Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hóa Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy
tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.
Được biết
đoàn đã gặp gỡ cán bộ xã, ông Bí thư không hài lòng: “Tôi đề nghị các anh xóa hết
các điều ấy. Chúng tôi không công nhận những gì các anh lấy đó để tuyên truyền
đâu đấy”. Đoàn xin đi thăm một đội sản xuất, ông nói: “Chưa làm với xã thì chưa
đi đội được”. Để chấm dứt cuộc phỏng vấn chưa kịp vào đề, ông Bí thư đứng lên:
“Tôi không có thì giờ nói với các anh nữa, tôi về”. Rồi ông “đeo xắc vào vai, đội
mũ, không tắt quạt, không nhìn ai, vừa xỉa răng, vừa đủng đỉnh đi ra cửa không
thèm ngoái lại”.
Đoạn kết luận
bài: “Bỗng nhiên tôi cụt hứng”, ông Lê viết: “Tôi cứ băn khoăn không rõ vì sao ở
một xã đang lên, được nhiều tiếng khen mà đồng chí Bí thư Đảng ủy xã lại đối xử
với cán bộ như vậy. Dù còn vì một căn nguyên nào khác nữa thì đồng chí lãnh đạo
tiêu biểu của một xã cũng không bao giờ được buông thả mình theo”.
Chúng tôi
thường đùa ông Lê rằng ông “trúng số độc đắc”. Không ngờ chuyến về Hương Điền lần
này, tôi cũng gặp phải trường hợp trớ trêu như thế.
Đầu đuôi như
sau:
Ông Nguyễn
Văn Chương, Bí thư huyện hỏi tôi:
- Kế hoạch về
Hương Điền của anh thế nào?
Tôi đáp:
- Tôi xin đi
Phong Sơn, Phong Sơn là một xã kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi muốn
viết sự đền ơn trả nghĩa ở đây.
Ông Bí thư
nói ngay:
- Quảng
Thái cũng là xã kiên cường trong chống Mỹ. Phong trào của nó bây giờ đang lên.
Tôi đề nghị anh về Quảng Thái. Còn Phong Sơn là một trong bốn xã kém của huyện,
anh không nên về.
Tôi đáp:
-
Không cứ viết về một đơn vị tiên tiến, điển hình mới là tuyên truyền.
Không biết
sai khiến được tôi, ông Chương phật ý. Ông đứng dậy, đi đi lại lại, ra ra vào
vào, mặt khó đăm đăm. Có lẽ ông quen được nghe lời, bây giờ có người dám trái
ý, ông không chịu nổi. Quả nhiên, lát sau ông đứng trước mặt tôi, phán một câu
làm tôi ngạc nhiên dựng đứng tóc gáy:
- Nếu
anh cứ đi Phong Sơn tôi sẽ không giới thiệu.
Thật tôi
không ngờ tình huống lại xảy ra như thế.
Tôi vừa lủi
thủi, vừa hăm hở đạp xe hai chục cây số về Phong Sơn.
Lủi thủi vì
tôi buồn về cuộc tiếp xúc vừa qua. Hăm hở vì tôi không thể tin Phong Sơn lại
kém đến thế. Có thể nào quên Phong Sơn đã một thời gạt bom đạn, đứng làm múi cầu,
nối chiến khu với đồng bằng Phong Quảng.
Tôi đạp xe
qua Đồng Dạ, Hiền Sĩ, Cổ Bi, Sơn Quả, Thanh Tân, Công Thành… Mỗi thước đất dưới
bánh xe lăn đều thức dậy trong tôi những kỷ niệm.
Tôi không thể
quên, bấy giờ vào tháng 11 năm 1966. Dưới đất, xe tăng gầm rú dẫn quân tràn về
Phong Sơn, gặp nhà đốt nhà, gặp trâu bắn trâu, gặp hầm đốt hầm. Trực thăng đuổi
theo từng con trâu tháo chạy trên đồng bắn gục. Cả một góc trời ngùn ngụt lửa
khói. Già trẻ lớn bé, đàn ông đàn bà đều bị lính túm cổ áo quăng lên trực
thăng, đổ xuống Phường Sắn, thép gai quây chặt bốn bề. Chỉ sau một đêm trong
vòng kẽm gai, mấy chục ông già đã chết vì uất ức.
Đêm, B57,
B52 dội bom xuống Phong Sơn. Ngày, máy ủi về cày tung từng viên gạch. Phong Sơn
thành vùng trắng, mọc đầy loài cây cỏ ngủ đầy gai, cứa nát chân như để nhắc mỗi
người qua đây về nỗi đau trên đất này.
Dân Phong
Sơn không chịu sống trong khu đồn, đã phá tan hàng rào thép gai, tản về ở khắp
Phò Trạch, Phong Hiền, Phong An. Từ đây lại lần mò về mảnh đất cũ, tìm du kích
nối lại phong trào.
Tôi không thể
nào quên được chị Cầm, người Bí thư bí mật trong lòng địch. Thấy du kích ước ao
có khẩu súng M-79, chị lừa địch, ăn cắp được, rồi đi tới từng bụi rậm trên đồng
gọi anh em mình. Không thấy ai chị đi lang thang, tay ôm khẩu súng, nước mắt chảy
ròng ròng. Một thời gian sau, địch bất ngờ mở trận càn hậu cứ. Được tin, trong
đêm, chị chạy tắt đồng lên báo cho du kích, chị vấp mìn, chết khi trời vừa rạng
đông.
Không thể nào
quên được em An, 12 tuổi, em đi nắm địch cho lực lượng địa phương tập kích đồn
Hiền Sĩ. Em bị chúng bắn chết, khi thấy em đang cởi trần, mặc mỗi chiếc quần
đùi, tay nắm chặt chiếc bắp ngô đang còn ăn dở.
Tôi không thể
quên Đời. Anh có một vợ, hai con. Đêm đem tiền vào ấp mua hàng cho chiến khu bị
địch phục kích. Bị thương không bò được, biết không thoát khỏi, anh cướp thời
gian xé hết tài liệu, xé hết tiền. Vừa xong việc, địch ập tới, chúng bắn xả vào
ngực anh cả một băng dài.
Những kỷ niệm
ấy trong tôi nhức nhối, như lên tiếng rằng, dân Phong Sơn như thế, đâu có thể
chịu thua ai. Tính lại lực lượng, Phong Sơn có hơn 7.000 dân, 1.000 hec-ta lâm
nghiệp, 400 hec-ta đất nông nghiệp, 400 hec-ta đất cây công nghiệp. Tiềm năng ấy,
con người ấy đâu có dễ yếu hèn.
Nghe tin tôi
lại về Phong Sơn, các cơ sở cũ tìm đến thăm tôi rất đông. Một chị bước vào, hỏi
ngay:
- Mi còn nhớ
tau không, Hà?
Tôi đáp:
- Chị là Len
chứ gì.
Thế là chị
ôm lấy vai tôi òa khóc:
- Đến tên chị
mi còn quên. Hèn chi người ta quên Phong Sơn là phải. Bây chừ người ta đi một
bước có xe. Làm răng còn nhớ lúc nằm bờ, ngủ bụi chờ dân Phong Sơn này lén lút
đem tới cho từng vắt cơm chim lận trong cạp quần.
Tôi nói:
- Thời đó
không có Phong Sơn dễ gì sớm có Phong Quảng. Chỉ nguyên việc ấy, chả ai dám quên
Phong Sơn đâu.
- Ngày xưa
đêm mô vào ấp, bọn bay cũng nói với chị: “Đất nước thống nhất đời sẽ đổi khác”.
Sao bọn bay lại nỡ để Phong Sơn lụn bại in ri. Hay bây giờ làm ông nọ bà kia rồi
quên luôn cả những lời hứa hẹn. Làm người không nên thất hứa em ạ.
Điều tôi suy
nghĩ suốt từ lúc rời huyện, bây giờ đã đến lúc nói ra được:
- Các anh
các chị như thế, xã ta có truyền thống như thế , sao lại để huyện xếp vào loại
kém là thế nào. Chẳng lẽ mình đánh mất mình rồi ư?
Câu hỏi của
tôi như đổ dầu vào lửa. Lửa bùng ngay lên, cuồn cuộn, dữ dội. Một anh bỗng bật
cười ha hả. Anh càng cười, nước mắt càng tràn ra đuôi hai con mắt, lát sau anh
nói:
- Chúng ta
làm việc è cổ ra như răng huyện có biết mô. Chỉ thấy chúng ta thiếu thóc nghĩa
vụ, thiếu lợn nghĩa vụ thì bảo chúng ta là kém. Cứ coi xã Phong Mỹ đó. Diện
tích đất đai nó như của mình. Việc của nó là nông nghiệp như chúng ta, nó bỏ ruộng
đồng, vụ này chỉ cấy 40 hec-ta lúa, trồng 40 hec-ta lạc, bỏ hết lao vào đi trầm.
Nó được huyện xếp vào xã khá. Khá nỗi chi.
Phải vào
trong Đảng ủy xã tôi mới được nghe một cách tường tận, đầu đuôi. Anh Xuân Hãn,
Bí thư Đảng ủy xã yêu cầu trong câu chuyện đừng đụng gì tới nhân dân cả: “Tôi
khẳng định với các anh rằng không có dân ở mô ăn đứt chất cách mạng của Phong
Sơn được. Có ở đây cả hôm qua và hôm nay mới hiểu hết về họ”.
Ngược lại,
khi nói về Đảng bộ xã, những ý kiến phê phán rất kịch liệt. Nào là yếu về năng
lực, nào là biến chất, nào là bị miếng cơm manh áo lôi cuốn… không đủ để dân
tin, không tập hợp nổi quần chúng để tạo nên phong trào. Họ công nhận khóa Đảng
ủy mới đây đã khởi sắc. Song tôi cũng ngậm ngùi, khi anh Quang, người Bí thư
cũ, trong chiến tranh nói rằng: Phong Sơn có 460 liệt sĩ. Những tinh hoa rực rỡ
nhất của Phong Sơn đã mất mát quá nhiều. Cho nên cần hiểu về đội ngũ Phong Sơn
thế nào đó cho thấu đáo.
Vấn đề được
mổ xẻ kĩ càng nhất đều xoay xung quanh chuyện đất đai. Bởi ba yếu tố phồn thịnh
là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhân đã hòa, thiên thời là cái khó chung của
toàn tỉnh. Riêng Phong Sơn, địa chẳng lợi chút nào. Phong Sơn không có đất cát.
Nhưng nó bị bạc màu, phần vì di ấn của chiến tranh, phần vì bị độ dốc xói mòn dữ
dội. Những chân ruộng thấp độ chua phèn rất cao. Đã vậy mặt bằng rất mấp mô, độ
cao thấp chênh lệch tới 5 mét. Khi ruộng thấp bị úng thì chân ruộng cao lại
đang bị hạn.
Tôi hỏi:
- Trước chiến
tranh, đất Phong Sơn trù mật lắm mà. Những xóm mít, những làng thanh trà đây từng
nổi tiếng.
Anh Quang
nhìn rất khái quát:
- Chiến
tranh đã vắt kiệt nước, vắt kiệt sức đất, vắt kiệt sức của Phong Sơn rồi.
Trầm ngâm,
tôi biết anh Quang đang sống lại thời quá khứ trong kí ức anh. Lát sau, anh chậm
rãi nói:
- Trước chiến
tranh, rừng kề sát làng. Nay đi suốt ngày vẫn thấy toàn đồi trọc. Trụi rừng, mất
nước, các con suối điều tiết nước không đều nữa, nước chảy thốc chảy tháo. Nắng
lên, cần nước, suối đã lại cạn rồi. Đất hoang hóa hàng chục năm, toàn cỏ tranh,
lau lách, cây xấu hổ, màu mỡ còn đâu nữa. Tôi chứng kiến cái cảnh hòa bình, dân
Phong Sơn dắt díu nhau về quê. Đối diện với lau lách bom mìn, hoang vu người
dân chỉ có đôi bàn tay trắng. Rớt nước mắt anh ạ. Đôi bàn tay với cái cuốc, y
như thời ông khai canh đưa con cháu đi khai phá ấy. Được thế ni, tôi nghĩ đã tận
cùng sức lực rồi.
Tôi đi thăm
lại cánh đồng. Độ cao thấp không đồng đều, trước mắt chưa thể tạo nên mặt bằng
tổng thể bằng máy móc, vẫn có thể khắc phục được bằng ruộng bậc thang. Nếu làm
ruộng bậc thang, điều phối nước cũng là việc phức tạp. Chính vì vậy, đến cả 4 hợp
tác xã ở Phong Sơn đều thấy bật ra một yêu cầu hết sức bức bách, như là một lời
kêu gọi khẩn thiết, đó là nước tưới.
Có một thời
huyện hô lên làm thủy lợi sông Bồ rồi thôi. Rồi tỉnh làm đề án trạm bơm dinh,
cũng mất tăm. Xã đề nghị huyện giúp làm đập khe Nam, lời đi thì có, lời về thì
không. Hai nghìn mẫu đất của huyện Phong Sơn vẫn phải bám vào 14 chiếc máy bơm
cũ kĩ chạy bằng than.
Máy của hợp
tác, xã không có kỹ thuật, phải thuê người trông nom, vận hành. Tiền thuê mỗi
máy một năm hết 11.000 đồng cộng với một tấn lúa. Hàng tạ luyn phải mua ngoài.
Mỗi máy ăn 5.000 thùng than một năm.
Vụ đông xuân
1986, máy hỏng hàng loạt. Nước về chậm. Mạ để già. Cấy không đúng thời vụ, mất
mùa. Đó là chưa kể những loại kỹ thuật lừa bịp, khai máy hỏng tùm lum để vòi tiền.
Máy nước ở
đây vừa là niềm hy vọng, nhiều khi cũng là tai nạn. Tôi nhớ vụ đông xuân 1983,
xã viên hợp tác xã Nam Sơn nháo nhác lên vì chủ nhiệm Nguyễn Lé ký hợp đồng tay
đôi với Trần Phương, thuê lo toàn bộ máy nước, bảo đảm tưới đầy đủ cho hợp tác
xã. Các hộ nhận ruộng khoán nộp đủ tiền cho Lé, cho Phương, bỗng Phương biến
đâu mất. Ruộng đòi nước, dân hỏi Lé, Lé thét lác, làm lơ. Cuối cùng phải gõ đầu
từng người dân, lên rừng đốt than, góp vào cho máy chạy. Nước về chậm, năm ấy mất
mùa. Lẽ ra vụ ăn cướp này đã phải ra ánh sáng. Phương trốn, Lé phải đền. Sao đến
nay vẫn im?
Chủ tịch xã
Nguyễn Văn Châu cho tôi biết:
- Từ khi thực
hiện chủ trương khoán, đã 11 vụ, Phong Sơn mất mùa 6 vụ.
Tôi hỏi:
- Vụ này mất
mùa. Dự thu 720 tấn. Chi phí sản xuất tất cả hết 295 tấn. Còn 430 tấn. Nếu trả
hết nợ Nhà nước, cộng với thuế và nghĩa vụ năm nay nữa, 380 tấn, dân Phong Sơn
hơn 7.000 người chỉ còn 54 tấn lúa. Nghĩa là mỗi đầu người được 8kg.
- Vậy thì sống
bằng cách nào.
Anh Xuân
Hãn, bí thư xã trả lời thay Châu:
- Dân Phong
Sơn lại phải trông vào rừng. Tranh tre, nứa lá, cùng với ít khoai sắn qua ngày
chứ còn biết làm răng nữa. Dân Phong Sơn nợ Nhà nước thôi chứ không quỵt mô mà.
Nói cho anh biết, Phong Sơn chủ động được nước tưới tiêu, sẽ chẳng thua kém ai.
Tôi nói:
- Phong Sơn
không đủ sức lo thủy lợi thì đề nghị huyện đầu tư thêm cho.
Suy ngẫm hồi
lâu, anh Hãn tâm sự:
- Nếu huyện
quan tâm, đầu tư cho Phong Sơn một chút thôi, thì không đến nỗi. Đất lâm nghiệp
nhiều, đất chăn nuôi sẵn. Đất cho cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, có cả. Đất
nông nghiệp đủ dùng. Phong Sơn có tiềm lực, hiềm nỗi dân Phong Sơn nghèo quá. Dốc
vốn cho miếng ăn trước mắt đã không xong, lấy mô mà lo chiến lược lâu dài. Ấy
là tôi chưa nói tới những phi lý mà huyện quàng vào cổ xã. Ví như thôn Đồng Dạ
đó, huyện cắt của Phong An đưa sang Phong Sơn. Cắt người mà không cắt đất. Đành
phải nhận đất xa của Phong Sơn thôi. Gần cũng 5 cây, xa thì 8 cây. Đến ruộng,
trưa rồi còn chi, huyện tính cái hợp lý hóa ở chỗ mô không biết.
Nghe, nhưng
tôi nghi ngờ: có thật huyện không đầu tư gì cho Phong Sơn? Hỏi kỹ, mới biết huyện
lo cho Phong Sơn. Nhưng mới lo trên nghị quyết, trong giấy tờ. Hai lần đồng chí
Phó Bí thư Huyện ủy về họp với Phong Sơn bàn kế hoạch phát triển mạnh vùng đồi.
Chi tiết kỹ lắm, huyện giúp gì, xã làm gì. Nhưng khi đồng chí lên xe, thì mọi dự
kiến cũng theo xe Phó Bí thư đi luôn. Huyện ra kế hoạch cho xã trồng mía, làm
đường, trồng thuốc lá sợi nâu sợi vàng. Song vì chưa nghiên cứu kỹ thông thổ ở
đây, thuốc cấy xuống, bị hạn, cháy sạch. Tiếp đến trồng mía. Vốn đầu tư nhiều,
năng suất kém. Khi hạch toán, hụt vốn, tốn công. Phong Sơn không đủ sức, đành bỏ
mía. Chiếc máy ép mía, bộ đồ nấu rượu mía còn đó, như vết sẹo của một thời. Người
kỹ thuật của huyện về từ đó ra đi, không hề ngoái đầu lại. Huyện đầu tư cho
Phong Sơn một trường cấp ІІ của xã thôi, bảy năm trời mới xong. Nếu không thực
hiện Nhà nước, nhân dân cùng làm chắc cũng chưa xong đâu. Như hai năm nay, huyện
hô hào Phong Sơn đã trồng 4 vạn cây, huyện chưa đưa về một hạt gạo nào…
Toàn
“chuyện lạ có thật”. Di ấn của những chuyện như huyền thoại ấy là những câu ca
dao đọc nghe xót tận ruột:
“Tỉnh dài,
huyện rộng, xã to
Huyện ra kế
hoạch, xã lo mà làm”
Và một dị khảo
khác cũng xót xa như thế:
“Tỉnh to huyện
rộng xã dài
Cán bộ đi
không hết, việc ai, nấy làm”
Chẳng biết
những câu ca này đã đến tai huyện hay chưa?
Đến Phong
Sơn mới thật thương Phong Sơn. Càng thương hơn khi thấy Phong Sơn lắm thứ, y
như gái dở thèm của chua ấy: kiểu như thèm một trạm bơm nước để làm ruộng. Thèm
một đội khảo sát của huyện về đánh giá hết khả năng trồng trọt của mình.
Thèm được huyện phân cho ít công cụ sản xuất để đỡ sức người, rồi thèm huyện đầu
tư cho một cán bộ ra cán bộ… Không phải thèm ăn, toàn thèm làm mới lạ. Cứ đếm từng
cái thèm, mới thấy Phong Sơn vẫn hằng khát khao đi lên, bằng người. Phải soi ống
kính vào gốc ấy mới thấy ngoài hạt lúa và đầu heo, cần nhìn ở nhiều phương diện
khác nữa mới thấy hết Phong Sơn. Như hạt kim cương kia, sở dĩ nó lấp lánh và
nhiều màu sắc thế là nhờ ở cấu trúc đa diện của nó.
Chính vì vậy,
tôi bỗng giật mình hốt hoảng khi về Cổ Bi, anh Thân, chủ nhiệm hợp tác xã Đông
Sơn nói với tôi rằng, năm nay tổng chi phí sản xuất bằng đúng 67% thu nhập. Như
thế có nghĩa là xã viên hợp tác xã, Nhà nước chỉ còn có được 33% số lúa làm ra.
Vậy thì làm sao Phong Sơn ngóc đầu lên được.
Chợt một câu
hỏi đè nặng lên lòng tôi: “ Làm thế nào để gỡ cho Phong Sơn bây giờ”.
Mang tâm trạng
ấy, tôi đi lang thang trên đất Phong Sơn dưới ánh trăng thượng tuần. Con đường
mòn vắt qua núi Sơn còn kia. Đường xuyên ngang cống Ồ Ồ còn kia, đó là hai múi
đường thời chiến tranh nối từ chiến khu về đồng bằng Phong Quảng.
Tôi nhớ đêm
31 tháng 12 năm 1969, huyện gọi cán bộ chủ chốt bám trụ vùng sâu lên họp đầu
năm chuẩn bị triển khai kế hoạch mới. Mấy ngày mưa triền miên. Đường ì oạp, nước
lũng bũng, giao liên vừa dẫn đoàn cán bộ qua đồi thông, đến đất làng Xuân Điền
Lộc thì bị phục kích. Mìn Clay-mo xếp dài hai bên đường đồng loạt nổ ập vào. Rồi
lựu đạn nổ tối mắt, hàng trăm quả. 17 đồng chí hy sinh tại chỗ. Bọn địch canh
gác không cho ta lấy xác. Chúng tới từng thi thể lột hết áo quần anh em mình, để
phơi nắng cho mau rữa thịt. Đồng thời chúng ùa vào làng Đồng Lâm, cứ roi quất,
miệng chửi: “Xanh vỏ đỏ lòng này! Ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản này! Theo Việt
cộng này!”. Mỗi câu chửi một nhát roi chúng đánh không chừa ai, suốt từ em bé
lên 3 đến ông già tóc bạc.
Kể sao hết
trần ai, chỉ vì một tội Phong Sơn theo cách mạng.
Tôi nhớ đêm
đang nằm ở hậu cứ, bây giờ đang ở giai đoạn tranh chấp vùng da báo sau Hiệp nghị
Pari, chị Quả lên tìm chúng tôi, tay trái nâng cánh tay phải sưng vù, tím bầm bất
động lên: “Chúng đánh dữ quá e không chịu nỗi. Các đồng chí cho tôi thoát ly
thôi”.
Chúng tôi
yêu cầu: “Lúc này mới là cách mạng cần bám dân bám đất nhất. Dẫu phải hy sinh tổ
chức cũng yêu cầu đồng chí quay về”. Chị Quả gạt nước mắt trở về nơi phong trào
như thế.
Những kỷ niệm
qua, và cái hiện tại thế ấy, tôi có cảm giác rằng lâu nay Phong Sơn bị bỏ rơi
chứ không phải Phong Sơn kém đến thế. Mai mốt quay về Huyện ủy, chắc chắn ông
Bí thư Nguyễn Văn Chương sẽ hỏi tôi: “Phong Sơn thế nào”, tôi sẽ trả lời sao
đây. Nói ngắn thôi, mà hàm súc, đầy đủ. Tránh nhất là nói chung chung, phải hết
sức cụ thể. Và cuối cùng tôi đã tìm được một Phong Sơn thu gọn, rất điển hình,
đó là gia đình chị Thỏn.
Tôi sẽ kể cho ông nghe anh Quyền chồng chị là liệt sĩ, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó một nách nuôi hai con, một nách cưu mang cách mạng, là một trong những đảng viên mật hăng hái nhất. Ngày ngày chị đi hái sim, bẻ chổi nuôi con, và lấy cớ đó lên gặp du kích bên bờ sông Lồ Ô thông báo tình hình địch và hợp đồng tín hiệu mật khẩu để đêm đón anh em về ấp. Bây giờ chị đã già. Một cháu trai đã đi bộ đội, theo bước chân cha, giữ nước, cháu trai thứ hai ở nhà, làm ruộng đóng đủ nghĩa vụ cho Nhà nước. Tôi vào nhà, chưa xong vụ gặt, cháu đã đi rừng, một mình nuôi mẹ.
Tôi sẽ kể cho ông nghe anh Quyền chồng chị là liệt sĩ, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ đó một nách nuôi hai con, một nách cưu mang cách mạng, là một trong những đảng viên mật hăng hái nhất. Ngày ngày chị đi hái sim, bẻ chổi nuôi con, và lấy cớ đó lên gặp du kích bên bờ sông Lồ Ô thông báo tình hình địch và hợp đồng tín hiệu mật khẩu để đêm đón anh em về ấp. Bây giờ chị đã già. Một cháu trai đã đi bộ đội, theo bước chân cha, giữ nước, cháu trai thứ hai ở nhà, làm ruộng đóng đủ nghĩa vụ cho Nhà nước. Tôi vào nhà, chưa xong vụ gặt, cháu đã đi rừng, một mình nuôi mẹ.
Phong Sơn thế
đấy. Hỏi còn đòi hỏi gì hơn. Không hiểu những điều tôi định nói, ông Bí thư có
nhận ra không vì trong chiến tranh, ông không có mặt ở Phong Sơn, liệu ông có
thông cảm cho không. Nhất là cuộc gặp gỡ vừa rồi, ông đã phật ý, liệu ông có chịu
nghe, chịu tin tôi không. Song, tôi chắc rằng, không sớm thì chầy, tôi sẽ nói
được cái gì đó cho Phong Sơn, và thế nào cũng sẽ gặp được những tấm lòng. Như
Viện 268 của quân đội chẳng hạn, nghe chuyện Phong Sơn, về thăm Phong Sơn, họ
quyết định sẽ nhận tất cả những bệnh nhân của Phong Sơn đưa lên viện. Có cái gì
vi phạm nguyên tắc đấy, nhưng thật có tình. Nghe quyết định ấy, dân Phong Sơn
rơm rớm nước mắt. Người ngoài cuộc còn rung động được thế, chẳng lẽ với Huyện ủy,
những người trong cuộc không động lòng được sao?!.
Quả nhiên
tôi đã gặp may, về tới văn phòng Huyện ủy, ông Bí thư và các anh em trong Huyện
ủy đều nồng nhiệt đón tiếp tôi, khác hẳn hoàn toàn bữa tôi xin đi Phong Sơn hôm
ấy.
Đúng như dự
định, ông Bí thư hỏi tôi ngay:
- Thế nào?
Phong Sơn thế nào?
Tôi nhận định
ngay rằng mình “Trúng mánh”, vậy thì phải đi một nước cờ quyết định. Không nên
trù trừ nữa. Trù trừ lúc này là bỏ lỡ thời cơ. Tôi nói:
- Phong Sơn
trách ông đấy.
- Sao - Ông
Bí thư hỏi thảng thốt.
Tôi đáp:
- Bà con nói
thời ông Sĩ Hạc làm Chủ tịch, ông Hạc tới tận cánh đồng Bù Mẹ, Bù Con xa nhất rồi
bàn với họ những thử nghiệm làm ăn. Đến thời ông Nguyễn Trung Chính làm Bí thư,
ông Chính xuống họp với hợp tác xã vạch ra cho họ cái sai, động viên làm cái
đúng. Từ ngày ông làm Bí thư huyện đên giờ, ông mới về tới văn phòng Đảng ủy
hai lần, duyệt xong đề án, chiều lại lên xe về huyện ngay.
Ông Chương
chột dạ thanh minh:
- Tôi có về
hợp tác xã Nam Sơn đấy chứ?
- Vậy tôi biết
tin ai bây giờ - Tôi nói - Có điều theo ý tôi, ý nghĩa của người lãnh đạo là chỗ
mỗi bước đi của họ đều tạo ra một luồng gió mới. Hợp tác xã Nam Sơn vẫn là hợp
tác xã bét huyện, vậy ông phải coi lại nửa bước đi của mình.
Thấy ông
Chương ngồi im chịu chuyện, được đà, tôi luôn nước cờ thứ hai:
- Tôi lo cho
Phong Sơn quá. Khoản chi phí cho cây lúa cao, làm rối tinh cả kế hoạch của hợp
tác và đời sống xã viên. Vì thế lần mãi không ra đầu mối.
Ông Chánh
văn phòng đủng đỉnh nói:
- Gì mà
không lần ra đầu mối. Họ chỉ khó cái thủy lợi thôi.
- Đúng thế -
Tôi đáp - Điều tôi muốn nói là ở chỗ các anh biết rõ ràng, song các anh đã giúp
được gì cho nó. Hay chỉ biết ca thán nó không làm được cái này, không làm được
cái kia. Thói quan liêu thời đại đã được nhân dân đúc trong bốn chữ như một câu
tục ngữ: “Biết - Bàn – Bí - Bỏ”.
Tôi liền kể
cho ông Bí thư và Chánh văn phòng nghe rằng, anh Nguyễn Văn Nhu Phó Bí thư Đảng
ủy xã Phong Sơn, có cái giọng khôi hài chua chát, đã nói với tôi: Lần nào ông
đi họp cũng được cấp trên vỗ vai dặn dò thân tình: “Phong Sơn gắng lên nghe
trên này huyện ủy chú ý lắm đấy”
Lại thêm một
điều bất ngờ nữa, ông Chương đã đồng tình với ý kiến của tôi. Ông trở nên cởi mở:
- Cái này cuộc
họp phê bình và tự phê bình của Huyện ủy cũng vừa kiểm điểm xong. Huyện có đầu
tư cho điểm nhưng chưa đầu tư cho diện. Tỉnh cũng phê huyện chưa chú ý thích
đáng đến thế mạnh gò đồi. Mà cũng phải đổi mới cả các ngành nữa. Có chủ trương
cả đấy, nhưng khâu tổ chức thực hiện rối quá. Như việc đã bàn cho dân Phong Sơn
vay vốn chăn nuôi. Nhưng họ sợ Phong Sơn không làm nổi, nên đã rụt lại. Muốn thực
hiện được phương án kinh tế, còn phải kết hợp cả với phương án xã hội nữa.
Tôi thở phào
nhẹ nhõm. Ra luồng gió xu thế mới của thời đại đã thổi đến đất Hương Điền này,
làm nhanh chóng thay đổi thời tiết ở đây. Ý kiến của tôi lúc này thật đúng lúc.
Cái thực đã hài hoà với cái nghĩ và cái làm. Và có lẽ cũng vì thế sự ngộ nhận ở
ông Bí thư với tôi cũng đã qua được nhanh. Sự chân thành này đã đến lúc có thể
bàn với nhau những điều cần thiết. Tôi gạt bỏ ngay trong tôi sự đề phòng, đối
phó. Một dự định hay vụt đến, tôi mạnh dạn trình bày ngay:
- Qua đợt đi
Phong Sơn vừa rồi tôi thấy giữa Phong Sơn và Huyện ủy có những điều chưa gặp
nhau. Hãy đừng coi thường yếu tố nhất quán. Phải nhất quán mới đồng lòng. Có đồng
lòng mới làm được mọi việc. Tôi đề nghị thế này ông xem có được không. Một buổi
nào đó, huyện nên chủ động đi, mình là người lãnh đạo mà. Ông, đồng chí Chánh
văn phòng, đồng chí Huyện ủy viên phụ trách cụm Phong Sơn, nếu có cả chính quyền
nữa càng hay, về gặp trực tiếp Đảng ủy, Ủy ban Phong Sơn, có gì mắc míu với
nhau, có gì chưa đồng nhất, hãy nói hết với nhau đi. Phân định cho rõ, lỗi ở
xã, xã nhận, lỗi ở huyện, huyện nhận. Bàn cả phương thức đầu tư cho xã nữa. Được
như thế, nhất định Phong Sơn sẽ lên và tôi rất muốn được chứng kiến từ đầu đến
cuối cuộc gặp gỡ tình nghĩa này.
- Rất hoan
nghênh, chúng tôi sẽ làm và sẽ mời anh - ông Chương bắt tay tôi như để đóng
đinh giao kèo.
Trong niềm hồ
hởi, cởi mở ấy, ông Bí thư thông báo với tôi rằng huỵên đã quyết định chi ngân
sách 68 triệu đồng cho Phong Sơn, Phong Xuân làm hồ chứa nước Khe Quay, hồ sẽ
tưới nước cho 23000 hec-ta đất ở đây. Như vậy, vấn đề nước của Phong Sơn đã
chuyển. Cả 4 hợp tác xã đã thay đổi hàng loạt cán bộ mới. Đoàn Thanh niên và Hội
Phụ nữ đã được tổ chức lại. Tiếng nói của nó lấy lại được trọng lượng. Đồng ruộng
đang bước đầu quy hoạch phù hợp với tình hình máy móc, nước nôi.
Tôi nói:
- Đồng chí
Bí thư Đảng ủy xã nói với tôi: chúng tôi đã nói với hơn 7000 dân Phong Sơn của
chúng tôi rằng: những ngọn cờ đã cuốn lại, phải mở ra đi. Phải chăn nuôi mới dễ
thở. Phải trồng đậu phụng, trồng ớt là thế mạnh của đất Phong Sơn. Phải trồng
cây lâm nghiệp lo cho con cháu. Trước mắt Phong Sơn hãy đừng chờ ai. Hãy trông
chờ vào hai bàn tay của mình. Trong chiến tranh chúng ta đã anh dũng ngẩng đầu
lên thì bây giờ phải không được cúi xuống.
Cho đến lúc
này ông Chương mới nở một nụ cười:
- Thế là thằng
Phong Sơn đã cất cánh rồi. Nói vậy chứ, huyện không đầu tư, lúc này Phong Sơn
không ngóc đầu dễ dàng đâu.
Tôi ước ao,
giá có Phong Sơn ngồi đây, được chứng kiến cuộc nói chuyện này, để khẳng định
thêm hướng đường Phong Sơn đã tự vạch. Phải nắm bắt xu thế mới này. Dĩ nhiên
còn phải căng mình ra đấy, nhưng niềm vui ở chỗ Phong Sơn đã nhìn ra chân trời
của mình. Tôi cũng tin là Phong Sơn sẽ bật dậy mạnh, ngay từ phút giây này tôi
đã nôn nao nỗi ngóng chờ.
22/3/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét