Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Mười lý do làm thơ

Mười lý do làm thơ
“Thơ là biểu đạt trong sáng 
của những cảm xúc 
rối bời (Poetry is the clear expression of mixed feelings). H. Auden
Lời dẫn:
Ban biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm đề nghị tác giả viết một tiểu luận dùng làm tài liệu cho chương trình Văn của lớp Sáu với đề tài “Tại sao người ta làm thơ”, trong chủ đề bao quát hơn “Tại sao người ta làm nghệ thuật”. Tôi xin trình bày vấn đề trong những phần riêng biệt, tương đối độc lập, nhưng nhìn chung chúng vẫn nằm trong quan hệ thống nhất. Câu hỏi “Tại sao người ta làm thơ ?” là một câu hỏi khó, có thể có nhiều câu trả lời, hoặc không có câu trả lời nào hoàn toàn đúng, thậm chí chúng mâu thuẫn với nhau. Câu hỏi cũng có thể được hiểu theo nhiều cách: những động cơ của việc sáng tác hay những kết quả của việc ấy. Tuy nhiên tìm cách trả lời một câu hỏi khó nhiều khi là phương cách giúp người ta tiếp cận sự thật. Đối với tôi, trong khi câu trả lời quả thật khó khăn, thì lợi ích của câu hỏi là rõ ràng. Tác giả xin cám ơn những nhắc nhở, khích lệ của nhà giáo Phạm Toàn, các nhà thơ Hoàng Hưng, Ý Nhi, Đỗ Quyên. Do kiến thức hạn hẹp của người viết, đoản văn này chắc vẫn còn nhiều thiếu sót, kính mong sự góp ý của quý độc giả, cho lần xuất bản sau.
Nguyễn Đức Tùng
I. LỜI MỞ ĐẦU
Có nhiều nhân duyên cho những câu thơ đầu tiên trong đời một người. Bạn phải tập làm thơ vì đó là chương trình bắt buộc. Bạn muốn giải trí hay muốn thử xem tài nghệ của mình. Muốn trở thành nhà thơ thực sự. Xúc động khi nhận một tin vui hay tin buồn. Bạn có lòng đam mê đối với đối với ngôn ngữ, cũng như người khác đối với hội họa, âm nhạc. Khi viết, bạn tìm thấy trong những tầng lớp khác nhau của bài thơ ẩn chứa giọng nói chưa từng biết.
Tôi tin rằng tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, hay, âm điệu trầm bổng giàu tính nhạc, nghĩa uyển chuyển, sâu sắc. Từ thời tiền chiến và Thơ mới những năm 1930 đến nay, từ vựng thêm phong phú, cách nói thêm linh hoạt, tiếng Việt ngày càng phát triển. Thơ ca góp phần làm cho nó phát triển.
Trong sáng tác nghệ thuật, cảm hứng đi liền với sự vui thích. Thật ra đã là chuyện vui thích thì không cần lý do. Dù bạn chỉ làm vài câu thơ rồi khi lớn lên quên mất, chúng vẫn còn ở đó, những câu thơ đầu đời, và khi bạn trở lại, đôi khi chúng vẫn còn chiếu sáng như ngọn đèn xưa bên cửa sổ. Bạn có thể thấy chỉ có thơ mới diễn tả được điều mà mình không thể nói bằng cách khác.
Có thể tất cả những bài thơ hay nhất mà bạn từng đọc, tuy chúng hay thật, vẫn không diễn tả được đúng cái điều mà bạn muốn nói bây giờ: một kỷ niệm, một niềm vui, một cảnh ngộ đáng thương, sự hối hận. Không ai nói thay bạn được.
Làm thơ cũng như bất cứ công việc mới mẻ nào, không dễ dàng. Nhưng một khi bài thơ bạn viết xuống trở thành nơi gởi gắm tâm sự, bạn bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời một người không phải chỉ được cấu thành bởi học hành, ăn uống, bổn phận bắt buộc, mà còn bao gồm toàn bộ khả năng xúc động và suy tư, tóm lại là đời sống bên trong, và bạn bắt đầu sống nó một cách có ý thức hơn.
Một người biết làm thơ đứng trước ngôn ngữ cũng như một người biết chơi đàn đứng nghe bản nhạc, một người biết cày ruộng đứng trước đồng lúa. Bạn xúc cảm sâu sắc hơn, kinh nghiệm đầy đủ hơn, thấy những lối đi mới.
Có những cuốn sách giáo khoa dạy cách viết văn, làm thơ, các luật tắc của thơ mà bạn có thể tham khảo. Nhưng người bắt đầu bao giờ cũng biết tập mở rộng cánh cửa của tâm hồn mình: mở rộng và hồn nhiên là điều kiện bắt buộc. Ngôn ngữ của thơ ca có thể dẫn bạn đi sâu vào con đường lạ lẫm, những khoảng tối chật hẹp, thì thầm với bạn về các bí ẩn, kể cho bạn nghe một sự thật mà bạn không muốn nghe, hay người khác không muốn bạn ghe, mở ra khả năng nhìn thấy bầu trời cao rộng bằng sức tưởng tượng, với hai khả năng của nó: tưởng tượng tái hiện và tưởng tượng sáng tạo. Những sự thật trong đời, chôn cất như những bí mật, bỗng một hôm tìm được cách biểu hiện của chúng.
II. MƯỜI LÝ DO TẠI SAO NGƯỜI TA LÀM THƠ:
1. Làm thơ để tả cảnh:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến, thường được giới thiệu ở các năm đầu trung học. Nếu bạn đọc chậm rãi, nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh mặt ao trong vắt, mùa thu vắng lặng, đẹp, bạn sẽ thấy yêu mến thôn quê Việt Nam. Những chữ bình dân mà mới: bé tẻo teo, gợn tí, đưa vèo, làm cho cảnh vật trở nên nhẹ nhõm. Đọc lên ta có cái thú khó diễn tả, không giải thích được rõ ràng, nhưng nó làm lòng ta thanh thản, bình tĩnh lại, biết sống với thời gian hiện tại, làm cho thời gian trôi chậm lại. Bạn trở về với miền thôn dã nơi mùa hè năm ngoái hay năm kia bạn đã từng dạo bước.
Khi nhìn cành bạch dương uốn qua trái rồi qua phải
Trên hàng cây dài thẳng tắp tối đen
Tôi nghĩ đến đứa trẻ chơi đùa cầm tay lắc mãi
Lắc lư hoài cây ngã rạp lại đứng lên
When I see birches bend to left and right
Across the lines of straighter darker trees
I like to think some boy’s been swinging them
But swinging doesn’t bend them down to stay
Các chữ trong câu thơ quấn quýt, rậm rạp, buông ra thong thả. Như thế Robert Frost tả cây cối, nhưng cũng có thể là tả người.Trong đoạn thơ ấy có sự bồi hồi của kỷ niệm, có sự vui tươi hồn nhiên của tuổi trẻ, lòng yêu mến thiên nhiên.
Hãy nghe Tú Xương tả vợ mình:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Hài hước mà thi vị, bên ngoài coi hời hợt mà bên trong sâu thẳm, thương yêu chua xót. Mỗi khi tôi đọc câu thơ:
Cổng làng rộng mở. Ồn ào
Nông phu lững thững đi vào nắng mai
Trước mắt lại hiện ra cảnh làng quê tôi, yên ả thanh bình, khi tôi còn bé ngày ngày cắp sách tới trường, những năm một chín sáu mươi hạnh phúc. Và tôi thầm cám ơn tác giả Bàng Bá Lân.
Những câu thơ giản dị như thế tưởng đâu dễ viết, thế mà ngày nay không ai có thể viết được. Dù chỉ là tả cảnh, không nói về mình, tình cảm của người viết đứng trước cảnh phải là xúc động chân thật.
Điều quan trọng đối với nhà thơ không phải chỉ là họ nhìn vào cái gì, mà họ thấy ra cái gì. Khác với trong văn xuôi, ngay khi kể chuyện hay tả lại một việc, dường như nhà thơ bao giờ cũng định nói một điều gì khác. Thơ có khả năng làm bộc lộ những kín đáo, ẩn khuất, không những trong lòng người mà cả trong sự vật tưởng như ai cũng nhìn thấy mỗi ngày. Trộn lẫn chất liệu và phong cách, nội dung và hình thức, tác dụng thẩm mỹ của một câu thơ vượt qua sự cắt nghĩa hay phân tích giản đơn, máy móc, đòi hỏi bạn trở lại với chúng nhiều lần.
2. Làm thơ để tả tình:
Trong khi mô tả cảnh vật, thơ cũng biểu lộ tâm trạng con người, mà người xưa gọi là tả tình.
Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đã đến lâu rồi
Có khi chỉ một thềm sương lúc chiều tà:
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì
Những câu thơ của Xuân Diệu đẹp như thiên nhiên chúng mô tả, nhưng đó là một thiên nhiên đã nội tâm hóa, được thổi vào một mảnh tâm hồn của tác giả.
Người xưa đi qua trước cảnh hoang phế, như Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Tình ý lên mênh mang mà chữ hạ xuống lại đẹp, giàu nhạc tính, hình ảnh gây cảm giác bồi hồi. Để diễn tả ý ấy bằng lời nói hoặc văn xuôi cần nhiều chữ hơn thế, mà vẫn không lột tả hết xúc cảm nén trong bảy chữ kia.
Có khi nói rõ tâm sự:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
(Nguyễn Trãi)
Cảnh làm ví dụ cho tình, nhưng vẫn là cảnh của thơ: tấc lòng, cuồn cuộn. Ví dụ trở thành biểu tượng. Thiên nhiên là người thầy của con người. Tả tình và tả cảnh thường hòa quyện vào nhau. Tuy là tâm sự của người sống trong thời đại khác, ưu quốc ái dân, nó vẫn giúp ta nối kết được với những cảm nghĩ sâu xa của trí thức ngày nay.
Chưa nói đến nội dung, chỉ hình thức ngôn ngữ cũng nói lên tâm trạng.
Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
Nếu so với đoạn thơ tả mùa thu cũng của Nguyến Khuyến, trong trẻo, thì bài thơ tả mùa hạ, với vần trắc, gây cảm giác ngột ngạt của thời tiết và tất nhiên có thể ngụ ý về xã hội lúc ấy. Nhạc điệu là một phương cách hoạt động trực tiếp hơn cả của ngôn ngữ.
Mặt khác vì thơ có khả năng nói những điều bí ẩn, nó có thể làm người đọc bối rối, như người quen che giấu mình phải tự bộc lộ ra. Khả năng hiển lộ trong bối cảnh thân mật không phải là một khả năng mà ai cũng sở hữu.
3. Làm thơ để kể chuyện:
Một trong những chức năng của thơ từ thời xa xưa là kể chuyện, như trong các trường ca dân gian hay các tác phẩm văn học viết.
Chinh Phụ Ngâm:
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Mới hơn, thường nhật hơn:
Hôm nay em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp hóa thân vào nhân vật, một cô bé kể chuyện duyên dáng. Nhân vật trong thơ chỉ bắt đầu cất lên tiếng nói của mình, khi nào tất cả những người xung quanh đều ngừng nói chuyện, chấm dứt cãi vã, im bặt xì xào, lắng nghe. Có lẽ từ thời khởi thủy của con người, người ta đã bắt đầu biết kể chuyện thông qua các hình thức thơ ca. Ngắm một bức tranh, bạn phải mang bức tranh ấy về nhà. Nghe một bản nhạc, bạn phải tự thân đến buổi hòa nhạc. Nhưng để đọc một bài thơ, bạn chỉ cần ghi nhớ nó.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Đẹp vì ngôn ngữ, vì hình ảnh, nhưng bàng bạc trong bài thơ một mối quan hệ, một câu chuyện nào đó xảy ra giữa các nhân vật, khi ẩn khi hiện, tạo ra cái phông cho bài thơ của Hàn Mạc Tử. Khi hiện thì hiện một nửa:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Khi ẩn thì ẩn gần hết:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Cũng như trong phim ảnh, kể chuyện không phải là để cho nhân vật đứng thuyết giảng dài dòng về tình cảm hay đạo đức, mà để cho nhân vật hành động, cảnh vật diễn ra. Những nhà thơ xuất sắc là những người kể chuyện tài tình.
4. Làm thơ để nói lên quan niệm của mình:
Có tính khuyên răn, như Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Người xưa gọi là thơ ngôn chí, dường như để chỉ loại thơ nói lên quan điểm đạo đức luân lý của tác giả. Tuyên ngôn, thuyết phục, mà vẫn có giọng tâm tình, bè bạn, trong thơ Nguyễn Công Trứ:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể
Nhưng có khi quan niệm sống được diễn tả gián tiếp qua việc mô tả cảnh sinh hoạt.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Như thế quan niệm trong thơ không cần phải là các tuyên bố, chúng có thể được thể hiện trên cái giá đỡ của các hình ảnh, trên sơ đồ của hiện thực, của một không gian cụ thể. Thơ chưng cất hiện thực, và chính lề lối chưng cất ấy thể hiện quan niệm của nhà thơ. Trong cùng một bài thơ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, nghệ thuật kể chuyện đan xen vào nhau.
5. Làm thơ để cười vui, hay để châm biếm, đả kích:
Nguyễn Khuyến cười hiền lành, dí dỏm mà thâm thúy:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Khuynh hướng thơ châm biếm xã hội, như cảnh gia đạo suy đồi:
Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
(Trần Tế Xương)
Đả kích các trò mua vui hời hợt để người dân quên đi trách nhiệm với đất nước:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.
(Trần Tế Xương)
Thời nào cũng đúng.
Hay tự cười mình:
Người quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho
Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ
(Nguyễn Công Trứ)
Câu thứ nhất là một ý tưởng, một quan niệm, nhưng câu thứ hai nhà thơ đã sử dụng một hình ảnh, mộc mạc, hài hước, và câu sau càng vẽ ra một bức tranh sống động, tự nhiên và đẹp.
Thơ trào phúng là thơ thế sự, có tính chất hướng ngoại. Thơ trữ tình cá nhân không cao hơn cũng không thấp hơn thơ thế sự. Tuy nhiên vẫn có sự hòa hợp giữa thơ trữ tình và thơ thế sự nếu cái cười của nhà thơ hướng về nội tâm.
Khuynh hướng hài hước bàng bạc trong thơ Âu Mỹ và nhất là trong thơ hiện nay.
Trò chuyện với một cây bông ở quê nhà, cười với nó nhưng thật ra là tự giễu hoàn cảnh tha hương của mình:
Tưởng ta nhớ chú lắm sao
Này cây bông giấy bên rào năm xưa
(Cao Tần)
Than khóc cho trăng hay là cười cho sự dung tục của loài người:
Thế giới không còn trăng! Tin nghe rùng rợn quá
(Nguyễn Trọng Tạo)
6. Làm thơ như một cách vui chơi với ngôn ngữ:
Vui chơi là một nhu cầu. Không phải ai cũng biết vui chơi, vì đó còn là một kỹ năng, có khi cần phải học, và may mắn thay, văn học nghệ thuật có thể dạy ta. Vui chơi là một hoạt động tự thân không có mục đích, với nghĩa là không đem lại những lợi ích cụ thể, tuy nhiên tác dụng của chúng lại rất lớn đối với tâm trí vì nó giúp thư giãn, tăng cường hoạt động, nâng cao đời sống tinh thần.
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh mà ai cũng biết và thuộc. Nhưng khi đọc những câu thơ sau đây của Nguyễn Vỹ:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu

Ta có thể không để ý lắm đến nghĩa của nó, nhưng nhạc điệu của câu thơ gây cảm giác êm dịu trong lòng, vì đó là nhịp điệu của sự rơi của giọt sương, phù hợp với những nhịp điệu khác của cơ thể, như nhịp tim, bước chân, gây ra tình trạng hoạt động, khoan khoái.
Sự vui thú của ngôn ngữ và ý nghĩa của một bài thơ là hai vấn đề quan trọng trong sáng tác. Ý nghĩa một câu thơ càng rõ thì câu thơ càng dễ hiểu và ngược lại, như vậy việc dễ hiểu hay khó hiểu của một bài thơ đối với người đọc gắn liền với việc người đọc nắm được “ý nghĩa” của bài thơ đến đâu. Mặt khác ý nghĩa càng rõ thì khả năng chất chứa thông tin càng thấp, ý nghĩa càng mơ hồ thì lượng thông tin càng cao.
Thử đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính:
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
Chưa kịp hiểu nghĩa, cũng đã thấy hay. Nội dung ý nhị nhưng cái hay lại nằm ở lối chơi chữ.
Làm thơ là để đi tìm cái mới. Trước hết là mới trong cách nói. Khi Nguyễn Du viết:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Tưởng sau đó thì không ai có thể nói thêm về mùa thu nữa, nhưng Đinh Hùng lại viết giản dị, mà vẫn cứ mới, mà hình như chưa ai nói trước đó:
Thu về em đã gặp thu chưa?
Nhà thơ St. John Perse từng viết: “thi sĩ là người phá vỡ các thói quen của chúng ta.” Sự làm mới trong thơ thường bắt đầu từ các khoảng cách, các dịch chuyển ra khỏi chuẩn tắc. Có một sự xô lệch, một quãng trễ, giữa điều mà bạn cảm thấy và điều mà bạn có thể bày tỏ. Trong trường hợp này hình ảnh và âm nhạc trong thơ làm nhiệm vụ nối kết các khoảng cách ấy. Muốn đi tìm sự mới mẻ, nhà thơ cần khả năng trở thành kẻ ngây thơ bỡ ngỡ.
Thơ đầy ngạc nhiên, vì thơ không phải là kiến thức.
Khôn quá thì không làm thơ được. Nhưng làm thơ cũng là cách để bạn tập diễn đạt ngắn gọn, chính xác, và loại bỏ thói quen ba hoa, thừa thãi.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Tả cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du chỉ cần một câu sáu chữ, uyển nhã mà trầm trọng, thoang thoảng mà sắc bén, bề ngoài như mô tả khách quan mà bên trong giấu nỗi đau thầm kín.
Loại ra những chi tiết không quan trọng, tập chỉ ra đích danh yếu tính của sự vật.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Là một đoạn văn mô tả tuyệt đẹp một khung cảnh ngày nay khó còn gặp được. Không một chữ thừa trong cả bốn câu thơ. Ngay những người không có ý định trở thành nhà thơ cũng có thể học được ở kỹ thuật ngắn gọn của thơ những bài học giá trị dùng vào việc khác.
Thi sĩ lừng danh Joseph Brodsky đã từng viết: “Càng đọc thơ, bạn càng trở nên khó chịu trước thói diễn đạt luộm thuộm dài dòng, dù trong diễn văn chính trị hay triết học, dù trong môn lịch sử, xã hội nhân văn hay trong nghệ thuật tiểu thuyết”. (The more one reads poetry, the less tolerant one becomes of any sort of verbosity, be that in political or philosophical discourse, be that in history, social studies or the art of fiction.)
Điều mà bạn lấy ra khỏi bản thảo của một bài thơ, tức là phần không đưa vào, cũng quan trọng như phần bên trong bài thơ, t hậm chí quan trọng hơn. Một bài thơ thường bị hỏng vì tác giả quá tham lam.
7. Làm thơ để giao tiếp với người khác hoặc để nói về các mối quan hệ:
Anh đi đường anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi
Đó là những lời của nhà thơ Thế Lữ nói với Nhất Linh, tác giả Đoạn-tuyệt, lời chia tay ngậm ngùi của hai người bạn thân, lưu luyến. Một quan hệ bị đổ vỡ hay sự thương nhớ giữa hai người xa cách, sự mất mát của một người, tạo ra nỗi cô đơn, lòng thương xót, nhiều khi kéo dài cả đời. Ai nói hộ chúng ta điều ấy? Trong một thế giới ngày càng hỗn loạn, con người ngày càng tất bật, bạn chỉ có thể đi tìm những hình thái nương tựa khác: thơ ca, nghệ thuật, sáng tạo, thiền. Hầu hết chúng ta sẽ đi suốt cuộc đời mình với một vài vết thương âm ỉ, sâu, kín, và một vài gánh nặng tinh thần trên vai.
Quan hệ không những giữa người và người mà còn giữa người và súc vật, hay cây cối, thiên nhiên.
Cây bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Lưu Quang Vũ)
Chữ nhẹ nhàng mà tình xúc động. Tuy vậy, thơ Việt Nam chưa có truyền thống đi sâu vào các mối quan hệ cá nhân phức tạp. Có thể hình dung một nhà thơ đề cập tới tình thương trong gia đình dễ hơn nhiều so với việc đề cập đến những tổn thương, rạn vỡ, căm giận và những hối hận. Các mặt trái của xã hội mới chỉ dừng ở các loại thơ chính trị, cách mạng, chung chung, chưa đi sâu vào trường hợp cụ thể và cá nhân. Để chia sẻ với họ những kinh nghiệm như một con người. Dù bạn viết cho riêng mình hay viết cho một người khác, thơ cũng như văn học là một hình thức giao tiếp, tương thông giữa người và người. Khi bạn viết cho chính mình, người đọc tìm thấy bóng dáng của họ, suy nghĩ và tâm tình của họ trong câu thơ của bạn. Khi tìm cách sắp xếp các từ ngữ, sao cho chúng trở nên có vần có điệu, bạn đến gần hơn với cuộc đời. Thơ làm tăng tiến khả năng chú ý, giúp bạn sống sâu xa từng giây phút, nâng cao tinh thần trong một thế giới đau khổ, giúp con người dũng cảm trước dặm đường khó khăn.
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
(Quang Dũng)
Thơ có khả năng chia sẻ lớn lao, và vì thế nó là trụ cột của giao tiếp từ khi con người biết đến lửa và biết sống thành những nhóm, bộ lạc, gia đình.
Thơ nói cho bạn nghe: bạn là ai
Vì sao bạn trượt chân, ngã sóng xoài
Và bằng cách nào, lạ lùng thay, bạn lại đứng lên
Poetry can tell us what human beings are
It can tell us why we stumble and fall and how,
miraculously, we can stand up
(Maya Angelou)
Đối với một nhà thơ, tác phẩm của họ là kết quả của cần thiết. Có một tiếng nói ở bên trong muốn dội lên, muốn bắt chước, muốn vọng tới một tiếng nói ở bên ngoài, từ nỗi cô đơn của cá nhân này đến nỗi cô đơn của cá nhân khác. Hình thức giao tiếp quan trọng trong thơ là nhịp điệu, tiết tấu.
Tà tà bóng ngả về Tây
Truyện Kiều. Hai chữ tà tà đọc chậm, sau hai chữ ấy dừng một khoảng ngắn, chữ ngả hơi được nhấn mạnh hơn, khác với cũng câu thơ ấy mà đọc nhanh, đều đều, nó trở thành vô hồn.
Thơ thiếu nhi và thơ cho thiếu nhi là hiện tượng giao tiếp đặc biệt, giữa trẻ con và trẻ con, giữa trẻ con và người lớn, viết bởi trẻ con hoặc bởi người lớn.
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
(Phan Thị Vàng Anh)
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
(Trần Đăng Khoa)
Làm thơ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tình yêu đối với đấng chí tôn hay Thượng đế:
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
(Hàn Mặc Tử)
Chúa, Phật, đấng Ala, trong trường hợp những người có niềm tin tôn giáo, hoặc những xúc cảm mang tính tâm linh, sự cảm thán, lòng tri ân đối với tình yêu, cái đẹp, sự bao dung và nhân ái.
Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi
Chỗ Người ngồi: một thiên- thu tuyệt- tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ- Bi
(Vũ Hoàng Chương)
Đối với những người có niềm tin vào các đấng thiêng liêng, làm thơ có thể giúp họ tạo ra những liên kết với thần linh, với Thượng đế, tỏ lòng tri ân, tìm kiếm sự nương tựa. Không phải khi nào họ cũng nói về Thượng đế nhưng bao giờ trong thơ cũng bàng bạc niềm tin bao la. Hãy đọc Rumi:
Phía sau đúng và sai
Có một cánh đồng. Ta hẹn người ở đó.
Out beyond ideas of wrongdoing and rightdoing,
there is a field. I’ll meet you there.
(Bản tiếng Anh của Coleman Barks)
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Trong hai câu thơ của thi sĩ Quách Thoại, không chỉ có cảnh vật và cả cảm xúc như được chiếu rực rỡ bởi ánh sáng của một thứ giao hưởng giữa người và vũ trụ.
8. Làm thơ để đi tìm sự thật hoặc ý nghĩa của sự vật:
Trong khi mô tả những cảm xúc của mình, những hoàn cảnh mà mình đã gặp, nhà thơ có thể tìm thấy sự thật trong chính ngôn ngữ đặc thù của thơ ca. Sự thật thường bị lấp khuất ở dưới những khía cạnh khác của đời sống, chỉ lộ ra khi thi sĩ chạm tay vào bằng bàn tay ngôn ngữ của mình. Đó không phải là một thứ sự thật báo chí, như những thực tế đã xảy ra mà là sự thật của tâm hồn, của những thể nghiệm của người viết.
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
Mỗi lần đọc hai câu thơ này của Huy Cận, tôi không chỉ nhìn thấy vóc dáng của tuổi trẻ mà còn cảm được không khí thanh nhàn thời tôi còn bé, miền tâm linh dân tộc ngày nay khó còn giữ được, vì ba yếu tố, được truyền bá khắp nơi: văn minh hưởng thụ vật chất, văn hóa thù hận đấu tranh, văn học bạo động.
Làm thơ là để đi tìm các ý nghĩa. Mục đích của đời sống không phải là thành công hay hạnh phúc, mà là ý nghĩa. Tất cả hạnh phúc hay khổ đau, chịu đựng hay hy sinh đều chỉ có ích cho con người khi chúng trở nên có ý nghĩa. Sự hy sinh của cha mẹ sẽ không đem lại lợi ích gì nếu các con của họ không hiểu vì sao cha mẹ hy sinh cho con cái.
Những Chủ Nhật Mùa Đông
Cha tôi dậy sớm vào cả ngày chủ nhật
Thay áo quần trong tối lạnh mờ xanh
Bàn tay cha nứt nẻ vì công việc
Nhóm lửa lò cháy rực. Chẳng ai cần
Nói cám ơn. Tôi thức giấc, than hồng
Lách tách, bếp ấm dần, cha mới gọi tôi
Dậy mặc áo quần, nhưng tôi lười nhác
Căn nhà xiêu cột kèo kêu răng rắc
Tôi cũng chuyện trò ấm ớ với người
Cha dậy sớm chẳng phải vì tôi sao?
Và đánh bóng những đôi giày dơ bẩn
Nhưng tôi có để ý gì đâu? Nào biết gì đâu?
Mưa nắng dãi dầu, tình yêu khổ hạnh
Those Winter Sundays
Sundays too my father got up earlyand put his clothes on in the blueblack cold,
then with cracked hands that ached
from labor in the weekday weather made
banked fires blaze. No one ever thanked him.
I’d wake and hear the cold splintering, breaking.
When the rooms were warm, he’d call,
and slowly I would rise and dress,
fearing the chronic angers of that house,
Speaking indifferently to him,
who had driven out the cold
and polished my good shoes as well.
What did I know, what did I know
of love’s austere and lonely offices?
(Robert Hayden)
Mê mải đi trên đường, đôi khi bạn nghe tiếng gọi từ phía sau. Bạn quay lại: không có ai. Tiếc thương không phải là cảm xúc u buồn trầm uất, trái lại nó có thể làm đời sống tâm hồn sâu thẳm. Tiếc thương là hành động, là tấm gương chiếu rọi bất ngờ, thách thức, vỗ về, làm đầy một nghĩa tình chưa trọn vẹn.
Nhiều bài thơ bắt đầu bằng cảm xúc. Có thể nhận được mùi vị, nghe được âm thanh của nó, và bạn cảm được một bài thơ ngay cả khi mới đọc câu mở đầu.
Bất cứ điều gì bạn nói, hãy để
Rễ chúng
Đong đưa
Whatever you have to say, leave
the roots on, let them
dangle
(Charles Olson)
Đừng có cắt các búi rễ đi, phải để hiện ra sự nguyên vẹn của cảm xúc như Olson đã nói. Tức là bạn bộc lộ cho hết những đất đá được giấu kín, các khía cạnh bí ẩn của cá nhân và lịch sử.
9. Làm thơ để thay đổi:
Thay đổi vì một xã hội, một đất nước, một thế giới tốt đẹp hơn là ý nguyện của nhiều nhà văn nhà thơ.
Thay đổi trước hết bằng lời kêu gọi nồng nàn, lý lẽ thuyết phục, hướng tới đám đông:
Một là vua, sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai
(Phan Bội Châu, Hải ngoại huyết thư, bản dịch của Lê Đại)
Thời nay càng đúng.
Thơ yêu nước thường buồn, cảm khái, như thơ Đặng Dung:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma
(Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Bao phen mài kiếm dưới trăng tà)
Nhưng cũng có thể vui hơn, lạc quan hơn:
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm.
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng.
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
(Hồng Nguyên)
Không có một chủ nghĩa anh hùng tập thể nào mà không khởi đi từ các tâm sự cá nhân. Chúng ta có thể thay đổi thế giới, nhưng chỉ có thể bắt đầu sự thay đổi ấy trước hết từ bản thân chúng ta. Cô gái Malala Yousafzai mười bảy tuổi, giải Nobel hòa bình: “Chúng ta hãy nhớ: Một cuốn sách, một ngòi bút, một đứa trẻ, và một người thầy, có thể thay đổi thế giới.” (“Let us remember: One book, one pen, one child, and one teacher can change the world.”)
Thơ chính trị, thơ cách mạng đều có ý ấy, nhưng các nhà thơ có cách nói khác nhau. Như Walt Whitman:
Tôi ca ngợi tôi, tôi ca hát về mình
Tôi tin tưởng điều chi, bạn nghĩ điều như thế
Mỗi nguyên tử thuộc về tôi tất thảy thuộc loài người.
I celebrate myself, and sing myself,
And what I assume you shall assume,
For every atom belonging to me as good belongs to you.

Không phải chỉ có thơ chính trị, thơ cách mạng, hay thơ phản kháng mới có thể tạo ra các thay đổi. Những lời tâm sự, những ưu ái tình cảm, một khi được buông ra một cách nghệ thuật, đều có khả năng ấy. Tôi tự hỏi biết đâu mấy câu thơ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Đã không khiến bao người chạnh lòng cảm thương, góp phần làm cho phong trào xin câu đối ngày xuân phát triển như hiện nay? Các tuyên bố hùng biện chưa chắc có tác dụng bằng.
Xã hội hậu công nghiệp, thời đại thông tin, cũng là xã hội tiêu thụ. Thay vì tiêu thụ, tức là lấy vào, chúng ta sáng tạo, tức là làm ra. Làm thơ là làm ra, chúng ta chỉ cần viết lên giấy, gởi lên mạng, gởi trong email và facebook, hàng ngàn, hàng chục ngàn người chia sẻ với chúng ta.
Bằng cách ấy, chúng ta thay đổi. Cho một thế giới tốt đẹp hơn.
10. Làm thơ để đi sâu vào tâm hồn mình:
Trò chuyện với chính mình. Đi vào bên dưới các bề mặt, và lắng nghe:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
(Thâm Tâm)
Đọc lên thì ta thấy tiếng sóng trong lòng thật, tức là thấy được dòng trôi chảy va đập của tâm hồn mình, của nỗi niềm tâm sự của mình. Những câu thơ như thế dạy người ta sống có chiều sâu, tập cho người ta biết lắng nghe thiên nhiên và lắng nghe cuộc đời. Vượt qua thời gian, để chuộc lỗi. Khi bạn lớn đến một tuổi nào đó, sự giới hạn của cuộc đời, tuổi già, sự tan vỡ, sự chấm dứt, cái chết, sẽ ám ảnh bạn. Bạn thấy mình nhỏ bé trước cõi nhân gian rộng lớn, vũ trụ vô cùng. Hơn thế nữa sự mất mát của một người thân, cha mẹ, bạn bè, làm bạn tổn thương, bạn muốn chống lại điều ấy.
Bằng cách nào? Bằng cách nương tựa vào người khác, vào thế hệ đi trước chúng ta và thế hệ đi sau chúng ta.
Tức là dựa vào sự liên tục, tính liên tục của kiếp người. Thơ giúp bạn thấy được điều ấy, kéo dài một kỷ niệm chốc lát trở thành vô hạn trong ký ức, làm cho sự sinh nở và cái chết có thể giao thoa với nhau, xen lẫn vào nhau trong một đầu mối của chu kỳ sinh diệt.
Rappelle-toi Barbara
Il pleuvait sans cesse sur Brest ce jour-là
Em còn nhớ không Barbara
Em còn nhớ không Brest hôm xưa trời mưa không ngừng giữa đôi ta
Brest là một thành phố hải cảng ở vùng cực Tây của Pháp. Barbara là tên một người thiếu nữ. Ai cũng muốn được như Jacques Prévert đóng đinh kỷ niệm về người thiếu nữ ấy, thành phố ấy, ngày mưa ấy, tình yêu kia, vào ký ức vĩnh viễn của nhân loại trong bài thơ Barbara được nhiều người ưa thích của ông.
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Bến Tầm dương ở đâu chắc không mấy ai biết, nhưng nó trở thành một nơi chốn đi về trong tâm hồn người Việt từ khi có bản dịch Tỳ Bà hành. Con người sinh ra, tự trong bản chất, đều muốn để lại dấu vết lâu dài cho cuộc đời ngắn hạn. Tình yêu và sáng tạo có lẽ là hai thứ quý giá nhất mà chúng ta muốn để lại.
Nhưng bạn có để ý Brest và Barbara cùng một vần b không? Còn câu thơ trong bản dịch Tỳ Bà hành có hai âm kh chiếu chênh chếch vào nhau không?
Không phải vô lý khi Henry Thorau, nhà văn và nhà triết học Hoa Kỳ, nói rằng: “Every man wants to be a poet if he can” (“Bất kỳ người nào cũng muốn trở thành thi sĩ nếu anh ta có thể làm điều ấy”). Một bài thơ hay là một bài thơ mà các chữ mang đầy năng lượng. Năng lượng là ý nghĩa, ý nghĩa là hòn đảo nổi lên trên bề mặt tối của vô thức. Thương tiếc cái mất mát, lỡ làng, như người con gái đẹp mà bạc mệnh, thì câu thơ của Nguyễn Du:
Nửa chứng xuân thoắt gãy cành thiên hương
Có thể kéo dài được vẻ đẹp ấy, tưởng đến vô hạn.
Làm thơ cũng là để đi tìm cõi bình an hay niềm tin ở bên trong, tìm sự an ủi và nhẹ nhõm. Có một cõi lặng lẽ ở bên dưới các bề mặt, ít lo âu hơn, có thể mang lại an bình cho một người. Bạn tìm ra được căn phòng trong ngôi nhà của mình, nơi bạn có thể ngồi một mình, ca hát một mình, khóc thương cho lầm lỗi của mình, suy nghĩ một mình, và sau đó khi bạn trở lại với cuộc đời ngoài kia, bạn sâu sắc, vững chãi hơn.
Before you know what kindness really is
You must lose things
Trước khi bạn biết lòng tử tế là gì
Bạn phải mất đi nhiều thứ
(Naomi Shihab Nye)
Trong các hình thức văn học, có lẽ thơ gần với cảm giác bình an nhất.
Vì bình an mà thời gian trôi chậm lại: thơ làm cho một người sống lâu hơn thời gian của chính mình.
III. NGÔN NGỮ CỦA THƠ
Nghĩa của thơ vừa giống vừa khác nghĩa thông dụng. Trong nhiều câu thơ, nghĩa của chữ cũng tựa như khi ta đọc một bài văn nghị luận hay một thông báo về thời tiết.
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Tuy nhiên nó vẫn là một câu thơ.
Nếu ta đổi câu ấy, viết khác đi, mặc dù vẫn giữ nguyên từng chữ:
Thúy Kiều là chị, Thúy Vân là em
Rõ ràng nội dung thông báo không thay đổi, nhưng câu sau không có vẻ gì là thơ cả. Tại sao?
Vì nó thiếu vần điệu, nếu xét trong quan hệ với các câu đi trước và đi sau. Nhưng ngay cả khi tách ra đứng một mình, nó vẫn thiếu nhạc điệu nội tại. Nghĩa khác của câu thơ, không phải nghĩa thông dụng, cần được đọc và hiểu theo cách khác. Muốn thế chúng ta cần phân biệt hai loại nghĩa: nghĩa ngôn ngữ và nghĩa phi ngôn ngữ, hay nghĩa đen và nghĩa bóng, hay nghĩa hiển lộ và ẩn nghĩa.
Bữa nay lạnh, tôi đi ngủ sớm.
Là một lời tuyên bố rõ nghĩa: vì lạnh quá, làm biếng học bài, tạm quên lời nhắc nhở của thầy cô, tôi lên giường đánh một giấc cho xong.
Nhưng:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Không còn có nghĩa rõ như thế nữa, vì ai cũng biết mặt trời không đi ngủ, nó chỉ lặn về phương Tây, hay đúng hơn là trái đất, phần chúng ta đang đứng, xoay về phía khuất của mặt trời.
Một thí dụ khác, trong cùng một bài thơ.
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Là những câu thơ đẹp, nhưng rất rõ nghĩa. Người ta không thể nhầm sương với tuyết, liễu với mai. Câu thơ có nhiều hình ảnh, nhưng trước hết chúng mô tả một cảnh có thể có thật.
Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng
Thì điều nhà thơ mô tả không thể xảy ra được. Ai cũng biết rằng về mặt vật lý, sương không thể tan trong lòng. Chúng chỉ có thể tan trên đất hay trên cành. Nhà thơ đã tả một điều chỉ có thể xảy ra theo nghĩa bóng, với ngụ ý sự buồn rầu, tuyệt vọng về một điều gì đó (tình yêu, giấc mộng lý tưởng..). Những nghĩa bóng, nghĩa hình ảnh, nghĩa ẩn như thế tạo nên một thứ ngôn ngữ riêng, gọi là ngôn ngữ thơ. Nhưng không phải chỉ có thơ mới có cách dùng ấy. Trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn dùng ngôn ngữ hình ảnh, mà có khi không tự biết.
Trong lời nói thường:
– Sợ dựng tóc gáy
– Bị đuổi chạy mất dép
– Cô ấy là một ngôi sao trong lớp
Chúng ta không có ý nói một cách cụ thể là mất dép, tóc gáy dựng lên. Dù chúng có thể xảy ra thật (mất dép) hay không thể xảy ra (tóc gáy dựng lên). Chúng ta không có ý muốn nói cô ấy là một ngôi sao, vì điều ấy không thể xảy ra được, chúng ta chỉ muốn nói cô ấy học giỏi nhất lớp, chơi bóng giỏi nhất lớp, vân vân. Chúng ta dùng ngôn ngữ ấy vì chúng rõ ràng hiện ra trước mắt, dễ gây ấn tượng mà người nói mong muốn. Thật ra, có nguyên nhân sâu xa của việc dùng ngôn ngữ ấy, vượt ra ngoài các lợi ích vừa nói. Khi nói chúng, ta thấy vui, một cái thú khó giải thích. Tương tự như khi bạn dùng các mỹ ngữ, các uyển ngữ. Cả hai thứ ngôn ngữ hiển lộ và hình ảnh thường đan xen vào nhau cả trong lời nói thông thường và trong thơ hay văn học.
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
(Bàng Bá Lân)
Câu thứ nhất là nghĩa đen, câu thứ hai vừa là nghĩa đen vừa là nghĩa bóng, vì múc ánh trăng vàng vừa là hình ảnh có thực vừa biểu tượng cho cái khác, như một đêm trăng đẹp.
Nhiều khi chính sự đan xen giữa chúng tạo nên vẻ đẹp và sự hấp dẫn của thơ.
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Không thể nào phân biệt đó chỉ là một câu thơ tả cảnh hay kể chuyện, hay chỉ dùng những việc ấy làm cái cớ để nói về chuyện khác. Dễ dàng nhận ra rằng nhà thơ không có ý định tả cảnh và chỉ nhắc đến một cách giản dị như “có một giàn trầu” hay “hàng cau liên phòng” nhưng cũng không thể nói là trong ấy chỉ có tình ý mà không có cảnh, cũng như chỉ có hồn mà không có xác, hay ngược lại. Thông thường trong những câu thơ có sự đan xen giữa hai loại nghĩa, bao giờ tác giả cũng sử dụng một số thủ pháp đặc biệt, nhiều hơn cả là nhân cách hóa, khoa trương, hoặc tối giản hóa, tức là nói khác đi với sự thật, với dụng ý riêng. Trong hai câu thơ trên, có thể nhà người con gái cũng có cả một hàng cau, hoặc có nhiều hơn một giàn trầu, nhà người con trai có thể có thêm một giàn trầu hay có nhiều hơn một hàng cau, và ngoài ra tất nhiên còn có nhiều thứ cây khác nữa.
Nghĩa của một chữ trong thơ có nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo trường hợp: (1) định nghĩa như trong từ điển, (2) giải thích từ nguyên, (3) ý nghĩa, (4) ý định, (5) ngụ ý của tác giả. Trong khi nghĩa có tính xác định, khách quan, thì ý nghĩa mơ hồ hơn, mang tính diễn dịch chủ quan của người đọc. Hình ảnh trong thơ thường được nhấn mạnh như một trong những đặc tính nghệ thuật của ngôn ngữ. Hãy so sánh hai cặp thơ sau đây của Xuân Diệu, một viết thời tiền chiến:
Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ
Và hai câu thơ viết sau cách mạng tháng Tám khi Xuân Diệu đã chuyển qua một phương pháp sáng tác khác.
Biết bao đôi lứa còn xa
Nhường cho đôi lứa chúng ta được gần
Có lẽ nhiều người sẽ nhận xét như tôi rằng hai câu thơ trước hay hơn hẳn hai câu thơ sau. Hai câu trước rất buồn, hai câu sau vui hơn, ấm áp hơn, mà tình ý cũng sâu xa. Thế sao nó lại không hay bằng hai câu trước? Chúng ta thử đọc lại, sẽ thấy rằng hai câu trước có cảnh vật, tức là ánh trăng, mà lại được mô tả mới lạ, mặc dù hàng ngàn năm thơ chẳng lạ gì trăng. Trăng sáng tất đã có người nói, trăng xa cũng có thể có nhiều người nói, nhưng trăng rộng thì hình như chưa có ai, và đặt chung lại với nhau thành ba cặp trăng sáng trăng xa trăng rộng thì tôi chắc rằng Xuân Diệu là người thứ nhất. Nghe như tiếng reo vui trước cảnh đẹp hay tiếng than thở trước cảnh buồn. Nhưng nói rộng ra như thế, nói dồn dập như thế để dồn cái ý vào câu thứ hai: hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ. Hai người mà không bớt bơ vơ thì đó là hai người gì? Người yêu chăng? Hay bạn bè?
Ta thấy nghĩa của hai câu thơ sâu xa, mơ hồ, bàng bạc, còn hai câu thơ thứ hai không có hình ảnh, hoặc hình ảnh mờ nhạt ở chữ đôi lứa, trong câu thơ cái ý tưởng là chính. Câu thơ như có xác mà chưa có hồn mặc dù hồn của thơ thường khi là ý tưởng.
IV. ĐI TÌM ĐỨA TRẺ TRONG CĂN NHÀ CỦA MÌNH
Khi ta còn bé, có một nhà thơ tí hon mơ giấc mơ cùng ta đêm trăng sáng. Khi ta lớn lên, nhà thơ ấy nhỏ lại, sống lẩn lút đâu đó trong căn nhà của giai đoạn trưởng thành. Khi bạn muốn tìm gặp, người ấy lúng túng ngượng ngập như đứa trẻ đỏ mặt lên lúc có người lớn cúi xuống bắt tay. Nếu một hôm nào bạn bỗng muốn ngồi xuống viết một bài thơ, rồi táo bạo hơn nữa bạn đọc to bài thơ ấy lên, xúc cảm dâng trào, bạn tưởng ai nấy đều khóc. Nhưng đọc xong, chẳng ai nói lời nào. Mọi người ngơ ngác không biết bạn muốn gì, kín đáo mỉm cười, cha mẹ bạn lắc đầu ái ngại. Lo cho tương lai của con mình.
Mà tương lai của bạn cũng đáng lo.
Vì thơ ca không dành bất kỳ một lời hứa nào cho người đến với nó cả: công danh không có, tiền bạc càng không. May ra nó tặng bạn một món quà. Nếu ngày nào bạn in được một tập thơ, nhà xuất bản sẽ gởi nhuận bút bằng ba tập thơ biếu, một để đem khoe với bạn bè, một để đem về cho mẹ, nếu bà còn sống, và một để bạn cất đi, thỉnh thoảng đem ra đọc lại trong chiều mưa gió.
Nhưng bạn viết để tạo nên mối liên kết giữa mình và sự vật. Càng lắng nghe, một người càng trở nên toàn vẹn với mình. Thay vì mở rộng sự khác biệt giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa trái và phải, giữa buồn rầu và hài hước, giữa thành công và thua cuộc, giữa hận thù và tha thứ, thơ có khả năng mang chúng lại gần nhau trên bề mặt tiếp nối, giao kết. Bắt đầu từ những người gần gũi nhất, những vật quen thuộc nhất.
Bạn thử nhớ một người bạn cũ:
Người ở bên trời ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
(Huy Cận)
Một người hàng xóm?
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong
(Nguyễn Bính)
Tình mẫu tử.
Nửa đêm nhớ mẹ tôi thường khóc
Xin tụng giùm nhau kinh vãng sanh
(Du Tử Lê)
Tình anh chị em.
Tôi không bao giờ biết cánh cửa mà tôi đi qua
Để bước vào thế giới này
Đã được làm ra
Bởi anh tôi, bằng cơ thể mình. Anh ấy cao
Hơn tôi một tí: chàng trai trẻ rất xinh
I have no idea that the gate I would step through
to finally enter this world
would be the space my brother’s body made. He was
a little taller than me: a young man
Đó là Marie Howe, cô viết về anh trai của mình. Những câu thơ có vẻ bình thản chứa đựng sự âu yếm dành cho người anh, lòng tự hào. Nếu bạn có một người chị hay anh, bạn dễ cảm nhận điều ấy.
Ngôn ngữ, trang giấy, màn hình, tạo cho bạn một môi trường riêng tư và ấm áp, một chỗ kín đáo để thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình. Một xã hội chỉ biết chú trọng đến các tiến bộ kỹ thuật, các thú vui vật chất, các tăng trưởng kinh tế, mà không chú ý đến các quan hệ giữa người và người, giữa người và thiên nhiên, không chú ý đến các niềm tin, vẻ đẹp tâm hồn, đến khuynh hướng thơ mộng của tuổi mới lớn, là một xã hội đang gặp nhiều rắc rối. Điều đáng mừng là bất chấp những khó khăn, nhiều người bắt đầu nhận ra bài học về hai thứ đang ngày càng mất đi: các giá trị đạo đức và các giá trị tâm hồn. Sự giàu có của một đời sống xã hội bao giờ cũng bao gồm sự giàu có vật chất và tâm linh. Hiện tượng nhiều người làm thơ, nhiều tập thơ được xuất bản, tuy với chất lượng khác nhau, một mặt đặt ra những vấn đề về học thuật, mặt khác là hiện tượng chứng tỏ con người còn biết đi tìm trong thơ những điều họ không tìm thấy trong đời sống xã hội. Người mới viết chỉ cần một sự hướng dẫn đúng đắn, khiêm tốn, đàng hoàng, ở vào tuổi càng sớm càng tốt.
Muốn đọc thơ và làm thơ, bạn cần học im lặng, tập lắng nghe. Để đi đến trung tâm của sự thật, bản chất của vẻ đẹp, đầu mối của hạnh phúc và đau khổ, bạn cần biết im lặng và lắng nghe sự im lặng, tìm thấy ở đó sự tỉnh thức. Những người yêu mến văn chương quý trọng sự tinh tế, biết quý trọng sự sống, hơi thở, bầu không khí, sự giao hòa của trời đất, xa lánh các lý thuyết đấu tranh hận thù, xa lánh sự giả dối, thói khôn vặt, biết kính chào mặt trời buổi sáng như một mặt trời mới.
Làm thơ, tất nhiên cần cảm hứng. Nhưng cảm hứng thôi, chưa đủ. Cũng như đối với một bản nhạc, một bức tranh, không những người chơi đàn hay vẽ tranh phải học, mà người nghe nhạc hay nhìn tranh cũng phải học. Cũng như đối với sáng tạo, sự tiếp nhận cần được học. Chữ chỉ đến với bạn cũng như một nốt âm nhạc đến với nhạc sĩ khi bạn sẵn sàng tiếp nhận. Bạn mở hết các cánh cửa, nhớ lại cảm xúc, kinh nghiệm. Như thể không phải bạn đang ngồi sáng tác một bài thơ hay một bản nhạc, mà chính trái tim bạn đang làm điều ấy. Bạn tập trung, quan sát những điều đang diễn ra, sống lại những giây phút nào đó trong đời, để tự chúng bày tỏ. Bài thơ xuất hiện như một ý tưởng hay một hình ảnh, hay một ý tưởng thông qua một hình ảnh, mà người xưa gọi là tứ. Người làm thơ gặp khó khăn vì trước mặt họ có biết bao tác phẩm hay của tiền nhân. Đúng là:
Nhớ thuở xưa khi chưa có ta đường đi thênh thang
Kịp đến khi có ta chông gai mênh mang
(Vũ Hoàng Chương)
Nhưng bạn hãy cứ là mình. Một bài tập nhỏ: bạn có bao giờ nhìn thấy mùa hè chưa? Nếu đã từng, bạn thử viết ra điều ấy, và chỉ một mùa hè thôi, của riêng bạn. Như Xuân Tâm.
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở vườn quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ
Hay mùa thu? Như Đinh Hùng:
Hôm nay có phải là thu
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Đó là thơ lục bát. Bạn thử làm thơ lục bát, chẳng hạn, và về bất cứ đề tài gì, miễn là lục bát. Thế là bạn đã bắt đầu.
Học kỹ các thể thơ và quy luật của chúng
Những năm gần đây hình như ở giới sáng tác người Việt, việc học tập, trau dồi các thể thơ, làm chủ chúng về mặt nghệ thuật ngày càng không được nhấn mạnh như trước, bị quên lãng. Kèm theo nó là sự coi thường lý luận và phê bình văn học. Kèm theo sự coi thường ấy là việc chúng xứng đáng bị coi thường. Sự chiến thắng của thơ tự do trong khoảng nửa thế kỷ nay, mặc dù là một thành tựu lớn về nghệ thuật, lại tạo ra một bước lùi khác trong nhận thức của nhiều nhà thơ. Nhiều người không làm chủ được các thể thơ dân tộc. Vẫn biết một nhà thơ tự do xuất sắc không nhất thiết phải làm thơ lục bát cho hay, nhưng họ cũng phải biết những quy luật tối thiểu và phải làm được những bài thơ trong các thể thơ có luật ở trên mức trung bình. Không phải tự nhiên mà các thể thơ có vần đã sống lâu dài trong lịch sử.
Trong khi việc nhồi nhét các quy luật, học tập một cách máy móc, là việc cần tránh, thì ngược lại chúng ta không nên rơi vào cực đoan khác, đó là bỏ qua vai trò của trí nhớ và những ước lệ căn bản. Cần nhớ rằng họa sĩ thiên tài Picasso trước khi vẽ những bức tranh có tính cách mạng, trừu tượng hay lập thể, ông đã từng tập vẽ chân dung, tập vẽ truyền thần sao cho thật giống với ngoài đời. Trước khi bạn vẽ đẹp, bạn cần biết vẽ sao cho giống.
Đừng tìm cách kiểm duyệt chính mình. Đừng vừa viết vừa sửa. Bạn phải để mặc cho ý tưởng trào ra từ ngòi bút, như một người có dịp kể lại với người thân câu chuyện đời mình, hay ngồi trong đêm kể chuyện với bức tường. Bạn phải viết về người quan trọng nhất của đời mình và trước hết phải bắt đầu bằng người ấy.
Có thể là cha hay mẹ, anh chị hay em, bè bạn, hay một người mà ta đã gặp đâu đó trong đời, nghĩ về người ấy, may mắn hoặc xấu số, và tưởng tượng bạn có món nợ tinh thần phải trả. Bạn hãy nghĩ đến hoàn cảnh mà mình đã gặp, sáng hay chiều, bến đò hay ga xe lửa. Nếu bạn ngấm ngầm căm ghét một người nào, một nhân vật được nhiều người khác kính trọng như thần tượng, bạn hãy nói thẳng ra. Nếu bạn yêu mến một người nào, một kẻ bị nhiều người khinh ghét, bạn hãy nói thẳng ra.
Có dễ không? Không dễ.
Mẹ tôi không bao giờ tha thứ cho cha tôi
Vì đã tự vẫn
Trong một thời kỳ khốn quẫn rối bời
Ở chốn công viên
Mùa xuân đầu tiên ấy
Khi tôi chuẩn bị ra đời
My mother never forgave my father
for killing himself,
especially at such an awkward time
and in a public park,
that spring
when I was waiting to be born
(Stanley Kunitz)
Xưa nay thơ văn thường buồn. Nhưng giữa những người đang than thở kia, bỗng có một người vui vẻ bước tới, thản nhiên nói:
Lòng ta vô sự, ta vui vẻ
Bướm với hoa cùng bay nhởn nhơ
Tô Thùy Yên viết được thế là vì ông biết nói thực về một giây phút hiện tại nào đó của mình. Bạn giữ trong tủ áo của mình những cà vạt, những khăn quàng không muốn chia sẻ cùng ai. Bạn quên nó đi, vì không biết phải làm gì với nó, cho đến một hôm bạn mở cánh cửa tủ, nhìn thấy, bạn nhớ lại niềm vui sướng của mình, lòng hối hận.
Nỗi tiếc thương nào, nặng đến đâu bất kỳ
Chúng ta cũng phải mang nó đi
No matter what the grief, its weight,
we are obliged to carry it
(Dorianne Laux)
Do được huấn luyện từ bé, mỗi người đều có thói quen lắng nghe tiếng nói phê bình chỉ trích của chính mình. Tiếng nói ấy là cần thiết trong nhiều trường hợp: khi bạn làm việc, lái xe, diễn thuyết, ngồi trong tiệm ăn, vì chung quanh bạn còn có người khác, bạn không thể tuyệt đối tự do, thích gì làm nấy, vì bạn phải tôn trọng tự do của người khác. Đó là một thói quen vững chắc. Bạn phải rũ bỏ thói quen ấy. Bạn không cần phải hoàn hảo. Bạn không cần phải trở thành một người đàng hoàng đúng mực. Bạn không cần phải chỉn chu.
Trong thơ bạn vứt bỏ những thứ ấy.
Bạn không cần tốt lắm làm chi
Bạn không cần quỳ gối mà đi
Qua sa mạc kia đấm ngực vì hối hận
You do not have to be good.
You do not have to walk on your knees
for a hundred miles through the desert, repenting
(Mary Oliver)
Những kỷ niệm đầu đời của chúng ta thường gắn bó với cha mẹ, ông bà, ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa, chiếc xe đạp, người bạn gái ngồi trước mặt hay khúc khích cười, cây khế, con trâu, tiếng ve mùa hạ, cuốn tiểu thuyết đầu đời, lòng nhân hậu đầu tiên mà bạn gặp trên đường. Có khi nào bạn gọi tên của họ ra trong một bài thơ hay một bài văn không? Nếu chưa thì bạn nên làm. Dưới ngòi bút, những người ấy sẽ hiện về. Lắng nghe tiếng nói của đồng bào đau khổ, tập phẫn nộ với các bất công xã hội, xảy ra trước mặt bạn, ngay bây giờ, trước sự đàn áp của mọi bạo lực, dù chúng nhân danh bất cứ một điều gì. Tập nói lớn lên bằng các chữ im lặng.
Đọc lớn lên
Thơ trước hết là nghệ thuật ngôn ngữ, nhạc điệu. Ngày nay do thói quen đọc trên sách vở và máy điện toán, không có khán giả, thiếu các sinh hoạt nhóm và sinh hoạt ngoài trời, người Việt chúng ta hình như cũng không có truyền thống biểu diễn, ca hát hoặc nhảy múa nơi công cộng, vì vậy việc đọc diễn cảm hay ngâm thơ ngày càng không được phổ biến. Không gì sánh được bằng kinh nghiệm được nghe tác giả đọc chính bài thơ của mình. Tôi tin rằng tập ngâm thơ là một trong những kỹ năng giúp người ta hiểu hơn và yêu mến hơn tiếng Việt.
Để rũ bỏ tất cả ký ức, tất cả niềm tin, là một điều khó khăn. Tuy vậy khi làm thơ, bạn vẫn cần những giây phút tách hoàn toàn ra khỏi hệ thống các niềm tin của mình, quay lưng lại với các giáo điều, sau khi đã học thuộc một số kỹ thuật căn bản, bạn tập viết một cách tự do, cảm nhận thế giới bằng đôi tai mở rộng, và nhìn sự vật bằng con mắt trẻ thơ. Mỗi ngày làm một việc khiến cho bạn sợ hãi, như Eleanor Roosevelt đã nói.
Sự chồng chất thông tin trong một câu thơ không có nghĩa là tác giả đưa vào đó thật nhiều thông tin, nhiều chi tiết, nhiều sự mô tả, theo nghĩa thông thường.
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Những câu thơ của Phạm Thiên Thư chinh phục nhiều thế hệ đã không cần dùng đến các kỹ thuật phức tạp. Thật ra thơ hiện nay cũng ngày càng tinh giản, ngày càng gần với văn xuôi.
Hãy so sánh thêm hai đoạn thơ sau đây, đều của Nguyễn Bính:
Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Và:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Cả hai đều được viết với ngôn ngữ trong sáng, nhưng ý nghĩa của hai câu trên rõ ràng, không thể xê dịch được, trong khi hai câu dưới nghĩa mơ hồ hơn, chứa đựng nhiều thứ hơn mà tác giả không nói hết.
V. THAY LỜI KẾT
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi “tại sao người ta làm thơ?”, như đã trình bày, và có thể còn nhiều nữa. Nhưng dường như chúng ta không dừng lại ở việc trả lời mà hướng đến những điều khác, đằng sau.
Ví dụ: hỏi để làm gì?
Để đi tìm ý nghĩa cho việc đọc thơ và làm thơ. Thật ra, thơ ngày càng ít được lưu tâm, một phần vì nó bị lấn át bởi các nghệ thuật khác như ca nhạc, sân khấu, phim ảnh, nhưng mặt khác toàn bộ hoạt động nghệ thuật cũng bị ảnh hưởng bởi đời sống quay cuồng trong xã hội tiêu thụ. Làm cho thơ ca ngày càng có vai trò kém đi đối với thanh thiếu niên, trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà thơ, vì họ làm thơ dở, sáo mòn, nhưng cũng thuộc về học đường và xã hội.
Các bài thơ được sản xuất ngày càng dễ dãi, các sân khấu thơ được tổ chức ngày càng ồn ào diêm dúa, thì thơ ca ngày càng được viết rất ít.
Bạn phải về nhà, đóng cửa lại, vặn thấp ngọn đèn, ngồi một mình, một góc, một bóng, khóc một mình, cười một mình. Không có cách nào khác.
Nhưng đối với bất kỳ công việc nào, có bao giờ kỹ thuật lại không quan trọng đâu? Bạn phải học ngay từ bây giờ các kiến thức tối thiểu và căn bản, luật bằng trắc, luật của các thể thơ. Bạn phải thuộc lòng một số bài thơ hay, không phải một cách máy móc mà phải nhớ chúng với sự rung cảm. Nếu gặp một câu thơ hay bạn phải cố đọc lại và nhớ lấy. Năm học lớp Đệ thất, tức lớp Sáu bây giờ, tôi gặp bài thơ trong một truyện ngắn của Hồ Dzếnh:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Tôi đọc thấy hay quá nên thuộc luôn, mặc dù không hiểu rõ nghĩa bài ấy lắm. Tôi mơ màng biết rằng tác giả nói về cảnh trăng sáng, sương mờ, sông hồ gì đó, vì nhận ra mấy chữ lõm bõm, nguyệt, giang, sương, và cũng chỉ mấy chữ ấy. Nhưng đọc lên dễ nhớ. Ngôn ngữ cũng như than củi. Càng nén lại bởi sức ép của thời gian, chúng càng cháy đượm, mạnh, bền lâu.
Người làm thơ cần biết biên tập. Nhà thơ Billy Collins đã nói đại ý như sau: “Tôi thường ném giấy nháp đi và tôi ước gì mọi người đều làm thế. Nếu bạn có một con mèo, nó sẽ thích chơi với quả bóng làm bằng giấy vụn, thế thì một bản thảo tồi có thể dùng vào mục đích ấy. Tại sao nhà thơ lại làm độc giả đau khổ trong khi anh ta  có thể làm cho một con mèo hạnh phúc?”
Bạn phải bỏ qua sự canh giữ nghiêm mật của quy ước xã hội, chống lại thói tuân lệnh bầy đàn và thói ích kỷ lãnh đạm. Bạn tập chống lại những kẻ thù này của thơ ca trước hết vì chính bạn. Sau khi bạn bắt đầu làm thế, những đồng minh mới sẽ xuất hiện, khuyến khích bạn tới gần hơn với hai sự thật, của cuộc đời và bên trong mình.
Vì trong thơ bạn chỉ có thể nói thật. Nếu bạn không có ý định nói thật, tốt nhất là bạn đừng viết. Các hình thức văn học, đặc biệt thơ ca, là tấm gương soi rất rõ khuôn mặt bên trong của người viết. Nếu bạn cố tình che giấu hoặc làm sai lệch các sự thật như bạn đã chiêm nghiệm, điều ấy thể hiện trên dòng chữ. Khác với những hoạt động tinh thần khác, làm thơ không cần nhiều phương tiện, trang giấy, ngòi bút, chiếc máy computer, thậm chí điện thoại, tờ giấy gói kẹo, lòng bàn tay. Và can đảm.
Sấm sét trên đầu không xô tôi ngã
Bút mực tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
(Phùng Quán)
Làm thơ không phải chỉ là một quá trình thuần túy nhận thức. Đó là một quá trình vừa tinh thần vừa thể xác, trong đó toàn bộ nhịp tim, nhịp thở và nhịp chân bước của chúng ta cũng biểu hiện. Bạn cần lắng nghe ngôn ngữ của thơ không phải chỉ bằng đôi tai của mình mà còn bằng toàn bộ thân xác, không phải chỉ bằng hiện tại mà còn bằng kinh nghiệm trong quá khứ.
Thật sai lầm nếu cho rằng chỉ trong các ca khúc và trong thơ mới có âm nhạc. Nếu ta chú ý lắng nghe, âm nhạc sẽ đến với ta mỗi ngày: tiếng chim hót ngoài trời mưa, tiếng cãi nhau trên xe buýt, tiếng dế kêu trong cỏ, tiếng loa phường gọi đi họp, tiếng một người đàn bà khóc bên vách nhà hàng xóm. Tập phân biệt tiếng nói của người này và người khác, không những giọng nhỏ giọng to, tiếng thấp tiếng cao, mà còn sự thay đổi của nhịp điệu, cách nhấn mạnh các chữ, cách chọn chữ, sự ngừng lại, ngắt câu, người khiêm tốn, kẻ hỗn hào, người thật thà, kẻ giả dối, bạn sẽ nhận ra rằng không phải chỉ có nội dung lời nói mà chính giọng điệu của người nói truyền đi thông điệp: sự quan sát của bạn tinh tường hơn, tâm trí của bạn sắc sảo hơn, và do đó, cuộc đời trở nên giàu có. Bạn sống vui hơn.
Bởi vì bạn đang đi tìm cái tôi chưa bao giờ mất. Trong mỗi con người đều có một cái tôi nhân từ, thương yêu đồng loại, dũng cảm và yếu đuối, ngu ngốc và thông minh, hài hước, nghiêm trang, thơ mộng.
Tài liệu tham khảo:
Jonathan Culler, Structuralist poetics, NXB Cornell University, 1975
Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Đông Nam Á, Paris, 1985, in lại từ bản chính của NXB Nguyễn Đức Phiên, Hà nội, 1943
Nguyễn Hưng Quốc, Nghĩ về thơ, NXB Văn nghệ, 1989
Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Quê mẹ, 1993
Thái Doãn Hiểu, Hoàng Liên, Thơ tình bốn phương, NXB Trẻ, 1994
Gary Geddes, 20th - Century Poetry - Poetics, NXB Oxford, 1996
Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục, 1998.
Việt Thường, Nhóm, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, NXB Văn mới, 2000.
Nguyễn Bùi Vợi, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, NXB Giáo dục, 2005
Hoàng Ngọc Hiến, Những ngả đường vào văn học, NXB Giáo dục, 2006.
David Lehman, the Oxford book of American poetry, NXB Oxford, 2006.
Adam Kirsch, The modern element, NXB Norton, 2008
Vũ Quần Phương, 30 tác giả văn chương, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009
Đặng Tiến, Thơ. Thi pháp và chân dung, NXB Phụ nữ, 2009
Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, NXB Người Việt Books, 2014.
Tháng Giêng, năm Ất Mùi, 2015, 
180 năm sinh nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Nguyễn Đức Tùng
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...