Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Tình yêu và mùa xuân ở biển

Tình yêu và mùa xuân ở biển
1. Quán Hoa - Lay - Ơn nằm bên trong một con hẻm chật chội phía nam nội thành Huế. Nhưng mặt tiền khang trang, bảng hiệu bắt mắt, chỗ để xe rộng rãi, mười một phòng đều có máy lạnh, có nhạc sàn, lại vừa tậu thêm được thứ nhạc re - mix, đầu ka - ra - ô - kê sáu số hiệu Ca-li-phoóc-ni-a nên khách đến hát mỗi đêm đông nườm nượp. Những “thượng đế” chủ yếu là những nam thanh nữ tú tuổi “tin” đang học cấp ba hay đại học, cao đẳng, đi toàn xe hiệu Atila, Nouvo, Sh, Air Blade xúng xính đến “mở phòng”. Đến để sinh nhật, đến để họp lớp đầu năm, đến để hát hò cuối tuần, đến để vui chơi sau những chầu nhậu hăng say hằng đêm, đến để uống thêm thứ nước lưu linh như muốn “cá độ” tửu lượng với nhau…
Cũng có những tay tài xế lái xe khách, xe công - tơ - nơ; những anh công chức “còm” dạt vào kiếm gái để ôm, để ăn “phở” thay cho “cơm nhà” đã nguội lạnh, hiu hắt từ lâu. Cũng có, đôi khi và thỉnh thoảng, hai sư thầy đến hát cùng các “tín đồ” nữ xinh đẹp với tờ giấy báo dán chồng lên tấm cửa làm bằng mi - ca ghi số phòng và khi thanh toán lại rút toàn tiền năm trăm nằm trong một hoặc hai phong bì thư nhăn nheo, loại dùng cho phúng điếu.
Cũng có những đám thanh niên đến hát rồi đột nhiên “nổi điên” đâm chém, lấy chai bia choảng nhau tơi bời khói lửa chỉ vì một cú huýt sáo “khiêu khích” từ phía bên kia. Và cũng có những đám ma - cô, những đứa con gái làm nghề “buôn hương bán phấn” lấy đùi cui, giày cao gót đuổi đánh “lên bờ xuống ruộng” những vị khách không chịu trả tiền “bo” làm cả con hẻm phải kéo cửa ken két, đề phòng “tên bay”, “đạn lạc”.
Đó là nơi Sơn, một cử nhân ra trường hơn một năm rưỡi phải khom mình làm cái việc “chạy phòng”, từ xách bia, dắt xe, lấy nước đá đến chạy thanh toán tiền, dọn phòng, rửa toa - lét… từ xế chiều cho đến tận đêm khuya. Vì là “ông cử”, dù đã có “thâm niên” sáu tháng phục vụ, Sơn vẫn ao ước có việc ổn định thật mau để nhanh chóng thoát khỏi chốn lao tâm lao lực này. Như sự nghĩ ngợi ngày hôm nay…
Ngày hôm nay, đang nghĩ ngợi về buổi phỏng vấn tuần sau thì thằng Quốc, cũng là một thằng cử nhân “chạy phòng” vỗ mạnh vào vai Sơn khi cả đám đang “đứng đường”…  chặn xe đón khách.
- Thằng Long gần “gét ao” cái quán này rồi. Nó đãi cả bọn chầu nhậu linh đình bằng cá cam và cả két bia Hu - đa để tuần sau đi làm “tháo giày” mà mặt mày bị xị rứa à?
- Mừng cái gì mà mừng! Nhà tau mất đứt một trăm triệu tiền bán đất ruộng để xin vô dạy… hợp đồng. Tau vô làm, lớ xớ bị đuổi là coi như đi “ăn mày dĩ vãng”. Thằng Long đốp lại như một kẻ “chịu đấm ăn xôi”.
Một trăm triệu để xin việc thì Sơn “đào” đâu ra khi ba mẹ đều là những dân nghèo thành thị, quanh năm suốt tháng phải bươm chải nuôi anh chị em Sơn hai mươi mấy năm nay. “Cuộc phỏng vấn của cơ quan X tuần sau chắc cũng làm đá lót đường cho người ta như những lần trước mà thôi. Thôi đành chấp nhận công việc chạy phòng để kiếm tiền sống tạm bợ qua ngày trước đã”, Sơn ngẫm cuộc đời mà thấy cay cay…
2. Thằng Long đi rồi thì chủ tuyển người mới thay vào. Đó là một thằng nhóc mới 18 tuổi tên Lanh. Thằng Lanh từ vùng quê nghèo Phong Điền trôi dạt lên thị thành Huế. Nó hơi nhút nhát nhưng được cái thành thật như… Thạch Sanh. Mấy ngày đầu nó nhanh nhẹn lắm, việc gì cũng nhảy vô làm giùm người khác, đúng như cái tên anh em đặt cho nó: “Thằng Lanh Chanh”. Thế mà sau ngày “hôm đó” nó như gà mắc tóc, như mèo bị quẹt mỡ, như chó bị thiến dái. Ngày thì làm vỡ đến mấy cái cốc uống bia trước mặt khách; ngày thì chỉnh nhạc đến chói tai làm khách điện thoại đến quầy mắng vốn chủ; ngày thì khách kêu bia Huda lại đem bia Fes - ti - val, khiến khách tá hỏa khi trả tiền; ngày thì tính tiền nhầm đến mấy trăm ngàn làm bà chủ “phát hỏa” hừng hực trong người rồi chửi đổng anh em cả quán, kiểu mấy thằng nhân viên trong quán ai cũng có tính gian. Anh em trong quán nghe chủ chửi điếc tai quá cũng đâm bực. Thằng Quốc còn định nện cho một trận. Sơn thì bảo không nên. Vì đã làm công mà không thương nhau thì ai thương cho nữa chứ?
- Mày kết mô - đen con nhỏ nào mà thất thần ghê vậy? Sơn hỏi khi đang ngồi “trực” chạy phòng với thằng Lanh ở tầng hai.
- Dạ! Con bé Thúy ạ! Thằng Lanh chẳng giấu giếm gì, trả lời ngay. Vốn là nó được Sơn che chở khi còn “lạ nước lạ cái” nên tin vào thằng “đàn anh” này lắm. Sau vụ bị bà chủ chửi và bị mấy đứa nhân viên dọa đánh thì việc gì nó cũng hỏi ý kiến Sơn mới dám làm.
Sơn giả vờ đoán:
- Con đợt tau cho số điện thoại đó hả? Mà nó tên Châu mà?
- Không! Con bé khác cơ! Thằng Lanh lí nhí.
Đang rảnh việc, Sơn liền chọc:
- Ấy dà! Để tau nhớ xem! Thúy hay Thúi hè? Tau cũng thấy ngờ ngợ… Hay là…?  
- Con Thúy mắt lé phải không? O Lan đang quét dọn ở hành lang nói xen vào rồi tự cười ha hả với hàm răng sún gần hết.
- Cái gì? Con Thúy “đàn em” của mụ Ni chủ “động” Thiên Thai hả? Mày đâm đầu vô động “yêu tinh nhền nhện” rồi! Sơn vụt đứng dậy, miệng há hốc làm rớt luôn điếu thuốc đang hút dở xuống sàn  nhà được lau láng bóng làm o Lan chửi loạn xị cả lên.
Thằng Lanh hốt hoảng, phân bua:
- Em thấy con bé đó nó hiền mà. Không giống như những con bé “làm tiền” khác. Để bữa sau nó đến mấy anh giúp em nói vô nhé! Ô - kê hí?
- “Ô - kê hí” cái đầu mày á! Giúp mày hay hại mày đây? Coi chừng bị “cắt cu” đó! Sơn quát bảo thằng Lanh, tỏ vẻ tức giận. Sơn biết quá rõ tính nết của những ả làm nghề đi “ôm” đàn ông khắp thiên hạ này. Nếu Sơn không coi thằng Lanh là “đàn em” thì cần gì quan tâm vào chứ?
- “Không nghe lời tau, tau mặc kệ mày!” - Sơn dằn giọng.
Nhưng thằng Lanh đã không nghe lời Sơn. Nó đã dính bùa yêu thuốc lú nên yêu như một con thiêu thần, như một con nhện đực. Con Thúy cũng ghé vào phòng nó nhiều đêm trong tuần. Sơn thấy con Thúy càng ngày càng giống một con nhện cái đang se một tấm lưới đan vào tứ chi của thằng Lanh làm nó hết đường nhúc nhích. Từ sau khi vướng vào ma lực tình yêu, thằng Lanh ngày càng mê số đề, tỉ số để “cầu may” và cũng là để có tiền đắp đổi chu cấp cho con bồ khi nó “ế” khách. Nhưng nó đánh mấy Sơn cũng vẫn cho là thua. Vì nó có xài được số tiền đó đâu?
“Làm không đủ ăn mà còn mất tiền cho ca - ve. Thôi thế là xong đời, Lanh ơi” - Sơn tự nhói trong lòng, mất công anh em trong quán lại nói Sơn rảnh việc nên xon xen việc của “người ta”. Nhưng đúng thực là Sơn vẫn mong thằng Lanh đừng lún sâu thêm nữa. Kiểu như lời tự trách của chàng trai trong bài hát “Đừng tin vào lời ong bướm, đó là hố sâu, là cạm bẫy tình yêu…” mà nhiều vị khách hay lựa chọn để hát mỗi đêm. Sơn nghe. Thằng Lanh cũng nghe. Sơn hiểu. Nhưng thằng Lanh lại không hiểu. Cuộc đời đẩy đưa con người ta đến mức điêu tàn như thế sao?
3. Thúy nhắn tin cho Sơn ra ngoài quán nói chuyện nhưng nói rõ đừng nói cho Lanh biết. Khi đó, Sơn, Lanh và mấy anh em trong quán đang ngồi lại với nhau chén tạc chén thù sau một ngày làm việc mệt nhọc, chạy phòng đển mệt bở hơi tai.
- Nhờ anh trả lại cho anh Lanh ví tiền và điện thoại hộ em với!
Sơn trố mắt nhìn Thúy tỏ vẻ không hiểu rồi bảo có việc gì thì nói nhanh để Sơn còn vào “trông quán”. Sơn vẫn giận Thúy đã đeo bám thằng Lanh làm nó bị anh em trong quán khinh khi.
- Dạ! Anh Lanh sợ em không đủ tiền ăn tháng này và tiền trả nợ cho chị Ni nên giao ví tiền và điện thoại cho em cầm cố. Em không dám nhận tiền của anh Lanh như thế này đâu! Có gì anh nói lại với anh ấy em sẽ tự xoay xở!
Thúy nói xong liền đưa ví tiền và điện thoại của thằng Lanh cho Sơn rồi lên xe của “đàn chị” phóng liền ra ngõ. Đã mười một giờ đêm, hai tấm thân bụi trần dần mất hút trong màn đêm với những tiếng xe tay nổ giòn như trò đùa tạo hóa. Sơn đứng tần ngần, không tin vào tai mình nữa. “Đĩ chê tiền, lạ chưa?”.
Trở lại quán, Sơn chẳng nói năng gì. Đến khi tàn cuộc, thằng Lanh rủ Sơn ngủ lại phòng trọ của nó vì nó thấy Sơn đã say mệt nhừ, không thể về nhà được nữa.
Phòng trò của thằng Lanh nằm gần quán, là dãy nhà cấp bốn đang chờ đập nát để xây lại. Thằng Lanh thuê chỉ với một trăm năm chục ngàn mỗi tháng vì nó hứa với bà chủ sẽ “kiêm” luôn người giữ “địa bàn” để mấy thằng chích nghiện khỏi vô lớn xớn tìm chỗ ngủ.
Đặt lưng dựa vào bức tường để hút thuốc, Sơn móc ví và điện thoại đưa cho thằng Lanh.
- Này, đây, cầm lấy! Đừng dại nữa!
Như hiểu ra, thằng Lanh rưng rưng nước mắt. Nước mắt nó làm Sơn chửng hửng. Đàn ông con trai ai lại khóc bao giờ? Mà mắc mớ gì phải khóc cơ chứ. Sơn nói rồi với tay lấy cái khăn giấy đưa cho nó.
Sụt sịt khóc một hồi, vẫn chưa hết nước mắt, thằng Lanh nức nở nói:  
- Anh biết không? Em yêu Thúy vì em thương hoàn cảnh của Thúy. Nếu em là con gái thì em chắc cũng làm nghề như Thúy, chứ không hơn gì tình cảnh của Thúy đâu!
“Làm nghề như Thúy”, điều khẳng định ấy làm Sơn chợt nhói lòng. Nhưng Sơn định thần lại, khuyên: “Đừng nghe thằng nghiện kể lể, đừng nghe con đĩ giải bày, Lanh ơi!”.
Xin Sơn điếu thuốc, thằng Lanh im lặng một lát cho hết nước mắt rồi nói tiếp:
- Anh không biết mô! Khi đó khách đòi “em út”… Cô Tịnh gọi điện mụ Ni cho ba em tới quán để “phục vụ”. Khi đó…
… Con Nâu, một ca-ve đã có tiếng tại cái khu ka - ra - ô - kê  nội thành Huế bảo:
- Nó mới nhập “động”, còn e dè vì là học sinh thi rớt tốt nghiệp. Mắt nó hơi lé mại nhưng me thấy cũng có duyên chớ “me”?
- Vậy là nó hợp với thằng chột phòng “víp” 5 đó. Nè! Ba thằng tài xế từ Đà Nẵng ra. Uống Hên - ni - kên. Nhớ mở bia nhiều nhiều! Mụ chủ quán ka - ra - ô - kê cười hô hố, ánh mắt như vớ được vàng.
Ngày đó, sau khi làm gái bia ôm, Thúy bị mụ Ni bắt phải đi khách tại nhà nghỉ mấy đợt.
Ngày đó, dịch cúm gia cầm lan đến một xã bãi ngang Phú Lộc. Khi tiêu hủy con vịt cuối cùng, o Thu hóa điên. Cô con gái lớn đau lòng xót dạ đến bỏ cả kỳ thi tốt nghiệp trung học.
Ngày đó, mụ Ni chỉ hỏi cụt ngủn: Làm đĩ không? Mau giàu lại sướng thân, có cả bạc triệu hàng tháng dư sức nuôi được em út dưới quê!
Trước đó, Sơn bảo: Tội lội xuống sông ấy! Nó giả đò đó! Tau thấy nó đếm tiền “bo” của khách hớn hở lắm mà. Nó còn nhuộm tóc và mặc cái quần ngắn sếch - xi đến phát khiếp luôn! Nếu nó làm đĩ chuyên nghiệp thì nó sẽ nhận tiền của mày cái rụp và đá đít mày ngay khi mày không còn đồng xu dính túi nào! Cá không?
Giờ nghĩ lại, Sơn cảm thấy mình sai. Than ôi! Người con gái ai lại muốn đem thân cho thiên hạ trêu đùa, giày vò. Vương Thúy Kiều từng “thanh lâu hai lượt” đã tủi phận hồng trần của mình rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần đất xa”. Phải chăng khi những phụ nữ làm cái nghề không được xã hội thừa nhận thì việc bị làm nhục và bị đối xử không giống con người là điều bình thường?
4. Đã mười hai giờ đêm ba mươi Tết. Trăng tròn vằng vặc, những vì sao đuổi bắt nhau đến sáng cả trời đêm. Gió biển thổi vào lồng lộng. Bãi cát vàng sóng vỗ vào đều đều. Trong khung cảnh như mơ đó, mười kiếp người đã ngồi lại với nhau trong một cái lán dựng bằng tre rạ ở biển Thuận An. Anh em đều biết nhau đến thân quen. Toàn là kiếp mạt cùng của xã hội. Trong đám đó, có cả những con người nhìn đời qua hai tiếng chửi Đ.M.
Bốn chai rượu Thủy Dương hình như không đủ cho đêm nay. Ngà ngà say. Rượu vào lời ra. Ngả nghiêng. Chênh vênh. Sơn đi dần về cuối bãi biển. Chàng trai trẻ thỏa thê căng lồng ngực hít hà gió biển sau khi đã tống khứ bớt cái thứ nước men cay của cuộc đời. Sơn chặc lưỡi: Giờ này dường như chẳng còn “ma” nào trên bãi biển ngoài nhóm của Sơn.
Sột soạt, rúc rích, tiếng vật vã, uốn éo, rên rỉ đầy khoái lạc dục tình bất chợt theo gió vọng đến. Sơn khẽ nhếch mép. “Thì ra mình lầm. Vậy là vẫn có ít nhất hai người đến đây nữa để hưởng lạc thú của cuộc đời”. Như Sơn và đám chiến hữu tìm về với biển đêm nay nhậu để quên đời vậy. Sơn thấy đêm nay sao vui quá, đủ các chuyện trên trời dưới đất, dù chỉ trong một tích tắc của cuộc đời.
Đám chiến hữu í ới. Đã tới lượt Sơn diễn trò ca hát góp vui cho anh em ăn nhậu quên sầu. Mặc kệ đôi nam nữ đang mây mưa trong cái lán phía bên kia ghềnh đá, Sơn trở lại cuộc nhậu với bài hát của cuộc đời.
Sơn ê a: “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo. Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo. Luôn đi bên tôi như với người tình thân thiết. Công danh trong tay như cát bụi trên phố nghèo...”. Cả bọn vỗ tay cười. Sơn thì thấy rượu đã đắng ở tận đầu lưỡi. Ôi! Cuộc đời là thế, biết làm sao hơn được đây?
Đến khi tàn cuộc, Sơn say. Thực sự say. Tìm một lán nghỉ ngơi, Sơn móc điện thoại ra nhắn tin. “Đã ngủ chưa em? Hay em đang làm gì đó?”.
“Chắc nàng đã ngủ rồi. Con gái Huế mà. Luôn bị cha mẹ nhắc đi ngủ sớm”. Sơn tự nhủ khi chẳng có tin nhắn nào hiện đến trong hộp thư đến. Dần dần, Sơn chìm vào giấc ngủ khi nào không hay…
Nhưng tiếng rung điện thoại giữa đêm khuya thanh vắng bất chợt làm Sơn tỉnh giấc. Lò mò thọc tay vào túi quần, Sơn thấy một tin nhắn trong hộp thư đến. “Của ai đây nhỉ?”, Sơn thầm đoán định trong cơn mê ngủ. “Em mới nhận lời làm bạn gái thằng bạn”. Tin nhắn làm Sơn choáng váng. Như bị quỷ ám tâm trí, Sơn đánh bạo nhằn tin lại. “Em có yêu anh không?”. Bên kia im lìm một lúc. “Không”. Sơn gọi. Máy bận. “Tại sao?” Sơn nhắn tin trong sự trống rỗng. Chẳng có trả lời…
Hồi lâu, một số điện thoại lạ gọi đến. Tưởng là người nhà mình gọi, sợ mình bị tai nạn gì đó, Sơn bắt máy.
- Quỳnh là bạn gái của tao. Bọn tau đang ở bên nhau. Mày là ai mà dám tán tỉnh “con mái” của tau hả? Muốn chết không?
Giọng con gái van lơn: “Thôi mà anh! Dọa thôi. Đừng… Thằng đó ở gần nhà em. Em sợ nó mách lẻo anh trai với ba mẹ em”.
Sau tiếng nói chát chua của đứa con gái, tiếng đe nẹt bên kia im bặt. Thay vào đó là tiếng hôn xiết, vật vã, rên rỉ như một sự cố ý của một con đực với mục đích muốn chứng tỏ với một con đực khác về quyền sở hữu đối với một con cái.
- “Chó má, đê tiện!” - Sơn rủa thầm…
Đã hai giờ sáng. Những tiếng sấm rền vang rồi tiếng mưa, tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc khiến Sơn trở mình thao thức mãi. Nhìn ra bên ngoài biển, Sơn thấy lấm tấm những hạt trắng trong như ngọc bích rơi xuống trong đêm. Một giọt trong số đó bị gió tạt vào rơi xuống mặt Sơn, chảy loang trên trán rồi bất ngờ tràn vào mí mắt…
Sơn khóc. Nhưng là khóc ở trong lòng, đau đớn như đứt từng đoạn ruột. Tình yêu vốn dĩ tươi đẹp nhất nhưng nay nó đã đổi khác đến mức khốn cùng trong một con người đang đương mầm khao khát.
5. Sáng sớm, đám “chiến hữu” của Sơn í ới gọi nhau dậy đón mặt trời lên. Liếc nhìn, Sơn thấy Lanh và Thúy tay trong tay cười đùa rôm rả dưới ánh dương của mặt trời hồng đang chiếu sáng muôn nơi.
Phía bên kia, cặp tình nhân cũng thức giấc. Một thoáng xấu hổ khi cô gái chạm mặt Sơn. Thằng con trai đi bên cạnh, một thằng hút xì-ke chính hiệu mà Sơn đã “cạch mặt” khi nhìn thấy nó và đám bạn choai choai đi vào toa - lét quán chích choác rồi bỏ lại trong thùng rác những kim tiêm dính máu.
Ngoài kia, những thuyền đánh cá đang nối đuôi nhau ra cập bến, những lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật hiên ngang trên cả một vùng biển lớn. Thúy chợt gục đầu xuống vai người yêu thổn thức:
- Ba em đã không về trong ngày không có bão biển… Thuyền ba em bị húc chìm khi đang đánh bắt cá trên vùng biển đảo Hoàng Sa.
Tiếng khóc khe khẽ của Thúy khiến Sơn thấy trống trải đến nao lòng…
Hai năm sau, tôi được Sơn, một người bạn thân thời cấp hai nhờ đến chụp ảnh cho một đám cưới ở một khu câu cá thư giãn ở huyện Phong Điền. Sơn bây giờ đã là chủ nhân của một cửa tiệm bán đồ lưu niệm dành riêng cho khách du lịch, đã lấy vợ và có một cậu con trai bụ bẫm. Và Sơn đã kể lại câu chuyện cho tôi biết khi chúng tôi đang chén tạc chén thù sau buổi hôn lễ của đôi tình nhân cùng độ tuổi hai mươi.
Ban đầu tôi định viết một bài báo phản ánh về tệ nạn ka-ra-ô-kê ôm nội thành Huế, trong đó tôi sẽ viết về cuộc đời bất hạnh của những cô gái làm nghề đi “ôm” trai để đổi tiền nuôi thân cũng như những tủi nhục của họ trong nghề. Nhưng ngòi bút tôi, như có điều gì mách bảo đã “ra lệnh” cho tôi phải viết những điều đó thành một câu chuyện kể: Một câu chuyện kể về tình yêu của những con người với những hoàn cảnh và số phận gần như tuyệt vọng nhưng rốt cuộc kết cục đã khác rất xa so với dự tính ban đầu của tôi, một kẻ vẫn đang đi tìm niềm hạnh phúc cho riêng bản thân mình.
Huế, 27/10/2013
Nguyễn Văn Toàn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...