Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

Vài ngộ nhận về Albert Einstein

Vài ngộ nhận về Albert Einstein
Bài viết “Vài Ngộ Nhận Về Albert Einstein” dưới đây, viết vào “Tháng 5,2017” của tác giả Nguyễn Xuân Xanh được đăng trên Diễn Đàn Forum (Paris) [i] gồm hai phần. Phần thứ nhất có chủ đề Khoa học (“Tranh cải quyền ưu tiên về Thuyết tương đối rộng giữa Einstein và Hilbert”) và Phần thứ nhì thuộc lãnh vực Tôn giáo (“Một phát biểu về Phật giáo được cho là của Einstein”). Chúng tôi chỉ đăng lại dưới đây Phần thứ nhì để bổ túc cho một bài viết cũng có mục đích tương tự. Đó là bài “Phật giáo với những ảo tưởng thời thượng” vốn đã được tác giả Trần Trọng Sỹ “Viết xong tại Paris, 24.04. 2017” và trang nhà Sách Hiếm phổ biến [ii] đúng một tháng sau (24.05.2017).
Không hẹn mà trong mùa Phật Đản năm 2017, những người quan tâm đến Einstein và Đạo Phật (nhất là Phật tử Việt Nam) đều được xác nhận rằng một số tuyên bố được cho là của nhà bác học Albert Einstein thật ra, cho đến năm 2017 nầy, không có nguồn gốc rõ ràng, thậm chí có trích dẫn (quote) còn tìm không ra nguồn.
Thái độ lương thiện trí thức của hai tác giả Nguyễn Xuân Xanh và Trần Trọng Sỹ thật đáng trân trọng, và phù hợp hoàn toàn với một trong những nội hàm của giáo lý nhà Phật: Đạo của Sự thật. Thật ra “sự thật” mà hai tác giả nầy phổ biến đã được giới nghiên cứu Phật học, ít nhất là tại Mỹ, biết từ lâu. Và cũng đã được thông báo và cảnh giác từ năm 2007, nghĩa là từ 10 năm trước, trên Internet.
Thật vậy, trên trang nhà Tricycle (một trong hai tạp chí nghiên cứu Phật học uy tín của giới học giả Mỹ, tạp chí kia là Shambhala) số 26.10.2007, sau một thời gian thảo luận sôi nỗi, đã có bài tổng kết “Einstein’s Quotes On Buddhism” [iii] của biên tập viên Philip Ryan. Ông đã kết luận bằng một cảnh báo: “Vậy thì dù những trích dẫn nầy có hấp dẫn và thú vị chăng nữa thì cũng nên cất chúng trong hộc tủ, hay ít nhất là đừng gán cho của Einstein, cho đến khi có ai đó có thể cho chúng ta biết nguồn gốc của chúng là từ đâu đến” (So these quotes, interesting and entertaining as they are, should be shelved, or at least have the Einstein attribution removed, until someone can tell us from whence they originally came.)
Đạo Phật đề nghị một con đường Giải thoát, mà trước hết là giải thoát khỏi sắc tướng. Đạo Phật không nương dựa vào thần linh, kể cả các “thần linh” khoa học cở Albert Einstein. Vì vậy, Phật tử chỉ nương dựa vào chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi. Nói như nhà Sư người Úc Shravasti Dhammika: ''Tôi là người theo Phật bởi vì tôi tìm thấy trong Chánh pháp một nền minh triết đầy đủ, nhân bản, đầy thuyết phục và thực tiễn cho đời sống, (nó) phù hợp với nhu cầu và sinh mệnh của tôi một cách tuyệt vời, chẳng phải vì nó đã đoạt được một giải thưởng rơm rác nào đó. Và cho dẫu có 500 người lãnh giải Nobel bầu cho nó là tôn giáo tồi tệ nhất thế gian thì điều đó cũng chẳng thể lung lạc niềm tin của tôi dù chỉ là một mili-mét'' (I’m a Buddhist because I have found the Dhamma to be a complete, humane, convincing and practical philosophy of life that suits my disposition and needs perfectly, not because it won a straw poll. And even if 500 Nobel Prize winners voted it the worst religion in the world that wouldn’t shake my conviction one millimetre) (http://sdhammika.blogspot.fr/).
Cước chú:
[i] https://www.diendan.org/
[ii] http://sachhiem.net/
[iii] https://tricycle.org/
VÀI NGỘ NHẬN VỀ ALBERT EINSTEIN
Có nhiều ngộ nhận về Albert Einstein. Trên mạng, nhiều sự gán ghép, nhái giọng văn ông, và được lan truyền mà không ai biết rõ nguồn gốc, như thể do chính Einstein nói. Vào các quán chay Việt Nam, người ta thấy trong danh sách các danh nhân ăn chay trường có cả Einstein. Hoặc Einstein là người thuận tay trái. Những chuyện đó không đúng sự thật. Einstein chỉ ăn kiêng theo yêu cầu của bác sĩ trong những lúc ông bệnh cần kiêng cữ, chứ không ăn chay trường, không có quyển sách nào viết về điều đó, cũng như viết về sự thuận tay trái của Einstein cả. Ngược lại có những tấm ảnh tư liệu cho thấy Einstein cầm bút tay phải, như một minh họa dưới đây.
Nhưng trong bài này, có hai sự ngộ nhận lớn mà chúng tôi muốn đề cập đến, một liên quan đến khoa học, về nghi vấn Hilbert là người đến đích trước, hay cùng lúc với Einstein, trong cuộc chạy đua thiết lập các phương trình trường của thuyết tương đối rộng vào năm 1915. Và thứ hai, liên quan đến tôn giáo, đến một phát biểu “rất Einstein” về Phật giáo từ lâu được lưu truyền và cho là của Einstein. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần làm sáng tỏ...
(2) Một phát biểu về Phật giáo được cho là của Einstein
Ngộ nhận thứ hai xoay quanh một phát biểu liên quan đến Phật giáo được lưu truyền rất lâu trên mạng, được xem như là phát biểu chính thức của Einstein mà không có nguồn gốc rõ ràng, chỉ thấy trích qua trích lại. Một phiên bản của lời trích này là:
Phật giáo có những tính chất đặc trưng của một học thuyết được chờ đợi trong (khuôn khổ) một tôn giáo vũ trụ cho tương lai: nó vượt lên một đấng Thiên Chúa có hình người, tránh được các giáo điều và thần học; nó bao trùm cả hai phần, tự nhiên và tâm linh; nó được xây dựng trên ý thức tôn giáo với niềm khao khát muốn trải nghiệm tất cả mọi thứ, tự nhiên và tâm linh, như một sự thống nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng các tính chất này. Nếu có một tôn giáo đáp ứng những nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.
Đó là phiên bản gần đây nhất mà vào một ngày nọ tháng 3 năm 2014, GS Cao Huy Thuần ở Paris “báo động” cho tôi biết rằng nó nằm trong quyển sách Perry Garfinkel, Buddha or Bust, nxb Harmony, 2007, trang 15. Nguyên văn tiếng Anh ở đó:
Trích dẫn nguồn gốc đây rồi! Nhưng lại rất ngạc nhiên, vì tôi đã đọc quyển sách The Human Side từ lâu, nhưng đâu thấy đoạn trên ở đâu. Quyển The Human Side gần đây cũng đã được dịch sang tiếng Việt, dưới tên Albert Einstein, Mặt Nhân Bản, mọi người có thể tham khảo:
Perry Garfinkel là một nhà báo không phải vô danh, ông viết cho nhiều tờ báo lớn, trong đó có New York Times. Quyển Buddha or Bust được giới thiệu trên trang bìa là một “National Bestseller”, và bên trong có trích lời khen của Đức Dalai Lama, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, của tờ The Boston Globe, và vài nhân vật khác. Đoạn trích dẫn trên thực ra không liên quan gì đến nội dung chính của quyển sách mà các lời khen có lẽ đã dành tặng. Nhưng ai đọc câu trích dẫn của Einstein cũng sẽ có ấn tượng mạnh. Sự không đúng thật này sẽ tiếp tục lan tỏa, và người đọc sẽ không biết rằng đoạn trích dẫn nói trên là không có thật.
Tôi cũng đã từng lùng sục nhiều sách vở viết về Einstein, đặc biệt những quyển sách viết chuyên về quan điểm tôn giáo của ông, như quyển Max Jammer, Einstein and Religion, để tìm dấu vết ý tưởng trên, nhưng tuyệt nhiên không thấy câu nói nào của Einstein có nội dung giống như thế. Tôi cũng liên lạc với Kho lưu trữ Albert Einstein của Đại học Hebrew ở Jerusalem là nguồn thông tin phong phú nhất. Nhưng họ cũng không biết có phát biểu nào như thế của Einstein.
Einstein ngưỡng mộ Phật giáo, điều đó chắc chắn. Ông có một phát biểu trong quyển sách Thế giới như tôi nhìn của ông như sau, và có lẽ đây là “cảm hứng” cho ý tưởng trên của Garfinkel:
Mạnh mẽ hơn nhiều là các yếu tố mang tính tôn giáo vũ trụ trong Phật giáo, những điều mà các tác phẩm tuyệt vời của Schopenhauer đã dạy cho chúng ta. Các thiên tài tôn giáo của mọi thời đại đều được đặc trưng bởi tính tín ngưỡng vũ trụ (cosmic religiosity), tính chất không hề để ý đến các giáo điều hay một Thiên Chúa được tạc theo hình ảnh của con người.
(Bài Tôn giáo và Khoa học)
Hoặc trong Mặt Nhân Bản, tr. 73:
Thời đại chúng ta được làm cho khác biệt bởi những thành tựu tuyệt vời trong những lĩnh vực hiểu biết khoa học và ứng dụng kỹ thuật của những nhận thức sâu sắc đó. Ai mà không vui sướng bởi điều này? Nhưng đừng quên rằng, chỉ tri thức và kỹ năng thôi không thể dẫn dắt loài người đến một cuộc sống hạnh phúc và có phẩm giá được. Những người khai sinh ra các chuẩn mực và giá trị đạo đức cao quý luôn xứng đáng được nhân loại đề cao hơn những người khám phá ra chân lý khác quan… Những gì nhân loại chịu ơn những nhân cách như Đức Phật, Moses và Jesu đối với tôi còn cao hơn tất cả thành tựu của những bộ óc khám phá và phát minh.
Chúng ta phải bằng hết sức mình bảo vệ và giữ cho sống mãi những gì mà những con người thiêng liêng này đã trao tặng chúng ta, nếu nhân loại không muốn đánh mất phẩm giá, sự tồn tại yên bình và niềm vui trong cuộc sống. (1937)
Tôi rất mong, ai tìm được nguồn gốc trích dẫn liên quan đến Phật giáo nói trên xin vui lòng xác nhận giùm, như nguồn trích dẫn của nó, Einstein đã phát biểu trong dịp nào, hay trong thư viết cho ai, và ngày tháng năm nào để mọi người có thể truy lại trong The Collected Papers of Albert Einstein. Cho tới lúc đó, chúng ta vẫn nên hiểu rằng trích dẫn trên, hay những trích dẫn có nội dung tương tự, rất tiếc, là chưa đúng sự thật. Chúng ta không muốn làm gì hơn là tìm về sự thật.
Trước khi kết thúc, tôi xin kể thêm ý tưởng sau đây của một người khác nói về Phật giáo và khoa học. Vị viện trưởng người Anh, Greg Whitefield, của Viện Phật học Rangjung Yeshe Institute ở Nepal, được thành lập từ 2002 bởi vị lama Tây Tạng Tulku Chokyi Nyima Rinpoche. Ông viết: “Tôn giáo tương lai của nhân loại sẽ được dựa lên các định luật khoa học. Phật giáo là rất khoa học vì nó dựa lên các định luật nhân quả.”
Chưa biết tương lai như thế nào, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói vế thứ hai. Đức Phật dạy thuyết nhân-quả đã mấy ngàn năm. Nhưng trong lãnh vực y học, thuyết này thực sự mới thắng lợi trọn vẹn trong cuộc cách mạng vĩ đại do Louis Pasteur và Robert Koch dẫn đầu trong thập niên 1880, nghĩa là mới khoảng 150 năm trước thôi, khi hai người khổng lồ này chứng minh bằng khoa học rằng các bệnh đều do các vi sinh vật nhỏ bé gây ra mắt thường không nhìn thấy. Có mầm bệnh mới sinh ra bệnh (Koch), cũng như có vi sinh vật mới có những quá trình như lên men, hay thối rữa (Pasteur). Hằng loạt mầm bệnh được phát hiện, như bệnh than, bệnh lao, dịch tả, dại, bạch hầu v.v... cùng với các liệu pháp điều trị. Điều đó ngày nay được xem là hiển nhiên, nhưng hàng ngàn năm nhân loại đã không thể chứng minh được. Có lẽ đó là sự khẳng định cuối cùng của thuyết nhân quả trong thế giới khoa học, chấm dứt mọi tư biện thần bí. Xin xem chi tiết về cuộc cách mạng y học này trong quyển sách sắp tới có tên “Pasteur-Koch. Cuộc đọ sức giữa những người khổng lồ trong thế giới vi sinh vật” của NXB Tổng hợp Thành phố.
 Tháng 5, 2017
Nguyễn Xuân Xanh
Nguồn trích: http://hoangnamgiao.blogspot.com/
Theo http://www.daophatngaynay.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...