Đạo trời và tín ngưỡng
dân gian qua ca dao Việt Nam
Trong ca dao, chúng ta gặp rất nhiều câu có chữ trời. Thường
nhất là những câu mà trời dùng để chỉ toàn bộ cảnh vật thiên nhiên tồn tại
quanh con người, trước hết là không gian và cảnh vật trên không:
Ai vô xứ Huế mà coi
Sông Hương núi Ngự cảnh trời đẹp thay
Sông Hương núi Ngự cảnh trời đẹp thay
(CDTTH)(1)
Nhưng bên cạnh trời như một hình ảnh thiên nhiên còn có trời
như một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng quyền uy quyết định tất cả:
Trời làm bão lụt mênh mông
Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi
Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi
(KTCDXN)
Trời không chỉ làm ra núi sông, mưa gió, bão bùng, mà còn làm
ra vạn vật, thậm chí cả cái sướng, cái khổ của con người:
Trời sinh cái cực mần chi
Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.
Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.
(KT CDXN)
Tóm lại, trời là một đấng toàn năng, tạo ra tất cả:
Trời làm một lặng gió Đông
Chồng tôi đi lưới rổ không trở về
Chồng tôi đi lưới rổ không trở về
Trời làm ghê gớm, gớm ghê
Bạn thời chết đói, nhà nghề thời không
Bạn thời chết đói, nhà nghề thời không
Trời làm cho vợ chửi chồng
Đi vay đi tạm luống công đêm ngày
Đi vay đi tạm luống công đêm ngày
(KTCDXN)
Gần trăm năm trước, nhà bác học Nguyễn Văn Huyên đã nhận xét:
“Ông giời đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ
công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta
xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển
tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người
tốt” (2).
Ông trời, ông giời với người nông dân là hiện thân của sức mạnh
siêu nhiên và do đó cũng trở thành một vị thần linh như bao nhiêu thần khác (sấm,
sét, gió, mưa…), chỉ có điều ông trời là vua của các vua, là vị thần cao
nhất, là Ngọc hoàng Thượng đế, ông có một triều đình ở tận trên cao, ở
một cõi khác:
Thang đâu dám bắc tận trời
Lưới đâu dám bủa những nơi cá thần
Lưới đâu dám bủa những nơi cá thần
(KTCDXN)
Người nông dân Việt xưa tin có một đấng thiêng liêng, một cõi
thiêng liêng như vậy. Niềm tin ấy chính là một tín ngưỡng dân gian tồn tại
trong tâm linh, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa của người Việt.
Một trong những biểu hiện của tín ngưỡng ấy là tục thờ tứ
pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tác giả Ngô Đức Thịnh viết: “Trong tâm tưởng của
con người thời đại đó, ai ai cũng phải tuân theo đạo trời đất, phải tôn
vinh, thờ phụng trời đất, khi có hạn hán hay bão lụt phải cầu xin trời đất làm
mưa hay cho tạnh. Từ đó hình thành nên các nghi lễ cầu mưa, trong đó tập trung
nhất là tín ngưỡng tứ pháp”(3).
Tứ pháp là bốn hiện tượng trời tạo nên mưa, do vậy cũng có thể
xem tín ngưỡng tứ pháp là tín ngưỡng thờ trời, hay có thể gọi là đạo trời.
Trong ca dao Việt có nhiều câu nhắc đến đạo trời:
Theo nhau cho trọn đạo trời
Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm
Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm
Vì là đạo nên đạo trời cũng có vị trí, giá trị
trong tâm linh người Việt như những đạo khác. Điều này giải thích vì sao trong
ca dao, trời và phật thường được đặt gần nhau, được xem như những đấng thiêng
liêng như nhau, những đạo giống nhau:
Chắp tay vái lạy bụt giời
Gió đông phẳng lặng, đạo trời theo nhau (4)
Gió đông phẳng lặng, đạo trời theo nhau (4)
(KTCDXN)
Tín ngưỡng đạo trời cũng như những tín ngưỡng khác, một mặt gắn
với nghi lễ thờ cúng, mặt khác nằm sâu trong tâm linh, thể hiện ở lòng tôn
kính, biết ơn, cầu xin, van vái mỗi khi hoạn nạn hay ăn năn hối lỗi khi phạm điều
gì sai, mắc tội.
Tín ngưỡng và tôn giáo (5) là một trong những môi trường nảy
sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa (lễ hội,
thờ cúng…), nhiều sáng tác dân gian như văn chầu, thần tích, thần phả, thần thoại,
truyền thuyết, thơ giáng bút… gắn liền với việc thờ cúng đạo Mẫu hay các vị thần
khác. Ca dao không thuộc loại các giá trị này. Cho đến nay hình như vẫn chưa có
công trình nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ của ca dao với các nghi lễ tín ngưỡng,
chưa dẫn ra những câu ca dao nào trực tiếp bắt nguồn từ các hoạt động tín ngưỡng.
Ca dao trước hết vẫn là những câu hát dân gian được hình thành trong lao động
và sinh hoạt hàng ngày, nói lên kinh nghiệm sản xuất, cảm nghĩ và tình cảm của
người nông dân, nhất là tình yêu nam nữ. Nhưng trong ca dao, chúng ta cũng có
thể tìm thấy dấu vết của các sự tích lịch sử, đời sống vật chất và tinh thần của
xã hội trong những hoàn cảnh khác nhau, dấu vết của các phong tục, tín ngưỡng,
sinh hoạt văn hóa dân gian.
Xét theo phương diện này, nếu tín ngưỡng là “niềm tin vào cái
thiêng”(6) thì có thể thấy ca dao phản ánh khá rõ tín ngưỡng dân gian về trời,
đạo trời.
Ông trời trong ca dao là một đấng thiêng liêng. Người nông
dân Việt coi trời như thánh thần, tất cả đều phụ thuộc vào trời, vào ý trời:
Được thua là sự bởi trời
Chớ thấy sóng cả mà rời tay ra
Chớ thấy sóng cả mà rời tay ra
(KTCDXN)
Người nông dân nhắc đến trời với niềm tin thiêng liêng rằng
cái gì trời cũng biết:
Ai mà ở bạc có trời
Lòng em khăng khẳng một lời như xưa
Lòng em khăng khẳng một lời như xưa
(CDTTH)
Trời là thánh, thần, mọi thứ có được đều nhờ ơn trời, do trời
phù hộ, ban cho:
Nhờ trời hạ kế sang đông
Lúa khoai no đủ, thong dong con người
Lúa khoai no đủ, thong dong con người
(KTCDXN)
Trời thương ai người ấy được, trời ghét ai thì người ấy phải
chịu, đó là số trời, tất cả đều do trời định:
Lương duyên trời định đất kề
Lòng em khăng khắng một bề thương anh
Lòng em khăng khắng một bề thương anh
(CDTTH)
Với sức mạnh và quyền uy ấy, không ai có thể chống lại được ý
trời, một khi trời đã quyết thì không gì cứu vãn được:
Của trời, trời lại lấy đi
Giương hai con mắt làm chi được trời
Giương hai con mắt làm chi được trời
Người nông dân xưa đã tin vào một sức mạnh huyền bí, vô hình,
tồn tại ở đâu đó, thường là ở tận trên cao (trời xanh có phụ ai đâu) và
con người không giải thích được, không can dự được, hoàn toàn phụ thuộc vào nó.
Nhưng tin chưa phải đã là tín ngưỡng. Tín ngưỡng vừa là niềm tin vào cái
thiêng vừa là thái độ, cách ứng xử với cái thiêng. Thái độ tiêu biểu của mọi
tín ngưỡng là sự tôn kính và cầu xin.
Trong ca dao, bên cạnh niềm tin có trời như một đấng toàn
năng thiêng liêng, chúng ta dễ dàng bắt gặp thái độ tôn kính và cầu xin của người
nông dân đối với trời, thể hiện ứng xử có tính chất tín ngưỡng của họ.
Hình ảnh trời luôn luôn hiện ra trong tâm thức của người nông
dân như đấng thiêng liêng, thành kính:
Nửa ngày mưa bụi gió bay
Anh bưng thau nước chắp tay vái trời
Anh bưng thau nước chắp tay vái trời
(CDTTH)
Họ luôn luôn mong được trời phù hộ trong mọi công việc hàng
ngày, từ chuyện đồng áng cho đến những chuyện tình duyên riêng tư:
Trông trời một trận mưa sa
Để cho ngoài ruộng trong nhà được vui
Để cho ngoài ruộng trong nhà được vui
(KTCDXN)
Và cũng như trong mọi tín ngưỡng khác, đứng trước trời, thái
độ tiêu biểu nhất của con người là van vái, cầu xin.
Xin cho con trẻ ăn ngoan, khỏe mạnh:
Lạy trời phù hộ ấu nhi
Ăn no chóng lớn, biết đi biết đùa
Ăn no chóng lớn, biết đi biết đùa
(KTCDXN)
Xin cho tình duyên không bị trắc trở, người mình yêu thương
chung thủy, trước sau vẹn toàn:
Vái trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng
Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng
(CDNTB)
Xin cho tuổi già bình an, trường thọ:
Lạy trời cho miễn sống lâu
Ai kêu bằng chó bằng trâu cũng ừ
Ai kêu bằng chó bằng trâu cũng ừ
(CDTTH)
Nhưng xin nhiều nhất vẫn là cho chuyện làm ăn. Trong hoàn cảnh
một nước nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu là trồng lúa và đánh cá, toàn bộ hoạt động
sản xuất đều phụ thuộc vào thời tiết, vào điều kiện tự nhiên, người nông dân chỉ
biết cầu trời, mong sao công việc làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, người đi
làm xa trở về bình an:
Lạy trời trăm lạy trời ơi
Trông cho trong ruộng ngoài khơi được mùa
Trông cho trong ruộng ngoài khơi được mùa
(KTCDXN)
Thành kính, cầu xin là những dấu hiệu của tín ngưỡng nhưng cảm
giác tội lỗi cũng rất điển hình cho cách ứng xử mang tính chất tôn giáo. Trong
ca dao chúng ta bắt gặp khá nhiều câu diễn tả cảm giác của người nông dân thấy
mình có tội với trời khi làm điều gì đó không phải:
Đã thành gia thất thì thôi
Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang
Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang
(CDNTB)
Cảm giác mắc tội ấy rõ ràng là một cảm giác tín ngưỡng, chỉ
có điều tín ngưỡng ở đây không đi kèm với những lễ nghi như trong các tín ngưỡng
khác. Người ta nói mình mắc tội với trời nhưng không đi đến nơi có thờ trời (7)
để dâng lễ và cầu xin tha tội. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm của tín ngưỡng trời,
một tín ngưỡng dân gian nặng về tâm linh hơn là nghi thức.
Một điểm khác biệt nữa của tín ngưỡng dân gian này là khi lạy
trời, người nông dân không chỉ van vái cầu xin trời rủ lòng thương, ban ơn cứu
vớt, ban phước lành như khi đến cửa phật hay vào nhà thờ mà còn kêu cầu sự công
minh, trừng phạt cái ác, cái xấu:
Những người nói láo nói không
Xin trời quăng xuống giữa sông Bồ Đề
Xin trời quăng xuống giữa sông Bồ Đề
(KTCDXN)
Trời ở đây không chỉ là vị thần từ bi, bác ái, cứu độ chúng
sinh mà còn là hiện thân của “mọi lẽ công bằng… thường phạt kẻ xấu và ban thưởng
người tốt” (8). Người dân quê tin hoặc chí ít cũng muốn tin là có điều đó:
Em mà ăn ở hai lòng
Trời tru đất diệt không mong thấy chàng
Trời tru đất diệt không mong thấy chàng
(CDNTB)
Yêu cầu về công lý, niềm tin vào mọi lẽ công bằng làm cho tín
ngưỡng trời không còn thuần túy là tín ngưỡng tâm linh, tinh thần nữa. Ông trời
đã mang dáng dấp của Bao công mang tính chất thế tục, tính chất xã hội,
như một con người…
Điều này giải thích vì sao hình ảnh trời trong ca dao hiện ra
không phải lúc nào cũng thiêng liêng, thần thánh mà nhiều khi rất người, rất
quen thuộc:
Mẹ cha là biển là trời
Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha
Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha
(CDNTB)
Vì trời không chỉ là thánh, thần mà còn là người nên quan hệ
của con người với trời cũng có khác. Trời với người gần gũi, thân thiện:
Trời mưa thì mặc trời mưa
Tôi không tơi nón, trời đưa tôi về
Tôi không tơi nón, trời đưa tôi về
(CDTTH)
Trời tham gia vào những chuyện rất đời thường:
Ông tra mà đội nón cời
Muốn đi ve gái mà trời không cho
Muốn đi ve gái mà trời không cho
(KTCDXN)
Bản thân trời cũng như người, có kẻ ghét người thương:
Trời còn có kẻ không ưa
Huống chi phận thiếp, ở cho vừa lòng ai
Huống chi phận thiếp, ở cho vừa lòng ai
(CDTTH)
Với quan niệm về trời như vậy nên thái độ của người nông dân
với trời cũng trở nên bình đẳng, không còn sợ sệt. Người ta không chỉ lạy trời,
xin trời, vái trời mà còn mạnh dạn hỏi trời, muốn tận mặt gặp trời:
Phải chi lên đặng ông trời
Hỏi xem duyên nợ đổi dời về đâu
Hỏi xem duyên nợ đổi dời về đâu
(CDNTB)
Thậm chí đùa giỡn, sàm sỡ với trời:
Trông trời, trời mưa cho to
Không mai thì mốt, tôi gả chị cho trời
Không mai thì mốt, tôi gả chị cho trời
(KTCDXN)
Từ chỗ kéo trời từ trên cao xuống mặt đất, nhìn trời không phải
như thần thánh mà như người, một quan hệ bình đẳng, người ta tự cho phép mình
có thể có thái độ bất kính với trời:
Một lòng chỉ quyết lấy anh
Ong bay bướm lượn xung quanh mặc trời
Ong bay bướm lượn xung quanh mặc trời
(KTCDXN)
Đến đây xuất hiện vấn đề: liệu một thái độ như vậy có phản
ánh đúng tín ngưỡng trời của người nông dân xưa, có thực là một phần trong cách
ứng xử với trời như một tín ngưỡng hay chỉ là hình tượng nghệ thuật về trời
trong ca dao… Câu trả lời quả không đơn giản.
Một mặt, bản thân tín ngưỡng dân gian là hiện tượng phức tạp,
chứa đựng, pha trộn nhiều yếu tố gắn liền với tư duy cổ sơ, với lối nhân hóa tự
nhiên, tất cả những gì siêu nhiên đều được quy về con người, đời sống con người.
Ở đây cái trừu tượng, không hiểu thì biến thành cụ thể, dễ hiểu (trời thành ông
trời), còn cái cụ thể, dễ hiểu thì biến thành huyền bí, xa vời (mưa thành thần
mưa, bếp thành ông đầu hỏa, ông đầu rau…). Thêm nữa cũng cần thấy rằng đối với
người nông dân xưa, tín ngưỡng không thuần túy là chiêm nghiệm tinh thần, nó
còn là một phương tiện để sống, để tồn tại; cái thiêng và cái thực dụng xen kẽ
với nhau. Điều đó phần nào giải thích vì sao mặc dù sùng bái trời, người ta vẫn
có thể coi trời như bạn, có khi còn chế diễu, chống lại.
Mặt khác, ca dao không phải là giá trị văn hóa trực tiếp nảy
sinh từ những nghi thức tín ngưỡng mà là khúc hát tình, gắn liền với đời sống
lao động sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Trong những hình tượng, biểu
tượng ca dao có thể pha trộn nhiều thứ: kinh nghiệm sản xuất, nhận thức tự
nhiên, tín ngưỡng, triết lý xã hội, con người, tình cảm…Hình tượng ca dao – cụ
thể ở đây là hình tượng trời – bởi vậy có thể không thuần khiết, đơn nghĩa.
Thái độ của người nông dân với trời có chỗ phản ánh tín ngưỡng của họ nhưng có
chỗ thuộc về cái nhìn xã hội, đạo đức của sáng tạo của dân gian.
Học giả Đào Duy Anh viết: “Trước khi có Cơ đốc giáo du nhập,
người nước ta đồng thời sùng bái cả trời, phật, các thần linh ở
trong vũ trụ, các quỷ thần hay là linh hồn người chết” (9). Sùng bái trời chính
là tín ngưỡng trời, đạo trời, đã để lại dấu vết trong nhiều sáng tác dân gian,
trong đó có ca dao. Khảo sát nhỏ 598 câu có chữ trời trong ca dao miền Trung
trên đây phần nào minh chứng điều đó. Rất tiếc là hiện tượng này đến nay còn
chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu tín ngưỡng dân gian cũng
như văn hóa dân gian ở nước ta (10).
Chú thích:
Những câu ca dao được dẫn trong bài lấy trong các công trình:
Hát ví đồng bằng Hà Bắc, Mã Giang Lân, Nguyễn Đình Bưu
sưu tầm, biên soạn, Ty Văn hóa Hà Bắc xb, Bắc Giang, 1976 (viết tắt HVĐBHB).
Ca dao ngạn ngữ Hà Nội, Triêu Dương, Phạm Hòa, Tảo
Trang, Chu Hà, Hội văn nghệ Hà Nội xb, 1972 (viết tắt CDNNHN).
Kho tàng ca dao Xứ Nghệ, tập 1 và 2, Ninh Viết Giao chủ biên,
Nxb Nghệ An, Vinh, 1996 (viết tắt KTCDXN).
Ca dao Thừa Thiên Huế, Triều Nguyên, Hội Liên hiệp văn học
nghệ thuật Thừa Thiên Huế xb, Huế, 2005 (viết tắt CDTTH).
Ca dao Nam Trung Bộ, Thạch Phương, Ngô Quang Hiển, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội, 1994 (viết tắt CDNTB)
Ca dao dân ca Nam Bộ, Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát,
Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị, Nxb TP.HCM, 1984 (viết tắt CDDCNB).
2, 8. Nguyễn Văn Huyên, Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập
1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.111.
3, 6. Ngô Đức Thịnh chủ biên, Tín ngưỡng và văn hóa tín
ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.361, 17.
Trong Văn học dân gian, tập 1, Nxb Đại học và Trung học
chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972, tr.197, tá giả Đinh Gia Khánh cho rằng: “Hai tên gọi
khác nhau là bụt và phật phản ánh hai còn đường du nhập của đạo Phật, một đằng
thì trực tiếp từ Ấn Độ sang (bụt là phiên âm thẳng từ Ấn Độ, buddha); một đằng
thì thông qua Trung Quốc (phật, phù đồ là âm Hán Việt của các từ ngữ Trung Quốc).
Bụt lại là từ ngữ dân gian, còn phật thì là từ ngữ bác học”. Trong cuốn Những
tiếng trống qua cửa nhà sấm, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2004, tác giả Huệ Thiên
không đồng tình. Ông cho rằng cả bụt lẫn phật đều là những hình thức phiên âm của
từ Sanskrit buddha. Từ này đã được người Trung Hoa phiên âm bằng nhiều
cách, đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Phật Đà, Phật Đồ, Phù Đồ. Phật là
dạng tắt đã trở thành thông dụng của Phật Đà và Phật Đồ. Còn Bụt là
âm xưa còn Phật là âm nay của cùng một chữ Hán, chứ không phải một đằng là âm
dân gian, một đằng là âm bác học, càng không phải bụt là âm do người
Việt Nam phiên thẳng từ tiếng Ấn Độ (tr.195-196).
Chúng tôi quan niệmtín ngưỡnglà hình thức thể hiện niềm tin của
con người vào cái thiêng liêng, còn tôn giáo cũng là tín ngưỡng,
nhưng có hình thức biểu hiện và tổ chức riêng, xuất hiện trong một điều kiện và
giai đoạn lịch sử cụ thể.
Trong ca dao, có khi ông trời được đồng nhất với Ngọc hoàng,
tuy nhiên ở Việt Nam việc thờ cúng Ngọc hoàng chủ yếu gắn với vị thần linh cao
nhất trong tục thờ tiên của Đạo giáo Trung Hoa nhập vào Việt Nam chứ không phải
gắn với ông trời trong tín ngưỡng dân gian. Ngay cả đối với Ngọc hoàng nghi lễ
và thờ cúng cũng rất mờ nhạt (Xem Ngô Đức Thịnh chủ biên, sđd tr.130).
Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn phương,
1951, tr.203.
Trong sách do tác giả Ngô Đức Thịnh chủ biên, sđd, không thấy
có phần nói về tín ngưỡng trời, sự sùng bái trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét