Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Lá rụng về cội

Lá rụng về cội
Tôi rất ham đọc hồi ký: Không gặp được nhà văn có tài, ta cũng gặp tài liệu. Tôi rất phục những người viết hồi ký, sao họ có trí nhớ giỏi thế, họ có phịa thêm chăng mà cứ như thực thế, rất tài! Còn mình, chuyện mình sống, mình trải qua, sao mình quên quá nhiều và lộn tùng phèo. Tôi rất sợ viết hồi ký, văng vẳng bên tai, lời của Chủ tịch Phạm Văn Đồng nói cùng anh Tế Hanh, anh Bửu Tiến, anh Phạm Hổ và tôi trong một bữa ăn đầu xuân cách đây hơn 15 năm, nhân có một anh trong bọn chúng tôi gợi Anh Tô viết hồi ký.
Anh Tô cười... ngất "Hồi ký à! Kỳ quá, kỳ quá, kỳ quá. Đó là cái để khoe mình có điều gì hay và thanh minh mình có gì không tốt". Vì vậy, cái bài Hồi ký này, anh Nguyễn Đắc Xuân, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường gợi tôi viết năm năm trước, bây giờ mới dám viết ra.
Dám viết ra, vì không dám chối từ! Tối qua, tại An hiên trang của chị Nguyễn Đình Chi, sau bữa rượu nhỏ mừng anh Thanh Tịnh, anh Nguyễn Hữu Ba về thăm quê Huế cũng là kết hợp mừng anh Nguyễn Đắc Xuân 50 tuổi đời, 20 tuổi cách mạng, và 10 tuổi vợ, dưới bóng trăng, sau tiếng đàn, đám bạc đầu lớn tuổi, chúng tôi ngồi hàn huyên các chuyện dính líu và gần với Huế:
Hai mươi năm trời, nhớ Huế nhớ không nguôi.
Biết bao phen lòng gọi chỉ lòng ơi
Màu day dứt là cái màu hoa phượng
Một dấu son không dấu nổi ngang trời.
Từ chuyện anh Thanh Tịnh và anh Hải Châu (em ruột anh Hải Triều) bị máy bay giặc Pháp bắn lúc qua đò Vạn Rú, Hải Châu bị chết, chỉ Thanh Tịnh thoát, nhưng anh Lưu Trọng Lư ở xa nghe báo không kỹ đã viết thư cho anh Hải Châu "nhờ thuê người tìm xác Thanh Tịnh!". Chuyện tôi cùng các anh Phạm Đăng Trí, Yến Lan, Nguyễn Hữu Ba, đi chuyến tàu hoả cuối cùng Huế - Quảng Trị về thăm quê tôi trước ngày mặt trận vỡ 1946! Chuyện 1949 tôi từ Khu IV vào, các anh Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Ba, Dương Kỵ ở thành phố Huế bị chiếm mò ra thăm tôi ở vùng tự do cầu ngói Thanh Toàn! Tổ chức cuộc gặp ấy nhớ là anh Vũ Văn Chiêm trung tướng hiện nay, lúc ấy ở trong thành đội Huế.
Anh Tô Nhuận Vỹ và anh Tường kêu lên:
"Không có máy ghi uổng quá! Vậy thì các anh phải viết kẻo..." Tôi hiểu kẻo gì rồi! Từ ngày anh Xuân Diệu mất, thì đám lớn tuổi chúng tôi đều được đánh giá là có khả năng sớm ra đi vào "cõi mô tê" (chữ anh Xuân Diệu) như thế cả. Mất người, nhưng quan trọng nữa, là mất tư liệu sống mà! Nhân tôi nói đến đoàn "Xây dựng", "Chỉ ở Huế mới có không mô có" các anh nổi máu địa phương lên bảo: "Viết đi, viết đi". Thế là tôi không dám chối từ! Thế là có cái bài văn không ra văn này, mà tôi gọi đi là hồi ký. Mà cũng phải viết thật! vì óc tôi nhớ đã lù mù lắm. May ra các anh khác đọc và còn nhớ kỹ đính chính, bổ sung giùm.
Bài này đặt tên là "Lá rụng về cội". Còn vì sao mà đặt vậy, cuối cùng anh chị em Sông Hương sẽ hiểu. Sau Cách mạng tháng Tám, ở Huế tụ tập rất đông văn nghệ sĩ. Hoạ có các anh: Phạm Đăng Trí, Nguyễn Đức Nùng, Tôn Thất Đào. Nhạc có các anh: Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Hải Châu, Trần Hoàn, chị Lệ Minh (vợ anh Lư) anh và chị đang "thời trăng mật". Văn có Thanh Tịnh, Trịnh Xuân An, Bửu Tiến, Trần Thanh Địch, Hoàng Trọng Miên. Thơ có Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Khương Hữu Dụng, Phan Văn Dật, Võ Quảng, Hoàng Yến, Nguyễn Đình Thư, Phan Thanh Phước. Đông nhất là lý luận, nghiên cứu phê bình: Hải Triều, Hải Thanh, Bội Lan, Phan Nhân, Hồng Chương, Dương Kỵ, Lưu Quý Kỳ, Đào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh... Các bạn tha cho nếu tôi đã để sót một ai, và sắp xếp lộn xộn không theo trật tự, ngôi thứ gì.

Tất cả các nơi trên toàn quốc đều có Hội Văn hoá Cứu quốc, Huế cũng có. Nhưng một số anh em, trong đó có tôi, sợ cái khẩu hiệu "Dân tộc, khoa học, đại chúng" nên quây quần với Việt Minh. Trung bộ thì quây quần, vì ở đó có Tố Hữu, nhưng vào Văn hoá Cứu quốc thì không vào! Văn học dân tộc thì được! Nhưng "khoa học" thì còn gì là văn học nữa! Và "đại chúng" eo ơi! Không được đâu:
Bóng đêm vẫn không ngừng
Tấn công vào ánh sáng
mà lại! Anh Tố Hữu... và anh Nguyễn Chí Thanh đã nghĩ ra một đoàn thể là "Đoàn Xây Dựng" với cái phương châm Dân tộc dân chủ... Thế là tất cả hôm sau đều có mặt ngay! Vào hết! Thế rồi Ban chấp hành lâm thời được bầu ra hay đúng hơn được giới thiệu và hoan nghênh một cách dễ dàng gồm có các anh Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư, Lưu Quý Kỳ và tôi. Có các anh Hải Triều, Tố Hữu hay không tôi quên mất! Nhưng chắc hồi ấy, không cần đưa nhiều đảng viên, nhất là các đảng viên quan trọng vào đến thế. Nhưng cũng có thể có. Hồi ấy rất chi là thoải mái. Anh Nguyễn Chí Thanh còn lên sân khấu diễn kịch với chị Thanh Hương mà.
Đoàn Xây Dựng hằng tuần họp ở trụ sở tờ báo Ánh sáng. Chủ tờ báo ấy là một người mà chúng tôi rất hâm mộ lúc còn Pháp thuộc: Anh Hải Thanh trong dòng Hải Khách (Trần Huy Liệu) Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), anh thầm lặng, ít nói, chân tình. Sau này anh bị lao, cùng tôi đi dưỡng bệnh ở Trung Quốc, tôi càng quý trọng anh hơn. Tiếc thay anh đã mất ở Nam Ninh vì bệnh tình quá nặng... Mộ anh còn chôn bên ấy.
Trở lại Đoàn Xây Dựng. Tối nào sinh hoạt cũng có ăn chè, thường là hột sen, do chị Bội Lan nấu. Khi thì đọc thơ, khi thì bàn về sử, trình bày nhạc, đọc kịch nhưng thường là nói chuyện trên trời dưới đất. Buổi nào cũng có anh Nguyễn Chí Thanh, anh Tố Hữu, anh Hải Triều, anh Hải Thanh. Suốt một đời không ai quên Nguyễn Chí Thanh được.
Anh Thanh ơi, viết đến đây thì tôi không dừng được nước mắt. Anh có công lớn với Bình Trị Thiên, với miền Nam, với toàn quốc, nhưng đối với bản thân tôi, không có anh và Tố Hữu tôi sẽ thế nào? Chắc Lưu Trọng Lư cũng nghĩ về mình như tôi vậy. (Phải ghi công này cho Lư. Vỡ mặt trận rồi Tây chiếm Huế, Lư lạc con, vào tận thành phố Huế tìm. Bùi Huy Tín mời mọc giữ lại, nhưng Lư không thèm, ở một đêm sáng lại lên rú).
Anh Thanh không nói chuyện chính trị, lý luận, tuyên truyền chủ nghĩa Mác gì hết. Với đám này! tuyên truyền cái gì nữa! Hôm qua nô lệ, hôm nay độc lập, thế không đủ hiểu rồi ư. Tố Hữu, Hải Triều, Hải Thanh lại càng không. Tố Hữu có kinh nghiệm là cứ bớt tranh luận, đi vào thực tế đi, sau còn gì về sẽ bàn với nhau nốt! Hồi ấy lần họp nào mà chả cãi nhau! Có lúc đập cả bàn mà tranh luận. Và hình như cái lõi là "duy tâm và duy vật" kia. Tôi đã viết:
Đi xa về hoá chậm
Biết bao là nhiêu khê.
Từ trước khi Cách mạng đến tôi đã đi về xứ siêu hình khá xa.
Cần phải về phía khác không thì chậm mất. Và chuyến đi thực tế của văn nghệ sĩ chuyến đầu tiên trong cả nước nữa, là chuyến đi tổ chức bởi Việt Minh Trung bộ cho Nguyễn Đức Nùng, Trần Thanh Địch và tôi vào mặt trận Tây Nguyên. Gọi đầu tiên "trong cả nước" vì chuyến đi của Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp khởi hành ở Hà Nội là sau đó mấy tháng kia. Các anh ở mặt trận miền Trung về, ghé qua Huế, còn cùng chúng tôi đi thuyền trên sông Hương, thăm các lăng lần cuối, trước khi lao vào cuộc kháng chiến lớn của dân tộc. Anh Tuân rất thú vị, có một chùm cá chép dắt theo sau thuyền. Trước cách mạng, cũng ít khi có một cuộc đi thăm lăng tẩm đàng hoàng đến vậy. Và biết đâu mọi người không vì chút hạnh phúc nho nhỏ ấy mà quyết tâm chiến đấu cho dân tộc! Để một ngày ai trở về hái lại một nhành mai trước hiên nhà, hay đi thuyền trên sông Hương, có con cá bơi theo.
Đoàn chúng tôi vào đến Quảng Ngãi, thì được Tướng Nguyễn Sơn đón tiếp rất chi là đặc biệt! Trần Mai Ninh cũng làm việc với anh Sơn ở đó. Mấy chục năm rồi tôi còn nhớ các câu thơ tướng đọc cho chúng tôi hôm ấy, (và sau này khi anh hay qua chơi báo Cứu Quốc Liên khu IV). Thơ nhớ người vợ nơi hải ngoại, mà anh gọi là Mẹ Ú. Một hôm đang ăn cháo gà, anh rưng nước mắt:
- Nhớ mẹ Ú, ăn gà chỉ thích xương.
Thơ anh làm theo lối... nhà tướng. Trên máy chữ, như người xưa trên ngựa:
Nhớ ngày nào cùng em trên núi Thanh Lương
Hai ta cùng hái một xâu sim
Hai ta cùng hái một xâu sim
Bao giờ hái cùng em một xâu đầu quân giặc
Không có em, anh chiến đấu một nửa.
Tôi hỏi anh: "Anh mà cũng thế à?". Anh có tật béo tai. Anh béo tai tôi: "Rồi sẽ biết thôi chú mày ạ". Và tôi đã biết. Anh chiến đấu rất kiên cường.
Anh Sơn cho Nùng, Địch, và tôi một xấp công lệnh, đi đâu thì đi. Chúng tôi thẳng lên Tây Nguyên chiến trường nóng bỏng nhất là tôi nghe có anh Cao Văn Khánh (bạn dạy học ở Việt Anh cùng tôi) chỉ huy trên ấy. ở Tây Nguyên về, chúng tôi rất phấn khởi. Đi các nơi đều diễn thuyết. ở Đà Nẵng, anh Tế Hanh, anh Nguyễn Văn Bổng, anh Đoàn Văn Cừ, tổ chức cho đoàn tôi nói chuyện. Tôi hào hứng! "Quân Pháp không thể nào chiếm được Tây Nguyên! Các đường sá ta đều ngả cây rừng ngăn xe địch. Quân đội ta rất sẵn sàng!". Buổi sáng người đi nghe vỗ tay rầm rầm thì buổi chiều chúng tôi phải lặng lẽ chuồn ngay về Huế. Vì mặt trận Tây Nguyên vỡ! Đánh theo lối phòng tuyến thì vỡ thôi! Và sau này mặt trận Huế cũng vỡ vì thế (Bửu Tiến hay gọi là trận "muối ớt" vì ta mang rơm để đốt "đồn" khách sạn Mô Ranh của giặc, có đổ ớt vào cho khói lên cay mắt tụi quan Tây, đánh trận lần ấy lại quên diêm nên vào đêm mới xong phải liều chết rút về).
Nghìn trận thắng có trận thua góp lửa.
Phải đâu ngọn cờ nào cũng cắm ở Ngọ Môn
Khi xây rồi vỡ, vỡ rồi xây từng cơ sở
Khi ba quả lựu đạn trong tay, hai câm còn một nổ
Khi đốt đồn mà quên diêm và ướt cả rơm
Những dại dột trứng nước ngây thơ ban đầu ta chẳng quên ơn
Tất cả đã làm máu lót đường đi cho lịch sử
Chủ nghĩa Mác không biết những ngọn cờ chiến thắng sực mùi long não và gấp nếp nằm im trong tủ
Chính qua nghìn tăm tối bão dông mà ngôi sao ta chói rọi Sài Gòn.
Sau ngày gặp anh Trần Thanh Địch, anh Nguyễn Đức Nùng, chúng tôi hay nhắc lại cái thuở trứng nước, ngây thơ ấy. Vui nhất là chuyện vào trụ sở Việt Minh Hội An. Anh Nùng giới thiệu "Chúng tôi ở Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội vào đây". Tôi và Địch khá phục Nùng sao biết được một danh từ oai đến thế mà mình không biết.
Nhưng các đồng chí ở Việt Minh Hội An rất hoảng hốt. Chả lẽ lại là đại biểu của Việt Cách, kẻ thù của Cách mạng đến nhà! Các đồng chí lễ phép xin xem giấy. Eo ôi! Thì té ra tên thật của Việt Minh là Việt Nam độc lập đồng minh kia! Nùng đâu biết! May mà hồi ấy chưa có cái thói truy bắt và "chụp mũ"!
Hôm ấy, chúng tôi cũng ăn uống xong rồi chuồn sớm vì ngượng. Về đến Huế, đoàn chúng tôi được anh Nguyễn Chí Thanh, anh Tố Hữu đón như các chiến sĩ lớn từ mặt trận trở về! Đoàn văn nghệ đầu tiên đi mặt trận mà lỵ!
Trong khi đó thì ở nhà, các anh chị em đoàn cũng hoạt động dữ dội. Trí vẽ tranh tuyên truyền, Miên giới thiệu thơ Maia trên báo Quyết Thắng, đó cũng là các bài viết về Maiakovsky, sớm nhất sau Cách mạng tháng Tám. Nguyễn Hữu Ba được hoan nghênh lớn vì Lửa rừng đêm. Đoàn kịch Trọng Miên, Bửu Tiến diễn liên tiếp nhiều đêm "Lôi Vũ". Diễn ế! Cách mạng lên, giặc Pháp sắp tấn công. Giặc đói đang hoành hành! Thì hay như Lôi Vũ, chứ hay hơn nữa cũng ế là lẽ tất nhiên! Nhưng chúng tôi đã có "vốn" gì đâu mà viết được cái mới! Thanh Tịnh nhắn lời phê bình rất chi là Huế "Diễn một lần là yêu, hai lần là mê, ba lần là si đó". Chúng tôi diễn bốn lần, về cả Sịa nữa kia, và đã tan đoàn không phải vì Tây, mà vì ta ít đi xem (Đến đây lại phải ghi công Bửu Tiến, "mệ" là người có công với sân khấu với kịch Bình Trị Thiên và toàn quốc: cái thuở ban đầu). Đoàn Xây Dựng đi có tín nhiệm với nhân dân, trí thức thành phố, và với Đảng. Anh Thanh, anh Lành đẻ ra đoàn ủng hộ đoàn hết sức. Nhưng còn các anh khác: anh Trần Hữu Duệ, anh Nguyễn Duy Trinh ở phía chính quyền thì sao? ấy thế mà một buổi sáng chính quyền mời anh Lư, anh Miên và tôi đến giao cho chúng tôi bảy vạn đồng để thành lập tủ sách công dân, các sách từ chính trị khoa học cho đến văn nghệ. Tôi nộp bản thảo "Thiên chúa và Tổ quốc" không những được Việt Minh Trung bộ khen mà Tổng bộ Việt Minh còn cho ba nghìn đồng. Tố Hữu chuyển cho tôi số tiền ấy. Anh cởi cái áo sơ mi tốt đang mặc cho tôi vì áo tôi quá cũ. Nhưng lại bảo: "Hoan cho mình hai chục". Tuy anh là lãnh đạo nhưng cũng không có tiền riêng. Tôi đưa nhiều hơn anh không lấy. Tôi để một nửa tiền mua thêm sách về thơ và tôn giáo, mua mười cây cam từ Huế chở về Quảng Trị còn lại nửa số tiền đưa cho mẹ tôi. "Mẹ chăm vườn, mai sau đánh xong Tây con về nhà thì có cam ăn". Nào hay đi luôn từ đó cho đến 35 năm sau tôi mới về lại nhà và trở lại Huế. Những năm 1949, 1952, 1973 tuy tôi có trở lại Bình Trị Thiên, nhưng về đến Huế gặp lại những anh em cũ thì phải năm 1981, lúc tôi được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc Hội ở Huế này! Gặp lại anh Phạm Đăng Trí, và xin xem bức tranh "Người suối bạc" mà tôi đã đặt tên trước lúc ra đi (Bức tranh khá... Liêu Trai làm tôi nghĩ đến suối vàng). Nhưng màu ở đây, lại không vàng mà bạc. Tôi cùng anh Lê Trọng Sâm tìm ngôi nhà đá ở Vỹ Dạ mà không tìm ra nổi. May quá còn nhớ rằng người bạn hàng xóm hồi ấy là anh thi sĩ Bửu Cầm. Tôi liền xông vào nhà anh Bửu. Chỉ làm quen, và cuối cùng nhờ anh mà tìm ra được! Vật đổi sao dời.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Chẳng cần bụi trúc nào bên đường xưa cả.
Dù bay đi bốn phương trời, lá rụng về cội cả. Tôi muốn nói cái cội rễ gốc nguồn là tình yêu cách mạng, yêu Tổ quốc, nhân dân. Đại bộ phận anh em trở thành đảng viên của Đảng. Anh Dương Kỵ ở lại trong thành. Nhưng không kể 1949 anh ra vùng tự do cùng Phạm Đăng Trí, Nguyễn Hữu Ba thăm tôi, mà về sau, quãng sau 1960 anh xuất hiện đột ngột ở Hà Nội rồi sau đó là một trong các cán bộ chủ chốt của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Sau 1954 vào thời "300 ngày" anh Phạm Đăng Trí đã ra Hà Nội thăm anh chị em văn nghệ cách mạng. Tôi đi vắng không gặp, nhưng Nguyễn Đức Nùng đã gặp, các anh lãnh đạo văn nghệ đã gặp. Đang giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi biết anh Thanh Nghị trong Chính phủ cách mạng lâm thời lại chính là Hoàng Trọng Quỳ, anh ruột anh Hoàng Trọng Miên, nên tôi an tâm về Miên. Giải phóng Sài Gòn, tôi vào, biết Miên là cơ sở, bài Miên được đăng báo Văn Nghệ Giải phóng số một, tháng năm 1975. Nguyễn Hữu Ba cũng ôm lấy tôi, hôm tôi thay mặt văn nghệ miền Bắc dự cuộc họp đầu tiên của Văn nghệ Giải phóng miền Nam tháng 6 năm 1975. Sau này một hôm nằm ở Chiêu đãi sở Mátxcơva chờ máy bay, anh Xá - Trung ương Uỷ viên tới phòng tôi chơi nói chuyện tào lao, giữa chuyện anh nói: "Mình mừng quá! hồi vỡ mặt trận, trước khi Ba ở lại mình có dặn dò. Vậy mà, sau mấy chục năm giải phóng, mình vào Sài Gòn, anh em trong ấy bảo Ba rất tốt. Mình mừng quá có đến thăm nhà". Anh Xá nguyên là Bí thư Quảng Trị. Tất cả về cội, không mất mát gì ư? Có chứ. Mất Phạm Duy! Chúng ta tiếc lắm, vì anh có tài lớn. Nhưng chúng ta làm sao được! Anh ấy bỏ chúng ta, chứ chúng ta đâu có bỏ anh. Hồi anh đi Bình Trị Thiên với tôi năm 1949, anh viết "Bên ni bên tê", "Bà mẹ Gio Linh" rất xúc động. Tỉnh uỷ Thừa Thiên có gợi nên kết nạp anh vào Đảng. Khu uỷ bốn còn phân vân nhưng cũng dự tính như vậy. Nhưng anh đã dinh tê về Hà Nội, vì chiến tranh những năm 1950, 1951, không còn dịu dàng như trước! Sau Điện Biên Phủ, sau năm 1954, hình như có lúc anh hối hận muốn "hướng về". Rồi lại thôi! Sau chiến thắng vĩ đại của ta hồi 1975, hình như anh lại xúc động lại. Anh Trần Văn Khê ở Pháp về, hỏi ý kiến anh Tố Hữu. Anh Tố Hữu bảo "bỏ khúc giữa, lấy khúc đầu và khúc đuôi" nghĩa là quên đi thời Phạm Duy theo Pháp và theo Mỹ, chỉ nhớ cái gì ở anh là đẹp nhất trước kia và nên, sau này... Đấy cũng là thái độ của anh Hoàng Anh, Bí thư Khu ủy hồi 1950 khi Phạm Duy bỏ kháng chiến về thành. Có một anh văn nghệ Liên khu IV bảo: "Thứ ấy càng đi, càng nhẹ nợ". Anh Hoàng Anh đã phê bình nặng đồng chí ấy:
- Sao lại nói vậy? Anh ấy bỏ chúng ta mà đi, chúng ta phải xem lại trách nhiệm của mình. Giờ anh ấy về thành, các anh không được hết trách nhiệm, phải liên lạc, giúp đỡ anh ấy, cho anh ấy khỏi rơi vào tội lỗi.
Chúng ta kiên trì, nhưng biết làm sao được! Nếu Phạm Duy cóc cần sự kiên trì ấy. Năm 1979 tôi đang ở thủ đô Bruxelles của Bỉ. Đêm ấy, cách chỗ tôi 800 mét, đoàn của Duy đang biểu diễn và chửi rủa chúng ta. Tôi chỉ biết nhắn:
- Mọi người đều tuỳ thích có thể yêu thương hay nguyền rủa trong đời. Nhưng Tổ quốc mẹ chúng ta đang ốm. Hàng triệu trái bom của đế quốc, mẹ đã vượt qua. Nhưng một cái ho của chúng ta, cũng làm hại đến sức khỏe, sinh mệnh của Mẹ. Cần gì phải chửi, chờ cho mẹ khoẻ ra, giàu lên rồi ai muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm.
Vâng chỉ có trường hợp anh Phạm Duy là... là không cần cội vậy thôi. Chứ hình như hầu hết, lá rụng đều về cội cả và mọc lên thành cội nữa.
Huế, Nhà khách Lê Lợi
22 tháng 6 năm 1986
Chế Lan Viên
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...