1. Xuất
xứ của Thục Phán An Dương Vương?
Thục Phán thuộc dòng dõi vua Khai Minh nước Thục thời Chiến Quốc.
Thục là một quốc gia cổ ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc. Xuất phát quyền lực của
nước Thục là đồng bằng Thành Đô, với lãnh thổ chủ yếu nằm ở vùng Trung và Tây
bồn địa Tứ Xuyên, cũng như vùng thượng thung lũng sông Hán Thủy. Dân tộc chủ
yếu ở Thục là người Khương. Nước Thục bị Tần đánh bại vào năm 316 TCN. Khi đó
kinh đô của Thục đặt tại Thành Đô.
2. An Dương Vương đã lưu lạc đến phía Bắc Văn Lang như thế
nào?
Sách “Ngược dòng lịch sử” của GS Trần Quốc Vượng viết rằng sau khi
nước Thục bị Tần diệt, con nhỏ vua Thục là Thục Chế được lập lên ngôi, lưu vong
về phía đông nam. Tuy nhiên qua thế hệ Thục Chế vẫn phải lẩn trốn trước sự truy
nã của Tần và không có cơ hội khôi phục nước Thục cũ. Cuối cùng tới con Thục
Chế là Thục Phán thì hình thành quốc gia nằm ở phía bắc Lạc Việt của họ Hồng
Bàng. Và sau cuộc chống Tần thắng lợi đã buộc vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, lập
ra nước Âu Lạc.
Truyền thuyết Cẩu
chúa cheng vùa (“Chín chúa tranh vua”) của người Tày ở Cao
Bằng cũng dẫn chúng ta đến hướng nghĩ như trên về gốc tích của An Dương Vương.
Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương (tên
mới của nước Khai Minh?). Thục Phán đã lãnh đạo nước Nam Cương hợp nhất với Văn
Lang để lập ra Âu Lạc. Kinh đô xưa của nước Nam Cương vẫn còn đấu tích khá rõ
nét. Đó là kinh đô Nam Bình (Cao Bằng) với thành Bản Phủ là nơi vua ở.
3. Công lao của An Dương Vương trong việc đánh bại quân Tần như
thế nào?
Việc Thục Phán đánh bại quân Tần xâm lược thực chất phần lớn là do
công lao của nhân dân Văn Lang. Nhân dân Văn Lang với truyền thống chống ngoại
xâm (Đế Lai, giặc Ân, Thục Phán) có thể đã tạm liên minh với Thục Phán để chống
kẻ thù lớn hơn. An Dương Vương, “kẻ thù của kẻ thù” đã trở thành bạn của Văn
Lang trong trường hợp như vậy. Sau này, khi đã kháng chiến thắng lợi, Thục Phán
còn gây áp lực để Hùng Vương nhường ngôi, xóa nước Văn Lang, lập ra nước Âu
Lạc.
Thậm chí, Thần tích đền Chèm ghi Thục Phán đánh nhau với Tần Thủy
Hoàng, muốn “cầu hòa” nên đem Lý Ông Trọng mà hiến để xin bãi binh. Như vậy,
chứng tỏ Thục Phán đã có một sự tính toán nhất định để sử dụng thủ đoạn trong
chiến tranh, một điều không bao giờ gặp vào thời Văn Lang.
Do đó, dù Thục Phán là “anh hùng đánh bại quân Tần” thì vẫn không
thể xua tan tâm lý “bài ngoại” của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị
tộc rất sâu sắc. Bởi Thục Phán là thủ lĩnh ngoại tộc bị nhà Tần dồn đuổi mới
chạy xuống vùng đất Văn Lang và đã cướp ngôi vua của Hùng Vương thứ mười tám.
Những cuộc chiến đã diễn ra giữa hai bên Hùng – Thục được miêu tả rất nóng bỏng
và sinh mạng của người Văn Lang đã bị tàn hại rất nhiều.
4. Thời điểm Thục Phán diệt nước Văn Lang?
Đại Việt Sử Ký Toàn thư chép: “Đời cháu Thục Vương là Thục Phán
mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Vua Hùng Vương có tướng sĩ
giỏi, đã đánh bại quân Thục. Vua Hùng Vương nói: Ta có sức thần, nước Thục
không sợ hay sao? Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, khi
quân Thục lại kéo sang đánh nước Văn Lang, vua Hùng Vương còn trong cơn say.
Quân Thục đến gần, Vua Hùng trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông
tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang mất. Giáp Thìn, năm thứ 1 [257
TCN], vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc”.
Tuy nhiên, thời điểm 257 TCN không thể diễn ra việc Thục Phán diệt
họ Hùng và lập nước Âu Lạc. Thời điểm này Thục Phán và đồng bào của ông ta đã
nương nhờ tù trưởng Dịch Hu Thống trên đất Tây Vu, gần Văn Lang. Sau này, khi
Dịch Hu Tống bị Đồ Thư giết chết, bằng sự lấn án của dòng tộc mình có thể Thục
Phán đã cướp quyền lãnh đạo ở vùng đất Tây Vu và dùng vị thế này để liên kết
với nhân dân Văn Lang để chống Tần. Bởi thế Sứ ký Tư Mã Thiên thì viết nước Âu
Lạc lập sau năm 208 TCN.
5. An Dương Vương lập quốc theo mô hình nào?
Một điều đáng để suy nghĩ nữa là Thục Phán An Dương Vương lập quốc
theo mô hình nào? Mô hình của nước Thục đã diệt vong thời Chiến Quốc hay mô
hình Văn Lang? Hay là một mô hình mới?
* Mô hình nước Thục xưa được An Dương Vương áp dụng ở những chứng
cứ sau:
- Việc dời đô từ vùng bán sơn địa Phong Châu (Phú Thọ) về vùng
đồng bằng Cổ Loa (thuộc Hà Nội ngày nay) chứng tỏ một bước tiến vượt bậc trong
việc quản lý đất nước của nước mới Âu Lạc.
- Từ việc không có thành trì, phải nhổ tre đánh giặc thời Văn
Lang, nước Âu Lạc đã xây dựng thành Cổ Loa vững chắc và tinh vi với vị thế là
kinh đô của cả nước, chế ra “nỏ thần” và phân biệt rạch ròi giữa vua và dân về
nơi cư trú.
- Đã bắt đầu có những mưu mô chính trị xảo quyệt ở nhà nước phong
kiến Âu Lạc. Như Trọng Thủy của Nam Việt phải qua làm con tin (dù với thân phận
ở rể).
- Và cái tên An Dương Vương cũng có thể là niên hiệu của Thục
Phán, vua nước Âu Lạc. Điều này khác hẵn với cách gọi các đời vua Hùng theo
kiểu số thứ tự. Và bản thân vua Hùng cũng có nghĩa là “thủ lĩnh” được Hán hóa
về sau này.
- Bộ máy nhà nước của nước Âu Lạc không có nhiều thay đổi so với
bộ máy nhà nước thời Văn Lang. Đứng đầu trong bộ máy hành chính ở trung ương
vẫn là Vua và Lạc Hầu, Lạc Tướng. Đứng đầu các bộ vẫn là Lạc Tướng. Đứng đầu
các chiềng, chạ vẫn là Bồ chính. Tuy nhiên, ở thời An Dương Vương quyền hành
của nhà nước cao hơn và chặt chẽ hơn. Vua có quyền thế hơn trong việc cai trị
đất nước.
- Con gái vua, như Mỵ Châu vẫn gọi theo cách gọi của dân gian Văn
Lang. Có nghĩa là mệ, mế Châu.
- Tục ở rể vẫn thịnh hành. Bằng chứng Trọng Thủy của nước Nam
Việt, một nước lớn và mạnh hơn phải sang ở rể ở Âu Lạc.
Như vậy, mô hình Âu Lạc là sự kết hợp giữa mô hình Thục và mô hình
Văn Lang. Chính vì điều này, nhà nước Âu Lạc đã có sự phát triển vượt bậc trong
vòng 30 năm (208 TCN – 179 TCN), đủ sức đẩy lùi những cuộc tấn công của nước
Nam Việt trong một thời gian khá lâu dài.
6. Nước Âu Lạc có cương vực như thế nào?
Nước Âu Lạc chưa chia ra đơn vị hành chính, mà vẫn giữ các bộ lạc
tự trị và cha truyền con nối. Đó là các bộ lạc: Mê Linh, Long Biên, Kê Tù,
Khúc Dương, Tư Phố, Đô Lung, Tây Vu, Chu Diên, An Định, Vô Công, Cư Phong, Hàm
Hoan, Liên Lâu, Bắc Đái, Câu Lậu, Dư Phát, Vô Biên.
7. Dân số Âu Lạc khoảng bao nhiêu?
Dân số cuối thời Âu Lạc, ở niên đại 180 trước Công nguyên, có
khoảng 600.000 người.
8. Ngôn ngữ của người Âu Lạc?
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km là Đa Chất (Đại Xuyên,
Phú Xuyên) - làng đang lưu giữ một dòng ngôn ngữ cổ. Người dân ở đây có một thứ
tiếng nói để trao đổi riêng với vốn từ vựng rất phong phú, ít phải vay
mượn.
Một số người đã tìm đến nghiên cứu về dòng ngôn ngữ này và đưa ra
nhận định: Đây là những biệt ngữ có sự kết hợp giữa âm Nôm và âm Hán Việt. Thậm
chí căn cứ vào phát tích và phả hệ của làng, một số người còn cho rằng đây là
thứ ngôn ngữ thời Văn Lang - Âu Lạc còn bảo lưu được.
Nghi vấn về một nền ngôn ngữ cổ thời Văn Lang - Âu Lạc đang hiện
diện ở Đa Chất có chính xác hay không? Câu hỏi này người Đa Chất và những người
quan tâm đang trông chờ lời giải từ các nhà khoa học về ngôn ngữ, lịch sử và
khảo cổ.
9. Thành Cổ Loa độc đáo như thế nào?
Thành Cổ Loa là tòa thành có bề dày lịch sử và sự độc đáo về sinh
thái nhất tại Việt Nam. Khó có một tòa thành có nhiều sự độc đáo như thành cổ
Cổ Loa. Các nhà khảo cổ học đã đánh giá đây là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn
vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng
thành lũy của người Việt cổ”.
Gần 15.000m tường thành Cổ Loa đều được xây dựng bằng cách triệt
để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành
một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Đông Tây
chưa hề có. Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, hơn hẳn
những tòa thành khác về số vòng thành (các tòa thành sau này chỉ có nhiếu nhất
là 3 vòng thành).
10.
Thành Cổ Loa có vị thế như thế nào?
Thành
Cổ Loa vừa là một đô thị cổ, vừa là một trung tâm quân sự, có cả làng mạc, vùng
đô hội, có tất cả mọi ngành nghề. Những gì đã phát hiện cho phép xác định rằng
khu vực tây nam thành là một “binh công xưởng” làm nhiệm vụ đúc mũi tên trang
bị cho quân đội của An Dương Vương. Đến đây chúng ta sẽ được xem tận mắt dấu
vết của lò đúc, những phần còn lại của khuôn đúc, những mũi tên đồng ba cạnh
đặc trưng Cổ Loa – sản phẩm mang “thương hiệu Việt” đã từng nhiều lần gây kinh
hoàng cho quân xâm lược. Ở Trung Quốc cũng có nỏ máy của Khổng Minh trong trận
chiến với Mạnh Hoạch nhưng những cỗ máy bắn tên này chỉ nổi tiếng sau “nỏ thần”
Cổ Loa hơn 400 năm.
11. Quy mô dân số thành Cổ Loa như thế nào?
Số liệu dân số thành Cổ Loa thời Âu Lạc, Nam Việt đến nay vẫn chưa
được xác định rõ. Nhưng vào thời Hán, Cổ Loa thuộc huyện Tây Vu có 32.000 hộ,
chiếm khoảng 1/3 số hộ của quận Giao Chỉ (92.440 hộ) và gần bằng số hộ của quận
Cửu Chân (35.743 hộ). Cổ Loa hiện nay có tới 62 dòng họ, trong đó các họ lớn là
Nguyễn, Đào, Hoàng, Trương, Lại, Đỗ, Chu, Tái, Phạm, Trần, Vũ, Chử, Lê, Hà,
Đặng, Cao, Bùi, Ngô, Dương, Đồng, Vương… So với các làng xã khác thuộc đồng
bằng trung du Bắc Bộ thì só lượng các dòng họ ở Cổ Loa là khá nhiều.
12. Từ Cổ Loa có thể đi đến những nơi nào bằng đường thủy?
Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng
thuận lợi hơn bất kỳ ở đâu tại đồng bằng Bắc Bộ vào thời ấy. Đó là vị trí nối
liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông
Thái Bình. Hai mạng lưới đường thủy này chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy
tại Bắc bộ Việt Nam. Qua con sông Hoàng, thuyền bè có thể tỏa đi khắp nơi, nếu
ngược lên sông Hồng là có thể thâm nhập vào vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ,
nếu xuôi sông Hồng, thuyền có thể ra đến biển cả, còn nếu muốn đến vùng phía
Đông Bắc bộ thì dùng sông Cầu để thâm nhập vào hệ thống sông Thái Bình đến tận
sông Thương và sông Lục Nam.
13. Thành Cổ Loa có những truyền thuyết nào?
Hiếm có tòa thành nào ở Việt Nam lại có nhiều truyền thuyết li kỳ,
hấp dẫn như thành Cổ Loa. Từ truyền thuyết định đô (truyền thuyết “Độc Nhãn
Long”), xây thành (“Sự tích thành Cổ Loa”) đến truyền thuyết về sự thất thủ
(truyện “truyện Nỏ thần”/“truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy) đều được dân gian lưu
truyền từ đời này sang đời khác như những kí ức không thể nào quên…
So với việc Lý Thái Tổ cùng bá quan văn võ thấy rồng vàng bay lên
ở thành Đại La, dời đô từ vùng Hoa Lư về đây, sau đặt là Thăng Long thì truyền
thuyết về việc An Dương Vương định đô xây thành hấp dẫn hơn rất nhiều.
Truyền thuyết xưa kể rằng, An Dương Vương lệnh cho các thầy địa lý tìm khắp cõi
Âu Lạc xem đâu có thế đất thịnh vượng để dựng kinh đô. Sau hàng tháng trời tìm
kiếm, các thầy báo về có một nơi được coi là đỉnh của vùng tam giác châu thổ
sông Hồng, là vị trí đắc địa bởi từ đây, có thể khống chế một vùng rộng lớn cả
đồng bằng lẫn sơn địa. Đó chính là Cổ Loa. Khi quyết định rời đô từ Phong Châu
(Lâm Thao - Phú Thọ) về, đoàn thuyền của vua chứng kiến cảnh chín con rồng quần
thảo một hòn ngọc lớn. Vua cho đấy là điểm lành nên chọn đúng nơi mà chín con
rồng quần thảo để xây chính điện (đền Thượng ở Cổ Loa bây giờ). Trong cuộc giao
long, một con rồng khỏe nhất chiếm lĩnh được hòn ngọc và ngậm vào mồm. Nhưng nó
cũng bị hỏng một mắt sau cuộc chiến đó. Bởi chính An Dương Vương đã dùng bảo
kiếm của mình chọc thủng mắt rồng để quy phục bản tính hung dữ của nó.
Sau khi xây xong, thành Cổ Loa sập chỉ trong một đêm, sau phải nhờ
sức thần mới diệt được gà trắng tinh mới có thể xây thành. Đó chính là “Sự tích
thành Cổ Loa”.
Rồi Truyền thuyết “Mỵ Châu – Trọng Thủy” là một trong những câu
chuyện có sức hấp dẫn được lưu truyền trong dân gian từ ngàn xưa. Đây cũng là
tác phẩm mang dấu ấn bi kịch sớm nhất trong văn chương dân tộc. Bên cạnh bài
học về việc cần đề cao cảnh giác với kẻ thù, tấm oan tình còn để lại những bài
học mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Bên cạnh đó, nước Giếng Ngọc (tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử
vì hối hận) nếu đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần. Nhân dân Cổ Loa cũng
cho biết, xưa kia chúng ta phải cống nước giếng Ngọc sang Trung Quốc để rửa
ngọc trai. Trong “Tang thương ngẫu lục” của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ thế kỷ
XVIII có chép về việc Nguyễn Công Hãng sang Trung Quốc bị tướng nhà Thanh đòi
nước giếng để rửa ngọc trai. Ông đã đứng đối giỏi mà phá được lệ đó.
14. Những nét văn hóa độc đáo tại Cổ Loa hiện nay?
Dân gian có câu: “Thứ nhất lễ hội Cổ Loa/ Thứ hai hội Gióng, thứ ba
hội Chèm”. Bắt đầu từ năm 1961, Lễ hội Cổ Loa được tổ chức vào ngày 6 tháng
Giêng âm lịch, tương truyền là ngày An Dương Vương lên ngôi hoàng đế. Làng Cổ
Loa gồm 12 xóm nhưng hội Cổ Loa là của chung một cụm tám làng (ngày trước gọi
là Bát Xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ
Loa, Xép. Cả 8 làng này đều thờ Thục Phán nên đều tham gia tổ chức hội. Lễ hội
là dịp để người dân địa phương nói riêng và người dân trên cả nước nói chung
tưởng nhớ công lao của vị vua đầu tiên của nước Âu Lạc.
