"Ðóa hoa vô thường"
và nghệ thuật ca từ của Trịnh Công Sơn
Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài
Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em
Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn
Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh
Từ nay tôi đã có người có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi có tôi trong dáng em ngồi trước sân
Từ nay tôi đã có tình có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa
Từ em tôi đã đắp bồi có tôi trong dáng em ngồi trước sân
Mùa đông cho em nỗi buồn, chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành
Tàn đông con nước kéo lên, chút tình mới chớm đã viên thành
Từ nay anh đã có nàng biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà có con chim hót tên là ái ân
Mùa xuân trên những mái nhà có con chim hót tên là ái ân
Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào
Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình. Em buồn đền trọn mối tình
Một chiều em đứng cuối sông gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà
Chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn
Một thời yêu dấu đã qua gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà
Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Từ đó trong hồn ta ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia
Từ đó ta ngồi mê để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa
Từ đó ta nằm đau ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường
Một chút vô thường theo từng phút cao giờ sâu
Từ đó hoa là em một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên
Từ đó em là sương rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm nở đóa hoa vô thường
Nhận xét về mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc của Trịnh Công
Sơn, nhạc sỹ Văn Cao từng viết: „Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ
hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không
thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim…” [1]. So sánh với ca từ
của tình khúc tiền chiến, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng “ngôn ngữ trong nhạc Trịnh
Công Sơn rất mới, chất chứa những hình ảnh lạ lùng, quyến rũ như cơn mưa hồng,
thuở hồng hoang, dấu địa đàng, cánh vạc bay…” [2]. Ði sâu hơn vào các khía cạnh
tu từ trong tác phẩm Trịnh Công Sơn, nhà phê bình Ðặng Tiến từ Paris trong một
bài viết mới đây có nêu lên đặc điểm rằng: “lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh,
biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải
hiểu nghĩa chính xác” [3]. Liệu từ tính chất “bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho
đúng nghĩa” [4] đã được xác tín bởi tên tuổi của những tác giả hàng đầu vừa nhắc
tới, còn có thể nói lên một điều gì đó như là một thông điệp ý nghĩa riêng, một
mã nghệ thuật ngôn từ cụ thể của Trịnh Công Sơn hay không? Và thông điệp này -
nếu có thể nhận diện - liệu có ảnh hưởng gì đến mỹ cảm hiện thời, và nói rộng
hơn, đến việc hình thành diện mạo văn hóa Việt Nam đương đại?
Bấy nhiêu câu hỏi được đặt ra chỉ mang tính chất gợi mở và
không có tham vọng được giải quyết trong khuôn khổ một bài tham luận ngắn. Ở
đây, xin được giới hạn những nhận xét về đặc trưng nghệ thuật ca từ của Trịnh
Công Sơn vào việc phân tích một vài khía cạnh của một tác phẩm cụ thể - là ca
khúc “Ðóa hoa vô thường” [5] mà chúng ta vừa nghe và nhìn qua Videoclip của đạo
diễn Phạm Hoàng Nam với ca sĩ Hồng Nhung. [6]
Bản thân đầu đề “Ðóa hoa vô thường” đã là một kết cấu ngữ
nghĩa rất đặc thù cho Trịnh Công Sơn. “Ðóa hoa” chỉ một đối tượng cụ thể, một
thực thể - còn “vô thường” lại là một khái niệm trừu tượng trong bản thể luận của
Phật giáo, chỉ một trong ba thuộc tính của Tồn tại (Vô thường - Ðau khổ - Vô
ngã) [7], hàm ý rằng thế giới là một trường biến hóa không ngừng, tất cả những
gì mà giác quan của chúng ta cảm nhận là bất biến và vĩnh hằng thật ra chỉ là “những
danh sắc trôi chảy, những trạng thái biến hiện.” [8] Ðược phản chiếu bởi những ý
niệm siêu hình này phát ra từ vị ngữ “vô thường”, chủ ngữ “đoá hoa” đứng trước
trong trục ngữ đoạn được cung cấp một ngữ nghĩa hoàn toàn mới, “đóa hoa” ấy
không còn là một đóa hoa cụ thể nữa, mà đã trở thành cái Vĩnh hằng của cái Vô hằng,
đã được siêu hình hóa thành Chân tính của dòng Vô thường biến ảo. Ngược lại, mọc
trên đài của “Ðóa hoa” ấy, “Vô thường” dường như cũng được thắp sáng, rũ khỏi
bóng tối của Vô minh. Ði dọc theo văn bản tác phẩm, chúng ta sẽ thấy khái niệm
“vô thường” xuất hiện tất cả 4 lần (lần thứ nhất: “Tìm trong vô thường - Có đôi
dòng kinh…”; lần thứ hai: “Một chút vô thường theo - Từng phút cao giờ sâu”; lần
thứ ba: “Nở hết trong hoàng hôn - Ðợi gió vô thường lên”; và lần thứ tư ở hai
câu kết thúc bài: “Từ đó ta là đêm - Nở đoá hoa vô thường”). Ở mỗi lần, nghĩa của
từ “vô thường” đều có sự biến thái, và đặc biệt ở lần cuối trong sự kết hợp với
từ “đóa hoa” lúc bấy giờ có cương vị ngữ pháp của một vị ngữ và với động từ “nở”,
ý nghĩa toàn văn bản của “Ðóa hoa vô thường” mới thật sự được khai tỏ.
Ba khổ đầu tiên với điệp ngữ “Tìm em…” diễn đạt một mô-tiv
quen thuộc của chủ nghĩa lãng mạn, mô-tiv của người lữ khách trên đường lữ thứ,
của cái Tôi lãng mạn không có quê hương - nói đúng hơn là đã khước từ thế giới
trong trật tự hiện hành của nó -, cho dù như một chàng Heinrich trong tiểu thuyết
“Heinrich von Ofterdingen” của nhà văn lãng mạn Ðức Novalis để đi tìm một “Ðóa hoa xanh” - một “Blaue Blume” - từng bắt gặp trong một giấc mơ, hay là để “Tìm
trên non ngàn - Một cành hoa khôi” như trong “Ðóa hoa vô thường” của Trịnh Công
Sơn. Ta hãy lưu ý đến những hình ảnh được triển khai tiếp theo trong khổ thơ đầu:
“… Nụ cười mong manh - Một hồn yếu đuối - Một bờ môi thơm - Một hồn giấy mới”.
Nói theo phân tâm học đây là một “giấc mơ ngày” (Tagtraum), ẩn chứa những tưởng
tượng mang tính dục (erotische Phantasien) về một tình nhân chưa hề gặp. Còn nếu
có thể nói theo ngôn ngữ nhà Phật, phải chăng đấy là lòng tham sống, là dục vọng
chiếm hữu và níu kéo những sắc ảnh mong manh của cõi thế? Cuộc đi tìm ấy diễn
ra trong đêm tối và cả trong“ngày tinh khôi”, sang khổ thơ thứ hai chúng ta thấy
người lữ khách đã phải tự khích lệ, đã phải tự “nhủ lòng tôi ơi”. Ðến khổ thứ
ba thì người đi tìm đó không chỉ còn tự nhủ lòng mình, mà đã phải gọi trực tiếp
đến “em” bằng một từ cảm thán: “Chưa từng tuyệt vọng - Ðâu em!”. Câu cuối cùng
từ khổ bốn chữ đột ngột xuống thành hai chữ, song hai chữ “Ðâu em!” này trong
nhịp nhạc được ngân dài ra, nhấn mạnh tính chất của một lời gọi. Mặc dù tự trấn
an và xin được trấn an như vậy, tình hình quả thực đã trở nên tuyệt vọng:
“Trong chiều bạc mệnh - Trăng tàn nguyệt tận…”
Trong khổ bốn, người lữ khách đã tìm thấy được “em”. Ta hãy
thử nghe kỹ lại về bối cảnh của cuộc hội ngộ này: “Tìm trong vô thường - Có đôi
dòng kinh - Sấm bay rền vang - Bỗng tôi thấy em - Dưới chân cội nguồn - Tôi mời
em về - Ðêm gội mưa trong - Em ngồi bốn bề - Thơm ngát hương trầm”. Tại sao lại
có em ở “dưới chân cội nguồn”? Và chúng ta hãy lưu ý chốn “dưới chân cội nguồn”
này lại nằm trong “vô thường” - những hình ảnh quyết không phải là của chốn hạ
giới nữa. Hình ảnh em ngồi bốn bề - Thơm ngát hương trầm”càng nhấn mạnh ấn tượng
“em” đúng là người của tiên cảnh rồi. Chúng ta lưu ý ở đây là những chi tiết của
“giấc mơ ngày”, ẩn chứa những tưởng tượng mang tính dục đã nói ở trên (“Nụ cười
mong manh… - Một bờ môi thơm”) đã hoàn toàn được gột rửa, câu “đêm gội mưa
trong” cũng hàm chứa ý tưởng siêu thoát đó.
Từ khổ thứ sáu đến khổ thứ tám, thể thơ từ bốn chữ trước đó
được chuyển sang thể lục bát (trong nhạc từ nhịp 6/8 chuyển sang nhịp 2/4, với
ghi chú của tác giả trên khung nhạc “Ðưa tình về - Nhịp hớn hở”). Phần lục bát
mô tả hạnh phúc ái ân này không dài. Ta hãy lưu ý đến khổ lục bát ở giữa (khổ
thứ bảy) “Mùa đông cho em nỗi buồn - Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông…”
(trong nhạc, nhịp ở đây chậm hẳn lại). Tại sao đang trong hạnh phúc “hớn hở” của
ái ân lại có hình ảnh lạ lùng của “chiều em ra đứng hát kinh đầu sông”? Hình ảnh
này về sau sẽ được điệp lại một lần nữa ở ý “Một chiều em đứng cuối sông”,
nhưng vào lúc đó chính đã đến thời điểm “Một thời yêu dấu đã qua”, khi mà “gió
mùa thu rất ân cần” đã chở “những lời tình em trối trăn” đi rồi. Ở đây chỉ là một
thoáng nghi hoặc đầu tiên, nhưng rồi được át đi ngay, nhịp lại trở về nhí nhảnh
“Từ nay anh đã có nàng… - Có con chim hót tên là ái ân”
Từ “Sen hồng một nụ…” (xem khổ thứ chín) nhịp thơ trên căn bản
trở lại 4 chữ, tương tự như ở phần “Tìm em tôi tìm - Mình hạc xương mai…”, song
nhạc chậm hẳn lại và thay đổi sang nhịp 3/4. Tôi đồ rằng đây không còn là ngôn
ngữ của người lữ hành, của nhân vật “Tôi” nữa, mà là tiếng nói của “em”. Bởi
“Sen buồn một mình - Em buồn đền trọn mối tình” - đấy là lời tâm sự của riêng
mình “em” với sen, và lời “em” tự nhủ với mình; diễn dịch ra cú pháp văn xuôi,
câu này sẽ phải là: “Em buồn, nhưng em phải đền trọn mối tình của anh”. Rồi cái
phải đến đã đến: “Một chiều em đứng cuối sông… - Một thời yêu dấu đã qua”. Ở đây
chỉ xin lưu ý tới hai điểm. Ðiểm thứ nhất: Trong khổ “Một thời yêu dấu đã qua -
Gót hồng em muốn quay về - Dù trần gian có xót xa - Cũng đành về với quê nhà”
có một ý có lẽ rất khó hiểu: “Quê nhà” này là ở đâu vậy mà “dù trần gian có xót
xa” cũng phải quay về? Quê nhà ở đây chắc không phải là trần gian đâu, trần
gian là chốn của anh, bởi cho dù anh có xót xa ở cõi trần thì “gót hồng” em vẫn
phải quay về. Quê nhà của em - đấy chính là nơi gặp gỡ đầu tiên, tức là trong
“vô thường”, là nơi có “sấm bay rền vang”, là nơi có em ở “dưới chân cội nguồn”.
Ðiểm lưu ý thứ hai: Khổ thơ sáu chữ được sử dụng ở đây tôi cho có lẽ không phải
là vô tình. Khổ bốn chữ ở trên “Sen hồng một nụ - Em ngồi một thuở… “ là
Monolog, là độc thoại.
Thể lục bát trong phần mô tả hạnh phúc ở trên là để thể hiện tính chất Dialog, tính chất đối thoại, là hỏi - đáp, hô - ứng, là “anh đã có nàng”, là tiếng đồng vọng, thậm chí trong thơ còn “có con chim hót” (!) nữa. Còn khổ câu sáu chữ đứng đơn lẻ mà mà không có câu tám ở đây (xin nhắc lại: “Một thời yêu dấu đã qua - Gót hồng em muốn quay về - Dù trần gian có xót xa - Cũng đành về với quê nhà”) có thể nói là một độc thoại bất đắc dĩ, một độc thoại trong tư thế hồi tưởng đến đối thoại, là những câu sáu chữ vang lên một mình mà không có sự đồng vọng của cả tổng thể các câu 6 - 8 trước đấy.
Thể lục bát trong phần mô tả hạnh phúc ở trên là để thể hiện tính chất Dialog, tính chất đối thoại, là hỏi - đáp, hô - ứng, là “anh đã có nàng”, là tiếng đồng vọng, thậm chí trong thơ còn “có con chim hót” (!) nữa. Còn khổ câu sáu chữ đứng đơn lẻ mà mà không có câu tám ở đây (xin nhắc lại: “Một thời yêu dấu đã qua - Gót hồng em muốn quay về - Dù trần gian có xót xa - Cũng đành về với quê nhà”) có thể nói là một độc thoại bất đắc dĩ, một độc thoại trong tư thế hồi tưởng đến đối thoại, là những câu sáu chữ vang lên một mình mà không có sự đồng vọng của cả tổng thể các câu 6 - 8 trước đấy.
Chúng ta đến phần cuối của bài: “Từ đó trong vườn khuya - Ôi
áo xưa em là - Một chút mây phù du…” (Xin nhắc: “Vườn khuya” này chính là “vườn
mưa tạnh” trước đây, nơi có “tiếng nhạc hân hoan” để “trăng vàng khai hội” đón
tình về). Bây giờ là lúc người lữ khách không còn “tìm trên non ngàn” hay ”tìm
đêm chưa từng - tìm ngày tinh khôi” nữa, mà là “ngồi mê”, “nằm đau”. Mô-tiv “áo
xưa” của em giờ là “một chút mây phù du” có thể nói là một mô-tiv quen thuộc
trong các tình khúc nổi tiếng khác của Trịnh Công Sơn - chẳng hạn như ý “áo em
bây giờ mờ xa nẻo mây” trong “Hạ Trắng”. Ở đây ta thấy cũng có hình ảnh của “đường
xa”, của “chuyến xe” - song đó chỉ còn là sự vận động, là cuộc lữ hành trong
tâm tưởng. “Một chút vô thường theo - Từng phút cao giờ sâu”: Không gian lữ
hành dường đã được thu lại trong thời gian, người lữ hành lúc bấy giờ chỉ còn lại
có thời gian, và thời gian lúc bấy giờ có cả chiều “cao - sâu”… Thời gian dường
như đang bước tiếp, trước hết là em thành hoa “nở hết trong hoàng hôn” - đẩy
lùi bóng tối để chờ đợi, để gọi gió “vô thường”, rồi tiếp đó em thành sương “rụng
mát trong bình minh”, mở đầu ngày mới. Và cuối cùng: ”Từ đó ta là đêm - Nở đóa hoa vô thường”. “Ta” chứ không phải là “tôi” nữa, “Ta” đây chính là cả “Tôi và
Em“, hay như Trịnh Công Sơn nói về sau này: “Em là tôi và tôi cũng là em”. Hiểu
theo biểu tượng của Thiền: Ta là Ðêm, ta không còn là Tự Ngã đầy khổ đau nữa,
là sự xoá bỏ khoảng cách giữa chủ thể và khách thể, và “Ðêm” ấy là giây lát cuối
cùng trước khi “nở đoá hoa vô thường”, trước giây lát đốn ngộ.
Thời điểm ra đời của “Ðóa hoa vô thường” đáng tiếc không xác
định được rõ, bản in mà tác giả bài tham luận này có không ghi rõ xuất xứ tác
phẩm. Căn cứ vào những nội dung vừa phân tích ở trên và một nhận định của nhạc
sĩ Phạm Duy rằng: “một, hai năm trước biến cố 30-4-1975, nhạc Trịnh Công Sơn đi
vào Thiền, có lẽ cũng giống như tôi (tức P.D.) đi vào Đạo Ca” [9], tôi phỏng
đoán rằng “Ðóa hoa vô thường” có lẽ đã được viết vào thời gian này. Từ “Ướt mi”
ra đời vào năm 1958, qua những “Nguyệt ca”, “Ðêm thấy ta là thác đổ”, “Cát bụi”…
đến “Ðóa hoa vô thường”, tác phẩm của Trịnh Công Sơn dường như đã trở thành một
vũ trụ nghệ thuật riêng của miền Nam trước 1975. Nó là cầu nối từ Thơ Mới, từ
ca khúc Tiền Chiến để sau 1975 - qua suốt thời gian hai cuộc chiến và chia cách
Bắc - Nam, nối tiếp dòng văn hóa của cả nước sau những gián đoạn và hoang phế.
Hơn 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc, tác phẩm của Trịnh Công Sơn - cũng như
ca khúc Tiền chiến vốn có thời chỉ còn tồn tại như một nền văn hóa đặc tuyển,
giới hạn trong một phạm vi công chúng hẹp - đã trở thành một phần của văn hoá đại
chúng. Videoclip mà chúng ta xem ở trên cũng là sản phẩm của nền văn hóa đại
chúng ấy. Bông sen, đóa sen, nhị sen, lá sen - nói đúng hơn là cả đầm sen -
trong phim ấy không còn là “đoá hoa vô thường” nữa, mà chỉ còn đơn giản là
decoration, là những hoạ tiết trang trí không nhất thiết phải chuyển tải một
thông điệp nào. Và về phần mình, mã nghệ thuật - ít nhất là mã nghệ thuật ngôn
từ - của Trịnh Công Sơn cũng đã gây nên những ảnh hưởng sâu rộng trong giới
sáng tác và thưởng thức. Tính chất “bảng lảng, mơ hồ khó phân định cho đúng
nghĩa” [10] trong ca từ của ông - xin một lần cuối nhắc lại lời của Phạm Duy -
đã trở thành phong cách chung trong ca từ và thi ca Việt Nam đương đại. Thế
nhưng nếu như một “Hạ trắng”, một “Nụ cười mong manh” là mới, là đầy tính gợi mở
ở Trịnh Công Sơn, thì một “Mùa thu trắng” (như tên một ca khúc của Trần Tiến)
hay một “Tình khúc mong manh” (như tên một ca khúc của Phú Quang) chỉ còn là những
nỗ lực vô vọng nhằm nối dài ngôn ngữ nghệ thuật của một thời. Ðể kết thúc, xin
được trở lại một ý thơ của Trịnh Công Sơn: Xin hãy tìm “Một cành hoa khôi”, xin
hãy tìm “Một hồn giấy mới”. “Ðóa hoa vô thường” ấy chỉ nở có một lần. Và trong
lần nở ấy, hoa chỉ kể về những bí mật của riêng mình mà thôi.
[1] Văn Cao, Lời bạt cho tập nhạc Trịnh Công Sơn Em còn nhớ
hay em đã quên, NXB Trẻ, TPHCM, 1991, Tr. 115
[2] Phạm Duy, Hồi ký III, xem ở www.saomai.org
[3] Ðặng Tiến, Ðời và Nhạc Trịnh Công Sơn, 14.04.2001, Bản thảo
[4] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên
[5] Ðể bạn đọc tiện tham khảo, phần lời của ca khúc được in kèm ở cuối bài viết này (phần đánh dấu thứ tự các khổ là của tác giả bài viết)
[6] Xin trả nợ người, Video CD, Hãng phim Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1994 (Bài tham luận này được đọc trong đêm "Nhớ Trịnh Công Sơn“ tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Berlin, 30.04.2001, trước bài tham luận là phần chiếu Video-Clip "Đóa hoa vô thường“).
[7] Xem “Lexikon der östlichen Weisheitslehren”, O.W. Barth Verlag, 1995, tr. 16, mục "Anitya” và tr. 402, mục “Trilakshana” và bản tiếng Việt “Từ điển minh triết phương Ðông” của Lê Diên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr. 42, mục “ANITYA” và tr. 749, mục “TRILAKSHANA”. Các thuật ngữ ở đó được dịch như sau [Trilakschana = Drei Merkmale alles bedingten Seiens = Ba đặc trưng của sự tồn tại bị quy định; Anitya = Vergänglichkeit = Vô thường; Duhkha = Leiden = Ðau khổ; Anâtman = Unpersönlichkeit = Vô ngã).
[8] Nguyễn Ðăng Thực, Lịch sử triết học phương Ðông, Tập 3, NXB TPHCM 1991, tr. 212.
[9] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên.
[10] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên.
[2] Phạm Duy, Hồi ký III, xem ở www.saomai.org
[3] Ðặng Tiến, Ðời và Nhạc Trịnh Công Sơn, 14.04.2001, Bản thảo
[4] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên
[5] Ðể bạn đọc tiện tham khảo, phần lời của ca khúc được in kèm ở cuối bài viết này (phần đánh dấu thứ tự các khổ là của tác giả bài viết)
[6] Xin trả nợ người, Video CD, Hãng phim Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1994 (Bài tham luận này được đọc trong đêm "Nhớ Trịnh Công Sơn“ tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Berlin, 30.04.2001, trước bài tham luận là phần chiếu Video-Clip "Đóa hoa vô thường“).
[7] Xem “Lexikon der östlichen Weisheitslehren”, O.W. Barth Verlag, 1995, tr. 16, mục "Anitya” và tr. 402, mục “Trilakshana” và bản tiếng Việt “Từ điển minh triết phương Ðông” của Lê Diên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr. 42, mục “ANITYA” và tr. 749, mục “TRILAKSHANA”. Các thuật ngữ ở đó được dịch như sau [Trilakschana = Drei Merkmale alles bedingten Seiens = Ba đặc trưng của sự tồn tại bị quy định; Anitya = Vergänglichkeit = Vô thường; Duhkha = Leiden = Ðau khổ; Anâtman = Unpersönlichkeit = Vô ngã).
[8] Nguyễn Ðăng Thực, Lịch sử triết học phương Ðông, Tập 3, NXB TPHCM 1991, tr. 212.
[9] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên.
[10] Phạm Duy, Hồi ký III, như ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét