Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Hình tượng con rùa trong văn hóa dân gian Nam bộ

Hình tượng con rùa 
trong văn hóa dân gian Nam bộ
1. Rùa ở vùng Tây Nam Bộ
Chiều chiều én lượn liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây
Cảnh tượng hoang vu của vùng đất Tây Nam Bộ ngày đầu mở cõi in đậm trong tâm thức của người bình dân qua câu ca dao ấy. Dõi theo bước chân của họ là những làng mạc, chợ búa dần dần mọc lên, mồ hôi họ đã đổ xuống, những cánh đồng lúa xanh rờn cò bay thẳng cánh đã thành hình. Câu hò, điệu lý văng vẳng cất lên khi trăng thanh gió mát theo nhịp chày đôi, chày ba bên cối gạo, gánh nước. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được khảo sát một số nét về hình tượng con Rùa trong môi trường văn hóa mang đậm dấu ấn sông nước, kênh rạch miền quê!
Theo khái niệm của ngành sinh vật học thì rùa là loài bò sát cổ. Cơ thể ẩn trong bộ giáp xương hợp thành mai và yếm. Mai và yếm phủ nhiều tấm sừng. Có khoảng 200 loài rùa khác nhau. Ở Việt Nam có 29 loài. Ở miền Tây Nam Bộ có hai loại chính là rùa ba gờ và rùa đất lớn.
Rùa ba gờ còn có tên là rùa nước, rùa cỏ, loại này chỉ sống ở Nam Bộ. Mai rùa dài từ 17-21cm, màu nâu sáng hoặc sẫm, rìa mai có màu vàng sáng. Trên lưng có 3 gờ, trên gờ nổi những u nhỏ. Yếm màu vàng hoặc màu kem có những đốm đen hoặc nâu sẫm. Đầu có sọc vàng và một đốm trắng ngay sau ổ mắt. Chúng sống ở các ao đầm, mương, đìa nơi có đáy mềm và nước chảy chậm, ăn các loài thuỷ sinh như cua, cá, tôm,… Rùa đẻ trứng từ tháng chạp đến tháng giêng,…
Rùa đất lớn cũng giống như rùa ba gờ, có đều chúng lớn hơn có thể dài đến 40cm.
2. Rùa trong văn hóa ẩm thực
Rùa có mặt hầu khắp các vùng hoang vu, lau sậy, năng lát,… Bắt rùa cũng không phải quá khó. Có khi đi rừng, đi ruộng, thấy rùa bò, nhanh tay đè nó xuống đất rồi lượm bỏ vô rổ, giỏ mang theo,… Rùa cũng thường “chạy” lọp, khi “thăm” một cái lọp có khi được tới hai ba chú rùa đất, yếm vàng tươi.
Thịt rùa vừa ngon miệng, vừa nên thuốc. Theo đông y, thịt rùa có vị ngọt, tính bình, tác dụng tư âm giáng hỏa, bổ huyết, kiện cường gân cốt. Vì thế, người miệt đồng bằng đa phần thích thịt… rùa!
Có nhiều món được làm từ thịt rùa, có món để nguyên con, có món phải làm “lông”. Đây là cách nói của dân gian chỉ công đoạn làm rùa cho sạch để lấy thịt, chứ rùa làm gì có… lông! Thế nhưng người ta vẫn gọi vậy.
2.1. Cách làm lông
Cắt cổ rùa lấy huyết, công việc này hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt, không khéo bị rùa cắn thì trời gầm nó cũng không nhả, huyết rùa được hứng vào chén. Dùng huyết này pha với rượu đế, rượu này rất bổ, tốt cho sức khoẻ, người sành ăn nhậu không bao giờ bỏ qua.
Rùa cắt cổ hoặc để sống nguyên con (vì không cắt cổ được) trụng vào nước sôi chừng vài phút, vớt ra lấy rùa ra, dùng dao chẻ mai, cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Trứng rùa ngọt và bùi hơn trứng gà, gan, mật là thứ tuyệt hảo, thường được dành cho bậc trượng thượng. Riêng phần ruột rùa dân gian thường bỏ đi bởi rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên ăn ruột rùa, dễ bị trúng độc.
2.2. Các món ăn từ thịt rùa
2.2.1. Rùa rang muối
Rùa rang muối phải dùng nồi đất vì dùng nồi nhôm hay gan, thau không đúng cách có thể gây ngộ độc bởi chất “teng” của nó, chất mặn của muối sẽ làm hư, lủng các vật dụng bằng kim loại. Cho vào nồi đất một lớp dầy muối hột, (không dùng muối bọt vì độ nóng và nổ ít). Sau đó, để nguyên rùa sống vào (có nơi cho rùa vào trụng nước sôi cho rùa chết, vớt ra, chặt chỗ giáp giữa yếm và mai cho máu chảy ra rồi mới bỏ vào rang), đậy thật kín, giữ độ nóng không thoát ra ngoài, để rùa mau chín.
Nếu rùa được cắt cổ lấy huyết thì rang muối xong thịt rùa sẽ trắng như thịt gà, nhìn rất đẹp. Còn để nguyên con rùa còn sống vô nồi muối thì khi chín thịt rùa sẽ có màu đỏ bầm, nhìn không đẹp mắt, nhưng ăn thịt bổ hơn.
Đợi muối trong nồi nổ hết, chờ thêm chút nữa cho rùa thật chín, nhắc xuống. Đem con rùa ra khỏi nồi, để trên một cái dĩa lớn, một tay dùng cái khăn giữ chặt, một tay cầm dao nhỏ sắc và cứng tách cái yếm ra trước. Người có kinh nghiệm phải luôn tay thoăn thoắt lên xuống để xé thịt rùa, thịt rùa để nguội, hơi tanh, ăn mất hứng thú. Thịt rùa rang muối ăn kèm với khế, chuối chát, rau rừng các loại.
Nước mắm ăn thịt rùa, bắt buộc là phải nước mắm me mới là người sành điệu. Me chín tách hột ra cho vào tô, chén, đổ nước chín để nguội vào. Dầm me lấy nước chua, có thể để luôn cả xác me hoặc bỏ đi tùy theo ý thích của mỗi người. Rót nước mắm nhỉ vào khuấy đều cho thêm tỏi, ớt đâm nhuyễn, đường cát trắng hoặc một ít bột ngọt. Nước mắm me ăn rùa mà quên món sả phi vàng là một điều thiếu sót vì nó sẽ làm giảm cái ngon của nghệ thuật ẩm thực.
2.2.2. Rùa xé phay
Món rùa xé phay thì chỉ cần nướng rùa trên bếp lửa cho chín, đem ra gỡ lấy thịt. Để thịt nguội, xé ra từng miếng vừa ăn, bỏ vào tô lớn. Nêm ít muối, nước mắm, tiêu, đường, bột nêm, dưa kiệu xắt lát, củ hành tím xắt nhỏ, giấm, ớt trộn đều cho thịt thấm gia vị. Cuối cùng, rắc ít đậu phộng rang đã giã giập, rau răm xắt nhỏ, trộn đều. Múc ra đĩa lớn, rưới ít dầu ăn (hoặc mỡ) xào hành tím, rắc thêm đậu phộng, rau răm lên trên. Ăn nguội kèm với bánh phồng tôm chiên. Món ăn này có vị béo, đậm đà, thơm mùi thịt rùa, rau răm, có hương vị ngọt dịu, vị chua cay, ...
2.2.3. Cháo rùa
Chọn gạo tẻ loại ngon, một ít đậu xanh cà, vo sạch nấu cháo cho nhừ (có nơi người ta rang gạo cho vàng thơm, trước khi nấu).
Thịt rùa đã làm “lông”, xắt thành miếng vừa ăn, ướp sơ qua với rượu trắng (để khử mùi tanh), bắc chảo nấu phi tỏi mỡ cho thơm, đổ thịt rùa vào xào xăn đều. Nêm nếm thịt rùa vừa ăn rồi đổ qua nồi cháo đang sôi. Đợi thịt rùa mềm, nêm lại lần nữa, nhắc nồi cháo xuống ăn nóng, với gừng xắt chỉ, ớt, nước mắm me,…
2.2.4. Rượu huyết rùa
Như chúng tôi đã nói ở trên khi cắt cổ rùa, người ta lấy huyết pha rượu uống cho “mau tiêu” bởi rùa có vị “hàn”, cần phải có chất nóng của rượu để lưu thông huyết quản, mà rượu pha huyết rùa thì càng hảo hạng.
3. Rùa trong lịch sử, địa danh, giai thoại và truyện dân gian
Chúng tôi xem văn hoá miền Tây Nam Bộ này vừa chịu ảnh hưởng, vừa có sự tiếp biến của văn hoá các vùng miền khác trên đất nước Việt Namthân yêu. Với quan niệm như vậy, chúng tôi xin được điểm qua những sự kiện lịch sử vốn đã gắn liền với những truyền thuyết dân gian. Ở đó, con rùa xuất hiện như một sức mạnh huyền diệu ủng hộ công cuộc dựng và giữ nước của dân tộc ta.
Theo Lĩnh Nam chích quái, Thần Kim Qui xuất hiện giúp An Dương Vương xây dựng Loa Thanh, sau đó Rùa Vàng còn tặng cho vua chiếc móng để làm lẫy nỏ thần. Khi An Dương Vương mất cảnh giác phải chịu cảnh vong gia thất quốc, chính Rùa Vàng đã hiện lên đưa nhà vua xuống biển sâu!
Thế kỷ XV, trong không khí khải hoàn mừng đất nước sạch bóng xâm lăng, một hôm vua Lê Thái Tổ ngự thuyền rồng dạo hồ Lục Thuỷ, vua gặp Thần Quy hiện lên “đòi” lại gươm thần, chiếc gươm đã được Long Quân cho vua “mượn” dẹp giặc Minh trước đó. Nhà vua rút gươm ra, Thần Quy đón lấy rồi lặn mất. Từ đó, vua truyền đặt tên hồ là Hoàn Kiếm (Hồ Gươm).
Trong số những địa danh liên quan đến con vật này, ở thủ đô nghìn năm văn hiến còn có Tháp Rùa. Tháp xây trên gò Rùa nơi xưa từ thời vua Lê Thánh Tông đã dựng Điếu Đài ở đó để nhà vua ra câu cá.
Tháp Rùa ngày nay xây trên gò Rùa, tính từ nền đất gò Rùa lên tới đỉnh tháp là 8,8 mét, xét về lịch sử thì không có gì vẻ vang, không có giá trị kiến trúc nhưng đã trở thành một biểu trưng của hồ Gươm và hơn thế của cả Hà Nội.
Ở thành phố mang tên Bác, dân gian gọi chỗ có vòng xoay giao thông, đài phun nước, nối ba đường: Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân, nằm quận Một là hồ Con Rùa! Địa danh này có hẳn một giai thoại gắn liền với chính quyền Sài Gòn trước đây. Xem ra nó không có giá trị văn hóa nên không dẫn lại, tránh rườm rà!
Trong khuôn viên trường Đại học Cần Thơ có Hội trường Lớn còn được gọi là Hội trường Rùa. Xuất xứ của tên gọi này có hai lý do. Một là, do hình dáng của mái hội trường này trông xa xa giống như con rùa. Hai là, sinh viên ở trường truyền rằng lúc xây phải mất đến mấy năm mới khánh thành, gọi hội trường Rùa với hàm ý chỉ sự thi công chậm chạp như… rùa bò!
Câu chuyện ngụ ngôn Rùa Thỏ chạy thi của Ê-dôp tận xứ trời Tây lại luôn có mặt trong sách giáo khoa dành cho tiểu học bao thế hệ. Rồi nhân lúc trà dư tửu hậu, các nhóm đàn ca tài tử (loại hình nghệ thuật phổ biến ở đây) thường ca bản bình bán vắn mà nội dung cũng là câu chuyện ấy. Vì thế, mà hầu như người bình dân nào cũng biết, cũng kể cho con cháu nghe chuyện Rùa - Thỏ, với ngụ ý: Thỏ có tài nhưng lại biếng lười/ Sao bằng rùa chậm lục nhưng siêng/ Thấy như vậy các trò nên nghĩ lại: Sáng trí mà ỷ tài biếng học/ Sao bằng tối nhưng cần mẫn siêng năng. Sách kia có để câu rằng: Sắt kia ráng giũa ráng mài/ Có ngày nên kim bởi có chí thì nên.
Trước khi thực hiện đề tài này, người viết may mắn được các bậc cao niên người dân tộc Khmer vùng Lục Tà Tham xã Vĩnh Quới huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) kể cho nghe Sự tích con Rùa. Xin được lược ghi để bạn đọc gần xa tường lãm. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở một vùng đất còn hoang sơ, có một tên nhà giàu đến cặm ranh đất cho người nghèo thuê mướn. Trong vùng có một em bé mô côi không cha mẹ đến xin ở đợ nhà tên địa chủ. Ngày ăn mót cơm nguội chăn trâu, cắt lúa, gánh nước,…, tối phải ra ngủ chuồng trâu, chuồng heo của nhà giàu. Em bé càng trở nên xanh xao, ghẻ lở mọc đầy người, mùi hôi hám nồng nặc. Khi chăn trâu trên đồng không ai dám chơi chung. Một hôm, tình cờ có một vị lục đi khất thực ngang qua. Em bé đem luôn vắt cơm mang theo để cúng chùa. Vị lục ấy hỏi qua cớ sự, em bé kể lại cho nhà sư nghe. Nghe xong, nhà sư lấy ra chiếc áo ca sa đã cũ cho em, và dặn:
- Con về mặc chiếc áo này lúc ngủ, con sẽ hết bệnh, trở thành chàng trai hùng mạnh, giúp ích cho bà con phum sóc.
Theo lời sư dặn, chú bé ngày một vạm vỡ, khoẻ khoắn. Lấy làm lạ, tên chủ nhà kêu em đến hỏi cớ sự. Chú bé ở đợ thật tình kể lại chuyện đã diễn ra.
Tên chủ nhà không khỏi ngạc nhiên bởi điều kỳ diệu đó, miệng nó luôn lẩm bẩm:
- Quái lạ, chiếc áo cà sa vá chằng vá đụp, mà sao lại có thể làm cho thằng bé khoẻ mạnh, đẹp trai như thế không biết! Không khéo đuổi nó sớm mai mốt nó giành giựt hết gia sản của ta!
Không nén được sự tò mò, hắn nài nỉ mượn chiếc áo của lục. Em bé thật thà cho mượn áo.
Đêm ấy, tên nhà giàu bận áo trước khi đi ngủ.
- Rồi ta sẽ trẻ lại thành một chàng trai,… Ha ha!
Thật lạ lùng, sáng hôm sau, không ai còn thấy hắn ở đâu nữa. Kỳ diệu hơn, dưới mương nước quanh nhà nó, người ta thấy có một loài vật mang trên mình chiếc mai như hình chiếc áo của nhà sư đã cho chú bé chăn trâu bữa trước. Cả một gia tài của tên địa chủ giờ đây đã thuộc về chú bé. Em đem phân phát cho dân nghèo. Một phần em đem cúng để chùa sửa sang lại chánh điện.
Nhân dân trong vùng gọi con vật nặng nề chậm chạp ấy là con rùa. Họ còn giải thích thêm: Sở dĩ nó phải mang kiếp đọa đày nặng nề như vậy để cho nó thấm thía những gì nó đã gieo rắc đau khổ cho người dân hiền lành, vô tội.
Từ đó, rùa có mặt ở chùa chiền cũng chỉ để đội hạc mà thôi.
Miệt Cà Mau - Bạc Liêu, có truyện Chiếc tàu rùa, Bác Ba Phi vui miệng kể rằng: Mùa khô năm đó, túng tiền xài, tui mới nghĩ ra một cách bắt rùa để chở ra chợ Sông Đốc bán. Ra dượng tư nó, tôi mượn một chiếc ghe cà vom chở chừng năm trăm giạ lúa, chống vô Lung Tràm đậu cặp mé phía dưới gió, cặm sào hai đầu cho thật chắc. Xong xuôi, tui nổi lửa đốt một hàng dài... Độ chừng hút tàn điếu thuốc, tôi đã thấy rùa bắt đầu bò xuống lai rai. Một lúc, gió thổi mạnh lên, lửa cháy nà tới, từng tốp rùa hoảng hồn bỏ chạy. Rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém... dồn tới từng bầy kéo xuống ghe. Giống rùa là chúa sợ lửa, chúng chạy bằng ba chân, còn một chân trước đưa lên che mặt. Con nào cũng chảy nước mắt, nước mũi choàm ngoàm.
Thấy chúng tràn xuống quá sá, tui ngồi gần đầu cây đòn dày, coi con nào lớn thì cho đi, con nào nhỏ thì cứ bạt tay một cái là lọt xuống sông. Một hồi, rùa xuống đầy ghe. Tui nhổ sào, rút đòn dày, dông luôn ra chợ. Nhưng khổ nỗi số rùa nhỏ bị rớt xuống nước cứ bấu theo be ghe kết thành bè, một tay chúng vịn vào be ghe, còn ba chân cứ đạp nước, theo trớn ghe đi tới. Chiếc ghe bị rùa đẩy chạy tới ào ào. Tui thấy vậy, cười khà, ngồi phía sau kềm lái, mở gói thuốc ra hút phì phèo.
Ra gần tới chợ Sông Đốc, tui bỗng nghe mấy người đàn bà bên kia sông la chói lói: Xuồng chở lúa, khẳm lắm. Tàu làm ơn tốp máy lại chút nghen!
Tui ngồi lắc đầu chịu chết, khoát tay: Mấy bà con cảm phiền ép xuồng sát vào bờ giùm chút đi! Tui tốp máy không được: Chiếc tàu rùa ...
Ngoài chức năng giải trí, qua câu chuyện dân gian còn muốn ca ngợi sự phong phú, giàu có mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất: Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma!
4. Rùa trong nhận thức dân gian
Về mặt sinh học, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc. Nó có thể nhịn ăn uống mà vẫn sống trong một thời gian dài. Rùa không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là một con vật thanh cao, thoát tục. Trên bàn thờ ở các đền chùa, miếu mạo, chúng ta thường thấy rùa đội hạc trong hương trầm thơm ngát và thanh tịnh.
Theo dân gian thì rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Khi trời mưa lũ, nước ngập úng cả một vùng rộng lớn, rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, hạc lại giúp đưa rùa đến vùng có nước. Từ đó, hình ảnh rùa và hạc luôn khắng khít bên nhau, nó tượng trưng cho sự trường tồn, lòng chung thuỷ và sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Thương thay cho phận con rùa
Ở đình đội hạc, ở chùa đội bia
Trong tứ linh, rùa đứng hàng thứ ba, sau Rồng (Long), Kỳ Lân (Lân) và trước chim Phượng hoàng (Phụng). Rùa, hay Quy là biểu tượng của sự cao quý, là chủ nguồn nước (rùa phun nước thiêng), là một linh vật của đất Phật. Theo tín ngưỡng dân gian quy là con vật sống rất lâu năm, chuyên ăn rau cỏ, nhiều khi không ăn, chỉ hớp sương mà sống và lớn lên. Quy sống trên 5000 năm thì gọi là Thần Quy. Quy sống trên 10.000 năm được gọi là Linh Quy. Rừng nào có Thần Quy ở thì rừng ấy không có cây cỏ độc hại, không có các loài thú độc như: rắn, rít, hổ, beo, v.v…
Dân gian miệt đồng bằng còn kể cho nhau nghe chuyện có một con rùa lớn, người ta để chặt nó vào một cái chảng "chẻ hai" của một thân cây, mình để nghiêng bốn chân bơi trong không khí, không ăn được bất cứ loại lá cây nào chỉ thở hít không khí mà nó có thể sống nhiều năm và còn lớn lên thêm.
Chuyện khác kể về người nông dân nọ bắt được con rùa mai vàng, không nỡ ăn thịt, bèn khắc tên tuổi, ngày giờ lên trên mai rùa để làm dấu, rồi đem rùa thả đi. Đúng ngày đó, năm sau rùa lại tìm về, … Rùa luôn nhớ ơn người đã phóng sinh nó!
Vùng Ngã Bảy (Phụng Hiệp), Hậu Giang, những người lớn tuổi kể trong những năm tháng chống Mỹ, có lần cả một trung đội cộng hòa đi càn. Tên trung uý dẫn đầu thấy có con rùa vàng bò ngang đường. Cấp dưới báo lại rằng gặp con vật thiêng cản đường, nên quay về là hơn. Tên trung úy nọ chẳng những không nghe còn giơ súng bắn rùa chết tươi. Hành quân thêm chưa đầy chục thước, cả trung đội lọt vào trận địa mai phục của bộ đội ta. Dân gian nói ai dám cãi mệnh trời tất chuốc lấy quả báo!
Ở nhà quê người ta rất quý cái yếm rùa vàng. Nó có thể để dùng làm thuốc cao, hoặc mài cái yếm hòa vào nước uống trị bịnh ban.
Yếm rùa vàng được xỏ lỗ treo trước cửa nhà gọi là "ếm" trừ tà ma.
Cái mu rùa, người tin dị đoan dùng để đoán kiết tường, tốt xấu. Người làm nghề thầy bói ngày trước thường được gọi là những người sờ mu rùa là vì lẽ ấy!
Trong dân gian cũng để lại những kinh nghiệm liên quan đến thịt rùa
Dùng thịt rùa kết hợp với nhiều vị thuốc bắc tạo nên những vị thuốc để bồi dưỡng cho phụ nữ suy nhược sau khi sinh, sa tử cung, trẻ em hư yếu gầy còm, đàn ông suy nhược sinh dục, ho ra máu, gân cốt đau nhức.
Dùng đầu rùa, chữa lòi dom cho cả trẻ con và người lớn, chữa sa tử cung của phụ nữ.
Dùng chân rùa chữa đau mắt đỏ. Gan rùa, nấu chín ăn chữa chảy máu đường ruột, trĩ.
Thịt rùa kỵ rau kinh giới, ăn hai thứ này cùng nhau sẽ sinh ra kiết lỵ khó lòng trị khỏi.
Những người có thể trạng hư hàn, thường đi tiêu lỏng không nên ăn thịt rùa.
Nhiều người cữ không ăn thịt con vật hiền lành này. Một phần họ tội nghiệp cho rùa suốt đời mang chiếc mai nặng trũi, một phần họ tin rằng rùa là vật linh để thờ chứ không phải là vật để ăn thịt.
5. Rùa trong thơ ca dân gian
Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, thành tố “rùa” xuất hiện với hàm ý chỉ sự chậm chạp. “Chậm như rùa”, “làm như rùa bò”, “húp cháo rùa” … là những minh chứng cho nhận định vừa nêu.
Đi liền với sự chậm chạp, trong ca dao hình ảnh con rùa xuất hiện như những ẩn dụ chỉ sự không may mắn, không thành công trong cuộc sống.
Chèo ghe xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi
Rùa đã chậm chạp, bắt rùa còn để rùa bơi,… thì thật là… cùng đường sống, hết phương để nói rồi!
Trong nhận thức, cùng một sự vật hiện tượng, nhưng do ý chủ quan, anh khen anh phải, chú nói chú hay, thì cũng không biết chuyện sẽ đi đến đâu, chẳng vậy mà dân gian cảnh báo:
Đầu gành có con ba ba
Kẻ kêu con trạnh kẻ la con rùa
Ba ba cùng họ với rùa, nhưng chắc chắn không phải là con rùa đối với kẻ có mắt tinh đời vậy!
Nhận thức được những tác hại khôn lường của vấn đề vừa nêu, cũng từ hình ảnh con rùa, người ta nhắc nhau rằng:
Hãy cho bền chí câu cua
Dù ai câu chạch, câu rùa mặc ai
Mượn hình ảnh con rùa để ví với thân phận của những kẻ thấp cổ bé miệng hay kẻ lỡ làng tình duyên ngang trái, chẳng ai đoái hoài, có kêu trời, trời cũng không thấu, tình cảnh ấy thật thảm thương:
Thân ai khổ như thân rùa
Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia
Thân ai khổ như anh kia
Ngày đi cuốc bãi, tối về nằm suông
Ở góc độ khác, xin dẫn một câu đố dùng yếu tố tục để giảng thanh. Miêu tả sinh thực khí và hành động ái ân nam - nữ để gợi đến hình tượng… con rùa:
Lù lù như mu l... chị
Lị xị như đầu c... tôi
Ngày ngày đi khắp mọi nơi
Đến đêm lại chui vào mu l... chị
Cuối cùng là câu ca dao mới xuất hiện trong vài chục năm trở lại đây, nó phản ánh một thực tế ở miền quê, khi mà đời sống kinh tế đã thay đổi, tệ nạn cũng xuất hiện. Lời một anh chàng quá quắc nào đấy, ngõ lời trơ trẽn như sau:
Trăng lên đến đỉnh mu rùa
Cho anh một cái đến mùa anh trả khoai
Thật lòng, người viết rất băn khoăn không muốn dẫn ra, nhưng dù thế nào câu ca ấy vẫn tồn tại, nên ngõ hầu xem nó như mặt trái trong biểu hiện của đời sống văn hóa tinh thần đất Chín Rồng mà thôi!.
6. Kết luận
Rùa là loài động vật hoang dã sinh tồn trong tự nhiên, đặc biệt là chúng sống phổ biến ở những vùng bùn lầy, đồng chua, nước mặn. Rùa không có mặt trong nhóm nhất điểu nhì ngư tam xà tứ tượng, vốn là những loài động vật được sùng bái hàng đầu đối với những cư dân nông nghiệp, nhưng rùa lại có mặt trong bộ tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng. Rùa có mặt trong đình, chùa, và các di tích thể hiện tâm linh của người Việt Nam.
Với dáng hình chậm chạp, nặng nề bởi phải mang trên mình chiếc mai lớn, con rùa hiền lành lại là món ăn ngon có giá trị bổ dưỡng, nhiều phương thuốc đông y quý hiếm, được bào chế từ thịt rùa, gan rùa,… Ngày nay, rùa bị săn bắt quá mức đang tiến dần đến nguy cơ tuyệt chủng. Con người cần có phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ loài động vật thân tình, quen thuộc mà cũng… linh thiêng này!
Ca dao dân ca, thành ngữ, tục ngữ mang hình tượng con rùa cũng đã ít nhiều góp phần bộc lộ tính cách và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người bình dân.
Có thể khẳng định không quá rằng con rùa đã trở thành hình tượng trong nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và người dân vùng sông nước Tây Nam Bộ nói riêng.
Trần Minh Thương
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố

Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố Cảm thức thời gian trong thơ Trần Hoàng Phố không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ nhân loại. ...