15. Sự phản kháng của người Văn Lang
Lịch sử ít nhắc đến sự phản kháng của người Văn Lang đối với nhà
Thục. Tuy nhiên, chính sách cai trị của An Dương Vương khá chuyên chế và nhiều
cuộc phản kháng đã diễn ra. Việc thành Cổ Loa “xây rồi lại sập” nhiều lần không
phải là do nhà Thục không đủ kĩ thuật. Thực tế là kĩ thuật xây thành của nhà
Thục rất điêu luyện và công phu. Kiến trúc kiên cố của Loa Thành sau này với
thành cao, hào sâu, rộng, nhiều ụ, lũy và hàng vạn mũi tên đồng tìm được là
những minh chứng điển hình.
“Sự
tích thành Cổ Loa” viết thành sập là do “hàng vạn thiên binh thiên tướng” và
“gà trắng tinh quấy nhiễu”. Rõ ràng các sự việc trên là không có thật. Sự thật
chỉ có thể là do những nguyên nhân thực tế hơn. Đó là do người dân Văn Lang cũ
bất phục tùng lẫn phá hoại trong việc phải phục dịch để xây dựng cung điện cho
một bộ tộc khác. Bởi Loa Thành là một kiến trúc có sự phân biệt rạch ròi giữa
vua, quan, thường dân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Phong Châu, kinh đô của
các đời vua Hùng thì không có sự phân biệt lớn về điều này. Và dĩ nhiên, sự phu
phen, lao dịch nặng nề khiến cho người dân Văn Lang, nhân lực chủ yếu trong xây
thành vốn không quen với công việc này cảm thấy mình đang bị áp bức và cần nổi
dậy đấu tranh.
Chính vì vậy, sử thần Ngô Sĩ Liên sau này đã viết rằng: “An Dương
Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào
rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như
thế ư?”.
16. Dấu ấn Thục Phán An Dương Vương trong lòng người Việt cổ?
Dù Thục Phán là “anh hùng đánh bại quân Tần” thì vẫn không thể xua
tan tâm lý “bài ngoại” của cư dân Văn Lang vốn còn lưu giữ chế độ thị tộc rất
sâu sắc. Bởi Thục Phán là thủ lĩnh ngoại tộc bị nhà Tần dồn đuổi mới chạy xuống
vùng đất Văn Lang và đã cướp ngôi vua của Hùng Vương thứ mười tám. Những cuộc
chiến đã diễn ra giữa hai bên Hùng - Thục được miêu tả rất nóng bỏng và sinh
mạng của người Văn Lang đã bị tàn hại rất nhiều. Làm sao mối hận xâm lược có
thể nguôi ngoai trong lòng cư dân Văn Lang?
Đối với cư dân vừa thoái thai khỏi chế độ thị tộc và xuất hiện sự
hình thành dân tộc thì yếu tố ngoại lai thường gây ra sự khó chịu. Việc “bài
ngoại” và “đào thải” của cư dân Văn Lang cũ dưới thời Thục Phán không phải là
ngoại lệ. Thời Hai Bà Trưng, năm 40 - 43 SCN hai bà vẫn nhắc đến “nghiệp xưa họ
Hùng” chứ không phải nghiệp xưa nhà Thục và tên nước cũng là Lĩnh Nam (tên nước
cũ thời Lạc Long Quân). Chứng tỏ dấu ấn Thục Phán là rất ít ỏi trong lòng người
Việt.
Việc nhà Thục tung tin rằng Thần Kim Quy đến giúp sức xây thành,
cho lẫy làm “nỏ thần” và ở lại 3 năm chính là một thủ thuật gây “nhiễu” tâm lý
của lao dịch người Văn Lang trước khi sử dụng bạo lực áp chế họ xây thành và
cai trị họ. Việc hai cha con chủ quán và đám yêu tinh bị quân của An Dương
Vương giết chết trong truyền thuyết có thể là nghĩa quân của người Văn Lang bất
phục tùng vì lao dịch và sự cai trị của nhà Thục.
Chúng ta đã từng suy nghĩ là chiếc “nỏ thần” vào thuở ban đầu do
tướng Cao Lỗ làm ra chính là thứ vũ khí để áp chế dân chúng trước khi chống
Triệu Đà không?
Chính vì nền tảng quyền lực như vậy nên Thục Phán mới đa nghi với
nhân dân nhưng lại hòa hiếu với Triệu Đà để đến nỗi mất nước. Thậm chí đến con
gái mình cũng xem là “giặc”. Một sự bao biện đến kinh hoàng.
Tuy nhiên, xé lớp màn sương huyền hoặc đi thì ta sẽ có một kết
luận thú vị rằng: Đây lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một vị vua ngoại tộc
đã cai trị quốc gia dựa và niềm tin thánh thần của dân tộc khác và đã tỏ ra
thành công trong buổi ban đầu. Sau này, người Mông Cổ là một thí dụ điển hình
của thủ đoạn chính trị này. Áp chế được các dân tộc khác bằng quân sự, chính
trị nhưng lại phải sử dụng văn hóa của các dân tộc đó để dễ bề cai trị.
18. Mỵ Châu có phải là giặc?
Trong truyện “Mỵ Châu - Trọng Thủy”, khi Thục Phán - An Dương
Vương bị quân Nam Việt của Triệu Đà truy đuổi, thần Kim Quy đã nổi lên và nói:
“Giặc ở sau lưng nhà vua đó”. An Dương Vương nghe thấy liền rút kiếm chém đầu
Mỵ Châu.
Với hành động đó An Dương Vương rõ ràng đã xem con gái Mỵ Châu là
giặc. Nhưng đây là sự bao biện và cay cú của An Dương Vương khi thất trận. Đáng
tiếc là trong suốt hai ngàn năm, khi nhắc đến câu truyện này dân gian và kể cả
SGK lại thiêu diệt những điều hoang đường như ngọc trai biển Đông rửa tại Giếng
Ngọc (nơi Trọng Thủy tự vẫn) thì ngọc sáng bội phần để chứng minh cho tính
trong sạch của Mỵ Châu.
Thật ra, so với trách nhiệm của Mỵ Châu chỉ gói gọn một trong hai
chữ “lầm”, “vô ý” như nhà thơ Tố Hữu đã chỉ ra thì trách nhiệm của An Dương
Vương nặng nề hơn nhiều.
Bên cạnh đó, đặc trưng của Nhà nước xâm lược và lập quốc trên lãnh
thổ của một dân tộc khác thường không xem trọng ý thức quốc gia dân tộc cao độ.
Khi chọn nhân dân và quyền lợi, họ thường chọn quyền lợi cá nhân và dòng tộc. Chính
vì nền tảng quyền lực như vậy nên Thục Phán mới cai trị tàn khốc với nhân dân
nhưng lại hòa hiếu với Triệu Đà. Sau này các tướng của nhà Thục đều bị Trọng
Thủy gièm pha với An Dương Vương và họ đều bị giết chết hoặc đuổi đi. Tướng
thân thuộc đã vậy, huống gì là nhân dân, lực lượng chủ chốt để kháng chiến
chống ngoại xâm.
19. Trọng Thủy tự vẫn theo Mỵ Châu, có hay không?
Nam Việt diệt Âu Lạc năm 179 TCN. Theo truyền thuyết Trọng Thủy
cũng tự vẫn ngay sau khi diệt xong Âu Lạc. Nhưng theo sử sách ông có người con
tên là Triệu Hồ sau đó nhiều năm. Như vậy Trọng Thủy có chết theo Mỵ Châu khi
Âu Lạc mất nước hay không?
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Trọng Thủy có người con trai
là Triệu Hồ, sau này trở thành người nối ngôi Triệu Đà vào năm 137 TCN và
qua đời năm 124 TCN, thọ 52 tuổi. Như vậy Triệu Hồ sinh năm 175 TCN.
Với chứng cứ nói trên có thể xác định Trọng Thủy còn sống ít nhất
tới 174 TCN. Như vậy, không có chuyện sau khi diệt xong Âu Lạc, Trọng Thủy lại
tự vẫn theo Mỵ Châu như truyền thuyết được.
Bởi vậy, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của nhà
Nguyễn chỉ nhắc tới việc Trọng Thủy đi ở rể và tráo nỏ thần, không nói tới
việc ông tự vẫn chết theo Mỵ Châu.
20. Kiệng kỵ ở Cổ Loa hiện nay là gì?
Ở Cổ Loa hiện nay có tục kiêng nuôi gà trắng, tục đãi dâu không
đãi rể, tục kiêng tên Phán gọi chệch thành Phớn.
Những phong tục địa phương này còn mang nặng thái độ về luân lý
đạo đức. Chẳng hạn người dân địa phương biểu lộ thái độ khinh bỉ sự phản phúc
của Trọng Thủy trong tục đãi dâu không đãi rể như người con rể không được tự do
ăn nằm với vợ ở nhà bố mẹ vợ, người ta sợ rằng như vậy sẽ làm ăn xúi quẩy vì
quan niệm rằng chính vua Thục xưa quá tin Trọng Thủy cho ở rể nên sau này mất
nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét