Thiếu Sơn, nhà văn
chính trực (1908-1978)
Trước mắt tôi là những trang viết, không bề thế.
Năm mươi năm cầm bút, từ viết văn đến phê bình, làm báo; sau
1954, vào tù ra khám, Thiếu Sơn rải ngòi bút của mình nhiều nơi, chắc là việc
sưu tầm ông cũng khó khăn. Tôi mừng là được gặp lại di cảo của Thiếu Sơn, trong
tập sách này. Cách nay 20 năm, tôi đã được đọc nó trên tập giấy cũ kỹ vừa viết
tay vừa đánh máy mà Cô Ngọc, con gái của nhà văn, đã cho xem, trong căn nhà nhỏ
bé lặng lẽ sau Lăng Ông Bà Chiểu.
Tuổi đôi mươi, ông đã làm nên sự kiện. Trong buổi bình
minh của lịch sử phê bình văn học Việt Nam,
Thiếu Sơn xuất hiện như một người mở đường, bằng tác phẩm Phê bình và Cảo
luận (Nxb. Nam Ký, H.1933), tập sách phê bình văn học đầu tiên của nước ta
viết bằng chữ quốc ngữ. Cũng chính từ cái mốc đáng nhớ ấy mà mãi cho đến sau
này, dù phần lớn quãng đời còn lại của Thiếu Sơn là hoạt động báo chí, người ta
vẫn nhắc đến ông như một nhà văn, một nhà phê bình văn học có đóng góp cho nước
nhà.
Trang viết của Thiếu Sơn đến với chúng ta hôm nay cũng khiêm
nhường như con người ông, dù ông là chứng nhân và đã một thời làm nên sự kiện.
Là chứng nhân, Thiếu Sơn cho chúng ta hình ảnh một trí thức chính trực; với sự
kiện, Thiếu Sơn trở thành nhà phê bình mở đường.
Vì vậy, trước khi đọc những gì Thiếu Sơn để lại, xin hãy mở lại
từng trang cuộc đời của Thiếu Sơn, để nhận ra dáng đứng của một trí thức Việt
Nam trong cơn bão giông lịch sử.
Thiếu Sơn được sinh ra trong một gia đình hoàn cảnh không mấy
ấm êm. Từ bé, ông đã phải theo cha sống nhiều nơi ở các tỉnh thượng du Bắc Bộ.
Do bệnh tật và cuộc sống không ổn định, con đường học vấn của Thiếu Sơn lắm khi
bị gián đoạn. Vốn mê văn chương từ nhỏ, Thiếu Sơn tự học, bắt đầu tập dịch và tập
viết văn. Một vài bài văn nhỏ của ông thuở ấy đã được đăng trên Nam Phong và Khai
Hóa với tên thật là Lê Sỹ Quý. Thi rớt tú tài, gặp kỳ thi tuyển nhân viên
bưu điện cho toàn Đông Dương, tổ chức tại Hà Nội, Thiếu Sơn nộp đơn xin dự thi
và đỗ đầu (1929). Năm 1930, Thiếu Sơn nhận nhiệm sở tại Gia Định. Từ đấy, cuộc đời
và sự nghiệp của ông gắn liền với vùng đất phương Nam của Tổ quốc.
Những năm đầu thập kỷ 30, báo chí Nam Bộ bùng phát, nhiều nhà
văn ở các miền khác vào Sài Gòn hoạt động. Phan Khôi, người phụ trách trang văn
học của Phụ nữ tân văn, là người đầu tiên nhận được các bài phê bình văn học
đầu tay cứng cáp của một chàng trai Bắc Kỳ 23 tuổi (năm 1931, trong đó có bài
phê bình về Phan Khôi).
Trong lời giới thiệu trân trọng trên báo Phụ nữ tân văn,
Phan Khôi đã tỏ rõ sự hồi hộp của mình trước sự xuất hiện của một thể văn lạ
“cô dâu nếu là mới thì lối văn phê bình nhân vật này đối với xã hội ta lại còn
mới hơn nữa” (Phê bình và Cảo luận, sđd, tr.13). Ông cho đó là “những bài
văn hay” là “hột gạo no nê nguyên vẹn”. “Mới ngó như khí sơ lược một chút,
nhưng xem kỹ thì thấy tác giả cốt trọng về đại thể, chứ không cầu toàn (…) đúng
với phương pháp phê bình”(Sđd ,tr.15).
Sau đó, năm 1932, giáo sư Ưng Quả, trong một buổi diễn thuyết
văn học ở Huế, có nhắc đến sự cần thiết của phê bình văn học và nhận xét về Thiếu
Sơn: “Mấy bài ông Thiếu Sơn viết bằng một lối văn chặt chịa, chải chuốt, trong
đó ta thấy cái ảnh hưởng của văn Tây dung hợp cái sở hiếu rất chắc chắn”(Sđd.
tr.8).
Được dư luận ủng hộ, chỉ hai năm sau, các bài viết này được tập
hợp, bổ sung và công bố trong tập Phê bình và Cảo luận (1933).
Năm 1935, Thiếu Sơn tạo nên sự kiện thứ hai: bài phê
bình Hai cái quan niệm về văn học của ông đăng trên Tiểu thuyết
thứ bảy, cùng với các bài viết khác của Hoài Thanh đã làm bùng nổ cuộc tranh luận Nghệ
thuật 1935-1939, một cuộc bút chiến quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử văn học
Việt Nam.
Thiếu Sơn cũng thử bút bằng tiểu thuyết nhưng không thành
công (Người bạn gái, Nxb. Cộng lực, 1941). Ngược lại, các bài phê bình và tiểu
luận của ông, viết trong 10 năm (1933-1943) sau Phê bình và Cảo luận, được
tập hợp trong Câu chuyện văn học (Nxb. Cộng lực, 1943) đã gây được một
tiếng vang lớn trong dư luận và được trích đọc nhiều buổi trên sóng đài phát
thanh Pháp - Á Sài Gòn lúc bấy giờ.
Thiếu Sơn còn viết tiểu luận xã hội: Cuốn Đời sống tinh
thần (Nxb. Đời mới, 1945) của ông là những suy tưởng nhỏ về đời sống, con
người, nhìn từ góc độ nghề nghiệp và giới tính. Chọn lời của Gaston Regeot làm
đề từ: “Chúng ta đã không còn sống ra người. Cần phải trở lại cái cốt cách nhân
loại”, Thiếu Sơn bày tỏ những thao thức của mình về xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.
Tập sách đã được giải thưởng Alexandre De Rhodes.
Một số trang văn trong hai tập sách trên đây đã được chọn
trích đưa vào sách giáo khoa bậc trung học.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Thiếu Sơn chứng kiến một cuộc đổi
đời đầy xáo trộn mà thoạt đầu ông còn nghi ngại. Nhưng khí thế cách mạng và
phong trào chung của tầng lớp trí thức, cùng với sự đối xử vô nhân đạo của giặc
Pháp với nhân dân và với chính bản thân ông, đã đưa ông từ những suy nghĩ quen
thể hiện trong sách vở đến những hành động thực tế. Khi một nhóm đảng viên đảng
Xã hội Pháp ủng hộ kháng chiến sáng lập tờ Justice (Công lý) tại Sài
Gòn, Thiếu Sơn tìm đến cộng tác và sau đó xin gia nhập đảng Xã hội (15-12-1945,
lúc ấy tên gọi tắt là SFIO: Section Française de I’International Ouvrière).
Valère làm Tổng thư ký và Thiếu Sơn là Tổng thư ký các chi bộ đảng viên người
Việt.
Justice là một trong những tờ báo đi đầu trong phong
trào “Báo chí thống nhất”, và là tờ báo đầu tiên bằng Pháp ngữ ủng hộ cuộc
kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Liên tiếp trên các số báo Justice phát
hành hàng tuần, những bài báo của Thiếu Sơn là những phát súng nã vào dinh lũy
kẻ thù. Ông đấu tranh đòi thi hành Tạm ước 14-9-1946, vận động thành lập Liên
đoàn Văn hóa cứu quốc ở Nam Bộ và tích cực tham gia cứu trợ tù nhân chính trị.
Tháng 12-1946, chính phủ Nam kỳ tự trị buộc các công chức phải
đi dự lễ tuyên thệ trung thành với chế độ. Thiếu Sơn làm đơn phản kháng, ông
tuyên bố rằng việc này đã xâm phạm quyền tự do tư tưởng của con người, vì “công
chức chỉ bán công việc chứ không bán lương tâm”, đồng thời ông gửi đơn từ chức
lên Giám đốc sở Bưu điện.
Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thiếu
Sơn xin nghỉ việc lần thứ hai. Trong lá đơn gửi Giám đốc sở Bưu điện, ông viết: “Tôi không mặt mũi nào ngồi làm một cộng sự viên cho Pháp, trong khi đồng
bào tôi đương liều chết để kháng chiến chống Pháp”.
Từ bỏ một vị trí ổn định mà nhiều người mơ ước, Thiếu Sơn chọn
sống cuộc đời đạm bạc, dành hết tâm lực và thì giờ vào sự nghiệp đấu tranh cho
độc lập dân tộc bằng ngòi bút. Những bài báo của ông trong thời gian này được tập
hợp trong tập tiểu luận chính trị Giữa hai cuộc cách mạng (Nxb. Mạch
Sống, 1947)
Năm 1948, Thiếu Sơn đã từ chối lời mời làm Bộ trưởng Bộ thông
tin cho chính phủ Nguyễn Văn Xuân.
Nhân lễ thụ phong Trung tướng của mình (1949), Nguyễn Bình đã
mời Thiếu Sơn cùng với một số nhân sĩ khác ở Sài Gòn vào thăm chiến khu Đồng
Tháp Mười. Ở đây, nhà văn được gặp lại giáo sư Phạm Thiều, giáo sư Ca Văn Thỉnh
và nhiều trí thức nổi tiếng khác. Sau đó vài tháng, Thiếu Sơn lại đưa Alain
Savary (nghị viên Hội đồng Liên hiệp Pháp) vào khu tiếp xúc với đại diện Ủy ban
Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Khi trở về Sài Gòn, Thiếu Sơn bị bắt giam ở Khám
lớn một thời gian ngắn.
Nhận thấy tờ Justice là một nguy cơ, thực dân Pháp
đã tìm cách lần lượt đẩy những đảng viên Xã hội nòng cốt tiến bộ như Valère và
Hervochon (Tổng thư kí thứ hai) về Pháp. Số đảng viên Xã hội người Pháp còn lại
hầu hết là những kẻ ngả theo phe thực dân, chủ trương ủng hộ chính phủ Bảo Đại.
Nhận thấy không thể tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn, Thiếu Sơn quyết định thoát ly
ra vùng kháng chiến.
Tháng 7 năm 1949, Thiếu Sơn ra vùng tự do thuộc khu 7. Bốn
tháng sau, Thiếu Sơn về Đồng Tháp Mười, nhận công tác ở sở Thông tin Nam bộ do
Huỳnh Tấn Phát làm giám đốc.
Năm 1950, khi các cơ quan của xứ ủy Nam Bộ chuyển xuống khu
9, Thiếu Sơn được phân công về Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ và sau đó chuyển
về làm Thư kí tòa soạn báo Cứu quốc Nam Bộ.
Công chúng Nam Bộ lúc bấy giờ được đọc những bài bình luận sắc
sảo mà dí dỏm của Thiếu Sơn, do ông tổng hợp và phân tích các tin tức đăng trên
các báo chí từ trong thành gửi ra. Giỏi làm dân vận, Thiếu Sơn thường được đồng
bào các nơi đưa xuồng rước về nói chuyện thời sự. Những câu chuyện của ông thường
hấp dẫn và dễ hiểu, góp phần động viên được tinh thần chiến đấu của quần chúng.
Có miếng ngon hoặc ngày giỗ chạp thế nào bà con cũng phải mời được Thiếu Sơn về.
Các bài viết của Thiếu Sơn trong thời gian này được in trong
cuốn Những người làm nên lịch sử, do Ban Tuyên giáo Trung ương cục miền
Nam xuất bản năm 1951.
Hiệp định Genève (1954) ký kết, Thiếu Sơn được phân công ở lại,
tháng 6-1955, ông về Sài Gòn. Chẳng bao lâu, trên các báo lại thấy xuất hiện
tên tuổi của Thiếu Sơn bên cạnh Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Vũ Tùng, các nhà
văn kháng chiến hồi cư.
Đầu năm 1956, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam, Thiếu
Sơn phải trải qua các nhà tù Khám Lớn, Catinat, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hòa,
mãi đến 4 năm sau (1960) mới được trả tự do. Dù bị bị theo dõi thường xuyên,
Thiếu Sơn vẫn tiếp tục viết bài đăng trên các báo Thần chung, Điện tín, Đất
tổ, Dân chủ, Dân quyền, Thiện mỹ, Tin sớm, Phổ thông,… với nhiều bút danh như
Thiếu Sơn, Chim Ưng, Phỉ Chiến, Quốc Sĩ, Lạc Nhân, Lạc Quan Nhân, Việt Bằng, Lê
Quang Việt, Nguyễn Quý Hương, Thiều Nhân…
Tuổi cao, sức yếu, cuộc sống kham khổ, Thiếu Sơn vẫn không ngừng
kiên trì đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Giới báo chí ngày ấy vẫn
còn nhớ hình ảnh của một nhà báo già yếu, đi đâu cũng xách theo một giỏ đựng đủ
các vật dụng sinh hoạt, để đề phòng bị “hốt” vào khám bất ngờ. Ông viết hồi
kí Một đời người trên tạp chí Phổ thông, kể lại những bài học của
mình cho thế hệ mai sau. Một số bài báo có tính chất văn học của ông ở giai đoạn
này như Tôn Thọ Tường có đáng được đề cao không? (Phổ thông, 1962),
Thân ái phê bình thi sĩ Đông Hồ (Phổ thông, số 87), Bài học Đồ Chiểu… tất
cả đều thể hiện quan điểm yêu nước và lập trường dân tộc của ông.
Năm 1968, Thiếu Sơn và một số trí thức Sài Gòn vào chiến khu
dự lễ ra mắt của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt
Nam. Ông tham gia phong trào Bảo vệ văn hóa dân tộc, phong trào Đòi
quyền sống, và có chân trong Ủy ban đòi cải thiện chế độ lao tù. Cuộc diễn
thuyết của Thiếu Sơn ngày 22-11-1970 tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, với đề
tài Từ văn học tiền chiến đến văn học hậu chiến là một sự kiện đã gây
được tiếng vang trong dư luận và báo chí.
Năm 1972, Thiếu Sơn bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu
bắt giam, mãi đến tháng 3 năm 1974 mới được trao trả cho chính phủ Cách mạng
lâm thời ở Lộc Ninh. Ông được đưa ra Hà Nội an dưỡng, sau đó sang Pháp chữa bệnh.
Ở Pháp, ông đã đi nói chuyện nhiều nơi, viết báo, vận động trí thức và Việt kiều
hướng về đất nước, đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược. Thời gian này, Thiếu
Sơn hoàn thành hồi kí Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào.
Một tháng sau khi đất nước thống nhất, Thiếu Sơn về đoàn tụ với
gia đình. Dù căn bệnh đau tim trầm kha không ngớt giày vò, ông vẫn giữ được sự
lạc quan, lại tiếp tục viết trên các báo Sài Gòn giải phóng, Giải
phóng, Đại đoàn kết, Văn nghệ, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh…và tham gia
công tác Mặt trận Tổ quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 5-1-1978 Thiếu Sơn từ trần do chứng tai biến mạch máu
não, để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng bạn bè, độc giả. Trong 50 năm cầm
bút, “cuộc đời Thiếu Sơn là một tấm gương lao động và đấu tranh dũng cảm
khí tiết và trung thực” (1)
Từ những điều mắt thấy tai nghe, bằng chính kinh nghiệm máu
thịt của mình, Thiếu Sơn đã viết nhiều bài tiểu luận chính trị dưới nhan đề Bài
học và chính bản thân ông cũng là một bài học phong phú mà chúng ta cần
tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn.
Thiếu Sơn đến với cách mạng có muộn, nhưng ông đã vững bước
cho đến cuối đời. Đó là nhờ những năm tháng đấu tranh quyết liệt trong nanh vuốt
kẻ thù, nhờ những ngày thực sự lăn lộn giữa nhân dân, sống với những con người
lao động bình thường, can trường trên khắp các bưng biền Nam Bộ, mà trước đây
ông chỉ yếu mến họ qua sách vở. Như ông đã khẳng khái tỏ bày trong một buổi nói
chuyện tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, ngày 22-11-1970 : “…nhờ được sống trong
lòng dân vào những giờ phút lịch sử, nên tôi đã học được phần nào quan điểm
nhân dân và lòng yêu nước thiết tha của đồng bào, nhất là của những tầng lớp
bị bóc lột và quyết tâm hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng để thay đổi
thân phận của họ”.
Và cũng chính ở những năm tháng đó, Thiếu Sơn cảm nhận được sức
hút mạnh mẽ của một nghĩa lớn. Trên các ngả đường kháng chiến của mình,
ông đã gặp không ít những trí thức cỡ lớn, những viên chức cấp cao, những chức
sắc tôn giáo tên tuổi, đã dứt khoát rời bỏ cuộc sống xa hoa danh vọng để đi với
nhân dân, chung sức đánh đuổi ngoại xâm.
Chúng ta đã nói về một Thiếu Sơn làm nên sự kiện. Nhưng các sự
kiện ấy có ý nghĩa như thế nào, chúng có đủ sức vượt qua quy luật khắc
nghiệt của thời gian không: đây là câu hỏi lớn. Trả lời câu hỏi này, phải đọc
Thiếu Sơn và đọc Thiếu Sơn- nhà phê bình văn học.
Có thể nói, trong văn học Việt Nam, Phê bình và Cảo luận là
một tác phẩm xứng đáng được đọc kỹ. Hơn bảy mươi năm đã trôi qua, tác phẩm này
dường như vẫn lấp lánh một giá trị riêng, mời gọi chúng ta khám phá và ngẫm nghĩ,
dù nó có phần nào bị che khuất dưới một văn phong cũ càng, đăng đối đến buồn cười.
Cũng cần lưu ý một chi tiết nhỏ: Khi đăng những bài phê bình
đầu tiên lên báo, Thiếu Sơn mới vừa bước qua tuổi hai mươi. Một người cầm bút
nghiệp dư trẻ tuổi dám làm một công việc táo bạo mà ngay chính nhà báo kỳ cựu
Phan Khôi cũng e dè – khi giới thiệu – là phê bình những nhân vật tiếng tăm
đương thời. Điều gì đã tạo nên cho những người viết văn giai đoạn này nói chung
và Thiếu Sơn nói riêng, sớm có một bản lĩnh như vậy? Rõ ràng đây không phải là
một trò chơi liều lĩnh ngông cuồng của tuổi trẻ, cũng không phải là sự mưu cầu
một cái gì khác ngoài văn học, mà là những suy nghĩ thẳng thắn, đầy trách nhiệm,
xuất phát từ sự am hiểu và quan tâm sâu sắc đối với văn học và xã hội.
Trong lá thư gửi cho Phan Khôi, Thiếu Sơn đã xác định sự cần
thiết của thể văn phê bình trong đời sống văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Ông định
nghĩa công việc phê bình bằng những một cách nói giản dị: “Nhà phê bình là kẻ đọc
giùm cho kẻ khác (…) phải biết chỉ cho người ta thấy cái nghĩa lý của câu chuyện,
chỗ dụng ý của tác giả cái nghệ thuật của người làm và cái văn thể cuốn sách” (Sđd,
tr.9). Theo ông, ngoài phê bình tác phẩm còn có phê bình nhân vật (có hơi khác
với phê bình tác giả, vì còn chú ý nhiều hơn đến nhân sinh quan, nhân cách và
các hoạt động khác của người ấy). Thiếu Sơn phân biệt ranh giới giữa phê bình
và cảo luận (nay gọi là tiểu luận):”phê bình” là phán đoán nhân vật, phán đoán
tác phẩm, trong khi “cảo luận” thiên về khảo cứu những vấn đề hoặc những
thể loại văn học. Những xác định ngắn gọn như thế này cần và đủ cho một công
trình phê bình có tính chất khai phá.
Trong mục phê bình nhân vật, Thiếu Sơn viết về chín nhà văn:
Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu
Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Tuấn Khải và Tương Phố. Mặc dù ông giải thích đây
là sự lựa chọn hoàn toàn theo khả năng am hiểu của mình, nhưng ta cũng thấy các
tác giả này rất tiêu biểu cho giai đoạn từ 1930 trở về trước. Với dăm trang ngắn
gọn, Thiếu Sơn đã cố gắng phác vẽ những nét cơ bản của từng nhà văn về sự nghiệp,
vị trí, phong cách. Có thể nói, Thiếu Sơn là một trong những nhà phê bình đầu
thế kỷ đã dung hợp khéo léo, tự nhiên trong mình những ưu thế của truyền thống
và hiện đại. Đọc ông, ta nhận ra cái phong vị phê bình của cha ông ta xưa: hàm
súc, giản ước, phê phán một cách kín đáo, nhận xét một cách thâm trầm. Dù vẫn
còn vắng bóng những trang phân tích tác phẩm, nhưng có thể thấy tất cả những
phán đoán của ông không chỉ dựa vào trực giác và ấn tượng cá nhân, mà là xuất
phát từ quá trình phân tích, tổng hợp và khái quát ngầm của tác giả, cộng thêm
với sự am hiểu chắc chắn, rộng rãi về dư luận xã hội đương thời về những đối tượng
mà ông phê bình .
Với Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn chú ý sự đóng góp của tác giả này về
mặt báo chí và ngôn ngữ. Về học thuật, ông phủ định một cách khéo léo bằng cách
dẫn ý kiến của người khác: “Có người cho cái học của ông có bề mặt mà không có
bề sâu (…) Có người trách cái đời ông không được chuyên nhất, nghĩa là ông thường
chịu của sự ngó như là tấn hóa ở tư tưởng, mà kỳ thiệt có lẽ là cái sức
thao túng của hoàn cảnh”( tr.18). Đây là lời phê bình thâm thúy và đích đáng nhất
về con đường văn nghiệp của Phạm Quỳnh mà với một cách diễn đạt mới hiện nay,
chưa chắc đã chuyên chở được hết ý tứ và sắc thái đặc biệt như Thiếu Sơn đã viết.
Một cách kín đáo, Thiếu Sơn bày tỏ không đồng tình về con đường chính trị của
Phạm Quỳnh, ông phân biệt chủ nghĩa quốc gia của Phạm Quỳnh với những người yêu
nước khác.
Tính dân chủ của không khí văn học thời ấy, cũng như sự thẳng
thắn trong bút pháp phê bình của Thiếu Sơn thể hiện rõ qua bài viết về Phan
Khôi (cũng là người mà Thiếu Sơn gửi nhờ đăng trên Phụ nữ tân văn những
bài phê bình đầu tiên: Phan Khôi, Phạm Quỳnh…)
Thiếu Sơn khẳng định, trong văn giới: Phan Khôi là người tai
mắt, trong báo giới: Phan Khôi là bậc đàn anh; công lao của Phan Khôi là “công
lập ngôn”, qua hoạt động báo chí, đã góp phần thống nhất ngôn ngữ trên cả nước;
đó cũng là một trí thức nho học đã sở đắc được cái mới và tạo thành một khuynh
hướng riêng. Nhưng đồng thời, Thiếu Sơn cũng nhận ra rằng Nho học là “người vợ
tào khang” của Phan Khôi trong khi Tây học vẫn còn là “người tình mới“.
Và do đó, theo ông, sự say mê thái quá lôgic học của Phan Khôi đã khiến ông trở
nên bất cập khi đi vào văn học nước nhà: “Ông không biết rằng cái lý có khi đập
chết cái tình mà văn pháp có khi làm tuyệt ngòi cảm hứng (…)
Lúc nào ông cũng ”một với một là hai” mà ông đã bỏ biết bao cái chân lý nó đi qua ông, chỉ cần có chút trực giác là ông có thể lĩnh hội được” (Sđd, tr.34). Với những tác phẩm văn chương của Phan Khôi, Thiếu Sơn nhận định: ”Cái lối văn đó khiến người ta hiểu thì được, để người ta cảm thì không, nó có thể làm vui cho khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng” (Sđd, tr.24). Đã thế, theo Thiếu Sơn, trong phê bình, Phan Khôi cũng lại dùng cái chuẩn của mình để đánh giá người khác: không chấp nhận lối văn tình cảm. Từ đó, Thiếu Sơn kết luận về Phan Khôi: “Tự tin mình quá, mà có khi chính ông phản đối chân lý mà ông không ngờ” (Sđd, tr.25).
Lúc nào ông cũng ”một với một là hai” mà ông đã bỏ biết bao cái chân lý nó đi qua ông, chỉ cần có chút trực giác là ông có thể lĩnh hội được” (Sđd, tr.34). Với những tác phẩm văn chương của Phan Khôi, Thiếu Sơn nhận định: ”Cái lối văn đó khiến người ta hiểu thì được, để người ta cảm thì không, nó có thể làm vui cho khối óc mà không cám dỗ được cõi lòng” (Sđd, tr.24). Đã thế, theo Thiếu Sơn, trong phê bình, Phan Khôi cũng lại dùng cái chuẩn của mình để đánh giá người khác: không chấp nhận lối văn tình cảm. Từ đó, Thiếu Sơn kết luận về Phan Khôi: “Tự tin mình quá, mà có khi chính ông phản đối chân lý mà ông không ngờ” (Sđd, tr.25).
Đặc biệt, chỉ với Tản Đà, Thiếu Sơn dùng chữ tiên sinh làm
cách xưng hô, một thái độ hết sức trân trọng (sau này Hoài Thanh đã dùng lại
trong Thi nhân Việt Nam, 1941). Ông xác định chất nho thuần túy và cái
ngông cao thượng trong thơ và trong con người Tản Đà: “Đời đục, tiên sinh
trong. Đời tối, tiên sinh sáng. Đời quay cuồng trong nhân dục tư lợi, tiên sinh
sống ở thế giới tinh thần (…). Cái đặc sắc trong người tiên sinh là cái “tình”,
cái tình nặng, cái tình sâu, cái tình mộng huyễn, cái tình nên thơ, cái tình
cùng với nước non cây cỏ mà dung hòa họa vận, cái tình cùng thế đạo nhân tâm mà
nên giọng chua cay” (Sđd,tr.29). Thiếu Sơn cho rằng công lao của Tản Đà là đã
làm cho thế giới tinh thần, cõi lòng của nhân sinh ngày càng phong phú đẹp đẽ,
nhưng cái bước rẽ làm báo của Tản Đà đã làm hại văn nghiệp của ông, mà Thiếu
Sơn gọi là “cái bổn ngã của nhà thi sĩ mất đi để thay một cái bổn ngã khác vào”
từ người “ru đời” Tản Đà trở thành người “dạy đời”, nên thất bại một cách đáng
tiếc.
Thiếu Sơn nhìn nhận vị trí lịch sử của Việt Nam sử lược và Nho
giáo của Trần Trọng Kim như những lối rẽ đầu tiên vào rừng cổ học Việt
Nam. Nhưng ông cũng vạch ra những nhược điểm quan trọng của chúng: “Nhiều chỗ
như ông (Trần Trọng Kim) có ý ép, có ý thiên, có ý võ đoán cho xong chuyện, có
ý ngụy biện để giải quyết” (Sđd, tr.37). Thiếu Sơn có một quan niệm viết sử
rất mới, đầy đủ và khoa học: “Phải gián đoạn hẳn với những sự thần kỳ quái đản
(…). Phải bỏ bớt chuyện vua mà nói chuyện dân (…). Phải bỏ bớt những sự hưng
vong thành bại của từng nhà vua mà nói đến sự tấn hóa về tinh thần, tri thức về
mỹ thuật, kinh tế của dân nước (…). Phải bỏ hẳn mình ra ngoài những lời nói cho
tài liệu” (Sđd, tr.35).
Có lẽ Thiếu Sơn là người đầu tiên xác định đúng vị trí của Hồ
Biểu Chánh trong lịch sử văn học Việt Nam, khi ông gọi tác giả này là “Nhân vật
đúng đắn trong cái làng đông người mà lại lộn xộn hơn hết thảy” là làng văn tiểu
thuyết. Điều đáng chú ý là, chỉ với Hồ Biểu Chánh, Thiếu Sơn khước từ nói về
con người chính trị: “Song ta cũng không cần chi phải biết Văn Trung là ai,
mà người ta muốn biết đây chỉ là Biểu Chánh” (Sđd, tr.45). Trường hợp ngoại
lệ này có thể lý giải rằng đối với Thiếu Sơn sự tồn tại của Hồ Biểu Chánh, với
tư cách là nhà văn đã lấn át cái tư cách viên tri huyện mà thực chất là một loại
viên chức hành chính chứ không phải là một lý tưởng chính trị.
Ở phần này, cùng với bài cảo luận Bàn về tiểu thuyết,
Thiếu Sơn đã đặt ra nhiều vấn đề đáng chú ý của thể loại này: vì sao tiểu thuyết
được phổ biến nhất, mối quan hệ giữa xã hội và sự phát triển của tiểu thuyết,
vai trò của tiểu thuyết, tiểu thuyết tả thực là một bước tiến của văn học... Những lập luận của ông giản dị mà thuyết phục “Văn học tả thực thì chẳng chịu bỏ
sót một cái gì mà không nói đến. Tâm giới cũng tả mà ngoại giới cũng tả, nhưng
cái cốt lõi nhất là cho biết cái bản sắc của nhân loại” (Sđd, tr.102).
Phê bình tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh và tiểu thuyết Quả
dưa đỏ, Thiếu Sơn thực hiện phương pháp so sánh. Ông so sánh Hồ Biểu Chánh với
những nhà tiểu thuyết Pháp để kết luận rằng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thuộc
về phái chiết trung hầu đáp ứng thị hiếu của đông đảo độc giả. Nhưng cũng chính
vì để đạt tới sự dung hòa này, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là một sự nửa vời về
các tiêu chí. Thiếu Sơn đã vạch ra các nhược điểm của tác phẩm Hồ Biểu Chánh:
Tâm lý nhân vật đơn giản, cốt truyện ít ly kỳ, đã là tiểu thuyết tả chân lại
còn có những anh hùng lý tưởng, nghệ thuật tả tình còn chất phác, quan điểm
sáng tác còn bị trói buộc trong vòng luân lý. Cũng thế, bằng vào sự đối chiếu
song song hai tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Robinson
Crusoé của Daniel Defoe, Thiếu Sơn phân tích tiểu thuyết này rất đạt, và kết
luận Quả dưa đỏ là tiểu thuyết luận đề chứ không phải là tiểu thuyết
phiêu lưu như tác giả lầm lẫn. Theo Thiếu Sơn, cả hai tiểu thuyết trên khác hẳn
nhau về dụng ý và nghệ thuật. Robinson là một nhân vật thật sự nói năng hoạt động,
tự lực và can đảm trong bước đường phiêu lưu của mình, ngược lại, “An Tiêm
không có thật, chẳng qua chỉ là một cái lý tưởng thâm thiết của Đồ Nam Tử” (…).
“Tác giả đã bắt cái lý tưởng đó phải hành động, phải phiêu lưu, phải cảm giác sự
vật, phải tạo lập cơ đồ để dẫn chứng cho người đời cái tinh thần giáo hóa của đạo
học thánh hiền” (…). “Vì thế nếu ở Robinson sự vật nói nhiều hơn là
giảng giải thì ở Quả dưa đỏ, lời giảng giải lấn át sự vật. An Tiêm” không
là người, không có cái tâm lý của người, không có giọt nước mắt của thế nhân”
“(Sđd,tr.80 và 83).
Cuối cùng, Thiếu Sơn đã kết luận về tiểu thuyết luận đề rất
xác đáng (điều này mãi đến vài chục năm sau Nhất Linh mới ngộ ra cho chính mình
trong Viết và đọc tiểu thuyết- Nxb. Đời nay, S, 1969): “Cái lối tiểu
thuyết này nay thịnh hành lắm. Nếu luận đề có ý nghĩa chính đáng, có lý tưởng
cao thâm và nếu cách phô diễn tinh thần được linh hoạt thì tác phẩm sẽ được cái
giá trị về tư tưởng hơn là về văn chương” (Sđd, tr.85-86).
Nói một cách khái quát, cách phê bình của Thiếu Sơn xuất phát
từ quan điểm ”nhìn sự vật theo bản chất mà vật này đòi hỏi”.
Với Huỳnh Thúc Kháng, Thiếu Sơn chú ý đến khía cạnh con
người chí sĩ, một nhân cách khác thường của nhà chính trị. Từ đó ông nhận ra sự
thiên lệch tất yếu của Huỳnh Thúc Kháng trong quan điểm về văn học:”Ông Huỳnh
coi văn chương chỉ là một cái phương tiện dùng được trong nhiều cái phương tiện
dùng được để phụng sự quốc gia, mà chẳng bao giờ ông quan tâm đến cái sự nghiệp
văn sĩ”. Trên đây là ghi nhận sự việc, tiếp theo, Thiếu Sơn thử đặt mình vào vị
trí của Huỳnh Thúc Kháng để mà hiểu nhân vật này: ”Đối với ông, thì không có cái
mỹ thuật nào hơn được cái cảnh trí của non sông, mà cũng không có cái văn
chương nào hơn cái văn chương làm cho dân khôn nước mạnh.
Cái mỹ thuật đó, dân ta còn nhiều người chưa biết thưởng thức, cái văn chương đó dân ta còn lắm kẻ chưa chịu học đòi thì Truyện Kiều kia nếu có bị coi là một cuốn dâm thư và những người yêu Kiều về cái gía trị văn chương và mỹ thuật của nó, mà có bị kết án vào tội mê dân hoạc chúng, ta cũng không nên phiền trách nhà chí sĩ không công bằng”. Hiểu mà vẫn không đồng tình, không ngụy biện, Thiếu Sơn đã vạch ra nhược điểm trong quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng: “cố chấp và hẹp hòi, không có quan điểm chính đáng về văn chương”(Sđd, tr.53-54).
Cái mỹ thuật đó, dân ta còn nhiều người chưa biết thưởng thức, cái văn chương đó dân ta còn lắm kẻ chưa chịu học đòi thì Truyện Kiều kia nếu có bị coi là một cuốn dâm thư và những người yêu Kiều về cái gía trị văn chương và mỹ thuật của nó, mà có bị kết án vào tội mê dân hoạc chúng, ta cũng không nên phiền trách nhà chí sĩ không công bằng”. Hiểu mà vẫn không đồng tình, không ngụy biện, Thiếu Sơn đã vạch ra nhược điểm trong quan điểm của Huỳnh Thúc Kháng: “cố chấp và hẹp hòi, không có quan điểm chính đáng về văn chương”(Sđd, tr.53-54).
Thiếu Sơn xác định nguồn thi cảm của Trần Tuấn Khải là “tinh
thần quốc gia”,”cảm về thời thế”, “nặng lòng với đất nước”. Theo ông, đó là một
đề tài hay, một cảm hứng vô tận đối với người cầm bút, nhưng thường không bền.
Và ông dẫn ý của Victor Hugo: “Thơ không phải chỉ để cho thần dân của một nước
quân chủ, hay công dân của một nước cộng hòa, mà chính là để cho con người
ta vậy “(Sđd, tr.57).
Đi vào tác phẩm, Thiếu Sơn không bộc lộ được nhiều ưu thế như
khi phê bình nhân vật. Một phần vì các tác phẩm ông chọn (Tố Tâm, Quả dưa đỏ,
Người vợ hiền) là những tác phẩm không hay lắm. Phần khác, vào thời của ông,
phương pháp phân tích tác phẩm văn xuôi - hoàn toàn là thành tựu phê bình
phương Tây - chưa thể được vận dụng một cách nhuần nhuyễn. Dù thế, ba tiểu thuyết
trên vẫn là những tác phẩm có vấn đề (theo nghĩa văn học!) và Thiếu Sơn đã nêu
ra các vấn đề đáng chú ý của nó. Chẳng hạn, tính chất nửa vời trong tiểu thuyết Tố
Tâm, tính luận đề trong Quả dưa đỏ, và những ảnh hưởng trực tiếp của
tiểu thuyết Pháp vào tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn đó: sự phỏng theo, phóng
tác, sao chép, qua tiểu thuyết Người vợ hiền.
Phần cảo luận của Thiếu Sơn là những bài viết hoặc bài diễn
thuyết, xuất phát từ ba vấn đề đang được dư luận quan tâm: vấn đề quốc học, vấn
đề tiểu thuyết, và mối quan hệ giữa báo giới và văn quốc ngữ.
Đặc biệt, trong Nói chuyện quốc học, Thiếu Sơn đã đưa ra
mấy luận điểm quan trọng, đáng cho chúng ta suy nghĩ và tiếp thu trong hoàn cảnh
hiện tại. Định nghĩa khái niệm “quốc học”, ông viết: đó là “cái học thuật riêng
của một nước, nó đặc biệt cho nước ấy, có ảnh hưởng trực tiếp đến văn học và
gián tiếp đến xã hội (…) gồm những cái phong trào tư tưởng triết học của một nước,
nó có thể chịu ảnh hưởng của cái triết học nước ngoài mà vẫn phải có phần khác
mà biệt hẳn ra vậy”. Để xây dựng được một nền quốc học cho chính mình,cần phải
có ý thức và phương pháp học tập. Thiếu Sơn dẫn ý kiến của một học giả Trung Quốc: ”Việc học vấn, bước thứ nhất là ”nhân” mà bước thứ hai là “cách”. Nhân là bắt
chước của người để làm cái hay cho mình, thì cốt phải ” đồng”, cách là sáng tạo
tự mình có phần giỏi hơn thì cốt phải dị (…) Trong nước ta bây giờ, sự học cũng
còn ở chỗ nhân mà chưa tới chỗ cách, còn cần ở chỗ đồng mà chưa tới được chỗ dị”. Vì sao? theo Thiếu Sơn ta còn thiếu cái tinh thần tự do, cái tư tưởng độc lập,
cái khối óc phê bình; ta chưa có cái quan niệm ”học thuật vì học thuật” và ta
chưa tận dụng cái”lợi khí” quốc văn.Thiếu Sơn còn cắt nghĩa thêm: “Học thuật
vì học thuật là thế nào? Phần nhiều học giả hễ kê cứu học thuật là muốn đem
dùng ngay nó vào việc đời, cho học thuật là cái phương tiện (moyen) chứ không
phải là cái cứu cánh (fin). Đã là phương tiện thì hễ đến chỗ dùng được là
dùng, dùng rồi là thôi, không phát đạt được nữa. Còn đã cho nó là cứu
cánh thì dan díu với nó hoài, để phát minh cho đến chỗ tinh tuý của nó,
theo đuổi cho đến chỗ cùng cực của nó, như vậy, mới khả dĩ có cái học cao thâm
đủ gây lấy cái quốc học xứng đáng. Rồi ta sẽ đem nó ra mà thiệt hành, nó sẽ làm
trăm ngàn cái phương tiện cho người đời mà nó vẫn giữ được cái cốt cách của nó,
cùng cái danh dự của người đã đẻ ra nó vậy ” (Sđd, tr.90,92,93).
Về báo giới và văn quốc ngữ, Thiếu Sơn cho rằng báo chí Việt
Nam, được thực hiện bởi những nhà báo tâm huyết, đã xây dựng nên nền văn học.
Và vào thời điểm 1925 - 1926, chính nhờ phong trào yêu nước (cái án Phan Bội
Châu và đám tang Phan Chu Trinh) mà văn học trên báo chí đã thống nhất trên cả
nước. Ông xác định “cái giáo dục của Nam phong, chỉ là cái giáo dục phổ
thông, cái giáo dục giản yếu mà thôi “. Và theo Thiếu Sơn, ba nhân vật
có ảnh hưởng đến văn phong thời bấy giờ là Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và
Tản Đà. Ông cũng kêu lên tình trạng những nhà văn bị sa lầy trong làng báo.
Đối với Thiếu Sơn, phê bình là một cách để ông bày tỏ những
suy nghĩ của mình về văn học, ông muốn tìm ở người viết một sự đồng hướng, đồng
tình trên con đường thực hiện sự nghiệp chung, hơn là bình giảng, phân tích văn
chương thuần túy. Phê bình đặt ra trong tập sách này là một cách đối thoại với
tác giả và người đọc về những vấn đề quan điểm tư tưởng.
Sau khi in Phê bình và Cảo luận, Thiếu Sơn có viết thêm
một số bài báo nữa trong mục Câu chuyện văn chương trênTiểu thuyết thứ bảy(1935).
Số lượng bài phê bình của ông không nhiều so với các tác giả khác, nhưng rất lạ
là bài nào của ông cũng thường như mở đầu cho một vấn đề khá lớn. Đó cũng là sự
triển khai tiếp các suy nghĩ của ông trong Phê bình và Cảo luận, rất nhất
quán: đề cao tính sáng tạo trong văn chương, nhấn mạnh yếu tính căn bản của nó
là cái đẹp, Thiếu Sơn thấy cần xác lập lại một lần nữa cho rõ quan niệm về văn
chương. Nêu ra quan điểm văn học của Nguyễn Bá Học và Phạm Quỳnh, như là tiêu
biểu cho quan niệm văn chương một thời khá phổ biến ở nước ta: phân biệt làm
hai loại văn chương, văn chương có ích (thường là loại biên khảo, hoặc tiểu
thuyết luân lý) và văn chương chơi (thường là thơ văn trữ tình) và cổ suý cho
loại văn chương trên, bài xích loại văn chương dưới, Thiếu Sơn cho đây là một
cách nhìn lệch, bản chất văn chương là sáng tạo, và chỉ có sáng tạo mới có thể
đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà, không nên nhìn văn học như một
công cụ thực dụng (Hai cái quan niệm về văn học, Tiểu thuyết thứ bảy s.38-
16-2-1935)).
Tiếp theo, bài Nghệ thuật với đời người của Thiếu
Sơn lại đặt vấn đề về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Ông xác định
trong lĩnh vực nghệ thuật có những đặc điểm và quy luật riêng, người thưởng thức
nghệ thuật phải am hiểu những đặc điểm và quy luật đó, chứ không thể lấy những
cái chuẩn khác (chính trị, luân lý, đạo đức, xã hội…) mà xét đoán nó được.
“Vâng thì cho là nghệ thuật làm việc cho đời nhưng là làm việc một cách khác.
Nó không khuyên ai, nó không dạy ai, nó không bắt ai phải theo chủ nghĩa này,
phải bỏ chủ nghĩa khác. Nó chỉ biết phô bày những cảnh sắc thiên nhiên, những
hình ảnh xã hội, những bí ẩn của tâm giới, những nỗi éo le của người đời. Nó phô bày khéo cho người ta cảm như được mắt thấy, tai nghe, cho người ta mê
say như tự mình vui chơi ở thế giới văn chương và mỹ thuật ấy nghĩa là nó đã
làm việc cho đời rồi đó”.
Trong Văn học bình dân, Thiếu Sơn đã nhận đề tài và xu
hướng mới này như là một hướng làm phong phú thêm cho sinh hoạt văn học: “Nếu
bình dân có địa vị trong văn học, thì văn học sẽ hoàn toàn đầy đủ hơn vì sẽ diễn
tả được hết cái bản sắc của người đời và sẽ là một cái gương phản chiếu hoàn
toàn cái chân tướng xã hội”. Nhưng ông cũng dè chừng cái chủ trương cực đoan,
chỉ đề cao văn chương bình dân và chỉ xây dựng nó bằng “sự hô hào trên báo chí”
, mà không lo việc sáng tác nghệ thuật.
Với Bạn đọc văn, Thiếu Sơn đã sớm chạm đến vấn đề tiếp
nhận văn học.
Thiếu Sơn mở đầu: ”Văn chương cũng là một món hàng hóa“.
Mệnh đề này dẫn đến ý nghĩa: vì văn chương là hàng hóa nên người làm ra sách cần
phải biết rõ người mua, nghiên cứu bạn đọc là vấn đề vô cùng cần thiết. Nhưng
theo ông, thị hiếu văn chương không thể đồng nhất với thị hiếu tiêu dùng thường
tình. Mượn lời một nhà văn Pháp ông nói: “Mỹ cảm là một cái cảm quan phát triển
chậm nhất ở người ta”. Chính vì thế văn chương thường kén độc giả, nó có thể
không đáp ứng những nhu cầu thực tế cụ thể: “Một bức ảnh với một bức họa bao giờ
cũng có tính cách và giá trị khác nhau. Tiệm chụp ảnh có được khách đông nhưng
phòng họa sĩ lại chỉ là nơi hẹn hò của một số ít người biết yêu nghệ thuật.
Sách giáo khoa tiêu thụ được nhiều vì là những vật cần cho học sinh. Nhưng tác
phẩm văn chương phần đông lại không được chú ý”.
Từ đó Thiếu Sơn chia làm mấy loại công chúng:”Một hạng công
chúng rất chăm chỉ sốt sắng, thường đọc hết thảy sách đã xuất bản. Hạng này là
hạng văn sĩ chưa ra đời nhưng vẫn đang dự bị. Họ đọc của người chính là sửa soạn
cho công trình tương lai của họ. Họ thưởng thức một cách thông minh, bình
luận một cách sáng suốt, và thỉnh thoảng lại biên thơ khuyến khích hay làm quen
tác giả…” loại thứ hai là “người muốn tìm ở văn chương những câu trả lời cho những
vấn đề khó giải ở trong đời của họ (…) phần nhiều thường là ở phụ nữ. Loại thứ
ba, “hạng trí thức, phần nhiều đã có nghề nghiệp rồi muốn đọc văn chương để biết
cái trình độ văn học và hiểu rõ cái xu hướng của văn chương. Loại cuối cùng là
“hạng công chúng bác tạp, đọc văn không có mục đích nào khác hơn là để giết thì
giờ (…) hạng người này là hạng người vụ thực, là trí thức thiển cận, chưa có mỹ
cảm mỹ tình, nhưng chính lại là hạng đông hơn hết ở bất kỳ xã hội nào. Cái số
đông đó cần phải tiến hóa về cả hai phương diện trí thức và tinh thần thì mới
trở thành những vị độc giả chuyên cần. Hạng công chúng này mà quyến rũ được thì
văn học sẽ bước tới một thời kỳ toàn thịnh vì khách hàng càng đông thì đồ hàng
càng phải phổ thông đầy đủ cho thích hợp với thiên hình vạn trạng của sự sống
loài người”. Để kết luận, Thiếu Sơn dẫn lời Bergson: “Văn chương là một xã hội
mở chứ không phải là một xã hội đóng” và khẳng định:” Ở nước ta, cái xã hội đó
đã bắt đầu mở, nhưng còn chưa mở rộng ra tứ phía. Vì không có chìa khóa để
dùng. Chìa khóa đó là sự học. Sự học chưa phổ thông thì văn chương phổ thông
sao cho được”.
Câu chuyện văn học của Thiếu Sơn công bố khi văn học Việt
Nam đã chạy marathon một chặng dài trên đường hiện đại hóa. Vẫn là những
quan sát lặng lẽ và cách trò chuyện dung dị, Thiếu Sơn tham gia vào các vấn đề
văn học, văn hóa của Việt Nam đương thời. Hai mươi bài viết thoáng và gọn, có
những bài dành bàn đến “các nhà”: nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà phê bình, nhà sử
học, nhà báo, nhà làm sách; lại có những bài bàn về các trào lưu: Lãng mạn, Tả
chân; có bài bàn về những vấn đề văn học trong cái nhìn rộng rãi, so sánh.
Có thể thấy Thiếu Sơn chú ý nhiều về tính đặc thù của nghề
văn, hay nói khác đi, ông xem trọng tính chuyên môn của công việc viết lách.
Tính hiện đại của quan niệm Thiếu Sơn bộc lộ rõ ở phương diện này. Những trang
Thiếu Sơn miêu tả đặc điểm của nhà văn hay trạng thái tinh thần của người nghệ
sĩ trong cơn thai nghén, làm ta liên tưởng đến Trên đường nghệ thuậtcủa Vũ
Ngọc Phan, Theo giòng của Thạch Lam, và xa hơn là Phấn thông
vàng của Xuân Diệu. Quả thật những năm tháng ấy, có một mạch cảm hứng
chung nơi người cầm bút: tự quan sát và tự khắc họa chân dung của giới mình. Dưới
mắt họ, trong đó có Thiếu Sơn, nghề văn nhọc nhằn nhưng cũng sang trọng biết
bao: cái sang trọng ấy không phải do ngoại cảnh đem lại “Mà thật sự
nghề văn ở nước ta còn rẻ quá. Rẻ cả về tinh thần lẫn vật chất. Về tinh thần,
nhà văn chưa được sự đãi ngộ xứng đáng của xã hội. Về vật chất, nhà văn chưa
thoát khỏi sự ám ảnh của con ma đói, ma nghèo”, mà chủ yếu là do nội tâm:
cái hạnh phúc được tự do cô đơn, tự do cảm xúc, tự do suy ngẫm, tự do viết, tự
do trao gửi. Cái hạnh phúc ấy lớn hơn cả địa vị, tiền bạc. Cho nên, Thiếu Sơn
khẳng định: “muốn có địa vị, gặp được sang giàu, tốt hơn là (..) không làm văn
sĩ nữa” (Lê Quang Hưng,Thiếu Sơn, Nghệ thuật vị nhân sinh, Nghề văn sĩ,
Nxb. Văn hóa Thông tin Hà Nội, 2000, tr.97)
Không chỉ bàn suông, Thiếu Sơn còn đưa ra những trường hợp cụ
thể, sinh động: Térence, J.J. Rousseau, Voltaire, Goethe, Frédéric Mistral,
Victor Hugo, Honoré de Balzac, Tchékhov, Émile Faguet, Jane Harrison, Charles
Baudelaire, Tô Đông Pha, Tản Đà… để nói về cái thú vị của văn chương và cuộc đời
văn sĩ. Ông cũng phân biệt tinh tế giữa công việc làm thơ, viết văn và viết phê
bình. Về thi nhân, ông viết: “chàng như một con thú lạc đàn giữa nhân gian xã hội”,
“có cặp cánh muốn bay bổng tuyệt mù”. Với tiểu thuyết gia là: “người đứng giữa
trần ai đã cấu tứ mà viết ra “tấn kịch có trăm hồi thay đổi”, “chàng phải sống
nhiều đời khác nhau, dẫu không sống thiệt tình thì cũng sống bằng tinh thần, bằng
tưởng tượng”(Sđd, tr.100, 106, 107). Và nhà phê bình “phải sáng suốt, để
giữ lòng rộng rãi mà thưởng thức trăm hoa” chứ không thể như “Độc giả có thể
theo sở thích của mình mà bất công trong tình yêu, ghét” (Sđd, tr.122)
Viết văn, Đời và việc nhà văn, Dòng lãng mạn từ
J.J. Rousseau, Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam, Tả chân chủ
nghĩa, Văn học Pháp với văn chương ta…là những bài viết ngắn, nhưng ăm ắp
những ý tưởng mới mẻ, thâm thúy, có thể mang lại cho người đọc những hiểu biết
thú vị, tươi tắn về văn chương. Có lẽ đây là một dạng kiến thức lý luận và văn
học sử không hề xơ cứng, bởi lẽ Thiếu Sơn luôn đề cao tinh thần tự do “Cho nên
trong sự học cần giữ cho tinh thần mình được tự do, không chịu để cho một cái
tư tưởng, một cái lý thuyết, một cái chủ nghĩa nào có thể chi phối mình hẳn”.
Không cột mình vào một hệ tư tưởng nào, và giữ được sức phản kháng thường
xuyên, Thiếu Sơn cho đó là tố chất cần yếu của những vĩ nhân (Vĩ nhân khác thường
nhân là ở chỗ nào).
Cái tinh thần đó, theo Thiếu Sơn, người xưa đã ngộ, Đông và Tây đều có cả “Người ta không sống bằng những cái mình ăn, mà sống bằng những cái mình tiêu hóa”, nhưng lắm khi ta không còn nhớ và không thực hiện.
Cái tinh thần đó, theo Thiếu Sơn, người xưa đã ngộ, Đông và Tây đều có cả “Người ta không sống bằng những cái mình ăn, mà sống bằng những cái mình tiêu hóa”, nhưng lắm khi ta không còn nhớ và không thực hiện.
Đọc nhiều, luôn suy nghĩ trên sự nối kết những vấn đề của người
với vấn đề của mình, luôn có sự liên tưởng rộng rãi trong cái nền văn hóa
Đông-Tây, cổ-kim, Thiếu Sơn đã thoát ra khỏi chỗ đứng của một nhà phê bình thuần
túy. Dẫn lại câu nói “Sự học là một cái chìa khóa mở được tất thảy các cửa”,
Bài Sự học của Thiếu Sơn thổi vào lòng chúng ta một cảm hứng và hy vọng
về giáo dục. Thiếu Sơn viết về giáo dục bằng cảm xúc nhà văn, nên vấn đề trở
nên có sức gợi. Cách viết này không làm người đọc có cảm giác bị dạy dỗ, giáo
huấn mà như được khích lệ: “Mở cửa nào, ánh sáng theo vô cửa đó, mà ánh sáng
này là ánh sáng chân lý nó mới dịu dàng và êm đẹp biết bao nhiêu” (Sđd, Sự học,
tr.134). Thiếu Sơn giúp ta hiểu được con đường thụ nhận và hình thành tri thức
của nhân loại và của từng cá nhân, nói chung là đi theo mô thức bậc thang, liền
lạc, không ngừng nghỉ.
Thật mềm mại và tinh tế, cái ý tưởng này: “Cái công việc đầu
tiên của sự học chỉ là một sức chịu đựng (…) Chịu đựng như thế nghĩa là thừa hưởng
cái gia tài về tinh thần của tiền nhân, ngõ hầu có đủ trí thức mà sống ở trong
cái hoàn cảnh và cái thời đại của mình (…) Tuy nhiên chịu đựng không phải là một
sự thụ động yếu hèn, chỉ biết nhắm mắt tin theo mà không có sức phản kháng
chính đáng” (Sđd, tr.135). Chống lại sự “cả tin” trong việc học, Thiếu Sơn đề
nghị ngoài tri giác và ký ức, người học phải có óc phê bình. Đặc biệt, ông nhận
ra vị trí khiêm tốn của trường ốc “Cái học ở trường chỉ gây nên những người
học trò siêng năng giỏi giắn, mà chẳng bao giờ sản xuất ra được những bậc triết
học văn hào. Những bậc này, sau khi đã ra trường rồi còn cần phải có một cái học
khác nữa, không thầy nào có thể cho được, không sách nào có thể dạy được, nghĩa
là cái học lấy một mình, nhờ ở trầm tư mặc tưởng mà kết cấu nên” (tr.136).
Tán đồng cái bức xúc của những trí thức tâm huyết lúc bấy giờ,
“rằng nước ta không có quốc học”, thiếu “cái động lực cho bước đường tiến hóa
xã hội”, và đi tìm lời giải, Thiếu Sơn khẳng định trí tuệ cá nhân, nhưng phê
phán cơ chế: “Không, không phải dân ta không có tinh thần sáng tạo mà có lẽ chỉ
tại cái chế độ xã hội, cái không khí hoàn cảnh nó không lợi cho sự học mà
thôi”.
Các bài Tản văn và Những văn nhân chính khách
một thời của Thiếu Sơn cách Câu chuyện văn học một, hai cuộc
kháng chiến. Tuy vậy, gần như không có một bờ ranh nào trong trang viết của Thiếu
Sơn: vẫn cách nghĩ nhất quán, vẫn cách viết nhiệt huyết đã có ở tuổi đôi mươi.
Hầu như những tinh hoa của thời đại, cái tinh túy của một cá nhân, nếu được biết
đến, Thiếu Sơn không tiếc lời khẳng định: ông là người có khí chất lạc quan,
trung hậu chăng? Cũng có thể. Nhưng có lẽ còn hơn thế, Thiếu Sơn thấu hiểu và
yêu quý cái cộng đồng ruột rà của mình. Ông không muốn cái đẹp nơi đây bị rơi
vãi, bị xem thường, bị oan khuất. Ông muốn văn hóa Việt Nam liền lạc, công bằng.
Đọc những trang tạp văn Thiếu Sơn hôm nay, có cảm giác như
ông đang quan sát và âu lo cùng chúng ta, về con đường phát triển của dân tộc.
Trong trạng thái thao thức thường trực của mình, Thiếu Sơn tìm đến những người
đi trước.
Với Phan Bội Châu, ông nhấn mạnh đến “vấn đề rèn luyện nhân
tài”, “sự tu bổ trí thức và học thuật”, tư tưởng nhân bản khoan dung bắt nguồn
từ văn hóa Đông Tây, và thái độ quyết liệt của nhà chí sĩ với ba hạng người:
“a. Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng. b. Hạng người muốn
lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm, túi bạc làm hạnh phúc. c. Hạng người xu phụ
quyền thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân” (Sđd, tr.219).
Dẫn ra trường hợp cụ Nghè Tân, Thiếu Sơn cho thấy thời Minh Mạng,
kẻ sĩ chính trực được tin dùng quý trọng ra sao. Nhắc lại Đông Kinh Nghĩa Thục,
Thiếu Sơn đề nghị phải bổ khuyết vào sách giáo khoa sự kiện quan trọng này.
Nhưng Thiếu Sơn không chỉ quay về quá khứ, ông là người giữa
giòng. Uy tín cá nhân và ưu thế nghề nghiệp đã cho ông được gặp gỡ, quan sát
nhiều cảnh ngộ, nhiều chân dung. Còn ai như Thiếu Sơn kể cho chúng ta nghe về
những văn nhân chính khách một thời, giai đoạn 1955-1975, tại một trong hai
trung tâm văn hóa, và một trong hai vùng kháng chiến lớn nhất Việt Nam? Vẫn giữ
được cái nhìn của nhà văn hóa, thẳng thắn và trung hậu, Thiếu Sơn làm ta tin cậy.
Từ trang viết của Thiếu Sơn, những khuôn mặt trí thức Việt Nam hiện lên, đa dạng,
đầy cá tính.
Nêu tên những linh mục yêu nước đang lăn mình vào phong trào
đấu tranh thống nhất đất nước, ngưỡng mộ cái sĩ khí miền Nam, Thiếu Sơn như muốn
góp phần gạn đục khơi trong, như muốn âm thầm nhắc nhủ: đừng quá cực đoan để rồi
quên lãng những mối quan hệ đẹp đẽ đã có, những giá trị mà con người Việt Nam
đã làm nên bằng máu và nước mắt.
Kể lại mối giao tình trung tín giữa Phan Bội Châu và Lý Tuệ,
Thiếu Sơn cảnh báo: “Thiếu gì lãnh tụ nhờ hậu thuẫn quần chúng đưa lên rồi bỏ
luôn quần chúng mà mưu đồ sự nghiệp riêng tư không còn biết gì tới dân, tới nước
nữa” (Sđd, tr.258).
Trong ký ức Thiếu Sơn, Nguyễn An Ninh là một trí thức yêu nước
đặc biệt, đã trở thành thần tượng của nhiều người trẻ đương thời, bởi cái tư tưởng
phóng khoáng mới mẻ: “Ông cho rằng sự tôn sùng cá nhân thường đưa đến sự mù
quáng, tin liều theo bậy và có khi còn bị bọn lãnh tụ hoạt đầu lợi dụng. Ông
cho rằng tư tưởng Nguyễn An Ninh cần được phổ biến hơn là cá nhân Nguyễn An
Ninh (…) Ông Ninh dung nạp được tất cả mọi khuynh hướng, hướng dẫn tất cả theo
một đường lối thích hợp với dân tộc Việt Nam để phục vụ quê hương và đất nước” (Sđd,
tr.264). Câu nói sau đây làm ta suy nghĩ về sức chinh phục của một lãnh tụ chân
chính với từng cá nhân: “Ông tới sở (Nguyễn An Ninh tới nơi Thiếu Sơn làm việc,
NTTX ct.) như một khách hàng, nhưng cái siết tay của ông đã làm ấm lòng tôi và
làm cho tôi phải nghĩ tới những cái gì khác hơn và cao hơn cái ghế và đồng
lương công chức của tôi” (tr. 265).
Khẳng định giá trị Nỗi lòng Đồ Chiểu và Ngồi
tù khám lớn của Phan Văn Hùm, Thiếu Sơn mong ước các tác phẩm này được giảng
dạy ở nhà trường.
Ngưỡng mộ Nguyễn Mạnh Tường, Thiếu Sơn tái hiện sinh động
không khí một Sài Gòn đón ông “Nghè kép” 24 tuổi từ Pháp về. Một buổi diễn thuyết
hiếm thấy ở Việt Nam: cử tọa là người Pháp và Việt, tất cả phải trả tiền để
nghe, mà khán phòng chật nứt, báo chí Pháp ca ngợi đó là “bữa tiệc văn chương”.
Đoạn trích sau đây cũng đáng cho ta dẫn lại, để thấy đôi mắt tinh đời và tấm
lòng liên tài của Thiếu Sơn và để thưởng thức một đoạn văn đẹp đầy chất lửa của
Nguyễn Mạnh Tường: “Phải khóc trên cái hiện thời để cười đón cái ngày mai. Dù
sao, người trí thức là người vừa khóc vừa cười. Khóc vì cái sai lầm phải chứng
kiến trong hiện tại, cười vui vì cái mới đang lên. Khóc vì đau khổ. Cười vì hy
vọng. Khóc hôm nay để cười ngày mai. Trên quá trình biến đổi từ cái khóc đến
cái cười diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức…
Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ người trí thức cười.
Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa khóc, vừa cười, khóc
hôm nay để cười ngày mai, khóc lên tiếng cười.
TIN vẫn lợi hơn NGHI. Trong mười người ta tin, có thể có một
kẻ thù lẻn vào. Nhưng ta vẫn còn chín người bạn. Và chín người bạn này sẽ giúp
ta tìm ra kẻ thù ấy. Nếu ta nghi cả mười người, khi ta giơ tay, chẳng ai bắt
tay ta. Ta không có người bạn nào cả ». (tr.371-372).
Trong Những văn nhân chính khách một thời, chúng ta
sẽ được hiểu thêm những nhân vật tên tuổi như Nguyễn An Ninh Phan Văn Hùm, Thái
Văn Lung, Tạ Thu Thâu, Bửu Đình, Nguyễn Đức Nhuận, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhất…
và được làm quen những nhân vật mà chỉ mới biết tên: Lê Văn Thử, Trần Quang
Quá, Nguyễn Văn Hay… Dưới ngòi bút của Thiếu Sơn, mỗi người đều có một nét gì
đó đáng nhớ, đáng trọng.
Trong sự nghiệp trước tác của mình, có năm nhân vật mà Thiếu
Sơn dành cho sự ưu ái: Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc
Kháng. Đã giới thiệu như là các chân dung trong Phê bình và Cảo luận, khoảng
vài chục năm sau, Thiếu Sơn lại viết tiếp về họ như là các biểu tượng đáng nhớ
với cái tên « Bài học… ». Chọn lựa này cũng đáng cho ta suy nghĩ.
Những ai làm báo hay viết sử hẳn sẽ thú vị khi đọc Hồi
ký Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào của Thiếu Sơn, bởi vì ở đó không chỉ
hiện lên chân dung tác giả, mà còn vô số những nhân vật văn học, văn hóa, lịch
sử của Việt Nam và cả thời đại trải dài những hơn nửa thế kỷ, từ Bắc vào Nam, từ
đô thị đến chiến khu, từ đời sống tự do đến chốn lao tù… Giờ những chân dung ấy
cùng tác giả khắc họa chúng đều đã là người quá vãng, nhưng họ không hề chìm
khuất. Khi chúng ta mở ra trang viết Thiếu Sơn, bóng dáng của họ hiện lên, mang
theo bức tranh xã hội, tất cả đều gợi cho chúng ta hôm nay rất nhiều điều.
Trong 50 năm xuất hiện trên văn đàn, Thiếu Sơn đã làm một
công việc hết sức ý nghĩa : mở một lối nhỏ vào thế giới văn chương và xây ở
đó một ngôi nhà lạ là thể loại phê bình. « Có mặt trên từng cây số »,
Thiếu Sơn đã vừa ghi lại dấu ấn của mình trong tiến trình hiện đại hóa của văn
học dân tộc, vừa là chứng nhân của lịch sử. Nếu đất nước không trải qua nhiều
biến động kéo dài, hút cạn mọi tâm trí và sinh lực nhân dân vào cuộc chiến đấu
thống nhất đất nước, chắc chắn những điều mà Thiếu Sơn suy nghĩ, xác lập và
trình bày với chúng ta sẽ không bị lãng quên, thậm chí bị loại bỏ.
Hôm nay chúng ta vẫn còn phải học tập và làm lại những điều
Thiếu Sơn đề xuất ở thế kỷ XX, đó là điều dường như nhà văn không muốn, bởi vì
ông từng viết: “theo luật tiến hóa những công trình khảo cứu sẽ chết “. Nhưng
biết làm sao được, đôi khi lịch sử cũng có những bước lùi. Và Thiếu Sơn, con
người ở vào giai đoạn giao thời của nền văn học, lại biết thu thái lấy cho mình
cái tinh hoa của hai nền học vấn : cổ học Việt Nam và văn hóa Tây phương. Tác
phẩm của Thiếu Sơn là sự kết hợp hài hòa giữa hai nguồn tri thức đó, độ bền của
chúng có được từ một tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, từ một suy nghĩ độc lập
và thấu đáo, muốn vươn tới hiểu được cái cốt lõi của lĩnh vực mà mình theo đuổi.
Đọc lại Thiếu Sơn ngày hôm nay, chúng ta không chỉ nhìn thấy
bóng dáng của một nhà văn mà còn tầm vóc của một trí thức. Trong những bủa vây
của thời cuộc, ông luôn tìm được thế đứng tự do, để bày tỏ tiếng nói chính trực
vì nhân dân và đất nước. Mảnh đất phương Nam này đã đón nhận ông và giúp ông giữ
được vị thế ấy. Điều nầy cũng đã được Nguyễn Khải ghi nhận: “ Miền Bắc cho tôi
độc lập, miền Nam cho tôi dân chủ, tự do. Nó bật ra đa thanh” (Nguyễn Thị Ngọc
Hải, Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà văn Nguyễn Khải, Tuổi Trẻ,
18-1-2008, tr.13).
Để kết thúc cho bài viết cũng đã khá dài mà vẫn chưa hết ý
này, tôi muốn nói thêm về văn phong của Thiếu Sơn. Có lẽ những ai không biết tiểu
sử Thiếu Sơn, khi đọc văn ông sẽ nghĩ ông là người miền Nam. Đây không phải là
trường hợp cá biệt: Phan Khôi (Quảng Nam), Bửu Đình (Huế), Võ Phiến (Bình Định),
Nguyễn Thi (Nam Định)… khi viết văn trên đất Phương Nam đều chọn cho mình giọng
văn Nam Bộ. Có thể những nhà văn này hết lòng vì công chúng, nhưng cũng có thể
họ nhận ra tính dân chủ, cởi mở, dung dị của giọng văn này, vốn dễ dàng chuyện
trò, bàn luận, chuyên chở những vấn đề lớn lao, gai góc của con người và xã hội.
Giọng văn ấy, thoạt nhìn, tưởng là nôm na, luộm thuộm, nhưng càng đọc kỹ càng
thấy có duyên, và cái duyên ấy lại rất bền. Khi được người sau chạm vào, các
trang văn của người trí thức thành tâm là Thiếu Sơn như lấp lánh, thứ ánh sáng
của một trí tuệ độc lập, không thôi thao thức cùng văn chương và đất nước.
Mong sao rồi đây sẽ có nhiều người đến với Thiếu Sơn và đọc kỹ
để sẻ chia những điều ông trao gửi…
Nguyễn Thị Thanh Xuân
Nguồn: Đã in trong Thiếu Sơn, Nghệ thuật và nhân sinh, tr.6-21
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét