Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Trên đường rong ruổi

Trên đường rong ruổi

Cây ta thích trồng
Từ hồi còn nhỏ, ta nhớ cây cối quanh nhà không có nhiều. Xóm bình dân, có vài nhà khá giả trồng cây cảnh nhưng không mấy khi được vào nhà họ để xem.
Nhà ta có một chút xíu đất trước nhà để mấy chậu cây, hoặc chỉ là một cái thau nhựa làm chậu. Trong đó, mẹ ta trồng cây lá cẩm, tần dày lá mà ta gọi là lá cầm máu. Ba ta trồng một cây lá xanh đậm gọi là cây kiến cò.
Bao nhiêu năm rồi sao khi nghĩ về những cây cỏ bình thường như vậy, ta vẫn thấy có cảm giác nao nao. Đối với đứa trẻ bảy tuổi, lá tần thơm dịu mùi chanh, dày dặn, mọng nước. Chị ta dùng những cái lá thơm tho đó, rửa sạch giã nhỏ, đắp vào vết thương đầu gối khi ta té ngã. Mẹ ta thường nấu cho các con một nồi xôi thơm dẻo màu tím ngăn ngắt chắt từ lá cẩm tím.
Cây kiến cò, lá thuôn dài, là một loại cây nhỏ. Mỗi đêm, những bông hoa rất giống con cò, con hạc màu trắng nổi bật trên nền lá xanh thẫm trong bóng tối. Dưới ánh trăng, ta mải mê nhìn bầy hạc trắng mà thấy mình lạc vào một thế giới huyền hoặc nào đó tự xa xưa, có bầy hạc trắng tụ về cây cổ thụ tán chuyện thiên đình.
Ta nhớ hàng rào bông bụp quanh nhà anh rể thứ sáu sống cùng xóm. Lá chúng xanh đậm, hoa đỏ thắm. Sau nhà anh là hàng rào sắt có leo dây mồng tơi. Ở đó ta thơ thẩn hái trái chín tím về ép mực. Mực nhợt nhạt, không bằng thứ mực pha bằng những viên mực vuông óng ánh màu xanh lá cây mua ở trước cổng trường. Dưới hàng rào mồng tơi là đám lá cách xanh mát, có hoa trắng thuôn dài. Vò lá trong tay có một mùi thơm thanh sạch tỏa ra...
Những cây mận, cây ổi gần nhà hay cây táo gai trồng trước nhà là loại cây ăn được, nhưng không phải là loại ta quyến luyến đến mức mong có bên nhà. Ta mơ ước nhà đủ rộng có sân, có vườn được rào quanh bằng bông bụp, mồng tơi như đã thấy hồi xưa.
Nhưng nếu được miếng đất, trồng chung quanh hàng rào bằng những loài cây đó ta có đủ vui không? Đó là niềm yêu thích tuổi nhỏ, gắn với những kỷ niệm hồi nhỏ, khi lòng còn thơ ngây và phơi phới yêu cuộc sống này. Sẽ phải lo ngay ngáy vì không ngăn được ai bằng cái hàng rào bằng cây mảnh dẻ ấy. Thời thế đã thay đổi lâu rồi. Không phải là bốn mươi năm trước nữa.
Ta thích có cây mai tứ quý trong sân. Cây mai quê mùa, hoa nở quanh năm loại bông vàng nhỏ năm cánh. Hoa rụng là đến đài bông màu đỏ xòe ra như cánh hoa. Ta sẽ lặt lá mỗi rằm tháng chạp như ba ta khi xưa, đến khi nào còn sức và con ta sẽ làm tiếp chuyện đó. Ta muốn hai con trai, Thuyên và Chương có chút kỷ niệm về chuyện này.
Ta thích một chậu mai chiếu thủy. Bông trắng nhỏ và chúi xuống mặt đất. Mai chiếu thủy thơm nhẹ, lá nhỏ xinh xắn và thân cành cằn cỗi nhìn rất u trầm. Nhìn nó, ta nhớ lại dăm khu vườn lớn trên đất Gia Định hồi ta còn nhỏ được viếng thăm cùng cha mẹ. Người gốc gác lâu đời đất này thích trồng nó.
Ta không hề mê hoa phong lan dù thấy rất đẹp nếu có chưng trong nhà. Những loài hoa khác như cẩm chướng, hoa lys rất lộng lẫy trong ngày Tết. Nhưng sâu trong tâm hồn, ta thấy thân thương khi nhìn thấy hoa mai, mai tứ quý và mai chiếu thủy. Và bùi ngùi nhớ mẹ khi thấy bông vạn thọ, thứ hoa trong nhà không chưng nữa.
Ta thích cây cối mọc bên vách nhà, ngoài cửa sổ, bên góc vườn hay trước sân nhà. Nhưng khi bước vào một khu vườn lớn, trang trại trồng cây, màu xanh ngắt khiến ta sảng khoái nhưng thiếu sự rung động khi nhìn cây cỏ gần gũi với nhà cửa, kiến trúc, phố xá, đình chùa... nơi sinh sống của con người. Phải chăng đó là tâm thức đô thị của kẻ sống trong không gian hẹp?
Cây cỏ quanh nhà với ta có vài thứ làm ta quyến luyến, vì tuổi nhỏ chỉ gần gũi với chúng. Chúng giống như những đứa bạn hiền lành, chất phác hồi nhỏ sống bên cạnh ta. Khiến ta nhớ hoài.
Để lại cho con
Ba má ta mất đi, ngoài căn nhà, hầu như không để lại gì ngoài những điều tốt đẹp đã giúp con cái nên người.
Đồ đạc của ba để lại chỉ là một tủ sách, mớ giấy tờ hình ảnh xưa, cái đồng hồ đeo tay và vài món nhỏ khác. Ta xin mấy cái ống điếu cũ, bị sứt sẹo. Đó là thứ đồ vật gắn bó với ba cả đời.
Ta có nhiều hình ảnh của má. Bây giờ không dám mở ra xem, e là lòng sẽ cảm thấy se thắt. Ta chụp ảnh má từ nhiều năm, vào mỗi dịp Tết sum họp, nhiều hơn cả là khi ta đã có hai con trai. Má ôm ấp thương yêu chúng mỗi ngày, nên hình ảnh bà nội với hai cháu có nhiều. Khi nhìn những tấm ảnh cũ, ta ngẩn ngơ nhớ bàn tay của má đặt trên vai ta, an ủi khi gặp nhiều khó khăn nơi sở làm. Ta nhớ bước chân của má lần dò bước trên bậc thang, lên phòng con trai hỏi thăm vào những buổi sáng chủ nhật ta dậy trễ sau một đêm vui với bạn bè. Lúc đó, ta đã gần tứ tuần, còn độc thân và má đã hơn bảy mươi tuổi. Các cuốn album có ảnh má trong đó, nay ta cất kỹ trong tủ.
Bây giờ mỗi tối ta ôm ấp hôn hít các con từng ngày, nói chuyện với chúng rất nhiều, khác xa ba má với ta hồi xưa. Mỗi ngày vợ chồng ta vun đắp kỷ niệm giữa các con với cha mẹ. Ít ra sau này vợ chồng ta đã có thể để lại cho hai con một căn nhà nhỏ, như cha mẹ ta đã làm với con cái của mình. Hơn thế nữa, những món đồ không quá giá trị nhưng có thể lưu giữ kỷ niệm. Đó là sách, tranh, một ít cổ vật lớn nhỏ, rất nhiều album ảnh, vài cuốn sách mà hai vợ chồng là tác giả.
Liệu các con nghĩ gì khi sau này phải nhận lãnh chúng, là kỷ vật của cha mẹ khi đã không còn, sẽ đi với chúng trên những chặng đường đời còn lại? Đó có là gánh nặng tinh thần cho chúng không, khi luôn nhắc nhớ kỷ niệm hồi còn thơ trẻ bên cha mẹ thương yêu? Đó có phải là tốt cho chúng không và thật sự là thương yêu chúng không?
Ta nghĩ mãi điều này.
Món ăn ngày Tết
Từ nhỏ đến lớn, món ăn ngày Tết trong nhà hầu như không mấy thay đổi. Vì là món ăn truyền thống, không thể không có, ăn vào cảm nhận có không khí Tết đầy ắp trong nhà.
Đó là bánh tráng cuốn với các thứ như sau: thịt kho nước dừa, thịt heo hầm, thịt vịt xiêm hầm, dưa giá, củ kiệu. Tất cả đều do mấy chị em trong nhà làm ra dưới sự chỉ huy của má. Dưa giá má ngâm với nước dấm pha theo công thức riêng, củ kiệu ngâm có vị chua ngọt chứ không chua gắt như kiệu bán ngoài chợ. Thịt vịt do ba tự cắt tiết, con cái nhổ lông. Nồi thịt kho không bỏ hột vịt mà chỉ có thịt đùi ngon. Má còn làm thêm củ cải muối.
Việc chuẩn bị các món ăn tạo không khí Tết thật náo nức. Vịt cột ngoài cái hẻm bên hông nhà, thỉnh thoảng lại kêu qué lên một tiếng trong bóng tối. Củ cải trắng xắt ra từng miếng dài, bỏ lên tràng bằng tre phơi trên nóc nhà. Sau này khi xây nhà xong thì phơi trên sân thượng. Mùi ngai ngái của nó tỏa ra rất có hương vị Tết. Còn củ kiệu thì má, chị dâu và người làm xúm vào cắt, tỏa mùi hanh chua. Cũng đem phơi nắng cho héo.
Hơn bốn mươi năm ta ăn Tết chỉ có bao nhiêu món đó thôi mà không ngán. Mỗi bữa ăn lại uống một lon bia, khác ngày thường. Ngon miệng, thấy mình ăn thức ăn mà như ăn từng miếng Tết, miếng mùa Xuân, miếng hạnh phúc. Thấy thương yêu gia đình, thương yêu ba má hết mức, cảm thấy hết bực bội những chuyện vặt vãnh càm ràm hằng ngày.
Lập gia đình, mấy năm đầu ở chung ăn chung với ba má, không có gì thay đổi trong chuyện ăn Tết. Rồi có nhà riêng. Có năm ăn Tết quê vợ, có năm ăn Tết nhà mình. Nhà vợ cũng có những món ăn truyền thống ngày Tết, ăn cùng với ba mẹ vợ và các em. Tết có măng khô hầm sườn heo, bánh tráng loại dày, to, lạt cuốn với măng, rau sống. Ta ăn tuy thấy ngon mà bụng vẫn nhớ những món ăn bên nhà cũ, thèm vị kiệu chua ngọt, dưa giá tươi mát.
Ba má thay nhau mất. Về nhà thắp nhang ngày Tết, ăn miếng dưa giá từ chị dâu làm, vui vì chị đã rất cố gắng giữ nếp nhà, lại thấy bùi ngùi vì củ kiệu vẫn giữ được vị cũ.
Bây giờ ăn Tết với vợ con, với những món truyền thống của bên vợ lại cũng thấy thân thuộc vì đã thấm vào lòng mình. Một đoạn đời rất dài đã qua, bây giờ ta vui với những người thân yêu đang ở bên cạnh. Và ăn những món ăn khác với ngày Tết hồi xưa, tạo nên một truyền thống khác, cho hai con trai của ta.
Quá khứ đẹp ta để ngủ yên, và thầm nghĩ vợ đã không học làm những món ngày cũ của má cũng là điều tốt.
Nếu không, ta sẽ thấy nghẹn lòng, khó ăn trọn miếng ngon nào trong ngày Tết.
Bây giờ mới là sống
Đọc trong Đồ nhiên thảo của Urabe Kenko:
Sát na là một đơn vị thời gian quá nhỏ nhoi thế nhưng cứ để nó thi nhau kéo tới thì cái giờ chết cũng chẳng mấy chốc đã đến bên lưng ta... không có quyền tiếc nuối ngày tháng xa xôi tận đâu đâu mà phải biết quí trọng cái giây phút đang oan uổng trôi qua trước mắt.
Ta chỉ thấy thời gian trôi nhanh khi bước qua tuổi năm mươi, một sự ngu muội đáng giận. Khi song thân không còn nữa, ta cảm thấy sức khỏe mình không còn như trước. Giờ mới tỉnh lại, thấy quý từng sát na, quên đi dĩ vãng, sống cho từng giây phút.
Từ khi nghĩ được như vậy, ta thích trang trí lại căn nhà, treo lên tường những bức tranh đẹp mà ta cất giữ. Ta thích viết hơn, thích đi du lịch với vợ con, ăn những miếng ngon. Ta thích gặp bạn bè, tình nguyện làm những việc quen làm như khuyến khích bạn bè viết lách, tổ chức vài cuộc gặp. Ta tập khoan dung hơn, mềm mỏng hơn và bình thản hơn...
Ta thấy quý từng buổi dắt tay con đi dạo quanh nhà, từng buổi sáng cùng vợ đi ăn điểm tâm, từng chuyến du lịch cả gia đình.
Đến giờ mới thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Ta cũng cảm thấy thoải mái hơn về tinh thần, dù đã qua thời sung sức.
Bây giờ mới thật là sống. Ta thấy đời đẹp lắm, dù mưa hay nắng, người khỏe hay không. Ta không còn cảm giác chờ đợi: khỏe mới tính chuyện này, có tiền mới tính chuyện kia.
Chuyện con cái
Mới đây, ta tình cờ xem lại một bài trả lời phỏng vấn của ca sĩ T. N. Người ca sĩ tài danh này không muốn con gái mình sinh con. Lý do là sự tồn tại của mình chẳng giúp gì cho ai, và con cái khiến mình phải lo cho nó suốt đời. Có thể ca sĩ này không diễn tả hết ý và nhà báo viết không đúng ý của ông, nhưng trong câu trả lời đó thể hiện băn khoăn về mục đích ra đời của một con người, sẽ ảnh hưởng gì đến người thân và với tha nhân.
Nhân có một cuộc trao đổi với đứa em, ta suy nghĩ về câu chuyện này. Em ta không muốn sinh con vì nghĩ đến và thương cho thân phận nhân sinh, cụ thể là thân phận con người mình có thể sinh ra, sẽ chịu những hệ lụy của cuộc đời. Đây là quan niệm của Phật giáo mà em theo đuổi bấy nay.
Người ta sinh ra một đứa con, không chỉ vì mong nó phò giá triệu, khiêng quan tài cho mình khi mất đi, hay mong nó lo cho mình lúc về già, mà còn mong có được những niềm vui giản dị, như khi hôn đứa con của mình và được nó vòng tay qua cổ mà hôn lại. Khi thấy nó đọc ê a từng chữ bài học thuộc lòng. Khi nó dần trưởng thành, khôn ngoan chín chắn. Khi nó được mình đưa đi đó đây và thích thú khám phá thế giới chung quanh, gần và xa. Những cảm giác vui sướng đó phục vụ người sinh thành nhiều hơn là chính đứa con.
Nhưng quả thật, có lúc ta đã cảm ơn ba má đã sinh ra trên cuộc đời này, đó là khi ta nếm trải những cảm xúc thăng hoa của một trải nghiệm nào đó trong một chuyến đi, trước thiên nhiên tươi đẹp, trong tình yêu hay trong cuộc sống gia đình. Nhìn ở góc cạnh này, có lẽ chúng ta ai cũng đã có lúc cảm thấy.
Vợ chồng ta nuôi con cũng cực nhọc dù tương đối có điều kiện. Khi ôm con trong lòng, ta luôn mong có thể song hành với nó càng lâu càng tốt trên cuộc đời này. Lúc đó, thật sự là nghĩ cho con, không phải cho mình, dù biết rằng cuối cùng cũng phải là sự rời xa.
Khi nuôi con, lo cho con, ta cảm nhận được tấm lòng vĩ đại của cha mẹ, dù biết rằng không nhất thiết phải có con mới hiểu thấu điều này.
Có người nói với ta rằng, cha mẹ chúng ta đã lo cho chúng ta, và ta trả ơn sinh thành dưỡng dục bằng cách tiếp tục sinh thành và dưỡng dục những đứa con, và cuộc sống sẽ tiếp nối như thế để trường tồn. Ta cho quan niệm này là đúng. Các thế hệ nối tiếp nhau bằng cách này mới mong bền vững.
Ta đã ở tuổi có thể chấp nhận những quan niệm khác nhau. Và cảm thấy có thể cảm thông phần nào quan niệm của đứa em thân yêu mà có lẽ đã được chiêm nghiệm nhiều. Dù quan niệm này cần phải được thông suốt trong cuộc hôn nhân mới mong thấy có hạnh phúc viên mãn.
Ta lớn lên khá vô tư, do đọc nhiều mà ý thức lớn dần. Nhiều khi thấy sống với người đời thì dễ, sống với người thân mới khó vì sợ họ buồn lòng. Thôi thì cố gắng làm điều gì được thì làm. Và đối với những điều lớn hơn, thì làm theo con tim mách bảo, để không ân hận về sau. Nói cho cùng, đó là mình sống cho mình.
Con vật yêu thích
Ta vốn thích nuôi mèo. Trong suốt mấy chục năm qua, thường có mèo trong nhà.
Nuôi mèo có điều bất tiện là phải dọn những thứ nó phóng uế ở xó nhà gầm giường. Nếu không, phải chịu mùi rất chua hôi. Có một tháng nào đó trong năm, mùa hè thì phải, chúng lang bạt ngoài đường, kêu gào ầm ĩ trong đêm rồi vật nhau huỳnh huỵch trên các mái nhà tôn trong xóm.
Nhưng nuôi mèo rất thú vị đối với ta. Mèo và rùa là hai con vật vốn lặng lẽ, rất giống ta. Rùa có vẻ thật thà, cục mịch. Mèo điệu đàng, nhưng không ồn ào. Mèo không mừng chủ quá nồng nhiệt đến độ phả hơi vào, hay liếm mặt chủ.
Hồi nhỏ, trưa mùa hè nóng bức ta thường nằm dưới sàn nhà tráng xi măng cho mát. Đôi khi thiu thiu ngủ và thấy có một thân hình nhỏ nhắn cọ vào mình, rất dễ chịu. Ta thường dùng mấy ngón tay gãi vào cổ chú mèo khiến nó thích chí ngước cổ, gù gù trong cổ họng.
Mùa lạnh gần Tết, ôm mèo trong tay rất ấm, rất mềm mại. Có khi đi làm về thấy nó nằm trên ghế sofa, lười lĩnh. Chỗ mèo nằm hõm xuống ấm sực.
Mèo như một đứa bé có cá tính, thích ôm ấp vuốt ve nhưng có lúc không muốn ai đụng đến. Nó không mừng khi ta đi làm về, nhưng khi bước vào nhà nó quất quýt chân ta, ngước đôi mắt trong veo nhìn ta. Khi ta sống trên căn phòng ở tầng cao nhất, có khi đang ngủ lơ mơ lại thấy chú mèo lên mấy tầng cầu thang để tìm ta, cọ người vào chủ một chút rồi lỉnh ra sân, chuyền xuống nóc nhà tìm bạn mèo khác.
Mèo dễ thương, như một người bạn nhỏ trong nhà, khá lặng lẽ nhưng thân tình. Có con mèo nuôi trong nhà, ta không cảm thấy cô đơn và dễ lắng lòng xuống hơn khi vuốt ve nó trong cơn bực dọc. Nhưng hơn mười năm nay trong nhà không nuôi con mèo nào nữa.
Nhớ mẹ những đêm xưa
Mỗi tối, cả nhà thích quây quần bên nhau trong một căn phòng. Người vào mạng xem tin tức, người chơi game hay đọc sách. Nếu không thì hai con trai sẽ chơi các thứ đồ chơi của chúng.
Nhưng khi tắt đèn, nằm trên giường đợi giấc ngủ, các con lại muốn nói chuyện với ba mẹ. Trong bóng tối, đó là những chuyện trong lớp. Con trai lớn kể về những đứa bạn đầu gấu, rồi kể những ước mơ về nghề nghiệp sau này, chuyện vũ trụ và lỗ đen. Con trai nhỏ thích nằm vào vòng tay mẹ hay ba, thế nào cũng thì thầm chuyện đi học, bạn hay cô giáo trong lớp mẫu giáo.
Những lúc đó, ta nhớ những đêm nằm ngủ bên căn nhà thuê tạm ở Huỳnh Văn Bánh để xây nhà năm 1997. Mỗi chiều, từ nơi làm việc ta ghé qua công trình xem thầy thợ xây tới đâu. Buổi tối về căn nhà thuê, lo tắm rửa ăn cơm xong đã mệt nhoài. Hai giờ đêm ta thức dậy lo hứng nước vào lu vì nước chảy rất yếu. Rồi xịt thuốc gián ở trong gian bếp. Khi chọn để tạm sống ở đây trong ba tháng, ngôi nhà trông hào nhoáng nhưng căn bếp đầy lũ gián từ cống chui lên trong mùa hè nóng bức.
Đêm ta giăng mùng ngủ trên sàn nhà. Tấm nệm của má và em gái ngủ gần đó. Nhớ lại mới thấy đó là những khoảnh khắc vui nhất đời. Má đã bảy mươi ba tuổi, đang sung sướng đợi căn nhà đầu tiên mình ở có lầu đúc, lót gạch bông, có sân thượng và nhà vệ sinh trong phòng. Ta vui trong bụng nghĩ đến cái tủ thờ có chạm trổ đã đặt sẵn cho má. Khi nhà xây xong, nó sẽ được đặt trang trọng khoảng giữa nhà, là nơi má sẽ thắp nhang cúng ông bà ngày rằm và mấy ngày Tết. Vậy thôi mà là mơ ước của má. Cả hai mẹ con mải miết nói những chuyện đó trong đêm tới vài tiếng đồng hồ, có khi tới mười hai giờ khuya. Ta không dám ngắt lời, khi má say sưa kể về những ngày vất vả, khi sống trong cái nhà vách ván, mái tôn nóng hừng hực, chuyện ba không thích lót gạch bông, không cho cơi gác, không cho xây nhà lầu khi đủ điều kiện.
Đó là những đêm hạnh phúc, tiếng thầm thì giữa hai má con qua lại giữa hai cái mùng. Đứa em gái út yên giấc từ rất sớm. Rồi hai má con dần thiếp đi trong giấc ngủ vui.
Nhà xây xong, má sống với con cháu thêm được mười một năm nữa. Khi đưa tang má, chiếc quan tài được đô tùy khiêng ra và cúi thấp đầu để má chào căn nhà yêu dấu lần cuối. Ta chống gậy tre đứng nhìn, quặn thắt trong lòng.
Bạn cũ trung học
Nghe anh bạn kể về những người bạn học cũ cùng thời trung học ở quê cũ. Họ hay rủ rê đi ăn uống với nhau, ghé thăm nhà nhau. Tuy rất thân, anh hay phàn nàn đám bạn cũ đã lớn tuổi nhưng ham nhậu nhẹt, có tiền nhưng chỉ biết quanh quẩn quán xá, không đi du lịch, thích mua nhà lôi thôi trong hẻm chợ dù dư sức mua nhà to, trong người có bệnh tùm lum vẫn cứ ham ăn ham uống. Chỉ có bấy nhiêu, lâu lâu đụng chuyện bực mình anh lại kể, cũng chỉ bao nhiêu chuyện.
Ngẫm lại, bạn bè trung học là thứ bạn kỳ lạ. Không tụ được thì thôi, tụ lại vui lắm, nhất là thời gian đầu, như được sống lại một thời mới lớn hoa mộng. Phải buông xả, tha thứ cho nhau vì từ bao nhiêu năm rời trường, mỗi đứa đã như những nhánh cây phát triển khác nhau từ rất lâu. Dù hoàn cảnh hiện tại ra sao thì ai cũng muốn giữ thể diện nên phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Có bạn vẫn luôn than vãn như xưa, có bạn xưa vốn hiền lành, sau mấy chục năm gặp lại đã mạnh mẽ nghị lực hơn rất nhiều. Có bạn phật ý vì bạn trong nhóm mình từ hồi đó, giờ lại thân bạn khác. Y hệt như hồi đi học.
Nhìn lại, ai cũng có tóc bạc, hói đầu, phát tướng. Ai cũng là chủ gia đình, có sự nghiệp dù lớn hay nhỏ, nhà riêng, con cái đã lớn.
Có những bạn đã rất trưởng thành trong tính cách, nhìn cuộc đời như đã nắm được hết bí quyết sống. Có bạn đã từng đi giữa lằn ranh sống và chết. Tuổi trẻ trao nhau sự hồn nhiên, tuổi chớm già trao nhau sự từng trải không ngờ.
Có vài bạn mà ta thân thiết hồi còn trẻ, sau mấy chục năm gặp lại, tình quý mến trong ta không chút nào nguôi và muốn tiếp tục thân thiết. Nhưng cuộc sống của bạn giờ đã vướng bận nhiều. Sẽ không thể trở lại như cũ nữa, những ngày buồn vui nào cũng tìm đến nhau.
Tâm thức tuổi học trò trung học mạnh thật, nó khác hẳn thời sinh viên đã ganh đua nhau hơn kém, và bạn đồng nghiệp khi đi làm vừa gần gũi vừa e dè nhau.
Năm 2000
Nhớ hồi còn nhỏ, ta hay hát bài này:
Năm hai ngàn năm, tôi còn gì, em còn lại gì
Ta còn gì, anh còn lại gì
Còn chăng đó, là bóng hư không
Còn chăng đó tuổi đã mênh mông
Còn chăng đó tóc xanh phai màu
Qua hết rồi, vạn ngày thật dài
Của chúng ta của những phôi pha.
Lúc đó, năm hai ngàn còn rất xa, mịt mù sương khói trong tâm tưởng. Đọc một tạp chí nổi tiếng thời đó, tạp chí Thời Nay, một dạng Reader Digest đủ thứ chuyện hầm bà lằng Đông Tây mà giới có học ở Sài Gòn hay đọc để giải trí, có một bài tưởng tượng về năm 2000. Bài báo viết, lúc đó, nhiều thành phố trên thế giới sẽ được một khung kính hình vòm trong suốt bảo vệ.
nhiều để cung cấp oxy cho con người bên cạnh hệ thống lọc và cung cấp oxy nhân tạo. Con người sẽ di chuyển trên đường bằng cách đứng vào con đường di động để đến nơi mình muốn. Con đường sẽ có nhiều làn, với nhiều tốc độ khác nhau, người đi phải chuyển làn từ chậm sang nhanh, hay nhanh sang chậm tùy theo muốn đi tiếp hay lên vỉa hè đến nơi mình muốn. Thức ăn sẽ được chế từ dầu hỏa, bỏ trong tuýp để thích thì mút ra ăn đủ chất dinh dưỡng, hoặc chỉ cần uống viên thuốc cũng đủ chất cho cả ngày.
Lúc đó, không có bài viết nào đề cập đến việc nói chuyện điện thoại với người khác từ bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào mình muốn (cho dù truyện chưởng Kim Dung đã có chiêu thuật truyền âm nhập mật giúp hai người cách xa nhau có thể đàm đạo). Hoặc cách liên lạc qua Internet, biến xã hội con người thành cái làng toàn cầu, chuyện bên kia quả đất vừa xảy ra bên này đã kịp thấy hình ảnh.
Ôi, những dự báo! Hơn bốn mươi năm sau, quá chục năm sau năm 2000, thức ăn trong tuýp chỉ dành cho phi hành gia trên vũ trụ.
Làn đường tự di chuyển chỉ có ở các sân bay hiện đại. Vòm kính nhân tạo chỉ có một ít ở các nơi trồng trọt trong mùa đông. Giấc mơ con người đã có từ lâu nay tan vỡ cũng nhiều. Từ lúc đó đến nay, chưa xảy ra cuộc chiến thế giới nào nữa nhưng người chết từ chiến tranh khu vực càng nhiều. Những đô thị xanh không cần vòm kính như Singapore không phải không mang hy vọng đến cho loài người, nhưng chưa xuất hiện nhiều lắm. Đó là những gì còn lại của một giấc mơ.
Nhiều khi giấc mơ của ta chỉ là có thể đi bộ một lèo xuyên qua thành phố đang sống lâu nay, vừa đi vừa nghỉ chân cho đến khi tới đích. Điều đó có giản dị không? Có, với nhiều người trên trái đất vì đã có nhiều người đi bộ xuyên qua một đất nước, nhưng ở Sài Gòn này sao khó vậy? Không có vỉa hè thông thoáng ở rất nhiều con đường, không thể băng qua một con đường nếu như đèn đỏ có nghĩa là người lái xe vẫn có thể quẹo phải và tông vào người đang băng qua đường. Không có mấy cây xanh phủ trên đầu khách bộ hành. Không có mấy ghế đá dọc đường để nghỉ chân. Đi bộ bằng đôi chân còn không hữu dụng thì mơ gì đến một làn đường tự di chuyển từ nơi này sang nơi khác?
Hai con trai ta, mười năm nữa chúng có thể đi bộ từ bên này sang bên kia thành phố được không? Ta vẫn tin là không? Nếu chúng muốn vậy, xin hãy cầu nguyện cho chúng vì có khác nào chúng sắp đi vào rừng Amazon.
Gác xép
Nhớ hồi còn nhỏ, ta sống trong căn nhà có một cái gác xép nhỏ xíu. Gác chỉ đủ để trải ba cái chiếu. Cuối căn gác là góc kho chứa đồ. Đường lên gác là cái cầu thang dốc đứng dẫn đến cái lỗ để leo lên sàn.
Tuổi thơ ta nếu mong có chốn riêng tư để chìm đắm trong những trang sách chính là căn gác nhỏ này. Gác có cửa sổ ngó ra cái hẻm nhỏ nên ánh sáng không bao giờ thiếu. Trừ buổi trưa căn gác bị nắng nung hầm hập, buổi sáng hay chiều tối ở đó luôn mát mẻ. Trên đó có cái rương cũ của ông anh đi dạy học xa mà ta tha hồ lục lọi. Có những cái thùng cũ đựng đồ linh tinh của người cha nghiêm khắc của ta, nên càng thúc đẩy tìm hiểu ông qua sách và giấy tờ trong đó. Căn gác mà ta có thể tìm hiểu về thế giới người lớn một cách âm thầm.
Ta luôn nhớ căn gác này, nhớ những năm tháng tuổi thơ cùng anh chị leo rầm rập lên gác chơi bắn bì giấy xuống cái hẻm phía dưới, với một lũ con nít mai phục phía dưới bắn lên. Nhớ nhịp tim thình thịch trong ngực khi trốn ba với cây roi đang hờm sẵn. Trên bức tường, ông anh thứ năm vẽ đầy những bức tranh Xì trum và Mickey, neo giữ những hồn nhiên trong ta. Năm ta hơn ba mươi tuổi, trước khi cho đập toàn bộ căn nhà để xây lại, ta leo lên gác lần chót và nhìn lại những bức tranh tường yêu dấu đó, nhìn lại Tí cô nương và bó hoa giấu sau lưng một anh chàng xì trum màu xanh. Tuổi thơ lại được giã từ lần nữa.
Những năm khốn khó sau 1975, gia đình ta dẫu quanh năm tiết chế chi tiêu, vẫn luôn ăn một cái Tết huy hoàng. Có lẽ vậy, không có cái Tết nào mà không có dưới trăm khách đến chơi trong ba ngày Tết.
Có một ngày mùng ba Tết, khách viếng thăm đến bảy nhóm, ngồi la liệt từ ngoài sân, phòng khách, buồng ngủ, bếp. Bạn gái trong lớp cũ đến chơi và má đẩy lên gác ngồi với ly nước và hộp mứt. Ta ngượng nghịu run rẩy trước mặt cô bạn xinh xắn, giữa căn gác mát mẻ trong gió mùa xuân lùa vào từ cửa sổ, vẫn còn phảng phất hương thơm pháo sáng hôm đó.
Logic của cuộc sống là sẽ mất dần những thứ mà ta yêu quý. Trước tiên là mất cái tã lót, mất cái bàn học sinh, và mất mối tình đầu. Ta nhớ câu này hình như trong cuốn sách có tênKhông chốn nương thân ta từng đọc trên căn gác này. Bàn học trò lem vết mực và mối tình đầu mất từ lâu rồi, cũng như căn gác ngày xưa. Nhưng đúng là càng mất lại càng nhớ vì nó in sâu trong tâm khảm, những thứ như vậy.
Tiếc đến bây giờ
Sống tới tuổi nào đó, khi ngoái nhìn lại, ta thấy rằng đối với những niềm vui ta không phải luôn nhớ về, nhưng lại dễ ray rứt mãi một chuyện hối tiếc cỏn con nào đó hồi còn bé. Tiếc một câu nói lỡ lời, tiếc một lần vụng dại gây thất vọng người khác, tiếc một cơ hội làm quen với ai đó.
Ta tiếc dăm người bạn đã sống chân thành vui vẻ với mình hồi những năm đầu cấp trung học. Ta nhớ đứa bạn trầm lặng, kín đáo, không thích giao du nhưng bạn quý ta, cho ta mượn những đồ vật mà bạn rất nâng niu. Như là một bộ sưu tầm những cục gôm bằng cao su khắc chìm những hình ảnh chuột Mickey, Lucky Luke hay Batman. Với mực dấu, dùng những cục gôm này để in hình trên giấy, trên tấm thiệp để tặng bạn bè. Ta sung sướng mang hộp gôm đó về nhà, in lung tung và vứt lung tung, để mặc cho mấy đứa em nghịch. Đến khi bạn muốn lấy lại, ta không thể thu lại cho đủ, cái nhặt lại được thì sứt sẹo. Khi trả lại, thấy mắt bạn đỏ và buồn. Từ đó, ta không còn là người bạn đáng mến. Bạn không chơi với ai nữa trong suốt năm học đó. Chỉ vậy thôi mà ta nhớ bạn đến tận bây giờ, người bạn của bốn mươi năm trước.
Ta nhớ chú bé mười tuổi hàng xóm hay cùng ta đi mua sách vỉa hè những năm Sài Gòn vừa mới giải phóng. Chú bé từng nhào vô bênh vực ta, trong một trận đánh nhau giữa ta với bạn hàng xóm. Chỉ một lần, ta cùng chú bé mê mẩn một quyển sách mỏng trong hiệu sách. Chú bé mua một và ta mua một quyển bằng tiền chú bé cho mượn. Và cái lơ đãng vụng dại của tuổi mới lớn khiến ta quên mất trả vài hào cho chú bé. Để rồi tình bạn bỗng dưng nhợt nhạt mà ta không nhận ra cho đến khi gia đình chú dọn đi nơi khác.
Nhớ tiếc một cụ già rất yêu thương ta hồi ấu thơ. Những buổi trưa mùa mưa ở Sài Gòn, hai ông cháu ngồi trong gian bếp nhỏ, ăn bắp nướng nghe ông kể chuyện ở quê hương xứ Bắc xa mù của ông. Ông tặng ta những bức tranh mà ông gọi là Phù thế hội của Nhật Bản mà ông có dịp đi qua đó hồi trai trẻ. Ông an ủi khi ta bị ba mẹ la mắng. Rồi khi lớn lên, ta lao vào cuộc sống đầy cuốn hút. Khi ông mất, cả xóm đến viếng ông rất đông, có ba mẹ ta. Ta ngại ngần điều gì đó nên không đến viếng ông lần chót, không đưa ông ra nghĩa trang. Để rồi vài năm sau, bỗng dưng ta nhớ ông rất nhiều. Vì sao mình không gần hơn với ông những năm cuối đời, lúc ông nằm trên giường bệnh. Có khi nào khi còn sống ông trách thầm thằng bé hời hợt từng theo ông suốt mấy năm trời?
Ta tiếc một lần từ chối chở một đứa bạn hàng xóm chỉ vì nhìn nó nhợt nhạt, bệnh hoạn.
Nó đã không sống với mọi người lâu.
Ta tiếc bao nhiêu việc muốn làm cho ba mẹ, như tổ chức một chuyến đi chơi nhẹ nhàng ở gần nhà, một bữa ăn vui vẻ với những món ngon. Và nhận thấy mình đã bỏ lỡ khi ba má nằm xuống giường bệnh và nhanh chóng ra đi.
Những điều đó trong ta mãi, đến khi đọc được một câu của Mark Twain: Hai mươi năm sau, bạn sẽ thất vọng nhiều hơn vì những việc bạn đã không làm hơn là những việc bạn đã làm.Ta thấy lòng mình như được an ủi và đồng cảm.
Chúng ta học được gì từ những hối tiếc như vậy? Suốt mấy chục năm nay, qua từng bước trưởng thành, khi nhớ đến những điều đó, ta thấy mình muốn giữ gìn nhiều hơn những mối quan hệ mà mình đang cảm thấy bình yên trong đó. Ta thường tự soi xét mình hơn trong từng lời nói và hành vi. Ta muốn làm nhiều điều hơn nữa cho những người thân. Ta không muốn mình sẽ lại hối tiếc.
Tất nhiên không thể quay trở lại với những người bạn thuở xưa, và cũng không sửa đổi được những điều mình đã làm. Thỉnh thoảng ta tìm thấy tên những người bạn đã bị đánh mất ở đâu đó, trong Google hay trong một trang web kiếm tìm người thân. Những cái tên lung linh, nhắc nhớ những điều đã qua. Cũng nhắc nhớ những điều sắp tới.
Ông nội và cha và con
Hồi chưa có nhà riêng, gia đình nhỏ của ta ở nhà ba má. Buổi tối, con trai ta được mẹ đút cơm trước cái ti vi mà ông nội hay coi đá banh. Có khi con giành ti vi với ông nội vì muốn coi phim hoạt hình trong khi trận banh sắp diễn ra. Ông nội càu nhàu một chút rồi nhường con. Sau đó ta tìm cách dụ con rời cái ti vi, nhường lại cho ông nội.
Lúc đó nhà đông đúc nhưng vui làm sao. Gia đình nhỏ của ta có căn phòng riêng. Ngày lễ Tết cùng đại gia đình quây quần nơi phòng khách. Ở đó, ông bà cô bác chơi với cháu, chúc tụng và lì xì trong ngày Tết.
Dọn qua căn nhà kế bên, dù sát vách nhà nhưng con trai nhỏ trở nên lười qua chơi với ông bà nội. Con thích ở trong nhà, xem truyện tranh, chơi game trên máy vi tính hay xem ti vi. Mỗi lần muốn con qua chơi với ông bà nội, ta phải kiếm mua vài món đồ chơi để sẵn bên đó để con đi tìm. Bà nội đã hơn tám mươi, ông nội còn già hơn gần chục tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông bà yêu thương con nhưng không còn sức lực để bày trò gì cho con chơi. Nhiều khi ta thấy bà nội cố ôm con vào lòng, hoặc ngồi bệt dưới đất và bày đồ chơi cho con ngồi kế bên. Sức bà nội chỉ có thể làm như vậy. Buổi sáng khi đi học và lúc đi học về, con ôm chặt ông bà nội là những lúc ông bà nội vui ra mặt. Ta chứng kiến cha mẹ mình cười móm mém, như cố tận hưởng, từng chút từng chút hạnh phúc buổi gần đất xa trời.
Rồi ông nội của con vào nằm trong bệnh viện, không nói, không cử động nửa người. Ta và anh chị em mỗi ngày vào thăm và chăm sóc cho ông. Không thấy ông nội, con hỏi và biết ông nằm bệnh viện.
Buổi tối con xin ta vài tờ giấy và nguệch ngoạc vẽ dăm bức tranh. Đó là bức tranh ông nội nằm trên gối, vẽ giữa trang giấy. Chung quanh là hình ba thắt cravate đang xách cặp bước đi. Có cầu thang bên trong nhà. Cái ti vi đang chiếu trận banh. Có hình cái bàn ăn với người ngồi chung quanh. Con bảo: Con vẽ ông nội đang nằm bệnh viện và nhớ những điều chung quanh!
Bức thứ hai, có ông nội, bà nội, ba, mẹ, em và con đứng trước một cái máy chụp ảnh lớn. Ông nội đang há to miệng như nói điều gì đó. Cuối bức tranh là một tấm ảnh treo lủng lẳng trên tường, vẽ trong một khung riêng biệt. Con bảo: Cả nhà đang chụp hình để có ảnh treo tường. Ông nội đang la bởi vì mọi người không ra đứng chụp hình cho đông đủ.
Ta nhanh chóng cất bức tranh đi. Ta se lòng hình dung những gì đang diễn ra trong lòng đứa con trai bé bỏng năm tuổi của mình.
Ba năm trôi qua, ông bà nội lần lượt ra đi, may mắn là kịp nhìn thấy đứa em xinh đẹp và lanh lợi của con ra đời và có thể âu yếm hôn hít nựng nịu nó. Nhưng ông bà, như tất cả chúng ta, không thể sống mãi với những người mà mình yêu mến.
Khi nhìn hình ảnh cha của mình qua lăng kính con trai, ta thấy lòng rưng rưng cho mối dây huyết thống, vô hình nhưng chặt chẽ, âm thầm luân chuyển trong lòng mỗi người.
Nói với con về quê mẹ
Đó là một con bò rất to, ở đây gọi bò Bô. Trước cửa nhà ông bà ngoại của con, nó kéo một chiếc xe có một người ngồi trên đó. Ông ta cởi trần, áo trùm lên đầu kín mít. Bò lông vàng, có u nâu sậm, to lừng lững đi dọc theo con lộ lớn trước nhà. Ta trố mắt nhìn, con cũng ngó chăm chăm. Cha con ta trở nên ngây ngô vì những cảnh ít thấy như vậy. Chỉ có mẹ là mỉm cười, đó là cảnh quê hương của mẹ, những cảnh thân thuộc từ hồi bé thơ.
Khi bế con để chân con chạm vào gốc cây xoài trước nhà, ta muốn con cảm nhận những điều bình thường rất gần gũi với mẹ. Ta nhớ lại tấm ảnh mẹ của con là một cô gái nhỏ đang đứng ung dung trên chạc cây xoài, hai nhánh bên là hai đứa em trai bé xíu nay đã vào là những ông bố, ta thấy bồi hồi. Nó khiến ta nhớ lại những ngày tuổi thơ của mình, trốn ngủ trưa trèo cây hái ổi và những cây ổi cây xoài với thú leo trèo là niềm vui cho bao đứa trẻ. Mẹ của con vẫn mảnh dẻ như bây giờ, đôi mắt mở to nhạy cảm và hiền hậu, những gì tạo nên tình yêu của ta dành cho mẹ con. Cây xoài nhìn ra con đường cát trắng đi lần tới nhà thờ Hòa Yên. Trên con đường đó, mẹ là một cô bé bốn tuổi đi lơn tơn tay xách giỏ trứng luộc của bà cố giao mang đến cho bà ngoại khi bà ngoại sinh em bé, rồi cô bé vì đói bụng đã xơi hết hai quả trứng trước khi tới nơi. Cũng trên con đường đó, mẹ con và lũ bạn học đi lên phía núi, tìm mai rừng ngày Tết. Lúc đó ta đang ở đâu, con đang ở đâu và bây giờ chúng ta gắn kết nhau thành một gia đình thương yêu như vầy?!
Đêm đầu tiên ta ngủ ở quê ngoại của con, trong căn nhà vườn thật sảng khoái. Buổi sáng, tiếng chim hót trong trẻo. Một làn không khí mát lạnh bay nhè nhẹ vào phòng. Mùi cà phê thơm từ dưới bếp. Tiếng rì rầm nói chuyện của mẹ con và bà ngoại. Buổi trưa, những tiếng nổ bùm ngoài xa vẳng tới. Lần ra sau vườn nhà có vài người đàn ông đang bỏ những hạt bắp vào một cái ống và đốt cho nổ bung để làm bánh cốm. Dường như lúc đó trời sắp Tết, gió khô và se lạnh, nắng vàng ươm. Những con ngỗng nhà ai thả dạo lang thang trên đường ra quốc lộ. Buổi trưa, ngồi bên cửa hông nhà, con lần bước chân ra ngó bầy gà bươi đất. Chắc khi xưa mẹ cũng lần dò ra cửa từ cái cửa hông thân thuộc này trong khi bà ngoại nấu bếp. Những người hàng xóm đi chợ ngang qua, gọi nhau í ới. Không khí thanh bình, cuộc sống mộc mạc. Tiếng chuông nhà thờ trong một chiều chủ nhật. Chốn quê hương thanh tịnh này đã sinh ra mẹ của con và hãy cảm ơn điều đó khi con có một người mẹ dịu dàng, đôn hậu và giản dị. Ân tình đó giúp ta cảm nhận rõ ràng hạnh phúc mình có từ những điều nhỏ bé, khi trong những buổi sáng thứ bảy, chủ nhật cùng với mẹ con trên chiếc xe gắn máy, tìm được một căn quán yên tĩnh để cùng ăn sáng, uống ly cà phê. Hoặc khi phải vượt qua những lúc khó khăn trong lo lắng, bận bịu, mệt mỏi với cuộc sống này, với những đêm thức trắng khi các con sốt, quấy. Ta cảm nhận ý nghĩa cuộc sống và tình vợ chồng đầy đủ, sâu sắc và trọn vẹn hơn. Những điều này, ta không thể nói hết cho mẹ con nghe. Ta chỉ mong rằng khi cùng với nhau già đi như mẹ con thường hay nói, mẹ con sẽ thấy hết được những ẩn tình của ta dành cho mẹ con lớn bao nhiêu, nó cũng chân thành và giản dị như vùng quê mẹ của con mà chúng ta đang hồi tưởng lúc này vậy.
Giao thừa
Đã là người Việt thì sẽ có ký ức đậm sâu về một đêm Giao thừa nào đó trong đời mình.
Ta trải qua hơn năm mươi đêm Giao thừa, không nhớ nhiều lắm những đêm Giao thừa đặc biệt nào. Chỉ có ấn tượng chung là luôn cảm thấy nao nao không diễn tả đuợc. Hồi trẻ luôn là cảm giác nhẹ nhõm, ấm cúng trong không khí gia đình. Sau này là cảm giác vừa hoàn tất một năm bộn bề, cùng vợ đưa các con qua nửa năm học luôn quá tải và nhiều điều vô lý, viết lách thêm được chút gì đó, lo thêm chút vật chất cho gia đình. Và thấy mình tiến gần hơn tới cõi u minh của đời người. Cảm giác rõ hơn nữa là thoát được mớ bòng bong lo toan năm cũ, hy vọng năm mới dễ chịu hơn. Những hy vọng mơ hồ, tự huyễn hoặc và an ủi.
Nhiều khi cảm nhận rất đúng là chỉ cần bước qua thời khắc năm mới, cõi lòng đang nặng nề bỗng nhẹ nhàng hơn, như có luồng ánh sáng khác từ một chòm sao khác đã thật sự thay thế ánh sao năm cũ soi rọi mình vậy. Đến giờ vẫn có cảm giác đó vào mỗi đầu năm.
Hồi còn độc thân, thỉnh thoảng ta có quen biết với một cô gái, kéo dài trong năm và chia tay khi gần Tết. Cả năm bận rộn yêu thương giận dỗi, đến Giao thừa ta lại trống trải, rảnh rang và có cái thú chiêm nghiệm nỗi cô đơn rất nhẹ nhàng. Rủ anh bạn độc thân chạy ra trung tâm Sài Gòn, vòng về Chợ Lớn hít mùi nhang khói, nhìn những hàng bán phong bao lì xì nhỏ trên lề đường còn cố vớt vát bán đêm cuối năm. Đêm Giao thừa ở Sài Gòn chính là sự tàn lụi của một tháng chuẩn bị Tết bừng bừng sức sống trước đó, khi đường phố tấp nập, chợ búa và vỉa hè ì xèo buôn bán, của những buổi sáng tuyệt vời đi mua cây kiểng, lễ mễ bưng về chưng trong căn nhà sáng choang, của những bữa vui bên bạn bè uống cà phê ngắm mai vàng đang nở dần trong trời dịu mát. Sau Giao thừa, là những buổi sáng thức dậy trễ uể oải, những buổi trưa bên ly rượu và những buổi chiều ngái ngủ vì hơi men, của những ngày vắng lặng, nắng chói chang trên thành phố khi cả triệu người đã bỏ về quê. Có lẽ vì nó là điểm kết thúc một chặng thời gian tuyệt vời nên Giao thừa là một ngày luôn đặc biệt như vậy.
Mười mấy năm gần đây, ta ngại Giao thừa. Cúng kiếng ở nhà xong lại phải ra đường sau nửa đêm để cúng ở chỗ làm. Như vậy năm mới ở chỗ làm đến sau năm mới ở nhà. Người bảo vệ dọn sẵn nhang đèn rượu trà và trái cây, sật sừ ngủ gật bên cạnh cái bàn đã bày sẵn các thứ, đợi ta đến để thắp nhang. Rồi lại nói dăm ba câu chuyện, thấy gần gũi nhau hơn so với mỗi ngày gặp nhau ngày thường. Nhang tàn, ra đứng giữa con đường tấp nập trong đêm lạnh, xe cộ vù qua với nhiều cảnh vợ chồng con cái cầm trên tay những cái bong bóng rất lớn, cành lộc xanh xin từ một ngôi chùa hay từ Lăng Ông, cây nhang thật lớn thả tàn lửa ra phía sau xe. Giao thừa bây giờ là vậy, không còn là những ngày xưa, thức tới đêm chỉ để nhìn ba bận áo dài đen, má bận áo bà ba nâu trang trọng chắp tay khấn vái trước cái bàn cúng giữa sân nhà, trong một đêm lạnh tuyệt vời đầy ánh sáng của cái xóm nhỏ hầu hết theo đạo thờ ông bà.
Nhớ hơn mười năm trước, ta thức trong đêm Giao thừa để gọi điện về một miền quê ven biển miền Trung. Ngoài đó, đêm Giao thừa vắng lặng, chỉ nghe tiếng xe tải chạy vội qua lại trên đường quốc lộ. Giao thừa trôi qua trong vài câu hỏi thăm ngắn ngủi, thì thầm. Không gian xa lạ đó đến lúc nào lại trở thành quê ngoại của con ta. Và có những năm ta đón Giao thừa trong không gian tĩnh lặng đó, ngủ một giấc êm không mộng mị bên vợ con thương yêu. Đó là những Giao thừa khác hẳn bao đêm trừ tịch ta trải qua, nhưng là những khoảnh khắc êm đềm và sâu sắc, khiến ta nhớ và thấy cơ hội trải nghiệm cuộc sống của mình mở ra phong phú hơn, từ khi đi gầy dựng riêng cho mình một cuộc sống khác với cuộc sống mình có từ lâu.
Một vẻ đẹp bí ẩn
Thỉnh thoảng trên facebook có bạn thể hiện thiện cảm với văn hóa Nhật Bản. Điều này thật dễ hiểu và ta thấy có sự đồng cảm. Đó là một nền văn hóa tinh tế và sâu sắc, đậm đà chất phương Đông. Từ lâu, phương Tây đã tìm hiểu nền văn hóa này và thậm chí còn bị cuốn hút rất mạnh mẽ.
Sức thu hút từ Nhật Bản đôi khi bắt đầu bằng những điều cụ thể. Có khi là từ sự tiện dụng và vẻ đẹp của đồ kim khí điện máy, của xe cộ. Phim ảnh Nhật không phổ biến và hấp dẫn số đông ở ta như phim Hàn, đôi khi bộ môn nghệ thuật này của họ nặng nề trong thể hiện, tính triết lý có khi lại quá sâu, khó hiểu. Phim ma hay hình sự Nhật có khi lại như một bản sao nhợt nhạt và kỳ quặc của phim Mỹ.
Với nghệ thuật tạo hình Nhật Bản, không nhiều người có cơ hội tiếp cận những bức Byobu (bình phong) tinh xảo nhất của họ, gốm Satsuma tuyệt đẹp đầy màu sắc hay đồ phủ sơn Maki-e cực tinh tế của họ. Đó là những sản phẩm thủ công danh tiếng của Nhật Bản.
Có người chỉ vì thích những bộ phim hoạt hình tuyệt vời của Hayao Miyazaki, vẻ xinh xắn của các búp bê Nhật trên Internet mà đã bắt đầu hành trình tìm hiểu văn hóa Nhật.
Văn hóa Nhật hấp dẫn, vì nó bí ẩn. Luôn có một màn sương mờ che trước mắt khi ta ngắm nhìn về nó. Giống như câu chuyện bí ẩn của bác sĩ Naoe trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của Watanabe Dzunichi. Hay hành tung kỳ bí của con ma Đa diện ở vùng đất đầy những hồn ma và thần thánh trong phim Spirited Away của Hayao Miyazaki. Người xem bị hấp dẫn từ những nhân vật như vậy, rất kỳ lạ nhưng có lý do để tồn tại cho đến khi vong thân. Nó đầy mâu thuẫn như hành tung của một đất nước Nhật dữ dội trong chiến tranh thế giới, nhưng luôn khiêm cung và hòa nhã trên gương mặt khi tiếp xúc cá nhân trên đất nước họ.
Dáng người Nhật đi qua những con phố luôn toát lên một vẻ cô đơn và kín đáo. Một chàng thanh niên tóc dài, gầy gò, thẳng lưng nhưng khép kín, nhìn thẳng phía trước và không hề chạm mắt bất kỳ ai trên phố. Một cô gái xinh tươi không cầu người khác chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình. Người Nhật giữ khoảng cách tuyệt đối với người khác trên tàu điện ngầm chật kín, cho dù có chạm tay vào nhau trên thanh vịn hay sát người đến đỗi nghe mùi brilliantine(sáp bôi tóc) trên tóc. Nếu thấy họ trên sân ga tàu điện ngầm một đêm mùa thu, thì giữa ánh sáng đèn, đó là bóng dáng của sự thu mình cô độc, với mong muốn hãy để tôi yên và tôi sẽ không phiền ai.
Giữa Tokyo tráng lệ đầy nhà cao tầng, một ngôi nhà gỗ khép nép có kiến trúc đặc trưng, chắc được dựng nên từ thời thủ đô Nhật còn là Edo, và Nhật hoàng còn là Meiji vẫn thản nhiên tồn tại. Nó cô đơn nhưng kiêu hãnh như thách thức. Buổi sáng vẫn có bà cụ bận kimono màu chàm y như thời Mạc phủ tưới nước mấy cái chậu hoa bé xíu trước nhà. Ban đêm, ngôi nhà gỗ bé nhỏ này thấp thoáng ánh đèn sau khung cửa, thành một vùng đen mờ nhạt bên cạnh ánh đèn rực rỡ và chuyển động liên tục của hàng ngàn thương hiệu dày đặc phát sáng nhờ năng lượng điện nguyên tử dồi dào.
Nó bí ẩn như vẻ đẹp của hoa anh đào. Màu hoa hồng phớt không định nghĩa cho chính xác được, khi mắt nhìn thấy màu hồng nhưng trong ảnh chụp có khi chỉ là một màu trắng. Tháng tư hoa nở dày đặc nhưng vẫn mang cảm giác nhẹ nhàng cho người ngắm như đang thấy những đám mây thấp màu hồng nhạt trước mặt mình. Loại trà làm từ hoa anh đào, vị nhẹ nhàng quá đến nổi không đủ tinh tế thì khó cảm nhận. Cũng giống như vẻ hấp dẫn của Mạt Trà lừng danh nhưng bị chê là nhạt hoét. Nó không dành cho những cái lưỡi kém thanh tao và nhạy cảm.
Người Nhật thấy được vẻ đẹp của bóng tối nên mới có trước tác Ca ngợi bóng tối của Tanizaki. Họ tinh tế đến độ thấy mình ăn cả khoảng trống trong củ sen khi ăn nó. Họ mê mẩn những cái chén Raku sần sùi và méo mó, gợi lại vẻ đẹp của nham thạch và đá chảy khi núi lửa phun. Đó là những cái nhìn kỳ lạ và thiên tài. Nhưng cái nhìn tinh tế đó không chỉ dành cho những người tài năng cao cả trong số họ. Đó là của chung. Nên họ đan ra những cái giỏ tre, dành cho giới bình
dân, đẹp sắc sảo đến độ các bảo tàng mỹ thuật của nhiều quốc gia giàu có trưng bày rất trang trọng. Họ mê thiên nhiên đến độ đưa con ếch, con chuồn chuồn vào logo những thương hiệu hàng đầu thế giới. Và họ bảo vệ và tôn trọng thiên nhiên đến độ chính phủ luôn phải chặt bớt những cây tuyết tùng già cỗi còn dày đặc trên các rặng núi vì sợ tai nạn do cây đổ.
Dân tộc Nhật với ta luôn là một dân tộc kỳ lạ. Ta thích nhìn những gì họ sáng tạo nhưng ngại ngần khi tiếp xúc trực tiếp, dù họ là những người luôn nhẹ nhàng và khiêm cung với khách. Đôi khi ta ngẫm nghĩ về cái nhìn của họ. Trong mùa thu ở cố đô Kyoto, khi ta quan sát hiện tượng lá đỏ momiji chuyển từ vàng nâu, vàng sậm, cam, đỏ cam và đỏ thẫm. Khi nhìn thấy biển xanh ngắt bên vách núi và từ núi chảy ra những dòng suối nước nóng có lá cây sà xuống mặt nước. Khi nhìn Kim Các Tự vàng óng dưới nắng thu trong tiếng nhạc của đàn Koto. Lúc đó, con người như muốn đắm mình vào thiên nhiên hùng vĩ và đẹp một cách hư ảo. Nếu đó là vẻ đẹp của thiên đường, thì ắt có nhiều người muốn dừng bước. Phải vậy chăng nên người Nhật, từ hiện tượng Hara kiri từ xa xưa, thích tự kết thúc cuộc đời mình? Họ làm điều đó khi cảm thấy đời đang độ đẹp nhất, như lần nữa minh chứng cho triết lý hoa anh đào, rụng khi đang độ đẹp nhất trên cành. Đó là cách nghĩ cực đoan đầy bí ẩn, phảng phất một vẻ đẹp kinh hoàng mà thế giới không bao giờ hiểu nổi.
Đường rong ruổi nhớ thơ Haiku
Nhuốm bệnh trên bước lữ hành mộng đang ở trên cánh đồng đang bay nhảy rong chơi.
Chỉ bằng vài câu thơ ngắn, Basho thiền sư đã làm xao động lòng ta. Mấy câu thơ như những viên sỏi ném vào mặt ao đang tĩnh lặng.
Trong ao xưa con nhái nhảy vào tiếng nước khua.
(Basho)
Không chỉ có tiếng nước mà là một vòng sóng, rồi nhiều vòng mỗi lúc càng lan rộng.
Ta sinh ra và trưởng thành ở một nơi cho đến khi mắt đã có đuôi và tâm hồn thì nhiều lúc mệt mỏi. Nhưng ta được may mắn là đi nhiều, đến được vài nơi mà người bình thường khó đi đến vì chẳng có lý do, cũng không phải là nơi có kỳ quan để thăm thú. Nhiều khi, dọc đường gió bụi, ta nằm bệnh một góc không ai chăm sóc. Trong cơn sốt, ta mơ thấy lung tung. Có khi là bóng dáng một người bước vào phòng tắt mở đèn rồi bước ra. Khi khác, thấy bà ngoại ta về trong giấc mơ, nhờ ta đi mua ly cà phê sữa cho bà như hồi còn nhỏ.
Có đêm nào đó trong một chuyến đi, ta đang mơ được ăn uống giữa cơn đói thì có người dựng dậy rủ đi xin cơm ăn. Đường đêm ở Cần Giờ nhão nhoét bùn, gió từ biển thổi lạnh căm căm vào dịp gần tháng Tết. Vậy mà cũng đến được căn nhà lá của một ngư dân cuối con đường nhỏ. Ông chủ nhà bắt cá nấu tô canh nóng thơm rực và ấm áp chưa từng có khi nào ngon hơn.
Ta luôn thèm một chuyến đi khi ở nhà và luôn có ý muốn quay về khi đang trên đường rong ruổi. Tính cân phân giữa đi hay ở nhiều khi mang đến cho ta nhiều niềm vui, vì đi hay ở đều có điều thú vị. Nằm nhà và mơ về những con quạ mùa thu xứ người, cánh đồng trồng bắp và những cô thôn nữ xứ lạ trêu chọc anh trai chốn khác, một khu phố cổ với mùi lạ, món lạ và ngôn ngữ lạ. Đến khi nằm dài trong một khách sạn, lại mơ màng nhớ nụ cười của con trai nhỏ, vẻ ấm áp của người vợ và mái tóc bạc phơ của mẹ già. Để rồi nửa đêm mở valise ra xem lại dăm món đồ mua tặng người thân yêu mà dâng lên cảm xúc đầy sảng khoái.
Vàng phai cùng với ngàn xanh nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.
(Miura Chora)
Anh bạn chở ta đi lên vùng núi phía bắc ắt còn nhớ cú té ngã kinh hồn khi xe trượt bùn tháng ba mưa dầm lạnh lẽo dọc đuờng lên núi. Những con đường núi âm u, gờn gợn khiến không thể không hình dung như có những oan hồn từ ngàn xưa chống quân giặc từ đất nước phương Bắc, những trận phục kích đánh thực dân như còn lẩn quất trong hơi sương chiều. Đi ngang pháp trường dọc đường núi, tiếng súng đanh xử tội phạm rồi tiếng đóng đinh vào gỗ nghe rợn cả người.
Lúc ấy cuộc sống thật buồn, trời thật âm u, người với người thật lạnh lẽo. Khi gắng lội qua suối, từ chối lời đề nghị của cô gái Thái cao lớn muốn cõng giúp qua con suối chảy xiết, lòng ta đã nhẹ đi nhiều. Tận mắt thấy mưa nguồn suối lũ tận đầu nguồn sông Đà, nghe tiếng mõ trâu chiều chạng vạng trên bản Mường, ta thấy mình lâu nay cứ khư khư ôm lấy tâm thức đô thị, nhìn đời giản đơn, bỏ qua bao điều thú vị và khó chịu với những dị biệt.
- Khi đi qua sông Thương, anh nghĩ gì?
Ta được hỏi như vậy khi đi sâu vào miền Đồng Mỏ, ải Chi Lăng trên chiếc cầu bắc qua sông Thương. Nắng chiều vàng vọt và núi thì xanh thẫm. Cô gái miền núi má hồng không nghe câu trả lời nên không hỏi nữa. Ta nhớ một ca từ trong bài Bên cầu biên giới mà có lẽ cô gái không biết: Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi. Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới. Âm hưởng lời hát dội lại khi ngồi cùng nhóm bạn cũ trong phòng karaoke giữa Sài Gòn dịp gần Tết, nắng rất vàng và ta nghe tin ông Phạm Duy mất. Ta thấy buồn. Nhớ lại tuổi nhỏ ngồi xếp giấy và hát vang cả xóm những ca khúc của ông, những bài hát chỉ có người trộng tuổi mới thích và mới có thể hát được:
Đêm thơm như một giòng sữa.
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà… Những chuyến đi, dù không nhiều nhưng sao luôn làm ta khắc khoải, ở nơi này lại nhớ nơi kia, ta về lại nhớ ta đi (T.C.S). Những bức hình hiếm khi muốn giở ra xem, đọng lại nhiều nhất và lâu nhất là cảm xúc và vài câu nói, hình ảnh bâng quơ như vậy.
Mùi hương ký ức
Đó là một ngày xa xưa. Trong một cơn buồn giận ở tuổi mới lớn, ta tìm cách thoát nó đi bằng cách tìm một nơi thật vắng để lòng tĩnh lại. Nhà đang đông đúc và chật chội, hẻm phố đầy người là người. Ta leo lên cây táo gai trước nhà và chuyền sang nóc nhà bằng tôn phía có bóng râm.
Trời lúc ấy dịu sáng trong một ngày nắng tháng 12, năm đã sắp hầu tàn. Nằm trên mái nhà dốc, ta nhìn lên bầu trời xanh và nghe có tiếng ríu rít dưới chân mình. Đó là thanh âm của hai chú chim sẻ đang giỡn đùa trong đám lá của cành táo sà sát mái nhà. Ta ngắt vội trái táo đã vàng một phía, hơi rám nắng. Vị chua ngọt trong miệng khiến lòng dịu lại. Ngọn gió cuối năm đùa những đám lá qua lại, thả những đốm nắng xuống mặt. Vài con chim bay rất nhanh trên khoảng trời phía trước. Và ta chợt nhận ra rằng chưa bao giờ mình gần thiên nhiên đến vậy, dù nó chỉ là một khoảng trời nhỏ ta thấy hằng ngày, là không gian nhỏ trên mái nhà mình đang ở.
Đôi khi nhớ về kỷ niệm hồi thơ trẻ, chúng ta thử nhớ lại xem có phải đó là khi đang cảm thấy cuộc sống gắn với trời đất cây cỏ quanh ta. Đó là cái cây ta thường leo hái quả ngọt, con đường làng thơm mát sau cơn mưa. Đó là cơn gió làm xao xuyến tuổi vừa lớn, một chiếc lá lạc vào ô cửa sổ. Đó có thể là một con bọ rùa vỏ cứng ta vừa nhặt trên cây lá cách hăng nồng của những buổi trưa hè.
Những chuyến đi du lịch theo tour chưa bao giờ hấp dẫn ta dù là người thích đi đây đó. Khi ngồi trên xe vút qua nhiều nơi, ta tiếc những công viên đông người có vẻ thú vị với cánh diều và những đứa trẻ đá bóng, một con đường rải đá đi vào một khu nhà cổ trồng rất nhiều dây leo đang lướt qua cửa sổ, những nơi chốn không hề có trong lịch trình. Thay vào đó là những khu mua sắm đông nghẹt người và hàng hóa, hay những lâu đài phô vẻ lộng lẫy và vô cảm.
Khi có dịp sang xứ sở của hoa anh đào, riêng đọng lại trong ta không phải là khu kim khí điện máy Ikebokuro nức tiếng hay ánh đèn lộng lẫy của khu Shinjuku mà là những ngôi nhà thấp một tầng trong con hẻm nhỏ giữa đại đô thị Đông Kinh với nhiều chậu cây nhỏ xíu chen chúc, phô những bông hoa màu tím tí xíu. Một ngôi nhà xa lạ ở một đất nước xa lạ mà sao thấy gần gũi, ấm cúng khi thấy thấp thoáng qua ô cửa dáng một ông bố bận pyjama đeo kính đang ngồi chỉ bài cho con học. Con người trên trái đất mới gần gũi với những lo toan bận rộn hằng ngày, ta thấy ấm lòng trong một buổi tối gió lạnh cuối thu đi liêu xiêu đón tàu điện ngầm ở xứ người. Qua một đêm, thức dậy giữa tiếng quạ sương thu lạnh, thấy mình đang có những trải nghiệm tuyệt vời: Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi/Tình hoang mang gợi tứ hoang mangnhư trong bài Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn. Ta không hoang mang. Chỉ cảm thấy đúng như Freya Stark nói: Thức dậy hoàn toàn đơn độc giữa thành phố xa lạ là một trong những cảm giác dễ chịu nhất thế gian. Bầy quạ đen thơ thẩn bên lề đường trước khách sạn trong nắng thu vàng, có lúc không ngần ngại tấn công lũ mèo ngủ gà gật góc công viên gần đó.
Cách nay hai mươi năm, ta từng viết: Sao trở lại hoài cái năm mười chín tuổi… Phải chăng từ ngọn gió thổi trên nhánh tường vi...
Đó là khi ta nhớ về mối tình đầu vụng dại của mình. Sau ngần ấy năm, đọc lại, ta thấy chính ngọn gió đêm cuối năm trong tâm trạng buồn kia mới làm cho mình nhớ, chứ không phải từ một con người cụ thể nào. Và đến giờ, khi bao nhiêu gương mặt trở nên nhòa nhạt, còn đọng lại trong ta cảm xúc của một buổi tối cuối năm, ngồi trước bờ rào trồng hoa tường vi của một ngôi nhà ở Phú Nhuận.
Bây giờ mới thấy thấm thía câu nói của ai đó: Niềm vui là những bông hoa sẽ héo tàn, ký ức là mùi hương vĩnh cửu. Thiên nhiên luôn gợi ký ức và cũng mang đến hy vọng cho cuộc sống phía trước. Và chỉ có thiên nhiên mới an ủi ta đủ đầy. Cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay và hòa nhập vào chính nó, thành một hạt bụi hay chiếc lá.
Tình đầu…
Những khoảnh khắc đây sẽ ở vị trí nào
Trong tim ta, trong tim em
Khi kỷ niệm như rừng già chất đầy trong ấy
Mà lúc nào ta, em cầm đèn soi lại
Thấy được chăng một nhánh mai vàng?
Thuở ấy xuân sang, Năm em hai mươi tuổi
Cách nay nhiều năm, ta thường gặp và nói chuyện với một vị giáo sư già độc thân, là dịch giả một cuốn sách viết về Việt Nam. Ông từng dạy Đại học Sorbone của Pháp, nhận mình hồi còn bên Pháp là cái thùng rác để sinh viên Pháp trút tâm sự. Ông trắng trẻo, nhỏ người và sâu thẳm như một cái hũ không đáy.
Ông bảo: Tôi vẫn nhớ về mối tình đầu của tôi, nhất là những đêm về sáng, nằm vắt taylên trán và nghĩ về nó. Đó là khi ông an ủi khi biết ta đang buồn khi vừa mới chia tay với mối tình đầu tiên nên viết những câu thơ trên.
Tuổi trẻ của chúng ta, người mang đến cho ta bao niềm hạnh phúc tưởng chừng như bất tận. Khi bắt đầu yêu, cứ ngỡ niềm vui sướng này sẽ kéo dài mãi cho đến khi nó không còn nữa. Mối tình đầu ra đi, ta tin rằng cuộc đời không còn là viên kẹo ngọt. Ta đã có vết sẹo trong lòng.
Có điều gì trong đời có thể thay thế được không, mối tình đầu tiên của mỗi người?
Cô giáo cũ của ta, kể chuyện đã từng an ủi một người bạn bị chồng hất hủi. Cô bạn kia bảo:Cậu còn có mối tình đầu để khi chồng xử tệ với mình, thì có cái mà nhớ. Còn tớ, ông ấy là mối tình đầu và mối tình duy nhất của tớ. Nên khi có chuyện gì giữa hai người, tớ còn lấy gì để mà nhớ, còn biết bám víu vào đâu?
Hóa ra mối tình đầu có tác dụng quan trọng như vậy. Nó dùng để nhớ tiếc, tức là luôn đẹp và mong manh. Và công dụng để nhớ này được nhiều người nâng niu mãi trên đường đời của mình.
Khi còn trẻ, chưa trải nghiệm nhiều, ta thắc mắc khi nghe lời ca khúc của Vũ Thành An: Mai đời có cho tôi gặp gỡ. Xin cho đôi môi em cười rạng rỡ. Bây giờ mới thấy rằng, ngày gặp lại của một đôi đã từng yêu nhau, một nụ cười rạng rỡ tưởng rất đơn giản hầu như là khó kiếm. Gần như toàn là những nụ cười gượng gạo, nửa cười nửa mếu, những cái nhìn tiếc nuối và ngỡ ngàng. Có khi là sự xa lạ và lạc lõng, dù không có nghĩa là đối tượng của mình đã tàn tạ khác xưa, mà có khi ngược lại.
Đọng lại lúc đó thường là câu hỏi vì sao? Vì sao những cảm xúc ấp ủ rất lâu trong những năm tháng không gặp nhau, chợt sống lại nhanh chóng và sau đó, dần trôi tuột không cách gì giữ lại được.
Lúc đó, dường như đã xong một giấc kê vàng và bừng tỉnh giấc. Lúc đó ta ước chi giá đừng có một cuộc gặp như vậy.
Cho nên không thể tuyệt đối hóa mối tình đầu. Nó rất đẹp.
Nhưng chốn hoa mộng đó không thể là nơi tận cùng của thế giới, sau đó là không còn gì. Dù biết rằng, như người ta nói, đó là chữ cái đầu tiên nên nó rất quan trọng vì nằm trong bảng chữ cái của cuộc đời.
Đôi khi đang sống hạnh phúc cùng gia đình, ta cũng gác tay lên trán và nhớ về tình đầu. Ta cảm thấy như có một mùi hương cũ xa vắng thoảng qua đâu đó, dịu dàng nhắc nhở rằng mình đã đi qua những đoạn đời rất đẹp không hoài phí. Và thấy mình cần phải gìn giữ hơn, với mối tình cuối cùng và lớn nhất của mình bây giờ.
Xe buýt mùa mưa
Sống ở Sài Gòn, nhiều người không thích mùa mưa cho dù ở đây có một mùa mưa dễ chịu nhất so với xứ khác, ít rả rích lê thê dù có lúc quá ồn ào. Mưa Sài Gòn vào giữa hay cuối mùa luôn dữ dội, có khi vút xối xả vào mắt, mũi người đi trên đường. Đi ngang mấy con đường có cây cao bóng cả như Ba Tháng Hai hay Trần Quang Khải cứ ngỡ cây sẽ đổ ập lên đầu mình.
Sống với những cơn mưa như vậy, mới thấy thật sung sướng với những ai có nhà cửa chắc chắn, ngồi nghe tiếng mưa ầm ầm ngoài đường mà thấy bình an khi cơm canh nóng sốt sắp dọn ra, cha mẹ con cái đã tề tựu không còn ai lang thang dưới mưa. Nhà ở khu cao ráo như Phú Nhuận, quận 3 thì thật an vui vì đường không bị ngập, về nhà khỏi tát nước.
Hồi còn trai trẻ, ta có cảm tình với mấy cô gái biết đọc sách, biết cảm nhận cái hay cái đẹp của thơ văn. Nhưng ta ngần ngại trước cô nào tuyên bố: Em thích chạy xe dưới mưa! Đó chính là những cô lãng mạn nhất và sau này, cô nào cũng dễ yêu sớm, chia tay sớm và buồn cũng sớm. Tuy nhiên, một cô nàng như vậy luôn là thỏi nam châm thu hút đám trai trẻ. Các nàng đó thường mảnh mai, tóc dài, áo dài thì trắng và nếu chạy dưới mưa thì tuy có tội nghiệp vì thấm lạnh nhưng luôn có một vẻ đẹp kỳ lạ trong tà áo càng mỏng mảnh hơn khi thấm nước.
Hồi lớp Mười Một, ta đi học bằng xe buýt. Trước đó, có chiếc xe đạp nhưng xớn xác thế nào mà bị mất cắp khi tập tành ngồi uống cà phê trong một cái quán cóc. Từ đó, ta ngậm ngùi đi bộ, hôm nào khỏe thì đi xe buýt vì lên xe chật như nêm cối, chẳng thà đi bộ.
Trên những chuyến xe buýt lúc năm giờ chiều thường có một cô gái trạc tuổi ta. Cô đón xe ở cổng trường phía trước nên thường lên trước một trạm. Ta đón ở cổng sau nên không rõ cô học lớp nào. Cô ít khi mặc áo dài đến trường mà thường mặc áo trắng tay ngắn, quần jeans xanh. Lúc đó trường học chưa có quy định về đồng phục.
Đứng trên xe buýt, kiểu gì không biết mà lần nào cũng vậy, loay hoay thế nào ta lại thấy mình đứng rất gần cô gái. Cô không đẹp nhưng cũng xinh, mắt to, người cân đối dù nhỏ nhắn. Từ trường về nhà độ ba cây số, xe chật cứng, người lên xuống liên tục mà ta và cô không hiểu vì sao không bị tách ra. Trong lòng trai mới lớn, ta cảm nhận một cách dễ chịu hơi ấm từ vai nhỏ ấm áp của cô, mái tóc thơm mùi xà bông sả. Có nhiều bữa trời mưa lai rai, ta và cô đều thấm ướt do đứng đợi xe tại trạm. Lúc đó, trông cô hơi tái vì lạnh và ta như muốn đứng sát vào nữa để sưởi ấm cho cô. Suốt năm học đó, đi cùng những chuyện xe buýt, nhiều lần âm thầm di chuyển đến gần nhau và lúc nào ta cũng đứng sau lưng cô gái, không ai nói với ai một lời vì có quen biết gì nhau đâu. Cô luôn xuống xe trước ta, không hề liếc mắt nhìn nhưng hơi cúi đầu khi đi qua ta, rèm mi dài cụp xuống. Cô cảm thấy như thế nào trong những va chạm vô tình nhưng lặp lại nhiều lần như vậy? Ta tự hỏi. Xuống xe, cô ôm cặp đi thẳng vào một cái hẻm sâu hun hút, đang dần lên đèn. Mái tôn chìa ra nhỏ nước xuống khiến bước chân cô luồn lách rồi mất hút trong hẻm tối. Ta dõi theo, mỗi ngày như vậy cho đến khi xe di chuyển tiếp.
Câu chuyện chỉ có vậy. Hết mùa mưa, đến gần Noel trời chuyển sang mùa khô, ta có chiếc xe đạp mới và vi vút chở bạn bè đi đá banh, chơi cầu lông hay mua sách trên chiếc xe mới. Tuổi trẻ vô tư, ta quên hẳn cái cảm giác êm ái, dịu dàng mỗi ngày trên chiếc xe buýt mới vừa vài tháng trước.
Có người nói mùa mưa ở Sài Gòn ồn ào và không khiến cho người ta nhớ nhiều. Sinh ra trên đất này, ta thấy mùa mưa ở đây như là một cách biểu thị cảm xúc của trời đất. Trời Sài Gòn trút xuống hàng khối nước khổng lồ rồi mau chóng tạnh, trả lại thật nhanh bầu trời quang, có khi lại có cầu vồng. Những mùa mưa lang thang có tình bạn bè thân thiết. Mưa đến rất nhanh và đi rất nhanh, như cảm xúc tuổi trẻ của ta, mới ngày nào còn bồi hồi mà đã quên lửng một điều gì đó rất đẹp đẽ.
Sài Gòn lại vào mùa mưa. Chiều nay ta đọc được vài câu thơ của Trần Dạ Từ:
tuổi trẻ đi qua một lần, một lần thôi
tôi hèn nhát như một loài dế cỏ hạnh phúc đi qua một lần, cũng chỉ một lần thôi.
Ngồi trong quán trú mưa, có chiếc xe buýt dừng trước cửa. Ký ức thả về một miền xanh thẳm dễ thương nào đó, khi Sài Gòn còn vắng vẻ, nhiều xe đạp, xe buýt thì èo uột và chật cứng. Sao nhớ nao lòng một tấm lưng dìu dịu, êm êm và mái tóc thơm mùi sả của những ngày xa xưa. Cũng chỉ có một lần thôi.
Từng giọt cuộc sống
Mỗi người có một đoạn đời tự mình cảm thấy được sống một cách tự do nhất, bay bổng nhất dù có thể vẫn có những lúc đạt được hạnh phúc viên mãn hơn. Những năm 1990 với ta, sức khỏe đang sung mãn khi chớm vào tuổi ba mươi, da mặt căng, tóc bồng và túi luôn rủng rẻng. Đất nước đã vượt qua thời bao cấp khổ sở, nhiều cơ hội mở ra và niềm lạc quan thì vô biên. Từ hải ngoại, đám bạn bè bặt tin nhau gần hai mươi năm bỗng lũ lượt trở về, thơm phức mùi nước hoa và bóng bẩy tóc râu. Sài Gòn, thành phố đẹp như trang hoàng trở lại (N.N.A) đã xuất hiện lại những ánh chớp tắt của đèn quảng cáo.
Những năm đó, ta hay lui tới bưu điện trung tâm Sài Gòn, ngồi viết thư tại chỗ và quay tem máy. Thư gửi đi tới chân trời xa, mơ hồ trong đó có những cảm xúc lớn dần qua từng dòng chữ mà trước đó không dễ bộc lộ lúc chuyện phiếm với nhau. Gửi xong bức thư, bước đôi chân mỏi ra cửa nhà bưu điện, ta nhìn Sài Gòn từ trên bậc thềm cao mà thấy một niềm hạnh phúc vô cớ tràn đầy. Trên chiếc xe máy phóng về nhà, hít căng lồng ngực hơi lạnh mát của buổi tối Sài Gòn chưa đông xe cộ và không mất an ninh như bây giờ. Sài Gòn như trở lại không khí của những năm đầu thập niên 1970, lúc nghệ thuật đang nở rộ và cuộc sống đang còn sung túc. Rẽ vào con đường nhỏ bên cạnh hồ Con Rùa để ăn vài vắt mì với hoành thánh có miếng bánh tôm chiên, có thoáng dáng mấy nghệ sĩ tranh thủ ăn nhẹ trước buổi diễn. Ngồi đơn lẻ nhưng ta không thấy buồn mà cảm thấy thích thú với cuộc sống độc
thân đang được sắp xếp theo ý mình. Ở đó, ta có thể sống trọn vẹn nhất cho riêng mình, trang trí phòng ở theo ý thích riêng, tậu cái ti vi lớn nhất mà thị trường có được để mê mải xem phim Mỹ cho đến khuya rồi ngủ thiếp đến sáng hôm sau, dậy tập thể dục bằng hai cục tạ tay mà cảm thấy thật khỏe khoắn. Ta tận hưởng tuổi trẻ và sự cô độc một cách ích kỷ, không cho ai xen vào đời sống riêng, đóng cửa phòng và mải miết đọc Eric Maria Remarque, Hemingway hay William Saroyan... để thấy trôi nổi trong đời sống là sung sướng, tình bạn lưu niên có thể thay thế tình yêu và một chút rượu mạnh nhấm nháp, đốt cháy những tế bào li ti trong cổ họng như Remarque đã tả mang đến những cảm giác lâng lâng tuyệt vời.
Khi cơn gió chướng xuất hiện là mùa hội hè đến, bạn bè bảo nhau. Tụ lại, ôn luyện những điệu foxtrot, swing, tango Argentine hay valse Anh nhẹ nhàng như lướt đi trên mũi giày. Căn biệt thự ở đường Điện Biên Phủ của gia đình anh bạn mang đến một cơ hội vui chơi nhẹ nhàng không có lần thứ hai trong đời. Ở đó, có thể tự do tụ tập để cùng nhau tán gẫu mỗi sáng chủ nhật. Các bộ salon bày rải rác để ai thích thì ngồi riêng với nhau, cùng tâm sự hay ngồi đọc sách một mình. Đến trưa, kéo nhau đi ăn rồi quay lại ngủ ngồi trên ghế salon chờ đến chiều sẽ tập khiêu vũ, chuẩn bị cho buổi tối réveillion đêm Giáng sinh hay Tết tây. Buổi tiệc Giáng sinh đến, cô gái nào cũng trở thành giai nhân, chàng trai nào cũng hào hoa thanh lịch. Trong ánh đèn chớp tắt của quả cầu anh bạn mới mang ở nước ngoài về, bạn bè khiêu vũ, thì thầm trò chuyện bên tai, tán tỉnh nhau và đưa nhau về. Ta bắt gặp mình nhiều lúc chỉ muốn ngồi trên ghế sofa, tay cầm ly bia, thích quan sát hơn là dìu bạn gái theo điệu nhạc. Đó mới chính là thú vui riêng tư, nhìn tha nhân và theo dõi những tâm tình nảy sinh trên khuôn mặt còn e lệ ngây thơ của các cô mới lớn, niềm hy vọng của dăm chị lỡ thì và nét ma mãnh của vài chú Don Juan đang tập tành. Ta sống trọn cho mình vào những buổi tối vui như vậy, giữ khoảng cách với những cám dỗ và tự hào vì mình làm được điều đó. Trong ta muốn nếm trải không khí hội hè của những năm tuổi trẻ mà Hemingway say đắm khi sống ở Paris thập niên 1920. Để rồi ban ngày, dưới ánh nắng mặt trời, ta làm việc như điên, chỉn chu như một công chức lâu năm, giam mình đọc sách cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Ta sống thỏa sức, ăn những món ngon nhất có thể, tìm đọc và giữ trong nhà những cuốn sách hay nhất và đôi khi mua một bức tranh, dứt khoát phải là tranh sáng tác dù mắc kinh hoàng, không chấp nhận có bức tranh chép nào trong nhà.
Nhiều khi nhìn lại, ta cảm thấy ngạc nhiên khi mình đã thay đổi khác hẳn hoàn toàn con người cũ năm xưa đó. Mười năm nay, có thể cả tháng trời không ra khỏi nhà vào ban đêm, có thể ăn cơm nhà suốt tuần và đã lâu không mua thêm bức tranh nào. Bây giờ, ta tận hưởng những buổi tối êm đềm, ngồi vẽ cho con những bức tranh nhỏ trên giấy, xếp giấy origami với chúng và đưa cả nhà cùng đi ăn mỗi cuối tuần. Những ngày đang sống thật đẹp, cũng đẹp không kém ngày xưa ta từng sống, những năm yêu dấu của thời tuổi trẻ. Sống không bao giờ tiếc, phóng túng như những năm 1990, hay lặng lẽ như bây giờ dù giai điệu và tiết tấu của chúng khác hẳn. Nhưng dù thế nào, ta biết mình đang nhấp từng ngụm cuộc sống, với một cái ly pha lê đẹp và thưởng thức đến cùng từng giọt, thơm ngon và quyến rũ, có lúc đắng, cay, nhưng hậu vị ngọt đằm.
Phạm Công Luận
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đọc lại “Xem đêm” của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn gọn nhất,...