cắt bỏ tất cả những chi tiết nói về
Phạm Duy, có chỗ thay bằng Nguyễn Đình Thi. Một mặt khác, ngay chính bản thân
Lê Đạt và Phạm Duy, vì an ninh của bản thân và của gia đình, các ông đã không
thể nói tất cả sự thật, càng không thể viết ra trên văn bản.
Chúng ta biết gì về hoạt động của Thụy An? Về "mối tình
đầu" của Thụy An với Võ Nguyên Giáp? Về những bí mật giữa Thụy An và Đỗ
Đình Đạo, một yếu nhân Quốc Dân Đảng? Tại sao Thụy An quay trở lại Bắc, trong
khi gia đình bà di cư vào Nam?
Những bí mật ấy, tuy chỉ là những chi tiết, nhưng ngày nay,
những người muốn biết sự thật, phải có quyền được biết, đặc biệt là những
nhà nghiên cứu về thời kỳ lịch sử này.
Nếu biết được những chi tiết ấy, chúng ta sẽ thấy tất cả những
hoạt động đảng phái thời kháng chiến chống Pháp không đơn giản như hai với hai
là bốn: theo bên này là yêu nước, theo bên kia là bán nước. Mà bất cứ cá nhân
nào dù là văn nghệ sĩ, trí thức hay hoạt động chính trị cũng có thể theo hai ba
con đường khác nhau, trong suốt hành trình sống của mình.
Vấn đề của người nghiên cứu là phải tìm hiểu những đầu mối
đan cài vô cùng phức tạp giữa các khuynh hướng chính trị, văn hoá khác nhau giữa
những đảng phái như Việt Minh, Quốc Dân Đảng, Đệ Tứ, trong mối tương giao
không xé ra được.
Những người đã từng tham gia các tổ chức khác nhau ấy,
đã phải chối bỏ lẫn nhau hoặc không dám nói đến toàn bộ
hành trình của họ, khi theo bên này, lúc ở bên kia, trên đường tranh đấu cho độc
lập, tự do, dân chủ.
Bi kịch của họ phản ánh bi kịch chung của toàn thể dân tộc.
Trang bìa báo Nhân Văn số 1 và
Giai Phẩm Mùa Xuân (Ảnh: DR)
Mặc dù bắt nguồn từ quân đội, nhưng không tìm thấy văn bản
nào của ba tướng lãnh Lê Quang Đạo, Trần Độ và Lê Liêm trong tổng cục chính trị
lên án phong trào. Trong vụ thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm, quân đội đứng
ngoài. Quân đội sạch tay hơn dân sự. Nhân Văn Giai Phẩm mở đầu cho tinh thần
đấu tranh cho tự do tư tưởng, cho công cuộc đổi mới văn học, tinh thần này
không chấm dứt khi phong trào bị dập tắt, chỉ ngủ yên trong ba mươi năm rồi lại
bùng lên những năm 1987- 88, với vai trò chủ đạo của Trần Độ.
Với những tư liệu và nhân chứng hiện hành, chúng ta có thể
tóm tắt lịch trình hoạt động của phong trào NVGP, theo thứ tự ngày tháng, như
sau:
Tháng 3/1955: Trong quân đội, Trần Dần, Tử Phác, với sự cộng
tác của Hoàng Cầm, Lê Đạt, chủ trương việc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
Tháng 4/1955: Nhóm Trần Dần, Tử Phác ký "Dự thảo đề
nghị cho một chính sách văn hóa", chủ yếu đòi quyền tự do
sáng tác. Bác bỏ chế độ chính trị viên trong văn nghệ quân đội.
Từ 13/6/55 đến 14/9/55: Trần Dần, Tử Phác bị bắt, bị phạt
cấm trại trong trại 3 tháng vì lý do phạm quân kỷ, sau đó được đưa đi cải tạo ở
Yên Viên (tham gia Cải cách ruộng đất đợt 5).
Tháng1/1956: Giai phẩm mùa xuân ra đời do Lê Đạt,
Hoàng Cầm chủ trương (có bàn với Trần Dần) với những bài chính: Nhất
định thắng của Trần Dần, Anh có nghe thấy không của Văn
Cao, Làm thơ và Mới của Lê Đạt,...
Tháng 2/56 (Tết Nguyên đán): Lê Đạt bị gọi lên Tuyên huấn để
kiểm thảo. Trần Dần, Tử Phác bị bắt lần thứ nhì. Giai phẩm mùa thu bị
tịch thu. Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ. Chiến dịch đánh Trần Dần bắt đầu với
bài của Hoài Thanh "Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ Nhất
định thắng của Trần Dần" trên báo Văn Nghệ số 110, ra ngày 7/3/56.
Ngày 24/2/1956: Khrouchtchev tường trình tội ác của Staline tại
đại hội XX của đảng Cộng sản Liên xô. Ngày 26/5/1956: Mao Trạch Đông phát động
phong trào "Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng". Ngày 28/6/1956: Ba
Lan nổi dậy.
Theo chính sách của Liên Xô và Trung Quốc, đảng Lao Động nới
rộng tự do:
Tháng 8/56: Hội Văn Nghệ được chỉ định tổ chức lớp học tập
dân chủ 18 ngày.
Ngày 26/8/1956: Nguyễn Hữu Đang đọc tham luận tổng kết lớp
học 18 ngày của Hội Văn Nghệ, chỉ trích gắt gao đường lối lãnh đạo văn nghệ của
Trung ương đảng. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi và bộ phận lãnh đạo văn nghệ phải "thừa
nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sẽ sửa chữa". Hoài Thanh viết
bài nhận lỗi đánh Trần Dần.
Ngày 29/8/56: Giai phẩm mùa thu, tập I ra đời, với những
bài chủ chốt: Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, Tỉnh giấc
chiêm bao của Nguyễn Bính, Tiếng sáo tiền kiếpcủa Trần Duy,...
Ngày 20 /9/1956: Nhân văn số 1, với bài Phỏng
vấn Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề mở rộng tự do và dân chủ, bài thơ Nhân câu
chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, bài Con người Trần Dần của
Hoàng Cầm và tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo ở cổ, bài Chống bè
phái trong văn nghệ của Lê Đạt (ký tên Trần Công),...
Tờ Nhân Văn số 1 và bài phỏng vấn luật sư
Nguyễn Mạnh Tường về
dân chủ (Ảnh: DR)
Ngày 30/9/1956: Nhân văn số 2, với bài Phỏng vấn
Đào Duy Anh về mở rộng tự do và dân chủ, bài Trả lời Nguyễn Chương và báo
Nhân dân của Nguyễn Hữu Đang (ký tên Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Duy),
bài Phấn đấu cho trăm hoa đua nở của Trần Duy...
Ngày 30/9/56: Giai phẩm mùa thu, tập II, với bài Bệnh
sùng bái cá nhân của Trương Tửu, Ông bình vôi của Phan
Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Chống tham ô lãng phícủa
Phùng Quán,...
Ngày 8/10/1956: Giai phẩm mùa xuân tái bản.
Ngày 15/10/56: Nhân văn số 3, Kỷ niệm ngày Vũ Trọng
Phụng tạ thế 13/10/1939, và các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của
Trần Đức Thảo, Phỏng vấn bác sĩ Đặng Văn Ngữ về mở rộng tự do và dân chủ,...
Ngày 30/10/56: Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài diễn
văn "Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm
lãnh đạo" tại Mặt Trận Tổ Quốc, Hà nội.
Ngày 30/10/1956: Giai phẩm mùa thu, tập III, với
bài Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu, Muốn phát triển học
thuật của Đào Duy Anh,...
Ngày 5/11/56: Nhân văn số 4, với bài Cần phải
chính quy hơn nữa của Nguyễn Hữu Đang, Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ
Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa của Người Quan Sát, Thành thật đấu tranh
cho dân chủ của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng
Cung, Những ngày báo hiệu mùa xuân của Văn Cao,...
Ngày 10/11/56: Đất mới, báo sinh viên, với bài Phê
bình lãnh đạo sinh viên của Q. Ngọc và T. Hồng, Lịch sử một câu chuyện
tình của Bùi Quang Đoài,...
Ngày 20/11/56: Nhân văn số 5, với bài Hiến
pháp Việt nam năm 1946 và hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ thế
nào? của Nguyễn Hữu Đang, Bài học Ba lan và Hung-ga-ri của Lê Đạt
(ký tên Người Quan Sát),...
Tháng 12/56: Giai phẩm mùa đông, tập I, với bài Tự
do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích của
Trương Tửu, Nội dung xã hội và hình thức tự do của Trần Đức Thảo,...
Ngày 09/12/1956: Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền tự
do báo chí.
Ngày 15/12/56: Nhân văn số 6 đang in, bị đình chỉ.
Cuối tháng 12/56: Tự Do diễn đàn, tập một, tạp chí
chuyên về Lý luận, Phê bình, Sáng tác, do Minh Đức phát hành cuối tháng 12, bị
cấm.
Tự do diễn đàn gồm có các bài: Qua sai lầm của Cải
cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Tường; truyện
ngắn Chú bé làm văn của Trần Dần; Tại sao quần chúng nhân dân
tha thiết đến cuộc đấu tranh văn nghệ? của Nguyễn Hữu Đang; Nhiệm vụ
của văn học không phải là giải thích chính sách của Phan Ngọc; Động
Long Mạch của Lê Đạt; Vài ý nghĩ sau khi đọc bài thơ Động Long Mạch của
Hoàng Cầm; Sinh hoạt văn hoá của Trương Tửu - Trần Đức Thảo [theo tư
liệu của Boudarel, trong bài Le tort de parler trop tot (Sai lầm vì nói
quá sớm) viết về Nguyễn Mạnh Tường, Revue Sud Est Asie, số 52].
Từ 20 đến 28/2/57: Đại hội văn nghệ II họp tại Hà Nội. Trường
Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát bọn NVGP".
Cuối năm 57: Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Huy Cận và
Hà Xuân Trường được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc.
Tháng 2 và 3/58: Khi họ trở về, đảng thi hành chính sách
"triệt hạ nọc độc Nhân Văn", tổ chức hai lớp đấu tranh ở Thái
Hà ấp.
Ngày 4/6/58: "Trận chiến đấu chống bọn phá hoại
NVGP" kết thúc bằng Đại hội văn nghệ III, tại Hà nội với bài báo cáo tổng
kết của Tố Hữu, Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ lên án "bọn NVGP", và
các hội văn nghệ thi hành các biện pháp kỷ luật.
Chớm nở từ đòi hỏi quyền tự do sáng tác
Nhìn lại lịch trình trên đây, chúng ta thấy ngay sự xác định
trước đây của Hoàng Văn Chí trong Trăm hoa đua nở trên đất Bắc và của
Boudarel trong Trăm hoa đua nở trong đêm Việt nam (THDNTĐVN) về
nguyên nhân phát xuất Nhân văn giai phẩm từ Trăm hoa đua nở ở
Trung Quốc là sai, vì phong trào ở Việt Nam, chớm nở từ việc đòi hỏi tự
do sáng tác (tháng 4/55) trong quân đội, và chính thức bắt đầu với Giai
phẩm mùa xuân (tháng 1/56), trong khi đến tháng 5/56 Mao Trạch Đông
mới phát động phong trào Trăm hoa đua nở.
Nhưng nhờ Đảng Lao Động học tập chính sách của Mao Trạch Đông và
Liên Xô, mới có việc nới rộng tự do văn nghệ ở Việt Nam, mới tổ chức lớp học tập
dân chủ 18 ngày, và Nguyễn Hữu Đang mới có cơ hội trở lại văn trường và chính
trường, giữ vai trò lãnh đạo phong trào NVGP.
Tác phẩm của Boudarel đặt trọng tâm vào Trần Dần và bi kịch
Trần Dần, theo ông Trần Dần chịu ảnh hưởng tư tương phản kháng của Hồ Phong
trong chuyến đi Trung Hoa tháng 7 năm 1954 (để viết bản dẩn giải cho phim Điện
Biên Phủ). Thậm chí Boudarel còn cho rằng hai chữ Nhân Văn lấy từ câu
một của Hồ Phong: "Hiện thực xã hội theo quan niệm của tôi phải
quay về với con người... về sự giải phóng con người... về tinh thần nhân
văn" (THĐNTĐVN, Boudarel, trang 59). Trong nhận xét này, ông đã lầm
trên một số điểm:
- Tờ Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang chủ trương, khi ấy Trần Dần
đã mệt mỏi, lui vào mặt sau vì chuyện tù tội, vợ con, gia đình.
- Tên Nhân Văn là do Nguyễn Hữu Đang hay Hoàng Cầm đặt ra. Lê
Đạt nói: "Anh Cầm thì nói rằng tên Nhân Văn là do anh ấy nghĩ ra. Còn
anh Ðang cũng nói Nhân Văn do anh ấy nghĩ ra, thực tình tôi cũng không hiểu như
thế nào". Và Hoàng Cầm, trong lần phỏng vấn năm 2007, nhận rằng ông
đã nghĩ ra tên Nhân Văn; nhưng trong lời "thú nhận", năm 1958, Hoàng
Cầm viết: "Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước [bác sĩ Trần Hữu
Tước?], bàn về tên tờ báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký tòa soạn, thì tôi nghĩ
là "tên báo gì gì cũng được" miễn là có báo ra được". (Những
lời thú nhận của Hoàng Cầm, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58)
- Dù Trần Dần "thú nhận" rằng sự chống đối của
mình "có màu sắc tư tưởng Hồ Phong", cũng chỉ là một lối
nói, bởi những thành viên chính của phong trào NVGP hầu hết đều chịu ảnh hưởng
văn hóa Pháp, không mấy người biết Hán văn để đọc Hồ Phong.
Tóm lại về nguyên nhân phát xuất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm,
với những tư liệu hiện hành, chúng ta có thể xác định: mọi sự bắt nguồn từ
quân đội, những người đầu xướng là Trần Dần, Tử Phác, với sự cộng tác của Hoàng
Cầm, Lê Đạt trong hai vụ việc: Phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu và
Bản "Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa".
Vụ phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu
Gần một năm sau hiệp định Genève, ở miền Bắc, trong quân đội,
nổi lên phong trào đòi đổi mới văn học và tranh đấu cho tự
do sáng tác do Trần Dần, Tử Phác chủ trương với sự cộng tác của Hoàng Cầm,
Lê Đạt và một số văn nghệ sĩ. Sự phản kháng chia làm hai đợt:
- Tháng 3/1955, Trần Dần, Tử Phác cộng tác với Hoàng Cầm, Lê
Đạt, tổ chức việc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, với những bài
của Hoàng Yến, Hoàng Cầm, Lê Đạt.
- Tháng 4/1955 Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Hoàng
Tích Linh và Trúc Lâm ký bản "Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn
hóa".
Hai sự kiện này đi đôi và gắn bó với nhau. Trước kháng chiến,
Trần Dần đã cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch (em Vũ Hoàng Chương) ra tạp chí Dạ
đài (16/11/1946), với bản tuyên ngôn tượng trưng. Trong kháng chiến, năm
1950 Trần Dần gặp Lê Đạt, cùng chí hướng đổi mới thi ca. Bước đầu của sự đổi mới
là phải "chôn đàn anh" (như lời Nguyên Sa, và hành động của
nhóm Sáng Tạo, trong Nam, công kích Nhất Linh và Tự Lực văn đoàn). Trong
đám "đàn anh" này, ở ngoài Bắc, Tố Hữu là khuôn mặt tiêu biểu.
Nhân dịp tập thơ Việt Bắc vừa phát hành tháng
12/54, đã có bài ca tụng của Xuân Trường trên báo Nhân Dân (24/1/55) và một bài
tràng giang đại hải tung hô hết mình của Xuân Diệu trên hai số Văn Nghệ 64 và
65 (tháng 2/55). [In lại trong "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt
Bắc", do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, nxb Văn Hóa thông tin,
2005]
Ngày 4/3/55, Trần Dần và Tử Phác bèn đứng ra tổ chức một buổi
phê bình (kiểu toạ đàm) thơ Tố Hữu trong khôn khổ văn nghệ quân đội, với sự hiện
diện của tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Lê Đạt, kể lại
không khí hôm ấy như sau:
"Lúc đến, tôi đã thấy ông Nguyễn Chí Thanh ngồi đấy rồi.
Hoàng Yến lên nói về thơ Tố Hữu và bảo rằng thơ Tố Hữu bây giờ "nhỏ"
hơn thơ Tố Hữu thời trước, thì đó cũng là một cách nói thôi. Sau đó, khi anh
Thanh lên diễn đàn thì tôi thấy không khí im lặng cả, không ai nói gì nữa. Trần
Dần đá chân tôi bảo: "Thôi, thế cậu lên đi." Tôi lên nói một bài về
thơ Tố Hữu và tôi có nhắc đến sự sùng bái chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu. Cuộc
trao đổi ấy rất vui vẻ rồi ông Thanh cũng không nói gì nữa. Căn cứ trên cuộc thảo
luận ấy thì anh em thấy là có thể có đủ bài để viết trên tạp chí Văn Nghệ mà
lúc đó tôi là thường trực. Sau đó tôi có lên trình bày với anh Tố Hữu về tờ báo
Văn Nghệ".(phỏng vấn Lê Đạt, RFI).
Buổi toạ đàm, mới chỉ là nói miệng. Nhưng Lê Đạt muốn đưa lên
tạp chí Văn Nghệ (Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt ở trong ban biên tập). Khi Lê Đạt
lên gặp Tố Hữu (bàn về nội dung tờ báo), thì tình cờ Tố Hữu lại "gợi
ý" Lê Đạt nên viết bài phê bình tập thơ Việt Bắc (chắc ông chờ đợi
một sự phê bình tâng bốc của đàn em).
Lê Đạt, nhân đã có sẵn bài của Hoàng Yến trong túi, bèn tập hợp
thêm một số bài khác, làm số báo đặc biệt về tập Việt Bắc. Chắc Tố Hữu
không ngờ vụ việc lại xẩy ra trái hẳn ý mình, và như lời Lê Đạt: "Ở nước Việt Nam người ta chưa quen chê anh Tố Hữu bao giờ".
Việc phê bình rộng ra và chuyển sang các báo khác, kéo dài
nhiều tháng (xem tư liệu của Lại Nguyên Ân). Nhưng Tố Hữu cũng không vừa: hội
văn nghệ tổ chức thêm hai buổi tọa đàm khác, có các vị chức sắc tham dự. Trong
số những bài ca tụng Việt Bắc chủ chốt có bài của Hoài Thanh, Nguyễn
Đình Thi và Hoàng Trung Thông.
Phía chê có ba người: Hoàng Yến, Hoàng Cầm và Lê Đạt. Trần Độ
trung dung: vừa khen, vừa chê.
Hoàng Yến muốn chê thơ Tố Hữu bịa nhưng lịch sự nói rằng Tố Hữu
chưa nắm vững hiện thực: "Ta thấy thơ Tố Hữu ngày nay còn bé hơn thơ
Tố Hữu trước kia. Bé vì Tố Hữu chưa thổi được vào thơ ngọn lửa hừng hực chiến đấu
của thời đại để đốt cháy lòng người đọc. Bé vì chất sống chưa thật sâu sắc nên
ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo công thức" (Tư liệu Lại Nguyên Ân, trang 69).
Hoàng Cầm chê thơ Tố Hữu "thiếu chất sống thực tế", "nhạt
nhẽo", "hời hợt", chỉ "lởn vởn ở bên ngoài chứ
không đột phá vào một khía cạnh nào của tâm hồn", "những câu văn
đèm đẹp" "rủ rỉ một lát rồi thôi", "chỉ thấy những
hình ảnh chung chung, gặp bất cứ ở chỗ nào", khi ca tụng lãnh đạo
thì "đao to búa lớn", " bài "Hoan hô chiến sĩ Điện
Biên giống như một vại nước to, tràn đầy, pha loãng một màu sữa. Loãng
quá",...
Lê Đạt, trong bài lý luận, cho rằng Tố Hữu "cố gắng
đi tới công nông" nhưng trong thơ còn rơi rớt tính chất "ngậm
ngùi, buồn buồn... nó là cơ sở điệu tâm hồn của Tố Hữu"... Lê Đạt tổng kết
ý kiến của mình và các bạn trong câu: "Tính chất tiểu tư sản và xa thực
tế là hai khuyết điểm căn bản nó cản trở khả năng hiện thực của Tố Hữu. Nó là
nguyên nhân của cái buồn, cái công thức, cái hời hợt rải rác trong tập thơ"'
(theo tư liệu Lại Nguyên Ân).
Trần Dần không có bài trên báo, nhưng viết trong nhật
ký "Tố Hữu nhìn sự vật nó chính trị quá công thức quá, lười tìm tòi
quá. Chỗ nào hay thì lại là lắp lại Nguyễn Du, Tản Đà, ca dao... Tố Hữu chưa
đem tới một cách nhìn mới mẻ gì" (Trần Dần ghi trang 143). Và
trong buổi toạ đàm ngày 4/3/55, theo Vũ Tú Nam mách lại, Trần Dần gọi thơ Tố Hữu
là "tí ti la haine, tí ti l'amour" (tí ti căm thù, tí ti tình yêu) (Sự
thực về con người Trần Dần, Vũ Tú Nam, QĐND tháng 4/58).
Tất nhiên Tố Hữu không thể nào "bỏ qua" vụ này.
Sang tháng sau, Trần Dần, Tử Phác lại tung ra một vụ mới, đó
là bản dự thảo đề nghị một chính sách văn hóa trong quân đội.
Bản dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa
Tháng 4/1955, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận,
Hoàng Tích Linh và Trúc Lâm ký bản "Dự thảo đề nghị cho một chính
sách văn hóa", nội dung yêu cầu cải cách chính sách văn nghệ trong
quân đội, đòi quyền tự do sáng tác.
Theo Hoàng Cầm: "Bản dự thảo sắp được thông qua. Một
vài cán bộ cao cấp trong quân đội tỏ ý tán thành những điểm chính trong bản đề
nghị đó, và nhất là hoan nghênh tinh thần xây dựng của bản đề nghị".
Nhưng: "Đột nhiên trong không khí hào hứng của gần
ba mươi anh em văn nghệ sĩ đang sẵn sàng cởi mở hết để xây dựng một trong những
chính sách lớn của Đảng, bỗng có một câu quật lại: “Tinh thần bản đề nghị này
chính là một thứ tư tưởng tự do của tư sản. Nó chứng tỏ tư tưởng tư sản đã bắt
đầu tấn công vào các đồng chí!
Giá câu nói ấy ở mồm một người thường thì cũng sẽ thường
thôi. Nhưng lại ở một cán bộ có đủ thẩm quyền xét lại hay bác bỏ những đề nghị
của văn nghệ sĩ, thì bắt đầu có một sự động cựa lớn. Những người trước kia tán
thành bản dự án thì bắt đầu trở nên hoang mang". (Trích bài Con
người Trần Dần của Hoàng Cầm, Nhân Văn số 1).
Hoàng Cầm không nói rõ những người ủng hộ kia là ai, và người "thẩm
quyền bác bỏ" kia là ai. Nhưng qua bài đánh Trần Dần của Vũ Tú Nam
trên Văn Nghệ Quân Đội, chúng ta có thể tóm tắt tình hình như sau: Cuối năm
54, đầu 55, Phòng văn nghệ quân đội tổ chức một cuộc thảo luận về việc thay đổi
chính sách văn nghệ với sự có mặt của tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong buổi đó, Trần
Dần đã nêu lên ba đòi hỏi chính, Vũ Tú Nam viết:
"1- Trả lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ.
2- Thành lập trong quân đội một chi hội văn nghệ trực thuộc hội
văn nghê, không qua cục tuyên huấn và tổng cục chính trị.
3- Bỏ mọi "chế độ quân sự hiện hành" trong văn nghệ
quân đội...
Nghe xong đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò anh em phải coi chừng,
đó là quan điểm tư sản, phi Đảng, phi giai cấp, phi chính trị. Hồi đó, anh em
chưa vỡ lẽ, còn ấm ức, cho là cấp trên không thông cảm. Trần Dần và vài người
khác thì lồng lộn, chửi bới, reo rắc hoài nghi, chán nản, muốn giải ngũ". (Vũ
Tú Nam, Sự thực về con người Trần Dần, Văn Nghệ Quân đội, số 4, tháng
4/58).
Tuy vậy, Trần Dần vẫn được giao cho việc tổ chức hội nghị
ngành văn toàn quân tháng 4/55. Lần này, Trần Dần trình bày bản dự thảo do
chính tay mình viết tháng 2/55, dài 12 trang đánh máy. Theo vài câu trích dẫn của
Vũ Tú Nam (để buộc tội quan điểm "xét lại" của Trần Dần) Trần Dần viết:
"Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ
tôn trọng, trung thành với sự thực. Đó là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá tác giả
và tác phẩm... tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập
trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết"
"... Sự thực lớn gấp triệu triệu lần bất cứ chỉ thị, lý
luận nào... Nếu như sự thực ngược lại chính sách chỉ thị, thì phải viết sự thực
chứ không phải là bóp gò sự thực vào chính sách"
Tổng hợp thông tin của Hoàng Cầm và Vũ Tú Nam, chúng ta thấy:
tướng Nguyễn Chí Thanh vừa bật đèn xanh cho Trần Dần và các bạn đòi hỏi tự do
sáng tác (viết sự thật) vừa dập tắt bản dự thảo đòi tự do sáng tác. Nhưng ngoài
Nguyễn Chí Thanh, bản dự thảo còn được những ai ủng hộ, khiến nó sắp được thông
qua, như lời Hoàng Cầm?
Theo phân tích của Boudarel, thì bản dự thảo này được sự ủng
hộ của ba tướng tá cao cấp trong Tổng cục chính trị: Lê Quang Đạo, Trần Độ, và
nhất là Lê Liêm. Ông viết:
"Ở những buổi thảo luận nội bộ năm 1955 trong quân đội,
có những cán bộ cao cấp ủng hộ nhóm văn nghệ sĩ đòi hỏi quyền tự do sáng tác,
nhưng không ai chỉ rõ tên họ ra, rất có thể bởi vì muốn tránh cho họ rơi vào
hoàn cảnh khó xử trước những đồng nghiệp quyết liệt. Duy có hai người,
hai tướng chính ủy Trần Độ và Lê Liêm là dễ nhận ra, nhưng cũng không chỉ có
hai người đó.
Một văn bản chứng minh rằng vào mùa thu năm 1956, tướng Lê
Quang Đạo cũng can thiệp khi vụ việc xẩy ra. Nhưng trong chiều hướng nào? Lúc
đó ông là trưởng phòng tuyên huấn" (trích THĐNTĐVN, trang 101).
Boudarel phác họa chân dung Lê Quang Đạo, Lê Liêm và Trần Độ,
ba tướng lãnh trong tổng cục chính trị ủng hộ những nhà văn trẻ, ông phân tích
những khúc mắc trên con đường của họ, khi ủng hộ tự do sáng tác và mở rộng dân
chủ, lúc phải lùi bước trở lại vị trí chính thống. Điều đặc biệt đáng chú ý là
trong suốt thời kỳ NVGP, ông không tìm thấy văn bản nào của các tướng lãnh
trong tổng cục chính trị lên án phong trào.
Trang bìa tập sách phê phán
phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (Ảnh: DR)
Cuốn Bọn Nhân văn Giai phẩm trước toà án dư luận tập
hợp những bài viết của hơn 80 văn nghệ sĩ và trí thức "dân sự" tuyệt
nhiên không có bài viết nào của quân đội, kể cả Nguyễn Chí Thanh, mặc dầu phong
trào phát xuất từ quân đội.
Với mức tư liệu hiện có, chúng ta có thể hiểu rằng: Trong vụ
thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm, quân đội đứng ngoài. Quân đội sạch tay
hơn dân sự.
Tướng Lê Liêm, một trong những người có công lớn trong trận
Điện Biên Phủ, hết sức ủng hộ văn nghệ sĩ, Lê Liêm không viết một dòng nào chống
lại những người đòi tự do sáng tạo, một sự im lặng này đầy ý nghĩa. Năm 1958,
ông trở thành Thứ trưởng Văn hoá, tuy được thăng chức, nhưng không có quyền, bước
đầu của sự thất sủng. Phản đối việc thân Tàu, chống Nga, năm 1965, ông nhận chức
Thứ trưởng giáo dục, và trong một bài diễn văn về việc cải tạo giáo dục, năm
1968, ông trở lại quan điểm chính thống. Năm 1974, người ta đồn ông bị khai trừ
khỏi đảng cùng với Ưng Văn Khiêm, tướng Nguyễn Văn Vinh và Bùi Công Trừng, vì tội
thân Nga. Lê Liêm là một khuôn mặt cởi mở, chấp nhận đối thoại mà ít người biết
đến.
Tướng Lê Quang Đạo, với trách nhiệm trưởng phòng tuyên huấn,
chắc chắn đã tác dụng vào những cuộc tranh luận văn học nội bộ trong thời kỳ
này. Sau vụ Nhân Văn, ông vẫn tiếp tục con đường cởi mở đến thập niên 80. Năm
1982, ở đại hội V, khuynh hướng bảo thủ thắng thế. Đến năm 1987, làm chủ tịch
quốc hội, ông tiếp tục cổ động cho công cuộc đổi mới.
Trần Độ kiên trì trong quan điểm dân chủ hoá đất nước. Sau
Nhân Văn, ông trở lại chiến trường. Dường như ông chỉ tạm thời lùi bước năm
1956 để tiến mạnh hơn, ba mươi năm sau. Năm 1982, trực diện với sự bảo thủ của
Hà Xuân Trường trong đại hội V, Trần Độ thua cuộc, nhưng đến năm 1986, khi làm
Trưởng ban văn hoá tư tưởng trung ương, dưới sự cởi mở của Nguyễn Văn Linh, Trần
Độ trở lại vai trò chủ đạo cho công cuộc đổi mới văn học. Nói như
Boudarel: "tất cả những vấn đề cơ bản đều quy về những năm 1955-
1956".
Như vậy NVGP, mở đầu cho tinh thần đấu tranh tự do tư tưởng,
cho công cuộc đổi mới văn học, tinh thần này không chấm dứt khi phong trào bị dập
tắt, chỉ ngủ yên trong ba mươi năm rồi lại bùng lên những năm 1987- 88.
Vai trò của tướng Nguyễn Chí Thanh khá phức tạp. Cầm đầu
chính trị quân đội, ông cũng là người đã "dẹp" vụ dự thảo ngay còn
trong trứng nước. Nhưng khi Trần Dần bị bắt lần thứ nhì, dùng dao cạo cứa cổ,
được đưa vào bệnh viện, Trần Dần viết thư cho Nguyễn Chí Thanh, ông đã can thiệp
để "cứu" Trần Dần. Nhưng cũng chính tướng Nguyễn Chí Thanh đã trao
cho người bà con Vũ Tú Nam toàn bộ tư liệu về Trần Dần, kể cả 2 lá thư Trần Dần
viết để xin ra khỏi đảng năm 55, để họ Vũ có đủ tư liệu viết bài đánh Trần Dần
(THĐNTĐVN, Boudarel, trang 100 và 126).
Nhưng cũng không thể liệt Nguyễn Chí Thanh vào loại người
xoay chiều, như Đỗ Nhuận, bạn thân của Trần Dần, cùng đi Điện Biên Phủ, cùng đi
Trung Quốc, cùng ký bản dự thảo, nhưng sau này quay lại viết bài đánh Trần Dần.
Chân dung nhà thơ Trần Dần với vết sẹo trên cổ
do họa sĩ Nguyễn
Sáng vẽ năm 1956
và đăng trên Nhân Văn số 1.
(Nguồn: Tư liệu G.Boudarel)
Vì hai sự kiện: phê bình thơ Tố Hữu và đề nghị
cải cách chính sách văn nghệ quân đội, mà Trần Dần và Tử Phác bị kỷ luật, bị
giam từ 13/6/55 đến 14/9/55.
Nhưng về mặt chính thức, Trần Dần bị kỷ luật vì lẽ khác: về
chuyện tình cảm, yêu một người con gái có đạo (Cô Khuê, vợ Trần Dần sau này)
cha mẹ đã đi Nam, không được đảng cho phép cưới, tự ý bỏ trại, về với người yêu
ở phố Sinh Từ và không chịu lên trình diện (Tử Phác cũng không chịu lên trình
diện). Hoàng Văn Chí thu thập được khá nhiều tin tức và tổng hợp với bài Con
người Trần Dần của Hoàng Cầm, đã viết khá chi tiết về việc này từ năm
1959. Nhưng sự phân tích của Boudarel có những điểm thỏa đáng hơn:
"Đối với Trần Dần, trận bút chiến trong ba tháng đầu năm
1955 đi đôi với sự tranh đấu không cân bằng trong cục chính ủy quân đội về vấn
đề lý thuyết chính trị và nhân sự, cả hai đan cài khó gỡ. Việc bản dự thảo bị hủy
bỏ đối với Trần Dần là một thất bại, nhưng cũng không đau đớn bằng việc bị các
bạn đồng hành bỏ rơi chạy sang phe bên kia. Vì lý do sức khỏe, Trần Dần xin nghỉ
một thời gian để thoát khỏi trại nhà binh. Mãi không thấy cấp trên trả lời, anh
tự ý bỏ trại về nhà người bạn gái ở phố Sinh Từ. Hai lần cấp trên gọi về chờ lệnh,
anh đều từ chối. Bị kiểm thảo vắng mặt, và có lẽ bị trừng phạt nữa, bởi vì
trong lần gọi thứ ba, anh đòi hủy bỏ những quyết định chống lại anh. Những phê
phán Trần Dần phạm quân kỷ đi đôi với việc trật tự trở lại trong văn nghệ quân
đội. Mãi không thấy gì mới, đến giữa tháng 5/1955, Trần Dần viết hai lá đơn xin
ra khỏi đảng và ra khỏi quân đội (một cho đảng và một cho quân đội) trong đó
anh trình bày những lý lẽ của mình với một sự thẳng thắn, nếu không muốn nói
ngây thơ lạ lùng" (THĐNTĐVN, Boudarel, trang 125-126).
Đây là lần thứ nhất Trần Dần, Tử Phác bị giam, thật ra là bị
cấm trại, không phải bị tù. Trong thời gian này, Trần Dần viết bài thơ
dài Nhất định thắng trao bản thảo cho Lê Đạt giữ (Hoàng Cầm, Con
người Trần Dần). Hết ba tháng cấm trại, Trần Dần và Tử Phác được về nhà, và hơn
tháng sau, cả hai được gửi đi tham gia Cải cách ruộng đất tại Yên viên, Bắc
ninh, từ 2/11/1955 đến tháng 2/1956. Trong khi ấy Hoàng Cầm và Lê Đạt chuẩn bị
ra tờ Giai phẩm mùa xuân.
Tháng giêng năm 1956, Giai phẩm mùa xuân ra đời,
đăng bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần. Bài thơ đã gây tai họa cho
Trần Dần và tờ giai phẩm. Báo vừa phát hành, Lê Đạt bị gọi lên Tuyên huấn để kiểm
thảo. Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu. Trần Dần và Tử Phác bị bắt. Bị
giam, Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ, được đưa vào bệnh viện. Trần Dần viết thư
cho tướng Nguyễn Chí Thanh ngày 21/2/56 và được tha ngày 5/5/56 (THĐNTĐVN,
Boudarel, trang 46).
Hoàng Cầm viết: "Giai phẩm mùa Xuân bị kết tội, bài
thơ "Nhất định thắng" bị kết tội. Người ta cho rằng cái bè phái độc
quyền trong giới văn nghệ bị công kích (bắt đầu từ cuộc phê bình thơ Việt Bắc)
đã tìm cách trả thù :
Trần Dần, Tử Phác đều bị tống giam".
"Từ những ngày Tết mưa lã chã, cái bè phái độc quyền
trong văn nghệ bắt đầu họp đứng họp ngồi để tìm cách đối phó với cái Giai phẩm.
Một không khí ngạt thở đè nặng lên những anh em có bài trong tập sách đó. Rồi đến
một đêm, bài thơ “Nhất định thắng” bị đem ra luận tội." (Con
người Trần Dần,Hoàng Cầm, Nhân Văn số 1)
Hoàng Cầm trong lời "thú nhận", kể rằng ông muốn
làm "cho cả cụ Hồ, cả Trung ương cũng phải thương xót cảnh ngộ Trần Dần,
mà trừng trị người nào đã gây ra cảnh ngộ đó".Nhưng sau khi bài báo xuất
hiện, Nguyễn Chí Thanh giao cho Lê Quang Đạo mời Hoàng Cầm đến để giải thích, vẫn
theo lời "thú nhận" của Hoàng Cầm :
"Khi đồng chí Lê Quang Đạo có mời tôi vào giải thích rõ
trường hợp Trần Dần, tôi đã nhụt đi, có ý muốn cải chính bài báo, tôi về viết
bài cải chính, có nói rõ sự giáo dục của quân đội với Trần Dần, sự săn sóc của
đồng chí Nguyễn Chí Thanh và của Phòng văn nghệ quân đội đối với Trần Dần,
nhưng trong ý nghĩ vẫn không chịu nhận rằng mình đã xuyên tạc bóp méo sự thật,
không chịu nhận rằng mình bôi đen chế độ, nên vẫn viết thêm một đoạn cuối nói rằng:
việc bỏ tù Trần Dần là quá đáng, đến nỗi Trần Dần phải tự tử, và tôi vẫn viết một
câu đại ý: Đồng chí Tố Hữu là người phụ trách toàn bộ công tác lãnh
đạo văn nghệ, phải chịu trách nhiệm về viêc này. Thế là cải chính một nửa, để lại
bôi xấu một nửa.- Bài đó (không đăng) chỉ là một hành vi không thành thật" (Những
lời thú nhận của Hoàng Cầm, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58).
Về phía đối diện, đây là lời buộc tội của Tố Hữu:
"Cuộc tấn công vào chế độ ta và Đảng ta đã bắt đầu trên
mặt trận văn nghệ từ đầu năm 1955, ngay khi hòa bình vừa lập lại.
Trong khi bọn gián điệp còn giấu mặt chờ đợi thời cơ, và bọn
tờ-rốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo tích cực chuẩn bị lực lượng ở trường Đại học,
thì bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng ẩn nấp trong báo Văn Nghệ của
Hội Văn Nghệ cùng bọn Trần Dần, Tử Phác cũng là những tên phản Đảng trong phòng
Văn nghệ quân đội, đã kết thành một bè phái chống Đảng trong Văn nghệ.
Như lời thú nhận của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, cuộc phê
bình tập thơ Việt Bắc là do cái bè phái ấy sắp đặt, để đánh vào sự lãnh đạo và
đường lối văn nghệ của Đảng, đường lối phục vụ chính trị cách mạng, phục vụ
công nông binh, và để đề xướng cái "điệu tâm hồn" ruỗng nát của chủ
nghĩa cá nhân tư sản, mở cửa cho lối sống tự do sa đọa.
Đương nhiên cái "điệu tâm hồn" ấy của Lê Đạt xướng
lên không thể nào hòa được với cái điệu lớn của cách mạng, và cũng rất tự nhiên
nó chỉ hòa được với "tiếng sáo tiền kiếp" lóc gân của tên mật thám Trần
Duy.
Cũng lúc ấy, bọn Trần Dần, Tử Phác - những đứa con hư hỏng của
Hà nội cũ - nay lại trở về với "cảnh cũ người xưa" bỗng cảm thấy đời sống
trong quân đội "nghẹt thở", chỉ vì thiếu cái tự do trở lại đời sống
trụy lạc cũ. Đối với chúng, đời sống trong quân đội cách mạng chỉ còn là
"những sợi dây xích trói buộc phải phá mà ra". Được tiêm thêm ít nhiều
chất phản động của Hồ Phong, Trần Dần gióng lên "tiếng trống tương
lai" chửi cán bộ chính trị là "người bệnh", "người
ròi", "người ụ". Cùng Tử Phác, khiêu khích những anh em khác, hắn
tổ chức một cuộc đấu tranh "buộc lãnh đạo thực hiện mọi yêu cầu" của
họ.
Họ đòi thực hiện những gì? "Trả quyền lãnh đạo văn nghệ
về tay văn nghệ sĩ. Thủ tiêu chế độ chính trị viên trong các đoàn văn công quân
đội. Thủ tiêu mọi chế độ quân sự hiện hành trong văn nghệ quân đội. Thành lập
trong quân đội một chi Hội văn nghệ trực thuộc Hội văn nghệ, không qua Cục
Tuyên huấn và Tổng cục Chính trị". Tóm lại là thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng
và kỷ luật của quân đội đối với họ"
(Tố Hữu, Nhìn lại 3 năm phá hoại của nhóm "Nhân
Văn Giai Phẩm", BNVGPTTADL, nxb Sự Thật, Hà nội 1959, trang 22-24).
Việc Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ
Về việc Trần Dần cứa cổ, cho đến nay, chỉ có Hoàng Cầm kể lại:
Trong bài cải chính (không in) mà Hoàng Cầm nhắc đến ở trên và trong buổi nói
chuyện trên RFI, ông thuật lại ít nhiều chi tiết. Đặc biệt trong hồi ký Nguyễn
Đăng Mạnh, đoạn ghi lời kể của Hoàng Cầm về việc này có nhiều chi tiết rõ ràng
hơn:
Tố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần:
Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai phẩm mùa xuân, có đăng bài của
Trần Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp: Hoàng Cầm, Văn Phác (phụ
trách tổ chức Bộ Văn Hoá), Chế Lan Viên... Tố Hữu cầm cuốn Giai phẩm mùa xuân,
hỏi mọi người: "Các anh thấy tập sách này thế nào?"
Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan
Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Anh nói: "Cuốn sách đại phản động!"
Tố Hữu hỏi Văn Phác: "Hiện nay chúng nó đang ở đâu?"
Văn Phác: "Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên viên"
Tố Hữu lệnh - Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng: "Gọi nó về,
bắt lấy nó!"
Thế là Văn Phác làm giấy tờ để bắt Trần Dần, Tử Phác.
Và đây là lời kể của Trần Dần, Hoàng Cầm thuật lại: Chiều hôm
ấy, có một cái xe ô tô nhà binh đến Yên viên. Họ gọi Trần Dần, Tử Phác ra và lập
tức bịt mắt. Trần Dần kịp thấy trên xe có lính mang súng, lưỡi lê tuốt trần.
Hoàng Cầm nói, Trần Dần là tay thần kinh rất vững. Anh ta
bình tĩnh lắng nghe để đoán xem xe đi đâu. Qua một cái cầu dài. Thế là vào Hà nội.
Nhưng xe lại chạy tiếp khá lâu. Thế là đi quá Hà nội. Đến một chỗ nào đấy, xe đỗ
lại. Người ta dắt Trần Dần, Tử Phác, đi xuống một địa điểm ở sâu dưới đất - vì
cứ thấy xuống nhiều bậc, xuống mãi. Đến một độ sâu nào đấy, họ dừng lại và đẩy
Trần Dần vào một căn hầm, đóng cửa lại. Trần Dần nghĩ bụng, chắc bị thủ tiêu.
Thủ tiêu ở đây thì ai biết được? Coi như mất tích. Anh nghĩ phải tìm cách lên
được mặt đất.
Sáng ra, thấy đây là một cái hầm đào sâu dưới đất. Ánh sáng lọt
xuống từ nóc hầm qua một ô cửa có chấn song, ở trên thoáng thấy có bóng một anh
lính gác.
Trần Dần thấy trong hầm có một cái phản gỗ và một bình nước.
Anh kéo cái phản ra chỗ ánh sáng từ trên nóc hầm rọi xuống, cởi áo ngoài, để
phơi áo sơ mi trắng bên trong ra, lấy một cái mince lame trong túi, nằm ngửa
lên phản, dùng lưỡi dao cứa vào cổ cho máu phun ra ngực áo, rồi giẫy đạp ầm ĩ,
cốt cho anh lính gác nghe thấy. Anh lính gác nhìn xuống thấy thế hoảng quá: Nó
tự tử, phải đưa cấp cứu ngay! Một lát sau, cửa hầm mở, người ta đưa Trần Dần đi
cấp cứu ở một bệnh viện gần đó. Té ra là bệnh viện Hà Đông. Ở đây, Trần Dần may
vớ được một người quen bèn viết mẩu giấy nhờ đưa đến Tổng cục chính trị nơi anh
công tác. Nguyễn Chí Thanh lập tức đến bệnh viện và lệnh tha ngay cả Trần Dần
và Tử Phác.
Hoàng Cầm rất phục Trần Dần. Thằng cha thần kinh rất vững.
Hoàng Cầm cũng từng bị bắt giam. (Ông nghe Hoàng Hưng, định đưa tập thơ Về Kinh
Bắc sang Pháp in). Ông nói: "Tôi nhát lắm, mọi tội tôi xin nhận hết"
(Hết hạn tù, người ta cho ra, còn xin ở lại viết kiểm thảo. Tô Hoài cho tôi biết
thế). Sợ nhất là trong tù cứ thấy tiếng phát ra đều đều không biết từ đâu: Khai
thật đi! Khai thật đi! Khai thật rồi về với vợ con!
Chuyện nghe khá sợ. Một hình thức khủng bố về tâm lý. Chẳng
biết Hoàng Cầm có thêm thắt gì vào sự thật không. Nhưng quả là đáng sợ. Hoàng Cầm
cũng hay tưởng tượng thêu dệt thêm ra nữa" (trích Hồi Ký Nguyễn
Đăng Mạnh, chưa in).
Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu, Trần Dần, Tử Phác bị bắt,
Lê Đạt bị kiểm thảo. Sự khủng bố trở nên công khai nhưng cũng mở màn cho một
phong trào đấu tranh cho dân chủ rộng lớn hơn, nửa năm sau. Vậy nội dung Giai
phẩm mùa xuân có những gì? Điều này cần đến một sự phân tích văn bản cặn
kẽ.
Nhân Văn Giai Phẩm phần III: Giai phẩm mùa xuân
Trong Giai phẩm mùa xuân bài thơ quyết liệt nhất, hỏi
tội bọn nịnh thần, là của Văn Cao. Nhưng không ai dám đánh Văn Cao, tác giả quốc
ca. Tất cả mũi dùi đổ vào Trần Dần, Lê Đạt, hai nhà thơ trẻ chưa nổi tiếng.
Chính vì vụ đánh Trần Dần, Lê Đạt mà Phan Khôi trở lại vai "ngự sử văn
đàn" với bài Phê bình lãnh đạo văn nghệvà các nhà trí thức khác tích
cực tham gia phong trào.
Hình bìa Giai Phẩm Mùa Xuân
và Mùa Đông xuất bản năm 1956
Tổ chức Giai phẩm mùa xuân
Giai phẩm mùa xuân do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ
trương. Trần Dần có tham dự vào việc tổ chức ra báo và bài vở không?
Hoàng Cầm trong bài Con người Trần Dần, in trên
Nhân văn số 1 (8/1956) và cả đến sau này, trong bài phỏng vấn trên RFI, đều xác
định là Trần Dần không biết gì về việc in bài thơ Nhất định thắng vì
lúc đó đang tham gia Cải cách ruộng đất ở xa. Có lẽ là để gỡ tội cho Trần Dần.
Nhưng sự thực thì Trần Dần có tham gia vào việc
ra Giai Phẩm mùa xuân: Sau khi bị bắt lần thứ nhất, bị cấm trại
3 tháng cùng với Tử Phác [vì "phạm kỷ luật quân đội" nhưng trên thực
tế vì tổ chức phê bình thơ Tố Hữu và viết bản dự thảo đòi tự do sáng tác], Trần
Dần, Tử Phác được gửi đi tham quan Cải cách ruộng đất.
Trong lời "thú tội", Trần Dần viết về thời điểm này
như sau:
"Sau thời gian đó, trên có cho tôi đi tham quan Cải cách
ruộng đất để tự cải tạo. Song, tôi lại dựa vào cái thế tham quan, cứ đi lại Hà
nội, tiếp tục quan hệ với một người vợ chưa được phép. Hơn nữa lại quan hệ với
Hoàng Cầm, Lê Đạt, ra Giai phẩm mùa xuân.
Tuy là họ đề ra, song sau khi thống nhất trước với nhau là: “Tự do lấy bài tôi
đưa vào”, thì tôi hoàn toàn đồng tình. Mỗi lần gặp lại thúc đẩy, dục dã, ra cho
nhanh. Việc tập hợp bài vở, tôi không rõ chi tiết. Bài Lão Rồng là
do tôi viết. Tôi ví đồng chí Văn Phác như tên lý trưởng đã chà đạp Lão Rồng". (Trần
Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ, số 12, tháng 5/1958, trang
60).
Phía Lê Đạt, ông xác định việc chủ trương và tổ chức Giai
Phẩm mùa xuân như sau:
"Trần Dần ra rồi, chúng tôi mới nghĩ đến chuyện này:
bây giờ làm sao mà in được một tập thơ, trái với nguyên tắc lúc bấy giờ -
nguyên tắc bấy giờ là tất cả các bài đều bị kiểm duyệt. Tôi chủ trương tập này
phải là một tập tự do sáng tác hoàn toàn, tức là mỗi cá nhân đều chịu
trách nhiệm về bài của mình và không có kiểm duyệt gì cả. Tôi có bàn với Dần,
Cầm, với Văn Cao, Tử Phác và mấy anh hội họa nữa là Sỹ Ngọc và Nguyễn Sáng. Lúc
đó thì chưa tìm được chữ gì hay lắm. Tôi cũng không thích chữ Giai Phẩm tại chữ
Giai Phẩm có vẻ Tự Lực Văn Ðoàn, nghe chữ ấy nó sang trọng quá tôi không thích.
Nhưng lúc đó anh Minh Ðức (nhà xuất bản) và anh Ðang đều thích chữ ấy. Trước
tôi định cái tít là "Thơ năm người", nhưng mọi người bảo thế là
"gây sự" quá, thì sau cũng đành lấy chữ Giai Phẩm". (Lê Đạt
trả lời phỏng vấn RFI).
Về mặt văn bản, căn cứ vào các sáng tác in trong Giai Phẩm
mùa xuân, chúng ta có thể xác định rằng: Giai Phẩm mùa xuân là tạp chí
văn học đầu tiên ở miền Bắc sau Cách mạng tháng Tám, đáp ứng hai đòi hỏi: tự
do sáng tác và đổi mới văn học do Lê Đạt, Hoàng Cầm chủ trương, với sự cộng
tác của Trần Dần, Văn Cao, Tử Phác...
Nội dung Giai phẩm mùa xuân
Giai phẩm mùa xuân chuyên về thơ. Tất cả có 9 bài thơ
(Lê Đạt ba, Hoàng Cầm hai, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Phùng Quán, mỗi người một và
bài Nhất định thắngcủa Trần Dần), ngoài ra còn một truyện ngắn của Sỹ Ngọc
và truyện phiếm Lão Rồng của Trần Dần.
Về hình thức, thơ trong Giai phẩm mùa xuân khác với Thơ
Mới: các câu dài, ngắn, không đồng đều; nhịp điệu phóng khoáng; có thể
nói đây là tạp chí thơ đầu tiên thể hiện cách làm thơ hiện đại không
vần ở miền Bắc. Tất nhiên cũng mới chỉ là những thử nghiệm, các tác giả
chưa xác định được căn cước của riêng mình, như sau này Lê Đạt với Bóng
chữ, Trần Dần với Cổng tỉnh, Hoàng Cầm với Về Kinh Bắc, Đặng Đình
Hưng với Ô mai, Bến lạ.
Về nội dung tư tưởng, sáng tác trong Giai phẩm mùa xuân có
ba hướng khá rõ:
- Khuynh hướng tuyên truyền cách mạng: Chống địa
chủ, cường hào ác bá, đề cao cách mạng (Mùa xuân đến rồi đây của Hoàng Cầm),
thơ chiêu hồi gửi miền Nam (Thơ qua đài phát thanh, Hoàng Cầm). Thơ đề cao chiến
thắng và công lao của Đảng (Hoa đào vẫn nở, Nguyễn Sáng). Thơ kiến thiết đất nước,
xây dựng xã hội mới (Mỗi ngày mỗi lớn - Gửi kế hoạch nhà nước 1956, Lê Đạt).
Thơ ca tụng công nhân quét đường (Thi sĩ và công nhân, Phùng Quán). Văn tả cảnh
đói khổ của người dân lao động, sự bóc lột của địa chủ, nhưng nhờ ánh sáng của
Đảng, từ nay, trời sẽ "trong sáng vĩnh viễn" (Sổ tay, Sỹ
Ngọc).
- Khuynh hướng vừa chống vừa theo: Trần Dần (Nhất định
thắng).
- Khuynh hướng chống đối và đòi tự do sáng tác: Văn
Cao (Anh có nghe thấy không) và Lê Đạt (Làm thơ và Mới).
Nhà thơ Hoàng Cầm thời còn đi Kháng chiến
(Ảnh: DR)
Tiểu biểu cho khuynh hướng đầu tiên là thơ Hoàng Cầm. Là một
trong những người chủ chốt xây dựng nên phong trào, nhưng khác với Trần Dần
và Lê Đạt, hai nhà thơ trẻ chưa có tên tuổi, Hoàng Cầm thuộc lớp đàn anh,
đã có vị trí vững vàng trên nhiều địa hạt văn nghệ như một nhà thơ, kịch tác
gia, diễn viên và đạo điễn.
Về mặt thi ca, Hoàng Cầm có phần nổi tiếng hơn Tố Hữu: những
bài Đêm liên hoan, Tâm sự đêm giao thừa, Bên kia sông Đuống... tuy không
được phổ biến rộng rãi trên báo của đảng, nhưng vẫn truyền qua các kênh đại
chúng, trở thành những tác phẩm tiêu biểu của thi ca kháng chiến và đã đóng góp
tích cực vào việc tuyên truyền cho tinh thần chiến đấu vệ quốc quân.
Thơ Tố Hữu, vì có nhiều câu kêu gọi sự giết chóc (dù là giết
"quân thù"): "Giết giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ...",
lại có những câu ca tụng đảng trơ trẽn: "Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt" hoặc "Đảng
ta Mác Lê nin vĩ đại...", hoặc những câu thờ phụng lãnh tụ ngoại
lai: Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt, đôi khi đi đến chỗ vong
bản như: Xít ta lin! Xít ta lin!/ Yêu biết mấy, nghe con tập nói/
Tiếng đầu lòng con gọi Xít Ta Lin... nên dù Tố Hữu có quyền thế, dù thơ
Tố Hữu được học, được tung hô trong hơn nửa thế kỷ, nhưng thơ ông vẫn không
được toàn dân chấp nhận. Tố Hữu cũng có những câu thơ hay, nhưng chúng bị
ngập trong rừng thơ tuyên truyền. Đối với số đông người Việt, Tố Hữu là chủ
soái của trường thơ ca tụng Bác và Đảng.
Hoàng Cầm là nhà thơ đích thực, từ Bắc chí Nam, trước và sau
1954, thơ Hoàng Cầm được mọi người yêu mến, bởi thơ ông nói lên tâm sự
đớn đau của con người. Hoàng Cầm cũng tuyên truyền, nhưng thường tuyên truyền
cho lòng yêu nước, rất ít những câu ca tụng đảng, ca tụng lãnh tụ hay một chủ
nghĩa ngoại lai như trường hợp Tố Hữu.
Cho nên, không phải tình cờ mà Nguyễn Hữu Đang, năm 1956, khi
ra Nhân Văn số 1, đã nhờ Hoàng Cầm viết bài bênh vực Trần Dần: Bởi trong nền
thi ca cách mạng, chỉ Hoàng Cầm mới có đủ tư thế văn học để đương đầu với Tố Hữu
lúc bấy giờ.
Trong NVGP, Hoàng Cầm giữ vị trí điều hoà và liên lạc mời những
người có "vai vế" như Văn Cao, Phan Khôi... tham gia phong
trào. Hoàng Cầm cùng với Lê Đạt tổ chức Giai phẩm mùa xuân, nhưng
thơ ông trong Giai phẩm mùa xuânkhông có tính cách quyết liệt
như thơ Văn Cao, không tố giác như thơ Trần Dần và cũng không đòi đổi mới thi
ca như thơ Lê Đạt.
Đó cũng là phong cách của Hoàng Cầm: trung dung, ôn hoà,
cũng có thể như ông tự nhận mình là nhát, ít nhất trong những bước đầu. Nhưng
khi cần bênh vực Trần Dần, ông đã lên tiếng mạnh mẽ trong bài Con người Trần
Dần.
Bài Mùa xuân đến rồi đây của ông nói lên nỗi khổ của
người dân trong bảy mươi năm nô lệ, đói khổ, dưới sự thống trị của bọn "địa
chủ cường hào ác bá", nhưng rồi cách mạng thành công, công bằng, ấm no, hạnh
phúc trở lại:
Bẩy mươi mùa xuân không xuân
Bảy mươi năm cùng tháng tận
Dòng sông Nhị ơi! Con cò lận đận
Bãi ngô dài cát trắng
Lòng sông cuốn nặng
Phù sa
Chảy ra ngoài biển rộng
Réo lên đầu sóng
Đùn đùn mây đen
Mưa lọt mái nhà rách thủng.
Mưa thốc xuống tàu chuối khô
Ướt đẫm manh tải
Mẹ con nằm trong đêm mưa
Nằm trong nước mắt đỏ như máu
Nằm trong nước sông đầy bùn nhơ
Dòng sông Nhị ơi! Lúa mượt hai bờ
Địa chủ đứng trên đê
Mắt ngầu hổ dữ...
Sau khi duyệt lại những năm tháng tối tăm cùng khốn của con
người trong đói khổ, bị đàn áp, Hoàng Cầm ca tụng mùa xuân trở về (cách mạng
thành công), mang lại ấm no, công bằng:
Dòng sông Nhị ơi! Mùa xuân đến rồi đây
Mẹ con được chia: hai gánh thóc đầy (Mùa xuân đến rồi
đây)
"Thơ qua đài phát thanh" là một bài thơ
"chiêu hồi" gửi "người em" bên kia vĩ tuyến, có những câu rất
lãng mạng:
Tôi tìm Em trên sóng điện bao la
Thơ đã đứng lên, vút đi, cao lớn
Ống nói như môi em chờ đón
Trầm ngâm, ấp một nụ cười
Tôi sung sướng truyền thơ tôi
Cho những Người yêu khắp nước
Tóm lại, Hoàng Cầm trong Giai phẩm mùa xuân mới chỉ
thử nghiệm những câu thơ không vần, trong tinh thần tuyên truyền cách mạng,
chưa đả động đến những vấn đề gai góc như tự do tư tưởng, tự do sáng tác, và
trong văn bản, chưa có câu nào "bôi đen" chế độ.
Nhà thơ Trần Dần thời trẻ. Chân dung do
Nguyễn Sáng vẽ năm
1956 và in trên Nhân Văn số 1
(Ảnh: DR)
Trần Dần đưa ra nhân vật kỳ quái trong truyện ngắn Lão
Rồng, một bần nông say rượu bét nhè, nhưng là một "nhà sáng
tác", chuyên làm những bài vè phạm thượng, chế giễu, từ bọn sư mô đến lũ
tai to mặt lớn trong làng. Lão Rồng vừa "sáng tác" xong một
bài vè là đã có bọn con nít lập tức "xuất bản và phát hành". Cuối cùng
lão bị người ta lập mưu đánh chết.
Bài thơ Nhất định thắng là tác phẩm chính trong thời
kỳ NVGP của Trần Dần, phản ánh khá rõ tính cách mâu thuẫn trong tư tưởng tác giả
với giọng anh hùng ca. Trần Dần lồng bi kịch cá nhân của mình (yêu người con
gái ở phố Sinh Từ) trong bối cảnh chung của đất nước sau hiệp định Genève:
- Miền Bắc nghèo đói, thất nghiệp "Anh bước đi không thấy
phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ".
- Miền Nam dưới gót dày của "giặc": "Ở miền
Nam có tên giặc họ Ngô, tài của hắn là Khuyển Ưng của Mỹ".
- Nhưng chúng ta "Nhất định thắng", đất
nước sẽ thống nhất: "hàng triệu tâm hồn, đã bỏ miền Nam ra Bắc", và "kẻ
thù" (nghèo đói, Ngô, Mỹ) sẽ phải thua: "bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ
hãi".
- Rồi trời lại xanh: "Anh bước đi đã thấy phố
đã thấy nhà, không thấy mưa sa, chỉ thấy nắng lên, trên màu cờ đỏ".
Nhất định thắng như một bài thơ tuyên truyền
Đây là đoạn mở đầu:
Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau sao cuộc sống không vui?
Tổ Quốc hôm nay
tuy gọi sống hòa bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh...
Chúng ta
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui - khi chợt nhớ - chợt quên
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt,
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt.
Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Người ta nói thằng Ngô con đĩ
Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô
Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ
Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn
Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc.
Tác phẩm trình bày cảnh đói khổ của miền Bắc, nhưng thầm ngụ
ý Mỹ Diệm mới là nguồn cơn của mọi đớn đau: "Em ơi, Em có biết đâu,
Ta khổ thế này, Vì sao? Em biết đâu, Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?". Khi chửi
Ngô Đình Diệm, Trần Dần có những câu sắt máu, đại loại: "Hắn thét
lên ộc máu mũi máu mồm", "Đất trời sâu/ đương vẩy máu/ đuổi theo
chân hắn. Hắn run sợ - Quỳ xin đã muộn!/ Dù đêm khuya, bóng tối đặc ngầu
ngầu/ Máu vẫn đỏ/ trúng đầu trúng mặt/ Tên tội nhân kia!/ Lịch sử vang tên
mày!"
Bài thơ kết thúc có hậu: "Em có thấy bay trên trời
xanh/ Hàng triệu tâm hồn/ Họ đã bỏ miền Nam ra Bắc!/ Chúng đem súng mà ngăn/ Đem giây mà trói!/ Giữ thân người không giữ được nhân tâm/ Người Nam gửi
tâm hồn ra Bắc cả/ Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi/ Đổ lên chúng nó/ Mây đen/ lửa
loạn/ bão thù".
Và khi "ta" đã toàn thắng: "Anh bước
đi/ đã thấy phố thấy nhà/ Không thấy mưa sa/ Chỉ thấy nắng lên/ trên màu cờ
đỏ". Người dân phố Sinh Từ đóng cửa xuống đường đi mít tinh: "Vung
cờ đỏ hát hò vỡ phổi".
Đó là một bài anh hùng ca theo đường lối thơ cách mạng, có
nhiều câu tuyên truyền theo thông tin nhà nước. Thực ra, tháng 4/1955, khi Trần
Dần viết bài Nhất định thắng, người Mỹ chưa vào miền Nam. Ngô Đình Diệm mới
về, chỉ là thủ tướng, đang lo dẹp Bình Xuyên, Hoà Hảo, chưa thật sự nắm quyền
và có chính sách chống Cộng triệt để như sau này. Ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm
mới tổ chức cuộc trưng cầu dân ý "truất phế" Bảo Đại.
Cho nên khi Hoài Thanh viết: "Toàn bài của Trần Dần
toát ra một sự hằn học sâu sắc đối với chế độ tươi sáng ở miền Bắc, đối với sự
nghiệp đấu tranh cho hòa bình, thống nhất của nhân dân ta. Tôi không kết luận về
người. Tôi chỉ căn cứ vào bài văn. Tự nó, bài “Nhất định thắng” trong lời và chữ
của nó, chứa đựng những tư tưởng phản động, đứng về phía địch chống lại nhân
dân ta, chống lại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Trong nền văn nghệ chúng ta đầy tin tưởng ở hiện tại và tương lai của chế độ, của dân tộc, bài “Nhất định thắng” của Trần Dần thật đúng như lời đồng chí Nguyễn Tuân nói, là một thứ mụn lở trên một cơ thể lành mạnh". (Hoài Thanh, Vạch trần chất phản động của bài Nhất định thắng của Trần Dần, Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 110 (1.3.1956), Lại Nguyên Ân sưu tầm). Viết như vậy, Hoài Thanh không còn đứng ở cương vị một nhà phê bình đứng đắn dựa trên văn bản để xét mà ông đã xuyên tạc, hoặc nói ngược lại ý nghiã trong bài thơ của Trần Dần.
Trong nền văn nghệ chúng ta đầy tin tưởng ở hiện tại và tương lai của chế độ, của dân tộc, bài “Nhất định thắng” của Trần Dần thật đúng như lời đồng chí Nguyễn Tuân nói, là một thứ mụn lở trên một cơ thể lành mạnh". (Hoài Thanh, Vạch trần chất phản động của bài Nhất định thắng của Trần Dần, Báo Văn nghệ, Hà Nội, số 110 (1.3.1956), Lại Nguyên Ân sưu tầm). Viết như vậy, Hoài Thanh không còn đứng ở cương vị một nhà phê bình đứng đắn dựa trên văn bản để xét mà ông đã xuyên tạc, hoặc nói ngược lại ý nghiã trong bài thơ của Trần Dần.
Nhưng tại sao Trần Dần cũng lại viết:
"Bài Nhất định thắng sinh ra trong cái
nôi những tư tưởng chống đối như thế. Dưới chiêu bài “phát hiện mâu thuẫn xã hội”,
"chống công thức, tìm cái mới”, bài Nhất định thắng bôi đen miền Bắc. Thất
nghiệp hàng ế, đi Nam, hai năm không thống nhất được v.v… và cái điệp khúc “mưa
sa trên màu cờ đỏ” nó nhấn mạnh: “Đảng là nguyên nhân của cái xã hội thê thảm
này.” Những sự quy kết khác ép cho địch, thực chất chỉ là chiêu bài. Có những
câu đả kích cán bộ chính trị “nhà chính trị lắm mưu trong bụng” về sau in xoá
đi. Bài Nhất định thắng là một cuộc đánh thẳng vào tư tưởng của Đảng, trắng trợn
và hung hăng". (Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ,
số 12, tháng 5/1958, trang 60).
"Thú nhận" như thế tức là tức là hoàn toàn nhận lỗi
chống chế độ về mình. Mà thực tế văn bản đâu phải thế? Tại sao? Vậy có thể hiểu
là, ở thời điểm 1958, trong bối cảnh trù dập của lớp học Thái Hà, Trần Dần đã
phải thú nhận tất cả mọi "tội", kể cả những tội không phải của mình,
ví dụ như "phát hiện mâu thuẫn xã hội", "chống công thức,
tìm cái mới" là "tội" của Lê Đạt. Những lời thơ
trong Nhất định thắng chưa thể gọi "là một cuộc đánh thẳng vào
tư tưởng của Đảng, trắng trợn và hung hăng" như Trần Dần đã (phải)
xác nhận.
Vì vậy, chúng ta nên thận trọng khi tìm hiểu hiện
tượng những thành viên trong NVGP, người này tố cáo người kia, trong không khí
thanh trừng này, kể cả việc phải tố cáo chính mình.
Tóm lại xung quanh bài Nhất định thắng có ba vấn đề:
- Tính cách mâu thuẫn trong tư tưởng Trần Dần
- Việc bắt buộc phải nhận tội dưới áp lực cách mạng.
- Bi kịch Trần Dần.
Nhất định thắng như một tác phẩm văn học
Nhất định thắng trước hết là một bài thơ tuyên truyền,
nhiều câu khẩu hiệu, có lẽ vì thế mà cả Hoàng Cầm lẫn Phan Khôi (hai người cực
lực bênh vực Trần Dần) đều không cho Nhất định thắng là một bài thơ
hay.
Nhưng nếu cắt những đoạn tuyên truyền máu mê thô thiển
đi, như Hoàng Văn Chí đã làm thì bài Nhất định thắng trở thành một tác
phẩm văn học giá trị. Bởi khi đem bi kịch riêng lồng vào lịch sử, Trần
Dần đã có những câu thơ thật xúc động:
Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không
thấy phố
không
thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên
màu cờ đỏ
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ!
họ vẫn
bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng
vai
Người con gái mới mười chín tuổi
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
- Anh ạ.
Họ vẫn bảo chờ...
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...
Em đi
trong mưa
cúi
đầu
nghiêng
vai
Người con gái mới mười chín tuổi.
Nói đến nghịch cảnh chia đôi đất nước, Trần Dần có những lời
lẽ thiết tha, đòi đoạn:
Tôi đã sống rã rời cân não
Quãng thời gian nhưng nhức chuyện đi Nam
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng...
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Họ vẫn ra đi.
- Nhưng sao bước rã rời?
Sao họ khóc?
Họ có gì thất vọng?
Đất níu chân đi,
gió
cản áo bay về
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống...
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Tôi cúi xuống - Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
Khổ nhiều rồi!"
Chính những câu thơ này đã khiến bài Nhất định thắng sống
mãi trong lòng người dân miền Nam.
Toàn bài phản ánh những suy nghĩ của Trần Dần về tình hình đất
nước năm 1955, những suy nghĩ này thường mâu thuẫn nhau: vừa nói
lên cái khổ của người dân miền Bắc dưới chế độ cộng sản: tôi
bước đi không thấy phố không thấy nhà... nhưng lại mong miền Bắc thắng trong cuộc
thống nhất đất nước. Hoặc nói về màu cờ: Trần Dần vừa thấy "mưa sa
trên màu cờ đỏ", nhưng lại cũng thấy "nắng lên đỏ phố đỏ cờ",
"cờ bay đỏ phố đỏ nhà", và có lúc "cầm cờ đỏ
hét hò vỡ ngực".
Phần dở là những câu, những đoạn tuyên truyền khơi gợi căm
thù, kiểu: "Hôm nay hàng triệu mối thù sâu/ tới đập cửa lão già Ngô
đòi mạng/ Vung đao cùn chém phải quãng trời không".
Phần hay là những đoạn thơ nhân bản, nói lên những đau đớn
xót xa của người dân đói khổ, thất nghiệp, ở Bắc; của người dân lìa bỏ quê cha
đất tổ, trong Nam, và tác giả mong một ngày sẽ có hiệp thương, thống nhất đất
nước, để hai miền cùng đọc tác phẩm của mình, và như thế độc giả sẽ tăng lên gấp
bội.
Hoàng Văn Chí khi in bài Nhất định thắng trong Trăm
hoa đua nở trên đất Bắc, đã cắt những câu, đoạn, những lời sắt máu,
oán thù, khiến bài thơ hay hơn, nhân bản hơn. Nhưng việc cắt xén này làm
thay đổi ý nghĩa của bài thơ và lập trường chính trị của Trần Dần năm 1956, làm
cho Nhất định thắng trở thành một tác phẩm chống cộng, được chính quyền
miền Nam trưng dụng như một biểu tượng "tố cộng". Và chính quyền miền
Bắc dựa vào đó để buộc tội Trần Dần. Bi kịch của nhà thơ là tác phẩm của ông,
đã bị/được, bên này, bên kia gán cho những ý nghĩa không có trong văn bản, đem
trưng dụng để tung hô hay buộc tội.
Độc giả miền Bắc, năm 1956, theo lời Lê Đạt, khi đọc Nhất
định thắng, cũng chỉ giữ lại những câu hay nhất: "Tôi bước đi không
thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ". Bởi nó đã
nói lên được tâm sự của con người sống dưới chế độ cộng sản. Hậu thế sẽ nhớ đến
Trần Dần qua hai câu thơ kiệt tác đó.
Văn Cao và Lê Đạt: Tác giả đích thực "có vấn đề"
Hai tác giả đích thực "có vấn đề" phải là Văn Cao
và Lê Đạt, bởi họ đã nói đến thực chất của chế độ, đòi quyền tự do tư tưởng, tự
do sáng tác, và chủ trương đổi mới văn học trên Giai phẩm mùa xuân.
Nhạc sĩ Văn Cao vào năm 1993 (Ảnh: DR)
Với bài Anh có nghe thấy không Văn Cao nói đến sự bế
quan tỏa cảng tinh thần trong chế độ cộng sản, đến khát vọng tự do của con người:
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người
Chúng nó còn ở lại
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng (...)
Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.
Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta
Trong những tủ sách gia đình
Ở điếu thuốc trên môi những em bé mười lăm
Từng bước chân các cô gái
Từng con đường từng bãi cỏ từng bóng tối
Mắt quầng thâm còn nhỡ mãi đêm
Chúng nó còn ở lại
Trong những tuổi bốn mươi
Đang đi vào cuộc sống
Như nấm mọc trên những thân gỗ mục
Người bán giấy cũ
Đã hết những trang tiểu thuyết ế
Những trang báo ngày xưa
Đang bán đến những trang sách mới
Những bài thơ mới nhất của anh
Anh muốn giơ tay lên mặt trời
Để vui da mình hồng hồng sắc máu
Mấy năm một điệu sáo
Như giọng máy nước thâu đêm chảy
Chung quanh còn những người khôn ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng (...)
Bây giờ không còn những tiểng nổ to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.
Anh có nghe thấy không
Chỗ nào cũng có tiếng
Chưa nói lên
Những người của chúng ta
Đang mờ mờ xuất hiện
Le lói hy vọng
Trên những cánh đồng lầy
Nghìn năm cũ phủ mất nhiều giá trị
Đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời
Vào một cuộc đấu tranh mới
Với những người không phải của chúng ta
Anh có nghe thấy không
Vào một cuộc đấu tranh mới
Để mở tung các cánh cửa sổ
Mở tung các cửa bể
Và tung ra hàng loạt hàng loạt
Những con người thật của chúng ta
Giọng thơ Văn Cao nhẹ nhàng, nhưng ý thơ rất quyết
liệt: đòi tự do, lên án sự bưng bít của chế độ và kêu gọi mọi người đứng
dậy tranh đấu đến cùng. Những lời đầu, Văn Cao mở vào không gian kín
mít, không gian nghẹt thở sau khi cách mạng thành công:
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Đó là thứ không khí thiết quân luật. Cửa đóng. Không có
sách hay không còn sách. Mặc dù sao (vàng) lấp lánh trên trời. Mặc dù mùa xuân
đã đến. Mọi con mắt hướng ra biển (về phía tự do), nhưng cửa biển vẫn im ỉm
đóng:
Tất cả hướng về biển
Bọt cứ tan trên bãi cát xa
Mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở
Vẫn giọng ôn hòa, nhưng không kém phần khắc hạch, Văn Cao trỏ
thẳng vào bọn gian thần, bọn dốt nát, bọn kìm kẹp văn hóa tư tưởng, mắng và đuổi,
khi nào "chúng nó" còn đây thì:
Bao giờ nghe được bản tình ca
Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật
Bao giờ
Bao giờ chúng nó đi tất cả
Chúng nó là ai?
Nhà thơ trả lời - Chúng là:
Những con người không phải của chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người.
"Chúng nó", bọn áo thụng, len lỏi khắp nơi, từ
trong tủ sách gia đình đến điếu thuốc trên môi đứa bé mười lăm, quẩn trong bước
chân người con gái. "Chúng nó" nấp trong mọi lứa tuổi, mọi từng lớp
xã hội, "chúng nó" trà trộn vào đời sống hàng ngày, làm ô uế không gian,
lũng đoạn thời gian. Sách cũ, sách mới đem bán cân giấy lộn, đến cả những bài
thơ mới nhất của anh. Những kẻ "khôn ngoan" thì ngậm miệng "mắt
không bao giờ nhìn thẳng".
Nhưng Anh người nghệ sĩ tự do, Anh có nghe thấy
không ? Bọn chúng đã "đốt nghìn kinh chưa thắp sáng cuộc đời". Còn Anh,
anh phải bước vào cuộc đấu tranh mới: mở tung các cửa bể, và
anh phải tung ra những con người thật của chúng ta, để thay thế
"chúng nó", những con người giả.
Thơ Văn Cao là nộ khí trầm lặng của một nghệ sĩ bị
giam hãm tư tưởng, của một kẻ sĩ can trường hạch tội gian thần. Giọng
nhẹ nhàng nhưng tha thiết kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh cho tự do tư tưởng.
Văn Cao là một nghệ sĩ và cũng là một kẻ sĩ.
Nhưng lạ lùng là cả triều đình và bọn nịnh thần không ai dám
động đến Văn Cao. Chẳng lẽ họ không hiểu? Kể cả những người lắm chữ như Hoài
Thanh, Nguyễn Đình Thi?
Dĩ nhiên là họ hiểu. Nhưng bởi Văn Cao là một tài năng lớn,
trên tất cả "chúng nó" và Văn Cao là tác giả quốc ca. Chính bài quốc
ca đã đỡ đòn cho Văn Cao trong toàn bộ hành trình Nhân Văn Giai Phẩm.
Nhà thơ Lê Đạt vào năm 1996 qua ống kính
nhiếp ảnh gia
Gerhard và nét cọ họa sĩ Từ Duy
(Nguồn: Tập thơ Đường Chữ/ Diendan.org)
Lê Đạt là nhà thơ trẻ chưa có tên tuổi gì khi chủ trương Giai phẩm
mùa xuân, nhưng đường lối tranh đấu của Lê Đạt đã rõ ràng qua hai bài: Làm thơ và Mới.
Bài Làm thơ nói lên tâm trạng và hoài bão của một
nhà thơ trẻ, trước tình thế đất nước:
Đêm khuya
Bóng đầu anh
Hằn lên trang sách nhỏ
Như bóng hàng cây
quặn gió
Lắng xuống mặt đường
Giông bão mênh mông
Anh nhìn Tổ quốc
Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút
Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người
Anh nghe tiếng đất trời
Xao động lùm cây ngọn cỏ
Như hiệu thính viên
Đêm không ngủ
Ghi những lời cuộc sống
điện
về
Những tiếng nặng nề
Những tiếng cục cằn uất ức
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương
Lê Đạt tự coi mình như một hiệu thính viên lắng
nghe tất cả những tiếng đau thương do người đồng loại điện về và
thầm kín nói lên tham vọng "Anh nghe tiếng đất trời" của một
"lãnh tụ". Năm 1956, với những câu thơ:
Ghi những lời cuộc sống
điện
về.
Hoặc:
Óc anh là một công trường
Mỗi dòng thơ là một cây số mới.
Hoặc:
Một tiếng súng tương lai
Nổ vào đầu dĩ vãng
Lê Đạt đã trở thành người đầu tiên làm thơ hiện đại ở
miền Bắc, đã thực sự đưa ra cách suy nghĩ, cách tạo hình và kiến trúc tư tưởng
rất mới (Trước đó có Nguyễn Đình Thi, bài Đất nước, nhưng thơ Nguyễn Đình
Thi vẫn còn nằm trong không gian lãng mạn).
Lê Đạt còn là người đầu tiên đặt vấn đề nhà văn dấn thân (écrivain
engagé), nhà văn không thể làm ngơ trước những khó khăn của dân tộc, của con
người và của cuộc sống. Sự dấn thân này, do tự thân Lê Đạt, không do ảnh
hưởng của Sartre, vì năm 56, Lê Đạt chưa đọc Sartre và cả sau này ông cũng
không mấy chú ý đến tư tưởng của Sartre.
Tóm lại, Lê Đạt là người có hoài bão chính trị cho dân tộc
ngay từ những bước thơ đầu, khác hẳn với Trần Dần là nhà thơ "nổi loạn"
chống lại mọi áp bức bó buộc bản thân, nhưng không có mục đích tranh đấu chính
trị cho quốc gia dân tộc.
Lê Đạt xác định một lần nữa, bản chất và nhiệm vụ của một nhà
thơ dấn thân, phải đi vào cuộc sống, phải tìm cách thay đổi xã hội, xây dựng lại
con người:
Người làm thơ nắng mưa thiêu đốt
Ăn nằm với cuộc đời
Thai nghén đất trời
Sinh ra sự sống
Năng tâm tư của trăm ngàn quần chúng
Đau xót hơn bao nhiêu
Em ơi!
Anh thức thâu đêm suốt sáng
Moi óc làm thơ
Moi tim làm thơ
Như người thợ
Chui xuống lòng hầm mỏ
Moi than moi lửa
Đốt sáng cuộc đời
Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào Bộ Tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương
Xây dựng
Những con người
Từng từng giọt mồ hôi
Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách
Óc anh là một công trường
Mỗi dòng thơ là một cây số mới
Trên con đường đi tới
Xã hội
Ngày mai
Một tiếng súng tương lai
Nổ vào đầu dĩ vãng
Anh vác bút đi theo Đảng
Xông lên hàng đầu
Năm 1956, khi chủ trương Giai phẩn mùa xuân, Lê Đạt vẫn
còn làm việc ở tuyên huấn, cạnh những cột trụ Trường Chinh, Tố Hữu. Lê Đạt
chưa thể tách rời khỏi Đảng. Đoạn kết bài Làm thơ có những câu tỏ ý vẫn
tin tưởng vào Đảng, một Đảng sẽ lành mạnh hơn, biết đặt văn nghệ sĩ vào những vị
trí xứng đáng để họ có thể nhả tơ xây dựng lại đời sống con người. Đó là một
chiến lược của nhà chính trị Lê Đạt, hay là niềm tin tưởng thật của nhà thơ Lê
Đạt. Khó biết được.
Tố Hữu nhìn thấy những "nguy cơ" trong bài thơ thứ
nhì của Lê Đạt, bài Mới, như một lời tố cáo, mạnh mẽ và quyết liệt của
lớp đảng viên trẻ, muốn đổi mới văn học, muốn "đập cánh bay
lên", muốn chống lại "bao nhiêu gồng xiềng tập quán/ cột lấy
bước chân", muốn chống lại những thành phần kỳ cựu đã sống quá lâu,
trở thành những ông bình vôi, khép kín trong công thức, bị xỏ dây vào mũi:
Tôi mới hai mươi lăm tuổi
Chung quanh tôi bao cuộc đời mệt mỏi
Thất bại cúi đầu
Công thức xỏ giây vào mũi
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Ỳ như một chiếc bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại
Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm bại
Khôn ngoan không dám làm người
Bao nhiêu lần tôi không thực là tôi
Nhà thơ nhìn quanh: một xã hội "công thức giả tạo", với
những ông bình vôi hủ lậu kéo dài cuộc sống và nhìn lại chính mình,
còn trẻ, nhưng đã tự đánh mất mình, vì khôn ngoan, nên không dám làm người! Cuối cùng nhà thơ mạnh dạn đứng lên hô hào đổi mới toàn diện thi ca xã hội
và con người:
Mới Mới!
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,
Vượt mãi
Tố Hữu khó chịu nhất những câu thơ trên đây, có thể coi là bản
tuyên ngôn, là lời kêu gọi của Lê Đạt cho một đường hướng sáng tác mới vượt
trên lối mòn cũ của các bậc đàn anh Tố Hữu, Xuân Diệu. Thấy sự nghiệp
thi ca cách mạng của mình có thể bị chao đảo, sẵn quyền uy trong tay, Tố Hữu đã
thẳng tay triệt hạ mầm mống nổi loạn, đòi thay đổi cục diện văn nghệ, đòi
"chôn đàn anh" của ngòi bút trẻ Lê Đạt.
Giai phẩm mùa xuân là tác phẩm đầu tiên ở miền Bắc chủ
trương đổi mới thi ca, tự do sáng tác, với những khuynh hướng khác nhau: thơ
tuyên truyền theo đường lối cách mạng của Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Phùng Quán... Thơ
nói lên tình hình nghèo khổ thất nghiệp ở Bắc và tố cáo tội ác Mỹ Diệm
trong Nam của Trần Dần. Thơ đòi tự do tư tưởng và chửi bọn nịnh thần
của Văn Cao. Thơ xây dựng một xã hội mới, một nền thơ mới của Lê Đạt.
Bài thơ quyết liệt nhất là của Văn Cao. Nhưng không ai dám
đánh Văn Cao. Tất cả mũi dùi đổ vào Trần Dần và Lê Đạt, hai nhà thơ trẻ
chưa nổi tiếng. Và chính vì vụ đánh Trần Dần và Lê Đạt mà trí thức tham
gia.
Lúc đầu trí thức chưa tham gia, nhưng vì vụ đánh Trần Dần, Lê
Đạt mà Phan Khôi trở lại vai "ngự sử văn đàn" với
bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ. Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc
trước lớp học 18 ngày và bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan
Khôi là hai tác phẩm chủ chốt, đã thuyết phục Trương Tửu và những nhà
trí thức khác tham gia tích cực, tạo nên một phong trào rộng lớn: Phong trào
Nhân Văn Giai Phẩm.
Bìa hai quyển Giai Phẩm mùa thu (1956)
(Ảnh ghép: RFI)
Trường Chinh là người soạn thảo bản Đề cương Văn hóa Việt
Nam. Đây là văn bản chính thức xác định đường lối văn hóa văn nghệ mác-xít. Văn
bản này là đầu mối trách nhiệm tình trạng suy đồi của văn hóa văn nghệ Việt
Nam: bắt buộc sáng tác và phê bình phải theo con đường duy nhất là tuyên truyền
và phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Triệt hạ những đường hướng tư
tưởng khác. Triệt hạ những tài năng có tư tưởng tự do. Phong trào Nhân Văn Giai
Phẩm chống lại chính sách văn hóa văn nghệ của đảng Cộng sản.
Từ mùa xuân 1956 sang mùa thu 1956
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chia làm hai giai đoạn: Giai
đoạn I gắn bó với Giai phẩm mùa xuân và giai đoạn II gồm
toàn bộ những tờ báo phát hành từ tháng 8/1956 đến tháng 12/56.
Giai đoạn I có thể tóm tắt như sau:
Giai phẩm mùa xuân ra đời cuối tháng 1/1956. Hơn một tuần
sau, nhiều sự kiện quan trọng liên tiếp xảy ra:
- 28 Tết Nguyên đán: Tố Hữu sai người tìm gọi Lê Đạt lên
Tuyên huấn.
- 4 Tết: Trần Dần và Tử Phác bị bắt tại Yên Viên, nơi đang học
tập cải cách ruộng đất.
- 5 Tết: Lê Đạt ăn Tết xong mới lên trình diện Tố Hữu. Bị giữ
lại kiểm thảo 15 ngày.
- Trần Dần, sau ba ngày bị giam dưới một căn hầm, dùng dao cạo
cứa cổ, được đưa đến bệnh viện. Tại đây, ngày 21/2/56 Trần Dần viết một lá thư
dài cho đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tướng Thanh can thiệp, Trần Dần, Tử Phác được
tha ngày 5/5/56.
Trong tháng 2/56, một "hội nghị lớn" luận tội Trần
Dần (vắng mặt) được tổ chức. Chiến dịch đánh Trần Dần bắt đầu ngày 7/3/1956 với
bài viết của Hoài Thanh trên báo Văn Nghệ số 110.
Giai đoạn II bắt nguồn từ những biến cố lớn trong các nước
cộng sản và trong nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam:
Ngày 24/2/1956, tại đại hội XX của đảng Cộng sản Liên xô:
Khrouchtchev đọc bản tường trình mật về tội ác của Staline. Ngày 26/5/1956, Mao
Trạch Đông phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Ngày
28/6/1956, Ba Lan nổi dậy.
Những biến cố trên đây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình
Việt Nam: Theo đường lối của Liên Xô và Trung quốc, Đảng Lao Động mở rộng
chính sách học tập tự do dân chủ.
Một mặt khác, trong nội bộ Đảng cũng đang có những bất ổn
chính trị:
Trong hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng
(họp từ ngày 25/8/56 đến 24/9/56), Trường Chinh bị "nghiêm khắc kiểm điểm
sai lầm" trong công tác Cải cách ruộng đất, phải tự kiểm thảo và xin từ chức.
Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương, bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng ra
khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ Tịch Đảng
và Tổng Bí thư từ (9/1956 đến 9/1960). Sau đó là thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng Bí
thư (9/1960 đến 7/1986), xảy ra vụ Xét Lại Chống Đảng.
Vụ Nhân Văn Giai Phẩm xảy ra dưới thời Hồ Chí Minh làm
Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư.
Vậy ai là người trách nhiệm chính?
Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp thời trẻ (Ảnh: DR)
Trả lời câu hỏi chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế
nào về vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố: "Cái việc mà
người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ
Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc
gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng
vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh
hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người
bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào
cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc
nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng,
đối với những người lãnh đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo
khác của đảng, đối với cụ Hồ là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng sản
khác đâu. Cho nên uy tín của cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững,
cụ Hồ biết hết cả, và việc đó cụ Hồ cũng đồng tình làm.
Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì
cụ yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ chính trị, cụ ít can thiệp trực
tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ
cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng.
Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ
tối cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó
không đúng. Chế độ gọi là "báo cáo thỉnh thị" rất chặt chẽ trong nội
bộ đảng Cộng sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt
lắm". (Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI, ngày 3/9/1995).
Nhận định trên đây của Nguyễn Hữu Đang phù hợp với một số nhận
định khác về vai trò của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa văn nghệ:
Hà Xuân Trường nói về vai trò của Đảng trong "Mặt trận
văn hoá văn nghệ": "Tôi muốn trở lại ý cơ bản này: buổi đầu cách
mạng và kháng chiến, tờ báo Đảng đã có sự quan tâm thích đáng đến mặt trận văn
hoá - văn nghệ. (...) Sự đầu tư công sức và tâm huyết của Đảng vào mặt trận này
là đáng kể: từ Bác, đến các anh Trường Chinh, Tố Hữu. Cần nhắc thêm vai
trò của Bác và các ý kiến của Bác căn dặn giới báo chí và văn hóa - văn nghệ
ngay từ buổi đầu này. Bác thường gửi bài cho báo Đảng, trên Sự Thật lúc ấy,
cũng như trên tờ Nhân Dân sau này [Nhân Dân, tiếp tục tờ Sự Thật, ra số 1,
ngày 11/3/1951] dưới các bút danh ta đã quen thuộc: C.B, X.Y.Z, A.G (chúng
tôi thường gọi Anh Già)... Điều đặc biệt là Bác viết rất ngắn và mỗi lần gửi
bài cho báo, Bác thường viết luôn một loạt có đánh số thứ tự. Bác dặn anh em
chúng tôi là đánh số như thế để cho bạn đọc và cả Bác dễ nhớ, bao giờ gần hết
bài thì Bác chỉ cần xem trên báo là Bác biết để Bác kịp viết tiếp, "các
chú không cần phải nhắc". (Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến
và đời sống văn học,tập II, nxb Tác Phẩm Mới, 1987, trang 44-45).
Và ông xác định vị trí và trách nhiệm của từng người trong cấp
lãnh đạo: "Công tác văn hóa - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo
của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được
Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ. Tôi là người của
Tiểu ban tuyên truyền, làm tờ Sự Thật, do vậy mà có trách nhiệm liên lạc giữa
Trung ương và bộ phận văn hóa - văn nghệ, giữa anh Trường Chinh và anh Tố Hữu.
Trách nhiệm chính là làm sao giúp Trung ương nắm tình hình văn nghệ, và từ góc
độ báo Đảng, mà góp phần gợi giúp cho người văn nghệ mạnh dạn đi vào quần
chúng, dần dần nắm hiểu đời sống, tham gia công tác cách mạng, và khắc phục từng
bước các ảnh hưởng của cách nhìn và thói quen cảm xúc tiểu tư sản..." (Hà
Xuân Trường, bđd, trang 41)
"Anh [tức Trường Chinh] còn cho biết thêm là bản
báo cáo [Chủ nghiã Mác và văn hóa Việt Nam] tuy là do anh trực tiếp
soạn thảo, nhưng đã được ban thường vụ Trung ương thông qua và Bác đã xem
và góp ý kiến" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 42).
Hoàng Trung Thông cho biết: "Sau này tôi mới biết
cuốn truyện về chiến sĩ thi đua đầu tiên là do Bác Hồ viết để làm mẫu cho những
người khác viết theo" (Hoàng Trung Thông, Cách mạng kháng chiến
và đời sống văn học, Tập I, nxb Tác Phẩm Mới, 1985, trang 191).
Bìa quyển Cách mạng kháng chiến
và đời sống văn học (1985)
Tháng Giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân vừa ló dạng
thể hiện tự do sáng tác, đã bị dập tắt ngay. Vậy có thể hiểu là Trường Chinh đã
giao cho Tố Hữu, người có tư thù với Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt trong việc
phê bình tập thơ Việt Bắc, xử lý vụ Giai phẩm mùa xuân theo chỉ thị của
Hồ Chí Minh.
Trong tháng 8 và 9 năm 1956, có hai sự kiện trùng hợp đáng kể:
Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư. Phong trào Nhân Văn
Giai Phẩm phát triển trở lại.
Quyết định cho phép Hội văn nghệ tổ chức lớp học tập dân chủ
18 ngày, theo đường lối Liên Xô, trong tháng 8/1956, đến từ ai, nếu không phải
là Hồ Chí Minh?
Lớp học này do Nguyễn Hữu Đang phụ trách. Vai trò của
Nguyễn Hữu Đang sẽ nổi bật trong lớp học này. Bài tham luận ông đọc ngày
26/8/56 tổng kết lớp học sẽ là cái mốc quan trọng đẩy mạnh tiến trình đòi hỏi tự
do dân chủ, việc thành lập báo Nhân Văn và tục bản tờ Giai
Phẩm, tạo nên cuộc Cách mạng mùa thu của tư tưởng.
Tháng 10/56 Hungary nổi dậy. Tháng 11/56 xe tăng Xô Viết tiến
vào Budapest.
Ngày 9/12/1956 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh báo chí. Đóng cửa Nhân
Văn.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt lần thứ nhì,
tháng12/56.
Tháng 2/57 trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, họp
từ 20 đến 28/2 tại Hà Nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát âm mưu
phản động" của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm.
Cuối năm 57: Mao Trạch Đông hạ lệnh đánh phái hữu. Huy Cận và
Hà Xuân Trường được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc. Khi họ trở về,
tháng 2/58 việc thanh trừng Nhân Văn Giai Phẩm được tổ chức quy mô và toàn diện
trong hai lớp đấu tranh Thái Hà.
Lần này nữa, trách nhiệm hẳn cũng đến từ từng cao nhất của cấp
lãnh đạo: Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Khảo sát bị kịch Nhân Văn, chúng ta thấy rõ sự đối lập giữa
hai nhân vật: Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh, cả hai đều được Hồ Chí Minh tin
dùng.
Trường Chinh là Tổng bí thư đảng Cộng sản, còn Nguyễn Hữu
Đang là ai?
Tại sao ông lại được Hồ Chí Minh giao cho trách nhiệm tổ chức
ngày lễ độc lập 2/9/45. Vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, năm 1948, ông đã bỏ
đảng. Nhưng sau khi hòa bình lập lại, năm 1954, ông lại được gọi về làm việc và
đến tháng 8/56, ông được phép đứng ra tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày.
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chống lại toàn bộ chính sách
văn hóa văn nghệ của đảng Cộng sản. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu chính sách
văn hóa văn nghệ ấy như thế nào?
Nói đến đường lối văn hóa văn nghệ của đảng Cộng sản là phải
nói đến Trường Chinh, vì chính Trường Chinh (chứ không phải Hồ Chí Minh) đã viết
bản đề cương văn hóa văn nghệ và cũng chính Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo văn
hóa văn nghệ.
Trường Chinh
Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988) là nhà chính trị,
nhưng trước tiên, ông là nhà báo, viết văn và làm thơ (bút hiệu Sóng Hồng).
1927, gia nhập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (tiền thân
của đảng cộng sản). 1940 là chủ bút báo Cờ Giải phóng, cơ quan của xứ
ủy Bắc Kỳ. Sau đó làm chủ bút tờ Sự thật, cơ quan ngôn luận của đảng
Cộng sản. Từ tháng 5/1941 đến tháng 9/ 1956, làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt
nam [đảng này thành lập tháng 2/1930. Từ tháng 9/1930 đến tháng 11/1945, lấy
tên là Đảng Cộng sản Đông dương (theo chỉ thị của quốc tế cộng sản). Tháng
11/1945 Đảng "tự giải thể", rút vào bí mật. 1951, Đảng công khai trở
lại với tên Lao Động và đến năm 1976, mới chính thức lấy tên là đảng Cộng sản
VN]
Hà Xuân Trường kể lại: "Đảng lúc bấy giờ, sau khi
tuyên bố "tự giải tán", để chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở
Đông Dương (ngày 11/11/1945). Anh Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí
thư Đảng, Trưởng tiểu ban tuyên truyền của Trung ương, kiêm chủ bút (tức Tổng
biên tập) tờ Sự thật" (số 1, ra ngày 5/12/1945 ở Hà Nội) (Hà
Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, trang
31).
Đảng trải qua hai biến cố quan trọng: ngày 2/9/1945: Tuyên
ngôn độc lập. Hơn hai tháng sau, ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố "tự giải
tán", đổi tên thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Đó
là chiến thuật chính trị của Hồ Chí Minh: Chính phủ lâm thời tạm giấu cái gốc
quốc tế cộng sản, lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh để tập hợp mọi
thành phần dân tộc cả quốc gia lẫn cộng sản trong công cuộc kháng chiến chống
Pháp.
Nguyễn Hữu Đang cho biết: "Vai trò của Hồ chủ tịch
rất quan trọng. Cụ có thành lập Mặt trận Việt Minh thì mới có Cách mạng tháng
Tám. Nếu đảng Cộng sản đứng ra vận động cuộc Cách mạng tháng Tám, tôi tin
là không được kết quả như là Mặt trận Việt Minh, đó là một mặt trận gồm nhiều
thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta
hưởng ứng hơn chứ còn nếu đảng Cộng sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy". "Đảng
Cộng sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu". (Nguyễn Hữu
Đang, trả lời phỏng vấn RFI)
Về mặt thực tế, đảng cộng sản vẫn lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống Pháp.
Trường Chinh là người thảo đề cương, vạch rõ đường lối văn
hóa và văn nghệ Mác-xít của đảng cộng sản Việt Nam qua hai văn bản quan trọng:
"Đề cương văn hóa Việt Nam" (1943) và Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt
Nam đọc tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhì, ở Việt Bắc, ngày 19/7/1948.
Tầm quan trọng và ảnh hưởng của hai văn bản này trong đời sống
văn hoá văn nghệ Việt Nam dưới chế độ cộng sản, được Hà Xuân Trường so sánh với
lập thuyết của Mao: "Chúng ta chỉ cần nghiên cứu Đề cương văn hóa Việt
nam năm 1943, báo cáo Chủ nghiã Mác và văn hóa Việt nam năm 1948 của đồng chí
Trường Chinh, và so sánh những văn kiện đó với phần "Văn hóa dân chủ mới"
và "Tọa đàm văn nghệ ở Diên an" của Mao Trạch Đông thì rõ ràng khác
nhau lắm, khác từ gốc, khác từ mục tiêu đến phương pháp nhận thức". (Hà
Xuân Trường, bđd, trang 46).
Như vậy, Trường Chinh là người được Hồ Chí Minh giao cho trọng
trách khai thảo đường lối văn học mác-xít của đảng cộng sản Việt nam. Trường
Chinh chính là người khai sinh và chỉ đạo chính sách văn hóa văn nghệ
kháng chiến. Tố Hữu, trách nhiệm phần lãnh đạo văn nghệ:
"Công tác văn hóa - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ
đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này
được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ" (Hà
Xuân Trường, bđd, trang 41)
Vai trò của Trường Chinh trong giai đoạn đầu cách mạng được
xác định như sau: "1943, ông đã chỉ đạo việc thành lập hội văn hóa cứu
quốc - tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên ở Việt Nam, và là người soạn thảo
"Đề cương văn hóa Việt Nam" (Nguyễn Hoành Khung, Từ điển Văn Học).
Phần đầu bản Đề cương Văn hóa in lại trong Sưu tập
trọn bộ
Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân (1996)
Bản Đề Cương Văn Hóa Việt Nam có 5 phần chính:
1- Cách đặt vấn đề.
2- Phân đoạn văn hóa Việt Nam.
3- Những nguy cơ văn hóa dưới ách phát xít Nhật Pháp.
4- Xác định văn hoá cách mạng Việt Nam.
5- Nhiệm vụ của các nhà văn hóa mác-xít Việt Nam.
[in trong Tiên Phong số 1, ra ngày 10/11/45, và in lại
trong Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân, nxb Hội
Nhà Văn, 1996]
Phần đầu, Trường Chinh giới hạn lãnh vực của văn hóa: "Văn
hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật". Và xác định sự lãnh
đạo của đảng: "đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hóa tiên
phong" .
Phần hai, phân chia văn hóa Việt Nam làm ba giai đoạn: từ Quang
Trung trở về trước "phong kiến", "nô lệ", "phụ
thuộc vào văn hóa Tàu"; từ Quang Trung đến thời Pháp thuộc "phong
kiến, tiểu tư sản"; từ Pháp thuộc đến1943: "phong kiến, tư
bản, thuộc địa"
Phần ba, tác giả vạch rõ "những thủ đoạn phát-xít
trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam".
Phần bốn, ông đặt hai tiêu đề chính:
- "Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do đảng
CSĐD lãnh đạo",
- Và "Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hoá
Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa".
Và phần năm, xác định "nhiệm vụ cần kíp của những
nhà văn hóa mác xít Đ.D và nhất là những nhà văn hoá mác xít Việt Nam", qua hai
công việc chính phải làm:
a/ Tranh đấu về học thuật tư tưởng (đánh tan những quan
niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học
Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ
(Nietzsche), v.v...; làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng.
b/ Tranh đấu về tông phái văn nghệ (chống chủ nghĩa cổ điển,
chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghiã tự nhiên, chủ nghiã tượng trưng v.v... làm cho xu
hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng).
Đây là văn bản chính thức của đảng cộng sản, xác định đường lối
văn hóa văn nghệ mác-xít. Văn bản này là đầu mối trách nhiệm tình trạng
suy đồi của văn hóa văn nghệ Việt Nam: bắt buộc sáng tác và phê bình phải theo
con đường duy nhất là tuyên truyền và phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng
sản. Triệt hạ những đường hướng tư tưởng khác. Triệt hạ những tài năng có tư tưởng
tự do.
Nguyễn Hữu Đang, ảnh chụp tháng 9/1997
(Ảnh: DR)
Qua hoạt động chính trị và ngòi bút, Nguyễn Hữu Đang
(1913-2007) được xác định như một nhà chính trị và văn hóa. Theo cách mạng từ
những buổi đầu, có óc tổ chức và tài hùng biện, Nguyễn Hữu Đang được coi là
"cánh tay phải" của Hồ Chí Minh.
Năm 1929, Nguyễn Hữu Đang gia nhập Việt Nam thanh niên
cách mạng đồng chí hội. Hoạt động đắc lực trong Hội truyền bá quốc ngữ từ năm
1938. Từ 1937 đến 39, làm báo cùng với Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) và Trần
Huy Liệu. 1943: Tham gia đảng Cộng sản Đông dương, liên lạc mật thiết với Trường
Chinh (Tổng bí thư) và thành ủy Hà Nội, nhưng chưa được kết nạp. 1943-46: Cùng
Trường Chinh sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc. Tổ chức ngày tuyên ngôn
độc lập 2/9/1945. Tham gia Chính phủ lâm thời, làm thứ trưởng Bộ truyên truyền,
rồi Bộ thanh niên, Chủ tịch ủy ban vận động mặt trận văn hoá. Tổ chức Hội nghị
Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, "Khai mạc Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào chiều 24/11/1946 có Bác Hồ đến nói chuyện" (Hà
Xuân Trường, bđd, trang 40).
Vị trí và uy tín của Nguyễn Hữu Đang, được Nguyễn Huy Tưởng
ghi lại trong nhật ký như sau:
"Anh Nguyễn Hữu Đang xuống làm việc cho Truyền bá quốc
ngữ từ hơn hai tháng nay. Anh xin nghỉ ở sở Tài chính [Hà Nội] xuống đây làm việc
nghĩa. Đức hy sinh của anh thực không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc
ngữ ở Hải phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả
một đạo quân chiến bại". (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ngày 16/6/1942).
"Chuyện Tham Ý phục các cán bộ Việt Minh. (...) Phục
Đang. Hỏi thầm một người: Có phải là cánh tay phải của Cụ Hồ không? Băn khoăn
không biết bây giờ Đang về khu này thì phải vào chức gì cho xứng? Theo ý anh
tham biện ấy, thì ở đây không có một chức gì cao hơn để Đang làm cả, vì Đang
trên cả ủy ban kháng chiến". (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ngày
15/11/1947)
Năm 1947, Nguyễn Hữu Đang mới được chính thức kết nạp vào Đảng.
Năm 1948, ông rời mọi sinh hoạt của Đảng, lui về Thanh Hóa.
Từ vị trí được coi là "cánh tay phải của cụ Hồ",
"trên cả ủy ban kháng chiến", tại sao năm 1948, Nguyễn Hữu Đang
rút lui về Thanh Hóa?
Sự chia tay với cách mạng xẩy ra trong Đại hội văn hóa toàn
quốc lần thứ hai (khai mạc ngày 15/7/48 ở Việt Bắc). Trong hội nghị này Trường
Chinh đọc bản báo cáo nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.
Hoàng Cầm kể về đại hội này: "Vào khoảng tháng 7
năm 48, có Đại hội văn hóa toàn quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch.
Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức để động viên và hướng dẫn trí thức và
văn nghệ sĩ chuẩn bị đi sâu vào cuộc kháng chiến. (...) Tức là lúc bấy giờ hội
nghị mới đề ra Văn nghệ kháng chiến. (...) Tôi cũng được mời, nhưng không đi dự
vì bị ốm, trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị đó,
không hiểu vì lý do gì thì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh
về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh
Đức (...) Anh Đang không làm công việc gì của nhà nước cả, tôi cũng không hiểu
rõ nguyên nhân. Mãi sau này, hòa bình rồi, về Hà nội tôi cũng chỉ nghe phong
phanh anh em bàn tán thôi chứ hỏi anh Đang thì anh ấy cũng không nói, là hình
như trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn
nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên
anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa". (Hoàng
Cầm trả lời phỏng vấn RFI)
[Xin nhắc lại: tháng 7/48 có hai đại hội: Đại hội Văn
hóa toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc, khai mạc ngày 15/8/48, do Trường
Chinh chủ trì và đọc bản bán cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nguyễn
Hữu Đang có tham dự. Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, cũng họp
tại Việt Bắc, từ 23 đến 25/7/48, chính thức thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam,
Nguyễn Hữu Đang không tham dự].
Nguyễn Hữu Đang, vì không đồng ý với Trường Chinh trong
Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nên đã bỏ về Thanh Hóa, không tham dự đời sống văn
hóa chính trị nữa.
Mà không đồng ý thì chắc chắn là về bản báo cáo của Trường
Chinh.
Vậy bản báo cáo mà Trường Chinh đọc tại hội nghị này nội dung
ra sao?
Bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam được
nhà xuất bản Sự Thật in thành sách (Chúng tôi không có văn bản này). Nhưng Phần
VII, được in trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 11/48, dưới tiêu đề "Mấy vấn
đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật" và sau này in lại trong cuốn Cách
Mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, đổi tên thành "Mấy vấn
đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật".
Bài "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học
nghệ thuật" đặt trọng tâm trả lời những thắc mắc của người
làm văn học nghệ thuật, trên một số điểm:
1- Xác định nghệ thuật và tuyên truyền:
"Nghệ thuật phục vụ cho mục đích chính nghĩa là nghệ thuật
hợp chân lý. Nghệ thuật phục vụ cho mục đích phi nghĩa là nghệ thuật phản chân
lý".
"Tuyên truyền của phe xâm lược, phản động là tuyên
truyền phản chân lý. Tuyên truyền của phe cách mạng là tuyên truyền chân thật,
phù hợp với chân lý rõ ràng".
2- Khẳng định khuynh hướng sáng tác: Hiện thực xã hội chủ
nghĩa.
3- Chỉ ra đường lối "phê bình đúng nguyên tắc",
"chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch".
4- Cho rằng "Quần chúng là nhà phê bình nghệ thuật
sành hơn ai hết, chính vì quần chúng gồm nhiều tai, mắt, óc khôn và có cảm giác
chung đấu lại. Không một nhà phê bình nào sánh được với quần chúng về mặt
đó".
5- Chỉ ra 4 điều cho nhà văn noi theo để "làm sao
cho sáng tác văn nghệ được tốt".
6- Xác định: "Đối tượng sáng tác văn nghệ của ta là
nhân dân". "Sáng tác văn nghệ có cả một nguồn cổ vũ mạnh mẽ là phong
trào thi đua".
Tóm lại, Trường Chinh đã vạch sẵn con đường văn học nghệ thuật
xã hội chủ nghĩa.
Con đường này, gồm những yếu tố chính: Văn nghệ phục vụ cách
mạng. Văn nghệ tuyên truyền. Văn nghệ thi đua. Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đả
kích tư tưởng phản động của địch. Sáng tác cho nhân dân. Nhân dân làm chủ phê
bình.
Đường lối văn nghệ tuyên truyền cách mạng này
đã tạo ra nhiều lớp người viết với những sáng tác mà nhạc sĩ Tô Hải, trong cuốn Hồi
ký của một thằng hèn (Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ,
2009) đã gọi là thời kỳ "bồi bút, bồi nhạc". Cao điểm là cuốn Bọn
Nhân văn giai phẩm trước tòa án dư luận mà chúng ta đã biết. Và ảnh hưởng
của nó còn kéo dài tới ngày nay.
Là người làm văn hóa, Nguyễn Hữu Đang bỏ đi từ năm 1948 là phải.
Sự rời đảng của Nguyễn Hữu Đang không chỉ vì bất đồng ý kiến
về văn hóa mà còn cả những bất đồng về chính trị nữa.
Nhưng trong kháng chiến không chỉ có một Nguyễn Hữu Đang chống
lại đường lối văn hóa văn nghệ của đảng Cộng sản, mà còn có những tiếng nói
khác, như Nguyễn Mạnh Tường:
Hoàng Trung Thông kể: "Năm 1949, Đại hội văn nghệ
Khu Bốn được tổ chức và Chi hội văn nghệ Liên khu Bốn được thành lập (...)
"Cuộc tranh đấu tư tưởng duy nhất ở Liên Khu Bốn trong
thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh với một số quan điểm của Nguyễn
Mạnh Tường. Trong một cuộc nói chuyện Nguyễn Mạnh Tường cho rằng văn nghệ ta
như một cái chuồng nhốt các văn nghệ sĩ trong đó". (Hoàng Trung
Thông, bđd, trang 181)
Như Trương Tửu:
"Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - bấy giờ là bí thư Đảng bộ
Liên Khu Bốn, đã có ý kiến về những luận điểm tơ-rốt-kít của Trương Tửu trong
buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh
chính trị năm 1952, Trương Tửu bị đưa ra phê phán gay gắt." (Hoàng
Trung Thông, bđd, trang 187).
Như Tô Ngọc Vân:
"Anh Tô Ngọc Vân tỏ ý không đồng tình về sự phân
tích của đồng chí Trường Chinh về chủ nghiã "quy-bít". Nhưng anh Trường
Chinh không trực tiếp trả lời, và tờ Sự thật không lên tiếng, để tránh gây các
mặc cảm không cần thiết đối với anh chị em văn nghệ đang đến với Đảng, và tự
giác chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bài viết của tôi thảo luận với anh Tô Ngọc
Vân, ký tên Lê Trọng Lâm, lại đăng trên tạp chí Văn nghệ" (Hà Xuân
Trường, bđd, trang 42-43).
Thái độ của Trường Chinh đối với những người chống đối rất
khôn khéo: ông không ra mặt trả lời và khuyên cấp dưới "cần phải đấu tranh
tư tưởng nhưng đừng nặng lời quá; vì lúc bấy giờ chúng ta đang cần phải đoàn kết
để kháng chiến chống Pháp, mặc dầu đoàn kết không có nghiã là thủ tiêu đấu
tranh" (Hà Xuân Trường, bđd, trang 42-43).
Tóm lại, đã có những người làm văn hoá văn nghệ bắt đầu thắc
mắc về đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng sản ngay trong kháng chiến.
Những thắc mắc này càng lớn mạnh khi hòa bình lập lại sau 1954, kết hợp
thành sự phản kháng toàn bộ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Sự trở lại của Nguyễn Hữu Đang
Nguyễn Hữu Đang, vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, bỏ về
Thanh Hóa, cộng tác với nhà xuất bản Minh Đức từ 1948.
Nhưng tại sao năm 1954, ông trở lại hoạt động? Việc gọi ông
trở lại có thể từ lệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoàng Cầm kể: "Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954,
tôi cũng chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường
Chinh có hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy
năm nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ.
Thế là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh Hóa ra" (Hoàng
Cầm trả lời phỏng vấn RFI).
Theo hồi ký Nguyễn Huy Tưởng, chính ông là người được cử vào
Thanh hoá mời Nguyễn Hữu Đang. Và theo Hoàng Cầm: Khi Nguyễn Hữu Đang ra đến Hà
nội, Tố Hữu đề nghị chức Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu
Đang từ chối, ngỏ ý muốn làm báo Văn Nghệ, Tố Hữu đành phải bằng lòng.
Những thắc mắc
Hoàng Cầm kể: "Anh Đang về báo Văn Nghệ, nhưng anh Đang
là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ chức thanh
niên xung phong, tổ chức mặt trận bình dân học vụ, sau đó lại là tổ chức hội
nghị văn hóa toàn quốc. (...) Vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy tổ
chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:
Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng
Quán (...) Và tổ chức một lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là
"Những tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ". (Hoàng
Cầm trả lời phỏng vấn RFI).
Về không khí của lớp học này, Hoàng Cầm nhớ lại:
"Đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của
Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ". Buổi sáng học, buổi chiều
làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18 ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm
thì có cái mục gọi là liên hệ thực tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh
hoặc đi tập kết về Hà nội, thì họ đều nêu lên những thắc mắc, mà phải nói
là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ. Nó
gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra những thắc mắc về
việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với văn nghệ (...)
Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng chiến
và thực tế trong hòa bình lập lại" (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).
Georges Boudarel, đặt trọng tâm trên hai chữ thắc mắc này,
theo ông đây là một thứ mây mù của ý thức, một kỷ xảo nói mà như không nói, một
nghệ thuật không gọi sự vật theo tên của nó.
Hai chữ thắc mắc không thể dịch sang tiếng
Pháp, Boudarel cho là trung tâm của vấn đề: Trong một nước mà cuộc đấu tranh chống
thực dân, giành độc lập, bảo vệ truyền thống dân tộc, được phất lên dưới ngọn cờ
của chủ nghiã Mác-Lê-Mao, như một nghịch lý, thì thắc mắc là đứa con
lai lạ lùng, sinh ra từ cuộc tình vừa nóng bỏng vừa tương phản vừa không thể
thú nhận được giữa quốc tế vô sản và lòng ái quốc cực đoan.
Chủ nghĩa cộng sản mà người ta du nhập vào đã thủ tiêu nhanh
chóng mọi hình thức tự do phát biểu của xã hội dân sự kể cả những người ủng hộ
nhiệt thành. Năm 1950, chủ nghiã Mao ào ạt tràn vào, với những đợt chỉnh huấn,
phát hiện, tố giác, kiểm thảo, tự kiểm thảo... mang lại những hậu quả tai hại.
Nếu năm 1946, hầu hết mọi thành phần dân tộc đều đi
theo kháng chiến chống Pháp, thì tới 1950, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng
trong đó có Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương, hoặc sẽ nổi tiếng sau này như Doãn Quốc
Sỹ... đã không thể chịu được, phải quay "về thành".
Sự phản kháng của họ mang tính chất bi đát, bởi phải chọn lựa
giữa hai con đường: hoặc tiếp tục chống thực dân Pháp thì phải theo chủ nghiã cộng
sản Mao; hoặc chống cộng sản Mao thì phải vào vùng Pháp đóng. Bị xâu xé giữa, một
bên là lòng yêu nước thúc đẩy họ phải chấp nhận tất cả để chiếm lại tổ quốc đã
mất và một bên là cái vốn văn hoá Tây phương thúc đẩy họ đòi hỏi một thứ tự do
không thể nào có được với đảng Cộng sản. Người trí thức, những năm tháng ấy, vừa
như sống một bản hùng ca, lại vừa chịu một bi kịch gậm nhấm từ bên trong.
Đại đa số thành phần dân tộc, trong đó có người trí thức, tìm
cách hoà mình với đời sống mới, từ đó nẩy sinh những thắc mắc: Nền dân chủ
cộng hòa, do Hồ Chí Minh tạo dựng, có mang lại độc lập thật sự cho nước Việt
không? Những người mang thắc mắc trong lòng muốn tin vào lãnh đạo của
họ nhưng trong thâm tâm vẫn không thể nào tin được. Chỉ biết mình có những thắc
mắc không thể nói ra. Cái hình thức đối lập bị dồn nén, sự phản kháng
bị chôn vùi, chỉ được nói thầm, nói một nửa, đọc giữa hai hàng chữ, đoán ngầm
những ngụ ý... trở thành một phần của đời sống Việt nam dưới chế độ cộng sản.
Và những vấn đề mở ra từ năm 1956, với Nhân Văn Giai Phẩm, vẫn còn đúng với hôm
nay. (Theo phân tích của Boudarel, trong cuốn THĐNTĐVN, từ trang 9 đến 20).
Những thắc mắc ấy tạm ngủ yên trong thời chiến,
nhưng bừng lên khi hòa bình lập lại.
Và trong lớp học 18 ngày, Nguyễn Hữu Đang là người đã thấy rõ
tình thế, mạnh bạo đứng lên, đặt với lãnh đạo những câu hỏi cần thiết.
Lớp học 18 ngày
Về lớp học này, Người Quan Sát tường thuật trên Nhân Văn số 1
(20/9/56), như sau:
"Trong tháng Tám vừa qua, Hội Văn nghệ đã tổ chức tại thủ
đô một đợt học tập mười tám ngày nhằm mục đích nâng cao trình độ lý luận văn
nghệ của anh chị em công tác trong ngành. [...] Ý định của Thường vụ Hội là như
vậy, nhưng trên ba trăm người tham gia học tập đã dần dần từ thảo luận nguyên tắc
sáng tác chuyển sang kiểm điểm phong trào, đem lý luận đối chiếu với thực tế,
liên hệ bản thân cũng có, nhưng chủ yếu là liên hệ lãnh đạo.
Mà phê bình lãnh đạo ngày nay, nhờ có ảnh hưởng của Đại hội
20 Đảng Cộng sản Liên xô, thường là rất mạnh bạo chứ không còn e dè, quanh co
như cái thời phục tùng mù quáng hoặc có thắc mắc thì trước mặt cả nể,
kể lể sau lưng nữa. Anh chị em đã phát huy tự do tư tưởng, tự do ngôn luận,
đem hết nhiệt tình cách mạng ra mà nói thẳng, nói thật, nói hết. Thế là việc học
tập trở nên sôi nổi, nhất là ở bước cuối thì người ta có thể nói đến một không
khí bừng bừng đấu tranh, làm cho chẳng những giới văn nghệ như cựa mình một cái
thực mạnh mà nhiều ngành khác ở thủ đô cũng như thấy rung động lây.
Qua những sự việc mà anh chị em phát hiện cũng như qua những
ý nghĩ, tình cảm mà anh chị em bộc lộ, chúng ta đã thấy phong trào văn nghệ
trong sáu bảy năm nay đã có những sai lầm nghiêm trọng về mặt lãnh đạo. Quyền tự
do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tác đã bị vi phạm một cách có hệ thống". (Trích
bài "Chuẩn bị Đại Hội Văn nghệ Toàn quốc - Một đợt học tập và đấu tranh của
giới văn nghệ", Nhân Văn số 1, ra ngày 20/9/56).
Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc ngày 26/8/56 chỉ trích
đường lối văn nghệ của Đảng trên ba điểm chính:
- Đường lối lãnh đạo văn nghệ của Trung ương Đảng hẹp hòi, gò
bó, do nhận thức không đúng về mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ.
- Trung ương Đảng chưa có một chính sách cụ thể về văn nghệ.
- Bộ phận lãnh đạo văn nghệ không hợp lý, không trong sạch,
có tính bè phái, nguy hiểm.
Nguyễn Hữu Đang được "cử tọa hoan hô nhiệt liệt". Qua
lời tổng kết của Nguyễn Đình Thi và lời tự kiểm thảo của Tố Hữu, bộ phận lãnh đạo
văn nghệ đã phải "thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sẽ
sửa chữa".
Vai trò lãnh đạo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của Nguyễn Hữu
Đang đã rõ: Dựa vào những biến động ở Liên xô và Trung quốc, vào sự đồng thuận
của đông đảo trí thức văn nghệ sĩ, vào thế yếu của lãnh đạo sau thất bại Cải
cách ruộng đất, Nguyễn Hữu Đang, với tài hùng biện nổi tiếng, đứng ra cổ động
trí thức, hướng dẫn phong trào và chủ trương báo Nhân Văn, với ý định cải tổ lại
nền chính trị của miền Bắc Việt Nam.
Thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì?
Nguyễn Hữu Đang trả lời: Thực chất phong trào Nhân Văn
Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số
người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống
- không phải chống Đảng Cộng Sản đâu, mà đấy là chống - cái chủ nghĩa Staline và
chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa
Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng - nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải
nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản
đã phạm sai lầm trong Cải cách ruộng đất, rồi thì Chỉnh huấn, Chấn chỉnh tổ chức,
Ðăng ký hộ khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc
nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu
trí vào nước Việt nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm Tổng
bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất
quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá
tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc.
Lúc
bấy giờ chúng tôi cũng cảnh giác, chúng tôi theo đảng Cộng sản nhưng chống chủ
nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Nhưng rất tiếc là lúc bấy giờ,
thế lực của Liên Xô rất mạnh, áp lực của Trung Quốc cũng rất mạnh cho nên cuộc
đối thoại ấy không có kết quả" (Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn
RFI tháng 9/1995)
Hai tờ báo tham gia phong trào vào cuối năm 1956
(Ảnh ghép: RFI)
Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11 năm 1956, không những Giai
phẩm mùa xuân được in lại mà còn ra tiếp 4 số nữa, tổng cộng là 5 số Giai
phẩm và 5 số Nhân Văn. Ngoài ra, còn có 1 số Đất Mới của sinh viên và
10 số Trăm Hoa của Nguyễn Bính (từ tháng 10 đến tháng 12/56), thêm
báo Nói Thật của Hoàng Công Khanh và Tập san phê bình, xuất hiện
tới cuối năm 1957. Cuối tháng 11/56, trên các báo Nhân Văn và Giai Phẩm, nhà xuất
bản Minh Đức còn quảng cáo mời độc giả tìm đọc Tự do diễn đàn và Sáng
tạo (chuyên về điện ảnh kịch trường). Nhưng rút cục Tự do diễn đàn in
xong bị cấm. Nhưng Văn, báo chính thức của Hội Nhà Văn, sang năm 57 vẫn
còn in bài của những người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đến số 36
(10/1/58) Văn mới bị đình bản vì đăng bài Ông Năm Chuột của
Phan Khôi.
Cuộc cách mạng mùa thu của tư tưởng đã xảy ra.
Trang nhất tờ Nhân Văn số một (1956)
(Nguồn: Tư liệu G. Boudarel)
Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn hợp tác điều hành: Nguyễn
Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo ba người bạn thân, trong kháng chiến, đã từng
chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có giá trị thời tiền chiến. Và Lê Đạt,
Hoàng Cầm, là hai người bạn thân đã làm tờ Giai Phẩm mùa xuân. Nhân Văn do Nguyễn
Hữu Đang, Lê Đạt, trách nhiệm bài vở. Giai phẩm do Trương Tửu trông nom. Giai
phẩm xuất hiện trước nhưng Nhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của
phong trào.
Trong vòng 4 tháng, từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 12/56,
phong trào đòi hỏi dân chủ và tự do tư tưởng bùng lên với hai tờ báo
chính: Nhân Văn và Giai Phẩm do nhà xuất bản Minh Đức (Trần
Thiếu Bảo) in hoặc giúp đỡ in ấn. Phần lớn những người viết cho Nhân Văn đều
có mặt trên Giai Phẩm và ngược lại.
Nhân Văn Giai Phẩm do hai nhóm bạn song song hợp tác điều
hành:
- Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo là ba người
bạn, trong kháng chiến, đã từng chủ trương việc xuất bản lại các tác phẩm có
giá trị thời tiền chiến (nhưng bị loại trừ sau cách mạng) như Tiêu Sơn
tráng sĩ của Khái Hưng, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, v.v...
- Hoàng Cầm, Lê Đạt, hai người bạn thân đã tranh đấu
đòi tự do sáng tác từ những ngày đầu trong quân đội cùng với Trần Dần, Tử Phác,
năm 1955, và làm tờ Giai Phẩm mùa xuân.
Năm người này là những viên gạch nền móng, bằng những cố gắng
xây dựng của họ, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1956, đã quy tụ được một số đông
văn nghệ sĩ trí thức, họp thành phong trào NVGP.
Nhân Văn do Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, trách nhiệm bài vở. Giai
phẩm do Trương Tửu trông nom. Nhân Văn hướng về con đường đấu
tranh chính trị. Giai Phẩm đi vào chiều sâu của tư tưởng.
Giai phẩm xuất hiện trước với Giai phẩm mùa thu tập
I (29/8/56), nhưng Nhân Văn vẫn được coi là "đầu não" của
phong trào.
Hiện nay, chúng ta chưa thể biết rõ về nội bộ tờ Giai phẩm vì
Trương Tửu và Trần Thiếu Bảo đều không phát biểu gì, cho đến khi mất. Nhưng về
nội bộ tờ Nhân Văn, chúng ta có thể biết được phần nào sự thật, nhờ tiếng nói của
những thành viên chính.
Ảnh chụp Phan Khôi tại cuộc
Hội thảo về Lỗ Tấn năm 1956 (Ảnh: DR)
Ngày 20/9/1956, Nhân Văn số 1 ra đời, về mặt chính thức tờ
báo do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy thư ký tòa soạn. Nhưng thực sự,
nội bộ báo Nhân Văn đã được cấu trúc như thế nào? Đó là câu hỏi đầu tiên cần
được giải đáp.
Việc thành lập báo Nhân Văn
Để dựng lại sự việc đã xẩy ra, chúng tôi dùng hai loại chứng:
Những bản "thú nhận" của các thành viên chính, viết
trong đợt đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm ở Thái Hà Ấp, giữa tháng 3 và 4
năm 1958 và những lời tuyên bố của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Duy, trên RFI, những
năm gần đây.
Khi nói về cùng một dữ kiện, trong hai loại chứng trên thì những
lời "thú nhận" sẽ ưu tiên, vì đã được viết trong thời gian bi kịch xẩy
ra, tại chỗ, nên không bị nhớ lầm, như trường hợp những lời viết hoặc tuyên bố
sau này, nửa thế kỷ qua, trí nhớ có thể sai lạc.
Nhưng về những lời "thú nhận" này, chúng ta cần biết:
1- Những lời "thú nhận" này đã viết trong điều
kiện như thế nào?
- Viết trong "lớp học" thứ nhì (đúng ra là "đấu
trường" thứ nhì) ở Thái Hà giữa tháng 3 và 4/58 (có 304 người dự). Chúng
tôi sẽ đề cập đên không khí gay gắt của hai đợt đấu tranh chống NVGP ở ấp Thái
Hà trong chương VI, ở đây, chỉ xin nêu lên một số điểm liên quan đến các bài
"thú nhận", được sử dụng trong chương này:
-Theo Lê Đạt, ở hội trường, mọi người đứng lên "phát hiện
tội" "Nhân Văn". Và "Sau khi tất cả mọi người phát hiện
các tội của Nhân Văn xong rồi, thì mới đến lượt Nhân Văn, từng người một, nhận
tội". Rồi sau đó, các "Nhân Văn" về tổ của mình làm
"bài khai". "Bài khai phải được tổ thông qua, và lại phải
đưa ra hội trường thông qua nữa, thì anh mới được xong". Tức là anh mới
được về.
- Như thế, những "bài khai" này, đã được
viết dưới áp lực của "đấu trường" kéo dài trong một tháng, và cũng là
bài "tổng kết tội trạng" mà mỗi thành viên Nhân Văn phải tự mình viết
ra. Khi viết, họ không được trao đổi với nhau, sau đó phải đọc trong tổ, tổ
thông qua, rồi mới đọc cho hội trường nghe và duyệt. Vì những lẽ đó, họ
khó có thể "khai man" (vì sợ không đúng với những lời tố, lời
khai, của người khác); vì vậy, chúng ta nên thận trọng, đối với một số dư
luận buộc tội người này, người kia "khai man" trong lớp Thái Hà.
- Vì những điều kiện trên, chúng tôi xem những bài
khaihay bài thú nhận này là những văn bản sớm nhất (viết từ tháng
3/58) thuật lại một số sự việc thật đã xẩy ra trong nội bộ Nhân Văn.
2- Bài thú nhận của Trần Dần và Lê Đạt, "hai
tên thơ phản động nhất nước", được/bị trích đăng trên hai báo Văn Học số 1
(25/5/1958) và Văn Nghệ số 12 (5/58), bài thú nhận của Hoàng Cầm và
Phùng Quán đăng trên Văn Nghệ số 12, của Văn Cao trên Văn Học số 3 (5/6/58), của
Trần Đức Thảo trên Nhân Dân số 1532-1533 (23-24/5/58), và trích in một số đoạn
trong cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận.
3- Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Duy, "không được"
dự lớp Thái Hà vì thuộc diện những "phần tử xấu". Vì vậy, không có bản
"thú nhận" của họ.
"Không phải là chị Thụy An, anh Trần Duy và ông Phan
Khôi không chịu đi học. Ở đấy người ta chia ra: Những người nào hoạt động
chính trị mà người ta cho là có tính chất phản động, là những phần tử xấu thì người
ta "không cho" đi học lớp ấy: Phan Khôi, Thụy An, Trần Duy
"không được" học. Chỉ có những văn nghệ sĩ mà người ta cho là những
người vì quan điểm lầm lạc, được Ðảng chiếu cố cải tạo giúp đỡ, thì mới được đi
học lớp ấy thôi. Cho nên đi học lớp ấy, gay go thế cũng là một "ưu
tiên". (Lê Đạt trả lời RFI).
4- Các văn bản "thú tội" phản ảnh tâm thức của người
viết: Qua những bài khai, Lê Đạt và Trần Đức Thảo giữ được phong cách của người
trí thức: Chịu trách nhiệm việc mình làm. Không đổ lỗi cho người khác. Không gọi
bạn đồng hành là tên, là nó, là bọn. Có lẽ đó là cách phải
gọi những người Nhân Văn Giai Phẩm trong "đấu trường", nó phản ảnh
không khí trù dập, đàn áp, xuống cấp và thù nghịch ở ấp Thái Hà và sức chịu
đựng của từng người: Trong ba người bạn thân Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, thì
Lê Đạt có bản lãnh hơn cả.
Ý định ra báo là của Nguyễn Hữu Đang. Nguyễn Hữu Đang thuyết
phục Hoàng Cầm trước. Hoàng Cầm về bàn với 5 người thân nhất trong nhóm Giai
phẩm mùa xuân: Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Văn Cao và Đặng Đình Hưng. Phần đông
đều e ngại, không muốn cộng tác vì nghi ngờ Nguyễn Hữu Đang là người làm chính
trị. Một mặt khác, sau vụ đàn áp Giai phẩm mùa xuân, Trần Dần và Lê Đạt đều
muốn nghỉ (một phần vì chuyện gia đình, mới lấy vợ, mới có con...). Hoàng Cầm
nhận phụ trách phần văn nghệ của Nhân Văn. Đến Nhân Văn số 2, Lê Đạt mới thực sự
vào ban biên tập.
Hoàng Cầm thuật lại trên RFI:
"[Sau lớp học 18 ngày] Thì lúc bấy giờ anh Đang anh
ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều thắc mắc như thế này thì
chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra
thế nào được. Anh Đang bảo: Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn
chỉ vài số báo là đã có thể trả được. (...)
"Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở
nhà xuất bản của Hội Văn nghệ, nhiều công việc bận lắm. Nhưng mà anh ấy vẫn
không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy. (...) giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi
cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn". (Hoàng
Cầm, RFI, 8/2/2008).
Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Hoàng
Cầm viết:
"Bàn về tiền ra báo, tôi tán thành tên Tước [là
một người thân thuộc của nhà xuất bản Minh Đức] do Nguyễn Hữu Đang giới
thiệu, bỏ tiền ra làm vốn. Tôi đã đi họp hai lần ở nhà tên Tước, lần đầu với
Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Tước bàn về thể tài tờ báo. – Tư tưởng tôi lúc đó
phản đối mọi đường lối, chính sách của Đảng nên tôi nghĩ: Báo Văn nghệ hay Văn
hoá xã hội cũng được, miễn là ra được, nhưng chỗ tôi biết hơn cả là mặt văn nghệ,
thì tôi tự nhận phần văn nghệ, còn ngoài ra ai muốn viết về vấn đề
gì, tôi cũng tán thành. Một lần nữa, có Nguyễn Bính, Đang, Tước bàn về tên tờ
báo và mời Nguyễn Bính làm thư ký toà soạn, thì tôi nghĩ là “tên báo gì gì
cũng được” miễn là có báo ra được". (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận
bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958).
Như vậy, theo lời Hoàng Cầm, Nguyễn Bính đã có mặt trong
những buổi họp trước khi ra báo Nhân Văn.
Lê Đạt, kể lại trên RFI như sau:
"Trong buổi học tập văn nghệ đó [lớp học 18 ngày], anh
Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn
nghệ.
Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi -Nguyễn Ðình
Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ- Ðang nói rằng:
"Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không
làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm (...)
"Ðến lúc ra báo Nhân Văn, cũng lại có nhiều khó
khăn. Anh Dần muốn trực tiếp lo chuyện gia đình vì anh ấy gặp nhiều
khó khăn quá: bị bắt, rồi lại phải lo cho con cái. Còn tôi lúc đó, tôi
cũng muốn nghỉ. Anh Ðang lại không thuộc nhóm Giai Phẩm Mùa Xuân, anh
Ðang là một cán bộ chính trị cũ, anh ấy chỉ biết tôi thôi, thế còn quan hệ với
anh em Giai Phẩm Mùa Xuân, anh Đang lại không có. Mà các anh ở Giai Phẩm Mùa
Xuân cũng không thích anh Ðang. Chúng tôi mới quyết định thế này: Anh Cầm đang
rỗi rãi, bèn giao cho anh Cầm; tách anh Cầm ra làm việc chung với anh
Ðang". (Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI).
Trong bài "thú nhận", tháng 3/1958, Lê Đạt
viết:
"… Sau thời gian lớp học 18 ngày Nguyễn Hữu Đang cùng với
Hoàng Cầm ra báo. Hoàng Cầm đặt vấn đề với nhóm Giai phẩm mùa xuân.
Văn Cao, Trần Dần, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm và tôi
bàn ở tiệm trà Phúc Châu.
Đa số đồng ý là không tham gia biên tập vì cho
Nguyễn Hữu Đang không phải là người văn nghệ, có thể nhiều động cơ cá nhân
không tốt, hai là tập họp anh em đông quá trong số đó có nhiều phần tử chạy
theo, cơ hội không nắm chặt được, sợ manh động (viết lách ẩu, quá khích bị lãnh
đạo đánh)".
(Lê Đạt, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số
12, tháng 5/1958, trang 74).
Vẫn về việc này, Trần Dần trong bài "thú nhận", viết:
"… Đến lớp học mười tám ngày, Nguyễn Hữu Đang từ lâu nằm
phục xuống, nhờ cơ hội này đứng dậy phất cờ. Nếu không có Đang sẽ không có tham
luận với những đề nghị: Gặp Trung ương, ra báo v.v… mà cũng sẽ không có tờ Nhân
Văn.
Tư tưởng chống đối trong tôi cũng ngóc dậy. Tuy đồng tình với
Nguyễn Hữu Đang, song không đồng tình về phương pháp (...).
Nguyễn Hữu Đang định kéo nhóm Giai phẩm mùa xuân làm vốn cho
hắn ra báo, đấu tranh với Đảng, vì từ lâu hắn đã ngửi thấy ở đó có vấn đề có thể
kiếm chác được. Vấp phải sự rùng rằng không muốn tham gia của nhóm Giai phẩm
mùa xuân (vì nhiều lẽ), hắn kéo lẻ từng người. Đầu tiên là Hoàng Cầm (...)
"... Đến khi Nhân văn thông qua bài số 1, tôi đến,
thấy hỗn độn táp nham quá, mình dự đây là dại, nên nửa chừng bỏ về. Lúc đó tôi đã
nghi Nguyễn Hữu Đang, cho là thằng quá tả, vấn đề gì cũng định đưa ra công
khai, tôi cho rằng hắn sẽ làm hỏng phong trào của lớp học mười tám ngày thôi. Sẽ
lại thất bại như hồi bộ đội. Nên tôi tự đặt nhiệm vụ dùng Hoàng Cầm, Lê Đạt
mà ghìm hắn lại." (Trần Dần, Những lời thú nhận bước đầu, Văn
Nghệ số 12, 5/1958, trang 61).
Trần Dần vì nghi kỵ Nguyễn Hữu Đang, không muốn tham dự,
nhưng cũng không bỏ hẳn. Như vậy, trong nội bộ Nhân Văn, từ đầu, đã có những
khuynh hướng khác nhau: Nguyễn Hữu Đang muốn mở rộng cuộc tranh đấu sang chính
trị: đòi hỏi tự do dân chủ. Hoàng Cầm thì thế nào cũng được. Trần Dần chỉ
muốn đòi tự do sáng tác. Lê Đạt giữ vị trí trung gian: Đồng ý với Nguyễn Hữu
Đang về đấu tranh tự do dân chủ nhưng muốn thực hiện bằng con đường sáng tác.
Đó là những "khó khăn" mà Lê Đạt muốn nói đến khi lập
tờ Nhân Văn, nhưng không chỉ có những "khó khăn" nội bộ, mà còn cả những
khó khăn do áp lực bên ngoài. Một chủ trương "rầm rộ" như vậy, lãnh đạo
không thể không biết. Và Trung ương đã tìm cách khuyên nhóm Nhân Văn dẹp ý định
làm báo đối lập, bằng cách nói riêng với từng người.
Bộ chính trị khuyên nên bỏ ý định ra báo
Hoàng Cầm kể trên RFI: "... Trước khi ra báo thì các anh
em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì
lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn
Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là
bộ chính trị, thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng cục phó Tổng cục
chính trị (về sau này ông ấy mới chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ giáo dục), thì mời
tôi. Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân
Văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi,
coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi
tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức
Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy
tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê
Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái Đảng có thể có những sai lầm này,
sai lầm khác v.v... trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình
hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói
cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên
báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ
những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc
lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra
báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà
không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo
Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra.
Thế là ra được Nhân Văn số 1". (Hoàng Cầm, RFI, 8/2/2008).
Việc mời Phan Khôi làm chủ nhiệm
Việc này do Nguyễn Hữu Đang nghĩ ra. Lê Đạt kể: "Ðang
bảo: "Hay là mời cụ Phan Khôi? Mà cụ Phan Khôi cũng lại không thân gì với
Ðang lắm. Thế là anh Hoàng Cầm được cử đến mời cụ Phan Khôi. Phan Khôi khẳng
khái nhận lời ngay" (Lê Đạt trả lời RFI).
Họa sĩ Trần Duy (DR)
Trần Duy, nói trên RFI:
"Tôi không biết Trần Dần, tôi cũng không biết Hoàng Cầm.
Mãi sau buổi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, đưa bài Nhất định thắng của Trần Dần - hôm
đó là cuộc hội rất lớn - kết tội bài đó [Buổi "hội lớn" của Hội
văn nghệ, đánh Trần Dần (vắng mặt) với 150 người dự, một buổi tối giữa tháng
2/1956, chưa xác định được ngày]. Tôi với ông Phan Khôi ngồi gần nhau
(...) Người ta quy rằng Trần Dần như thế là ngã về địch, bị gián điệp (...).
Ông Phan Khôi nói với tôi: Quy cho người ta là gián điệp, là chính trị, nhanh
quá, rất nguy hiểm (...). Vì thế tôi không quen biết những người này nhưng vì
ông Phan Khôi, tôi đứng trên quan điểm của ông Phan Khôi, tôi rất ủng hộ ông Trần
Dần mà tôi không biết ông Trần Dần là ai cả. Tôi cũng không biết ông Hoàng
Cầm. Tôi biết anh Lê Đạt vì tôi cùng về báo Văn Nghệ (....) Do ông Phan Khôi
tôi biết nhóm Lê Đạt và Trần Dần". (Trần Duy trả lời RFI, tháng
7/2008).
Cũng về việc này, Hoàng Cầm viết trong bài "thú nhận"
tháng 3/58, như sau:
"Chỉ có việc Nguyễn Hữu Đang mời tôi làm thư ký toà soạn
là tôi không nhận, lý do chỉ vì sợ trách nhiệm, muốn đùn trách nhiệm cho người
khác. Tôi đã đùn cho Trần Duy trong một buổi tình cờ gặp Trần Duy ở nhà Minh Đức.
Tôi gọi nó lên gác nhà tên Đang, giới thiệu nó với tên Đang. Trần Duy nhận lời
ngay." (Hoàng Cầm, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12,
tháng 5/1958).
Ai quyết định nội dung bài vở báo Nhân Văn?
Trong bài "thú nhận", Lê Đạt viết:
"Tôi tham gia Nhân văn với ý thức là người lãnh đạo lý
luận của tờ báo vì tôi cho tôi vững vàng hơn Nguyễn Hữu Đang. Ban biên tập lúc
đó gồm bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và tôi." (Lê Đạt, Những
lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/58, trang 75).
Vậy trong bốn người: Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Hoàng Cầm và
Lê Đạt, ai quyết định nội dung tờ báo?
Trần Duy trả lời trên RFI:
"Tất cả bài vở là do Đang và Đạt quyết định và bài
vở tập hợp vào tôi, khi thiếu bài hoặc mise mà không có thì bảo tôi làm cái
remplissage lấp lỗ trống hoặc thu dọn bài này, bài nọ, trang mấy, trang mấy có
tranh, thì bảo tôi làm. Sự thật ra quyết định bài vở phần lớn là Đang, quyết
định nội dung bài là Đạt. Còn thầy cò thầy kiện là ông Văn Cao. Ông Trần Dần,
ông Hoàng Cầm là đứng sau lưng. Người chủ động và trực tiếp với tôi là Lê
Đạt, người chủ động bài vở là ông Nguyễn Hữu Đang. Tất nhiên là tôi không
quyết định được bài vở rồi, nhưng có bài nào cần thiết thì Lê Đạt bảo: Ông viết
đi, vấn đề này ông viết được, ông viết hộ tôi, ví dụ như tự do sáng tác hay là
gì đó thì ông cứ viết, ông lại hơi có cái giọng humour thì ông làm cho tôi...
không phải chuyện cười, những chuyện thời sự ông đi góp nhặt các nơi. Thì tôi
phụ trách mục đó và tôi đề TD, là Trần Duy đó. Sau khi mise những bài chính rồi
thì tôi là người lấp remplissage phần còn lại của tờ báo. Sự thực ra người ta
không bao giờ hỏi ông Phan Khôi về một cái gì cả." (Trần Duy trả lời
RFI)
Vẫn theo lời Trần Duy, Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang thường hay
cãi nhau. Vậy sự bất đồng ý kiến đó là gì? Có phải về mục tiêu đấu tranh,
hay là cái gì khác?
Lê Đạt viết trong bài "thú nhận":
"Về mục tiêu đấu tranh của Nhân văn: Một mặt, lật đổ
bộ phận lãnh đạo mà tôi cho là bè phái (đồng chí Tố Hữu, Hoài Thanh, Nguyễn
Đình Thi), một mặt nữa đấu tranh với Trung ương về tự do dân chủ, tôi tán
thành nhưng vẫn muốn đấu tranh bằng hình thức văn nghệ. Lúc đó tôi có khuyên
Hoàng Cầm nên đẩy mạnh mặt văn nghệ của tờ báo còn phần đấu tranh cho tự do dân
chủ thì làm một phần nhẹ thôi" (Lê Đạt, Thú nhận).
"Xét cho cùng lúc đầu tôi với Nguyễn Hữu Đang chỉ khác
nhau về chiến thuật. Tuy không tham gia biên tập nhưng khi in số 1 thỉnh thoảng
tôi cũng có đến". (Lê Đạt, Thú nhận).
Nhân văn số 1: Ra ngày 20/9/56, gồm những bài chính: bài
thơ Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt; bài Tiến tới xét
lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, bức
tranh Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần với vết sẹo trên cổ; và bài Luật sư
Nguyễn Mạnh Tường trả lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ.
Nhân văn số 2: Ra ngày 30/9/1956, với ba bài
chính: Phấn đấu cho trăm hoa đua nở của Trần Duy; Đào Duy Anh trả
lời về vấn đề mở rộng tự do dân chủ và bài Trả lời bạn Nguyễn Chương
và báo Nhân Dân, do Nguyễn Hữu Đang viết.
Nhân văn số 3: Nhân Văn số 3 (ra ngày 15/10/1956), xác
định rõ ràng hơn đường lối tranh đấu cho tự do dân chủ với hai bài
chính Nỗ lực phát triển dân chủ của Trần Đức Thảo và Đặng Văn Ngữ
trả lời về mở rộng tự do dân chủ.
Sau Nhân Văn số 3, có hai sự việc quan trọng xảy ra: Trung
ương tổ chức tọa đàm và Trần Duy lên gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Trần Duy lên gặp Phạm Văn Đồng
Trần Duy thuật lại trên RFI:
"Tôi gặp anh Phạm Văn Đồng, ông Đồng gọi tôi lên, khi đó
là số 3 rồi. Khi đó có những tin đồn là Nhân Văn muốn ngả về những mouvement,
những phong trào đòi dân chủ ở Hung hay là ở Nam Tư gì đó, thì anh Đồng có cho
gọi ban biên tập và tòa soạn lên, cuối cùng anh em bảo Trần Duy lên gặp, thì
tôi lên. Việc tôi lên gặp ông Đồng cũng có một số anh em tán thành, một số
không tán thành, cho rằng như thế là tự mình ràng buộc với... chính quyền.
Nhưng tôi nghĩ rằng anh không thể nào vượt chính quyền
được và anh không thể nào vượt khỏi tổ chức của đảng được, không thể chống lại
được nó, làm cái gì cũng phải nằm trong cơ sở tổ chức của đảng thôi. Tôi lên gặp
ông Đồng. Thái độ của ông Đồng rất cởi mở, gặp tôi bảo: Tôi hiện nay rất bận
(...) , tôi ủy cho anh Phan Mỹ thay tôi để giải quyết những vấn đề gì của anh
em còn vướng mắc, theo tôi thì đừng nói chữ đấu tranh, các anh cần gì, yêu cầu
gì, các anh cứ việc đề ra và chúng tôi giải quyết chứ đừng đấu tranh, đòi hỏi
cái gì mà phải đấu tranh (...). Ông Đồng đi thì tôi ngồi nói chuyện với anh
Phan Mỹ, anh Phan Mỹ bảo: Các anh cần gì, vấn đề tài chính thì tất nhiên chính
phủ làm được việc đó, các anh cần mua giấy thì chúng tôi cấp giấy cho các anh
mua.
Xong việc ấy tôi về gặp anh em ở một cái quán nhỏ đầu Hàng
Nón, mọi người ở đấy, có Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, ... và tôi. Một lúc
thì Đang đến, tôi nói chuyện tôi gặp như thế thì tất cả mọi người, trừ Lê Đạt,
đều cho rằng thái độ của tôi là thái độ đầu hàng". (Trần Duy, trả lời
RFI).
[Theo tin trong Nhân Văn số 3: Sở dĩ Nhân Văn phải bán giá
cao hơn các báo khác, vì "chỉ được Cơ Quan Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy
đủ để in 2000 số", trong khi số 2, in 6000 và số 3, in 7000 số, vì vậy phải
mua thêm giấy ngoài thị trường với giá đắt gấp đôi giá mậu dịch". Tin
trong Nhân Văn số 4: "Kỳ này, in 12.000 số, mà vẫn chỉ được Sở Báo Chí và
Mậu Dịch Trung ương cung cấp giấy đủ in 2000 số, tuy chúng tôi đã nhiều lần xin
thêm].
Trung ương tổ chức tọa đàm
Về việc Trung ương tổ chức tọa đàm, Võ Hồng Cương, Cục phó cục
Tuyên huấn, trong bài tổng kết "Cuộc đấu tranh giai cấp trên mật trận
văn nghệ hiện nay" (Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58), viết:
"Ngay từ khi chúng xuất bản "Giai phẩm mùa
thu" tập I và Nhân Văn số I, giới văn nghệ sĩ ta đã thấy rõ tính chất phản
động của chúng, nên đã kịp thời phê phán chúng trước dư luận nhân dân. Trung
ương Đảng Lao động Việt nam muốn mở đường cho chúng hối cải, nên tuy rất bận về
công tác sửa sai rất khẩn trương, cũng đã để thì giờ gặp chúng đến ba lần,
để nghe chúng phát biểu thắc mắc nguyện vọng và nghe chúng phê bình sự lãnh đạo
của cán bộ phụ trách văn nghệ của Đảng rồi khuyên bảo chúng những điều nên làm
và những việc nên tránh". (Hồng Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng
6/58, trang 36).
Theo tin trên Nhân Văn số 4 (5/11/56), thì ngày 20/10/56 bắt
đầu cuộc tọa đàm giữa đại diện ban chấp hành Trung ương đảng Lao Động Việt nam
và các ngành văn học nghệ thuật. Ba buổi tọa đàm này được tổ chức những ngày:
20, 21, và tối 23/10/56. Nhân Văn đề cử ba đại biểu đến tham dự.
Như vậy những buổi toạ đàm này không chỉ dành riêng cho Nhân
Văn. Một trong ba người của Nhân Văn đi dự tọa đàm là Trần Dần. Hai người kia
có thể là Lê Đạt và Nguyễn Hữu Đang.
Lê Đạt viết trong bài thú nhận:
"Sau cuộc tọa đàm với Trung ương, tôi viết bài “Hoan
nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần chúng” để gây thanh thế cho báo
Nhân văn. Một mặt khác tôi luôn luôn đả kích chuyên chính vô sản mà tôi cho là
độc tài. Tôi tung ra trong anh em lập luận: “Từ khi về hoà bình mất đối tượng đế
quốc và địa chủ, Đảng chĩa nhầm mũi dùi chuyên chính vào nhân dân.” (Lê Đạt, Thú
nhận)
"Khoảng Nhân văn số 3, tôi được cử đi gặp Trung
ương Đảng. Tôi chuẩn bị kết án sự lãnh đạo văn nghệ trước, và đòi trăm hoa
đua nở. Song mọi người nói cả rồi nên thôi (sau có viết bài đăng báo Nhân
văn). Trước cuộc họp tọa đàm này, Nguyễn Hữu Đang có họp [Nhân Văn] tôi
không dự, nội dung đâu như chuẩn bị ra một số đặc biệt, lợi dụng cuộc tọa đàm với
Trung ương đem mọi lời phát biểu phơi trần ra công khai đánh vào Đảng". (Trần
Dần, Thú nhận).
Theo lời khai trên đây của Trần Dần, thì từ số 3, Trần Dần
không còn "ở ngoài" Nhân Văn (như ông đã khai ở đoạn trên)
mà đã vào trong Nhân Văn, vì được cử đi gặp Trung ương. Trần Dần đến
dự buổi tọa đàm này với mục đích "kết án sự lãnh đạo văn nghệ" và
"đòi hỏi trăm hoa đua nở", nhưng chưa kịp nói thì "mọi người đã
nói cả rồi". Tuy ông không cho biết mọi người là những ai, nhưng
điều này chứng tỏ nhóm NVGP, đối diện với Trung ương Đảng, trong các buổi toạ
đàm tháng 10/56, có vẻ dứt khoát không sợ hãi gì cả. Và đi dự tọa đàm về họ còn
viết hai bài rất mạnh trên Nhân Văn số 4:
- Bài "Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và
báo Trăm Hoa" ký tên Người Quan Sát (có thể là của Nguyễn Hữu Đang)
nêu lên việc Nguyễn Bính bị hành hung vì không đăng bài đả kích Nhân Văn trên
báo Trăm Hoa, và yêu cầu Thủ tướng (Phạm Văn Đồng) lưu ý vụ này.
- Bài "Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ
và quần chúng" ký tên Nhân Văn, do Lê Đạt viết, đề cao hành động của "anh
em văn nghệ đã đứng trong hàng ngũ tiên phong đấu tranh cho tự do dân chủ" và
chỉ trích những kẻ đã gán cho họ cái mũ "phản động".
Về phía Trung ương Đảng, kết quả các buổi toạ đàm được Võ Hồng
Cương đánh giá như sau:
"... Chúng đã cố tình chống đối. Chẳng những chúng đã
không nghe những lời khuyên bảo chân thành đầy thiện ý của Trung ương, mà còn lợi
dụng những buổi gặp gỡ đó để tuyên truyền xuyên tạc, tự đề cao uy tín và tiến
hành hoạt động phá hoại. Chẳng những chúng đã không chịu đứng ở phạm vi đấu
tranh nội bộ về vấn đề văn nghệ mà chúng còn cố tình chuyển sang chống đối về
chính trị công khai và trắng trợn.
Từ Nhân văn số 4 trở đi, tức là sau khi bọn phản cách mạng ở
Hung ga ri được bọn đế quốc giúp đỡ, đã thực hiện được vụ bạo động phản cách mạng
ở Buy-đa-pet, thì chúng đã chuyển hẳn sang chống đối bằng chính trị, kích động
quần chúng biểu tình chống lại Đảng và Chính phủ ta nhân lúc Quốc hội ta đang họp". (Hồng
Cương, Văn Nghệ quân đội, số 6, tháng 6/58, trang 36).
Việc Tọa đàm của Trung ương và việc Trần Duy lên gặp thủ tướng
Phạm Văn Đồng không có kết quả: Nhân Văn số 4 nghiêng hẳn sang đấu tranh chính
trị.
Ngõ quặt chính trị của Nhân văn số 4
Nhân Văn số 4 ra ngày 5/11/1956, Nguyễn Hữu Đang lần đầu
tiên ký tên thật, trong bài xã luận chính Cần phải chính quy hơn nữa, ông
đặt vần đề cần phải xây dựng một nhà nước pháp trị.
Ngoài hai bài Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính
và báo Trăm Hoa, và Hoan nghênh Trung ương Đảng lắng nghe cán bộ và quần
chúng, đã nói ở trên, Trần Duy viết bài Thành thật đấu tranh cho tự
do dân chủ, chỉ trích đảng cố tình đàn áp tờ Nhân Văn. Phùng Cung xuất hiện
với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh. Văn Cao đăng bài Những
ngày báo hiệu mùa xuân. Thanh Châu viết phóng sự Mua hàng mậu dịch.
Những bài chính luận và sáng tác trong Nhân văn số 4 mang
tính cách đấu tranh chính trị, xã hội rất mạnh.
Hoàng Cầm viết trong bản "tự thú":
"Từ sau số 3 Nhân văn, càng ngày tôi càng thấy tờ báo bị
công kích dữ, nhất là sau số 4, Nhân văn bị thi hành kỷ luật, [Nhân Văn bị thi
hành kỷ luật vì số 4, nộp lưu chiểu chậm. Cảnh cáo đầu của chính quyền]. Tôi
bắt đầu chùn và muốn lảng ra, không phải vì tư tưởng chống Đảng đã giảm đi mà
chính là vì sợ, muốn tìm chỗ yên thân, nên tôi lại cố sức đi vận động Trần Duy
đóng cửa báo. - Muốn lảng ra không được, tên Trần Đức Thảo lại thuyết phục,
tôi vẫn bị hút vào, nhưng vẫn chân trong chân ngoài chỉ chực trốn. - Thời kỳ cuối
Nhân văn, cái tính chất “văn dốt, vũ rát” của tôi biểu hiện rất rõ ràng: nghe
ý kiến của Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang nêu ra những “trách nhiệm với
lịch sử” để tiếp tục ra báo, tôi cũng thấy phải - Về gặp Văn Cao, Trần Dần nêu
ra vấn đề “đóng cửa báo, vì tờ báo đang phiêu lưu, dễ bị đánh chết” tôi lại thấy
phải." (Hoàng Cầm, Thú nhận).
Qua lời khai của Hoàng Cầm thì, sau số 4, Hoàng
Cầm, Văn Cao, Trần Dần muốn rút lui, đóng cửa báo; trong khi Nguyễn Hữu
Đang, Trần Đức Thảo và Lê Đạt nhất quyết tiếp tục ra báo trong hướng đấu
tranh chính trị.
Báo Văn Nghệ số 12 với những lời "thú nhận" của
Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần và Phùng Quán
Vai trò hướng dẫn tư tưởng của Trần Đức Thảo, và hướng dẫn
văn bản của Lê Đạt nổi bật trong Nhân Văn số 4.
Trần Dần khai:
"Tới Nhân văn số 4 tôi nhận được giấy triệu tập đến họp
về vấn đề: Báo có chuyển sang chính trị hay không? Trần Duy ký. Địa điểm ở nhà
Trần Duy. Thực ra từ số 1 bọn Đang, Phan Khôi đã đòi làm chính trị và báo
Nhân văn đã đề cập đến vấn đề tự do dân chủ ở mức độ nào đó rồi. Âm mưu
chính trị có từ đó, đến nay nhân thời cơ thế giới, bọn họ muốn đẩy mạnh phần
chính trị lên hòng làm sôi sục tình hình Việt Nam, gây ra những sự biến chính
trị, nếu có thể. Tôi ngửi thấy sự nguy hiểm đó, tuy không rõ. Đến cuộc họp tôi
can họ “sang chính trị sẽ bị bóp chết ngay.” Vẫn chỉ là cái ý thức sợ phong
trào bị tổn thất nặng. Song Trần Đức Thảo (tôi gặp lần đầu) hắn nói: “Văn
nghệ và chính trị không thể tách được, không có tự do dân chủ, làm sao có tự do
sáng tác? Báo nên sang mọi vấn đề chính trị tùy cách mà bàn thôi!” Ý kiến
hắn có poids [có trọng lượng], cuộc họp bị hắn dắt mũi đi.
Tình hình gay gắt lắm rồi, tôi tìm Văn Cao. Văn Cao bảo “nên
vận động đóng cửa báo, anh em đỡ thiệt hại, trên có đánh sẽ bị hẫng! Tôi hoàn
toàn đồng ý. Đi vận động một số người đã ngả rồi, đến cuộc họp có Trường Xuân dự
(bịa tin là Hồ Chủ tịch bảo con dao mổ trâu không đem giết gà) thì anh em lại bị
bọn Trần Duy, Trường Xuân chúng dắt đi."(Trần Dần, Thú nhận).
Lê Đạt trong bài "thú nhận", viết:
"Lúc này tôi vẫn còn ở trong Đảng, nhưng tư tưởng chống
đối trong tôi đã phát triển mạnh.
Tôi còn tán thành và đi nói với anh em quan điểm của Nguyễn Hữu
Đang. Bản thân tôi cũng từng nói “Đảng trị” cho nên trong cuộc họp số 4, Trần Đức
Thảo, Trần Duy đưa ra chủ trương đề cập đến những vấn đề chính trị mạnh hơn nữa
tôi cũng đồng ý". (...)
"Tôi góp ý kiến với Trần Duy trong bài “Thành thật đấu
tranh cho tự do dân chủ” sửa chữa nhiều đoạn:
“Đấu tranh cho tự do dân chủ là một cuộc đấu tranh lâu dài và
gian khổ vì nó là một cuộc tấn công quyết liệt vào những tệ lậu hủ bại của xã hội.
Nó sẽ bị những phần tử tệ lậu và hủ bại hiện đương còn quyền hành và thế lực cản
trở xuyên tạc phá hoại có khi bằng cả những phương pháp đen tối độc ác (chỗ này
tôi ám chỉ các đồng chí lãnh tụ) đấu tranh cho tự do dân chủ không bao giờ chỉ
là một công việc thuần tuý có tính chất quần chúng rộng rãi (...).
Để tấn công quan điểm vô sản chuyên chính của Đảng, tôi vận động
Thanh Châu viết bài "Mậu dịch" và còn dự định vận động Thanh Châu viết
về vấn đề nhà cửa. Tôi góp ý kiến vẽ tranh một người đẽo chân cho vừa giày mậu
dịch (...).
Tôi lại viết "lời toà soạn" cho truyện "Con ngựa
già" của Phùng Cung, đả kích và vu khống lãnh đạo văn nghệ không chú ý đến
các nhà văn trẻ" (Lê Đạt, Thú nhận).
Tóm lại, những cố gắng của Trung ương Đảng về việc tổ chức tọa
đàm và việc gặp riêng Trần Duy, chỉ gây được ít nhiều chia rẽ trong nội bộ Nhân
Văn, nhưng cuối cùng, khuynh hướng đấu tranh chính trị vẫn thắng. Nguyễn Hữu
Đang đặt nền móng đầu tiên cho một nhà nước pháp quyền, trong Nhân Văn số
4, và đến Nhân Văn số 5, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt còn tiến xa hơn nữa.
Nhân văn số 5 ra ngày 20/11/1956 với hai bài xã luận
chính: Hiến pháp Việt nam 1946 và Hiến pháp Trung hoa bảo đảm tự do dân chủ
thế nào? của Nguyễn Hữu Đang, nội dung đề nghị sửa đổi Hiến pháp
1956, hoặc làm một hiến pháp mới, và Bài học Ba Lan và Hung ga
ry ký tên Người Quan Sát, do Lê Đạt viết, ngụ ý nếu chính quyền không
chịu cải tổ chính trị thì miền Bắc Việt Nam sẽ trở thành một Ba Lan, một
Hung ga ri.
Lê Đạt viết trong bài "Thú nhận":
"Tôi đồng ý với Nguyễn Hữu Đang đề cập đến vấn đề Hiến
pháp để làm áp lực chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp sắp đem bàn ở Quốc hội
(...)
"Trên thế giới lúc đó xẩy ra hai sự kiện: Vụ
Poznan và vụ Hung-ga-ri. Lúc đó tôi rất bất mãn với nhận định của Đảng về vấn đề
Hung-ga-ri mà tôi cho là “đổ tất cả cho địch” đồng thời đề ra khẩu hiệu tăng cường
chuyên chính. Tôi viết bài “Bài học Ba lan,
Hung-ga-ri” để làm áp lực đấu tranh với quan điểm đó
(...)
Quan điểm của Trần Dần trong bài “Phải để cho trăm hoa đua nở” [Tức
là bài "Không có lý gì mà không tán thành trăm hoa đua nở" ký
tên H.L, trên NV số 5] cũng là quan điểm của tôi và Trần Dần thường bàn chủ
trương “Đảng không thể quyết định, quần chúng mới là trọng tài tối cao.”(Lê Đạt,
Thú nhận).
Nhân Văn số 6
Về Nhân Văn số 6, Trần Duy cho biết:
"Xong số 3 thì tôi chuẩn bị mấy số sau, tôi chuẩn bị cái
affiche về Ba Lan thì chính tôi lên tiếp xúc với sứ quán Ba Lan, họ cho tôi tất
cả tài liệu, affiche, tranh ảnh về Ba Lan và tôi đang định làm số đó. Nhưng sau
vụ tôi lên gặp ông Đồng ấy, thì ông Đang ông đùng đùng ông tự động thay đổi. Lê
Đạt cũng bảo cái chuyện mà Đang lên nhà in tự động thay đổi nội dung rất là
nguy hiểm. Thì rồi xẩy ra việc mà bên công an can thiệp, nhưng không can thiệp
đến ban biên tập, không can thiệp đến người, chỉ đình số báo lại và không cho
phát hành. Nếu số báo ấy ra thì chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Tất cả số
báo đó tôi hoàn toàn không biết"
(Trần Duy trả lời RFI).
Lê Đạt viết trong lời thú nhận:
"Đến số 6, Đang mượn được một số France Observateur, bàn
nên ra một số đặc biệt về Ba lan. Tôi rất tán thành cho rằng Đảng ta hay bưng
bít tài liệu bây giờ đấu tranh bằng cách trình bày những tài liệu nước ngoài
tác dụng rất tốt mà Đảng có muốn phê bình cũng không làm gì được. Đây cũng là một
chiến thuật tốt để tấn công Đảng."
Bài vở số này do Đang và Trần Duy sắp xếp. Về bài xã luận của
Nguyễn Hữu Đang tôi cũng xem cũng như những bài xã luận mấy số 4, 5 trước khi
Nguyễn Hữu Đang đưa in. Đọc đến chỗ “nhân dân có quyền biểu tình”, tôi hỏi.
Nguyễn Hữu Đang trả lời “Báo Nhân dân đã khoẻ chửi, đánh cho một đòn như thế là
chịu”. [Chỗ này chắc Nguyễn Hữu Đang chơi chữ: Lê Đạt hỏi nhân dân,
Nguyễn Hữu Đang trả lời Nhân Dân]
Lúc đó tất cả tâm trí tôi chỉ lo đối phó với các báo của
Đảng, nên đồng tình. Trong lúc đương in số 6, thì phong trào phản đối lên mạnh.
Tôi muốn đóng cửa. Nhưng trong cuộc họp chủ trương tiếp tục, Trần Đức Thảo
và Trường Xuân, Phan Khôi thắng thế. Nhưng kết quả báo cũng bị đóng cửa.
Tôi ngại Chi bộ thi hành kỷ luật và cũng hoang mang, ngại sự phẫn nộ của quần
chúng không biết làm thế nào nên lánh mặt và không gặp anh em nữa".
"Đôi lúc tôi có nghĩ “Giá có biểu tình để Trung ương
thay đổi đường lối thì tốt”. Nhưng lại lo không muốn biểu tình xảy ra vì nếu có
“một là tôi sẽ bị bắt vào Hoả lò, hai là trong lúc hỗn quân hỗn quan sẽ bị treo
cổ”.
"Giữa tôi và Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là khác
nhau về lập trường chống đối mà chính chỉ khác nhau về phương pháp mà
thôi." (Lê Đạt, "Thú nhận")
Như vậy, trong những ngày cuối cùng của Nhân Văn: Trần Đức
Thảo và Phan Khôi vẫn là những kiện tướng, Trường Xuân không rõ là
ai.
Ngày 09/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh: Báo chí phải
"phục vụ công nông binh", phục vụ nền "chuyên chính vô sản".
Phạt tù 5 năm đến khổ sai chung thân kẻ nào vi phạm những cấm điều.
Theo Hoàng Văn Chí, những điều khoản trong sắc lệnh 15/12/56
đã được ban bố từ tháng 10/54, sau khi tiếp thu Hà Nội. Nhưng lúc đó báo chí phần
lớn đều là của Đảng, nên những cấm điều chỉ "giao hẹn mồm"
mà vẫn được áp dụng triệt để:
- Không được chống chính phủ, chống chế độ.
- Không được xúi dục nhân dân làm loạn.
- Không được nói xấu các nước bạn.
- Không được tiết lộ bí mật quân sự.
- Không được đăng bài vở có phương hại đến thuần phong mỹ tục.
(THĐNTĐB, trang 31).
Nhưng từ khi Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện, những tờ báo
"đối lập" này không tuân thủ những cấm điều nữa: Nội dung bài vở chuyển
tải rõ ràng ý chống Đảng, chống chế độ.
15/12/1956, Nhân Văn số 6 đang in, bị chận lại và bị thu hồi.
Chúng ta vừa nhìn lại quá trình hình thành và một số sự kiện
xẩy ra trong nội bộ báo Nhân Văn. Rất tiếc là điều kiện tư liệu hiện nay
chưa thể soi tỏ những gì xẩy ra trong nội bộ Giai Phẩm. Nhưng qua những chứng
nhân, đặc biệt của Lê Đạt trong phần Thú nhận, ông cho biết rõ sự thực về
hậu trường Nhân Văn; về sự tranh đấu cũng như óc chia rẽ, phân hoá trong mỗi
con người, trước hoàn cảnh lịch sử.
Về mặt văn bản, Nhân Văn, với những bài viết của Nguyễn
Hữu Đang, Lê Đạt... mở mặt trận đấu tranh chính trị. Giai Phẩm với
những bài của Trương Tửu, Trần Đức Thảo... mở mặt trận tư tưởng. Phan Khôi như
một vị thủ lĩnh tinh thần của hai tờ báo.
Toàn bộ Nhân Văn Giai Phẩm là một kết hợp chặt chẽ giữa văn
nghệ sĩ và trí thức trong cuộc đấu tranh cho tự do sáng tác và tự
do dân chủ. Hai hình thái đấu tranh này đi đôi với nhau, không thể tách rời,
như lời Trần Đức Thảo: "Văn nghệ và chính trị không thể tách được,
không có tự do dân chủ, làm sao có tự do sáng tác?".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét